Kiều Thị An Giang: Crimea: Miếng bánh và vở kịch Vatican
“Chúng ta không đàm phán với súng kề đầu.” -John F. Kennedy-
Ngày 26/4/2025, giữa thánh đường St. Peter uy nghi, khi tiếng nhạc cầu siêu còn ngân dài, một cái bắt tay chớp nhoáng diễn ra giữa Trump & Zelensky. Một cử chỉ ngoại giao khét lẹt mùi chiến tranh- hoặc là một cử chỉ tuyệt vọng trước thực tại tàn khốc. Chỉ vài hôm trước, những quả tên lửa Nga còn nổ tung trên bầu trời Kyiv và Sumy, xé toang ảo tưởng về “hòa bình tức thì” mà “ai đó” từng lỡ hứa.
Cuộc gặp ngắn, lời nói ít, ánh mắt thì dài hơn – và cay đắng hơn. Trump, vị tổng thống từng tuyên bố “ông ấy là bạn tôi”, giờ phải lên Truth Social thổn thức: “Ông ta đang giỡn mặt tôi?”
Crimea- Bài toán không lời giải
Crimea, như một tảng đá buộc vào chân Ukraina, trĩu nặng những giấc mơ dang dở. Từ 2014, Nga cưỡng đoạt bán đảo này bằng vũ lực, rồi hì hục tô vẽ những lớp son phấn pháp lý. Nhưng luật quốc tế đâu phải món đồ trang trí cây thông Noel.
Theo Hiến chương Liên Hợp Quốc, lãnh thổ không thể bị sáp nhập bằng bạo lực. Gleb Bogush, chuyên gia luật quốc tế, dội một gáo nước lạnh: “Chiếm đóng, dù 10 năm hay 100 năm, cũng không rửa sạch tội chiếm đóng.” Một chữ ký thỏa thuận, dù được trét bằng vàng, cũng không thể hợp pháp hóa Crimea.
Bởi thế, đề xuất “công nhận Crimea thuộc Nga để đổi lấy hòa bình“- cái bánh vẽ mà đặc phái viên Steve Witkoff mang đến Moskva- bị Kyiv xé vụn. Zelensky mắng: “Crimea là lằn ranh đỏ. Không ai có quyền đem đất nước tôi ra mặc cả.”
Và ông có căn cứ: Hiến pháp Ukraina cấm tuyệt đối việc từ bỏ lãnh thổ trong thời chiến. Cần 2/3 Quốc hội đồng ý, trưng cầu dân ý toàn quốc, và phán quyết của Tòa án Hiến pháp. Cả ba điều kiện, trong thời khói lửa này, đều không thể thực thi.
Mỹ: Từ Golan đến Crimea- Và giới hạn của sự thật
“Các quốc gia không chết vì tự sát, mà chết vì phản bội.” -Winston Churchill-
Mỹ cũng khóa chặt hồ sơ Crimea trong ngăn tủ “không công nhận.” Đạo luật CAATSA (2017), Tuyên bố Crimea (2018) và cả Học thuyết Stimson (1932) đều vẽ thành lũy bất khả xâm phạm.
Dù Trump hào phóng công nhận Cao nguyên Golan cho Israel (2019), thì đó chỉ là một vết gợn nhỏ- không đủ để xoáy ra thành cơn lốc tiền lệ. Công nhận Crimea thuộc Nga như Trump đã từng làm, sẽ biến Mỹ thành một kẻ lạc loài trên sân khấu quốc tế- một điều mà ngay cả Trump, với tất cả sự liều lĩnh quen thuộc, cũng phải cân nhắc.
Trump: Người rao bán hòa bình với giá rất cao
Ngày ấy, Trump mơ mộng một “thỏa thuận nhanh”- Crimea cho Nga, hòa bình cho Ukraina, và vòng nguyệt quế cho chính mình. Nhưng rồi, tên lửa nổ tung Sumy, trẻ con chết trên đường phố Kyiv- giấc mơ ấy vỡ vụn dưới chân thực tế.
Trump giờ đây hăm hở đòi “trừng phạt ngân hàng Nga”, “trừng phạt thứ cấp” vào kinh tế của Putin. Một cú chuyển mình từ người mơ mộng thành kẻ siết cổ đối phương bằng những tờ ngân phiếu.
Nhưng ông ta vẫn không quên thực tế: Ukraina khó lòng lấy lại Crimea bằng súng đạn. Và Zelensky, người lính can trường nhưng cũng là chính trị gia thực tế, biết điều đó hơn ai hết.
Zelensky: Người giữ ngọn cờ cháy sáng
“Chúng ta thà chết đứng còn hơn sống quỳ.” -Dolores Ibárruri-
Zelensky, giữa áp lực quốc nội lẫn ngoại giao, giữ vững nguyên tắc: không đàm phán dưới mưa bom. Cái bắt tay ở Vatican không phải là một cái gật đầu cho nhượng bộ, mà là một lời thề khắc sâu: Hòa bình chỉ đến sau ngừng bắn toàn diện.
Ông tận dụng từng phút để kéo chặt đồng minh châu Âu vào cùng chiến tuyến: Macron từ Pháp, Starmer từ Anh, von der Leyen từ Brussels. Tất cả đều thấu hiểu: Nếu để Crimea rơi, một ngày nào đó, có thể Vilnius hay Warsaw cũng chịu chung số phận.
Châu Âu: Lá chắn bất đắc dĩ
Châu Âu, vốn ngại va chạm, giờ thành “lá chắn thép” cho Ukraina. Các gói trừng phạt mới đang trên bàn: khóa dầu khí Nga, cấm vận ngân hàng, siết công nghệ. Viện trợ quân sự lẫn viện trợ kinh tế liên tục bơm vào Kyiv, như truyền máu cho một chiến binh kiệt sức nhưng chưa chịu gục.
Một “Khung thỏa thuận Ukraina”-một phiên bản NATO thu nhỏ- đang được thiết kế, dẫu biết nó sẽ chọc giận Kremlin đến mức nào.
Nga: Tướng cờ bạc trên bàn cờ đẫm máu
“Đừng bao giờ cược cả ngân hàng để thắng một ván bài đã thua.” -Napoleon Bonaparte-
Putin hiểu rằng thời gian là vũ khí duy nhất còn lại. Những đòn tên lửa điên cuồng gần đây không nhằm giành chiến thắng, mà để kéo dài cuộc chơi, hy vọng thế giới mỏi mệt mà bỏ cuộc.
Nhưng thế giới, ít nhất là phần văn minh, đang đoàn kết hơn bao giờ hết. Trump thất vọng, châu Âu giận dữ và ngày càng can đảm dấn thân, Zelensky không nhụt chí. Bức tường cô lập đang dựng lên quanh Moskva, từng viên gạch một.
Con đường phía trước: Vừa gươm vừa khiên
Liệu hòa bình có đến trong năm nay?
Có thể. Nhưng đó không phải thứ hòa bình được mua bằng nhượng bộ.
Đó sẽ là thứ hòa bình được khắc bằng trừng phạt, cô lập, và sức chịu đựng phi thường của một dân tộc từ chối cúi đầu.
Crimea sẽ không được “đổi” như một món hàng trên sàn đấu giá. Crimea là máu thịt, là danh dự, là lời nhắc rằng thế giới văn minh vẫn còn vài nguyên tắc chưa bị bán rẻ.
Vatican đã gieo một hạt giống mong manh vào đất nứt nẻ của chiến tranh. Nhưng để nó nảy mầm, Trump cần thẳng thớm, châu Âu cần kiên định, và Zelensky cần tiếp tục cháy sáng như ngọn đuốc trong đêm.
Chỉ khi ấy, Moskva mới chịu úp bài và rút lui khỏi màn thi đấu mà họ đã sai ngay từ đầu.
Kiều Thị An Giang