Hoàng Đình Tạo: Hezbollah

Nhóm chiến binh Hezbollah của Lebanon tiến hành tập trận tại làng Aaramta ở Quận Jezzine, miền nam Lebanon, ngày 21 tháng 5 năm 2023.

I. BỐI CẢNH LEBANON 

Là thuộc địa của Pháp 23 năm, sau khi độc lập năm 1943, hệ thống chính trị Lebanon thiết lập giới lãnh đạo bởi 3 tôn giáo lớn, đại diện trong xã hội Lebanon:

Maronite   :  Kitô giáo, giữ chức tổng thống.

Shiite         :  Hồi giáo, giữ chức chủ tịch quốc hội.

Sunni         :  Hồi giáo, giữ chức vụ thủ tướng.

Tuy nhiên không giải quyết được sự khác biệt, nên đã lâm vào cuộc nội chiến từ 1975 – 1990; lôi kéo cả Syria và Israel dấn thân vào, làm cả trăm ngàn người chết.

Syria rút quân năm 2005, tiếp theo sau vụ ám sát thủ tướng Rafiq Harari, nhưng giữa Israel và Hezbollah vẫn còn tiếp tục đánh nhau từ 2006 trở đi.

Từ khi sự thù địch gia tăng giữa Hezbollah và các nhóm tôn giáo khác, cụ thể là Sunni và Maronite Christian, sự quân bình chính trị đặc biệt của quốc gia bị mất đi, làm gia tăng sự khó khăn thoả hiệp chính trị; nhất là chức vụ tổng thống.

Hơn thế nữa, Lebanon bây giờ đang chiến tranh ủy nhiệm từ Iran qua Hezbollah. Còn Arab Saudi thì hỗ trợ cho Thủ tướng Saed Harri, cùng các chính trị gia Sunnis. 

Kinh tế xã hội Lebanon cũng bi đát. Bị nội chiến, khoảng 1,5 triệu người tỵ nạn, làm thiệt hại lây ngành du lịch. Là quốc gia cao thứ 3 về tỷ lệ nợ so với nền kinh tế. Và tỷ lệ cao nhất về người tỵ nạn so với dân số.

Mặc dù chính quyền Lebanon đứng ngoài chiến tranh, nhưng khi Hezbollah tham gia vào nội chiến với Syria rồi đến Israel; đã làm nổi lên vấn đề biên giới giữa Israel – Lebanon, mà Hezbollah chiến đấu với 2 mục tiêu song hành.

Tháng 10 năm 2019, một sự phản đối lan rộng bùng nổ ở Lebanon vì đình trệ kinh tế và tham nhũng. Người biểu tình từ tất cả các tôn giáo, kêu gọi cải tổ hệ thống chính trị, cần phải xoay lưng lại với tôn giáo. Kết quả là sự từ chức của thủ tướng và nội các. Tuy nhiên, dịch COVID đã ngăn cản bước cải tổ. 

Đã vậy, nghèo còn gặp khó; tháng 8, 2020, đã xảy ra một vụ nổ lớn ở Port of Beirut;  thiệt hại 15 tỷ mỹ kim, 300 ngàn người vô gia cư, và một lần nữa chính phủ lại từ chức. Cuộc điều tra bị chính trị hoá, Shiite, Hezbollah, Amal (một đảng chính trị nhỏ thuộc Hồi giáo), đã cản trở cuộc điều tra và thẩm phán bị đe dọa.

Thiệt hại sau vụ nổ ở Beirut, tháng 8. 2020.

Do vậy, Lebanon khủng hoảng tài chánh trầm trọng, xù nợ Âu châu, lạm phát 270%, 1 mỹ kim ăn 100 ngàn đồng tiền Lebanon. Dân chúng đói nghèo khổ sở mọi mặt.

Sau khi tổng thống Michel Aoun chấm dứt nhiệm kỳ, quốc hội không thể bầu được tổng thống mới, tuy đã qua đến 12 lần bỏ phiếu. Và ghế tổng thống vẫn bỏ trống cho đến nay.

Tháng 6, 2023; toàn dân lại nổi lên biểu tình và tháng mười, mặt trận Hezbollah-Israel (nam Lebanon và bắc Israel) vùng biên giới nổ lớn vì Hezbollah đã ủng hộ Hamas ở vùng Gaza.

Để bảo vệ Israel, Hoa Kỳ đã gởi hàng không mẫu hạm và khu trục hạm đến Địa Trung Hải. Hai tàu chiến này không có lệnh đánh phá Hezbollah, nhưng lãnh tụ của nhóm khủng bố này là Hussan Nasrallah, đã tuyên bố: “chống lại kẻ thù đế quốc vô thời hạn”.

Tháng 10, năm 2023, hơn 1,700 hoả tiễn nã vào Israel, giết 15 người dân và bị thương 150 người. Còn người dân Lebanon 158 người bị chết, 686 người bị thương.

Tháng 1, năm 2024, Israel oanh kích văn phòng Hamas ở Beirut, giết 7 người, trong đó có chánh văn phòng Hamas là Saleh Al Arouri.

Tháng 2, năm 2024; chiến tranh giữa Israel và Hezbollah đã làm 90 ngàn người dân Lebanon dời nơi cư trú.

Các tay súng Hezbollah ở miền nam Lebanon, tháng 5.2023

II. SỰ NHÚNG TAY CỦA IRAN

Kể từ cách mạng Hồi Giáo đến nay đã 5 thập niên, Iran đã thành lập và mở rộng đồng minh trong các lực lượng khủng bố toàn vùng Trung Đông.

Lực lượng tinh nhuệ Qads Forces đóng vai trò chính trong việc liên lạc với các nhóm này như huấn luyện, tài chánh, võ khí, tình báo… để hỗ trợ những mục tiêu của Iran.

Những tay súng Shiite từ những quốc gia Hồi giáo chiếm đa số, như Iraq, Lebanon đều được xem là uỷ nhiệm của Iran. Nhưng những nhóm Palestine mà Sunnis chiếm đa số ở Syria, Yemen cũng được thành lập và kết hợp với Iran. 

Trung tâm của mạng lưới loại này là Hezbollah. Là một đảng chính trị và dân quân võ trang còn vô danh trong vấn đề khủng bố, nhưng nay đã giúp Iran bắc cầu nối đoàn kết giữa Shiite Arab và vùng vịnh Ba Tư.

Những nhóm này hành động trên danh nghĩa Iran tấn công Hoa Kỳ với hy vọng sẽ đi xa hơn một khi mở rộng được mạng lưới, và sẽ mang lại cho vùng Trung Đông một toàn cảnh đồng nhất, loại trừ ảnh hưởng phương Tây.

Nhưng trách nhiệm thì Iran không phải chịu vì đã uỷ nhiệm cho các nhóm khủng bố.

Trước ngày 7 tháng mười năm 2023, tin tức cho biết có sự hợp tác tay 3: Iran – Hamas – Hezbollah. Trong mùa hè, các lãnh đạo Hamas đã thăm Iran. Chỉ vài ngày trước, Iran gặp lãnh tụ Hamas và Hezbollah tại Beirut. Ali Khamenei (lãnh tụ tối cao của Iran) đã gặp Ismail Haniyeh (lãnh đạo chính trị của Hamas lúc bấy giờ) và cùng tuyên bố ủng hộ Palestine chống lại Zionism.

Theo quan điểm thần quyền Cộng Hoà Hồi giáo Iran, thì Hoa Kỳ là “Đại Quỷ”; Israel và Hồi Giáo Sunnis là 2 “Tiểu Quỷ”. Đây là 3 kẻ thù chính.

“Trục Kháng Chiến” mang cái tên có vẻ phòng thủ, nhưng trên thực tế chiến lược của chủ nghĩa Cộng Hoà Hồi Giáo Iran xây dựng trên lòng căm thù Israel và phương Tây. Lòng căm thù là chất xúc tác để kết dính các nhóm trong “trục kháng chiến”, từ Hezbollah, Hamas, Houthis, đến những nhóm Hồi Giáo thuộc Shiite ở Afghanistan, Iraq, Palestine hệ phái Sunnis.

Theo nhà địa chính trị Fabrice Balanche, chuyên gia về Trung Đông, là giảng viên cao cấp trường Đại Học Lyon 2 …“thì Iran còn biết khai thác dựa vào cộng đồng Shiite, một nhóm cộng đồng Hồi giáo bị áp bức khắp nơi trên thế giới, để thành lập dân quân võ trang cho mình hầu bành trướng về phía Đông”.

“Những khó khăn đó càng kéo dài và trầm trọng, thì những cộng đồng này ngày càng dựa vào Iran. Nếu từ chối sự bảo vệ của Iran, thì cộng đồng Shiite sẽ bị Sunnis tấn công trả thù như chúng ta đã thấy trong nội chiến Syria, cộng đồng Alawite là mục tiêu bị tấn công trước tiên của phe thánh chiến và phe nổi dậy Sunnis”.

Thêm vào đó, Iran tránh được đụng đầu trực tiếp với kẻ thù vượt trội về quân đội và võ khí, như chúng ta đã thấy trong cuộc xung đột giữa Iraq – Iran trong những năm 1980s, là dời biên giới ra xa hơn, nếu có chiến tranh thì ngoài biên giới của Iran.

Lực lượng al Qads của Iran được chia làm 4 quân đoàn:

– Ramazan : bao gồm Iraq

– Rasulallah : bán đảo Ả Rập 

– Levant : bao gồm Syria, Lebanon, Palestine, Jordan, Israel 

– Ansar  : bao gồm Afganistan, Pakistan, Trung Á.

Trung tướng Qassem Soleimanie là nhà kiến trúc cho chiến lược xuất khẩu cách mạng Hồi Giáo ra khắp thế giới. Trong khi lập kế hoạch tấn công đại sứ quán Hoa Kỳ tại Iraq thì bị ám sát năm 2020. 

Từ trái: Lãnh tụ tối cao Ayatollah Ali Khamenei, Tổng thư ký Hezbollah Hassan Nasrallah và Tư lệnh Lực lượng Qods Qassem Soleimani. Hình chụp năm 2019.

III. SỰ HÌNH THÀNH TỔ CHỨC 

           HEZBOLLAH 

A — LỊCH SỬ 

Nội chiến Lebanon bắt đầu 1975, 3 năm sau đó, Organization Liberation of Palestine (Organization Liberation of Palestine) chiếm hầu hết miền nam Lebanon nhằm xây dựng quân đội để tiêu diệt Israel.

Israel tấn công qua biên giới, 1982, phá tan căn cứ Palestine và chiếm đóng nam Lebanon. Israel thiết lập dân quân Kitô giáo làm ủy nhiệm, được gọi là South Lebanon Army (SLA) để giữ đất. Một dải đất nhỏ chạy theo biên giới Israel, được gọi là “ Security Zone”.

Lebanese Shiite muốn tập trung lực lượng để chiến đấu chống lại sự chiếm đóng của Israel. Lực lượng ấy được gọi là Hezbollah (Đảng của Thượng Đế), năm 1982, và được tổ chức lại 1985.

Năm 1982, hàng trăm thành viên “Lực Lượng Bảo Vệ Cách Mạng Hồi Giáo” (Islamic Revolutionary Guard Corps, viết tắt IRGC) di chuyển sang Lebanon, đóng căn cứ ở thung lũng Bekaa, và huấn luyện nhóm Lebanon Shiite. Các nhóm Hồi Giáo như Amal, Dawa cũng được huấn luyện.

Sự chiếm đóng của Israel dẫn đến cuộc kháng chiến chống Israel, và đạt đến tối hậu thư nhanh chóng. Cả Syria, Iran cũng dấn thân vào cuộc chiến tranh du kích. Với địa hình nam Lebanon đồi núi, rừng cây là môi trường lý tưởng cho du kích chiến.

Mới đầu Hezbollah dùng chiến thuật biển người như Iran đã dùng trong chiến tranh với Iraq, và vì có một số thành viên Hezbollah đã tham chiến chung ngày xưa với Iran. Thêm vào đó Hezbollah cũng tổ chức những cuộc đột kích nhỏ quấy rối nhưng không chủ tâm giữ đất. Hezbollah cũng lên kế hoạch bắt cóc, ôm bom tự sát, cướp phi cơ.  Ban đầu có vẻ thành công, nhưng về sau tổn thất nặng và phản tuyên truyền.

CIA trong bản phúc trình về vấn đề “Lãnh Tụ và Kế Tục“, cho rằng Hezbollah không hiện thực. Vì lãnh tụ nằm ở Beirut, lệnh đưa ra qua nhiều Imans mà họ ở xa tiền tuyến. Còn cấu trúc quân sự thì tách rời trách nhiệm. Do đó, CIA chỉ đánh giá như “phong trào giải phóng tả khuynh”.

Còn Israel cho là “một nhóm giẻ rách”, luôn luôn thất bại. Chiến thuật nghèo nàn, và tài tử. Hezbollah chỉ tập hợp những hành động vô kỷ luật của người thất vọng hơn là lực lượng quân sự.

Theo Mireille Rebeiz, trong bài phân tích “The Conversation”, thì cho rằng Hezbollah được thành lập năm 1985 (có tài liệu cho rằng thành lập 1982). Là phong trào kháng chiến Hồi Giáo Shiite, noi theo nhà nước Cộng Hoà Hồi Giáo Iran để lập nhà nước Hồi Giáo ở Lebanon. Ý nghĩa của tên gọi là Đảng Của Thượng Đế.

Hezbollah tuyên bố trung thành lãnh tụ tối cao của cách mạng Iran: Ruhollah Musavi Khomeini. Chống Israel chiếm đóng lãnh thổ Lebanon.

Hiệp định Taif  ký kết năm 1989, các nhóm vũ trang bị giải giới, nhưng trừ nhánh quân sự của Hezbollah (hiệp định này nhằm chấm dứt nội chiến và đưa tình hình chính trị trở lại bình thường ở Lebanon)

Theo Lina Khatib, nhà nghiên cứu về trung đông tại Chathamhouse thì không lực lượng vũ trang hay chánh trị nào ở Lebanon sánh bằng Hezbollah.

Đến năm 1992, Hezbollah phát triển một nhánh chính trị, dấn thân vào chính trường, chiếm được 12/128 ghế quốc hội Lebanon.

Nhờ vậy, nhiều đảng phái liên minh với Hezbollah, tuy có thể không cùng lập trường, hay ủng hộ Iran; nhưng có lập trường chung là chống Israel, vì Hezbollah là lực lượng chính nhận nhiệm vụ này.

Nhờ có chân trong quốc hội, Hezbollah có thể kiểm soát quốc hội để phủ quyết những đạo luật bất lợi cho mình; nhất là khi Lebanon luôn ở trong tình trạng “rắn mất đầu” từ 2005. 

Chủ tịch quốc hội Nabih Berri là người hồi giáo Shiite, rất trung thành với Hezbollah, nên đã từ chối triệu tập quốc hội để bầu tổng thống cho đến khi có người được Hezbollah chấp thuận.

Mặc dù không phải là đảng cầm quyền, không đại diện cho nhà nước Lebanon, nhưng Hezbollah đã khôn khéo không để Lebanon bị quốc tế chế tài. Và đứng trong bóng tối, không giải quyết trực tiếp cho nhu cầu dân chúng, nên không bị chỉ trích trực tiếp.

Ngoài chính trị và quân sự, Hezbollah tổ chức  các công tác thiện nguyện phục vụ xã hội, văn hóa, cộng đồng; nhất là cho nhóm Shiite bị kỳ thị trong xã hội Lebanon.

Nasrallah nói rằng: “Ngân sách của Hezbollah, từ thức ăn đồ đến võ khí, hoả tiễn, quân trang quân dụng..v ..v tất cả đều đến từ Cộng Hoà Hồi Giáo Iran”.

Thêm vào đó, nhờ sự yểm trợ của Iran, Hezbollah nhúng tay vào những việc bất hợp pháp như rửa tiền, buôn ma tuý…

B — PHÁT TRIỂN 

Mặc dù có nhiều khuyết điểm, nhưng Hezbollah vẫn tiếp tục phát triển. Năm 1986, CIA đã so sánh Hezbollah với quân đội của chính phủ Lebanon.

Từ vài trăm thành viên 1983, lên 2- 3 ngàn 1984, rồi tăng vài ngàn 1985, giữa 1986 là 5 ngàn thành viên. Lúc này, nếu tính con số thì Hezbollah ít hơn Amal, nhưng ảnh hưởng sâu rộng trong quần chúng thì Hezbollah có phần vượt trội. Vì tổ chức Amal có khuynh hướng ôn hoà, nên nhiều thành viên rời sang Hezbollah.

1988 là năm thảm họa cho Hezbollah. Đánh nhau với Amal để tranh giành quyền kiểm soát nam Lebanon. Hai bên phải nhờ Syria giảng hòa (lúc này Syria còn đóng quân chưa rút về).

Nhưng khi vùng nào Hezbollah chiếm được, là cho áp dụng ngay luật Sharia. Cấm cà phê. Đàn bà phải che mặt. Ngay cả người Shiite không ai muốn sống trong quốc gia Hồi Giáo.

Do đó Hezbollah đối diện với sự tẩy chay của công chúng. Ngành du lịch thất bại. Hezbollah phải bỏ chế độ Cộng Hoà Hồi Giáo, và tham gia sinh hoạt chính trị vào dòng chính của Lebanon.

Hezbollah đã phải sửa lại hình ảnh  bằng cách tạo ra các công tác thiện nguyện: xây nhà, sửa cống, câu điện, xây trường…

Trong những năm đầu của 1990s, trung bình Hezbollah mất 5/1 binh sĩ so với Israel. Đến 1993 thì 1.5/1. Và tỷ lệ này kéo dài đến cuối thập niên.

Hezbollah cũng chấm dứt chiến thuật biển người. Thay vào đó là một đơn vị tấn công có một đơn vị hỗ trợ súng cối. Hezbollah lập kế hoạch và hành động chuẩn mực chuyên nghiệp. Những người chỉ huy tận tụy, (noi gương Israel). Cải tổ tình báo. Nhận định khả năng để chiến đấu.

Khi Nasrallah nắm quyền năm 1992, ông đã chứng tỏ một lãnh đạo mạnh. 1980 – 1990 chỉ chú trọng lượng quên phẩm, nhất là về huấn luyện.

Đến 1990 Hezbollah có nhiều võ khí, Iran có chuyến bay hàng tháng đến Damascus, tiếp tế võ khí, đạn dược; kể cả quân trang để bảo đảm an ninh và chiến thuật. Có khi bằng đường bộ hay đường thủy.

1992, Hezbollah tổ chức tấn công nhiều đồn cùng lúc.

1993, đánh nhau 7 ngày với Israel, thiệt hại cơ sở rất nặng, nhưng về nhân mạng hai bên thiệt hại rất nhẹ.

1985 – 1989 : 100 cuộc tấn công 

1990 – 1995 : 1030 cuộc tấn công 

1996 – 2000 : 4928 cuộc tấn công 

Và Hezbollah bắt đầu chơi trò mèo vờn chuột với IDF (Israel Defense Forces). Và cũng đã sử dụng nổ máy nhắn tin, 1995.

2006, Hezbollah phục kích bên trong lãnh thổ Israel, giết 8 binh sĩ Israel và bắt sống 2 tù binh. Sau 34 ngày chiến đấu, Israel ở thế thượng phong đã giải cứu tù binh.

Sau đó, Hezbollah được công nhận là tổ chức chặt chẽ, huấn luyện kỹ càng, chiến đấu hết mình.

Theo thống kê, 2006, Hezbollah có khoảng 600 – 1000 thành viên thường trực. 3000 – 5000 sẵn sàng. 10 ngàn trừ bị. 200-300 dàn phóng hoả tiễn. 20 ngàn tay súng, cộng với 120 ngàn hoả tiễn.

Theo tờ Haaretz: Hezbollah không còn là một nhóm du kích nữa, bây giờ nó được huấn luyện, có khả năng, và tổ chức quy củ.

Khoảng 1995, Hezbollah đã gởi một nhóm chiến binh sang Bosnia để huấn luyện binh sĩ Muslim trong nội chiến.

Hezbollah có kỷ luật, tư cách hơn binh lính Iraq và Syria. Bộ quốc phòng Israel đánh giá cao kinh nghiệm của các binh sĩ Hezbollah sau chiến tranh ở Syria.

50 binh sĩ Hezbollah đến Yemen để huấn luyện Houthis.

Hezbollah huấn luyện Tunisia, Algeria, Egypt, Palestine, một số quốc gia vùng vịnh. Tổng cộng chừng 120 ngàn binh sĩ được Hezbollah huấn luyện.

Ngoài ra trong những năm 1980s Nasrallah được Bắc Hàn huấn luyện, cũng như huấn luyện cho thành viên Hezbollah.

Lực Lượng Bảo Vệ Cách Mạng Hồi Giáo Iran và Quads Force sang Lebanon huấn luyện cho Hezbollah từ 2006 chừng trăm ngàn thành viên.

Iran và Bắc Hàn huấn luyện tình báo. Chiến tranh trong thành phố.

Học giả Iver Gabrielson, đánh giá Hezbollah: thực tiễn, hoạt động xã hội, và tham gia chính trị.

Hezbollah cũng công khai xác nhận đã tham gia vào nội chiến Syria 2013, đã gởi khoảng 7 ngàn tay súng phụ tá cho Iran, Nga giúp Syria chống lại Sunnis lớn mạnh. Nhờ vậy, Hezbollah có thêm kinh nghiệm chiến tranh. Tuy nhiên người dân Lebaneses trách Hezbollah quên lãng việc nội trị, làm cớ cho Israel mở rộng chiến tranh.

Từ 2006, Hezbollah sửa đổi chương trình giáo dục. Cho dạy văn hóa “tử vì đạo”, và huấn luyện nếp sống quân đội từ khi còn bé.

Và người lớn, thì huấn luyện kỹ lưỡng hơn. Hiểu biết công tác, kế hoạch, thu thập tình báo đa dạng. Thành viên trong chiến dịch, được giải thích cặn kẽ và đáp ứng linh động. Võ khí được cung cấp tối tân, khả năng sinh tồn. Chỉ huy hiệu quả và kiểm soát.

Hezbollah không đánh trận như chúng ta thấy họ trước kia. Họ chiến đấu rất can trường, thiện chiến. Những tổ tam tam chế rất linh hoạt. Khi cần thì hợp quần thành lực lượng lớn, hay khi cần tách nhỏ ra từng đơn vị.

Tình Báo:

Được thành lập ở Bekaa Valley 1982. Tách rời khỏi bộ máy an ninh của Al Fatah và Amal. Nay phát triển như cấp quốc gia. Có tình báo, phản gián và tình báo nội bộ.

Cũng có người xâm nhập vào các tổ chức khác, như Palestine, LAF (Lebanon Army Forces), Iraq Shiite, Syrian Shiite, chính quyền Syria…Được Iran và Bắc Hàn huấn luyện.

Có khả năng làm nghẽn radar, lấy cắp dữ liệu, hay thông tin liên lạc.

Hezbollah cũng có lực lượng đặc biệt.

Hạ Tầng Cơ Sở:

Hezbollah xây dựng, mở rộng và cải cách quân đội trong những khu đông dân vì không thể đối địch với không quân Israel, hay phải dàn rải rác thật mỏng.

Hạ tầng cơ sở có 2 loại:

– Một hệ thống bí mật, hầm kiên cố, được dùng cho các tay súng thiện chiến và trang bị đầy đủ.

–  Một hệ thống trong làng xóm được xây dựng lại vững chắc, do các tay súng dự bị và dân chúng.

Một số hầm gần biên giới Israel, có hệ thống nước, dự trữ lương thực. Bê tông đổ rất dày. Những lô cốt này được xây khoảng 2003 – 2004 bởi vị chỉ huy Fouad Shakar. 2006 Israel đã oanh kích san bằng 17 đài quan sát ở biên giới, kể cả toà nhà 15 tầng làm bộ chỉ huy của Hezbollah. Toà nhà này được canh gác rất cẩn mật, vì nơi đây quản trị hành chính, nhân lực và tình báo. Hiện nay Israel nghi ngờ bộ chỉ huy dời về dưới toà đại sứ quán Iran.

Hezbollah cho xây dựng rất nhiều hầm để cất giữ võ khí. Và cũng dùng nhà ở, mosques, bệnh viện, trường học… để cất giữ. Hezbollah lợi dụng tất cả những nơi có thể.

Nhờ vị thế đắc địa, cây cối, núi đồi nên Hezbollah xây dựng một hệ thống đường hầm và lô cốt phối hợp, với những vị trí cố thủ và nguỵ trang rất khéo. Đường hầm có nơi dài hàng mấy cây số, có thể ẩn nấp và kéo dài kháng cự nhiều tuần lễ. Israel nói rằng, chính Bắc Hàn hướng dẫn thực hiện. Năm 2013, Hoa Kỳ có bằng chứng Bắc Hàn cung cấp phương tiện tối tân để xây đường hầm.

2006, Hezbollah phải bỏ những vị trí phía nam để lên phía bắc vì không chịu nổi Israel oanh kích.

Hezbollah có khoảng 200 – 300 bệ phóng hoả tiễn. Đạn và bệ dấu trong nhà dân; rồi một toán mang bệ và một toán tiếp tế đạn.

Hezbollah cũng có súng chống xe tăng và cao xạ. Nhưng trong suốt mấy chục năm, chỉ hạ được một chiếc trực thăng. Vì máy bay oanh kích thì bay cao hơn tầm cao xạ, và trực thăng thì bay là là mặt đất.

C — HỌC THUYẾT CỦA HEZBOLLAH 

Kể từ ngày thành lập, Hezbollah luôn lớn tiếng đe dọa sự hiện hữu của Israel và Hoa Kỳ trong vùng Trung Đông.

Trong lá thư mở ngỏ 16/2/1985 đăng trên tờ báo Al Safir: “Chúng ta thường tự hỏi, Hezbollah là gì, và đâu là căn tính của nó?

Chúng ta chính là những người con của umma (cộng đồng hồi giáo), đảng của Thượng Đế. Người tiền phong đã tạo ra chiến thắng ở Iran bởi Thượng Đế. Người tiền phong đã đặt nền móng cho một quốc gia Hồi Giáo, đóng vai trò trung tâm trên toàn thế giới. Chúng ta chỉ vâng lời một lãnh đạo khôn ngoan và đúng đắn. Người đó hướng dẫn và phán quan cho tất cả các điều kiện cần thiết cho chúng ta. Người đó chính là:

Ruhollah Musawi Khomeini. Xin Thượng Đế gìn giữ Ngài.

Chúng ta không thành lập một tổ chức khép kín; chúng ta cũng không là một tổ chức chính trị cán bộ chặt chẽ. Chúng ta là một cộng đồng liên hệ đến Hồi Giáo trên toàn thế giới, bởi một học thuyết vững chắc và một tôn giáo kết nối của Islam, mà những lời giảng dạy của Thượng Đế muốn thực hiện bởi dấu ấn của tiên tri Muhammad.

Đó là lý do tại sao làm rung động và thức tỉnh những người Hồi Giáo ở Afghanistan, Iraq, Philippines và vang dội lại đâu đó xuyên qua toàn thế giới cộng đồng Muslim mà chúng ta hội nhập….

….Văn hóa của chúng ta đặt trên nền tảng kinh Koran ….

….Những đề nghị như thế không thể đánh lạc hướng được cộng đồng chúng ta, và cho toàn thế giới hiểu rằng, những ai hy vọng chống Mỹ, siêu cường kiêu ngạo, chúng ta không thể buông thả hay nhượng bộ. Chúng ta kinh tởm và xé gốc rễ của nó chính là Mỹ ….

….Chúng ta tuyên bố rộng rãi và lớn tiếng rằng, chúng ta là một cộng đồng chỉ sợ Thượng Đế. Không có gì làm suy giảm sự bất công và sỉ nhục bằng Mỹ, Âu châu, Zionist chiếm đất thánh Palestine, tấn công chúng ta liên tục, cho chúng ta ăn đất …Chúng xâm lăng tổ quốc chúng ta, phá làng mạc, cắt cổ trẻ em, phạm thánh đường…. Chúng nó không chấm dứt hỗ trợ Israel, và không để chúng ta có thì giờ quyết định tương lai. Chúng ta không thể thay thế, trừ khi đối diện với sự xâm lăng là chính sự hy sinh của chúng ta.”

Nasrallah luôn luôn hô hào phá hủy và dẹp tan Israel: “Một tên xâm lược bất hợp pháp sẽ không có tương lai trên đất nước của chúng ta.”..  “Mục tiêu tuyên cáo trong các khẩu hiệu của chúng ta là : giết Israel.”

D — MỤC TIÊU 

1. Trục xuất tất cả người Pháp, Mỹ và đồng minh của chúng ra khỏi Lebanon. Chấm dứt tình trạng thuộc địa của đất nước chúng ta.

2. Mang Phalanges ra xử trước công lý tội phạm chống lại Muslim và Christian.

3.  Cho phép con cháu chúng ta, tự do lựa chọn và quyết định thể chế chính quyền chúng thích. Nhưng chúng ta kêu gọi chúng nên chọn một thể chế Islamic chính quyền, vì chỉ có nó mới bảo đảm công lý, tự do cho tất cả. Chỉ có chế độ Islamic mới ngăn ngừa được những toan tính xâm nhập của đế quốc vào đất nước chúng ta.

4. Đối với Christian: Nếu Kitô Giáo không thể dung thứ và chia xẻ với Muslim trên vài lãnh vực chính quyền, thì Allah cũng sẵn sàng không dung thứ cho Muslim cộng tác với chính quyền bất chính trên luật Shariah, được đặt ra bởi Muhammad. Chúng tôi không nghĩ bạn xấu, nhưng kêu gọi bạn kết thân với Islam, để rồi có hạnh phúc.  Nếu bạn từ chối kết thân hay duy trì hữu hảo với Islam thì tốt nhất bạn đừng nên có những hành vi chống đối nào… Nếu Islam được đa số trong xã hội chấp nhận, thì chúng ta áp dụng nó. Nếu không thì chúng ta cùng tồn tại và thảo luận đến khi có mẫu số chung..(1988).

5. Chúng ta khước từ cả Nga lẫn Mỹ, cả cộng sản lẫn tư bản. Cả 2 không đặt nền móng cho xã hội công chính.

6. Chúng ta coi Israel là tiền phong của Mỹ trong thế giới Hồi Giáo. Sự hận thù này phải chiến đấu cho đến khi nào chúng gục ngã. Kẻ thù này rất nguy hiểm cho các thế hệ tương lai và là điểm đến cho đất nước Lebanon.

Không công nhận hiệp ước, không ngừng bắn, không thoả thuận hoà bình. Chúng ta kết án những cuộc thương thuyết với Israel, vì đó là công nhận Zionist chiếm đoạt đất nước chúng ta.

E — LÃNH TỤ HEZBOLLAH 

  1. THÂN THẾ 

Hassan Nasrallah sinh ngày 31 tháng 8 năm 1960 trong gia đình Shiite, là con thứ 9 trong 10  người con, ở ngoại ô Beirut. Cha làm nghề buôn bán trái cây và rau củ.

Hassan Nasrallah (1/8/1960 – 27/9/2024). Hình chụp năm 2019.

Khi còn bé, ông theo học trường Al-Najah và sau đó theo học trường công trong khu vực Sin el Fil mà  đa số là người Kitô giáo.

Năm 1975, nội chiến Lebanon bùng nổ; ông về nhà từ đường của gia đình ở Bazourieh, và học xong cấp 2 ở Tyre. Tại đây ông tham gia một thời gian ngắn trong Phong Trào Amal (Lebanese Shiite).

Hassan theo học tại học viện Shiite, Baalbek; Mohammad Baqir Al- Sadr (người thành lập phong trào Dawa ở Najab (Iraq, khoảng năm 1960s ). Chính al-Sadr đã nói: “Tôi cảm thấy anh có bóng dáng lãnh tụ, anh là một người tuân phục Mahdi”.

1978, Hassan bị Iraq trục xuất chung với hàng chục học sinh Lebaneses. Al- Sadr bị tù, tra tấn và bị sát hại. Cùng thời gian đó, Khomeini và Musawi cũng bị trục xuất.

Học xong trung học, Nasrallah gia nhập “Phong Trào Amal” (Lebanese Shiite Political Group). Ông được chọn vào phái đoàn nhóm Amal ở Beqaa, và cũng là thành viên văn phòng chính trị trung ương. Sau đó Nasrallah gia nhập Hezbollah để chống lại Israel.

Sau một thời gian ngắn học ở Iran, ông trở về Lebanon để thay thế cho người tiền nhiệm bị Israel chết vì oanh kích, là Abbas al-Musawi năm 1992. Trong thời gian nội chiến Syria, Hezbollah cùng phe với chính quyền Syria và cho những người chống lại là “Hồi giáo cực đoan”.

2. TƯ TƯỞNG 

Hassan Nasrallah nổi tiếng là có những bài diễn văn cháy bỏng và đầy hấp lực. Ông cũng đã tổ chức trong bóng tối những cuộc khủng bố tấn công Hoa Kỳ, Âu Châu, Israel và những mục tiêu Ả Rập.

Nasrallah cổ võ cho “Trục Kháng Chiến” chống lại Israel và Hoa Kỳ.

Quan điểm của Nasrallah là kêu gọi chấm dứt quốc gia Israel. Không thoả hiệp, là con đường duy nhất dẫn đến công lý. 

Tuy là “giết Israel, giết Mỹ”, nhưng trong một lần tờ New Yorker phỏng vấn năm 2003, ông ta trả lời: “ Đến cuối đường, không ai có thể đi đến chiến tranh nhân danh Palestine, dù cho ai đó không đồng ý với những gì Palestine đồng ý”

Năm 2004 khi được hỏi về “hai quốc gia” giữa Israel và Palestine, ông ta trả lời: “Tôi không muốn phá bĩnh những gì Palestine đạt được; nhưng khi điều ấy hình thành, tôi vẫn tiếp tục phong trào Palestine kháng chiến”.

Nasrallah cho rằng: “Jews (người Do Thái) là đích tôn của vượn và heo, là những tên giết chết các tiên tri”

Trong một lần phỏng vấn trên TV, 2001, Nasrallah cho rằng: “Bọn Jews muốn gì? Chúng chỉ muốn yên ổn và tiền. Qua lịch sử, Jews mà Allah tả, chỉ là tạo vật hèn nhát và gian tham. Không có ai tham lam và khốn nạn hơn.”

Khi Arafat ký Hebron Agreement năm 1998, Nasrallah kêu gọi cảnh sát Palestine nên ám sát Arafat như cảnh sát Ai Cập đã ám sát Anwar Sadat.

Vụ 11 tháng 9 năm 2001, Nasrallah đã lên án Bin Ladin về phương pháp và cách thức thực hiện.

Vụ Salman Rushdie, 2006 : “Nếu một người Hồi Giáo nào có hành động chống lại tên khốn khiếp Rushdie đã xúc phạm đến Allah, thì được coi như tử vì đạo”

Nasrallah nhắc lại sự chống đối Jews (2009) : “Vấn đề của chúng ta không phải vì chúng là Israel hay Jews, mà là chúng đã chiếm đoạt và hiếp dâm đất thánh của chúng ta.”

8 năm 2013: “Israel là tế bào ung thư cần phải diệt trừ”.

Và cho rằng Israel đã thổi phồng quá đáng con số về nạn nhân của Nazi, Holocausts chỉ là huyền thoại.

Nasrallah: “Lebanon từ khước người Palestine thẻ công dân, và ngược lại, chính chúng ta cũng từ chối định cư ở Lebanon … vì người Palestine luôn vững chắc tin rằng sẽ trở về đất mẹ”.

7 tháng 10 năm 2023, Nasrallah kêu gọi giải phóng Jerusalem. Đây là một hành động chống Israel anh hùng. Và Hezbollah đã pháo kích và bắn hoả tiễn vào bắc Israel để tỏ tình đoàn kết với Palestine.

Nasrallah bị oanh kích giết chết chung với 6 người tuỳ tùng, và làm bị thương 90 người. Hashem Safieddine được coi như người kế tục, nhưng cũng bị oanh kích chết. Hiện nay Naim Qassem được chọn làm tổng thư ký, hiện giờ đang ẩn trú ở Iran.

Naim Qassem

Theo tờ Economist, những cái chết này sẽ định hướng lại Lebanon và vùng trung đông, mà trước đây một năm không ai nghĩ được. Sự không chắc chắn của những lãnh tụ kế vị nhau trong lịch sử Hezbollah mà Israel đã tận diệt. Hẳn người dân Lebanon nhận thấy xấu hổ và phẫn nộ đang chế ngự trên hí trường chính trị Lebanon.

3. THỰC HIỆN KHỦNG BỐ 

Hoa Kỳ xem Hezbollah là khủng bố đe dọa toàn cầu. Tổng thống Clinton xếp loại này năm 1997. 

Khoảng giữa 2010 Obama viện trợ quân sự cho Lebanon để giảm bớt uy tín của Hezbollah. Tuy nhiên Hezbollah và lực lượng quân đội quốc gia Lebanon cùng chung bảo vệ biên giới chống Al Qaeda và nhà nước Hồi Giáo, nên quốc hội Hoa Kỳ đã ngưng viện trợ võ khí, e rằng Hezbollah có thể thủ đắc. 

2014, cảnh sát quốc tế bao gồm Hoa Kỳ và Âu Châu tạo chiến dịch chống Hezbollah trên toàn Âu Châu.

Anh quốc xếp Hezbollah là khủng bố năm 2019, Đức 2020. Pháp thì chưa xác nhận.

*1982 – 1986 : 36 vụ ôm bom tự sát chống Mỹ, Pháp, Israel, Lebanese. Sát hại 659 nạn nhân.

* 1982 – 1992 : Khủng hoảng con tin 

*1983: Toà đại sứ Mỹ ở Beirut bị ném bom. Và dự định đặt bom toà đại sứ Israel ở Panama. Khu doanh trại binh sĩ Mỹ bị đặt bom, giết 63 người.

*1983: tháng 10, ôm bom tự sát tại doanh trại binh sĩ Hoa Kỳ và Pháp giết 305 người.

*1985: Cướp máy bay TWA 847.

*1992: Toà đại sứ quán Israel ở Buenos Aires bị tấn công.

*1994: Tấn công trung tâm văn hóa Israel ở Argentina.

*1994: Xe đặt bom toà đại sứ quán Israel tại London.

Tuy nhiên, Nasrallah từ chối tất cả các hoạt động khủng bố của Hezbollah ở nước ngoài trước năm 2008.

*Singapore tố cáo Hezbollah, huấn luyện người Singapore để tấn công tàu thủy của Hoa Kỳ và Israel ở eo Singapore.

*1985 – 2000: Hezbollah dùng chiến tranh du kích chống Israel, khiến Israel phải rút quân về vì hao tổn lực lượng mà không mang lại kết quả nhiều.

Sáu tuần trước ngày Israel rút quân (24/5/2000) Hezbollah đã tổ chức diễn binh để biểu dương lực lượng.

*2005: Thủ tướng Lebanon Rafiq Hariri bị ám sát, toà án Liên Hiệp Quốc kết luận Hezbollah là thủ phạm.

*2006: Hezbollah bắt cóc 2 binh sĩ Israel, nhóm lên cuộc chiến hơn một tháng, làm 50 lính Israel và cả ngàn thường dân Lebaneses chết.

Năm 2015: quốc hội Hoa Kỳ ra luật chế tài những định chế quốc tế dùng hệ thống ngân hàng Hoa Kỳ để tài trợ tài chính cho Hezbollah.

Biden tiếp tục chế tài cá nhân liên hệ đến Hezbollah, hay hỗ trợ tài chính, kể cả Abraham Ali Daher người đứng đầu đơn vị tài chính trung ương của Hezbollah.

*2018: Israel khám phá nhiều dặm đường hầm từ Lebanon sang Israel, và cho đó là của Hezbollah.

*2020: Hezbollah thề quyết trả thù cho tướng lãnh đạo Qads Force, Qasem Solemaini, bị drone hạ sát.

*2020: Một vụ nổ lớn tại cảng Beirut, thiệt hại 15 tỷ mỹ kim, 300 ngàn người vô gia cư. Cuộc điều tra bị Amal, Hezbollah, Shiite cản trở và thẩm phán bị đe dọa.

*2021: Bộ Ngân Khố tuyên bố chế tài tổ chức tài chính quốc tế rửa tiền hàng chục triệu cho Iran và Hezbollah.

*7/10/2023: Hơn 1700 hoả tiễn nã vào Israel, giết 15 thường dân, bị thương 150 người. Hezbollah gọi là tỏ tình đoàn kết với Hamas.

4. TỔNG KẾT 

(Cho 3 bài biên khảo “Các tổ chức khủng bố “- Houthi, Hamas, Hezbollah).

Khối Ả Rập giải thực từ cuối thế kỷ 19 đến giữa thế kỷ 20. Nó có chung điểm lợi là cùng ngôn ngữ, cùng tôn giáo và và cùng văn hóa. Từ đó, thế giới Ả Rập nổi lên tư tưởng từ các nhà lãnh đạo: Chủ Nghĩa Quốc Gia Ả Rập, Chủ Nghĩa Liên Ả Rập Thống Nhất. Như đảng Ba’ath (Iraq và Syria) đưa ra nguyên tắc: cùng nói tiếng Ả Rập, sống trong thế giới Ả Rập, hay cảm thấy thuộc về Ả Rập. 

Giữa những nhà lãnh đạo, thì Nasser, với uy tín của mình, đã đưa ra tư tưởng “Pan -Arabism”. Nhưng chưa thành hình thì Nasser qua đời; và bị thua Israel trong trận chiến 6 ngày, 1967, nên không hình thành như mong muốn.

Sau khi trục xuất được đế quốc, để rồi xây dựng tân quốc gia; thì hầu hết những nhà lãnh đạo trong khối đã mô phỏng tư tưởng dân chủ và ái quốc tây phương mẫu quốc được nhào nặn lại cho thích hợp với tình trạng địa phương. 

Còn dân chúng thì một lòng phấn khởi dâng trào sau khi giải thực thành công, kỳ vọng vào việc gặt hái từ giải phóng nô lệ.

Nhưng Pan- Arab đã không có khả năng xây dựng kinh tế, và nhà nước đã thất bại.

Thời kỳ hậu thuộc địa, các quốc gia Ả Rập đã trở thành quốc gia độc tài mà không có lãnh tụ nào cưỡng lại nổi.

Thế rồi, một hình thức Pan-Arabism mới nổi lên; không phải từ chính quyền hay lãnh đạo, mà là từ dưới lên, và nó có sự liên hoàn độc đáo trong thế giới Ả Rập.

Đó là Arab Spring 2011.

Tuy nhiên khi nhìn kỹ, nó bắt nguồn từ những vấn đề trầm trọng của địa phương. Như Ben Ali gia đình trị, Mubarak tham nhũng, Saleh quan lieu, Assad độc tài… Và hậu quả là phát sinh học thuyết mới:  Pan-Islamism đang chế ngự sân khấu chính trị Ả Rập.

Và rồi, quyền lực chính trị phối hợp với quyền lực thần giáo, và gia tộc tạo ra một sự mãnh liệt tuyên truyền mà tất cả được mang ra che phủ chủ nghĩa bành trướng quốc gia.

Như chúng ta đã biết, Islam có 2 hệ phái, Sunnis và Shiite kình chống nhau trong suốt chiều dài lịch sử của Islam. Tuy nhiên, hệ phái Sunnis có liên lạc chặt chẽ với Hoa Kỳ nên ít thấy xuất cảng khủng bố. Ngược lại hệ phái Shiite, bị Iran giựt dây nên xuất cảng khủng bố hành động trên khắp thế giới. Hiện nay nổi tiếng nhất là Houthis ở Yemen, Hamas ở Gaza và Hezbollah ở Lebanon. Và lồng trong việc chống Israel và phương Tây là việc bành trướng ảnh hưởng của Iran.

Nói là chống Israel, chống Hoa Kỳ và Âu Châu nhưng hai hệ phái này giết nhau không thương tiếc.

Houthis ở Yemen đánh nhau với Sunnis được Arab Saudi yểm trợ.  Vừa ngưng bắn thì Houthis tuyên bố sẽ tiếp tục bắn phá ở Hồng Hải nếu Israel không dừng tấn công Hamas.

Hay ví dụ, Sadam Hussein giết khoảng 200 ngàn Shiite từ 3 – 10/1991. Shiite nổi dậy bị Sadam bình địa nhiều làng. Nhất là sau cuộc Cách Mạng Hồi Giáo 1979 ở Iran, Sadam sợ Shiite nổi dậy lật đổ. Sau khi Sadam bị xử tử, Iran hỗ trợ Shiite, khiến đảng Ba’ath, hợp tác với Sunnis lập kháng chiến. Cái chết của Sadam, Sunnis coi là tử vì đạo, Shiite coi là đền tội. Khi Shiite kiểm soát một số thành phố ở Iraq, thì cho Sunnis trở về nhưng không cho quyền sở hữu nhà cửa.

Taliban là Sunnis tàn sát khoảng 2 ngàn Shiite.

Ở Syria, Sunnis ủng hộ kháng chiến. Trong khi Shiite và Alawi thì ủng hộ Assad 

Ở Lebanon, ám sát Hariri, dân chúng biểu tình chống Hezbollah và đòi Syria phải rút quân.

2014, Shiite được huy động để bảo vệ đền thờ, vì ISIS và Sunnis đe dọa phá.

2015, Arab Saudi ủng hộ Sunnis đa số ở Yemen, Iran ủng hộ Houthis.

2014, Shiite bị dời chỗ ở tại Indonesia.

2020, Pakistan tấn công và bắt giữ Shiite…

Chúng ta thấy được hai bên hiềm khích nhau, chống báng nhau cho quyền lực địa phương hay khu vực, hay gia tộc dưới luật Sharia che dấu độc tài của chế độ, như vụ thủ tiêu ký giả New York Times, Jamal Khashoggi. Pan- Islamism chỉ là Pan – Shiite hay Pan-Sunnis. Tổng quát hơn, là Pan – Authoritarianism rồi đi đến Pan-Terrorism.

Điều chúng ta muốn ngăn chặn là khủng bố Shiite, thì nên dùng Sunnis làm lá chắn; hay diệt tận gốc bằng cách đối thoại thẳng với kẻ giựt dây Shiite là Iran, đưa quốc gia này ra khỏi chế tài và cấm vận, cho vào khung quốc tế pháp lý để kiểm soát. Mang Iran vào cộng đồng thế giới, đừng loại trừ như đã mở cửa cho Trung Cộng, để Iran không còn xuất cảng cách mạng, giảm bớt đi sự sắt máu, thì tư tưởng “đẩy Israel xuống biển” sẽ bớt hận thù. Tuy nhiên điều chúng ta phải chuẩn bị là đừng để Iran trộm cắp, gián điệp tài liệu khoa học kỹ thuật. Và chúng ta cũng không nên kỳ vọng thay đổi chế độ, miễn là không xuất cảng khủng bố là được.

Hoàng Đình Tạo

———————

Tham khảo:

*What Is Hezbollah?, Council on Foreign Relations

*Iran’s Regional Armed Network, Council on Foreign Relagions

*What the Lebanese People Really Think of Hezbollah, Foreign Affairs

*Conflict With Hezbollah in Lebanon, Global Conflict Tracker

*Hassan Nasrallah, Wikipedia

*Doctrine of Hezbollah, Wilson Center

*Hezbollah armed strength, Wikipedia

*Hezbollah đã “thâu tóm” Nhà nước Liban như thế nào?, RFI

*Hậu quả đối với Gaza sau khi Israel và Hezbollah ngưng bắn ở Liban, RFI