Inrasara: Thơ dân tộc thiểu số Việt Nam, từ bản sắc đến cá tính sáng tạo

Tiểu luận “Vài suy nghĩ về Thơ dân tộc thiểu số trên hành trình hội nhập”[1], Nguyễn Kiến Thọ viết:

“… thơ dân tộc thiểu số  đang đứng trước nguy cơ mất dần bản sắc [2], cũng có nghĩa là đang trên một hành trình tự huỷ diệt. Tác giả kê ba “nguy cơ” hàng đầu “được nhiều người” nhắc tới: Đội ngũ không còn nhiều người thông thạo tiếng mẹ đẻ, càng ít người sáng tác được bằng song ngữ. Chất dân tộc miền núi ngày càng mờ đi, có xu hướng hoà vào văn hoá người Việt (Kinh). Bản sắc văn hoá của các tộc người ngày càng nhạt đi. Và kết: “thơ các dân tộc thiểu số đang bị pha tạp, bị mất dần bản sắc”.

1. Từ hiện tượng…

Đó là nhận định đúng nhưng không đầy đủ, bởi chưa có cái nhìn toàn cảnh sáng tác đương đại của thơ dân tộc thiểu số hôm nay, nhất là ở miền Nam và vùng Cham.

Từ khi nhập cuộc văn chương tiếng Việt, các thế hệ thơ người dân tộc thiểu số liên tục xuất hiện, thuộc nhiều dân tộc và ở nhiều vùng miền khác nhau. Họ nói lên tiếng nói và tâm cảm dân tộc mình, qua đó thể hiện bản sắc dân tộc và bản sắc vùng miền. Ở đó không ít tác giả sáng tác bằng tiếng mẹ đẻ: thơ tiếng Tày, Thái, Khmer, Cham… Tất cả làm phong nhiêu nền thơ Việt Nam đa dân tộc, với những cái khác lạ, độc đáo. 

Đó là điểm chung. Từ điểm chung đó nảy sinh sự khác biệt mang tính dân tộc và vùng miền riêng. Đâu là khác biệt?

1.1. Xuất phát điểm

Bên cạnh cộng đồng Khmer Nam bộ, người Cham sống vùng đồng bằng, trong khi đại đa số dân tộc thiểu số khác sống ở vùng cao. Đa phần nhà văn dân tộc thiểu số sống ở vùng quê: Pờ Sảo Mìn, Trà Vigia hay lưỡng cư: Mai Liễu, Inrasara. 

Nhà thơ Cham xuất hiện rất muộn, Inrasara in thi phầm đầu tay Tháp nắng năm 1996 đã muộn, các cây bút còn lại còn muộn hơn nữa: khi Tagalau ra đời vào mùa Thu năm 2000[3].

Trong khi đa phần các nhà văn dân tộc thiểu số khác được đào tạo về văn học, sau đó làm công chức Nhà nước, có người còn là lãnh đạo tổ chức văn nghệ, thì hầu hết nhà văn Cham không được đào tạo trường lớp, nhất là làm nghề tự do.

1.2. Môi trường hoạt động 

Vào cuộc viết, nhà thơ Cham có nền rất căn bản là bộ Văn học Cham [4] ngàn trang, trong khi các dân tộc thiểu số khác không có được đặc ân này để “tiếp thu và sáng tạo”. Nữa, Cham có đất diễn là đặc san Tagalau, các nhà thơ dân tộc thiểu số còn lại chỉ còn dựa vài tạp chí Văn hóa các Dân tộc.

Giống nhau: Nhiều nhà thơ dân tộc thiểu số vẫn sáng tác bằng tiếng mẹ đẻ, bên cạnh song ngữ hay thuần tiếng Việt. Cham cũng thế, viết song ngữ có: Inrasara, Trà Vigia, Đồng Chuông Tử; thuần tiếng mẹ đẻ: Jaya Hamu Tanran, Phú Đạm, Jaya Thuksiam, Thuận Ngọc Liêm, Kiều Dung; còn thuần Việt là: Tuệ Nguyên và Kiều Maily. Hầu hết đã được in tập, sau đó được đưa vào một tuyển [5].

1.3. Tâm thế

Trong khi nhiều nhà thơ dân tộc thiểu số khác luôn khẳng định vị thế dân tộc, như là đại biểu cho tiếng nói, đứa con của làng. Trước hết, các nhà thơ dân tộc thiểu số luôn khẳng định cá nhân qua bản thể dân tộc. Vương Anh với “Hoa trong Mường”, Lương Định là “Lời người cha Lũng Núi”, Pờ Sảo Mìn con trai người Padí qua “Cây hai ngàn lá”… Đậm hơn là Dương Thuấn với Bản Hon và sông Năng quê anh. Trần Wũ Khang ở miền Trung thì khác, nếu có đề cập gốc gác, nhà thơ này nêu nó lên để đùa nghịch: “Thằng con hai dòng máu” [Cham Việt] (Quà tặng của Quỷ sứ, 2009). 

Cạnh đó, sự khẳng định dân tộc và bản sắc còn được thể hiện qua tên bài thơ ở các nhà thơ thuộc vùng miền khác nhau. Pờ Sảo Mìn – đứa con trai người Pa Dí – dân tộc chỉ có “hai ngàn người – như cây hai ngàn lá” luôn hãnh diện về tính cách ngang tàng, “tới bến” của dân tộc mình:  

Con trai người Pa Dí
Đã đi là như chạy
Như mây bay lửa cháy ầm ầm

Y Phương, dân tộc Tày, “người đàn ông ở làng Hiếu Lễ” đã gọi đầy yêu thương và kiêu hãnh tên làng Hiếu Lễ nơi anh sinh ra và lớn lên: “Ơi cái làng của mẹ sinh con”, “cái tên làng Hiếu Lễ của con”. 

Dường như bất kì nhà thơ dân tộc thiểu số nào cũng khởi đầu cuộc đi vào thế giới văn chương tiếng Việt, thứ ngôn ngữ không phải tiếng mẹ đẻ bằng khẳng nhận. Hiếm khi họ khẳng định cái tôi, mà là dân tộc tôi, làng tôi, đi cùng với làng là con sông hay ngọn núi quê tôi. Khẳng định cái tôi cá thể nếu có, cũng gắn liền với quê hương, làng bản. Nhà thơ đồng hóa mình với quê hương, với những gì thuộc về dân tộc. Như thể sợ phai mờ hay mất bản sắc, nhưng quan trọng hơn: để tự tin bước vào thế giới xa lạ, rộng lớn ngoài kia.

Thể cách đó, Dương Thuấn là người nhắc nhiều đến quê hương Bản Hon mình hơn cả. Bản Hon với đất và người Bản Hon (“Bản Hon”), “Mùa xuân Bản Hon”, “Buổi sớm Bản Hon”, “Chiều Bản Hon”, “Tiếng buổi chiều Bản Hon”. Rồi tình cảm người Bản Hon dành cho lữ khách (“Anh về Bản Hon”). Đính kèm với làng Bản Hon là sông Năng. Từ đó, anh bước xuống đồng bằng, vào phố, ra biển: “Ta đi bộ từ núi xuống đồng bằng” (Ngày mai hoa không nở, trường ca), hay: “Sông mang lòng bản cao xuống biển”.

Y Phương nếu không đồng tình với các tiêu cực thì phê bình, cũng khá nhẹ nhàng. “Làng hoang”: 

Tôi đi trên nền làng xưa
Cúi nhặt vài mảnh vỡ
Rạn nâu
Lạnh tanh như dạ cụ cố
Đâu rồi làng một thuở…

Inrasara thì khác, phản biện quyết liệt (trường ca “Quê hương”, Tháp nắng-1996): 

Ta không thể đi vào tương lai bằng giấc mê Quá khứ
Đi vào ngày mai bằng niềm tiếc Ngày qua
Không thể bay cao khi hồn còn trì nặng sâu mọt căm thù
Không thể đi xa khi chân còn kéo lê sợi tơ kiêu hãnh hão
Hãy để Tháp Cánh Tiên, Tháp Chùa với nhà trùng tu thi gan giông bão
Để yên Tara, Garuda trong viện bảo tàng
Pô Klong, Xah Bin – xin thắp ngọn nến, nén nhang
Coi chừng hai buồng phổi ta thiếu ôxi bởi khói!

Hội nhập, hay cụ thể hơn, cả khi xuống phố, nhiều nhà thơ dân tộc thiểu số vẫn giữ tâm thế hướng quê với một ít hoài niệm. Bùi Tuyết Mai “xuống phố” nhẹ nhàng “mùi hoa sữa”, “bóng chim xanh”, “bóng chú mèo” yểu điệu cổ điển của một thời đã xa, Jalau Anưk ở Cham đã rất khác. Anh thôi thúc người cùng thế hệ dũng mãnh bước tới, cũng là cách tự thôi thúc mình:

Đi đi em! Đi đi! – Mang hình em vào phố
tỏa hơi em vào phố
chìa cả sần sùi bàn tay em vào phố
và lớn lên cùng phố…
phố không nuốt chửng em đâu
bởi phố trú dưới vòm trời – rộng lắm!
mà ở đâu dưới vòm trời cũng có những mái nhà cho cả em, anh

(“Phố và em”, Tagalau 5, Nhà xuất bản Văn nghệ TPHCM, 2005)

“Phố không nuốt chửng em đâu”, thì tại sao phải ngại ngần? Thế hệ trẻ Cham hiểu mình phải nhập cuộc, nếu không để bị bỏ lại. Nhập cuộc trọn vẹn vào cuộc sống sôi động hôm nay. 

Điều làm nên khác biệt lớn, chính là lối tư duy từ truyền thống của mỗi dân tộc. Thống nhất mà đa dạng, là vậy. Kiều Maily phức hợp và đa tầng, đòi hỏi ở người đọc nhiều liên tưởng hơn. 

Mương Cái xuôi về palei em
Mương Đực đổ qua làng anh
cả hai chảy tan vào biển
Tìm nhau
dòng nước phải ngược lên nguồn suối
Anh dám mang phần số loài cá hồi không? 
cùng em, ngược về nguồn cội
tìm nhau
Vượt ngàn dòng dữ hay lách trăm vách đá ngầm
ta cùng ngược
cho ngày mai con cháu ta băng băng biển lớn
vẫn còn nhớ về nguồi suối
tìm nhau.

(“Mương Đực – Mương Cái”, Giữa hai khoảng trống, 2014)

Ở đây, vẫn có “suối”, “mương”, “biển”… nhưng chúng đã khác. Anh dám mang phần số loài cá hồi không? là câu hỏi mang ở tự thân tinh thần nữ quyền trong thời đại toàn cầu hóa. Đó chính là sự khác biệt.

2. … đến cá tính sáng tạo

Về tương quan giữa sáng tạo và bảo tồn văn hóa dân tộc, tác giả lí giải chí lí: “Cái mà mỗi nhà thơ dân tộc thiểu số cần là cá tính sáng tạo, là tâm thức của nhà thơ trước những vấn đề của xã hội, của cuộc sống, chứ không phải là lối viết “giăng màn quá khứ” để bảo lưu cái gọi là bản sắc văn hóa của dân tộc mình.”

Câu chuyện. Mùa Hè 1996, ở Trại Sáng tác Đải Lải, Lò Ngân Sủn viết về Tháp nắng, bản thảo tập thơ đầu tay của Inrasara, có đoạn: 

“Tôi muốn biết thơ anh có cái gì thật bản sắc, thật độc đáo mang đậm phong vẻ, cốt cách Chăm của anh hay không nhưng hơi khó. Vì thơ anh là thơ hiện đại, lại rất gần với thơ Việt từ giọng điệu, ngôn từ, cách thể hiện”[6].

20 năm sau, Nguyễn Hòa lặp lại y hệt. 

“Trong văn học cũng vậy, nếu các tác giả như Y Phương, Pờ Sào Mìn, Mã A Lềnh… kế tục xuất sắc sự nghiệp của Nông Quốc Chấn, Bàn Tài Đoàn… thì ngày nay, đọc tác phẩm của một số cây bút trẻ, ngoài họ và tên hay đôi dòng tiểu sử giúp nhận biết xuất thân dân tộc thiểu số, lại thấy cách cảm, cách nghĩ, lối diễn đạt, cách thức xây dựng hình ảnh… trong thơ của họ có điều gì đó gần gũi với cách cảm, cách nghĩ, cách diễn đạt, cách xây dựng hình ảnh, giọng điệu… trong thơ của tác giả người Kinh!”[7]

Lặp lại khơi khơi vậy thôi, chớ chỉ ra cụ thể nhà thơ hay tác phẩm nào thể hiện sự thể đó, thì chưa. Bề ngoài có vẻ đúng, nhìn toàn cảnh và đẩy tư duy dấn thêm lên xíu mới thấy nó khác, rất khác.

Tại Trại trên, khi ấy còn vô danh và lần đầu ra Bắc, tôi đã đặt bốn câu hỏi với nhà thơ dân tộc Dáy nổi tiếng trên: Anh muốn thơ dân tộc thiểu số phải thế nào? Hình ảnh gần gũi, cụ thể? Lối nói đơn giản, mộc mạc? Viết bằng thứ tiếng Việt ngô nghê, ngọng nghịu sao? Anh biết văn học Cham thế nào chưa, mà cho rằng thơ Inrasara thiếu bản sắc Cham? 

Từ truyền thống, Cham có chữ bản địa sớm nhất Đông Nam Á, văn học viết phát triển sớm. Cham biết tư duy trừu tượng, tư duy siêu hình, tư duy tư biện thể hiện qua các trường ca Ariya Glang Anak, Pauh Catwai… Tác giả Cham cổ điển đã biết chơi kĩ thuật đồng hiện, dòng ý thức (trường ca Ariya Bini Cam), lối kể chuyện hiện đại (trường ca Ariya Cam Bini tuyệt không có “chàng rằng”, “nàng rằng”), so sánh đa tầng… 

Đến hiện đại, tác giả Cham đương đại “xài lại” các kĩ thuật đó, có thể kêu thiếu cốt cách Cham không? Nữa, khi đã nhìn ra bản sắc văn học Cham, lẽ nào tôi và các bạn thơ Cham hôm nay cứ bám vào nó mà sáng tạo? Chớ kẻ sáng tạo không dám cắt đứt nó, để làm cái mới? Cuối cùng, các kĩ thuật hiện đại hôm nay đâu phải độc quyền của người Việt? Nó là kho trời chung của nhân loại, sao nhà thơ dân tộc thiểu số không thể dùng tới? 

3. “Thực chất, chúng ta cần/ nên lo lắng về điều gì?”

Xin được lặp lại nguyên văn tiểu đề của tác giả, để có thể khẳng định rằng: không có gì đáng lo ngại cả! 

3.1. Về nghệ thuật, các nhà thơ dân tộc thiểu số giữ được lối nói dân dã mà vẫn hiện đại. Tuyết Mai với “Lưu khách”:

Hãy dừng chân nhà em một đêm
Chỉ một đêm thôi
Cho con ngựa anh nghỉ ngơi
Hãy nán lại nhà em một đêm
Chỉ một đêm thôi
Cho con ngựa anh uống nước
Hãy nghỉ lại nhà em một đêm
Chỉ một đêm thôi
Cho con ngựa anh ăn vài đấu ngô thơm
Hãy ở lại nhà với em một đêm
Một đêm thôi

3.2. Lối suy nghĩ và nhịp điệu cũng thế. Dù Hoàng Chiến Thắng có lối suy nghĩ rất mới, nhịp điệu thơ truyền thống vẫn được giữ lại:

Đứa trẻ bưng tuổi thơ 
chạy ngược
Tiếng rao vỡ vào phố đêm
… Người đàn bà cõng mưa
Che con
Tiếng đàn rong va vào ngõ phố (“Phố đêm”)

Trong khi Tuệ Nguyên của Cham cùng thế hệ, thể hiện khác:

– Tôi đang sống cùng thời đại với họ, 
nhưng khi họ cứ mải mê dò từng bước để đi thì tôi lại nằm một xó tập bay


– Tôi đi vào con đường không có bảng chỉ dẫn
mỗi lần lầm lạc tôi bắt đầu đánh dấu (Những giấc mơ đa chiều, 2009)

Khác biệt là ở tư duy thơ. 

3.3. Thấy rõ nhất là ở đề tài thơ 

Trong khi các nhà thơ dân tộc thiểu số khác dừng lại ở những gì gần gũi, quen thuộc của không gian quê nhà, các nhà thơ Cham động cấp đến các đề tài rộng hơn, góc cạnh hơn. Thử lượm nhặt ngẫu nhiên từ một tuyển tập qua vài nhà thơ quen thuộc thuộc các dân tộc khác nhau, dễ thấy rằng: 

Vương Anh (dân tộc Mường) xuất hiện với “Hoa trong Mường”, “Cơm mường Vó”, “Tình còn tình chiêng”, “Buộc chỉ cổ tay”; Lương Định (dân tộc Tày): “Lời người cha lũng núi”, “Núi và hòn đá lẻ”, Ngẫu hứng đêm lễ hội”, “Đêm Stiêng”; Pờ Sảo Mìn (dân tộc Padí): “Cây hai ngàn lá”, “Tiếng chim Péc-kà”, “Gọi thầm Sapa”; Lâm Quý (dân tộc Cao Lan): “Đêm vùng cao”, “Nếu em bỏ ôm chồng”, “Tiếng khèn”, “Thêu cả bốn mùa”… 

Trà Vigia qua “Bài thơ tình tưởng tượng”, “Bây giờ là bao giờ”, “Cõi mưa xưa”, “Dự cảm ngày qua”, “Hành hương tôi”, “Khoảng lặng”, “Lưỡng tính”, “Miên du”… hay Jalau Anưk với “Tôi”, “Gởi bạn”, “Dưới vòm trời là những mái nhà”, “Tiên tri”, “Trên đường đi”… rất khác[8]

3.4. Về thể thơ, sự khác biệt càng lộ rõ. 

Khi đại đa số nhà thơ dân tộc thiểu số khác ở lại với thơ lục bát, thơ năm chữ hay tám chữ biến thể của Thơ Mới, thơ tự do có vần hay không vần đơn; nhà thơ Thạch Đờ-ni ở miền Tây Nam Bộ vẫn còn sáng tác thơ bằng thể thơ “lục bát” Khmer – là cái hay riêng của nhà thơ người thơ này, thì hầu hết cây bút Cham đã khác: Inrasara làm thơ Tân hình thức, Trà Vigia dùng thơ tự do không vần nhịp chỏi với cấu trúc phức hợp, Tuệ Nguyên: thơ xuôi.

Về mĩ học sáng tác cũng thế, các bạn thơ Cham đi từ hiện đại, đến hậu hiện đại sang Tân hình thức. 

Sự khác biệt còn thể hiện ngay trong rất nhiều biện pháp tu từ, ở đó thủ pháp so sánh là một phần nhỏ. Htrem K’nul dân tộc Êđê ở Tây Nguyên so sánh đơn, gần và cụ thể:

Giọng già như gió cuốn bụi bay
Giọng già như hổ gầm buổi tối
Giọng già như suối chảy đầu hôm 

(“Người kể khan”)

Còn Inrasara có lối so sánh phức hợp, đa tầng: 

Cây xương rồng như nhà sư khất thực theo vết chân gió trái mùa lang thang
Lạc bước qua triền đồi quê tôi để bị chịu cầm tù trong cát…
Như ẩn sĩ cô đơn – yêu thương mà không cần nước mắt
Sẵn lòng cho nụ cười khinh bạc của lùm cỏ dại hay cụm mây hoang

(“Sinh nhật cây xương rồng”, 1997)

Ngôn ngữ thơ. Ở Tuệ Nguyên, ngôn ngữ đường phố xuất hiện dày đặc: thế hệ già bảo thủ, những đứa con hư hỏng nổi loạn và bất trị, những đứa con yêu cuồng dại tự do. Rồi thơ tiếng Cham độn tiếng Việt, tiếng Anh không phải là hiếm ở Jalau Anưk. 

4. Đi tận cùng dân tộc ta gặp thế giới

Nếu ở miền cực Nam Trung Bộ, một Inrasara đưa thơ đi suốt đất nước Việt Nam (Và sống sót và kêu từ cõi chết lạ, 2019), từ đó vươn ra thế giới rộng lớn (Ở nơi ấy [thơ thời cuộc], 2012), thì ở miền núi phía Bắc, Thèn Hương đứa con mang hai dòng máu Tày – Nùng lặn xuống tận miền thẳm sâu đời sống nơi quê nhà, để làm nên thi phẩm: Giấc mơ của một loài cỏ, 2023 – dân tộc mà hiện đại.

Dân tộc, khi thơ mang đậm yếu tố sử thi với lối kể truyền thống qua ngôn từ giàu hình tượng; hiện đại, khi nữ thi sĩ này vận dụng hầu hết thể thơ hiện có, từ lục bát đến thơ 4-5-7 chữ, từ thơ tự do có vần hay không vần đến thơ xuôi. Để đưa ra thông điệp đầy tính nhân văn, đó là: Giấc mơ một loài cỏ dù nhỏ bé tới đâu cũng cần được kể lại, và trân trọng. 

Bên cạnh đó còn rất nhiều giọng thơ nữ thế hệ 8X đầy bản sắc khác, như Hoàng Thị Hiền dân tộc Tày, Hà Sương Thu dân tộc Nùng, Phùng Thị Hương Ly dân tộc Tày, Phùng Hải Yến dân tộc Dao… Họ sáng tác về đề tài quê hương, con người, tình yêu, phong tục tập quán… nhưng bằng ngôn ngữ thơ hiện đại, đa phần sử dụng thể thơ tự do. Dẫu thơ của họ được sáng tác trên chất liệu dân tộc – miền núi, nhưng thể hiện rõ sự tìm tòi, khám phá, làm mới.

Kết.

Tất cả nói lên điều gì? Trong thơ, các tác giả dân tộc thiểu số thể hiện phong phú, đa dạng và đủ đầy những gì đang diễn ra trong cộng đồng dân tộc mình, trên đất nước Việt Nam và cả thế giới mà chưa một lần rời bỏ bản sắc dân tộc.

Nhà thơ dân tộc thiểu số làm gì, ngày mai? Bản sắc mà hiện đại, làng quê và thành phố, đi đến tận cùng dân tộc để vươn ra thế giới. “Theo nước đi” của Dương Thuấn tiêu biểu cho tinh thần ấy:

Người làm nương ăn theo lửa
Người làm đồng ăn theo nước
Sinh ra tắm nước thơm
Mới là con của mẹ
Lớn lên tắm nước sông
Mới thành người của làng
Đóng con tàu đi ra bể
Tắm giữa đại dương
Mới thành người của muôn nơi.

Thơ dân tộc thiểu số vẫn có những khác nhất định. Nói về sự khác biệt không phải so sánh hơn kém, hay dở mà là đưa ra những cái Khác, những cái khác này làm nên sự đa dạng để người làm thơ rộng đường chọn lựa cho mình phương thức sáng tạo. Tinh thần hậu hiện đại nhìn nhận và chấp nhận những cái khác này như là một phần của đời sống [văn chương]. Chúng làm phong phú một nền văn học, rộng hơn làm giàu sang một nền văn hóa – nhất là với đất nước đa dân tộc như Việt Nam hôm nay. 

Inrasara.

————-

Chú thích

[1] Báo Văn nghệ, 22-2-2024

[2] Tác giả dẫn: Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam (2007), Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số thời kì đổi mới. Nxb Văn hoá Dân tộc.H.

[3] Tagalau, Tuyển tập sáng tác, sưu tầm, nghiên cứu văn hóa Cham, phát hành số đầu tiên nnăm 2000, đến nay đã qua 21 kì

[4] Xem, Inrasara: bộ ba Văn học Cham, khái luận – văn tuyển, 1995.

[5] Văn học Cham hiện đại – thơ, Nhà xuất bản Văn học, 2008

[6] Tạp chí Văn, Thành phố Hồ Chí Minh, số 70, 8-1997

[7] Vanvn.net, 6-8-2016

[8] Núi mọc trong mặt gương (tuyển tập thơ dân tộc thiểu số Việt Nam), Nhà xuất bản Văn hóa Dân tộc, H., 1998.