Hoàng Quân: Duyên Nợ Văn Tự
Mấy chị em tôi chia nhau mua nhiều loại báo: Làng Văn, Thế Kỷ 21, Văn, Văn Học… chuyền tay nhau đọc. Tôi “quen” Thế Kỷ 21 đã lâu, nhưng chỉ là quan hệ… đơn phương.
Vào những năm 90 của thế kỷ trước, tôi gởi bài đến tờ báo Măng Non, sau này đổi thành Văn Nghệ Trẻ của nhà văn Ngô Nguyên Dũng ở Tây Đức. Mãi năm 2003, tôi mon men vượt đại dương, tìm đến Làng Văn Canada. Được thời gian ngắn, anh Ngô Nguyên Dũng cho biết, báo Làng Văn phải đình bản, vì những khó khăn về tài chánh. Duyên văn nghệ của tôi với Làng Văn chưa kịp “bén” đã chấm dứt. Nghe chị Hoàng Nga “mách nhỏ”, tôi gởi bài đến Văn Học. Có lẽ địa chỉ hotmail của tôi bị nhầm là thư rác, junkmail, điện thư bị trả lại với lý do không giao thư được. Tôi vẫn tiếp tục viết, xếp trong “tủ”, lâu lâu đem ra đọc. Mỗi lần đọc, dặm thêm chút “mắm muối”. Khi thêm vài dấu chấm phết. Khi bớt đôi chữ “thì, là, mà”. Chị tôi, chị Hoàng Thanh Tâm, qua những hoạt động với trung tâm Độc Lập của Tây Đức, quen nhà báo Từ Nguyên, ông Trần Văn Ngô bên Pháp. Ông Từ Nguyên mời chị Thanh Tâm tham gia Văn Bút. Chị Thanh Tâm chuyển thư của ông Từ Nguyên đến tôi. Ông Từ Nguyên cho biết có làm việc với báo Thế Kỷ 21. Tôi thầm nghĩ, Thế Kỷ 21 “cao” quá. Được là độc giả đã quý rồi. Chứ nào dám mơ xa thêm. Đôi đũa tre mộc mạc của mình biết làm sao để “chòi” tới mâm son.
Tôi gởi vài emails trao đổi, dọ ý ông Từ Nguyên. Sau đó, tôi thu hết can đảm, gởi bài Giấc Mơ Thực Vật nhờ ông Từ Nguyên chuyển đến báo Thế Kỷ 21. Gởi đi, nhưng tôi không dám tràn trề hy vọng. Cũng không lóng ngóng trông thư trả lời. Vậy mà, ông chủ bút Phạm Xuân Đài đã dành cho Hoàng Quân ưu ái đặc biệt, ngay từ thuở Hoàng Quân chân ướt, chân ráo bước vào sinh hoạt chữ nghĩa. Ông cho đăng bài viết ngay trên số báo gần nhất, số 184, tháng Tám, 2004. Tôi nhận tờ Thế Kỷ 21, có đăng tựa đề Giấc Mơ Thực Vật ở trang bìa. Tôi vui mừng vô tả. Tôi hạnh phúc lâng lâng. Tôi cảm nhận đó là niềm vinh dự cho mình, được tờ báo có tầm vóc cao lớn đón nhận như vậy. Tôi vội vàng chụp hình trang bìa, níu tay gia đình, bạn bè, rộn ràng kể, hớn hở khoe. Như vậy đó, với Thế Kỷ 21 và chủ bút Phạm Xuân Đài, tôi đã trân trọng đặt khối gạch xây đắp căn nhà ước mơ thành văn sĩ của tôi.
Qua những lần liên lạc thư từ, tôi xin phép các “ông” cho gọi bằng anh, bớt phần khách sáo, xa cách. Mặc dầu, tính theo cả tên lẫn tuổi, tôi đi sau các anh rất xa.
Sau đó, anh Từ Nguyên đưa địa chỉ email của anh Phạm Phú Minh, bảo, có thể gởi bài trực tiếp. Năm nọ, anh Phạm Phú Minh gởi tặng tôi tờ đặc san Xuân của báo Người Việt. Trên bao thư ghi người nhận Hoàng Quân, tên của cu Bê, con trai tôi. Nhận được bưu phẩm cho mình, gởi từ Mỹ, cu cậu ngạc nhiên, thích thú. Vội vàng mở quà, cầm tờ báo xuân xinh đẹp trên tay, cu cậu thắc mắc: “Ủa, ai tặng cho mình quà này lạ hè.“ Tôi vội vàng giải thích: “Thì, hồi xưa, mẹ có kể cho Bê rồi. Mẹ thấy tên Bê hay quá, nên mẹ mượn làm bút hiệu khi viết văn.“
Cũng ở vùng nam California, nhà văn Đặng Phú Phong là họ hàng bên Mạ tôi và bạn của Ba tôi. Ba tôi và anh Phong đã chia sẻ với nhau những ngày tháng trong trại cải tạo. Anh điện thoại thăm Ba tôi, tình cờ gặp tôi, chuyện trò qua lại, trao đổi bài vở. Năm 2009, mấy chị em tôi đưa Ba qua Mỹ ăn tết. Khi gặp nhau, Ba tôi và anh Phong mừng mừng, tủi tủi. Sau lần gặp gỡ đó, vợ chồng anh Đặng Phú Phong trở thành bạn bè của cả mấy anh chị em chúng tôi. Nhân dịp này, anh Đặng Phú Phong liên lạc anh Phạm Phú Minh. Đấy là lần đầu tiên Hoàng Quân đi cùng với thân phụ và người chị đến gặp ông chủ bút báo Thế Kỷ 21. Từ đó, Hoàng Quân thành “người nhà” của Thế Kỷ 21, hãnh diện được đứng gần cây cao bóng cả của nhiều tên tuổi trong làng chữ nghĩa.
Khi nghe tin báo Thế Kỷ 21 đình bản, tôi cảm thấy hụt hẫng. Như đánh mất điều gì rất thân thiết, quý giá. Về sau, anh Phạm Phú Minh cùng một số văn, thi sĩ… làm tờ báo điện tử Diễn Đàn Thế Kỷ. Tôi xem mình như thành viên trong gia đình văn nghệ DĐTK. Tôi rất vui, được đi lui tới trong vườn nhà. Đọc những bài rất nặng ký của những tên tuổi gạo cội trong diễn đàn chữ nghĩa, đôi khi, tôi hơi chút ngài ngại, cảm thấy mình “bé bỏng” trong sinh hoạt này. Nhưng những lúc anh Phạm Phú Minh góp ý đôi câu cho bài mới gởi, hoặc hỏi bài cho số xuân, là niềm khích lệ rất lớn cho tôi, là thôi thúc cho tôi ngồi vào bàn viết, mở “thư viện” của mình để viết tiếp, mặc những bận rộn và áp lực của cuộc sống.
Tờ DĐTK phát triển nhanh và trở thành phổ biến trong thời gian ngắn. Số lượng người xem tăng nhiều. Qua DĐTK, tôi được nhiều mối duyên thú vị. Có lần, tôi nhận được email của chị bạn, gởi cho tôi link của DĐTK, đăng truyện Chàng Nghệ Sĩ. Chị bảo: “Chị thích bài viết đó, và nghĩ, chắc em cũng sẽ thích, nên giới thiệu với em.” Lúc đó, tôi mới thỏ thẻ với chị: “Dạ, Hoàng Quân là Hoàng Thị Ngọc Thúy đó chị.” Lần khác, chị của bạn tôi, gởi cho tôi Bài Ca Hạnh Ngộ, chị vừa “hái” được trong “vườn” DĐTK. Chị sôi nổi: “Tác giả không phải tên của em. Nhưng chị ‘chắc như bắp‘ là em. Vì thấy toàn là “người thật, việc thật.” Một ông bạn Ba tôi ở Texas, có máu văn nghệ, rất vui tính. Bác hay liên lạc với Ba tôi. Thỉnh thoảng, thay mặt Ba, tôi trả lời thư bác, gởi kèm vài bài viết của Hoàng Quân đến bác. Khi tôi gởi bài Nhật Ký Màu Tím, thì bác cười (trong email), rằng bác biết bài này, do hai người bạn của bác đã đọc trên DĐTK, chuyển bài đến cho bác.
Một độc giả thường trực của Diễn Đàn Thế Kỷ, vì thích những bài vở của Hoàng Quân, chị lên mạng “dò la” tông tích của tác giả. Chị gọi điện thoại đến tòa báo hỏi, có thể liên lạc với Hoàng Quân qua email. Lúc ấy, vợ chồng chúng tôi đang có mặt Nam California. Với một chuỗi tình cờ dễ thương, cộng thêm chút xếp đặt của anh Phạm Phú Minh, giờ đây độc giả đặc biệt ấy là người bạn tâm giao của tôi.
Năm nọ, anh Phạm Phú Minh chuyển cho tôi email của anh Song Thao. Anh Song Thao hỏi: “Hoàng Quân là ai mà viết… hay quá vậy. ” Ui chao, tôi nở phồng cả mũi. Khi đọc TK21, tôi rộn ràng tìm phần Phiếm của Song Thao. Đọc đâm ghiền như đọc truyện kiếm hiệp. Vậy mà, bây giờ được người mình “mê”, khen như vậy, hỏi sao không cảm thấy hạnh phúc mênh mang. Coi như anh Phạm Phú Minh bắt nhịp cầu tri âm cho tôi và và ông “trùm” Phiếm Song Thao. Sau đôi lần thư từ, anh Song Thao bảo, anh tính rủ tôi viết chung phiếm. Nghe ông trùm nói vậy, tôi rón rén viết thử Ngôn Ngữ, Chuyện Đó Đây. Tôi băn khoăn miết, rụt rè hỏi anh Song Thao, giống phiếm chưa, cần thêm mắm muối gì nữa không. Thì anh cười (tôi đoán vậy), bảo, phiếm đứt đuôi con nòng nọc rồi. Thế là tôi yên tâm, gởi bài đến tòa báo.
Xuân Kỷ Sửu 2009, anh Phạm Phú Minh “rủ” họp mặt vào mồng một tết tại Quận Cam. Anh bảo: “Chỉ một số nhỏ bạn thân thiết của anh như Trần Mộng Tú, Bùi Bích Hà, Võ Phiến… ” Lúc đó, tôi đang cùng thân phụ đi thăm họ hàng bè bạn ở bắc California. Hụt buổi hội ngộ tôi tiếc hùi hụi.
Năm 2015, nghe tôi đi dự Hội Nghị Liên Trường Quảng Ngãi ở Seattle, anh Minh “đánh tiếng” với chị Trần Mộng Tú, thi sĩ khả ái với những vần thơ mượt mà… ngoài vườn đầy hoa nở, trong hồn ngập mộng mơ… Trong ngôi nhà xinh xắn trên triền đồi, nhìn xuống hồ thật thơ mộng ở thành phố Bellevue, tiểu bang Washington, chị Trần Mộng Tú và phu quân, anh Frank đã khoản đãi vợ chồng tôi, chị tôi và hai người bạn buổi trò chuyện thân mật, ấm cúng. Tôi không những yêu thích thơ văn của chị, mà còn khâm phục những sinh hoạt thiện nguyện của anh chị. Tôi vẫn mong sẽ có một ngày rất gần, được trở lại nơi căn nhà với hai câu thơ trước cửa: Khi trở về dẫu tuổi gầy sương tuyết, Bốn bàn chân sẽ làm ấm thềm nhà. Rời Tây Bắc Hoa Kỳ, chúng tôi xuôi Nam, xuống quận Cam. Tôi có dịp tái ngộ chị Bích Huyền, người tôi rất ái mộ với giọng nói mượt mà, quyến rũ của hàng trăm chương trình thơ nhạc. Lòng tôi rạng rỡ niềm vui, nghe chị ngọt ngào: “Những câu chuyện của em thật thú vị…”
Mãi năm 2016, tôi mới “thấy” bài Lê Hữu Và Một Thời Âm Nhạc của anh Phạm Phú Minh/Phạm Xuân Đài (viết năm 2011). Đọc xong, tôi nhủ lòng, nhất định phải làm sao để đọc trọn cuốn sách mới được. Lại gõ cửa ông thám tử Gồ. Cuối cùng, tôi liên lạc được với anh Lê Hữu. Giờ đây tôi có trong tay cuốn Âm Nhạc Của Một Thời và gặp thêm một tâm hồn đồng cảm, đồng điệu với mình. Những ngày mê mẩn trong Âm Nhạc Của Một Thời, tôi bắt gặp đây kia những lời ca anh Lê Hữu rất yêu. Mà những câu hát đó, những “chàng nàng“ trong truyện của Hoàng Quân vẫn trìu mến trên môi. Đọc được cuốn sách hay cũng phải có cái duyên. Tôi lại cám ơn anh Phạm Phú Minh đã xe thêm một mối duyên văn nghệ cho tôi.
Kỳ nghỉ lễ cuối năm, tôi tìm được đôi chút thời gian rong ruổi trong Nét Xuân Sơn, trang nhà đăng lại một số bài viết của Phạm Xuân Đài. Khi “bắt gặp” Hoa Tím Bâng Khuâng của anh Phạm Phú Minh trong “vườn”, tôi ngạc nhiên lẫn thích thú: anh Phạm Phú Minh và tôi có bài viết về cùng một đề tài: hoa Jacaranda.
Anh Phạm Phú Minh viết Hoa Tím Bâng Khuâng từ thế kỷ trước, tháng năm 1993. Ngày ấy, khi ngắm phượng ở Quận Cam Hoa Kỳ, anh Minh đã miên man:
“Một niềm hạnh phúc bất chợt sẽ đến với bạn, khi bạn lái xe rẽ vào một con đường nhỏ êm đềm với những rặng hoa tím, tím ngát đất trời. Ngửng mặt nhìn vào đám mây tím lãng đãng ấy bạn sẽ lạc ngay vào một vùng tâm thức lạ lùng, vừa sửng sốt vừa phiêu diêu. Đó là một loại màu tím không giống bất cứ thứ tím nào bạn đã thấy. ”
Đọc xong bài Hoa Tím Bâng Khuâng, tôi ngẩn người, hỏi thầm mình, chơ bao lâu nay mắt mũi tôi cất đâu, mà không “thấy” được hoa tím bâng khuâng. Để mãi đến năm 2009, lúc đi làm ở Nam Phi, mới “khám phá” hoa tím, phải mằn mò hỏi quanh mới biết đấy là Jacaranda. Trong truyện ngắn Phượng Xưa tôi đã say đắm:
“… Qua nhiều ngõ phố, những hàng phượng tím hai bên đường như chụm đầu tình tự với nhau.
…
Từ vuông cửa sổ phòng khách sạn, tôi nhìn mông lung xuống thành phố bên dưới. Trong nắng chiều tà, những tàng phượng tím đẹp quyến rũ lạ lùng. Cuộc sống đôi khi có những tình cờ kỳ diệu. Bao lần đến Johannesburg, mảnh đất ở phương nam châu Phi vẫn tạo nhiều ấn tượng trong tôi. Nhưng mãi lần này, tôi mới thấy những hàng phượng tím. Những cây Jacaranda bao năm khoe sắc ở thành phố này, chứ đâu phải mới rộ nở cho tôi ngắm lần này đâu!
…. ”
Không biết khi anh Phạm Phú Minh đọc bài Phượng Xưa của tôi gởi đăng trên DĐTK, anh có mỉm cười, nhớ đến hoa tím của anh không. Riêng tôi, có niềm vui nhẹ nhàng, khi thấy hoa tím “của” mình ở Châu Phi và hoa tím “của” anh Phạm Phú Minh ở Châu Mỹ có những nét đáng yêu giống nhau.
Anh Phạm Phú Minh là ông chủ bút thật dễ thương. Anh khích lệ tinh thần, chỉ dẫn, góp ý cho tôi. Hơn nữa, anh rất “chiều lòng” cộng tác viên. Anh đã phải ghi chép cẩn thận để đăng bài Đứng Ngẩn Trông Vời đúng vào ngày 24.01, nhân sinh nhật con trai tôi. Hoặc đăng bài Tuổi Ngọc Cho Nàng Trên Xứ Người vào ngày 14.01, đúng ngày tôi sang Tây Đức 30 năm trước.
Mỗi khi tôi gởi bài, anh Phạm Phú Minh luôn có thư hồi đáp. Thỉnh thoảng, anh viết đôi dòng nhận xét, cảm nghĩ. Hoặc chỉ trả lời ngắn ngọn, ngộ nghĩnh. Lúc nhận Xiêm Áo Thênh Thang, anh trả lời: “Xiêm áo của Hoàng Quân đã đến Hoa Kỳ”. Nhận bài Yêu Lời Mẹ Ru, anh bảo: “Cảm động lắm. Đăng bài này thế nào ông Song Thao cũng lại khen, vì vợ ổng người Huế, ổng rất rành tiếng Huế… Phải một bà-mẹ-viết-văn mới viết được…”
Ngoài ra, anh luôn tìm những hình minh họa đặc sắc cho bài. Người Ấy Ngày Xưa có cánh phượng hồng rất đẹp. Tuần lễ đó, Người Ấy Ngày Xưa là một trong những bài viết được đọc nhiều nhất trong tuần. Có lẽ một phần nhờ hình minh họa bắt mắt.
Anh Phạm Phú Minh đối với Hoàng Quân không chỉ đơn thuần là ông chủ bút đọc bài vở, chọn lọc để đưa lên báo. Ban đầu, tôi gởi bài đến tòa báo để dự đăng. Nhưng về sau, viết xong bài nào, tôi gởi đến anh Phạm Phú Minh, như thể gởi bạn thân, tri kỷ cùng chia sẻ những cảm nghĩ, suy tư của mình. Còn chuyện đăng báo là quyết định của chủ bút. Bài Người Cày Có Ruộng, tôi viết xong giữa khuya, kể lại “bi hài kịch” lên bờ, xuống ruộng, thời kỳ đi xin việc ở tuổi tri thiên mệnh của tôi. Gởi cho anh, giống như tìm người nghe mình tỉ tê tâm sự những chông chênh của cuộc sống. Anh như người bạn kiên nhẫn, lắng nghe chuyện, hiểu và cảm được những nỗi niềm của mình. Ngay trong khuya đó, anh trả lời thư, nói, đã đọc một mạch xong Người Cày Có Ruộng và muốn đăng ngay trong ngày hôm sau. Lúc ấy đã gần tết nguyên đán, vì trong bài viết có mấy câu… Chim én ơi, khi báo tin xuân đang về với trần gian… nên anh em chúng tôi đồng ý giữ bài chờ dịp tết. Tết đó, anh tìm hình tranh sơn dầu Đồng Quê Việt Nam tuyệt đẹp, đăng chung với bài viết.
Tôi muốn làm tập truyện Nhớ Tiếng À Ơi, ngỏ ý nhờ anh viết bài giới thiệu tập truyện, kiểu như lời tựa. Anh nhận lời viết, mặc dù thời gian ấy anh rất bận bịu với báo chí cũng như những chương trình sinh hoạt của anh. Đọc bài giới thiệu của anh Phạm Phú Minh, độc giả đã rỉ tai với Hoàng Quân. “Ông Phạm Phú Minh thật giỏi, khám phá mọi ngóc ngách trong tâm hồn của Hoàng Quân, đem lên cho thiên hạ đọc. Tuyệt vời.” Hoặc, “Chưa thấy ai viết điểm sách mà nghiêm túc và sâu sắc như ông Phạm Phú Minh.” Hoặc “Ông Phạm Phú Minh thật xứng với những danh xưng, nhà văn, chủ bút của báo và nhà biên khảo. Bài ông ta viết thật hay, mạch lạc và đầy đủ… ” …
Bước đầu, tôi cộng tác với Măng Non, Văn Nghệ Trẻ, Làng Văn. Nhưng qua Thế Kỷ 21 và sau này Diễn Đàn Thế Kỷ, với chủ bút Phạm Phú Minh, Hoàng Quân mới thực sự là Hoàng Quân của ngày nay.
Như vậy đó, nhờ duyên lành, tôi gặp Thế Kỷ 21 và anh Phạm Phú Minh năm xưa. Mười mấy năm qua, tôi may mắn gặp thêm nhiều duyên lành khác, có thêm bạn văn, bạn đọc, bạn lòng. Để bây giờ, mặc những tất bật, áp lực của thế giới chung quanh, tôi vẫn tìm được niềm vui trong viết lách và vẫn tìm được những tâm hồn đồng điệu, dẫu không nhiều, nhưng đối với tôi, cũng đủ thăng hoa cuộc sống.
Như anh Phạm Phú Minh đã viết trong bài giới thiệu tập truyện Nhớ Tiếng À Ơi, “Hoàng Quân đã đến với báo Thế Kỷ 21 như thế, cách đây đã 12 năm… chúng tôi vẫn còn duyên nợ văn tự với nhau… ” Ước mong chúng tôi vẫn duyên, vẫn nợ văn tự thật nhiều năm nữa.
Thuở tiểu học, tôi dùng bút mực ngòi lá tre nắn nót những bài tập làm văn. Lên trung học, tôi xài bút máy Pilot trau chuốt những bài luận văn. Tự lúc nào, ước mơ viết văn luôn quanh quẩn bên tôi. Giờ đây, quá nửa đời người, ngồi vào bàn phím viết tiếng Việt trở thành đam mê, là sinh hoạt cần thiết đối với tôi. Với người bạn Anh, Mỹ tôi sẽ reo lên: “I am really a lucky beggar.” Gặp bạn Đức tôi sẽ cao giọng rằng: “Ich bin echt ein Glückspilz.” Và với người Việt, tôi sẽ rạng rỡ: “Bạn ơi, tôi may mắn và hạnh phúc quá chừng.”
Hoàng Quân