Khi các luật sư phải bỏ nước ra đi…

Trong một xã hội độc tài toàn trị, bất cứ công việc nào cũng có thể dẫn đến sự nguy hiểm, tù tội, nhưng có những công việc có thể dễ khiến cho nhà cầm quyền “ngứa mắt” nhất và do đó nguy hiểm nhất, đó là nhà báo, nhà văn, và tiếp theo là luật sư.

Vào khoảng tháng Sáu năm 2023 vừa qua, thông tin 3 luật sư Đặng Đình Mạnh, Nguyễn Văn Miếng, và Đào Kim Lân thuộc nhóm 5 luật sư bảo vệ cho Tịnh thất Bồng lai (sau đổi tên là Thiền am Bên bờ vũ trụ) trong vụ án “lợi dụng quyền tự do dân chủ” đã “đào thoát” đến Mỹ khiến dư luận xôn xao. Trước đó, họ đã phải lẩn trốn vì bị công an Long An truy tìm giữa lúc các luật sư bị điều tra với cáo buộc “Lợi dụng các quyền tự do chủ” theo Điều 331 Bộ Luật Hình sự. 

Vào tháng 10.2023 Luật sư nhân quyền Võ An Đôn và gia đình cũng đến Mỹ để định cư tị nạn, sau hơn một năm bị chính quyền Việt Nam cấm xuất cảnh.

Như vậy, là lại đến lượt các luật sư cũng phải tìm đường ra đi…

Tôi đã có cuộc phỏng vấn với luật sư Đặng Đình Mạnh và luật sư Nguyễn Văn Miếng chung quanh những trải nghiệm của mỗi người về công việc của một luật sư nhân quyền ở Việt Nam.

***

* Mới đây có tin luật sư Lê Văn Hòa thuộc Đoàn luật sư thành phố Hà Nội gửi thư cho Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội, Ban lãnh đạo Liên đoàn Luật sư Việt Nam để thông báo “kể từ hôm nay (30/12/2023) tôi chính thức tuyên bố tự rút khỏi Đoàn luật sư thành phố Hà Nội, đồng thời chấm dứt hành nghề luật sư, lý do: Vì đã mất hết niềm tin vào nền tư pháp Việt Nam như tôi đã tuyên bố từ ngày 27/5/2021”. Thưa hai ông có biết luật sư Lê Văn Hòa không và hai ông có suy nghĩ gì trước sự việc này?

Luật sư Đặng Đình Mạnh ở Mỹ.

Luật sư Đặng Đình Mạnh: 

Tôi biết Luật sư Nguyễn Văn Hòa và đã từng tham gia với nhau bào chữa một số vụ án chính trị ở Hà Nội. Đáng kể nhất là vụ án xét xử dân làng Đồng Tâm.

Luật sư Hòa là người rất mạnh mẽ và khẳng khái hiếm có. Tuy lớn tuổi hơn tôi, nhưng anh ấy lại là người rất cầu thị. Khi từng làm việc chung với nhau, anh ấy đã từng nói với chúng tôi về khả năng giải nghệ, vì lẽ đã mất lòng tin vào nền tư pháp Việt Nam. Năm 2017, anh ấy cũng đã từng tuyên bố bỏ đảng Cộng Sản vì họ đã biến chất. Do đó, tôi không ngạc nhiên gì về việc anh ấy bỏ nghề luật sư cả.

Điều đáng buồn nhất là trong số gần 2 vạn luật sư hiện nay đều biết rõ về thực trạng thối nát của nền tư pháp Việt Nam, nhưng họ vẫn phải cắn răng hành nghề. Tôi cũng đã phải như vậy cho đến khi phải tỵ nạn chính trị.

Luật sư Nguyễn Văn Miếng ở Mỹ.

Luật sư Nguyễn Văn Miếng: 

Tôi thân với Luật sư Lê Văn Hòa và đã từng làm chung với ông vài vụ án. Ông là người cương trực, ông đã cởi áo từ quan để làm luật sư, nay lại một lần nữa ông lại cởi áo chấm dứt hành nghề luật sư. Chính ông là người hiểu sâu sắc bản chất của chế độ, nhưng những cố gắng của ông để không mang lại kết quả. Ông theo những vụ án oan, đứng về những người yếu thế trong xã hội, nhưng kết quả ông giành được cho họ rất khiêm tốn. Thật là tiếc khi những người hành nghề luật sư chân chính thiếu vắng đi một người mạnh mẽ như ông.

*Bản thân hai ông khi còn hành nghề luật sư ở Việt Nam, hai ông nghĩ gì về công việc, vai trò của nghề luật sư ở Việt Nam? So với công việc, vai trò của một luật sư trong một nước tự do, dân chủ thì có những sự khác biệt, hạn chế ra sao, và những khác biệt, hạn chế đó đã ảnh hưởng như thế nào đến công việc của người luật sư và kết quả của phiên tòa?

Luật sư Đặng Đình Mạnh: 

Năm 1996, tôi trở thành luật sư thực thụ, khi ấy, tôi vào nghề với lý tưởng thật sự lãng mạn. Tôi đã nghĩ về luật sư như những hiệp sĩ mặc áo choàng đen ra tay tranh đấu vì những giá trị công lý, công bằng xã hội, bảo vệ những kẻ cô thế… Nhưng điều ấy chỉ đúng ở những quốc gia tôn trọng quyền tự do, dân chủ của người dân mà thôi.

Ở nước ta thì rất khác, và chính sự khác biệt ấy đã dần dần dạy cho tôi hiểu ra rằng lý tưởng của tôi là hoàn toàn viễn vông. Vì dù là trong môi trường hoạt động luật pháp, nhưng những người có thẩm quyền lại không hành xử theo luật, mà họ chỉ mượn danh nghĩa luật để bảo vệ, vun vén cho lợi ích của họ mà thôi. Hiếm hoi, họ có áp dụng pháp luật khi pháp luật ấy có lợi cho họ.

Cho nên, mọi tiếng nói, tranh cãi có giỏi giang, chính đáng, hợp pháp như thế nào đi nữa thì cũng không mấy được công nhận, nếu không phù hợp với lợi ích của người có thẩm quyền.

Luật sư Nguyễn Văn Miếng: 

Luật sư Việt Nam được ca ngợi là một nghề cao quý, (nghề nào mà chẳng cao quý!). Thực tế các luật sư rất ngại tham gia các vụ án hình sự, đặc biệt là các vụ án mang tính chính trị. Trong các vụ án hình sự, viện kiểm sát và tòa chỉ chăm chăm kết tội bị cáo theo kết luận điều tra của công an, giống như “Bộ Binh, bộ Hộ, bộ Hình, Ba bộ đồng tình bóp vú con tôi” bất chấp các luận cứ bào chữa của luật sư. Trong các án chính trị, các luật sư luôn gặp khó khăn và đe dọa từ phía an ninh, mặc dù đối với quốc tế họ luôn nói các bị cáo có luật sư. Khi có luật sư các bị cáo thường không nhận tội, điều này làm khó chịu đối với các cơ quan tiến hành tố tụng. Tuy kết quả phiên tòa có luật sư không được cải thiện bao nhiêu nhưng ngược lại thông tin về bị cáo và phiên tòa được cả thế giới biết đến.

*Trong những vụ án mà các ông tham gia, tỷ lệ thành công nhờ vai trò của luật sư là bao nhiêu phần trăm?

Luật sư Đặng Đình Mạnh: 

Tôi là người chuyên bào chữa trong những vụ án có sự đàn áp chính trị, tôn giáo, sắc tộc thiểu số… Do vậy, ở nước ngoài họ gọi tôi là luật sư nhân quyền. Mà trong đó, hầu hết các phiên tòa đều có sự chỉ đạo trước về định kiến nghi can có tội. Cho nên, tỷ lệ thành công rất thấp, gần như chỉ là 1%.

Điều đó thì chính các thân chủ của tôi đều hiểu cả. Nhưng tôi vẫn có thắng lợi riêng vì tôi và thân chủ đều không đặt nặng yêu cầu về kết quả vụ án, mà yêu cầu về việc thông tin về vụ án là chính. Yêu cầu đó, khi hành nghề thì tôi đã thực hiện được.

Tuy vậy, vẫn có vụ án tôi thắng một cách tuyệt đối. Điển hình là vụ đàn áp đối với Hội Thánh Truyền Giáo Phục Hưng, họ bị khởi tố hình sự với tội danh “Gây lây lan bệnh truyền nhiễm”, nhưng đến tháng 01/2022, thì vụ án đã bị đình chỉ khi tôi chỉ ra được sự phi lý của quyết định khởi tố hình sự. Nhất là trước đó, đã có hàng loạt sự kiện có khả năng làm lây lan bệnh dịch Covid, gồm bầu cử Hội đồng Nhân dân, đổi Chứng minh Nhân dân và nghỉ lễ 30/04 – 01/05/2021.

Luật sư Nguyễn Văn Miếng: 

Những vụ án an ninh tôi tham gia thường là “án bỏ túi”, “án chỉ đạo” mức án có sẵn. Tuy nhiên sự có mặt của luật sư là nguồn nâng đỡ tinh thần và pháp lý rất quan trọng, khiến cho nhiều phiên tòa hội đồng xét xử phải bối rối. Kết quả phiên tòa như thế nào hầu như có thể tiên doán trước.

*Thưa, hai ông có thể kể ra vài vụ án tiêu biểu mà sự bất công cũng như kết quả của phiên tòa rõ ràng đã được định trước, giống như người ta hay nói “bản án bỏ túi”?

Luật sư Nguyễn Văn Miếng: 

Chằng hạn như vụ án “Biểu tình” cúa 15 thanh niên Biên Hòa Đồng Nai phản đối Luật Đặc Khu năm 2018. Hình ảnh thu được là xe cảnh sát dẫn đường một đoàn biểu tình cầm cờ và biểu ngữ chạy theo. Họ dẫn đoàn biểu tình vô đường cụt và bắt hết. Phiên tòa như hợp thức hóa thời gian tạm giam một số người bởi không lẽ tuyên họ vô tội.

Luật sư Đặng Đình Mạnh: 

Hầu hết những vụ án chính trị đều là dạng “Bản án bỏ túi” cả. Từ những vụ án gây căm phẫn nhân tâm như vụ án xét xử dân làng Đồng Tâm, cho đến những vụ án được sự quan tâm nhiều của công chúng như ký giả Phạm Thị Đoan Trang, ký giả Phạm Chí Dũng, mẹ con cô Cấn Thị Thêu, Trịnh Bá Phương, Trịnh Bá Tư, cô Huỳnh Thục Vy, thầy Nguyễn Năng Tĩnh… 

*Thưa, các ông bắt đầu gặp những khó khăn, sách nhiễu, gây trở ngại trong công việc, từ bao giờ, và tại sao?

Luật sư Đặng Đình Mạnh: 

Tôi viết phản biện chính sách và tham gia bào chữa cho các tù nhân chính trị trong khoảng 10 năm trở lại đây. Cũng từ dịp ấy, tôi thường bị sách nhiễu, đe dọa rất nhiều lần. Như bị theo dõi khi đi lại, bị đột nhập vào phòng ở khách sạn, bị hành hung ngay trong khuôn viên tòa án, bị cướp hồ sơ, laptop nơi đang được an ninh canh gác, bị bắn vỡ kính ô tô, bị công an chặn đường sách nhiễu, bị an ninh đến nhà ngăn chặn đến dự cuộc họp do Quốc vụ khanh nước Đức mời…

Luật sư Nguyễn Văn Miếng: 

Ngay phiên tòa đầu tiên năm 2012 trong vụ án hai nhạc sỹ Trần Vũ Anh Bình, Việt Khang. Khó khăn trong việc cấp Giấy chứng nhận bào chữa, không được đọc hồ sơ, không được sao chép tài liệu, bị an ninh giám sát suốt phiên tòa, hết sức căng thẳng khi đi lại trên đuòng, vì đi lại bằng xe gắn máy. 

Phiên tòa phúc thẩm 15 thanh niên Biên Hòa biểu tình, ngày 6/11/2018  tôi và hai luật sư đi tiếp xúc các thanh niên đang bị tạm giam, xe hơi khi đang luu thông qua khu vực Thủ Đức đã bị bắn lủng kính xe.

Phiên tòa Đồng Tâm, chúng tôi bị an ninh theo dõi sau khi rời phiên tòa. Các thanh niên Hà Nội nghe tin đã cho hai xe hơi và một nhóm anh em xe gắn máy hộ tống chúng tôi ra sân bay về Saigon.

*Vì sao các ông quyết định cùng gia đình rời Việt Nam ra đi?

Luật sư Đặng Đình Mạnh: 

Năm 2021 tôi bị Bộ Công an ra quyết định cấm xuất cảnh. Tháng 02/2023, tôi tiếp tục bị Bộ Công an ra văn bản yêu cầu Cơ quan An ninh điều tra hình sự đối với tôi. 

Với tư cách là người có kinh nghiệm vì đã chuyên bào chữa trong các vụ án chính trị trong nhiều năm trời, tôi biết tất cả những dấu hiệu đó cho thấy tôi đã ở đỉnh điểm của sự nguy hiểm cho bản thân. Cho nên, tôi buộc lòng phải lánh đi và sau đó, tôi may mắn được chính quyền Mỹ xem xét cho phép tỵ nạn chính trị.

Luật sư Nguyễn Văn Miếng: 

Chúng tôi có 5 luật sư bào chữa cho vụ án “Tịnh thất Bồng Lai” tại Long An. Quá trình tham gia vụ án đã dùng truyền thông để phá án. Việc này đã vạch trần âm mưu đen tối của cơ quan an ninh Long An. Đầu tháng 2 năm 2023, rộ lên phong trào bắt các luật sư theo Điều 331 (Lợi dụng các quyền tự do dân chủ), đã có 3 luật sư, tiến sĩ luật bị bắt trong những tranh luận dân sự trên mạng. Trong khi 5 luật sư chúng tôi đã chạm vào yếu huyệt của họ là cơ quan an ninh. Họ thông báo chúng tôi “có dấu hiệu vi phạm Điều 331” và triệu tập chúng tôi để điều tra. Khi chưa ai biết thông tin này, chúng tôi đã được mật báo “đừng đến”. Kinh nghiệm và diễn biến thực tế chúng tôi ý thức được rằng “giờ đã điểm”, bằng cách này họ đã bắt những nhà đấu tranh, những người dám lên tiếng bất công trên không gian mạng. Buộc lòng chúng tôi phải ra đi.

*Các ông có dự định tiếp tục công việc, nghề nghiệp của mình cách này cách khác ở nước ngoài?

Luật sư Đặng Đình Mạnh: 

Tôi không có ý định hành nghề luật sư tại Hoa Kỳ. Nhưng tôi sẽ vẫn tiếp tục dấn thân để thực hiện lý tưởng và những giá trị mà tôi đã từng theo đuổi tại Việt Nam.

Luật sư Nguyễn Văn Miếng: 

HIện nay tôi không thể tiếp tục hành nghề luật sư tại Hoa Kỳ. Nhưng với kinh nghiệm nghề nghiệp tôi vẫn tiếp tục hỗ trợ những nhà hoạt động trong nước trong khả năng của mình.

*Câu hỏi cuối cùng, các ông nghĩ gì về nền tư pháp Việt Nam?

Luật sư Nguyễn Văn Miếng: 

Nền tư pháp Việt Nam đã cải cách rất nhiều. Tuy nhiên trong một chế độ độc tài toàn trị, không có tam quyền phân lập, cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và tòa án đều là công cụ của đảng để đàn áp người dân, Các cơ quan của Liên hiệp quốc trong các phiên giải trình của chính phủ Việt Nam luôn luôn giám sát và thúc đẩy quá trình cải cách của Việt Nam để pháp luật Việt Nam và các công ước về quyền con người được thực thi tốt nhất tại Việt Nam.

Luật sư Đặng Đình Mạnh: 

Tôi nghĩ nền tư pháp Việt Nam đã hỏng từ gốc rễ và không chỉ nền tư pháp, mà tất cả hệ thống công quyền của Việt Nam cũng đều đã hỏng. Vì tệ nạn tham nhũng, tệ nạn mua quan, bán chức… Cho nên, chúng ta không có những cán bộ, công chức đúng nghĩa, mà chỉ là những tên tội phạm hoặc con buôn mà thôi. Con buôn bỏ tiền ra mua ghế thì phải có lãi. Chúng cố ý nhũng nhiễu để nhận tiền tham nhũng. Và đó là cách chúng đi buôn có lãi. 

Tôi thật sự bi quan về hiện tình đất nước. Chỉ có xóa sổ chế độ Cộng Sản thì may ra còn có thể cứu vãn trước khi trở thành thuộc địa của Trung Quốc. 

*Xin chân thành cảm ơn luật sư Đặng Đình Mạnh và luật sư Nguyễn Văn Miếng.

Song Chi (thực hiện).