Inrasara: Cham đóng góp gì vào nền văn hóa đa dân tộc Việt Nam?
Ở Việt Nam, dân tộc Cham hiện nay có khoảng 18 vạn người, sống trên 10 tỉnh thành khác nhau, tập trung nhiều hơn cả là ở Ninh Thuận, Bình Thuận, An Giang… là cư dân của vương quốc Champa cổ. Khác với nhiều dân tộc thiểu số khác, người Cham sinh sống ở vùng đồng bằng và thành phố.
Hơn 200 năm sống xen cư và cộng cư với người Việt, Cham chưa từng đánh mất bản sắc, nói chi bị đồng hóa. Đó là nhờ ba chân kiềng: Lịch sử, ngôn ngữ chữ viết và tôn giáo dân tộc. Đó chính là sức mạnh nội tại của tinh thần văn hóa Cham.
Người Champa đã đến đất này
đào mương trồng lúa, đốt rừng làm rẫy
yêu nhau, sinh con đẻ cái
làm thơ rồi ra đi
gửi Mỹ Sơn ở lại.
Rồi người Việt từ phương Bắc tới
lại yêu nhau nên xóm nên làng
Trước đó
người Sa Huỳnh – không biết từ đâu về đâu
gốm nung làm dấu chân ơn nghĩa.
Mốt mai
còn ai nữa đến trú
(Lễ Tẩy trần tháng Tư-2002).
Người Cham đến, “làm thơ rồi ra đi/ gửi Mỹ Sơn ở lại”, và gì nữa? Kiến trúc & điêu khắc, văn học với bốn sử thi, nghệ thuật ca múa nhạc, nông nghiệp với mía, bông và lúa Chiêm, ngành nghề với gốm Bàu Trúc hay thổ cẩm Chakleng, phong tục tập quán… Đặc trưng phải là cái gì khác lạ, độc đáo. Việt Nam giàu đẹp, cộng đồng 54 dân tộc anh chị em mỗi dân tộc có phần của mình làm cho văn hóa đa dân tộc Việt Nam ngày càng giàu đẹp thêm?
Champa mất đi, và để lại gì cho Việt Nam hôm nay? Thử lướt nhanh:
Ngành nghề
Gốm Bàu Trúc và Thổ cẩm Chakleng hôm nay, còn trước kia “Yên Sở hình như là một trong những làng giàu nhất Bắc Kì. Nghề dệt lụa và làm ren ở đấy rất phát đạt… xuất phát từ Chàm” (Tạ Chí Đại Trường).
Về nông nghiệp
Người Cham đã nhập và thuần hóa các thực vật để trồng trọt như khoai, mía, bông và xây dựng được các vùng đặc sản mà ngày sau người Việt thừa kế: Khoai Trà Đoá, đường mía Quảng Ngãi, bông Điện Bàn, Phan Rang, Phan Rí…
Lúa Chiêm từ Việt Nam đã lan qua Trung Quốc tạo nên một cuộc cách mạng kinh tế lớn lao. Vua Tống Chân Tông (998-1022) đã mang lúa Chiêm vào Trung Quốc, sau này đã được áp dụng khắp nơi ở Nam Trung Quốc, người Trung Quốc gọi loại lúa này là “lúa tiên” (Nguyễn Đức Hiệp).
Về tập tục
Đậm nét nhất là tục Thờ Mẫu và tục thờ liên quan đến biển như, tục thờ Cá Voi, thờ Ông Nam Hải chỉ có ở miền Trung, và một phần ở miền Nam có nguồn gốc từ lễ Pô Riyak của Cham…
Về ngôn ngữ
Các vốn từ mà người Việt địa phương vay mượn trực tiếp từ Cham hiện đang được dùng, như: chống tó, chà leng, chà bá, chà gai, cà đung, cà rá… Các địa danh: Phan Rang, Phan Rí, Phan Thiết… Tên riêng như với âm tiết đầu mượn từ tiếng Cham: [Chiêm] Bà [Cham, Già], Cà [Ná, Ty], Tà [Cú, Nông], Cù [Lao, Mi], Ma [Lâm, Tró, Nới], Chà [Bàn, Mau], Trà [Co, Văn]…
Ca múa nhạc
Dân ca Quan Họ Bắc Ninh, Nam Bình Nam Ai xứ Huế, Vọng cổ, Hát Bài chòi… được cho là có quan hệ với dân ca Cham. Xưa là vậy, còn ngày nay Cham diễn 72 điệu múa tương ứng với điệu trống Cham với đa dạng đạo cụ: Múa tay không, múa quạt, múa đội, múa khăn, múa roi, múa đạp lửa, múa kiếm carit…
Đặc biệt, Cham có ba đóng góp lớn, đó là: Văn chương, Kiến trúc & điêu khắc và Hải sử & văn hóa biển.
Văn chương
Sử thi, trường ca trữ tình, trường ca triết lí, lục bát ‘ariya’ Cham là đóng góp quan trọng nhất của văn học Cham vào kho tàng văn học đa dân tộc Việt Nam.
Đóng góp đáng kể vào văn học nghệ thuật phải là những cái khác biệt. Người Cham đã làm được điều khác biệt đó. Nổi bật nhất, Cham có 4 sử thi, tuy thế khác với các dân tộc thiểu số khác, sử thi Cham đã được văn bản hóa từ khá sớm: thế kỉ XVI-XVII.
Kiến trúc & điêu khắc
Hai nước Champa và Đại Việt xưa đất liền đất sông liền sông sau đó khi Champa tan rã để dân tộc này hòa nhập vào nước Việt Nam thống nhất, thế nên sự vay mượn hay ảnh hưởng qua lại là không thể tránh. Hiện nay, ta thấy chùa Đinh Xá ở xã Đinh Xá, huyện Kim Bảng (Hà Nam)… là “làng có chùa Bà Đanh”, một làng có nguồn gốc Cham, tháp Bảo Thiên 11 tầng ở hồ Hoàn Kiếm là do người Cham xây dựng. Đó là chưa kể đến các dấu vết chim thần Garuda, mukhalinga,… xuất hiện trên các điêu khắc Việt thời Lý, Trần.
Còn hiện nay, các khu tháp bằng gạch nung trải dài suốt dải đất miền Trung Việt Nam, từ Huế cho đến Bình Thuận, là chứng tích huy hoàng của văn minh Champa, trong đó Thánh địa Mỹ Sơn được UNESCO công nhận là Di tích Văn hóa – lịch sử thế giới. Gắn liền với kiến trúc là cả nền điêu khắc với những phong cách độc đáo. Tượng Vũ nữ Trà Kiệu và Tượng Shiva trên tháp Pô Klong Girai được xem là kiệt tác của cả nền điêu khắc Đông Nam Á.
Hải sử & văn hóa biển Cham làm đầy lịch sử Việt Nam.
Người Champa viễn dương sớm và xa: thế kỉ IV đến X. Cuối thế kỉ thứ IV, vua Gangaraja nhương ngôi cho cháu, viễn dương qua Ấn Độ tu học. Thế kỉ VII, đại sư Champa Phật Triết truyền Phật giáo Mật tông qua Nhật Bản, Chế Mân, Pô Rômê lấy công chúa Malaysia, chuyện công chúa Champa lấy vua xứ Java và truyền Islam vào đất này… chính là các mốc hải sử quan trọng.
Sau khi Óc Eo hết hạn sử dụng, người Cham dựng Cù Lao Chàm làm trạm trung chuyển tàu bè quốc tế. Champa quan hệ thường xuyên với Malaysia, Java, và các nước Đông Nam Á hải đảo, thế nên Biển Đông với Champa như là ao nhà. Đất nước có biến động, người Cham vượt biển qua Hải Nam, Philippines, Đài Loan, Malaysia… Sự thể nói lên điều gì? Khi mạnh, Cham viễn dương để giao thương và học tập. Lúc yếu hay thất thế, Cham lưu lạc vượt biển tìm đất sống. Khác với người Việt chỉ có một con đường duy nhất: chạy sang Tàu.
Vấn đề hôm nay
Hải sử và văn hóa biển Cham mang tính thời sự liên quan đến chủ quyền quốc gia. Đó là những vết tích biển Cham xưa và của Việt Nam nay. Thế nhưng, thời gian qua, ta đã hành xử thế nào? Cửa Đại Chiêm, ta thiến mất “Chiêm” để còn Cửa Đại. Giếng vuông Chàm, ta làm bao nhiêu là biến tấu. Ghur Nghĩa trang Bà-ni ta xâm hại đến nát bấy. Tất cả tạo tai hại cho chính chúng ta. Làm gì?
Cần đưa văn hóa Cham và văn minh Champa vào chương trình giáo dục. Để thế hệ con cháu nhận diện và biết ơn thế hệ ông bà đã đóng góp lớn vào kho tàng văn hóa đa dân tộc Việt Nam hôm nay.
Biết ơn, hãnh diện, xây dựng và bảo vệ đất nước Việt Nam hôm nay, tại sao không?
Inrasara.