Hải Di Nguyễn: “Tột cùng của sự khắc khổ”: câu chuyện những phụ nữ trong gia đình bà Cấn Thị Thêu

Từ trái qua: anh Trịnh Bá Tư, anh Trịnh Bá Phương, bà Cấn Thị Thêu.

Trong gia đình tù nhân lương tâm Cấn Thị Thêu (sinh năm 1962), ba người đang bị cầm tù: bà 8 năm tù, 3 năm quản chế; con trai Trịnh Bá Phương (sinh năm 1985) 10 năm tù, 5 năm quản chế; con trai út Trịnh Bá Tư (sinh năm 1989), 8 năm tù, 3 năm quản chế.

Còn lại chủ yếu là người già, phụ nữ, và trẻ con.

Khi một người bị cầm tù, người khổ không chỉ là họ mà còn gia đình, còn chồng, còn vợ, còn con nhỏ.

Nhân việc Ủy ban Xóa bỏ Phân biệt Đối xử với Phụ nữ (Committee on the Elimination of Discrimination against Women—CEDAW) sẽ có buổi họp mặt với các tổ chức phi chính phủ về Việt Nam vào tháng 2/2024, tôi phỏng vấn chị Trịnh Thị Thảo (con bà Cấn Thị Thêu, em gái anh Trịnh Bá Phương và chị gái anh Trịnh Bá Tư) và chị Đỗ Thị Thu (vợ anh Trịnh Bá Phương) ngày 16/1/2024.

Mọi thứ xáo trộn khi ba người bị bắt

Năm 2014, bà Cấn Thị Thêu đã lãnh án tù 15 tháng cùng chồng, ông Trịnh Bá Khiêm, với tội “Chống người thi hành công vụ” vì phản đối cưỡng chế đất ở Dương Nội, Hà Nội.

Năm 2016, bà bị 20 tháng tù với tội “Gây rối trật tự công cộng”.

Nhưng đến năm 2020, vì lên tiếng về vụ án Đồng Tâm, bà Cấn Thị Thêu và hai con trai bị bắt, đảo lộn cả gia đình.

Chị Trịnh Thị Thảo khi đó đang sống ở Dương Nội, làm kho cho một công ty nội thất, và phải chuyển về Hòa Bình để chăm nom vườn bưởi của gia đình. 

“Làm nông nghiệp rất vất vả.”

Trong video  tôi phỏng vấn chị Trịnh Thị Thảo cho BBC News Tiếng Việt, đăng ngày 18/10/2022, chị kể “Thời gian đầu, con thứ hai của tôi 4 tuổi, tôi có cho con tôi xuống với tôi trước một thời gian, trước khi chị nó nghỉ hè. Nhà tôi trồng bưởi, tôi phải đi tưới bưởi, mà có một mình tôi, nó rất sợ vì dưới này không có người mà cây cối rậm rạp um tùm. Nó khóc rất nhiều, tôi vẫn phải để con khóc trong nhà và đi làm ngoài vườn.” 

Cuộc sống chị Đỗ Thị Thu cũng bị đảo lộn, và càng khó khăn hơn vì mất đi trụ cột gia đình. Khi anh Trịnh Bá Phương bị bắt, đứa con thứ hai chỉ mới 4 ngày tuổi.

Chị và hai con phải chuyển về nhà bà ngoại, và hiện giờ sống ở Hà Nội, làm việc của chồng là bán cua đồng.

Bà Cấn Thị Thêu bị “đày ải vô cùng” khi bị tạm giam

“Trong thời gian mẹ tôi bị tạm giam tại công an tỉnh Hòa Bình, mẹ tôi bị giam chung với người nhiễm HIV. Họ đày ải mẹ tôi vô cùng, gọi là tột cùng của sự khắc khổ”, chị Trịnh Thị Thảo nói ngày 16/1/2024. 

“Trong phòng giam 7 mét vuông mà họ giam tới 13 người. Mà trong phòng giam nóng, chật chội, không có quạt điện, không có lỗ thoáng để thở. Mà nhiệt độ ở trại tạm giam công an tỉnh Hòa Bình, mùa hè lên đến 50 độ. Đó là một trong những nơi nắng nóng nhất của miền bắc.”

Chị nói công an tỉnh Hòa Bình “không cho mẹ tôi nhận quần áo gia đình gửi vào. Mẹ tôi đã phải thay quần áo ra, mẹ tôi giặt, rồi mặc quần áo ướt trong vòng một tuần. Trong tuần đầu tiên, mẹ tôi không được cấp nước sạch để uống, mà phải uống nước dùng trong sinh hoạt… Nói chung họ đày ải vô cùng khắc nghiệt trong thời gian tạm giam đấy.”

Bị “cô lập” ở nhà tù Thanh Hóa

Chị Trịnh Thị Thảo cho biết “Thời gian đầu ra trại thi hành án, trại 5 Thanh Hóa, họ có cô lập mẹ tôi. Họ giam mẹ tôi riêng một khu, khu cho những người bị kỷ luật. Họ không cùm chân, nhưng họ gần như kỷ luật mẹ tôi, để khủng bố tinh thần, không cho mẹ tôi tiếp xúc một ai.”

Tuy nhiên, bà Cấn Thị Thêu hiện nay được giam chung với một số tù nhân chính trị ở trại 5 Thanh Hóa.

Xử anh Trịnh Bá Phương: vợ và em gái không được tham dự

Chị Đỗ Thị Thu nói “Phiên tòa sơ thẩm của chồng tôi, ngày 14/12/2021, tôi không được ra khỏi nhà. Họ canh ở cổng và đặt chốt ở ngoài ngõ, không cho tôi đi đâu cả. Khi tôi vừa trốn ra đến cách cổng phiên tòa vài trăm mét, họ nhìn thấy tôi, họ huy động mấy chục công an đuổi bắt tôi, đưa tôi về phường.”

Chị Trịnh Thị Thảo cho biết “Phiên phúc thẩm của anh Phương, chúng tôi cũng bị dồn hết, họ không cho đến gần phiên tòa… Chị Đỗ Thị Thu bị một viên an ninh tát vào mặt.”

Họ cũng không được tham dự phiên xử sơ thẩm bà Cấn Thị Thêu và anh Trịnh Bá Tư. Chị Trịnh Thị Thảo nói “khi đến cổng tòa án, rất đông công an và an ninh xốc nách chúng tôi đến giam trong một trạm y tế, từ lúc bắt đầu, chúng tôi đến đó độ 8 giờ, đến khi kết thúc phiên tòa họ mới thả chúng tôi ra.”

Chia cắt, mỗi người một nơi

Chị Đỗ Thị Thu (trái) và chị Trịnh Thị Thảo trên đường đi thăm người thân. 
Chị Trịnh Thị Thảo cùng con lớn của anh Trịnh Bá Phương trên đường đi thăm anh Phương ngày 12/1/2024 (chúng tôi làm mờ ảnh để bảo vệ trẻ em). 

“Gia đình có 5-6 người, đến 3 người bị bắt, ăn Tết cũng không thấy ngon nên chả sắm sửa gì,” chị Đỗ Thị Thu nói. “5-6 người, người thì ở Hà Nội, người thì ở Hòa Bình, người thì ở Thanh Hóa, người Nghệ An.”

Bà Cấn Thị Thêu và anh Trịnh Bá Tư bị giam ở trại 5 và trại 6 Thanh Hóa, còn anh Trịnh Bá Phương ở xa nhất—ở trại An Điềm, Nghệ An.

Chị Trịnh Thị Thảo nói “Từ nhà tôi ở Hà Nội đến trại An Điềm, Quảng Nam là gần 1000 cây số.” Chị nói đi xe khách mỗi vòng 12-13 tiếng đồng hồ để được gặp một tiếng, đôi khi chưa tới một tiếng.

Ngày 12/1/2024, chị đi thăm anh Trịnh Bá Phương cùng con trai lớn của anh, bây giờ 5 tuổi rưỡi. Hai đứa nhỏ chỉ được gặp bố vài lần trong ba năm rưỡi đó vì đường quá xa.

Chị Đỗ Thị Thu kể “Hai đứa nhà tôi, khi hỏi thì đứa nào cũng bảo con yêu bố, con nhớ bố. Nhưng khi gặp bố rồi thì đứa nào cũng ngại… Đứa thứ hai còn không muốn cho bố bế.”

Vì ở xa, họ chỉ đi thăm anh Trịnh Bá Phương khoảng ba lần mỗi năm và luân phiên nhau, lúc người này đi, lúc người khác đi.

Bị chia cắt, họ càng lo lắng khi nghe tin người nhà bị phạt trong tù, như khi anh Trịnh Bá Tư bị cùm chân vào tháng 9/2023.

Cuộc sống hiện nay

Chị Đỗ Thị Thu nói “Những người lao động chính trong gia đình—đàn ông—bị bắt hết rồi. Tôi một mình ở Hà Nội, đầu năm và giữa năm đi bán cua. Cuối năm tôi đi bán bưởi…. Công việc rất nặng nhọc nhưng nhà cũng chẳng còn ai, nên hai chị em phải gồng gánh bán bưởi.”

Tuy nhiên, họ được nhiều người đến mua bưởi ủng hộ gia đình, và được niềm an ủi là người thân vẫn vững tinh thần. 

“Mẹ tôi không thay đổi gì cả. Mẹ tôi luôn kiên định, vững vàng, mạnh mẽ, không bao giờ thỏa hiệp trước chế độ cộng sản,” chị Trịnh Thị Thảo nói. Được hỏi về lần gặp anh Trịnh Bá Phương vào tháng 1/2024, chị nói “Anh Phương khỏe mạnh, tinh thần luôn lạc quan, vững vàng.”

Hải Di Nguyễn