Hồi ký của Zana Muhsen: Sold: Story of Modern-day Slavery/Mất thân, Trần Vũ lược dịch

Chiến tranh Ukraine khiến chúng ta lãng quên cuộc tranh đấu của phụ nữ Iran. Bất chấp đàn áp, phụ nữ Ba Tư giành quyền sống. Một xứ khác, rất gần với Iran trong sự hà khắc của chế độ phụ hệ là Yemen. Năm 2012 giải World Press Photo trao cho Stéphanie Sinclair về bức ảnh chụp hai bé gái đứng với chồng. Tấm ảnh Too Young to Wed nói lên hủ tục tảo hôn đã khiến 3 cô gái trẻ tự tử ở thủ phủ Ammran, và ở một tỉnh khác, một cô dâu 13 tuổi chảy máu đến chết trong đêm vu quy. Kẻ sát nhân nhỏ tuổi nhất Yemen, Aminah Al-Tuhaif, cũng là một bé gái lên 11 đã giết chồng vì hận. Tuy chưa nhiều nhưng các hồi ký dần xuất hiện: I am Nujood, Age 10 and Divorced của Nujood Ali, The Tears of Sheba của Khadija Al-Salam, và đặc biệt Sold của Zana Muhsen là hồi ký đầu tiên đánh động thế giới. [Trần Vũ]

Năm 1984, tôi có sợ hãi khi cùng với con gái lên bốn, theo chồng về Tehran. Tuy lúc ấy tôi chưa biết có những phụ nữ bị giữ làm con tin bởi người chồng khác quốc tịch hoặc có những đứa bé bị giật khỏi tay mẹ. Tôi cũng chưa biết một khi kết hôn với đàn ông Iran, quốc tịch Hoa Kỳ tự động bị xóa bỏ và mẹ con tôi, nếu chồng không cho phép, không có quyền rời xứ ấy. 

18 tháng sau, khi tôi và con gái thoát khỏi ác mộng, chúng tôi là trường hợp cá biệt trong mắt dân Mỹ. Đến khi tôi viết hồi ký rồi du hành ra mắt sách, tôi mới khám phá, ở Hoa Kỳ và Âu châu, nhiều bi kịch tương tự.

Phần lớn các phụ nữ đã trải qua cùng kinh nghiệm với tôi, không dám lên tiếng, nghĩ rằng họ có lỗi hoặc là những cá thể tách biệt. Tôi muốn chống lại ý tưởng sai này.

Hôm nay, ở phương Tây càng lúc càng thêm nhiều những hôn nhân dị chủng và nhiều thêm những đứa bé song tịch. Những người giống như chồng tôi hay cha của Zana Muhsen, đến cư ngụ giữa xã hội phương Tây nhưng lại thường xuyên bất đồng với văn hóa bản địa. Một số không chấp nhận phải giáo dục con cái, đặc biệt con gái, theo khuôn mẫu phi Hồi giáo mà họ xem ô uế. Họ nghĩ phải thực thi quyền làm cha: bắt cóc con và đem về quê cũ.

Vào năm 1988, tôi khám phá chuyện của Zana và em gái là Nadia. Ước ao tự nhiên về thăm quê cha đã vùi hai chị em xuống bi thảm. Hai thiếu nữ Anh, sinh ra và lớn lên ở Birmingham, hoàn toàn là công dân Anh mà lứa tuổi dậy thì giống bao thiếu nữ Anh khác, bị chính cha ruột gả bán ở Yemen khi đi nghỉ hè, ép kết hôn rồi bị giam giữ ngoài ý muốn. Để sống sót, cả hai phải nhập vào một xã hội lạc hậu và trở thành nô lệ cho nền văn hóa cội rễ của họ.

Nơi đó, bị cắt đứt với mẹ ruột là người Anh, không thể chuyện trò với chung quanh vì không biết tiếng Ả-Rập, hai chị em bị chia cách mỗi người một nơi, ở hai làng mạc xa xôi. Không gì có thể chống chọi với nỗi cô độc ngay cả khi ý chí mạnh mẽ. Không gì giúp can đảm khi không một ai nâng đỡ. Nhưng Zana đã kháng cự.  

Khi tôi bị giữ làm con tin ở Tehran, tôi đã ngạc nhiên vì quyết tâm với chính sức lực của mình đã đương đầu — nhưng tôi là một người đàn bà đã trưởng thành. Còn Zana, chỉ là một cô bé. Tìm đâu ra sức mạnh?

Zana và Nadia bị giữ ở Yemen 7 năm, cho đến khi câu chuyện của họ được công luận biết đến. Sau khi báo chí quốc tế loan tải, chính phủ Yemen phải lấy quyết định tương nhượng. Zana lợi dụng tình huống để đào thoát nhưng không thể mang theo con trai hai tuổi đã có với người chồng cưỡng bách và phải bỏ lại em gái cũng đã sinh 5 con với một người chồng cưỡng hôn khác.

Kể lại chuyện của mình, Zana làm chứng cho một thực tế mà nhiều người chưa nhận ra. Zana cất tiếng nói cho những người đàn bà sống trong thế giới thứ ba, chưa bao giờ có cơ hội nói ra đau khổ của họ, vì bị áp chế và khuất phục.  

Khi một tiếng nói chống áp bức cất lên, là làm vang vọng những tiếng kêu trước đó và những tiếng gào ngày mai.

Betty Mahmoody, 1992

Trần Vũ lược dịch

ZANA MUHSEN 

Mất Thân!

Trái tim tôi đập rộn ràng: “Mình đi nghỉ hè! Mình đi nghỉ hè!” Tôi không ngừng lập lại công thức huyền diệu. Tôi sắp đến một miền nắng ấm sáu tuần lễ, tự do tắm biển thỏa thích trên quê hương xa lạ của cha, với những đồng hương cũng còn xa lạ. Hôm qua cha căn dặn: «Zana… con phải biết kính trọng bác Abdul Khada là bạn của cha. Bác được kính nể trong làng. Lời mời của bác cho con đi nghỉ hè là một cử chỉ hào phóng. Nên con sẽ sống trong nhà của bác, phải biết vâng lời và chứng minh con có giáo dục tốt.»  

«Thưa cha, vâng.» Tôi quay sang mẹ: «Nhưng nếu con không thích, con có thể quay về liền không?»

«Dĩ nhiên rồi con yêu. Hai tuần nữa em Nadia sẽ sang với con. Ham tắm biển hai chị em sẽ quên xứ Anh ngay thôi.» Mẹ vuốt má và xách vali cho tôi. Chiếc vali du lịch đầu tiên! Lần đầu tiên tôi bước ra thế giới. 

Mới hôm qua cha hãy còn răn đe khi tôi với em Nadia ra khỏi nhà: «Không về trễ! Coi chừng bọn con trai! Không nói chuyện với người lạ ngoài đường.» Cha nghiêm khắc với con gái và luôn nghi ngờ mọi thứ. Mới hôm qua tôi còn được bảo bọc trong ngôi nhà của chúng tôi, trong khu phố quen của thành phố thân thuộc, trong cứng rắn của cha và an phận của mẹ. Hôm qua tôi với em Nadia làm tiệc chia tay với vài người bạn, lần đầu tiên cha cho phép không hạch hỏi, không nghi hoặc mà ngược lại tỏ ra dễ dãi. Thường khi, chỉ cần tôi muốn sang nhà con Lynette là lập tức cha tin có sự sắp xếp bất bình thường. Nếu cha biết tôi hút thuốc lén và có một bạn trai đang tán tỉnh… chắc chắn tôi sẽ ăn một tát tai, bị la mắng sắp theo thói phóng đãng của phụ nữ Anh. Nhiều lúc tôi bực bội kinh khủng. Tôi đã lên 15, đến hè này là 16, tôi muốn có thêm chút tự do. Em Nadia cũng vậy. Các thiếu nữ cùng trang lứa với chúng tôi ở Birmingham đều được cha mẹ cho tự do hơn chúng tôi.

Cha tên Muthana Muhsen, nên tên tôi là Zana Muhsen, một cái tên đặc Yemen nhưng tôi thuần Anh trong mọi lỗ chân lông và trong mọi ngóc ngách trí não. Em Nadia giống tôi, giống suy nghĩ nhưng khác cá tánh. Có lẽ vì em mới 13 nên ngây thơ và yếu đuối hơn. Còn mẹ, tôi đoán là mẹ cam chịu theo ý muốn của cha, vì cha là đàn ông, là gia trưởng, là ông chủ. Cha có quán cà phê kiếm đủ sống nhưng cha không bao giờ đóng cửa quán nên chúng tôi chưa từng đi đâu. Tôi quay cổ lại để từ biệt mẹ. Tôi ước ao mẹ cùng đi, thay vì đi với hai người đàn ông râu rậm là bác Abdul Khada và con trai cả của bác là Mohammed.

Hôm qua cha kể cho tôi với em Nadia nghe về xứ Yemen. Cha ca ngợi vẻ đẹp của những thắng cảnh, những cuộc lữ hành trên lưng lạc đà băng qua sa mạc, những ngôi nhà chênh vênh vách đá nhìn xuống biển xanh, những bãi cát vàng mịn, những rặng cọ xanh tươi, mặt trời ấm áp bên trên những cung điện cất xây trên cồn cát, bên trên những ngôi làng đủ màu sắc… Chúng tôi tưởng tượng ra quê cha giống như trên những trang quảng cáo nước ngọt với khung cảnh tuyệt vời… Thêm nữa, cha còn nói với em Nadia rằng em có thể cưỡi ngựa phi nước đại trong các trang trại của các bạn của cha. Yemen, với chúng tôi là giấc mơ. Phi cơ bắt đầu rồ máy, động cơ phản lực kêu lớn làm hai bàn tay tôi tướp mồ hôi. Mấy đầu ngón tay trắng bệt do tôi níu cứng lấy thành ghế. Tôi cảm giác bất an nhưng cố tự nhủ là bình thường thôi, lần đầu đi máy bay mà… Cơn run dịu xuống và tôi lại mơ về xứ Yemen. […]

Nóng đến ngột ngạt nghiến lấy cuống họng; sức nóng đập vào ngực, đè lên buồng phổi lúc tôi bước xuống thang, không biết mình đang ở đâu. Tôi có nghe thấy, vài phút trước khi đáp, là chúng tôi đến một nơi chốn nhưng không biết là nơi nào. Tôi cố bậm môi để không đặt quá nhiều câu hỏi cho bác Abdul Khada mà vẫn bật kêu lên: «Sao nóng dữ vậy? Có phải vì động cơ phản lực?»

Bác Abdul Khada cười ằng ặc: «Là khí hậu bình thường ở đây, đã hết xứ Anh ẩm ướt và cổ kính.» […]

Bên trong phi trường nóng ngang với bên ngoài. Từng đoàn người kéo vali… Bác Abdul Khada hỏi bằng tiếng Ả-Rập, rồi thông dịch: «Phải đợi. Có phòng đợi đằng kia.» Tôi nghĩ đợi mươi phút nhưng rồi những mươi phút kéo dài thành giờ. Những người chung quanh nằm ngồi ngổn ngang, có vẻ quen với chờ đợi vô tận. Họ không có sự thiếu kiên nhẫn của tôi và không cảm thấy nóng. Tôi uống nước, tháo mồ hôi rồi lại uống nước và tiếp tục tháo mồ hôi. Mỗi chai nước uống vô biến thành mồ hôi tức thì, các tuyến dẫn mồ hôi vỡ tung dưới áo thun đang mặc. Hai bàn chân tôi dính nhèm nhẹp vào dép, tôi thèm đứng dưới vòi sen. Sau hơn một giờ, tôi muốn đi rửa mặt cho mát. Bác Abdul Khada trỏ một cánh cửa — vừa hé mở, mùi thối ập vào mũi. Hôi thối khủng khiếp. Căn phòng nhỏ chật cứng người đợi phiên, cầu xí là những miệng lỗ trên sàn, cứt rây khắp nơi. Ngạt thở, tôi bỏ chạy về chỗ bác Abdul Khada để giải thích. «Có chỗ khác cho du khách? Phải có toilet vệ sinh bình thường…»

Một người phụ nữ mặc niqāb ở Yemen

Abdul Khada cười ùng ục, răng trắng ởn dưới râu, như thể tôi vừa nói một điều ngu ngốc. «Đừng kiếm chuyện!» Abdul Khada đổi thái độ từ lúc máy bay đáp. Ông ta hẳn đang xem tôi là một con nhỏ Anh kiêu kỳ nhưng làm sao có thể rửa mặt giữa nơi thối hoăng như vậy? Tôi đã chạy ra nhanh đến nỗi không kịp quan sát xem có vòi nước hay không. Có nước máy ở đây không? Tôi ngồi xuống băng ghế gỗ. Thà chết không quay lại toilet lúc nãy. […]

«Đây là con trai chúng tôi, Abdullah…»

Thằng bé lên 14, thấp như lên 8, dáng dấp bệnh hoạn, làn da xanh, gương mặt căng thẳng tò mò, bộ dạng không hài lòng. Abdul Khada nắm tay tôi: «Abdullah, con trai tôi.» 

Im lìm trong buồng, từng người một đi ra trước khi đóng kín cửa. Abdul Khada nói tiếp, bằng giọng không chút trang trọng, như đang nói chuyện vặt: «Là chồng của con.» 

Phải mất ít lâu câu nói mới va đập vào ý thức của tôi. Ông ta đang khôi hài hay sao. Tôi nhìn ông bán tín bán nghi, không biết có nên bật cười vì trò đùa. Abdul Khada lập lại, lần này gằn từng chữ: 

«Abdullah là chồng của con.» 

«What?»

«What?»

Tôi bám víu vào tiếng Anh như bám vào nền văn minh. Tôi cố gắng tập trung. Tôi có nghe kỹ không? Tôi có hiểu hết ý nghĩa của từng chữ? Có phải là ông ta vừa nói «Abdullah là chồng con.» , hay ông ta nói «Abdullah có thể làm chồng con…» hay ông ta đã nói chữ khác? Không. Ông ta phát âm rõ ràng «chồng» và nhìn tôi rồi nhìn Abdullah vẫn đang cúi xuống. Đột nhiên tim tôi đập hoảng loạn; hơi thở đứt ngang, tôi lắp bắp: «..nhưng cậu ấy không thể là chồng con… »

Tôi vẫn không thể thuyết phục bản thân mình rằng tôi nghe đúng, tôi đối đáp mơ hồ, vì không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Những người khác đâu rồi? Họ có đang tham gia vào trò mờ ám này? Anh cả Mohammed xuất hiện. Tôi trông vào sự tỉnh táo của người thứ ba. Nhưng lời nói của Mohammed rắn, rõ: «Abdullah là chồng của em, Zana. Cha anh đã nói với em rồi.»

Mohammed nghiêm nghị tột độ, xem là sự hiển nhiên. Chuyện gì nơi chốn này? Tôi tự hỏi họ đang hoang tưởng điều gì? Không thể nào. Họ không có quyền. Quá lố bịch. Hoàn toàn lố bịch. Tôi thậm chí không thể phân tích hoạt cảnh trong đầu mình. Tất cả như đùa. 

«Nhưng làm sao Abdullah có thể làm chồng của con? Con không có chồng. Con chưa đến tuổi lấy chồng. Ông bà muốn nói gì?»

Bà Ward, vợ ông Abdul Khada đã bước vô. Bà không biết một chữ tiếng Anh nên Mohammed thông ngôn.

«Cha của cô đã thu xếp mọi việc với chúng tôi.»

«Cha của con? Thu xếp chuyện gì?»

«Đám cưới. Thu xếp xong xuôi từ bên Anh. Cho cô và em gái của cô là Nadia.»

«Ông bà gả Nadia cho ai?»

«Không phải chúng tôi mà là cha của cô. Gả cho con trai của họ Gowad.»

Họ nhà Gowad là ai? Tôi nhớ ra rồi, là gia đình sẽ dắt Nadia đi nghỉ hè sau tôi hai tuần. Nghỉ hè! Tôi đã đi nghỉ hè giờ đến phiên Nadia đi nghỉ hè! Cha giàn xếp những chuyện này? Làm sao cha có thể gả hai con gái của cha sinh ra ở Anh cho những đứa trẻ ở đây?

«Không đúng! Cha chúng tôi không làm thế.» Tôi hét lên.

«Là sự thật. Chúng tôi có giá thú, giấy trắng mực đen và dấu đóng của tòa lãnh sự Yemen ở Luân Đôn. Hai cô đã kết hôn. Zana, cô không thể vào xứ Yemen mà không có chồng bảo lãnh. Cô là vợ của con trai chúng tôi.»

Tôi không nghe nữa, tôi chết trôi. Tôi đang ở Yemen, ngồi trên băng ghế với thằng nhãi bên cạnh đang đăm đăm nhìn hai bàn chân nó. Nó không nói tiếng nào, cũng không ai nói gì nữa. Bất thình lình tôi hiểu ra, là tôi quá ngây thơ, bọn họ biết hết, mọi người kể cả cha và có thể cả mẹ nữa. Không, mẹ không dính líu. Mẹ chưa biết, còn bọn họ biết hết, quyến dụ chúng tôi, hứa hẹn biển xanh, nắng ấm, những rặng cọ để đem chúng tôi đến ngôi làng đáng nguyền rủa này. Một việc bất lương, phạm pháp. Không thể gả cưới một ai đó mà không cho người ấy hay biết. Tôi chưa ký vào tờ giấy nào. Không ai hỏi tôi có ưng hay không. Trên trái đất này không có chuyện đó. Tôi chiêm bao ác mộng hay họ đang dọa tôi? Tôi không chấp nhận.

Suy nghĩ vòng vòng trong đầu tôi trong lúc Mohammed và ông Abdul Khada bàn bạc bằng tiếng Ả-Rập. Rồi thằng Abdullah cũng bàn cãi nhưng tôi không hiểu gì hết. Rồi một người nữa thò đầu qua cửa góp chuyện, giống như tôi không có mặt trong buồng và số phận tôi không do tôi định đoạt. Sau đó họ bỏ đi khi tôi òa khóc. 

Tôi muốn trở về với mẹ. Tôi không muốn sống ở đây thêm giờ nào. Tôi phải kể sự việc phi pháp này cho ai đó giúp đỡ. Phải có ai đó còn lương tâm dưới làng… nhưng làm sao xuống làng trong đêm tối phải băng qua hẻm núi dốc đứng đầy thú hoang? Cách nào? Cách nào giải quyết chuyện điên này? Tôi giống hóa đá, đông cứng, không thể nhúc nhích làm một cử chỉ hay suy nghĩ minh mẫn. Như thể tôi đột ngột rơi xuống một vực thẳm mà đầu tôi không theo kịp.

Tôi đã ngồi trong bóng tối bao lâu? Tôi không nhớ nữa. Có thể hơn một giờ, họ đã bỏ đi không mang cho tôi thức ăn tối. Họ… những con người, lão Abdul Khada và hai đứa con trai. Tôi cố hiểu, làm sao sự việc tán tận này lại xảy ra. Cha, lúc tiễn ở phi trường đã tươi cười, khuyên phải biết kính trọng đồng hương của cha là bác Abdul Khada, khoe khoang sự may mắn của tôi được du ngoạn với gia đình này… Cha đã lừa con, mẹ hẳn không nghi ngờ, nếu không mẹ đã không giao con cho họ. Tôi cố nhớ lại những gì đã xảy ra cho chị cả Leilah và anh cả tôi Ahmed. Mù mờ không rõ rệt. Cả hai đã đi nghỉ hè khi tấm bé, để thăm viếng ông bà nội, theo như cha nói, để rồi vài tuần sau cha thông báo rằng ông bà nội quyết định nuôi nấng cháu ở đất tổ. Rồi không còn tin tức gì nữa. Mẹ cố gắng đem hai con trở về nhưng thất bại. Tại sao mẹ thất bại? Sắp xảy đến cho tôi y như vậy?

Thằng Abdullah quay lại. Tôi nhận ra nó trong bóng tối vì dáng thấp lùn. Đêm đã khuya, nó muốn ngủ với tôi. Lão Abdul Khada đứng phía sau nó. Tôi hét lên: «Nó không ngủ ở đây. Tôi ngủ một mình.»

Lão Abdul Khada gầm lên: «Nó là chồng mày. Mày ngủ với nó.»

Lão quát bằng giọng cay độc ác nghiệt. Lão đẩy thằng Abdullah vào buồng rồi đóng sập cửa. Tiếng khóa rốc bên ngoài. Tôi trở thành tù nhân. Tôi cố không nhìn mặt thằng Abdullah; còn nó cố im lặng. Thằng nhãi  như câm, nó bồn chồn qua lại không biết làm gì. Ý nghĩ phải chung chạ với nó làm tôi muốn mửa. Tôi nằm xuống băng ghế, quấn chặt mền. Tôi nghe nó leo lên giường, nghe tiếng nó thở, tự hỏi liệu nó sẽ thiếp đi không. Còn tôi thức trắng đêm để tự vệ.

Tôi đã nghe kể ở Yemen có tục tảo hôn. Tôi đã tin là một tập tục xa xưa, không phải thực tế, không ai ép những đứa trẻ. Thằng Abdullah đang nằm trong giường của tôi. Nó cứ ngủ ở đó, tôi sẽ không bao giờ ngủ với nó, họ không thể ép tôi. 

Từng phút, đêm trôi qua lặng lẽ. Cả những con thạch sùng cũng ngủ quên nhưng hai mắt tôi mở thao láo, không dám khép. Nếu tôi ngủ gật, tôi sẽ không phòng vệ được bản thân. Thằng Abdullah có thể nhào lên mình tôi. Cho dù nó gầy gò, tôi có thể đạp ngã nó, thì vẫn còn lão Abdul Khada vạm vỡ trùng trục. Vấn đề là ở đây. Tôi không kịp nhận ra sự dối trá hung dữ bên trong lão. Suốt chuyến đi lão đóng kịch, lão lật mặt khi xuống máy bay. Tôi là thiếu nữ Anh, không phải thiếu nữ Yemen. Tôi không cam chịu hủ tục man rợ của lão. Đêm nay lão đe nẹt tôi, nhưng một khi trời sáng, tôi sẽ chạy xuống xã cầu cứu, nhờ ai đó chở xuống thị trấn Taez, điện thoại, gửi điện tín báo tin, để ai đó cứu tôi ra khỏi đây và nhất là van xin mẹ đừng cho Nadia đi nghỉ hè. Dòng tộc Gowad sẽ ép Nadia lấy con trai của họ… Một hủ tục điên rồ cần phơi ra ánh sáng. Tôi nhớ Mackie, bạn trai của mình. Tôi tin vào tình cảm của mình ngay cả khi chúng tôi chỉ mới bắt đầu, là tôi yêu người thanh niên Anh với tất cả văn hóa của xứ Anh; vậy thì đừng ai bắt tôi phải ngủ với thằng Abdullah lên 14 mà tôi chưa từng quen biết trước đêm nay.

Tôi bất động. Cố gắng xếp các ý nghĩ trong đầu mình để tìm giải pháp. Tôi không còn giấy tờ tùy thân, không còn thông hành, lão Abdul Khada đã tịch thâu tất cả, kể cả vé máy bay khứ hồi. Làm sao rời khỏi đây? Tôi còn không biết đích xác mình đang ở đâu, thôn nào, trên dãy núi chớn chở. Tất nhiên là tôi đã tự nguyện du lịch, với đôi mắt mở to nhưng chưa kịp nhìn thấy gì hết… Tôi không thể xác định địa điểm xe đã thả chúng tôi xuống, cũng không biết xe chạy xuống tỉnh nào rồi chúng tôi đã lấy xe khác theo hướng nào. Tôi cũng không có tiền. Abdul Khada đã thu hết. Phải tìm phương cách báo tin cho mẹ tôi hay để bà báo động và ngăn Nadia …đi nghỉ hè. […]

Rạng đông thằng Abdullah rời buồng. Lão Abdul Khada mở cửa đánh rầm. Hai mắt lão đục ngầu giận dữ, lão rú tiếng Anh: «Tại sao mày không ngủ với nó?»  

«Không đời nào!»  Tôi gào như lão. Thô bạo đáp trả thô bạo. Tôi không có câu trả lời nào khác. Lão văng tục rồi sập cửa. Nỗi sợ hãi xâm chiếm lấy tôi còn một mình. Phải cố thủ trong căn buồng này hay phải thoát ra ngoài? Phải thoát ra. […]

Ward, vợ lão Abdul Khada suốt ngày dưới bếp. Làm cách nào nói chuyện với bà? Ward không một chữ tiếng Anh. Người đàn bà mập mạp với gương mặt dữ dằn này không ưa tôi ngay từ đầu, hai mắt nhìn chằm chằm vào chiếc váy tôi mặc hở đầu gối. Bà ta phải xem tôi là một thứ dơ bẩn. Còn bà nội Abdullah thì mù lòa, suốt ngày ngồi trên băng ghế ngoài sân, bà cũng không biết tiếng Anh. Tôi nghĩ đến Bakela, vợ của Mohammed với căn phòng đầy thuốc. Mọi người nói Bakela bệnh trầm kha. Tôi muốn uống những lọ thuốc đó để thoát ra khỏi ác mộng, để hôn mê để mọi người chở tôi đi cấp cứu, cho dù cọ sát cái chết miễn sao thoát khỏi nơi này. Tôi lẻn ra nhà ngoài, Abdul Khada không khóa cửa lúc nãy. Phòng Bakela không có ai. Lọ thuốc ở đó, tôi dốc các viên thuốc ra lòng bàn tay, bạnh cổ họng nuốt. Nhưng tôi nuốt không kịp nhanh vì Mohammed ở đâu lao tới, chụp lấy cuống họng tôi bóp nghẹt không cho các viên thuốc trôi xuống, vừa lắc cần cổ tôi cho các viên thuốc lòi ra, vừa đấm vào bụng cho tôi nôn thốc. Tôi kháng cự nhưng không lại, Mohammed bắt tôi phun ra trong nấc cục, gào khóc và co giựt giống động kinh. Sau ói mửa, tôi van vỉ Mohammed cứu giúp nhưng hắn lắc đầu. 

«Vô ích, Zana. Không ai cãi cha mình.»

Tôi van nài: «Nhưng anh đã trưởng thành, anh đã sống ở Birmingham. Anh biết xứ Anh…»

Mohammed một mực: «Hãy vâng lời cha của anh và cha của em, Zana. Cha anh đã trả 100.000 Rials cho cha em để em lấy Abdullah. Hãy tập thích nghi.»

Con số làm tôi lảo đảo. Cha đã bán tôi. Tôi không biết là nhiều hay ít, Abdul Khada đã mua cho tôi một chai coca ở phi trường giá 4 Rials. Không ai bán con nhưng tôi đã bị bán. Tôi phải ngừng khóc để kháng cự. Tôi phải kháng cự cho đến lúc họ chán tôi, chỉ còn muốn quăng tôi trả về xứ Anh. Rồi tôi sẽ giết cha, vì điều ông làm. Tôi thề.

Tối hôm đó tôi từ chối ngồi chung mâm với họ. Chỉ trong hai ngày cuộc đời tôi lật úp. Nỗi cô đơn là sức mạnh duy nhất nhưng tôi cũng không tựa được vào sự cô độc lâu. Khi màn đêm buông xuống, lão Abdul Khada bước vào buồng. 

«Đêm nay mày phải ngủ với con trai tao.»

«Tôi không làm.»

«Mày phải làm. Tao đã trả tiền cho cha mày. Mày ngủ với con trai tao hay chúng tao trói mày rồi hãm  mày.» 

«Tôi không làm.»

Đến phiên Mohammed ép buộc: «Zana, em phải ngủ với chồng em là Abdullah hoặc là chúng anh hiếp em.» 

Tôi nhìn hai người đàn ông to, khỏe đứng giữa khung cửa với đầy quyết tâm. Mắt họ quả quyết ý chí giúp cho Abdullah tiêu thụ hôn nhân. Tôi không có lối thoát nào. Chắc chắn họ sẽ thi hành động tác thiêng liêng là trói nghiến lấy tôi, như họ nói. Họ đã không ngờ bị chống cự. Ở đây phụ nữ phục tòng đàn ông và đàn ông kiêu hãnh với uy quyền. Họ sẽ không nhượng bộ một thiếu nữ như tôi. Abdullah sẽ vâng lời sau khi cha và anh nó đã thuần hóa con thú cái là tôi. Tôi có thể đã làm nó khớp đêm hôm trước, nhưng thái độ của nó trong ngày khiến tôi nhận ra là tôi làm nó dội nhiều hơn là sợ. Vì tôi là một thiếu nữ Anh, một thứ không trong sạch dám để lòi tay chân vai mũi miệng với cổ trước mặt đàn ông. Nó sẽ cưỡng dâm tôi, một cưỡng hiếp bẩn thỉu. Tôi còn trinh, kinh nghiệm tình dục duy nhất của tôi là nụ hôn phớt trao cho Mackie. Tôi không có lối thoát: chấp nhận hoặc bị trói, bị banh chân như nô lệ rồi bị làm nhục.

Tôi cúi gầm mặt, không thể phát âm «yes» mà họ chờ đợi. Họ gọi Abdullah vào buồng, đẩy nó tới. Lão Abdul Khada lôi tôi đến giường trong lúc Mohammed lấy kéo cắt áo quần Made in England tôi đang mặc. Rồi cả hai rời phòng, khép hờ cửa không khóa vì biết chắc tôi không thể tẩu thoát, và cũng để theo dõi. Thằng Abdullah cởi quần áo. Tôi nằm ngửa, nhắm nghiền mắt, nghe tiếng động sột soạt. Tôi không nghĩ gì hết mà tập trung cho thân thể mình trở nên rắn thành đá. Thằng nhãi tập làm đàn ông. Tôi không cảm giác gì hết. Kể cả khi nó nhai đầu ngực mình. Sự bất động bảo vệ tôi. Không phải tôi đang hứng chịu sự bẩn thỉu man rợ này. Không phải tôi đang nghẹt thở dưới nách thằng Abdullah. Tôi không nằm trên giường, không có mặt trong buồng, không hiện diện ở đây. Cô gái tên Zana mơ tình yêu và ước khiêu vũ với Mackie ở Birmingham chết rồi. Zana đi nghỉ hè cũng đã chết rồi.

Tôi không biết chuyện gì xảy ra. Tôi từ chối ghi nhận. Như thế tôi không bị làm nhục, cũng không cần ngoan ngoãn. Bọn họ làm gì họ muốn, tôi không ban cho họ sự đau đớn của tôi, tôi khước từ chính mình. Tôi đã trở thành tảng đá. Mãi mãi tôi sẽ là tảng đá.

Abdullah làm xong lời cha. Nó nằm vật ra giường. Tôi nghe tiếng thở của nhiều người cả giọng cười hoan hỉ sau khe cửa. Tôi vừa bị hãm hiếp bởi một thằng nhãi. Suốt đêm đôi mắt tượng đá của tôi nhìn những con thằn lằn trên trần nhà, những chứng nhân đáng tin duy nhất cho hành vi đê tiện này. Bọn họ giam tôi trong sự thô bỉ nhưng tôi vẫn tự do trong trí óc mình, mãi mãi, bất chấp họ. Thời gian không còn quan trọng, những con linh cẩu đang biểu diễn buổi hòa nhạc thê lương của đêm núi rừng. Bầy sói tru thay tôi. […]

Zana Muhsen, 1992

Trần Vũ lược dịch từ bản dịch Pháp văn Vendues! của Marie Thérèse Cuny, nxb France Loisirs 1992.

Hai chương nhập của hồi ký Sold! trong bản Việt ngữ Mất Thân! là tóm lược có cắt ngắn và ráp nối cho bạn đọc dễ theo dõi câu chuyện. Sách bán trên Amazon.com