Hoàng Tuân: Mét mét ba – Triển lãm Hội họa Tình huống của Bùi Chát

 Không gian triển lãm Mét mét ba tại Maii Art Space. Photo by Trần Lý Trí Tân.

Bùi Chát vừa có một cuộc triển lãm hội họa diễn ra 02/10 – 08/10/2024 tại Maii Artspace 72/7 Trần Quốc Toản, Q3, Tp HCM với cái tên lạ Mét mét ba

Bùi Chát là một nhà thơ và là một nhà hoạt động xuất bản độc lập nổi tiếng lâu nay… nhưng mấy năm gần đây anh lại nổi lên và tiếp tục gây chia rẽ dư luận với vai trò là một họa sĩ, một nghệ sĩ thị giác. Tuy nhiên, Bùi Chát chỉ theo học và tốt nghiệp Cử nhân Văn chương, sau đó là Cử nhân Luật, anh chưa từng học bất cứ một trường hoặc khóa học nghệ thuật nào. 

Trước khi trở thành một họa sĩ chuyên nghiệp, Bùi Chát làm thơ, anh là thành viên chủ chốt của Mở Miệng – nhóm nghệ sĩ nổi bật nhất của thơ Việt Nam đương đại. Bùi Chát đã từng xuất bản 7 tập thơ, thơ anh được dịch và giới thiệu qua một vài ngôn ngữ khác. Sau nhiều lần phải bỏ dở con đường hội họa, Bùi Chát cầm cọ lại một cách chuyên tâm vào năm 2019, hiện Bùi Chát đang chủ trương một lối hội họa riêng có tên gọi là Hội họa Tình huống (Solverism).

Từ trái sang: Họa sĩ Bùi Chát, nhà văn Nguyễn Viện, nhà thơ Hoàng Hưng. Photo by Trà Củ Lủ.

Nhà phê bình Thụy Khuê khi nói về Hội họa tình huống của Bùi Chát đã đưa ra nhận định:

Diện mạo nổi lên gần đây nhất, là Bùi Chát, nhà thơ kiêm họa sĩ, với những nét bạo, gồ ghề, biến đổi không ngừng trên khung vải, trên những “chất liệu” phế thải như giường xếp, giao thoa giữa nghệ thuật sắp đặt và bút lông, tạo ra những tác phẩm mà Bùi Chát gọi là Hội họa tình huống, thể hiện tính cách đa phương của nghệ thuật, phát động trí tưởng tượng của người xem. Hội họa tình huống, theo tôi hiểu, ghi lại những giây phút tức thì của cuộc sống. Ngày trước đạo Phật gọi là duyên. Có duyên thì nên, không duyên thì chẳng. Sau này, Sartre gọi là tình huống (situation): con người trước tình huống, con người trong tình huống của cuộc hiện sinh, bắt buộc phải hành động. Những duyên, những tình thế mới ấy, chắp lại thành đời sống con người, hôm nay và ngày mai.

Triển lãm Mét mét ba 

Mét mét ba là triển lãm thứ tám của Bùi Chát. Bộ sưu tập này gồm 30 bức tranh sơn dầu khổ mét mét ba (100x130cm) được anh sáng tác trong năm 2024, sau khi kết thúc triển lãm Những hiện diện vô hình

Theo Bùi Chát, vì đã có quá nhiều tiếng nói, quá nhiều ẩn dụ, quá nhiều thông điệp… được thể hiện qua các cuộc triển lãm, nên khi chuẩn bị triển lãm lần này anh đã quyết định không đưa vào dự án bất cứ tiếng nói, ẩn dụ hay thông điệp nào. Với Bùi Chát triển lãm này là một khoảng nghỉ, một cách thức thả lỏng và thư giãn tuyệt đối cho cuộc sống và con đường nghệ thuật của anh. 

Công chúng có thể đến để nghỉ ngơi, thư giãn hoặc đến để tạo ra câu chuyện và thông điệp của chính mình thông qua bộ sưu tập…

Nói về triển lãm Mét mét ba, Bùi Chát chia sẻ thêm: Biết đâu sự lăng im của nghệ thuật có thể giúp cải thiện tình trạng ô nhiễm tiếng ồn trong tâm trí của mỗi chúng ta!

Cách đặt tên 

Cách đặt tên triển lãm lần này của Bùi Chát không gợi mở bất cứ một điều gì về nội dung của bộ sưu tập, nó không làm chúng ta liên tưởng, mong chờ hoặc hy vọng gì về tác phẩm sẽ xuất hiện trong triển lãm. Mét mét ba – một tiêu đề chỉ hoàn toàn mang tính chất thông báo. Một cách thông tin, cơ bản, đầy đủ và chính xác về kích thước của các bức tranh, ngoài ra không giúp ta hiểu thêm bất cứ thông điệp nào khác. 

Cách đặt tên theo phong cách này làm ta hình dung đến cách đặt tên trong lĩnh vực thơ ca. Đã có nhiều tuyển tập thơ được đặt tên hoàn toàn dựa vào hình thức và thể loại như: Thơ lục bát, Thơ sáu tám, Sáu & tám, Thơ bảy chữ, Thơ thất ngôn, Thơ năm chữ, Thơ song thất lục bát… Hoặc như cách đặt tên các triển lãm chủ yếu dựa trên cơ sở chất liệu: Triển lãm tranh sơn mài, Triển lãm tranh lụa, Triển lãm màu nước, Triển lãm tranh sơn dầu…

Bàn thêm về cách đặt tên tác phẩm của Bùi Chát, nếu để ý kỹ sẽ thấy trong 8 cuộc triển lãm đã diễn ra với gần 250 bức tranh, chưa bao giờ thấy Bùi Chát đặt tên cho các bức tranh một cách rõ ràng, cụ thể. Phần lớn các tên tranh đều là Không đề và được đánh số theo thứ tự, hoặc tên tranh được đặt theo tên triển lãm và được đánh số. Bùi Chát cho biết, vì không muốn áp đặt hay định hướng cách hiểu nghệ thuật cho công chúng nên anh không muốn đặt tên cho tác phẩm, ngoài ra với Bùi Chát thì một cái tên cụ thể nào đó sẽ không bao giờ diễn đạt được diễn biến thực sự của các tình huống  

Có lẽ trong hơn 20 năm thực hành nghệ thuật từ thơ cho đến hội họa, Bùi Chát chỉ quan tâm và cố gắng thể hiện những vấn đề cốt lõi nhất, và luôn định vị tác phẩm của mình nằm ở ranh giới giữa nghệ thuật và không nghệ thuật.

Ý kiến chuyên môn

Họa sĩ Phan Trọng Văn – người phụ trách chuyên môn của Maii Artspace nhận xét:

“Cuộc triển lãm cá nhân lần thứ 8 của Bùi Chát – một họa sĩ xuất thân là nhà thơ mang đến những trải nghiệm đặc biệt và sâu sắc cho người xem, sự giao thoa giữa thơ ca và hội họa tạo ra một không gian nghệ thuật ý niệm phong phú, nơi mà cảm xúc và ý tưởng được thể hiện qua nhiều cách thức khác nhau…

Sự nhạy cảm của một nhà thơ có thể giúp Bùi Chát truyền tải những cảm xúc tinh tế, từ nỗi buồn sâu lắng đến niềm vui rực rỡ, qua từng nét cọ và màu sắc. Mỗi bức tranh có thể là một bài thơ không lời, mời gọi người xem khám phá và cảm nhận theo cách riêng của họ.

…Có thể nhận thấy, tranh của Bùi Chát dường như không theo một quy luật nào, mà mang đậm dấu ấn cá nhân, thoát khỏi các khuôn mẫu truyền thống. Sự kết hợp của các màu sắc tươi sáng và những vệt màu xám tối gợi lên một sự đối lập và mâu thuẫn trong cảm xúc hay tư duy. Nét vẽ mạnh mẽ, dứt khoát cũng góp phần làm nổi bật sự tự do, không giới hạn của tranh trừu tượng.

Với serie’s tranh “Mét mét ba” này như muốn truyền tải một thông điệp hay một câu chuyện nào đó, nhưng lại để lại cho người xem nhiều khoảng không để tự mình cảm nhận và suy ngẫm. Mỗi người có thể sẽ có cách cảm nhận khác nhau về những gì các tác phẩm này đang muốn truyền tải.

Bùi Chát là một trong những nhân vật thú vị trong giới nghệ sĩ Sài Gòn, với những đóng góp đáng kể cho văn hóa và nghệ thuật đương đại”.

Giám tuyển Lý Đợi khi được hỏi về triển lãm Mét mét ba đã cho biết:

“Tới triển lãm cá nhân lần thứ 8 này, Bùi Chát nhấn sâu hơn vào trừu tượng trữ tình (lyrical abstraction), còn có thể gọi là trừu tượng thi ca (poetic abstraction), nơi theo đuổi các biến chuyển của cảm xúc tình huống. 

Theo lý thuyết, trừu tượng trữ tình không chỉ đối lập với các phong trào lập thể và siêu thực trước đó, mà còn đối lập với trừu tượng hình học (hoặc ‘trừu tượng lạnh’). Tranh của Bùi Chát rõ ràng là mặt khác của lạnh, nó ấm nồng, cuộn chảy và phiêu theo từng trạng thái tâm lý. 

Vì đặt tên tranh – tên triển lãm như là một thể loại, y như thơ tứ tuyệt, thơ thất ngôn bát cú, nên nó hơi gò vào các quy tắc và khuôn khổ thể loại. Chính vì vậy, nhờ chất trữ tình tuôn chảy, chất thi ca tự do đã giúp phá vỡ các sự gò bó này”

Nhà văn Trà Đóa, khi xem tranh Mét mét ba đã phải thốt lên:

“Có vẻ Bùi Chát đã bước vào một hướng tốt.

Các bức tranh này có thừa chiều sâu cho các nhà phê bình.

Không dễ để tạo ra sự hỗn mang của màu sắc. Nó diễn đạt được cái không thể diễn đạt.”

Nhà phê bình mỹ thuật Nguyên Hưng từng nhận định một cách ngắn gọn: 

“Tuy mới “xuất hiện”, nhưng nghệ thuật Bùi Chát là “một quá trình” tìm kiếm và sáng tạo với tinh thần tự do rất đáng chú ý… Mỗi triển lãm của Bùi Chát, là một trình hiện nghệ thuật khác…

Ở tư cách người viết phê bình, bao nhiêu năm nay, khi bắt đầu lập “folder” về một hoạ sĩ nào đó, là tôi bắt đầu cho một vụ “đặt cược”. Đặt cược vào tương lai…

Khi lập “Folder Bùi Chát”, tôi tin, Bùi Chát rồi sẽ đi xa, và có nhiều đóng góp trong nghệ thuật…”

Hoàng Tuân