Inrasara: Cham có triết lý âm dương?

Văn minh Champa chủ yếu vay mượn Ấn Độ. Vay mượn kết hợp với yếu tố bản địa, Cham làm nên một nền văn hóa–văn minh vô cùng độc đáo. Ở đó biểu tượng cặp đôi Linga -Yoni biến thành Đực – Cái, Nam – Nữ là rất điển hình.

Mọi hiện tượng văn hóa Cham phải được diễn ngôn từ nền tảng [Ấn Độ] và yếu tố bản địa ấy. Tiếc, do không am hiểu tính triết học của vấn đề, gần đây có vài giải thích sai lệch, trong đó việc dùng biểu tượng Âm Dương của Trung Quốc lí giải biểu tượng Đực – Cái, Nam – Nữ, là một. 

Giải thích sai lệch ấy dần dà tác động không ít đến sinh hoạt nghệ thuật và ngày thường, từ đó người ngoài và cả người Cham mặc nhiên cho rằng đó là của Cham chính hiệu. 

[1] HAUMKAR (đọc hom-kar). Haum = Aum, đọc là OM, là âm linh thánh. Haumkar – chữ viết tắt tiếng Phạn Aumkara, là kí hiệu, vật thể biểu tượng cho âm OM linh thánh.

Các khu vực văn hóa và các nền văn minh ảnh hưởng triết học Ấn Độ tiếp nhận AUM với vài cách điệu, chung quy tất cả đều nhất thống ở huyền nghĩa của âm AUM, là âm tối thượng và thích hợp nhất dành cho Đấng Tố cao.

Haumkar: kí hiệu, vật thể biểu tượng cho âm OM linh thánh. Photo: Inrajaya

Qua đến Champa, âm AUM đã cải biến và được lí giải khác. Cham “phá hủy” để “sáng tạo” thành Haumkar của riêng mình. Rời bỏ tượng chữ và tượng âm của Ấn, chuyển qua “tượng hình” và “tượng số” của Cham – chính là cuộc cách mạng nhận thức.

Số 6 trên cùng – tượng trưng cho đực (LIKEI), nói lên sức công phá mãnh liệt của sự sống và thăng tiến. Tận dưới đáy là số 3 – tượng trưng cho cái (KAMEI): vừa nâng đỡ vừa chịu đựng mang ý nghĩa thu phối và bao dung. 

Khoảng giữa của biểu tượng, mặt trời (ĐỰC) nằm bên trên, phía dưới là mặt trăng (CÁI). Một đường thẳng kéo dài từ trên xuống như sợi chỉ xuyên suốt, xâu chuỗi tất cả. Như KAMEI – LIKEI kết hợp tạo thành thể thống nhất.

Giữa cõi sống và chết, người Cham còn có sự phân biệt hình tượng AUM bằng cách biểu hiện khác nhau. Trong cõi sống, khi vẽ trên nhà cửa, sách vở, lễ lạt… thầy cúng vẽ hình số 6 xoắn ốc và hướng thẳng lên, gọi là “Haumkar sống”. Ngược lại, để dành cho thế giới chết thuộc cõi âm như: Kut, các dạng đám tang… hình số 6 được vẽ oằn cong xuống, gọi là “Haumkar chết”.

Gần đây, các Gru urang còn có suy diễn khác: Ongkar là Nam, Haumkar là Nữ.

[2] Từ biểu tượng linh thánh cao cả nhất cho đến vật dụng đời thường, cặp Đực – Cái, Nam – Nữ luôn có mặt. 

Mương, có Mương Đực Mương Cái Ribong Likei Ribong Kamei. Giếng, có Bingun Likei Bingun Kamei. Tôn giáo thì có Cam Ahiêr Cam Awal

Ahiêr: Cham Bà-la-môn là nam, Awal: Cham Bà-ni là nữ. Nam nữ sống không thể thiếu nhau, như đực với cái, như Ahiêr và Awal. Tuyệt chiêu sáng tạo tôn giáo Ahiêr Awal của đức ngài Pô Rômê, là vậy.

Dẫu sao ở đây có sự hoán đổi rất lạ, y áo của chức sắc Ahiêr là của Nữ, ngược lại y áo của chức sắc Awal là của Nam! 

Không dừng lại ở đó, Cham còn nâng quan điểm rất độc đáo, như là cách BUỘC Nam – Nữ, Đực – Cái dính chặt với nhau không thể tách rời. Nếu ở các tôn giáo khác, đa phần nhà tu hành sống đời “độc thân”, lơi lỏng hay nghiêm ngặt, tùy. Cham ngược lại, các vị chức sắc Ahiêr lẫn Awal buộc phải có… vợ. Không có không được! Sự thể nhiều lúc đẩy các vị rơi vào tình trạng éo le dở khóc dở cười. Không may bà mất trước, ông phải tìm bà khác lấp vào chỗ trống [có khi vội vã], để có… Danok.

[3] Qua phân tích, ta thấy quan niệm Nam – Nữ, Đực – Cái của Cham không liên quan đến thuyết Âm Dương bên Trung Quốc, mà nó chỉ có thể giải minh một cách toàn triệt qua biểu tượng Linga – Yoni cùng cải biến đầy sáng tạo từ yếu tố bản địa Cham.

Không hiểu từ khi nào thuyết Âm Dương được vận dụng vào việc đọc vị văn hóa Cham. Dẫu sao đây là ba sai lệch hiện có cần xem lại:

– Lần đầu, cụ Thiên Sanh Cảnh dùng thuyết Âm Dương giải thích Xakawi Lịch Cham ở nội san Panrang vào đầu thập niên 1970, chứ trước đó chưa thấy văn bản nào làm thế.

– Cả biểu tượng Âm Dương được vẽ lên mặt trống Baranưng, trước đây người Cham thấy hay hay nên vẽ chơi như là cách trang trí mặt trống, ai dè sau này nhiều người nghĩ Cham ảnh hưởng văn hóa Trung Quốc, trong đó có thuyết Âm Dương.

Người Cham xem hình được vẽ trên mặt trống Baranưng chỉ để trang trí. Photo: Inrajaya

– Vừa qua dự án Hội đồng Anh ở Chakleng, anh em tính đưa hoa văn Rồng làm tiêu biểu, tôi nói: Đó chỉ là hoa văn mới sáng chế từ thập niên 1980, chứ không là hoa văn cổ. Bởi Rồng Inư Girai không là biểu tượng tốt của Cham, mà ngược lại. Biểu tương cao tuyệt chính là Garuda Inư Garut [xem Kinh Tẩy trần Agal Balih].

Kết

Sự tương cận về chữ nghĩa: cặp Âm Dương giống với cặp Nam – Nữ, Đực – Cái của Cham, dễ gây hiểu lầm. Tuy nhiên hàm nghĩa của chúng ở hai nền triết học rất khác biệt. 

Do biểu tượng cặp Nam – Nữ, Đực – Cái của Cham chưa được biết đến nhiều, và bởi sự tương cận này về chữ nghĩa, thế nên ở Văn học Cham khái luận-1994, tôi tạm vận dụng nó vào diễn ngôn trường ca Ariya Sah Pakei:

“Triết lí âm dương, mà Linga – Yoni (Tano – Binai: Đực – Cái) là cặp biểu tượng độc đáo và siêu việt, chi phối tất cả cách suy nghĩ, lối sống, sự biểu hiện tình cảm và các sinh hoạt khác của người Cham. Tất cả vật hiện thể trong vũ trụ này đều được quy vào (padah tôk) triết lí âm dương hay có dùng triết lí này để giải thích. Một ngọn tháp, tượng trưng cho núi luôn được bao quanh bằng một hào rãnh hay một cái gì tương tự tượng trưng cho biển. Thầy Acar là đàn bà, thầy Baseh là đàn ông: âm dương. 

Âm dương kết hợp tạo sự thăng bằng cho vũ trụ, tạo sự hòa hợp của cuộc sống con người. Nếu âm “đẩy” dương, từ chối dương hay ngược lại, bi kịch xảy ra. Câu chuyện tình bi thảm này cũng xuất phát từ đó”.

[Lưu ý: tôi không viết hoa chữ “âm dương”]  Dẫu sao, khi Minh triết Cham–2023 đã có mặt và giải minh đủ đầy, sự “tạm thời” này cần phải bị vượt qua!

Giếng Đực [trong cặp Giếng vuông Cham]. Photo: Inrajaya

 Inrasara.