Maria Hoàn Nguyễn: Đất Mồ Côi và góc nhìn khác

Dường như cứ mỗi lần Tạ Duy Anh (Đãng Khấu, Cổ Viên) ra sách là lại xôn xao trong xã hội về tác phẩm. Đó là điều đáng mừng. Mừng vì bạn đọc vẫn còn yêu thiết tha các trang viết của nhà văn. Mừng vì bạn đọc chưa quay lưng lại những gì người cầm bút viết. Mừng vì những điều nhà văn viết ra được bạn đọc quan tâm và theo dõi. Mừng vì xã hội không thờ ơ với những gì các nhà văn viết và gửi gắm. Sách ra mà như ném gạch ao bèo thì còn gì chán bằng. Buồn trăm nỗi.

Nói đến Tạ Duy Anh là bạn đọc nhớ ngay đến một Tạ Duy Anh với: “Lão Khổ”, “Bước qua lời nguyền”, “Đi tìm nhân vật”, “Thiên thần sám hối”, “Mối chúa” … và bây giờ là “Đất mồ côi”. Dẫu tác phẩm có lấy tên tác giả là gì đi chăng nữa thì vẫn là một Tạ Duy Anh với những trang văn sống đến tận cùng của mỗi trang viết.

Đất mồ côi kể về gì? Kể về vùng đất có tên mà không có tên. Có phận mà không có danh. Một vùng đất có thể như mọi vùng đất khác nhưng có lẽ nó khác ở chỗ “cố nội” chứ không phải là “thành hoàng hay cụ tổ” khai sinh ra làng từ cái làng “Nghe nói xưa vùng này là bãi lầy, căn cứ của một nghĩa quân bị triều đình coi là giặc. Quân nhà vua kéo đến năm lần bảy lượt, chết như ngả ra, máu chảy thành ao mới bắt được viên đầu lĩnh. Hàng ngàn người bị trói vào cọc cho đến chết, thây lẫn với đất, còn viên đầu lĩnh thì bị chém, bêu thủ cấp ở chợ, đến khi rụng hết tóc, tróc hết da, chỉ còn trơ hộp sọ với hai hốc mắt đen ngòm mới bị đem tán nhỏ ra vứt mỗi nơi một nhúm” (Đất mồ côi). “Về sau, bãi lầy thành nơi tắm máu nhau giữa con cháu những người từng theo nghĩa quân, với bất cứ ai mà họ nghi là chống lại cha anh họ” (Đất mồ côi). Một vùng đất có tên là “vùng đất chết, ngùn ngụt âm khí”. Đấy cái vùng đất của Đất mồ côi là thế. 

Người ở vùng đất sống trên xác người ấy thế nào? Người thì dị nhân, quái thai, còn người bị mắc bệnh hủi (bệnh phong), sẽ đào lỗ chôn sống. Chôn tập thể, rắc vôi bột cho sặc không kêu than được rồi lấp đất cho chết dần vì ngạt khí, ngạt bụi vôi, vì bỏng vôi khi nước ngấm vào. Là những tranh cướp, hãm hại, giả tạo, khốn nạn, không có luân thường đạo lý, con giết cha, vợ giết chồng, anh giết em không phải chỉ vì miếng ăn để tồn tại như loài thú mà còn vì một thứ lý tưởng không tưởng trên cao chỉ có thể nghe mà không thể thấy. Vùng đất mà thể xác con người không bằng cỏ rác, sự sống không chỉ chết “bất đắc kỳ tử” mà chết có người định trước. Vùng đất không chỉ con người mà đến viên đá cũng lạ, cái cây cũng lạ, u u minh minh, chả giống ở đâu. Một vùng đất mà bóng người vật vờ như bóng ma trong nghi kỵ, trong hãm hại, trong thù hận, trong đớn hèn và tàn ác. Một vùng đất trắng đen lẫn lộn, mặt người như lá, đạo đức như bàn tay lật. Một vùng đất có thần mà vô thần.

Thế con người ở đây thế nào? Là một đại địa chủ, giàu nhất vùng, trâu đầy đồng, lợn chật chuồng, gia nhân đông hàng trăm người, nhất nhất chỉ theo ý chủ. Người ấy theo lý tưởng, theo sự ban bảo một ngày mai đẹp hơn, tốt hơn của nghĩa quân, làm “nội gián” để giành lấy những gì được nghe mà chưa thấy, giành lấy những hy vọng từ bức vẽ ngôn từ rồi bị chính những người mình giúp đỡ, che chắn, bảo vệ đem ra xử như một kẻ phản bội mà không cần phải có tòa án xét xử nào cả. Ngay những kẻ được cưu mang che chở cũng quay mặt đi, coi như chưa gặp, chưa biết, chưa rõ. Chỉ cần: “Thượng cấp quả là thiên tài khi khẳng định các cơ sở cũ trước kia hoạt động cho ta nay nếu chưa thành của địch thì cũng là tay sai cho chúng từ lâu rồi vì thế ngoài bọn địa chủ bóc lột phải quét sạch những phần tử biến chất, ăn phải cứt tư sản”. (Trang 182- Đất mồ côi).

Chuyện con trai chỉ chỗ bố đẻ nấp để theo “lý tưởng” bằng những lời vu oan giá họa cho chính bố mình. Mặc có lệnh hoãn thi hành nhưng giấu đi, bắn xong mới công bố. Như một hệ tất yếu của luật nhân quả. Chỉ vì tỷ lệ thành phần cần phải bắn sao cho vượt chỉ tiêu. Khi được minh oan sau 10 năm, người vợ đã đem tất cả những gì gửi đến đập nát, băm nhỏ, xé vụn và đốt sạch rồi ném vào nồi nước giải, mang quẳng ra trước nhà văn hoá.

Một lão Hận, kẻ đầu đường xó chợ, cố cùng, chỉ mong được làm mõ. Thế rồi nhờ có “cuộc cách mạng” mà đổi đời. Kẻ bần cùng và ngu xuẩn thành cốt cán để lập danh sách chết, thành phần phải đưa ra đấu tố và xử tử. Muốn giết ai thì giết, muốn bắn ai thì bắn. Giết người xong lão hả hê hát. Lão lấy làm sung sướng được đưa những người mà lão biết vô tội về thế giới bên kia, kẻ đó là kẻ thù, kẻ lão ghét, kẻ lão không ưa. Và người mà lão Hận đưa vào danh sách phải giết để có được chỉ tiêu 6%, chính là ông nội của nhân vật tôi kể chuyện trong tiểu thuyết, người đã từng là một sỹ quan quân đội với tội danh dựng lên vì hủ hoá, ăn cắp quân lương cho bà vợ người dân tộc. Bắn không chết thì đập cho chết. Và sau mỗi cái chết đều được lão tiễn bằng bài ca “Đông phương hồng”. Dẫu có lúc, tính người của lão cũng nhận ra việc làm đáng nguyền rủa, nhưng cơn lốc “cách mạng tư tưởng” cuốn lão đi, tha lão đi và lão lao vào vòng xoáy của sự khốn nạn đó.

Những người đàn bà. Những con người có chức năng nối dõi là những người cùng cực và chịu đựng. Là nơi để cho cái ác cứ nối nhau mà hiển hiện ngay trước mắt. Một sự chịu đựng đến tận cùng của kiếp con người. Họ là nhân chứng cho mọi tội lỗi “vùng đất chết”. 

Chết và chết. Những cái chết luôn chực chờ phía trước, không theo quy luật tự nhiên, mà chết theo lý tưởng và ý muốn của con người. Chết mà không biết vì sao mà chết. Chết tức tưởi, oan khuất, đau đớn trong bàng hoàng và kinh hãi. Chết không yên. Những cái chết từ đồng bào, từ chính người thân, từ chính “tay bầu tay bí”, từ chính “nhiễu điều phủ giá gương”. Chết từ cái mầm ác, cái ác đến tột cùng, cái chết kinh sợ, ghê rợn và hãi hùng từ những thú tính mang tên người. Bởi “Giải phóng nhân loại không thể cò con tính đếm số người chết theo kiểu của đồng chí được. Chết cả đống, chết hết đi cũng chả là gì, nếu điều đó cần thiết cho mục tiêu mà cách mạng hướng tới” (Trang 167- Đất mồ côi).

Xuyên suốt Đất mồ côi là miêu tả về cái ác. Cái ác có ở bất cứ đâu, bất cứ chỗ nào của cuộc sống vùng đất. Là nỗi khổ, nỗi sợ, nỗi uất ức, nỗi oan khiên của con người sống trên mảnh đất đó. Viết về cái ác đến tận cùng. Viết về nỗi oan khuất đến tận cùng. Sẽ có người cho rằng, viết về cái ác có phải là cổ súy cho cái ác? Không. Viết về cái ác để đánh thức mầm thiện, để con người nhận rõ cái ác mà sống thiện lương, tránh những điều như thế. Viết về nỗi khổ, nỗi oan khiên để chia sẻ, để hiểu hơn về những gì chúng ta đang sống hôm nay. Và trên tất cả, cho chúng ta nhận rõ những gì có tên gọi con người phải qua, đã qua, sẽ qua mà trong quãng đời “tạm trú” trên mặt đất này thấy được. 

Vẫn bằng lối kể hiện thực, cái tôi kể chuyện, cái tôi trần thuật dẫn dắt bạn đọc đi tới mọi ngõ ngách, hang cùng của vùng đất chất chứa những đớn đau của bao kiếp người đã qua. Vùng đất mà tất cả đều là kẻ mồ côi, mồ côi trên chính mảnh đất của cha ông để lại, của gia tộc để lại và mồ côi trong chính bản thân. Một kiếp người lạc loài trên mảnh đất lạc loài trong một thế giới lạc loài, bởi đó là cuộc cách mạng vay mượn. Mọi cuộc cách mạng vay mượn đều chỉ mang lại đau khổ cho dân tộc. Một căn bệnh thành tích dẫn con người đến cái tận cùng của tội ác. Một con người không nhận ra được chính bản thân sẽ là kẻ ác, kẻ sát nhân, một kẻ không chỉ cười trong đau khổ của người khác mà còn hát trên cái chết của chính kẻ đó mang lại. Khi quyền lực giao cho kẻ vô học, dốt nát sẽ là giao vào tay kẻ đó cái ác, một cái ác trong khoái cảm. Một lý tưởng mù mờ, không chỉ dẫn con người đến tội lỗi mà còn là sự hủy hoại cả một dân tộc. Một thể chế chính quyền sống trên sức mạnh của đầu súng, của chuyên chính, của sự dối trá, vu oan, lừa lọc, của mọi nỗi đau thì, vùng đất ấy có trù phú đến mấy, tài nguyên giàu đến mấy, có truyền thống đến mấy, khi những điều trên xảy ra, nó chỉ là một vùng đất chết, vùng đất của khổ đau và oan trái. Vùng đất của bóng đêm, vùng đất của sự đau khổ, một vùng đất không mang tên người, một vùng đất của loài cầm thú.

Đất mồ côi là một hành trình đi tìm giống nòi cái tôi về quá khứ trong một ý niệm rằng trong huyết quản đó là gen của loài rồng, của sự thống trị và cao sang. Một quá trình tự làm sáng nguồn cội và hiểu hơn về vùng đất chết, vùng đất của sự “mồ côi”. Mồ côi trong cuộc sống, mồ côi trong lẽ sống và mồ côi trong kiếp người. Vùng đất của cái chết như một sự truyền kiếp. Hết kiếp này sang kiếp khác, hết đời này sang đời khác. Quằn quại, khốn khổ kế tiếp nhau sống trong cái ác, trong oán hờn, thù hận và tủi cực. Những nỗi đau kế tiếp nhau làm con người không còn là người, làm loài thú với bản năng nhục dục và sát hại không lối thoát. Từ quá trình ấy để cảnh ngộ ra chính bản thể, để nhận rõ bản thể và nguồn cội của mọi tội lỗi, biết chọn con đường thiện lương, hòa hợp cho lẽ sống. 

Cho đến bây giờ tôi cũng chưa có dịp được gặp ông – Tạ Duy Anh. Tôi chỉ “gặp” ông trên tác phẩm. Nhưng có điều tôi cứ nghĩ mãi. Bút danh của ông là Tạ Duy Anh, nhưng rồi ông lấy bút danh Đãng Khấu và bây giờ là Cổ Viên. Vẫn biết các nhà văn hay người cầm bút thường có nhiều bút danh nhưng chuyện lấy bút danh thường rất ít có chuyện ngẫu hứng hay tùy thích mà đều có ý cả. Bút danh Cổ Viên mà ông lấy in trên Đất mồ côi tôi đồ rằng cũng có ý gì đó muốn gửi gắm. Có người cũng đã hỏi về bút danh này. Ông nói rằng, ông lấy tên làng của cha và mẹ ông ghép lại. “Để không ai phải suy đoán, tôi xin nói ngay về cái bút danh CỔ VIÊN. Nó được ghép lại từ tên làng bên nội CỔ HIỀN và làng bên ngoại ĐÀO VIÊN của tôi. Tôi đã mong muốn một lần bắt chước Nam Cao làm điều này từ lâu, như để bày tỏ lòng thành kính với các đấng sinh thành và đây là cơ hội không thể tốt hơn.

Tôi không thể làm được gì nếu không có sự phù trợ của các đấng thánh thần mà tôi hằng tin”. (Tạ Duy Anh).

Đấy cũng là cái cách ông giải thích. Nhưng theo tôi được biết. Cổ không chỉ có nghĩa là cũ mà còn có nghĩa là trống. Viên có nghĩa là tròn, đầy. Phải chăng, ông lấy tên bút danh Cổ Viên là có cái ý, rằng, câu chuyện có thể đã cũ và nay ông gióng lên tiếng trống để đánh thức cái nhận thức còn “ngủ” quên trong mỗi con người trước những gì đã xảy ra, đang xảy ra và rồi sẽ xảy ra như những gì ông đã viết, đã kể trong Đất mồ côi. Ấy là tôi đồ rằng như vậy.

Khi tôi viết những dòng này về Đất mồ côi, tôi mới đọc được một lần, chưa kỹ. Mà văn chương đọc thế nào là kỹ. Trang sách cả đời, cuốn sách suốt kiếp mà chắc gì đã hiểu cho hết “ngọn nguồn”. Truyện Kiều của Nguyễn Du cho đến nay đã có biết bao nhiêu tiến sĩ, giáo sư, nhà Kiều học mà đâu đã hiểu hết được những gì Nguyễn Du để lại. Tôi viết những dòng này vì thấy có nhiều người chưa đọc, chỉ nghe đã chề môi, bĩu mỏ, rằng thế nọ, ấy thế chai, như đúng rồi. Văn chương có giấu gì được ai, nó lộ hết trên con chữ đấy. Chỉ có điều, có nhận ra được nó không bởi, thế giới vật chất là vô cùng vô tận, mà nhận thức của con người lại có hữu hạn. Tôi biết mình cũng chỉ nằm trong cái hữu hạn ấy mà thôi. Nhưng vì có một số người nói, đọc Đất mồ côi, thấy sao, viết ra để họ cùng suy ngẫm. Thế là tôi viết. Một góc nhìn khác về Đất mồ côi – Tạ Duy Anh – Đãng Khấu – Cổ Viên theo cái tôi biết, tôi hiểu và ngộ được.

Rồi sẽ có nhiều ý kiến bàn thảo quanh Đất mồ côi. Với tôi, chỉ là những cảm nghĩ ban đầu khi tiếp nhận, việc đúng hay chưa thật đúng cũng chỉ là một góc nhìn, góc tiếp cận. Nhận sách tặng, đọc rồi viết đôi điều, âu cũng là muốn ngỏ lòng cảm ơn đến tác giả.

Maria Hoàn Nguyễn