Trần Trung Đạo: Giới thiệu “Dreams of Tuệ Sỹ” của Terry Lee

Tôi nhận được tập thơ dịch Dreams of Tuệ Sỹ (Giấc Mơ Tuệ Sỹ) của anh Terry Lee tháng trước được gởi thẳng từ nhà in của Amazon. 

Tác phẩm ra đời như một nhân duyên. Thật ra, mọi sự vật đến và đi đều là kết quả của nhân duyên. Tập thơ dịch này cũng vậy. Khác chăng, tập thơ không đánh dấu cho một điểm bắt đầu mà là kết thúc. Hòa thượng Tuệ Sỹ ra đi. Nếu hôm nay Hòa thượng mạnh khỏe và đang giảng Duy Thức hay Kim Cang ở một tu viện nào đó, tập thơ dịch Dreams of Tuệ Sỹ có thể chưa ra đời gấp rút như thế. 

Niềm kính ngưỡng trong lòng người dịch dành cho một bậc thầy tài cao đức trọng vẫn có đó nhưng chưa trở thành niềm thôi thúc. 

Nhưng Thầy ra đi. Tia nắng chiều vừa tắt. Ngọn gió thổi về phương Tây mang theo hình bóng của một thiền sư nhỏ nhoi như “cọng lau gầy” nhưng cũng thênh thang hùng vĩ như “gót xiêu dốc núi vai mang mây chiều”. 

Tôi được hân hạnh làm quen với dịch giả Terry Lee hai năm trước. Anh chị từ Úc đi nghỉ hè ở Mỹ và trên đường về có ghé thành phố Worcester cách nơi tôi sống khoảng hơn một giờ lái xe. Để tiện cho nhau, chúng tôi hẹn gặp tại một quán café ở thành phố Framingham, một “thị trấn giữa đàng”, không xa cho anh và cũng không xa lắm cho tôi. 

Chúng tôi biết nhau qua Facebook với những bài viết mang tính thời sự. Tuy nhiên suốt buổi café thay vì nói chuyện chính trị hay thời sự chúng tôi nói về đạo Phật, về hành trạng của nhiều bậc tôn đức mà chúng tôi đã có dịp lắng nghe hay học hỏi qua nhiều cách.

Chúng tôi thảo luận về hành trạng của Cố Đại Lão Hòa thượng Đức Nhuận, nguyên Chánh Thư Ký Viện Tăng Thống Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất (GHPGVNTN), Cố Đại Lão Hòa thượng Quảng Độ, Hòa thượng Tuệ Sỹ, nhiều bậc tôn sư khác và những lời dạy của các Ngài. 

Cách hay nhất để hiểu tư tưởng Phật Giáo, những chặng đường lịch sử của đạo Phật tại Việt Nam và cuộc đời của các bậc tăng tài Phật Giáo là đọc sách của các Ngài thay vì đọc tin thời sự và hay nhận xét bằng cảm tính. Mọi sự việc trên đời đều có nguyên nhân. Người đốn củi không nên nghĩ tới lò than mà nghĩ tới cánh rừng. 

Rồi chúng tôi chia tay. Anh tiếp tục đưa chị đi thăm những nơi xa. Chúng tôi vắng tin nhau một thời gian mãi cho đến khi bệnh của Thầy Tuệ Sỹ tái phát và đang trong giai đoạn nguy kịch. Anh liên lạc thường xuyên hơn để hỏi thăm sức khỏe của Thầy. 

Dịch giả Terry Lee (trái) và tác giả bài viết tại một quán café Framingham, Mass.

Nhưng cũng trong thời gian đó, những dòng thơ Tuệ Sỹ chảy nhẹ vào tâm thức anh. Anh có thể đã đọc thơ Thầy từ trước nhưng thời điểm sau này dường như cây nhân duyên giữa Thầy và anh cũng vừa mới trổ bông. Anh say mê đọc và dịch thơ Thầy. Khi tôi cần một bản dịch, anh phải làm việc gấp đôi nhưng không hề than vãn. Dù ngồi trên xe ‘bus’, trên ‘cruise ship’, trong khách sạn, nửa khuya chợt thức, trong đầu anh luôn lởn vởn những dòng chữ của Thầy diễn tả qua thơ. Chữ này Thầy dùng mang nội dung gì? Thầy viết bài thơ kia trong hoàn cảnh nào? Thầy viết bài thơ nọ ở đâu, Nha Trang, Già Lam, trong tù hay đang một mình quảy gánh trên đường ngàn dặm chưa biết về đâu? 

Tôi quá sức bận. Dù đã nghỉ công việc hãng nhưng công việc của Ôn và giáo hội giao phó lại nhiều hơn trước. Tôi giới thiệu anh với Tâm Thường Định, một huynh trưởng Gia đình Phật tử (GĐPT) và cũng là một dịch giả nhiều bài thơ của Ôn. Tâm Thường Định là mẫu người dâng hiến. Ngoài là một nhà giáo, nhà thơ, em dâng hiến cả đời mình cho lý tưởng GĐPT bằng một tâm hồn trong sáng như gương. Hai anh em, Terry Lee và Tâm Thường Định, có dịp làm việc với nhau với hy vọng đưa những bản dịch từ Mỹ, từ Úc của họ đến bên chiếc giường bệnh của Ôn ở Sài Gòn. Họ “chạy đua” với thời gian và cuối cùng ước mơ đã thành sự thật. Ôn đọc những bài thơ dịch của anh Terry Lee một thời gian ngắn trước ngày ra đi. 

Điểm thơ và dịch thơ rất khó. Điểm thơ và dịch thơ của Hòa thượng Tuệ Sỹ lại càng khó hơn. Tôi đã đọc những bài điểm thơ Tuệ Sỹ của nhiều vị, trong đó có những nhà thơ, triết gia Việt Nam danh tiếng và những lời bàn “rất bóng bẩy”, “rất thơ” của họ được trích dẫn tràn ngập mỗi khi nhắc đến thơ Tuệ Sỹ. Nhưng tôi không tin những lời bàn kia là đúng. Họ là họ và Tuệ Sỹ là Tuệ Sỹ. Giống như những bác sĩ chuyên khoa, mỗi người có thể xuất sắc trong ngành nghề chuyên nghiệp của mình nhưng nhận xét của họ không hẳn đúng cho những chuyên khoa khác đừng nói chi là ngành nghề khác. Tên tuổi lớn không làm cho tác phẩm lớn theo.

Hòa thượng Tuệ Sỹ là một thiền sư. Vốn liếng đọc vài năm trước tuổi hai mươi không làm nên một giáo sư Tuệ Sỹ. Khi đến thế gian này Ngài đã có sẵn một kho tàng tri thức mang theo từ nhiều kiếp trước. Thơ của Hòa thượng Tuệ Sỹ là những suy tưởng cô đọng từ tầng cao nhất của ý thức: tầng tuệ giác. Trong mỗi chữ, mỗi câu, mỗi đoạn và mỗi bài đều hàm chứa tư tưởng của Thầy. 

Thầy không làm thơ mà chỉ mượn thơ để chuyên chở tư tưởng của mình. Đó là những câu kệ, những công án. Có nhiều điều Thầy muốn gởi gắm dù chỉ trong một bài thơ ngắn. 

Đó là những giọt nước từ trên không gian vô tận rơi xuống trong cuộc vận hành không ngừng biến diệt. Không ai biết giọt nước từ đâu đến. 

Đó là những cành lan nở rộ giữa rừng già. Không ai chăm sóc bụi lan rừng. Giọt nước và cành lan được nhân duyên nuôi dưỡng.

Thơ của Thầy cũng thế. Thơ đã được nuôi dưỡng và lớn lên sau mấy mươi năm trong hành trình của kiếp người. Tư tưởng của Thầy là một dòng Suối Từ cuồn cuộn. Khi ngồi trong ngục tối hay lúc lang thang trên những con đường vô định, tư tưởng vẫn không ngừng chảy trong nhận thức. Tư tưởng của Thầy độc lập từ ngoại cảnh đói khát, đày đọa, cô đơn. Thời gian trụ thế của Thầy là một chuỗi những biến cố nhưng tư tưởng của Thầy luôn nhất quán dù đang giảng dạy ở Phật Khoa đại học Vạn Hạnh hay khi chờ bị đem ra pháp trường xử bắn.

Thơ của Thầy đi vào lòng người qua những ngã khác nhau tùy thuộc vào căn cơ của mỗi người cảm nhận. Thơ của Thầy là núi, nhưng ngọn núi cao hay thấp tùy thuộc vào góc nhìn và chỗ đứng của mỗi người nhìn lên núi. 

Tuyển tập thơ Dreams of Tuệ Sỹ, in khổ lớn và dày 230 trang, được anh Terry Lee sắp xếp thành 5 phần: (1) Ngục Trung Mị Ngữ, (2) Những điệp khúc cho dương cầm, (3) Tĩnh thất, (4) Thiên lý độc hành và (5) Giấc mơ của Núi. Đặc biệt trong mỗi bài anh Terry Lee có thêm phần “Giải thích” bằng Việt ngữ rất chi tiết. 

Hiểu thơ Thầy đã khó và dịch thơ Thầy sang Anh Ngữ lại càng khó. Nhưng nếu không có một điểm bắt đầu sẽ không có người tiếp nối. Đừng chờ đợi cho đến khi toàn hảo bởi vì sẽ không có sự toàn hảo nào trong cõi đời ngắn ngủi của mỗi chúng ta. 

Đạo Phật là đạo của con người và khi con người còn có mặt tư tưởng Phật Giáo là một bộ sách chưa có trang cuối. Tương tự, bản dịch trong tuyển tập này lại sẽ được hiệu đính nhiều lần và được viết tiếp bởi nhiều người. Anh Terry Lee chắc chắn sẽ hoan hỉ lắng nghe mọi nhận xét. 

Trong hành trình học đạo Phật, điều quan trọng không phải ai đi trước hay ai đi sau, ai đến sớm hay ai đến muộn mà là chúng ta cùng đang đi trên một chiếc cầu hướng về nẻo sáng. 

Trân trọng giới thiệu Dreams of Tuệ Sỹ (Giấc Mơ Tuệ Sỹ) của anh Terry Lee.

Thị Nghĩa Trần Trung Đạo