Hoàng Hưng: Nhân ngày sinh nhà thơ Hoàng Cầm (22/2/1922)

Nhà thơ Hoàng Cầm (1922-2010)

Xin mời đọc bài viết ngày ông mất (6/5/2010) và chia sẻ một số bức ảnh ít người biết của ông trong kháng chiến chống Pháp và đầu hoà bình 1954

HOÀNG HƯNG: TRƯỚC LINH CỮU NHÀ THƠ HOÀNG CẦM

Lòng yêu mến và tiếc thương nhà thơ Hoàng Cầm của tất cả những người yêu thơ Việt Nam thể hiện trong ngày hôm nay và nhiều ngày sắp tới chắc chắn sẽ là một hiện tượng đồng thuận hiếm thấy trong đời sống văn hóa nước nhà lúc này. Tên ông mãi mãi là niềm tự hào, mãi mãi gắn với lòng yêu quê hương của người Việt cả trong lẫn ngoài nước.

Hoàng Cầm đã cống hiến, đã thọ nạn, đã đau khổ cùng cực, nhưng cũng đã được an ủi trong tình yêu thương của đông đảo bạn đọc hơn 20 năm cuối đời. Về phía Nhà nước, cũng đã có một động tác “phục hồi” phần nào danh dự cho ông bằng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2007. Nhưng rõ ràng là chưa thỏa đáng. Bởi lẽ tài năng và cống hiến của ông ở tầm cao hơn nhiều. Còn bởi một chuyện hết sức quan trọng chưa được xử lý đúng đắn, bên cạnh nó thì chuyện giải thưởng là chuyện nhỏ.

Hoàng Cầm nhắm mắt lìa đời mà chưa được nghe một lời chính thức xin lỗi, minh oan của những người chịu trách nhiệm về việc bắt giam ông 16 tháng trời không xét xử (từ 20-8-1982 đến 23-12-1983 – Tư liệu do gia đình Hoàng Cầm bổ chính). Nguyên cớ việc giam giữ này, từ lâu đã được thấy rõ ràng là cực kỳ phi lý. Khác với vụ Nhân văn – Giai phẩm có thể còn được biện minh này khác về quan điểm chính trị gì đó, vụ án “Về Kinh Bắc” đơn giản là một sai lầm chết người của những người quy chụp bản thảo tập thơ Về Kinh Bắc là “phản động”, mà theo Hoàng Cầm thì rất có thể chỉ là do lệnh của một người cụ thể thù ghét ông mà lúc ấy đang giữ quyền cao chức trọng. Sau khi Về Kinh Bắc được hoàn thành (đầu năm 1960) và chuyền tay suốt hơn 20 năm mà không có chuyện gì, bỗng mùa thu năm 1982, “các cơ quan chức năng” được tin bản thảo này sẽ được đưa ra nước ngoài. Thế là một “chuyên án” vào loại “khủng” ra đời, kết quả là Hoàng Cầm chịu những ngày đầy đọa khủng khiếp nhất của đời ông trong 16 tháng giam giữ và hoảng loạn tinh thần nhiều tháng sau khi được thả.

Sau đổi mới, Về Kinh Bắc đã được xuất bản (lần đầu năm 1994, NXB Văn hóa) và tái bản, được ca ngợi hết lời. Cho đến nay, hầu như nó được giới thơ coi là tác phẩm quan trọng nhất của Hoàng Cầm; riêng tôi thì đánh giá nó là một trong rất ít tác phẩm thơ hoàn chỉnh, “nhất khí quán hạ” của thơ trữ tình Việt Nam sau 1945. Không chỉ giá trị về thơ thuần túy, Về Kinh Bắc còn là sự thăng hoa tuyệt vời của cả một vùng văn hóa đáng tự hào của dân tộc – văn hóa Kinh Bắc, qua một hồn thơ, một tài thơ mà không phải lúc nào trời đất cũng sẵn sàng sản sinh. Nếu Quan họ Bắc Ninh đã trở thành di sản văn hóa thế giới, thì Về Kinh Bắc phải là di sản văn hóa quốc gia. Có dịp sang Tây ban Nha, chứng kiến xứ Andalusia tôn vinh nhà thơ Federico Garcia Lorca như người anh hùng văn hóa của mình, tôi nghĩ Hoàng Cầm cũng xứng đáng được tôn vinh như thế ở Kinh Bắc.

Về Kinh Bắc không được nêu tên trong những tác phẩm của Hoàng Cầm được Giải thưởng Nhà nước, nhưng trong các tập thơ Bên kia sông Đuống (NXB Văn hóa 1993), Lá Diêu bông (NXB Hội Nhà văn 1993), 99 tình khúc (NXB Văn học 1999) được nêu trong giải thưởng, có rất nhiều bài nằm trong bản thảo Về Kinh Bắc, trong đó có đủ những bài thơ chủ yếu đã đưa đến vụ án oan năm xưa (“Cây tam cúc”, “Lá Diêu bông”, “Quả vườn ổi”…). Một số sĩ quan Công an cao cấp trước đây đã thụ lý vụ án này hoặc nghiên cứu hồ sơ vụ án, gần đây đã nói với người viết bài này và một số văn nghệ sĩ rằng “vụ án này quá ấu trĩ”, “Về Kinh Bắc là tác phẩm rất giá trị”… Tôi tin là họ sẽ có mặt để tiễn đưa ông về cõi vĩnh hằng và từ thâm tâm sẽ cất lời xin lỗi ông.

Nhưng đó là chuyện một số cá nhân có phần trách nhiệm. Những người yêu văn hóa từ lâu đã chờ đợi một cơ quan thẩm quyền nhà nước lên tiếng chính thức minh oan, công khai xin lỗi tác giả Về Kinh Bắc về vụ án oan mấy chục năm xưa. Như thế mới đàng hoàng là một nhà nước văn minh. Nhưng việc ấy đã không xảy ra. Vậy thì, lên tiếng chính thức minh oan, công khai xin lỗi trước linh cữu cố thi sĩ Hoàng Cầm là việc rất nên, là cơ hội cuối cùng của nhà nước để chuộc lỗi với ông, cũng là cơ hội chứng tỏ trước toàn dân khả năng hành xử đúng đạo lý, khả năng sửa sai của chính quyền. Tôi tin, nằm trong quan tài, nhà thơ sẽ mỉm cười độ lượng.

Để bạn đọc hiểu rõ thêm về vụ án oan “Về Kinh Bắc”, tôi xin trích đôi lời “Tâm tình với bạn đọc Talawas” của tác giả Về Kinh Bắc khi ông cho mạng này công bố tác phẩm trên.

“Về Kinh Bắc ra đời trong một hoàn cảnh rất đặc biệt. Vào cuối những năm 1950, bốn anh em chúng tôi (Hoàng Cầm, Trần Dần, Lê Đạt, Đặng Đình Hưng) sau khi đi lao động cải tạo về, vẫn nằm trong thời kỳ bị kiểm soát chặt chẽ. Nói cho đúng thì riêng tôi không phải đi lao động, (không biết vì lý do gì mà những nơi Hội Nhà văn liên hệ để đưa tôi đến lao động đều không nơi nào chịu nhận, thế là tôi thoát!) trong khi Lê Đạt thì đi Phú Thọ, Trần Dần đi Thái Nguyên. Và nói về sự kiểm soát thì tôi cũng được thoải mái hơn hai anh ấy. Tôi cứ việc ở nhà trong khi Lê Đạt và Trần Dần thì tất cả các buổi sáng phải đến ngồi ở Hội Nhà văn. Chỉ uống nước chè, tán chuyện, cười ha hả thôi, nhưng vẫn phải đến. Nhưng việc in ấn thì dứt khoát là không được phép. Trong tình cảnh ấy, tôi đề xướng với các bạn: lúc này chính là lúc bọn mình phải để tâm vào việc phá ra về thi pháp, phải phá ra khỏi kiểu thơ Tố Hữu, hay nói rộng ra là kiểu thơ cũ mà mình đã chán ngấy. Thế là bốn anh em thống nhất về đường lối sáng tác. Từ đấy hai anh Trần Dần, Lê Đạt ở Hội Nhà văn sáng sáng chỉ tán chuyện một lúc rồi mỗi người yên lặng cắm cúi viết lách. Trần Dần viết Cổng tỉnh dựa vào những kỷ niệm thời thanh niên ở Nam Định. Lê Đạt thì những kỷ niệm ở Yên Bái (thân phụ của anh làm sếp ga ở đó) cho anh loạt thơ sau in trong Bóng chữ. Đặng Đình Hưng, với sự “đỡ đầu” (dùng đúng từ anh nói) của Trần Dần, cũng viết được những bài thơ mới hẳn, lâu lâu anh lại đến khoe, rất hào hứng. Tôi rất thích những bài thơ ấy của Hưng, và học tập được khá nhiều ở tinh thần mới mẻ của anh.

Riêng tôi, như đã nhiều lần tự bạch, tôi viết Về Kinh Bắc hoàn toàn nhờ chìm đắm vào những kỷ niệm thời thơ ấu. Tôi luôn nghĩ rằng: với bất cứ anh thi sĩ nào, cái thời kỳ từ 5 đến 15 tuổi là thời kỳ quyết định hơi thơ, cốt cách thơ của cả đời anh ta. Từ năm 4 tuổi đến 14 tuổi (lúc đỗ certificat – Chứng chỉ hết bậc tiểu học), tôi sống ở một phố nhỏ trên đường quốc lộ 1, cách thị xã Bắc Giang 6 km. Mười năm ấy ăn vào mình nhiều nhất. Chỗ tôi ở là một con phố đìu hiu, lèo tèo vài hàng quán, ông thân sinh tôi mở hàng thuốc bắc ở đó, còn mẹ tôi thì có gánh hàng xén. Cái phố ấy vẫn có phong vị nông thôn với rặng tre, cây đa, con đường đất nhỏ, lại có tí văn minh với cảnh ô tô, tàu hỏa, tôi hay ra ga xem khách lên khách xuống, tàu đến tàu đi. Những đêm trăng cô hàng xóm thích hát xướng tập họp bọn trẻ trong phố ra giữa đường hoặc cái bãi rộng sau ga hát trống quân, cò lả…

Có lẽ vì thế mà toàn bộ tập Về Kinh Bắc chìm trong cái buồn, cái buồn của sự hoài vọng quê hương, bài nào cũng buồn, câu nào cũng buồn. Hồi trong Hỏa Lò – Trại tạm giam của Công an Hà Nội, nguyên là trại giam cũ thời Pháp mang tên Maison Centrale, ở phố Hỏa Lò, bị buộc phải viết kiểm điểm về tập thơ này, tôi cũng dễ dàng thừa nhận là tập thơ buồn quá. Nguyên cái buồn ấy hình như đã là chống lại đường lối văn nghệ của Đảng rồi, vì Đảng yêu cầu văn nghệ phải phấn khởi tươi vui. Nhưng ngoài cái đó ra, tôi còn phải nhắm mắt tự nhận tội với những từ nặng nề nhất như phản động, chống Đảng. Có điều tôi cũng viết rất khéo sao cho nếu bản kiểm điểm sau này được công bố thì bạn bè và công chúng cũng thấy đó là sự nhận tội không tự nguyện, nhận mà là không nhận. Thí dụ như tôi dẫn chứng câu thơ “Tướng sĩ đỏ đen chui sấp ngửa” là rủa Đảng, bài thơ “Lá Diêu bông” và một số bài khác là mang tính chất tư sản, than thở số phận con người, qua đó thấy cuộc sống thất vọng quá, buồn quá, những ước nguyện đẹp nhất đều không thực hiện được.

Sau khi tôi ra tù, không ít bạn trách tôi vì sao lại nhận tội như thế? Có phải là hèn quá chăng? Nhưng thực tế hoàn cảnh tôi trong tù rất khốn đốn, sau ba tháng là sức khỏe suy sụp, nếu kéo dài thêm hai tháng nữa thì có thể chết trong tù. Vì vậy, trước sức ép ngày đêm của những người công an thụ lý và những hứa hẹn của họ, tôi suy nghĩ: phải giữ cái mạng của mình cái đã, phải tồn tại, phải sống, còn tác phẩm của mình chẳng đi đâu mà mất, nó còn hay không là do nó, nó có giá trị thì nó sẽ tồn tại. Cho nên tôi quyết định nhận tội. Khi tôi viết xong bản kiểm điểm (dài 6 trang giấy thếp thì phải), anh công an thụ lý tên N. đọc ngay, và bảo “Tốt quá rồi!”. Hôm sau, anh đem đến một cái cassette mới toanh, bảo tôi tự đọc bản kiểm điểm vào máy. Anh cẩn thận dặn tôi phải đọc hết sức tự nhiên, không phải như người bị ép buộc hoặc như đọc dictée – chính tả. Là một diễn viên kịch, tôi thừa sức để “diễn” theo đúng ý anh. Tôi muốn tỏ ra hết sức ngoan ngoãn, cốt để được về. Tôi vừa đọc xong, anh ta chồm dậy, bắt tay tôi rối rít và cảm ơn cảm ơn hai lần liền, sau đó cho người đi mua phở cho tôi ăn. Anh còn tuyên bố: “Chúng tôi sẽ đề nghị để Tết này anh được về”. Tôi mừng quá, viết thư về cho bà Yến – vợ Hoàng Cầm – báo tin vui. Thế là suốt những ngày gần Tết năm ấy tôi cứ khấp khởi đợi chờ. Sau này tôi biết bà Yến nhà tôi cũng trong tâm trạng ấy. Sáng 30 Tết bà bắt anh con rể mang xe đến chờ ở cổng Hỏa Lò suốt từ sáng tới tối. Nhưng thực tế là tôi không được thả như lời hứa của công an mà ngay mồng 4 Tết thì bị chuyển tới “xà lim bộ” – Trung tâm thẩm vấn của Bộ Công an, ở ngoại thành Hà Nội – và tiếp tục bị giam, tổng cộng là 18 tháng.

Vì sao lại có chuyện thay đổi như thế? Có phải anh công an tên N. đã nói lừa tôi cốt để tôi nhận tội cho được việc của anh ta? Tôi cũng không rõ sự thực thế nào. Cho đến một hôm, sau khi đã ra tù, tôi tình cờ gặp một anh công an thụ lý khác (xin phép không nêu tên) ở quán bia Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật (đường Trần Hưng Đạo, Hà Nội). Trông thấy tôi anh mừng lắm, anh mời tôi vào uống bia để tâm sự. Anh nói là anh đã ra khỏi ngành, và anh kể cho tôi một chuyện khá bất ngờ. Chuyện đại ý như sau: Sau khi tôi nhận tội, công an đã định cho tôi về thật. Nhưng trong thời gian chờ đợi giải quyết, thì một hôm ông Lê Đức Thọ – Ủy viên Bộ Chính trị ĐCSVN, phụ trách nội chính, tổ chức – gọi công an lên hỏi vụ Hoàng Cầm ra sao rồi, và thông báo rằng có một số trí thức Pháp, những người quen biết nhiều với ông, đã giúp đỡ ông và đoàn đại biểu Việt Nam ở Hội nghị Paris, vừa gửi thư cho ông yêu cầu nếu xét Hoàng Cầm không có tội trạng gì cụ thể thì hãy thả ngay nhà thơ ra. Ông còn nhắc nhở: “Các cậu xem thế nào thì giải quyết đi, không có thì mang tiếng lắm”. Sự việc trên được công an báo cáo với Tố Hữu – lúc ấy là Phó Thủ tướng. Ông này lập tức hạ lệnh: “Ngoại quốc can thiệp hả? Đã thế thì cho thêm một năm nữa!”

Thái độ cứng rắn đến nghiệt ngã của Tố Hữu với riêng tôi cũng như với các anh em Nhân văn – Giai phẩm rất nhất quán. Ngay cả đối với những sáng tác mà anh em chúng tôi tìm lối mới vào cuối những năm 1950 nói trên, ông cũng rất ghét, mặc dù không biết ông có đọc hay không. Lại nói, sau khi bốn người chúng tôi bật ra được thứ thơ ấy, ai cũng mãn nguyện vì đã lộ rõ cốt cách từng người. Riêng tôi thì ngay từ lúc viết xong Về Kinh Bắc, tôi đã tin là nó có giá trị, có đóng góp cho văn học nước nhà. Tuy tôi không dám truyền đi rộng rãi, chỉ cho vài người bạn đọc, nhưng rồi nó được tự động lan truyền, đặc biệt có những bạn sinh viên trẻ say mê nó lạ lùng. Phải nói tình yêu đối với Về Kinh Bắc có cái gì đó rất đặc biệt. Tôi không tin là tập thơ dễ hiểu chút nào, đặc biệt là phần Nhịp một với “những đêm ngũ hành” kim, mộc, thủy, hỏa, thổ. Ngay nhà thơ Lữ Huy Nguyên, cố Giám đốc NXB Văn học, cũng thú thực với tôi rằng: “Em in cho anh thì cứ in chứ nói thật là em chỉ hiểu được 1/4 tập thơ”. Đến anh công an thụ lý N. sau khi tôi nhận tội cũng thú nhận: “Thực tình tôi chẳng hiểu anh nói gì, bây giờ anh khai ra tôi mới biết ý đồ chống Đảng của anh, thì ra anh thâm thúy thật!”

Việc chúng tôi sáng tác những tác phẩm mới nhanh chóng được báo cáo với Tố Hữu. Một người bạn được tham dự buổi họp tuyên giáo mở rộng kể với tôi rằng trong cuộc họp, Tố Hữu đã cảnh báo: “Tụi Trần Dần, Hoàng Cầm… bây giờ đang thực hiện đúng khẩu hiệu phục xuống sáng tác mà Văn Cao đã khởi xướng. Phải canh chừng và dập tắt ngay”.

Đây là lần đầu tiên tôi nói rõ một số chuyện liên quan đến Về Kinh Bắc, nói ra để khép lại những cái đau buồn ấu trĩ của một thời. Bây giờ, tôi xin các bạn thưởng thức nó vượt qua mọi bối cảnh chính trị xã hội, thưởng thức nó như một tác phẩm nghệ thuật mà đến hôm nay tôi vẫn thấy hài lòng”.

(bài đã đăng trên boxitvn năm 2010)

Hoàng Hưng

*****

PHẠM DUY: HOÀNG CẦM TRONG TÔI (CHUYỆN TÌNH LÁ DIÊU BÔNG)

(Hoàng Cầm trong hồi ký Phạm Duy)

Hoàng Hưng: Trong bài này, có những đoạn thơ ít người biết trước 1945 và trong kháng chiến chống Pháp của Hoàng Cầm mà Phạm Duy đã sưu tầm được. Cũng có sự suy diễn chính trị quá mức về bài Lá Diêu Bông và một số bài khác.

Xin chia sẻ để quí bạn tham khảo. 

***

… Tôi không có tham vọng đóng vai trò một nhà khảo cứu phê bình có đủ phương tiện, thời gian và không gian để viết về một trong những nhà thơ lớn nhất của nước Việt Nam hiện đại. Tôi chỉ muốn hoá giải một nỗi buồn thương có trong tôi mỗi khi nhớ tới Hoàng Cầm. Người bạn thi sĩ cùng tuổi với tôi, vừa bước vào đời là được cùng tôi thoả chí tang bồng khi cùng đi vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Rồi vì phận nước long đong, với cảnh đất nước và lòng dân bị phân chia bởi chủ nghĩa, chiến tranh và hận thù, chúng tôi mỗi người mỗi ngả. Từ đó, nhất là sau cuộc nổi dậy và bị tiêu diệt của một phong trào đối kháng, Hoàng Cầm mất tích, trong đời anh cũng như trong đời tôi.

Suốt 30 năm trời, một tấm màn đen phủ lên cuộc đời và sự nghiệp của Hoàng Cầm, không cứ gì ở Bắc Việt. Cho tới năm 1975, tại Nam Việt Nam, tuy không thiếu những bài viết về các nhà thơ nổi danh của thời đại nhưng không có ai viết đầy đủ về anh. Chỉ có Hoàng Văn Chí với cuốn sách TRĂM HOA ÐUA NỞ cho ta thấy thơ Hoàng Cầm trong phong trào Nhân Văn Giai Phẩm và chỉ có Trần Tuấn Kiệt cho in lại (với nhiều khuyết điểm) một vài bài thơ kháng chiến của thi sĩ trong một tuyển tập thi ca.
Thời gian trôi đi, bỗng có lúc tôi khám phá ra một số bài thơ của Hoàng Cầm rồi thấy mình nên viết ra những gì còn nhớ được nơi người bạn vãn niên này để, thêm một lần nữa (sau Nguyễn Chí Thiện), lôi ra từ bóng tối một nhà thơ sáng láng nhất của chúng ta…

Ðó là đoạn MỞ ÐẦU của tập HOÀNG CẦM TRONG TÔI, một tiểu luận được viết ra sau gần mười năm sống đời lưu dân – nghĩa là vào khoảng 1984 – nhất là sau khi đã tự coi như mất quê hương rồi bỗng nhiên lại tìm thấy quê hương qua những bài thơ ẩn dụ của Hoàng Cầm mà vô tình tôi được đọc. Sự biên soạn tập tiểu luận vừa kể và sự ra đời của những bản (tôi gọi là) Hoàng Cầm Ca cũng còn do một ngẫu nhiên, hay nói cho đúng hơn, do một hữu duyên. Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ, vô duyên đối diện bất tương phùng.

Lúc đó là ngày mùng 1 tháng giêng năm 1982. Trong một buổi đi chơi Los Angeles, bước vào một tiệm phở ở Khu Chinatown, tôi bỗng gặp triết gia Phạm Công Thiện đang ngồi ăn với một người bạn, giáo sư dạy Anh Văn. Trong bữa ăn ngồi riêng bàn, chúng tôi nói vài ba câu chuyện xã giao. Mới đây, Phạm Công Thiện tới nghe tôi ngâm thơ Hoàng Cầm trong một đêm sinh hoạt tại thính phòng ART STUDIO của ký giả Nguyễn Tú A ở thành phố Westminster trong khu Bolsa. Anh cất tiếng hỏi:

– Phạm Duy có biết con gái Hoàng Cầm là Kiều Loan đang ở đây không?

Tôi giật mình vì cái tin quá bất ngờ này! Ðã biết thoang thoáng vợ cũ của Hoàng Cầm là Kiều Loan Mẹ đang ở miền Washington DC, rồi biết thêm Kiều Loan Con cũng đã vượt biên, nhưng tôi không thể nào ngờ rằng vợ con của một người bạn rất xa tôi lại đang ở một nơi rất gần tôi, trong khi tôi đang định tung ra những bài thơ phổ nhạc của người bạn đó! Thế là tôi nằng nặc đòi được dẫn ngay tới thăm vợ con Hoàng Cầm…

… Trong buổi chiều đầu năm dương lịch này, trên căn gác nhỏ của một chung cư nghèo ở giữa thành phố Los Angeles, hai mẹ con Kiều Loan, Phạm Công Thiện và người bạn giáo sư cùng tôi quây quần quanh cái bàn nhỏ, có nắng Cali lọt qua cửa sổ, rọi xuống khay trà và đĩa bánh ngọt làm tôi nhớ tới vạt nắng hanh vàng ở vùng đất Bắc Giang ngày nào. Căn phòng bỗng dưng có chút gió lạnh mùa thu Bắc Việt thoảng về. Tôi chợt thấy trong tôi trườn lên một nỗi buồn rất là mênh mang. Người đàn bà không tuổi kia là Tuyết Khanh đấy à? Một câu thơ cũ của một người tình xưa vang trong đầu tôi: Người yêu ơi, sợ quá thời gian…

Chợt nghe người vợ cũ của Hoàng Cầm hỏi:

– Anh Phạm Duy còn nhớ ngày ở Phố Nỉ không? Ðây là con gái Hoàng Cầm đó! Anh có thấy cháu giống bố không?

– Nhớ chứ! Làm sao tôi quên được cảnh Hoàng Cầm rung đùi ngâm thơ trong bữa cơm chia tay với chị ở BắcGiang? Chị ơi, thấm thoát đã gần 40 năm rồi! Còn Kiều Loan thì giống bố quá nhỉ! Cháu kể chuyện cho bác nghe ngày cháu gặp bố lần đầu tiên ở Saigon đi…

Tôi được nghe Kiều Loan rối rít nói về việc gặp Hoàng Cầm như gặp một nhà thơ gần gũi, hơn là gặp một người cha rất xa lạ, khi thi sĩ từ Hà Nội vào Saigon để gặp con sau ngày 30 tháng Tư 1975…

Hôm nay, trong cuộc tiếp xúc với gia đình Hoàng Cầm sau 37 năm không gặp, tôi tránh không hỏi tới đời tư của hai mẹ con trong hoàn cảnh vì thời cuộc mà vợ phải lìa chồng, con không biết mặt cha. Ðóng vai người phóng viên, tôi chỉ muốn biết rõ hơn tiểu sử cũng như những tác phẩm đầu đời của anh để đăng trong tiểu luận nói trên:

Hoàng Cầm tên thật là Bùi Tằng Việt, sinh năm 1921 (một bài báo ở Saigon gần đây cho biết anh sinh vào năm 1922) tại Làng Lạc Thổ, Huyện Lang Tài, Phủ Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh trong một gia đình Nho Giáo. Hoàng Cầm học Tiểu Học tại Bắc Giang rồi lên Hà Nội học Trung Học và đậu Tú Tài II Pháp. Khi còn đang học lớp Ðệ Tứ, Hoàng Cầm phóng tác cuốn Graziella của Lamartine thành chuyện Việt Nam với tên Hận Ngày Xanh. Tiểu thuyết đầu tay của Hoàng Cầm là Thoi Mộng, viết vào năm 1943. Trở về Bắc Giang, dạy học tại trường La Clarté, Hoàng Cầm vẫn viết văn, làm thơ để gửi đăng trên các báo Tiểu Thuyết Thứ Năm, Tiểu Thuyết Thứ Bẩy. Anh là người dịch truyện Ba Tư Một Ngàn Ðêm Lẻ ra Việt ngữ…

Ðang thao thức đi tìm những bài thơ mới cũ của thi sĩ, trong buổi gặp gỡ kỳ thú này, tôi muốn biết thêm về hai loại thơ tình và thơ ẩn dụ của Hoàng Cầm, ngoài các loại kịch thơ, thơ kháng chiến mà tôi đã biết rành rẽ. Tôi bèn hỏi:

– Chị có còn nhớ những bài thơ tình mà Hoàng Cầm viết ra để tặng chị không?

Người vợ cũ của Hoàng Cầm định đọc cho chúng tôi nghe bài thơ thi sĩ tặng bà vào năm 1945 khi bà còn là nữ kịch sĩ Tuyết Khanh nhưng Phạm Công Thiện đề nghị chép bài thơ ra để cho cô con gái ngâm lên. Và tôi đã ngất ngây vì giọng ngâm rất giống lối ngâm của Hoàng Cầm:

Một sợi tóc treo ngang trước mộng
Một hàng mi rủ bóng bên đèn
Miệng cười một đoá trao duyên
Lầu thơ mới dựng chưa quên ý tình.
Anh đã về đây lại gặp mình
Cõi đời thiên hạ giấc u minh
Níu tay cười xuống hoàng hôn cũ
Vớt mắt em về bến hoá sinh…

Kiều Loan giống bố một cách lạ thường. Cũng là đôi mắt có đuôi, cái mũi dọc dừa, cái miệng tươi hồng, cái giọng trong trẻo. Cô nói giữa hai khúc thơ ngâm: Hoàng Cầm (không nói là bố cháu) dạy cháu ngâm thơ đó…

… Khanh ơi! Thể xác hiu hiu bụi
Nắng dãi hoe vàng, em ở đâu?

”Khanh ơi! Thể xác hiu hiu bụi” của Hoàng Cầm cũng là ”Khanh của Hoàng ơi” của Vũ Hoàng Chương đó! Nếu tôi nhớ không lầm thì – trước hay trong kháng chiến ? – thi sĩ họ Vũ cũng yêu nữ kịch sĩ này và cũng có một bài thơ cho Tuyết Khanh:

Khanh của Hoàng ơi! Lửa bốn phương
Sầu lên dằng dặc gió tha hương
Hỡi ôi trạnh nhớ niềm ly tán
Lại sót nòi thơ buổi nhiễu nhương.

Hoàng Cầm còn có những câu thơ tình để tặng Tuyết Khanh khi hai người phải xa nhau trong kháng chiến – hay khi mất nhau sau khi đất nước bị phân đôi:

Mái tóc buông xuôi dòng khói lạnh
Bóng người thiếu phụ thoảng đêm xuân
Minh châu đôi hạt cài bên gối
Ðợi đến bao giờ gửi cố nhân…

Trong khi dĩ vãng hiện lên qua những lời thơ ngâm, tôi nhìn trộm Tuyết Khanh nhưng không tìm thấy một nét cảm động nào trên gương mặt hiền hậu của Bà. Người tình xa xưa của Hoàng Cầm, từng trải qua rất nhiều truân chuyên của cuộc sống Việt Nam trong hai thời binh lửa, sau cuộc đổi đời ở Hoa Kỳ đã tìm được quên lãng, an nhiên trong Ðạo Phật rồi! Tôi chợt thấy mình có lỗi khi đem dĩ vãng lại cho Bà. Nhưng tôi cứ tham lam gặng hỏi về sự nghiệp của nhà thơ và thấy vợ con anh cũng không biết gì cho lắm. Chẳng hạn không biết một bài thơ Hoàng Cầm soạn từ khi còn đang làm nghề thầy giáo ở Bắc Giang mà có lẽ thi sĩ cũng đã quên rồi! Hơn nữa, vì anh vắng mặt trong 30 năm nên nếu có ai còn thuộc thơ anh thì cũng chỉ thuộc lõm bõm vài câu thôi. Như hoạ sĩ kiêm thi sĩ Tạ Tỵ:

Nếu anh còn trẻ như năm trước
Quyết đón em về sống với anh
Những buổi chiều vàng phơ phất lại
Anh đàn em hát níu xuân xanh.
? ? ?
Nhưng thuyền em buộc trên sông hận
Anh chẳng quay về với trúc tơ
Ngày tháng tỳ bà vương ánh nguyệt
Mộng héo bên song vẫn đợi chờ…

Một người có lẽ đã lớn tuổi và là dân Hà Nội cũ, trong một bài báo đăng trên nguyệt san Văn Nghệ Tiền Phong còn nhớ thêm bốn câu nữa:

Nếu có ngày nào em trở gót
Quay về thăm lại bến thu xa
Thì đôi mái tóc không xanh nữa
Mây bạc trăng ngàn vẫn thướt tha…

Tôi đã phổ nhạc mấy câu thơ của bài thơ vô đề này và đặt tên bài thơ phổ nhạc là Tình Cầm. Người ta có thể hiểu đó là bài hát nói về mối tình của Hoàng Cầm hay bài hát nói về một mối tình của một danh cầm nào đó. Ðể cho có đủ câu nhạc, tôi soạn thêm một đoạn lời (coi như đó là đoạn 2), mong rằng nó vẫn nằm trong hơi thơ và cảm xúc của thi sĩ :

Có mây bàng bạc gây thương nhớ
Có ánh trăng vàng soi giấc mơ
Có anh ngồi lại se phím cũ
Mong chờ em hát khúc Xuân xưa…

Bài Tình Cầm được Thái Thanh, Duy Quang, Thái Hiền và nhiều ca sĩ khác hát trong các băng nhạc sản xuất tại Hoa Kỳ.

Trong cuốn Hồi Ký II, tôi đã kể lại những hoạt động của tôi và Hoàng Cầm trong kháng chiến nhưng tôi còn bỏ sót một bài thơ rất quan trọng của Hoàng Cầm. Trong chiến thắng Sông Lô, Hoàng Cầm có một bài thơ dài nhan đề Trường Ca Sông Lô (giống như cái tên bản nhạc của Văn Cao):

Sông Lô chẩy xuống Sông Hồng
Sông Hồng trôi xuống Biển Ðông xa vời
Biển Ðông dội sóng vang trời
Nhắc đi bốn bể những lời Sông Lô…
. . . . . . .
Em là em bé Sông Lô
Em đi theo Chị bến bờ là đâu?
Chiều nay thương Mẹ em sầu
Cho em kể lể vài câu tâm tình…

Này Chị trông em nhé:
Em trải tóc rừng xanh
Em quấn khăn núi biếc
Áo em sớm thì xanh
Chiều về đỏ như huyết…

Bài thơ này, tôi đã ngâm cho Phạm Ðình Chương nghe khi vào làm rể nhà họ Phạm Ðình, và đã gây hứng cho cậu em soạn bài Hội Trùng Dương.

Tại căn gác nhỏ ở Los Angeles này, sau khi hỏi chuyện về Hoàng Cầm, tôi sung sướng vô cùng khi được nói cho vợ con của anh nghe về những ca khúc tôi đang chuẩn bị tung ra, phóng tác từ lời thơ của thi sĩ. Ðể cho khán thính giả hiểu được những bài ca đầy tính chất ẩn dụ này, tôi đọc cho mọi người nghe những lời giới thiệu trước khi tôi hát Hoàng Cầm Ca…

Sau đây là hành trình lưu diễn của Hoàng Cầm Ca trên toàn cầu:

* Buổi ra mắt Hoàng Cầm Ca (ngày 18 tháng 10-84, tháng sinh nhật của tôi) tại Phòng Trà Lê Uyên Phương ở Santa Ana.
    Sau đó là những đêm diễn tại:
* Café Viễn Xứ ở San Jose,
* Trường Ðại Học Georges Mason ở Virginia,
* Nhà thờ Saint Teresa ở Honolulu,
* Town Hall ở Melbourne,
* Hiệp Hội Báo Chí tại Úc Châu ở Sydney,
* Cộng Ðồng người Việt ở London,
* Báo Quê Mẹ ở Paris,
* Toà soạn của báo Ðộc Lập ở Stuttgart v.v…

Hoàng Cầm Ca là gì? Ðó là những bài ca gợi những cái đẹp – mỹ ảnh – của đất nước hơn là những cái sai, cái xấu – ảo ảnh, ác ảnh – của quê hương qua tị nạn ca, ngục ca và tủi nhục ca. Ðó những bài thơ mà người bạn thi sĩ viết ra sau vụ Nhân Văn Giai Phẩm và bây giờ đã được tôi phóng tác thành ca khúc. Một thời gian sau khi cùng bị đàn áp với các văn nghệ sĩ chống đối khác như Văn Cao, Phùng Quán, Trần Dần… Hoàng Cầm cho luân lưu tại miền Bắc một tập thơ truyền tay nhan đề Ðường Về Kinh Bắc. Ðó là những bài thơ ẩn dụ, nếu đọc lên thì bất cứ ai nghe cũng thấy bàng bạc những hình ảnh và mầu sắc tuyệt vời của quê hương nhưng không ai hiểu Hoàng Cầm muốn nói gì trong đó…

Tôi cần phải nói rằng vào năm 1982, trong lúc tôi đang mệt mỏi vô cùng sau sáu, bẩy năm sống đời lưu vong, vào những giờ phút lung linh hiếm có, tôi chợt nhìn ra ý chí của Hoàng Cầm trong những bài thơ đầy ẩn ngữ này. Tôi bỗng hiểu được rằng: vào cuối thật niên 60, dù bị đẩy vào hoàn cảnh cùng cực của đời mình là bị bẻ bút và bị bao vây kinh tế nên phải bán rượu lậu ở vỉa hè để mưu sống, với tập thơ truyền tay Ðường Về Kinh Bắc, Hoàng Cầm vẫn… cứ làm thơ ! Trong một miền đất nước mà những thi bá như Xuân Diệu, Tế Hanh, Chế Lan Viên… chỉ còn biết đem thơ làm đòn bẩy cho chế độ, thơ của anh là giọt nước mắt làm chấn động ao tù, là nỗi buồn vạm vỡ của loài sư tử cô đơn…

Lúc đó tôi không có trong tay tập thơ Ðường Về Kinh Bắc, tôi chỉ sưu tầm được dăm ba câu thơ ở nơi này, nơi nọ trên đường đi hát rong cho nên khi phổ nhạc, tôi phải phóng tác thêm vào những câu thơ ngắn ngủi của thi sĩ để soạn ra bốn bài Hoàng Cầm Ca. Ðó là những bài Lá Diêu Bông, Qua Vườn Ổi, Cỗ Bài Tam Cúc, Ðạp Lùi Tinh Tú

Bài Lá Diêu Bông quyến rũ tôi ngay lập tức khi tôi vừa đọc xong bài thơ thiếu đầu thiếu đuôi. Mở đầu, Hoàng Cầm đưa ra hai câu thơ rất thân thiết, đó là lời nhắn nhủ của một người chị nói với đàn em:

Ðứa nào tìm được lá diêu bông
Từ nay tao sẽ gọi là chồng!

Trước hết chúng ta cần biết lá diêu bông là lá gì? Lá diêu bông (lá bông diêu thì đúng hơn) là thứ lá đặc biệt ở làng Ðình Bảng, Bắc Ninh, phụ nữ thời xưa thường vắt ra nước rồi bôi lên mặt cho da dẻ được hồng hào tươi đẹp. Với bài thơ này, Hoàng Cầm đưa ra câu chuyện một chị đàn bà xấu xí, muốn có bộ mặt đẹp nên dỗ dành đàn em đi tìm hộ chị thứ lá thẩm mỹ này…

Vài ngày sau em tìm thấy lá
Chị chau mày: đâu phải lá diêu bông?
Mùa Ðông sau em tìm thấy lá
Chị lắc đầu nhìn nắng vãn bên sông.

A! Chị muốn có chiếc lá thần dược để làm cho mặt chị đẹp? Chỉ vài ngày sau đã có người tìm ra chiếc lá. Ðó là chiếc lá dân tộc, giản dị là như vậy! Nhưng chị chau mày bảo rằng: đó không phải là lá diêu bông! Rồi một năm qua đi, nhớ lời chị nhắn nhủ, lại có người tìm ra chiếc lá, nhưng chị vẫn chưa chịu chấp nhận nó, cho nên chị lắc đầu, ngoảnh mặt đi, nhìn nắng vãn bên sông… Bài hát tiếp tục :

Ngày cưới chị, em tìm thấy lá
Chị mỉm cười, se chỉ cắm trôn kim.
Chị đã ba con, em tìm thấy lá
Xoè tay, phủ mặt, chị không nhìn…

Khi cho rằng không có ai tìm ra chiếc lá thần diệu nên chị bèn đi lấy chồng, thì vào ngày cưới chị, vẫn có người đem lại cho chị chiếc lá thẩm mỹ của dân tộc. Nhưng than ôi, chị đã ”lỡ bước sang ngang” nên chị mỉm cười, chị se chỉ, chị cắm vào lỗ trôn của cây kim, chị khâu vá cuộc đời vong thân của mình rồi! Tới khi chị có ba đứa con, vẫn còn có người nhớ tới chuyện chị muốn có chiếc lá diêu bông và muốn đem lại cho chị chiếc lá thần diệu đó thì chị xoè tay phủ mặt, chị không nhìn, hay chị không muốn nhìn ra cái lá có thể làm cho chị đẹp được nữa!

Với những câu thơ cuối của bài Lá Diêu Bông, Hoàng Cầm muốn nói rằng: Không ai có thể làm cho người chị khó tính này tốt đẹp được vì dù có tìm thấy chiếc lá thẩm mỹ nhiệm mầu thì cũng không được chị chấp nhận:

Từ thuở đó, em (Hoàng) cầm chiếc lá
Nơi đầu non, cuối bể, em đi…
Lời vi vút, gió quê lắng gọi
Diêu bông hời hời hỡi diêu bông!
Em đi trăm núi nghìn sông
Nào tìm thấy lá diêu bông bao giờ?

Với bài thơ phổ nhạc này, tôi đã thay mặt Hoàng Cầm, trong nhiều năm, đi trăm núi nghìn sông, nghĩa là đi khắp mọi nơi trên thế giới để rao giảng cho mọi người nghe những ”thông điệp nhân văn” của thi sĩ. Ngoài việc nói lên cái xấu xí và sự mù quáng của một người chị, bản Hoàng Cầm Ca – Lá Diêu Bông còn đặt ra vấn đề đãi ngộ đàn em nữa. Người chị muốn lũ đàn em tìm đủ mọi cách để tô son điểm phấn cho chị rồi chị sẽ đãi ngộ, chị sẽ lấy làm chồng kia mà… Nhưng chẳng bao giờ chị biết nghe tiếng nói trung thực của đàn em, nói gì đến chuyện đãi ngộ?

Phạm Duy

Văn học Nghệ thuật