Ký sự Phạm Đình Trọng: Trường Sa ngày 14.4.1975
LỜI DẪN. Phần lớn người dân Việt Nam ở trong nước chìm đắm trong tuyên truyền áp đặt đều nhận thức rằng cuộc chiến tranh Việt Nam kết thúc ngày 30.4.1975 là cuộc kháng chiến cứu nước hào hùng chống Mỹ xâm lược. Người dân đều nhìn nhận cuộc chiến tranh đó với cảm hứng tự hào của người chiến thắng. Người viết sử, viết báo, viết văn và làm nghệ thuật đều thể hiện cuộc chiến tranh thảm khốc tương tàn đó bằng cảm hứng anh hùng ca.
Nhưng có ba bằng chứng lịch sử chân thực khẳng định rằng cuộc chiến tranh đó là cuộc nội chiến tương tàn. Cuộc chiến người Việt xả súng giết người Việt. Người Việt thôn tính lãnh thổ, tước đoạt không gian sống của người Việt. Người Việt tước đoạt lòng yêu nước, tước đoạt danh dự, trách nhiệm công dân của người Việt. Ba bằng chứng tiêu biểu khẳng định cuộc nội chiến là:
Một. Cuộc chiến mở đầu bằng tiếng súng đồng khởi ở Bến Tre ngày 17.1.1960. Kí hiệp định Genève, nhưng nhà nước cộng sản Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà không thực tâm thi hành hiệp định, không rút hết lực lượng ở miền Nam ra miền Bắc mà gài lại khắp miền Nam những cốt cán cộng sản, những hạt nhân lãnh đạo, duy trì các tổ chức cộng sản ngoài pháp luật ở miền Nam. Đi đầu nổi dậy chống nhà nước Việt Nam Cộng Hoà, tỉnh uỷ Bến Tre do người cộng sản nằm vùng Nguyễn Thị Định, đảng viên cộng sản từ năm 1938 khi mới 18 tuổi là bí thư đã ráo riết tổ chức các đơn vị du kích ở nhiều làng xã. Đầu năm 1960 tỉnh uỷ Bến Tre phát động chiến dịch “Toàn dân đồng khởi diệt ác ôn, phá kìm kẹp, giải phóng nông thôn, làm chủ ruộng vườn”. Ngày 17.1.1960 tiếng súng đồng khởi đã cướp được chính quyền của nhà nước Việt Nam Cộng Hoà ở ba xã Định Thuỷ, Phước Hiệp, Bình Khánh, huyện Mỏ Cày. Dù lực lượng đồng khởi chỉ làm chủ ba xã trong hai ngày nhưng tiếng súng đồng khởi đã trở thành pháo lệnh mở ra một cuộc chiến tranh kéo dài mười lăm năm, 1960 – 1975. Khởi đầu từ Bến Tre. những người cộng sản nằm vùng đã thổi bùng lên ngọn lửa chiến tranh du kích khắp miền Nam Việt Nam dẫn đến ngày 20.12.1960 ra đời Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam Việt Nam như một chính quyền nhà nước đối lập với nhà nước Việt Nam Cộng Hoà, hình thành hai lực lượng, hai chiến tuyến của cuộc nội chiến.
Hai. Chiến dịch cuối cùng kết thúc chiến tranh ngày 30.4.1975 là tổng lực sức mạnh bạo lực của nhà nước người Việt ở miền Bắc, nhà nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà tiêu diệt sức mạnh tự vệ của nhà nước người Việt ở miền Nam, nhà nước Việt Nam Cộng Hoà.
Ba. Hình ảnh rõ nhất, sự kiện lịch sử tiêu biểu nhất về cuộc nội chiến người Việt xả súng bắn giết người Việt là những dòng máu người Việt ở cả hai chiến tuyến đổ ra trên núm cát san hô Song Tử Tây của tổ tiên để lại trong quần đảo Trường Sa ngoài biển Đông rạng sáng ngày 14.4.1975.
Mười lăm năm người Việt xả súng quyết liệt giết người Việt, cả dải đất Nam Việt Nam đẫm máu người Việt là trang bi thảm nhất trong lịch sử Việt Nam, là nỗi đau muôn đời của dân tộc tồn tại bằng thương yêu đùm bọc. Người Việt giết người Việt không phải chiến công để tự hào phô trương, để viết sử thi, anh hùng ca. Tưng bừng, bền bỉ phô trương chiến công cuộc chiến tranh người Việt giết người Việt là con người Việt Nam của giai cấp vô sản thế giới, không phải con người Việt Nam của dân tộc Việt Nam.
*****
Hai đêm, một ngày ở đảo Song Tử Tây trong chuyến ra Trường Sa tháng năm, năm 1978, tôi may mắn có được một buổi chiều ngồi dưới bóng dừa trên đảo Song Tử Tây với trung sĩ Nguyễn Hữu Cách, người lính đặc công nước đã có mặt ở đảo Song Tử Tây đêm lịch sử 14.4.1975.
Trong cơn lốc của những cánh quân tiến về Sài Gòn tháng tư năm 1975, người lính Nguyễn Hữu Cách trong đội hình trung đoàn 126 đặc công nước từ cửa sông Bạch Đằng ở Quảng Yên, Quảng Ninh cũng thần tốc cuốn theo đường số Một ào ạt đổ về phía Nam. Đến Đà Nẵng lính đặc công nước tách ra khỏi dòng chảy lớn, bỏ đường bộ, xuống những con tàu thuộc đoàn tàu không số của trung đoàn vận tải 125, âm thầm vượt biển dóng hướng Đông, ra Trường Sa.
Khi tôi cùng nhà thơ Trần Đăng Khoa thuộc tạp chí Văn Nghệ Quân Đội theo đoàn bộ tư lệnh Hải quân do hai thiếu tướng Hải quân dẫn dắt, tướng tư lệnh Giáp Văn Cương và tướng chính uỷ Hoàng Trà đến đảo Song Tử Tây thì trên đảo đang có đoàn làm phim quân đội làm phim về Trường Sa. Đoàn làm phim đã đưa Nguyễn Hữu Cách từ Cam Ranh ra Song Tử Tây ghi hình con người lịch sử, không gian lịch sử, sự kiện lịch sử đêm rạng sáng 14.4.1975 ở Song Tử Tây.
Kí sự dưới đây tái hiện lại câu chuyện người lính đặc công nước Nguyễn Hữu Cách kể trong buổi chiều ngồi với tôi ở đảo Song Tử Tây.
1. NỖI BỒN CHỒN BẤT THƯỜNG
Năm mươi tư cây dừa gày guộc, cao lênh khênh trên đảo Song Tử Tây, hòn đảo vắt vẻo trên đỉnh cực Bắc quần đảo Trường Sa, cây nào cũng có dáng gắng gỏi, nhọc nhằn và quằn quại, vật vã. Sáu tháng mùa khô nắng cháy và gió xé, lá dừa xác xơ, hoe vàng. Tháng năm, mùa mưa đến cũng là mùa bão giông. Những trận mưa mát lành làm lá dừa xanh mướt mát, bừng bừng sức sống thì những trận bão cuồng, gió giật và xoay chiều đủ bốn hướng lại vặn thân dừa đến quằn quại. Từ các nách lá, những chùm hoa lấm tấm trắng lại bung ra. Đêm đi gác, người lính chợt nhận ra trong không khí ẩm ướt, thoang thoảng hương hoa dừa thơm mát làm anh có cảm giác như đang đi dưới hàng dừa bên đường làng, hay đi trong bãi dừa ven biển quê nhà.
Ngày nắng cháy, dừa toả bóng che mát cho một khoảng đảo. Bên gốc dừa có những chiếc ghế đá nhỏ đặt hướng ra biển. Giữa vạt dừa có ba nấm mộ. Những bao cát đắp quanh những nấm mộ giữ cát khỏi trôi và cản những cơn gió biển hun hút thổi tung cát lên. Ba nùm cát hình chữ nhật song song theo hướng Đông – Tây. Giữa mỗi nùm cát, những chân nhang đỏ nghiêng ngả. Ba nấm mộ nhưng chỉ có một nấm mộ có bia. Đầu phía Tây, phía làng quê thương nhớ, phía gia đình ruột thịt, phía tổ quốc Việt Nam thân yêu của nấm mộ ở phía Bắc có những bông hoa san hô lớn xếp quanh một tấm bia gỗ nhỏ mang hàng chữ được vạch bằng mũi lưỡi lê vào gỗ, nét mờ nhạt, nhìn kĩ mới đọc được: LIỆT SĨ TỐNG VĂN QUANG. HI SINH NGÀY 14.4.1975.
Ngồi bên Nguyễn Hữu Cách trên chiếc ghế đá, bên gốc dừa nhìn ra biển đang chuyển dần từ màu xanh ngỡ ngàng sang màu tím trầm tư, tôi lắng nghe người lính đặc công nước quê miền biển Nghĩa Hưng, Nam Định kể lại chặng đường Nguyễn Hữu Cách, Tống Văn Quang, Nguyễn Văn Quyền trong đội hình trung đoàn 126 lính đặc công nước ngồi ô tô hành quân từ Quảng Yên, miền Bắc vào Đà Nẵng, miền Trung rồi chui xuống hầm chứa hàng trên con tàu sắt nhỏ bé ra Trường Sa. Nghe kể lại khoảnh khắc những người trai Việt Nam trong sắc phục lính miền Bắc và những người trai Việt Nam trong sắc phục lính miền Nam dựng tường lửa ngăn cách nhau, huỷ diệt nhau giành quyền làm chủ đảo Song Tử Tây và tiếng Việt từ thăm thẳm hồn người Việt cất lên đã làm tắt lịm những chớp lửa chết chóc để người Việt từ hai phía đến với nhau. Nghe kể về những dòng máu người lính đổ ra từ hai chiến tuyển đều là người Việt. Những dòng máu người Việt cùng thấm vào núm cát san hô của cha ông người Việt để lại rạng sáng ngày 14.4.1975.
Tối ngày 2 tháng tư, Cách nghe đài Tiếng Nói Việt Nam đưa tin quân miền Bắc đã làm chủ thành phố Nha Trang thì tờ mờ sáng ngày 3 tháng tư, trung đoàn 126 đặc công nước của Cách nhận lệnh xuất quân.
Khi những sư đoàn từ vách núi Trường Sơn, những binh đoàn từ hậu phương miền Bắc, ầm ầm xe pháo theo những trục đường rộng dài của hệ thống giao thông quốc gia tiến về phía Nam giữa ban ngày chói chang nắng đang mùa khô, lần lượt làm chủ những yếu địa chiến lược, những thành phố lớn, những vùng đất rộng. Ngày 10 tháng ba làm chủ địa bàn chiến lược Buôn Mê Thuột. Ngày 26 tháng ba làm chủ cố đô Huế. Ngày 29 tháng ba làm chủ thành phố Đà Nẵng, căn cứ quân sự hỗn hợp lớn nhất miền Nam. Ngày 2 tháng tư làm chủ Nha Trang, căn cứ hải quân trọng yếu nhất của quân đội miền Nam. Khoảng cách đến Sài Gòn rút ngắn lại từng ngày thì không khí chộn rộn, náo nức ở trung đoàn 126 cũng tăng lên từng ngày.
Dù biết rằng lính đặc công chỉ đơn độc đánh nhỏ lẻ, đánh bí mật, đánh bất ngờ, đánh gặm nhấm. Giờ là lúc đại quân dàn thế trận đánh lớn, đánh tổng lực, đánh vỗ mặt, đánh công khai, đánh dứt điểm, đánh bằng tốc độ nhanh, xung lực lớn, hoả lực mạnh, đánh bằng xe bọc thép, pháo nòng dài, tên lửa vác vai, đâu cần đến cách đánh dầm dề, đánh điểm, đánh hiểm của đặc công. Đâu cần đến những mũi thọc sâu âm thầm trong đêm tối của đặc công dù nhọn hoắt nhưng nhỏ bé, lẻ loi, trần trụi, trên người chỉ có chiếc quần cụt lủn, trong tay chỉ có khẩu AK với hai băng đạn, bên sườn chỉ có dao găm và gói thuốc nổ. Nhưng cả trung đoàn ai cũng khấp khởi chờ đợi. Là người lính chiến trận ai chẳng mong có mặt trong trận đánh cuối cùng giành chiến thắng cao nhất, trọn vẹn nhất. Là người lính lúc này phải đứng ngoài cuộc chiến là hình phạt nặng nề nhất. Vì vậy, nhận lệnh lên đường, ba lô trên lưng, khẩu AK trong tay, Cách không chạy thẳng ra ô tô mà chạy đi tìm Quang, chia tay Quang, an ủi Quang phải ở lại hậu cứ.
Bắp đùi bên chân phải Quang nổi nhọt sưng tấy. Chân đau nhức đã làm Quang thức trắng một đêm. Đến chiều qua Quang không lê bước được nữa. Y tá Gọn đã viết giấy cho Quang vào viện quân y 5.8 ở Thuỷ Nguyên, Hải Phòng và ô tô quân y đã đến đưa Quang nhập viện nhưng Quang nấn ná chưa chịu đi nằm viện quân y. Quang bảo đang uống thuốc của y tá Gọn nghe chừng có chuyển biến. Đợi thêm thời gian mà chân không đỡ đau, đành chấp nhận bị loại ngũ phải vào nằm trong viện quân y vậy. Quang nằm liệt mấy hôm nay nhưng đến giường ngủ của Quang thấy tấm ván giường trống trơ, không còn chăn, màn, ba lô. Cả chiếc chiếu trải giường cũng không còn. Cách chạy ra chỗ đại đội tập hợp chờ lên ô tô thì thấy Quang ba lô trên lưng, AK trong tay ngồi thụp trong hàng ngũ mọi người đều đứng.
Cách đứng vào hàng, cạnh hảng tiểu đội Quang, hỏi: Hôm nay mày đi quân y mùng năm tháng tám cơ mà. Sao lại ngồi đây? Quang chống AK đứng lên, khẽ dậm dậm bàn chân phải tỏ ra chân Quang không còn bất trị nữa, Quang bảo, tao còn đi được làm sao phải ở lại phía sau? Cách ấn vai Quang, bảo, mày cứ ngồi nghỉ đi. Ráng đi được chuyến này là may rồi. Tao cũng mong mày không vắng mặt trong trận đánh cuối cùng này. Cách ngồi xuống với Quang, nghe Quang lí sự về đời lính đặc công. Lính đặc công cả đời ra trận trong đội hình nhỏ bé, lẻ loi, trong âm thầm, lặng lẽ, thắng bại chưa biết nhưng cái chết thì đã tự nhận lấy rồi. Mình trần đơn độc giữa bãi mìn dày đặc, giữa tua tủa họng súng, giữa cái cái chết bủa vây. Trước đây vào trận trong tình thế như vậy mà có ai chùn bước đâu. Bây giờ mới được hành quân trong đội hình lớn rầm rộ, công khai. Lại là trận đánh cuối cùng, trận đánh đi vào lịch sử, đi là chắc thắng. Tao còn cầm được khẩu súng, dù bất kì sự cố nào cũng không thể loại tao ra khỏi lần xuất quân này được. Tao đã báo cáo và được cả đại đội trưởng, cả chính trị viên cho đi rồi. Chính trị viên Hậu bảo: Cậu không chịu đi viện, ở lại hậu cứ cũng chẳng còn ai lo cơm nước, thuốc men cho cậu. Lần này không phải hành quân bộ thì cứ lên ô tô ngồi, bám theo đơn vị rồi tuỳ cái chân trở chứng của cậu mà lo liệu sau.
Ô tô chạy suốt ngày đêm. Đến rạng sáng vào thành phố rợp cờ đỏ. Đọc bảng hiệu trên phố, lính thầm reo lên: A, đến thành phố Đà Nẵng rồi! May quá xe đang dừng giữa phố cho lính được no mắt ngắm nhìn thành phố, ngắm nhìn con người phương Nam. Nhà nhà cửa đóng, cửa có mở cũng chỉ he hé. Những toà nhà lầu san sát phần lớn đều mới xây. Ngợp trời bảng hiệu buôn bán. Loá mắt bảng quảng cáo hàng hoá in hình các cô gái. Cô gái xinh đẹp nào cũng như vui mừng nhìn vào mắt lính với nụ cười tươi. Lính như được đến một đất nước xa lạ, bình yên, một thành phố đô hội sầm uất, sức sống mạnh mẽ và chưa hề có chiến tranh. Lạ nhất là con người. Con gái phấn son như diễn viên trên sân khấu. Con trai quần áo đủ màu, đủ kiểu lạ lẫm. Lính miền Bắc sững sờ ngắm con người phương Nam như ngắm người ở xứ sở ngoài trái đất. Còn tốp thanh niên miền Nam tóc dài, quần ống loe đến bên đoàn xe, ngước nhìn những người lính trên thùng xe với vẻ ngạc nhiên và thích thú như vẻ mặt những đứa trẻ nhìn voi, nhìn gấu trong vườn thú.
Tốp con trai xán đến cạnh ô tô. Tốp phụ nữ mặt hoa da phấn rực rỡ như một cụm hoa đứng túm tụm xa hơn nhưng thu hút mọi ánh mắt của lính bởi lính miền Bắc trong đời thường chưa bao giờ thấy đàn bà gương mặt rạng rỡ phấn son, váy áo đủ sắc màu, đủ kiểu cách khoe dáng người óng ả, khoe đường nét đàn bà gợi cảm đến không thể rời mắt. Những người lính ra đi từ mảnh đất phù sa sông Hồng, sông Mã, sông Gianh, từ rừng rậm Cao Bằng, từ núi cao Hoàng Liên Sơn đã bao giờ thấy phụ nữ trong cuộc sống đời thường mà môi son, má phấn và váy áo sặc sỡ khoe đường nét đàn bà óng ả thế này đâu. Lính đang mở to mắt ngắm phố, ngắm người, bỗng Quang kêu lên: Em ơi, em đàn bà quá làm cho chân anh hết cả đau và làm cho anh tỉnh cả người. Lính trên xe đang cười nghiêng ngả vì Quang thốt lên em đàn bà quá thì xe chuyển bánh đưa lính vào ở doanh trại quân đội Sài Gòn ngay bên sông Hàn.
Ngồi trên ô tô không phải sử dụng đôi chân, Cách theo dõi Quang và y tá đại đội xử lí cái nhọt quái ác của Quang. Xoa cao. Tiêm kháng sinh liều cao. Không hiểu bằng cách nào trong dòng chảy đoàn quân cuồn cuộn như thác đổ mà y tá Gọn vẫn kiếm được bi đông nước nóng chườm cái nhọt đội da thịt nhô cao lên và đỏ ửng ở đùi Quang. Gặp sự cố trên đường, xe dừng dù chỉ thoáng chốc, y tá cũng đỡ Quang xuống đường tập vận động. Thật may, cái nhọt dịu dần, xẹp dần.
Đến Đà Nẵng chỉ như đến điểm dừng chân triển khai chiến đấu. Trong những dãy nhà dài rộng, tường cao, mái tôn trắng như dãy nhà kho rỗng, lính đặt ba lô xuống nền xi măng theo vị trí của từng tiểu đội. Người tìm chỗ mắc võng. Không có chỗ mắc võng thì trải tấm võng trên nền nhà. Buổi sáng ổn định chỗ ở. Buổi chiều, đại đội trưởng lên trung đoàn họp nhận phương án tác chiến. Chính trị viên đại đội lên danh sách biên chế đội hình chiến đấu.
Trung đoàn lại có không khí thầm lặng mà gấp gáp như trước mọi trận đánh. Lính lại phấp phỏng dò đoán mục tiêu đột nhập. Lính đặc công nước thì chỉ đánh tàu, đánh cảng, đánh kho tàng bên sông nước. Người đoán sẽ bơi ra biển đánh tàu chiến Mỹ ngoài khơi. Người đoán lính đặc công nước sẽ bí mật theo đường biển, đường sông đột nhập vào Sài Gòn, từ trong đánh ra, phối hợp với các quân đoàn bộ binh từ ngoài đánh vào. Chẳng ai nghĩ đến mục tiêu Trường Sa. Còn Quang thì phán: Đã vào đến đây thì mục tiêu nào cũng như nhau, cũng là mục tiêu cuối cùng. Tình thế này đánh mục tiêu nào cũng không đến nỗi trần ai, khó nhai, khó gặm như đánh tàu chiến Mỹ neo trong quân cảng Cửa Việt.
Trung đoàn chọn ra ba đại đội. Mỗi đại đội lại chọn ra hai mươi mốt lính tin cậy nhất biên chế thành ba mũi chiến đấu trong một phân đội do đại đội trường là phân đội trưởng. Kĩ năng sông nước, kĩ năng chiến đấu dưới nước thì lính trung đoàn 126 anh nào cũng như rái cá, cũng vài chục lần ra vào quân cảng Cửa Việt, làm nổ tung hàng chục tàu chiến Mỹ, chẳng ai kém ai. Có lẽ chính trị viên chỉ còn chọn ở tinh thần, ở ý chí tiến công. Cách và Quang đều được chọn trong đội hình phân đội Một do đại đội trưởng, trung uý Quế chỉ huy. Nguyễn Văn Quyền trong đội hình phân đội Hai do trung uý, đại đội trưởng Cường là phân đội trưởng. Trung uý đại đội trưởng Minh chỉ huy phân đội Ba. Đại đội hơn trăm lính chiến, chắt lại còn hai mươi mốt ý chí tiến công cộng với đại đội trưởng là người thứ hai mươi hai. Ba phân đội, sáu mươi sáu lính trong đội hình một đại đội chiến đấu do trung tá, trung đoàn trưởng Mai Năng là đại đội trưởng.
Nhá nhem tối, trong căn nhà rộng sở chỉ huy quân cảng Đà Nẵng của Hải quân miền Nam còn ngổn ngang giấy tờ và quân phục lính miền Nam, sau khi các cửa ra vào đã đóng kín và đèn điện bật sáng lên, trung tá trung đoàn trưởng Mai Năng bước đến trước ba phân đội chiến đấu, hơn sáu mươi người lính miền Bắc, hơn sáu mươi rái cá biển cùng với hơn trăm người lính hậu cần đi theo bảo đảm ăn uống hàng ngày, bảo đảm súng đạn chiến đấu và y tế cứu thương cho người lính chiến đấu. Cất tiếng vừa đủ nghe, trung đoàn trưởng tiết lộ mục tiêu lần xuất quân đặc biệt hệ trọng này:
– Các đồng chí. Chúng ta đang nhận một thử thách lớn lao hơn nhiều lần những thử thách chúng ta đã vượt qua trước đây và cũng là trách nhiệm lớn lao lần đầu tiên chúng ta được tin cậy giao phó. Suốt bao năm qua chúng ta xuất quân vào trận đánh chỉ nhằm tiêu diệt địch. Mau lẹ tiêu diệt mục tiêu rồi mau lẹ rút về hậu cứ an toàn. Lần này chúng ta xuất quân với nhiệm vụ khó khăn, nặng nề và lâu dài hơn, với trọng trách lớn lao hơn. Trọng trách thu hồi và ở lại giữ gìn lãnh thổ của cha ông để lại ở biển Đông. Tôi nhắc lại. Lần này chúng ta ra trận thu hồi và ở lại giữ lãnh thổ của cha ông để lại ở Trường Sa ngoài biển Đông. Những lần ra trận trước, chúng ta bơi vo vài chục cây số trên biển từ Bắc vào Nam. Lần này chúng ta đi tàu vài trăm cây số ra biển Đông. Lịch sử mở cõi của cha ông để lại Trường Sa cho tổ quốc Việt Nam. Lịch sử lại giao cho chúng ta việc thu hồi Trường Sa và giữ Trường Sa. Chúng ta phải thu hồi và giao lại cho mai sau trọn vẹn gia tài của cha ông để lại. Các đồng chí có nhận thức được ý nghĩa lịch sử của trận đánh đêm nay chúng ta lên đường không?
Lính im phăng phắc không trả lời trung đoàn trưởng vì như còn đang bất ngờ về điều người chỉ huy vừa nói, điều không ai nghĩ tới. Chưa ai từng một lần nghe tên Trường Sa. Chưa ai biết mục tiêu Trường Sa ở đâu, địa hình thế nào. Sau bất ngờ là nỗi xúc động âm thầm đến với Cách. Bên tai Cách vẫn rì rầm tiếng trung đoàn trưởng nhắc đi nhắc lại: Lịch sử giao cho chúng ta việc thu hồi Trường Sa và giữ Trường Sa. Chúng ta phải thu hồi và giao lại cho mai sau trọn vẹn gia tài của cha ông để lại. Lần đầu tiên nghe tên Trường Sa mà sao cái tên ấy lại bỗng âm vang, lay động trong lòng Cách đến vậy.
Cách cũng nhận ra dường như sự lay động đó cũng có trên gương mặt trung đoàn trưởng Mai Năng, người lính trinh sát của bộ đội địa phương Kiến An thời kháng chiến chống Pháp đã tham gia trận đánh sân bay Cát Bị, Hải Phòng, đêm 7 tháng ba, năm 1954, phá huỷ 59 máy bay Pháp đang làm cầu hàng không tiếp tế cho quân Pháp ở Điện Biên Phủ.
Khi đất nước chia cắt hai miền Nam Bắc với hai chính quyền, hai nhà nước và xung đột giữa hai nhà nước ngày càng điêu linh dẫn đến nửa triệu quân Mỹ phải có mặt ở miền Nam cứu nhà nước miền Nam khỏi sụp đổ. Cứu nhà nước miền Nam, nửa triệu quân Mỹ chia hai hướng chính với hai mục tiêu ở hai đầu Nam Bắc lành thổ Nam Việt Nam. Hướng Nam. Quân Mỹ tập trung lực lương cơ động nhanh, hoả lực mạnh áp đảo vào những cuộc hành quân bão táp nhổ tận gốc cơ quan đầu não của đội quân mang danh giải phóng. Hướng Bắc. Mỹ rải quân chốt chặn dày đặc ở Cửa Việt, Đông Hà, Cồn Tiên, Dốc Miếu, điểm cao 241, Khe Sanh, đường Chín . . . Giăng hàng rào điện tử ở Nam sông Bến Hải, quân Mỹ cũng giăng hàng rào hoả lực dày đặc ở mảnh đất địa đầu của nhà nước miền Nam, ngăn chặn quân miền Bắc. Khi các sư đoàn bộ binh thiện chiến quân miền Bắc, sư đoàn 320, sư đoàn 325 tung những mũi thọc sâu vây ráp căn cứ Mỹ ở Tà Cơn, Khe Sanh. Pháo tầm xa từ Bắc sông Bến Hải dập bão lửa xuống căn cứ Mỹ ở Cồn Tiên, Dốc Miếu thì người lính đặc công đánh máy bay Pháp ở sân bay Cát Bi ngày nào cũng dẫn trung đoàn 126 đặc công nước vào mảnh đất dày đặc căn cứ Mỹ, liên tục đánh tàu chiến, kho tàng quân Mỹ ở quân cảng Cửa Việt, căn cứ hậu cần duy trì nguồn sống cho đội quân Mỹ đông đúc trên đất Quảng Trị. Nay người lính đó lại dẫn Cách ra Trường Sa.
Trung đoàn trưởng Mai Năng cho biết quần đảo Trường Sa có nhiều đảo nhỏ. Nhiều nước trong khu vực như Việt Nam Cộng Hoà, Đài Loan, Phillippines, Malaysia, đều có quân chiếm đóng, đều có chỗ đứng chân trong quần đảo và đều tuyên bố chủ quyền với cả quần đảo. Trung Quốc gọi quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa của Việt Nam là Tây Sa và Nam Sa và cũng gióng giả nhận Tây Sa, Nam Sa của Trung Quốc. Vì vậy trong tình thế quân đội Việt Nam Cộng Hoà đang tan rã, ta không nhanh chóng có mặt ở Trường Sa, các nước đang muốn thâu tóm quần đảo này sẽ chớp thời cơ nhảy vào thay thế đội quân đang sụp đổ, không còn tinh thần chiến đấu. Những tham vọng lãnh thổ đó sẽ dễ dàng, nhanh chóng chiếm các đảo của Việt Nam.
Trung đoàn trưởng Mai Năng kể tên sáu đảo ở Trường Sa quân đội Việt Nam Cộng Hoà đang giữ rồi ông nói về hòn đảo đêm nay ba phân đội chiến đấu sẽ hướng đến. Đảo Song Tử Tây vắt vẻo, tách biệt ở đỉnh cực Bắc quần đảo Trường Sa là miếng mồi ngon nhất với những tham vọng lãnh thổ. Song Tử Tây chênh vênh, lẻ loi trên cực Bắc quần đảo Trường Sa là đảo hớ hênh nhất, mong manh nhất. Ngoài nỗi đe doạ lớn đến từ phía Bắc, đến từ tham vọng Tây Sa, Nam Sa, Song Tử Tây lại rất gần đảo Song Tử Đông do quân Phillippines đang chiếm đóng. Song Tử Tây cách Song Tử Đông chỉ hơn mười hải lí. Lại thêm nỗi đe doạ to lớn và cận kề từ phía Đông. Ta không đủ lực lượng cùng lúc có mặt ở tất cả các đảo đang được quân đội Việt Nam Cộng Hoà quản lí thì trước hết ta phải gấp rút có mặt ở Song Tử Tây rồi sẽ nhanh chóng lần lượt có mặt ở các đảo khác.
Như trút nỗi niềm với những người lính mà ông tin cậy qua những năm tháng cùng ông vào sống ra chết trong chiến tranh, trung đoàn trưởng Mai Năng nhỏ giọng như thì thầm:
– Nói thật với các đồng chí. Trước đây tôi cũng đặt lòng tin tuyệt đối vào lòng tốt của người đã trang bị cho lính ta từ đầu đến chân. Từ chiếc mũ trên đầu đến đôi dép cao su dưới chân. Từ trong ra ngoài. Từ gói lương khô chắc dạ đến bộ quần áo ấm thân. Từ khẩu súng tạo ra sức mạnh đến túi thuốc giữ sức chiếc đấu cho lính để chúng ta làm chiến tranh. Nhưng là cuộc chiến tranh người Việt với nhau thì chỉ mang lại lợi lộc cho họ mà thôi. Đau xót lắm các đồng chí ạ. Đúng lúc chúng ta phải dốc hết sức vào cuộc chiến tranh nội bộ của ta, họ liền ra tay chiếm quần đảo Hoàng Sa của ta mới đầu năm ngoái thì bụng dạ của họ đã phơi bày ra rõ rồi. Đến nay ai còn tin họ thì tuỳ còn tôi không thể tin vào kẻ khuấy nước đục lên để bắt cá mà ông bà ta gọi là đục nước béo cò. Nói điều này để các đồng chí thấy lần xuất trận này của các đồng chí cấp bách và hệ trọng như thế nào.
Giao nhiệm vụ, phát lệnh lên đường chiến đấu cho lính mà trung đoàn trưởng Mai Năng như tâm tình, như nói chuyện lịch sử. Ông nói rằng tình thế gấp gáp đòi hỏi chúng ta phải hành động khẩn trương, giành thế chủ động, bất ngờ, giải quyết trận đánh thật gọn. Trước đây chúng ta vào trận chỉ cần mang theo gói lương khô là đi đến nơi, về đến chốn. Nay đi giành lại Trường Sa và ở lại giữ Trường Sa ở khoảng cách năm trăm hải lí biển thì gánh nặng hậu cần còn lớn hơn cả gánh nặng chiến đấu. Vì vậy đội hình chiến đấu càng phảỉ chắt lọc lại nhỏ nhất, tinh nhất. Sự chắt lọc đã cho chúng ta có đội hình chiến đấu đang có mặt ở đây. Các đồng chí là kết tinh của cách đánh đặc công nước đã có từ thời Yết Kiêu nhà Trần. Yết Kiêu thế kỉ mười ba đánh giặc trên sông. Các đồng chí là Yết Kiêu thế kỉ hai mươi đánh giặc trên biển.
Dừng lời, ánh mắt tìm đến từng gương mặt lính, người lính tuổi ngoài bốn mươi nói với những người lính tuổi ngoài hai mươi:
– Các đồng chí ạ. Hơn hai mươi năm là người lính chiến, tôi đã qua nhiều trận đánh lớn nhỏ nhưng không lần nào tôi có nỗi bồn chồn, phải nói là xúc động như lần này. Xúc động vì nhiệm vụ, vì trách nhiệm lớn lao mà người lính bình thường như tôi, như các đồng chí được giao phó. Các đồng chí có thấy như vậy không?
Lính bỗng ồn ào, Cách không nghe rõ lời trung đoàn trưởng nữa nhưng điều trung tá Mai Năng nói rằng chưa có lần vào trận nào làm ông xúc động như lần này thì Cách nhớ mãi.
2. ĐÊM TRƯỜNG SA
Như mọi đêm xuất quân vào trận đánh của đặc công, ba phân đội đặc công nước trung đoàn 126 trên ba con tàu nhỏ thuộc trung đoàn vận tải 125 rởi cảng Đà Nẵng ra Trường Sa cũng là đêm cuối tuần trăng, đêm đầu tháng ba âm lịch. Chỉ khác là trước đây xuất quân đều vào nhá nhem tối. Lần này lính bước chân xuống tàu xuất trận ra Trường Sa vào rạng sáng.
Ba giờ sáng ngày 11 tháng tư năm 1975, lịch ta là ngày 1 tháng ba năm Ất Mão, lính lặng lẽ tập hợp trên cầu cảng, Trước lúc rạng sáng là lúc bóng đêm dày đặc nhất. Ba giờ sáng, bóng đêm đậm đặc nhưng không một ánh đèn le lói. Đèn trên cảng, đèn trên tàu đều tắt hết. Không liên lạc vô tuyến điện. Tắt máy phát sóng vô tuyến điện trên tàu. Khi nào có lệnh mới được bật máy phát sóng. Không một tiếng người. Chỉ có tiếng gió và tiếng sóng. Từng phân đội hàng ngang, mũi chiến đấu hàng dọc từ trên cầu cảng lần lượt lặng lẽ xuống con tàu nhỏ không có số hiệu.
Con tàu đã từng chở nhiều chuyến vũ khí từ cảng dã chiến là bãi bần, bãi sú bờ biển Thuỷ Nguyên, Hải Phòng phóng ra biển quốc tế, chạy về phía Nam rồi trà trộn vào những con tàu đánh cá của ngư dân miền Nam cặp vào những bến bãi bí mật ở Quảng Ngãi, Phú Yên, Phước Tuy, Cà Mau. Không số hiệu nhưng trong biên chế của trung đoàn vận tải 125, đó là những con tàu 673, 674, và 675. Những con tàu đã quen những hành trình bí mật. Lính đặc công nước cũng đã quá quen với bóng đêm trên sông biển. Ba con tàu âm thầm chở vũ khí từ Bắc vào Nam giờ lại âm thầm chở lính từ Đà Nẵng ra Trường Sa. Mỗi phân đội hai mươi hai người xuống một con tàu trước đây chở năm mươi tấn vũ khí. Ngoài con tàu chở hàng hậu cần, lính hậu cần bảo đảm đời sống cho lính chiến cũng san quân số ra ba con tàu.
Lưới đánh cá lờ mờ trắng giăng ngang, giăng dọc trên sàn tàu như cành lá nguỵ trang rung rinh trên đầu, trên vai người lính bộ binh. Lính lách qua những vầng lưới, chui tọt xuống hầm hàng trước đây xếp vũ khí. Đi đánh tàu chiến Mỹ ở quân cảng Cửa Việt, lính bơi vo vài chục hải lí giữa mênh mông biển rộng, trời cao. Nay lính ra trận phải chui xuống hầm tàu kín mít, chật chội. Thành sắt. Đáy sắt. Trần sắt. Vốn tháo vát, khéo xoay xở, trong chiếc hầm sắt chật chội, lính soi đèn pin vẫn tìm được chỗ mắc võng tầng tầng, lớp lớp. Võng Cách mắc trên võng Quang. Hơi người nồng nực. Hơi dầu mỡ ngột ngạt. Hơi nóng hầm hập. Tiếng máy tàu thình thịch rung cả nhịp tim, gõ vào màng não. Không gian chật chội chao đảo, ngả nghiêng.
Trong hầm tàu lúc nào cũng tối âm âm, không thể nhận biết thời gian. Sau ba bữa lương khô trong hầm tàu, lính biết rằng đã qua được một ngày. Trong người đang cồn cào, cảm giác đang mơ hồ, phiêu diêu, lơ lửng thì được lệnh từng mũi chiến đấu lần lượt ra khỏi hầm hàng. May quá, tàu đã ra xa bờ và bóng đêm đã chùm xuống con tàu. Lính ngước nhìn sao trời và hít căng lồng ngực không khí phóng khoáng, mát lạnh của biển để có lại cảm giác thật, để biết chắc chắn rằng mình đang có mặt trên con tàu, trên biển cả. Nằm, ngồi trên nắp hầm hàng đón ngọn gió biển ùa tới thổi tung mái tóc, táp hơi nước mát lạnh vào má, vào cánh tay thì phần cơ thể tiếp xúc với tấm thép sàn tàu lại nhận ra sức nóng của thép. Thép tàu bị mặt trời nung cả ngày, đến đêm vẫn còn nóng âm ỉ. Không nằm được, đành gấp tấm tăng thành nệm dày cách li với sàn thép nóng, ngồi nhìn vào bóng đêm trên biển.
Bất chợt gió mạnh lên. Đang sung sướng đón những cơn gió mát ùa đến thì mưa sầm sập trút xuống. Mưa đuổi, lại phải chui xuống lò nung dưới hầm hàng. Mưa như gõ trống trên sàn tàu ngay sát đầu. Mưa làm cho sức nóng thoát ra khỏi tấm thép sàn tàu, toả sức nóng vào hầm. Hầm tàu càng ngột ngạt. Mưa kèm theo gió. Gió dồn sóng biển dựng lên. Chiếc hộp thép lèn chặt người bị tung lên ngọn sóng rồi ném xuống chân sóng. Mấy năm vùng vẫy, ngụp lặn trên ngọn sóng, lần đầu tiên Cách bị say sóng. Người Cách như một cái ống rỗng đang bị lôi lộn ngược từ trong ra ngoài. Ruột gan muốn đẩy cả lên cổ. Trong ruột có gì muốn nôn hết ra cho nhẹ để ruột gan lại lộn trở vào nằm yên chỗ cũ mà không làm sao nôn được. Đầu váng vất và nặng trịch như có khối đá trong đầu. Người rã ra.
Có bóng đêm xoá hình bóng, linh được thoát khỏi hầm tàu thì mưa lại dồn lính xuống hầm. Ngày lại đến. Lại phải giấu mình dưới sàn tàu. Trong hầm tàu lúc nào cũng tối âm âm nên Cách không còn phân biệt thời gian sáng trưa chiều tối. Đã hai lần Quang hỏi Cách có ăn gì không, Cách đều lắc đầu. Trong hầm tàu lại chộn rộn lên khi từng mũi chiến đấu lại được lần lượt thay nhau lên boong tàu vận động chân tay và hít thở không khí nhẹ nhõm trên biển thì Cách biết rằng lại qua thêm một ngày, bóng đêm lại trùm xuống biển, lính mới được ra khỏi hầm hàng, lẫn vào bóng đêm. Thế là tàu đã chạy được ba ngày, hai đêm rồi. Đêm thứ ba sẽ là đêm tiếp cận đảo. Đến giờ Cách mới thấy đói. Nhưng khi Quang rót nước ở bi đông vào túi gạo sấy và đưa cho Cách, ngửi mùi gạo sấy nhạt thếch, Cách lại buồn nôn.
Quang đưa Cách lên boong tàu. Không gian thoáng đãng, khí trời trong lành làm cho Cách tỉnh táo và khoẻ khoắn ra. Quang xin cho Cách một ca cháo nóng ở nồi cháo của thuỷ thủ tàu. Cháo ngon quá. Cách húp một hơi hết ca cháo. Nhưng vừa ăn xong, Cách lại nôn thốc nôn tháo ra hết. Suốt từ lúc say sóng, Cách cứ muốn nôn mà không nôn được nên trong người cứ nôn nao khó chịu. Có lẽ vì trong bụng không có gì để nôn. Giờ có cháo, nôn được rồi. Tuy tiếc ca cháo nhưng thấy người dễ chịu hẳn cũng đáng để đánh đổi ca cháo.
Trời đêm đen thẫm, nặng trĩu, không một vì sao. Gió mát lạnh. Nhưng cơn mưa đầu mùa đã giăng mịt mù trên biển. Trời này sẽ còn mưa nữa. Mưa đi liền với gió mạnh, sóng lớn và lại phải chui xuống hầm ngột ngạt, lại say sóng đến mệt lử. Thôi kệ! Hãy cứ biết trời đang tạnh ráo, biển đang dịu dàng, êm ả. Đang được ở trên boong tàu. Đang được hít thở khí trời tươi rói. Cách đứng dậy, vươn vai, thở thật sâu và bảo Quang:
– Khoẻ rồi! Khoẻ rồi! Chiến đấu được rồi!
Quang bảo:
– Mày nhịn đói suốt từ hôm qua đến giờ, lấy sức đâu mà chiến đấu. Nếu không ăn được cơm gạo sấy thì cố ăn gói lương khô.
Cách lắc đầu:
– Tao cũng thấy đói nhưng lương khô và cơm gạo sấy thì không sao nuốt nổi. Có cố nuốt cũng lại nôn ra thôi. Thấy đói là cơ thể đã quen dần với sự nhồi lắc trên tàu, đang trở lại bình thường. Để cơ thể làm quen được với sự vần vò của sóng, trở lại bình thường hẳn đã, ăn vào mới giữ lại được.
Quang đi vào gian buồng thuỷ thủ ở cuối tàu. Lát sau Quang ra, đưa cho Cách ca mì ăn liền nóng hổi. Ngửi mùi mì nóng đã thấy tỉnh cả người. Vào đến Đà Nẵng, lính miền Bắc mới biết đến món cao lương mĩ vị mì ăn liền. Anh nào cũng thích thú và luôn thèm thuồng mùi thơm phức và dù mùa hè nóng nực vẫn thích ca mì nóng ăn vào toát mồ hôi. Cách ăn hết ca mì còn thòm thèm nhưng lại xin nữa sao tiện. Lại còn say sóng nữa. Lại nôn hết ra thôi. Thôi, ăn tạm thế đã.
Quang mang ca đi trả trở về, trải cuộn bạt trùm nắp hầm hàng ra. Hai người nằm xuống tấm bạt trên nắp hầm hàng. Cách nghe mồ hôi dấp dính túa ra khắp người và nhận ra cơ thể đang hồi phục, hoạt động nhịp nhàng trở lại. Cách muốn gác đùi lên đùi Quang nhưng thấy Quang như đang trầm tư suy nghĩ nên Cách không dám phá dòng nghĩ ngợi của Quang. Chợt Quang bảo:
– Tao vừa nghe mấy tay thuỷ thủ nói rằng còn một ngày, một đêm nữa tàu sẽ đến mục tiêu. Như vậy bọn mình còn phải chui xuống hầm hàng giấu mình một ngày dài nữa. Tao lo sức khoẻ của mày ngày mai còn gay go đấy.
Cách vắt chân đè lên đùi Quang như hai đứa trẻ chăn trâu nằm trên bãi cỏ quê nhà, nói:
– Đúng là ở trong hầm tàu người lử ra, như không còn chút hơi sức nào. Nhưng chui ra khỏi cái lò hơi ngạt ấy là người sẽ tỉnh lại và cầm đến khẩu súng là người sẽ khoẻ ra. Đáng ngại là cái chân của mày biết đâu lại dở chứng.
Quang giơ chân phải lên cao, liên tiếp gập và duỗi chân trên cao để chứng tỏ cái chân nổi nhọt đã lại vận động bình thường:
– Êm rồi. Đúng là do ý chí quyết định. Nếu tao chịu thua cái nhọt, quyết định theo cái nhọt chứ không theo ý chí của mình thì giờ chắc vẫn đang nằm trong viện quân y mùng năm tháng tám ở Thuỷ Nguyên, Hải Phòng.
Quang hạ chân xuống, Cách liền đặt tay lên chỗ đùi nổi nhọt của Quang cảm nhận được cái tròn lẳn, săn chắc của một bắp đùi mạnh mẽ. Không cùng trung đội, tiểu đội, chỉ cùng đại đội, Quang vẫn là thằng bạn thân nhất của Cách trong đại đội. Bố mất sớm nhưng vẫn còn để lại ấn tượng cho Quang về người cha đau ốm quặt quẹo. Tất cả gánh nặng gia đình trút lên vai mẹ Quang. Dù bố còn sống, mẹ đã phải lo toan, cáng đáng mọi việc trong gia đình. Bố mất, mẹ càng cơ cực hơn. Vất vả lo cơm áo nuôi bốn chị em Quang. Thời nghèo đói khốn cùng, thiếu từ cái kim, sợi chỉ. Mọi nhu cầu cuộc sống đều phân phối nhỏ giọt từ trên xuống, đều chia chác theo thế lực. Có thế, có lực thì giành được phần hơn. Nhà không có người đàn ông phải chịu thua thiệt mọi bề. Hai chị đi lấy chồng. Quang đi bộ đội. Giờ ở nhà chỉ còn mẹ và đứa em gái.
Có lần Quang đã khoe với Cách là đứa em gái giống mẹ từ con người đến tính cách. Dáng người cao dỏng, thon thả. Nhanh nhẹn. Tháo vát. Chịu thương chịu khó. Đặc biệt là đức nhường nhịn. Nó lại hơn mẹ ở chỗ được học hành chu đáo. Ở miền quê nghèo, con gái được học hết trung học phổ thông là của hiếm. Quang chia sẻ với Cách về tình cảm Quang dồn cho mẹ và đứa em gái. Mỗi lần nhận được thư nhà, Quang đều cho Cách xem. Thường là thư của đứa em gái. Cũng có đôi lần mẹ Quang trực tiếp viết. Chắc mẹ phải cố gắng lắm mới viết được nửa trang giấy vở học trò bằng thứ chữ do phong trào bình dân học vụ cho mẹ từ thời mẹ còn trẻ. Người đọc phải vừa đọc vừa đoán mới nhận ra điều mẹ viết. Cách đọc thư của mẹ Quang cũng xúc động như đọc thư của mẹ mình.
Chiều ngày mười ba tháng tư, căn cứ vào thời gian vật vã trên tàu, vốn quen ước lượng không gian bằng thời gian, dù trong hầm hàng kín mít, lính vẫn xôn xao kháo nhau rằng tàu đã đến đảo Song Tử Tây. Cách lẻn chui ra khỏi hầm hàng, núp ở mũi tàu xác định hướng rồi nhìn về phía Đông. Quả nhiên thấy một vệt xám nhỏ trên mặt biển.
Bữa tối vẫn là lương khô ăn trong hầm tàu. Ở biển, ngày đến sớm và bóng đêm đến rất chậm. Bóng đêm đã đậm đặc trong hầm tàu, lính được lệnh mang trang bị cá nhân lên sàn tàu. Bóng đêm đã trùm xuống biển. Con tàu không còn rung và không còn nghe tiếng máy tàu là tàu đã tắt máy, thả trôi, chỉ giữ lái để sóng đẩy con tàu từ từ rút ngắn khoảng cách với đảo. Cuối tuần trăng. Mặt trăng mỏng manh, mòn vệt vừa chợt hiện ra mơ hồ trên cao đã biến mất. La bàn và hải đồ giúp con tàu gióng hướng trôi về phía đảo và xác định được vị trí hòn đảo còn chìm sâu hơn ba cây số trong đêm tối.
Chợt từ trong bóng đêm phía đảo vút lên cao những đường sáng trắng. Những đường sáng dừng lại và bùng vỡ ra thành những quầng sáng leo lét, những chiếc đèn trời treo lơ lửng trên cao. Từ nơi vừa vọt lên những quầng pháo sáng lại rạch ngang mặt biển những đường lửa đỏ lừ. Lẫn trong tiếng sóng nhận ra cả tiếng đạn nổ lục bục.
Đòi hỏi của cách đánh đặc công là chân phải đến, mắt phải thấy, tai phải nghe, tay phải sờ được mục tiêu. Trinh sát đặc công phải nhiều lần luồn vào căn cứ giặc, đếm từng hàng rào, từng chòi lính gác, thuộc từng mô đất, từng doi cát, sờ tận tay chỗ gài thuốc nổ. Lần này mới chỉ xác định được trên bản đồ mục tiêu đảo Song Tử Tây còn cách ba kilomet. Còn lực lượng đang giữ đảo như thế nào, bố trí ra sao thì lính miền Bắc ra giành lại đảo hoàn toàn mù tịt. Điều hệ trọng nhất cũng chưa biết là lính miền Nam còn có mặt trên đảo không hay đã rút chạy, bỏ đảo hoang cho nước khác đến chiếm đảo rồi? Lính miền Bắc đụng độ với lính miền Nam ở Trường Sa thì cũng chỉ là việc nội bộ của người Việt, là cuộc nội chiến người Việt với người Việt từ trong đất liền đã lan ra tới Trường Sa xa tít ngoài biển Đông. Nhưng nhân cơ hội quân Việt Nam Cộng Hoà giữ đảo đang tan rã, quân nước ngoài đã lên chiếm Song Tử Tây thì quân miền Bắc Việt Nam lên giành lại đảo sẽ phải đụng độ với đội quân nước ngoài, sẽ là chiến tranh giữa hai quốc gia, sẽ là sự kiện quốc tế lớn, nghiêm trọng và phức tạp, là điều tối kị. Cuộc chiến trong đất liền chưa ngã ngũ, lính đặc công nước đã bí mật, gấp gáp ra Trường Sa là để tránh điều tối kị đó.
Bây giờ những chùm pháo sáng giật mình ngơ ngác, những loạt đạn hốt hoảng từ Song Tử Tây vãi ra biển đã cho những người lính đặc công miền Bắc biết rằng những người lính của đội quân đang tan rã còn đang có mặt trên đảo. Cả đại quân đang ầm ầm sụp đổ thì số phận nhúm quân nhỏ nhoi, lẻ loi, đơn độc giữa biển cả cũng đã được định đoạt rồi. Chờ sự định đoạt bi thảm đến trong thấp thỏm, bất an, chốc chốc lính miền Nam trên đảo lại giật mình bắn những chùm pháo sáng run rẩy để nhìn thấy sự định đoạt số phận đến, lại xối xả vãi những loạt đạn ra biển để tự trấn an rồi lại nín thở đếm từng phút, chờ đợi sự định mệnh của lịch sử đến với họ.
Con tàu lại được chỉnh lái lảng ra xa. Hai mươi mốt người lính dồn lại thành vòng tròn quanh đại đội trưởng Quế trên sàn tàu nghe phương án chiến đấu. Đại đội trưởng Quế ngồi trên gót chân, quì gối xuống sàn tàu, một tay cầm đèn pin chiếu xuống tấm bản đồ phóng lớn hình đảo Song Tử Tây, một tay chỉ trên bản đồ. Ngồi sát bên phân đội trưởng Quế, Cách căng mắt nhìn hình ba con tàu ở ba phía Đông Bắc, Nam và Tây Nam đảo và dỏng tai lên nghe phân đội trưởng Quế triển khai đội hình chiến đấu. Quang và Cách trong đội hình phân đội Một do phân đội trưởng, trung uý Quế chỉ huy rời tàu vào đảo từ phía Đông Bắc. Quyền trong đội hình phân đội Hai do phân đội trưởng trung uý Cường chỉ huy tiếp cận đảo từ phía Nam. Phân đội Ba của trung uý Minh được giữ lại làm lực lượng dự bị trên con tàu là sở chỉ huy của trung tá Mai Năng ở phía Tây Nam đảo.
Trung uý Quế nhắc lính nhớ ám hiệu để nhận ra nhau. Đảo nhỏ, rộng chỉ hơn trăm mét, dài vài trăm mét. Hướng vào đảo khác nhau, đặt chân lên đảo là đối mặt, đối súng, nòng súng chĩa vào nhau ngay. Đêm tối không nhận ra nhau, quân ta rất dễ nã đạn vào quân mình. Lên đảo, phân đội Một sẽ chủ động bắt liên lạc với phân đội Hai. Lệnh nổ súng là tiếng nổ của khẩu ĐKZ ở hướng Đông Bắc của phân đội Một. Nhiều tình huống được phân đội trưởng Quế nêu ra. Cả tình huống bất lợi nhất là sóng dữ, xuồng cao su bị lật hoặc bị hoả lực trên đảo ngăn chặn, xuống không vào đảo được thì lính đặc công nước lại phát huy kĩ năng chiến đấu cá nhân trên sóng nước, bơi vo vào đảo, bám đảo chiến đấu. Ta đang ở thế chủ động và tinh thần áp đảo. Quân giữ đảo đang bị động, suy sụp và hoàn toàn không còn sĩ khí. Dù tình huống nào, quân miền Bắc cũng nắm quyền chủ động và chắc thắng.
Dù ngồi sát và chăm chú nghe những điều trung uý Quế nói nhưng Cách vẫn chưa thoát khỏi trạng thái lơ mơ, bồng bềnh. Cách chỉ nghe rõ được mỗi câu “Các đồng chí rõ chưa?” khi trung uý Quế chốt lại lời cuối cùng. Không nghe rõ từng lời nhưng hiểu được đội bố trí hình các hướng và mục tiêu của từng hướng, Cách muốn bật ra tiếng “rõ” nhưng họng khô khốc, không cất được thành lời. Cũng chỉ lác đác vài tiếng “rõ” thều thào, âm thanh vừa thoát ra khỏi miệng lính đã bị gió ào ạt tạt đến thổi bạt đi, chìm vào tiếng sóng. Phần lớn lính vẫn còn đang lử lả. Người lính bên cạnh Cách còn bò ra mép sàn tàu nôn oẹ. Cách thấy trí não mình đang tỉnh ra, đang hăm hở và chân tay đang muốn vận động. Có lẽ người lính nào cũng vậy thôi, đang rũ rượi vì một nỗi buồn, đang mệt mỏi vì sự cố bất thường trong cơ thể nhưng cầm đến khẩu súng bước vào cuộc chiến là bước vào sống chết, trước hết phải giành lấy sự sống cho mình thì mọi phiền muộn riêng tư, mọi uể oải của cơ thể cũng biến mất.
Trong lúc con tàu thả trôi vào sát thềm san hô nông thi lính làm những việc chuẩn bị cuối cùng trước khi vào trận. Mỗi người được phát hai gói mì ăn liền. Một thùng nước sôi được thuỷ thủ trên tàu khiêng ra đặt giữa sàn tàu cùng một túi ni lông đũa tre. Lính múc nước sôi đổ vào ca mì ăn liền, cầm đũa tre lùa mì vào miệng và sì soạp húp nước mì nóng, hít hà khoan khoái, thoả mãn. Không khí xôn xao, chộn rộn hẳn lên. Không còn ai ỉu xìu hoặc vật vờ vì say sóng nữa. Những ca mì ăn liền nóng hổi làm dịu lại nỗi cồn cào, lử lả của những người lính sau ba ngày, ba đêm trên con tàu nhỏ vật vã trên sóng.
Cách ăn hết ca mì thì Quang lại kiếm đâu được quả chanh khá to. Quang bóc vỏ chanh và tách ra hai múi chanh đưa Cách:
– Này, vitamine xê đây. Mấy ngày không có rau xanh, trong người cũng hốc háo như mấy ngày không thấy bóng đàn bà. Múi chanh là rau xanh đấy còn đàn bà phải đợi đến ngày về lại Đà Nẵng. Ăn tạm múi chanh đi cho đỡ háo.
Quang tách từng múi chanh, chia cho mấy người chung quanh. Mùi vị đàn bà chưa biết thế nào còn mùi vị múi chanh lúc này quả thật thú vị, tuyệt vời. Chưa bao giờ Cách được ăn múi chanh ngon đến thế. Giọt nước mang vị chua dịu, êm ái thấm vào họng đang khô cứng. Họng hết khô, môi mềm lại và Cách cũng hình dung ra môi đang chuyển từ màu tái nhợt nhạt sang màu hồng hào vốn có. Cảm giác trống trếnh và hốc háo cũng mất luôn. Đi nhận thêm trang bị, Cách thấy người chỉ còn hơi hiu hiu. Còn cảm giác đầu nặng, chân nhẹ nên bước đi chưa chắc chắn nhưng Cách thấy rõ bước đi đang mạnh mẽ, vững vàng dần.
Được nhận thêm lựu đạn, thủ pháo, yếm bơi. Lính bắt đầu nai nịt. Lại hiện ra hình ảnh quen thuộc người lính đặc công nước âm thầm ra vào quân cảng Cửa Việt. Đầu trùm mũ bơi. Áo ngắn tay. Quần đùi. Yếm bơi trước ngực để mang lựu đạn, thủ pháo, dao găm. Ở Cửa Việt, lính đặc công chân trần đạp trên cát. Ở Đà Nẵng ra Trường Sa, lính được phát đôi bí tất mới dày cùng với sợi dây buộc bí tất. Không phải chỉ chống lại góc cạnh đá san hô sắc lẻm như đá tai mèo, bí tất dày còn giúp lính cảm nhận được chỗ đặt chân và bàn chân có độ bám vào những mỏm san hô gập ghềnh.
Hai tay ôm khư khư bọc ni lông căng phồng như nhện ôm trứng, Cách đứng bên mạn tàu đợi đến lượt xuống xuồng cao su. Trong bọc ni lông là súng, đạn, thủ pháo, tăng, võng, lương khô, túi cứu thương cá nhân, dép cao su, ca, bi đông nhôm đầy nước, bát tráng men, cả đôi đũa tre . . . Lính đặc công ôm bọc ni lông đứng bên lan can tàu như đàn nhện ôm trứng bám trên lưới nhện. Chợt tiếng Quang dội lên và chìm nổi trong tiếng gió vù vù cùng khuỷu tay Quang thúc mạnh vào sườn Cách:
– Tao đi trước đây, Cách!
Chuyển khẩu cối 82 xuống xuồng rồi Quang bám thang sắt tụt xuống. Chiếc xuồng cao su nhanh chóng mất hút vào bóng đêm.
Cách xuống xuồng thứ ba, xuồng cuối cùng. Không nhìn thấy mặt biển, chỉ nghe tiếng sóng ầm ào. Sợi cáp ni lông níu chiếc xuồng vào con tàu. Chiếc xuồng cao su vừa dềnh lên, hụp xuống. theo tàu, vừa bị sóng giằng ra xa nhưng được sợi cáp ni lông buộc vào tàu níu lại, chiếc xuồng liền bị sóng lật dựng đứng lên rồi ném lại tàu. Đây là đận gay go nhất của lính biển, là cung đoạn thử thách lớn nhất trên đường vào đảo.
Ở Trường Sa, đảo nào cũng nổi lên trên thềm san hô rộng và nông, còn chìm dưới mặt nước biển trên dưới một mét nước. Nước nông, tàu không thể vượt qua thềm san hô rộng để cập vào đảo, đành neo lại ngoài thềm san hô nông. Lính phải chuyển trang bị, vũ khí xuống xuồng cao su vượt qua bức tường sóng sôi sục chỗ mép thềm san hô, vào đảo.
Những triền núi nước nhấp nhô rùng rùng chuyển động mang sức mạnh của biển đang hăm hở trườn đến đảo bất ngờ húc phải mép thềm san hô nông, núi nước dựng lên thành bức tường nước sôi sục và trắng xoá. Bức tường nước đổ ập trở lại phía biển và bị dội ra biển thì triền núi nước sau trườn đến chặn đứng khối nước của triền núi nước trước đang dội ra biển. Những xung đột của những núi nước chuyển động ở mép thềm san hô không khi nào dứt, tạo ra những ngọn sóng trắng xoá cao ngất ngưởng, ầm ầm sôi sục bao quanh đảo. Những bức tường sóng lừng lững như vách núi dựng lên, ngăn chặn và nuốt chửng những vật thể nhỏ bé dưới ngọn sóng. Chiếc xuồng cao su mỏng manh vật vờ lao vào bức tường nước, chui vào hàm sóng nếu không biết chèo chống liền bị nhấn chìm, bị lật úp tức thì. Xuồng lật. Vũ khí đã văng khỏi xuồng thì đành gửi lại đáy biển. Người không có kĩ năng chống chọi với sóng dữ sẽ bị sóng ném vào ngầm đá san hô, bị cạnh sắc đá san hô cứa nát người, thân xác bị sóng đẩy ra biển mênh mông, đưa vào miệng những loài cá dữ.
Vượt được bức tường sóng bao quanh đảo ở mép thềm san hô chỉ trông vào hai yếu tố. Một là sóng không dữ quá. Sóng dữ quá thì neo tàu cũng bị sóng lôi đi, tàu không thả neo được, không thể thả được xuồng xuống biển. Tàu thả được neo thì vượt qua bức tường sóng chỉ còn là kĩ năng chèo chống chiếc xuồng cao su của lính đặc công nước. Cách vừa bước xuống xuồng cao su, một ngọn sóng táp nước lạnh vào mặt làm cho Cách tỉnh táo hẳn. Cách kéo sợi cáp ni lông cho xuồng áp sát tàu ở dưới thang sắt, đón cả mũi chiến đấu xuống xuồng. Bảy người đã san đều và ngồi cân bằng trong xuồng. Sức nặng bảy người làm cho xuồng đằm lại, bớt chao đảo và ổn định di chuyển theo sự chèo chống của bảy người lính đặc công nước. Sợi cáp ni lông neo xuồng vào tàu được thả ra. Chiếc xuồng cao su tách ra khỏi con tàu hướng vào đảo. Bức tường sóng trắng xoá và sôi sục ngay trước mũi xuồng. Chỗ bắt đầu bãi san hô nông đấy. Bảy người lính đặc công nước chỉ quen ra vào cửa sông Thạch Hãn lần đầu ra Trường Sa đã đưa chiếc xuồng qua trót lọt bức tường sóng mép thềm san hô trong đêm tối. Qua được bức tường sóng dựng quanh đảo là đã giành được phần thắng trong cuộc chiến với sức mạnh biển cả, cuộc đổ bộ vào đảo đã thành công. Chỉ còn cuộc chiến với con người trên đảo.
3. 4 GIỜ 36 PHÚT SÁNG NGÀY 14.4.1975
Xuồng lướt nhẹ êm trên thềm san hô đang nông dần. Những mỏm san hô nổi trên mặt nước thềm san hô càng gần đảo càng lô xô nhiều hơn. Đáy xuồng đã sàn sạt trên cát san hô, không thể bơi xuồng được nữa. Lính bước ra khỏi xuồng, tháo hơi, dìm xuồng xuống vũng nước sát mép đảo. Vác đá san hô đè lên giấu xuồng chìm dưới nước. Cả mũi đi khom vượt qua bãi trống lắp xắp nước, đặt chân lên đảo nhận ra thảm cỏ mịn êm nhưng xác xơ vì cuối mùa khô. Vào đến cây dừa đầu tiên trên đảo, lính được lệnh mang hết vũ khí trên người và tìm chỗ cất giấu đồ dùng cá nhân trong bọc ni lông. Ép bụng xuống lớp cỏ khô, bò vào đảo, Cách nhận ra lá cỏ rất cứng và thoảng mùi thơm như có mật ở bãi cỏ đồng làng. Mấy con chim ngủ trên bãi cỏ thấy động vội bay vù lên cao kêu kéc! kéc! rồi lại nhẹ nhàng táp xuống vạt cỏ ngay cạnh chỗ nó vừa bay lên.
Được lệnh dừng lại chỗ mấy gốc dừa san sát, tán lá đan nhau tạo ra vùng tối đậm trên đảo, Cách nhận ra mùi tanh của phân chim sống bằng cá biển. Một tổ ba người được mũi trưởng Hống cử bò sâu vào đảo trinh sát. Nằm lại trên lớp cỏ mỏng trong khóm dừa, Cách lại có cảm giác tròng trành như đang ở trên tàu. Lính đi biển gọi là trọng thái “say đất”. Nhờ có lớp cỏ mỏng trên cát và tán lá dừa trên cao, san hô không nóng bỏng như chỗ san hô trần trụi bị mặt trời thiêu đốt. Gió biển mơn man mát rượi. Không gian yên tĩnh đến hoang vắng. Cơn buồn ngủ ập đến và Cách thiếp đi. Cách bừng tỉnh dậy bởi những tiếng thét thất thanh rộ lên trong đảo “Việt Cộng! Việt Cộng!” Tán dừa, chòi quan sát, cột antel hiện lên trong quầng pháo sáng. Trong quầng pháo sáng rờ rỡ, Cách chợt nhận ra cả mũi chiến đấu nằm lồ lộ trên mặt cát. Đám cỏ mọc dày nhưng đã chết khô. Ngọn có khô lưa thưa không che được hàng lính nằm nối nhau trên có. Trống trải thế này thì lộ hết thôi!
Ấm ầm tiếng nổ của các cỡ súng rộ lên. Đạn rạch đỏ lừ và chiu chíu xé không khí ngay trên đầu Cách rồi lóp bóp cắm xuống nước ở mép đảo phía sau mũi chiến đấu. Tổ trinh sát bị lộ hay mũi của Quyền ở Nam đảo đụng độ? Tán dừa rải rác hiện ra lô xô, bồng bềnh chìm nổi trong quầng pháo sáng cho Cách cảm giác đảo khá rộng. Đảo rộng thì lính trên đảo phải đông, công sự nhiều và vững chắc. Thế mà ta chỉ có hai phân đội, hơn bốn mươi tay súng lên đảo! Trời lại sáng đến nơi rồi! Ở biển, ánh sáng ban ngày đến nhanh lắm. Bóng đêm là đồng minh, là sức mạnh của lính đặc công. Bóng đêm như bắt đầu rạn ra ở phía đông. Hai phân đội đặc công nhỏ bé, trần trụi phơi mình trên bãi san hô trống trải trong bóng đêm đang dần chuyển sang ngày.
Đánh tàu chiến Mỹ ở quân cảng Cửa Việt phải rút ra trong đêm nên phải kích nổ trước một giờ sáng. Ra biển Đông giành lại Trường Sa rồi ở lại nên sẽ nổ súng giữa ban ngày, ban mặt sao? Nhưng lính đặc công phơi mình trần trụi trên cát trống trải, trong tay chỉ có khẩu súng cá nhân và mấy gói thuốc nổ, làm sao đánh được quân cố thủ trong công sự giữa ban ngày?
Pháo sáng lại vọt lên. Tiếng la Việt Cộng! Việt Cộng! lại thất thanh. Các cỡ súng từ giữa đảo lại vãi đạn ra biển. Rồi mọi âm thanh bất thường lại tắt lịm trong nhịp thở sâu thẳm muôn đời của biển. Pháo sáng săm soi không thấy gì. Vãi đạn ra vừa để tự trấn an, vừa nghe ngóng phản ứng cũng không có động tĩnh gì. Hòn đảo lại lịm đi trong giấc ngủ muộn màng và mệt mỏi đêm về sáng.
Tiếng la hốt hoảng Việt Cộng! Việt Cộng chốc chốc lại rộ lên bộc lộ tâm thế người lính miền Nam giữ đảo. Quân cả sư đoàn, quân đoàn do những đại tướng, trung tướng dày dạn chiến trân đốc chiến. Súng đủ cỡ, đủ loại, đủ cả đại bác, xe tăng trên mặt đất, máy bay sấm sét trên trời mà Đà Nẵng, Nha Trang cũng vỡ trận thì số phận hòn đảo nhỏ nhoi chơi vơi giữa biển với dúm quân nhỏ bé trong mấy căn nhà tơ hơ trên cát làm sao trụ được trước đà tiến công như chẻ tre của Việt Cộng. Bất kì lúc nào Việt Cộng cũng có thể xuất hiện trên đảo. Âm thanh hốt hoảng Việt Cộng! Việt Cộng như là tiếng than Tuyệt vọng! Tuyệt vọng! nghe thật thảm thiết!
Sau dồn dập những đợt pháo sáng và ầm ầm vãi đạn, hòn đảo lại chìm trong tĩnh lặng mênh mông, như chìm vào giấc ngủ đang dang dở. Ở tư thế nằm bò trên cát san hô trong tĩnh lặng của đêm về sáng, nghe rõ được cả tiếng rào rạo rất khẽ và đều đều như tiếng cào cào gặm cỏ lá tre, trong Cách lại âm vang từ ngữ tiếng Việt yêu thương Việt Cộng! Việt Cộng! Cách bỗng thấy âm thanh tiếng Việt Cộng! Việt Cộng! gần gũi, thân thuộc quá. Tiếng Việt thân thuộc vô vàn yêu thương lại là kẻ thù, lại là mục tiêu phải tiêu diệt, lại là đích ngắm của khẩu súng trong tay Cách! Cách phải đánh bộc phá, xả đạn vào tiếng Việt thân thuộc đó! Sao cuộc đời nghiệt ngã, trớ trêu vậy!
Lại chợt nhớ đến lần Cách nép sát vỏ tàu chiến Mỹ neo trong quân cảng Cửa Việt nhìn lên tên Mỹ đứng trên sàn tàu, ngả người ra ngoài lan can, lia ánh đèn sáng loá như đèn pha xuống mặt nước cửa sông Thạch Hãn, miệng la Vi Xi! Vi Xi! Rồi các cỡ đạn thun thút vãi xuống sông. Cá giãy chết nổi lên trắng lờ lờ trên mặt nước và nghiêng mình loạng choạng bơi nhưng yếu ớt không thể bơi thẳng, phải lách mình lượn vòng tròn, lách đến cọ cả vào sườn Cách. Tiếng Vi Xi! Vi Xi! là tiếng nước ngoài xa lạ. Còn Việt Cộng! Việt Cộng! là tiếng Việt, là âm sắc, là ngữ điệu tiếng Việt vô vàn thương yêu của mọi người Việt Nam từ ngàn xưa đến muôn đời mai sau.
Cách bỗng thấy thật vô lí, thật đau lòng khi nghe tiếng người Việt giữ mảnh đất của cha ông người Việt để lại mà phải la lên hốt hoảng, thảm thiết, tuyệt vọng trước người Việt cũng có bổn phận giữ mảnh đất thiêng liêng đó. Có cách gì để người Việt ra Song Tử Tây trước giao lại cho người Việt ra sau giữ mảnh đất của cha ông mà không phải nã đạn vào nhau, không phải nã đạn vào tiếng Việt vô cùng gần gụi, thân thiết và cũng vô cùng thiêng liêng nhỉ? Những người lính đặc công nước đột nhập lên đảo Song Tử Tây đêm nay có ai cùng suy nghĩ như Cách không? Nếu tất cả cùng nghĩ như Cách mới có thể tránh những người cùng nói tiếng Việt mà phải xả súng vào nhau, tránh được họng súng của người Việt xả đạn vào tiếng Việt thương yêu. Nhưng Cách biết rõ những người say chiến đấu như Quang đều đinh ninh rằng họ đang làm bổn phận đương nhiên của một dân với đất nước, đang thi hành sứ mệnh lịch sử đánh giặc cứu nước. Con người nào, ngôn ngữ nào trước họng súng của họ cũng là giặc, cũng là kẻ thù, cũng phải bị tiêu diệt không nương tay.
Đang miên man thì Cách được mũi trưởng cử đi bắt liên lạc với phân đội Hai ở Nam đảo. Lùi lại mép nước, Cách hạ thấp người, đi khom cho bóng dáng Cách lẫn vào bóng dáng những mỏm san hô lô xô nổi lên trên thềm san hô nông. Đến Nam đảo, vừa bò trên cát san hô mịn màng, Cách nhận ra những vệt lõm lờ mờ trên cát từ mép nước nối dài thành vệt vào trong đảo. Dấu chân! Lính giữ đảo đi tuần? Cách cúi sát mặt xuống cát. Lính đi tuần phải đi giầy và đi quanh đảo, dấu giày để lại phải song song với mép nước. Đây là dấu bàn chân trần, không phải dấu giày. Dấu chân đi từ biển vào đảo là cả phân đội Hai của Quyền đã vào đảo.
Cách yên tâm lần theo dấu chân trên cát. Trên nền cát phẳng trắng mờ, Cách thấy cộm lên những gờ tối thẫm. Đúng dáng nằm của lính đặc công! Cạch! Cạch! Cạch! Cách gõ ám hiệu trên báng AK. Cạch! Cạch! Tiếng đáp lại từ phía trước đúng mật khẩu rồi. Cách bò lướt lên gặp phân đội trưởng Cường. Gặp được cả Quyền, Cách được biết xuồng của Quyền bị lật. Khẩu cối tám hai bị biển nuốt mất. Bọc ni lông gói trang bị của lính cũng bị sóng biển giật khỏi tay. Bảy người bị sóng nuốt chửng lại lựa chiều sóng trồi lên mặt nước, thoát ra được. Giữ được thân xác, giữ được mạng sống nhưng trên người trần trụi, trong tay chẳng còn gì. Quyền còn khẩu AK quàng vào người nhưng còn mỗi băng đạn lắp ở súng. Cách đưa cho Quyền hai quả lựu đạn.
Cách vừa trở về phân đội Một thì hòn đảo nhỏ nhoi trong cơn sốt cao lại lên cơn co giật. Lại tiếng thét Việt Cộng! Việt Cộng! như tiếng kêu cứu tuyệt vọng! tuyệt vọng! Lại trắng trời pháo sáng. Lại rào rào mưa đạn trút vào bóng đêm. Đến lúc tổ trinh sát trở về mới biết trận vãi đạn cuối cùng trong đêm của hòn đảo Song Tử Tây như đàn ong bay túa ra khi tổ ong bị động vì chính tổ trinh sát đã đụng phải tổ ong.
Trinh sát bò đến bên căn nhà chìm, nền nhà tụt sâu thấp hơn mặt đảo đến gần một tầm người. Ép mình vào bức tường thấp nhô lên trên mặt cát, qua khoảng trống giữa tường và mái tôn, trinh sát đưa mắt nhìn vào trong nhà. Một ngọn đèn dầu vàng vọt đặt trên chiếc bàn sắt giữa nhà. Trên hai dãy giường lính sát hai bức tường dọc căn nhà, trinh sát đếm được mười bảy người lính ngủ trong tư thế sẵn sàng. Trong nhà khuất gió rất nồng nực nhưng chỉ có một người lính cởi trần, còn lại đều nai nịt bộ đồ lính trận, hai chân còn mang cả giầy. Súng để cạnh người. Số súng không để bên người thì khá lộn xộn. Khẩu trung liên để trên bàn sắt. Khẩu M79 treo trên tường. Giá súng chỉ có khẩu 12,7 li và mấy khẩu AR15.
Rời căn nhà chìm, bò trên cát san hô sau nhà sờ thấy bia chủ quyền rồi đến khoảng đảo lõm lòng chảo. Phía bên kia lòng chảo lờ mờ mái nhà tôn trên doi cát kéo về Nam đảo. Đến bia chủ quyền là đã đến giữa đảo, đã đi hết phạm vi mũi Một đảm nhiệm. Tổ trinh sát bò ra mép nước trở về thì đột ngột đụng hai lính miền Nam đi tuần. Tia đèn pin chiếu thẳng vào mặt tổ trưởng trinh sát Lưỡng. Thay vì loạt đạn rát rạt hạ gục tổ trinh sát thì chiếc đèn pin rơi bịch xuống cát cùng tiếng ú ớ nghẹn trong cổ họng của một thân thể đang bị đông cứng cả người, cứng cả chân tay.
Thoát chết nhờ mấy giây bất động của người lính đi tuần, tổ trinh sát lăn người thoát ra khỏi vị trí bị phát hiện vừa bật đứng lên chưa kịp ra đòn hạ đối thủ vì còn ở khoảng cách vài mét thì những tia lửa loé lên từ nòng khẩu AR15 của người lính đi tuần thứ hai. Không khí như tấm vải bị đường đạn xé rách, mảnh vải bị xé tung lên, tạt vào mặt, lướt trên cơ thể người lính trinh sát trần trụi, như hơi thở của thần chết phả âm khí lạnh toát. Đạn găm toé lửa ở mỏm đá san hô chỗ tổ trinh sát bị phát hiện. Loạt đạn của đồng đội đã giải thoát người lính miền Nam đang bất động. Hai người lính đi tuần kịp nhảy xuống đoạn hào dẫn vào căn nhà chìm, đánh thức cả hòn đảo giật mình thức dậy trong cơn co giật dữ dội. Lần này trong tiếng súng, trong tiếng la hét có cả tiếng đập tấm tôn, tiếng đập thùng phuy sắt và tiếng la hét Việt Cộng! Việt Cộng càng dồn dập, thất thanh.
Điều thấy rõ ở những đợt pháo sáng, những lần vãi đạn và tiếng la cảnh báo Việt Cộng dù hốt hoảng nhưng cũng bộc lộ sự cảnh giác cao độ, bộc lộ ý chí giữ đảo của những người lính đang làm chủ đảo. Tiếng Việt Cộng dù thất thanh cũng là ngôn ngữ Việt Nam khẳng định người Việt Nam đang có mặt trên hòn đảo Việt Nam, khẳng định lãnh thổ Việt Nam. Tiếng súng là lời cảnh báo mọi tham vọng lãnh thổ với Trường Sa rằng dù hai nhà nước Việt Nam đối kháng nhau, hai sức mạnh Việt Nam đang dồn hết sức loại bỏ nhau là việc nội bộ của người Việt Nam, không liên quan, không làm suy suyển ý chí bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của người lính Việt Nam.
Tiếng la Việt Cộng là nỗi ám ảnh thường trực với những người lính miền Nam đang giữ Trường Sa. Mỗi lần hét Việt Cộng! Việt Cộng! là một lần họ tưởng tượng thấy bóng ma Việt Cộng lởn vởn trong đêm. Nổ súng trước để giành thế chủ động nhưng rồi chẳng thấy phản ứng gì, họ phải nhận ra rằng hình bóng Việt Cộng chỉ có trong tưởng tượng, chỉ có trong nỗi ám ảnh của họ mà thôi, chỉ là thần hồn nát thần tính. Đến lúc Việt Cộng xuất hiện thật, hai người lính đi tuần đã tận mắt nhìn thấy họ, nhờ may mắn chạy thoát vào căn nhà chìm và nói lại điều vừa tận mắt nhìn thấy. Lại la hét báo động. Lại pháo sáng xăm soi. Lại nổ súng rát rạt, dù đạn vãi vô định nhưng tiếng súng đầy uy lực. Vẫn không có phản ứng gì thì lính trong nhà chìm lại cho rằng điều hai người lính đi tuần thấy cũng chỉ là sản phẩm của nỗi ám ảnh, chỉ là thần hồn nát thần tính. Bị ám ảnh cái gì thì sẽ tưởng tượng ra cái đó. Từ khi quân miền Nam bị mất Đà Nẵng, có đêm nào lính trên đảo Song Tử Tây không vài lần thấy bóng ma Việt Cộng lù lù trên đảo đâu. La hét. Quét pháo sáng. Xiết cò súng đến mỏi tay vẫn không thấy động tĩnh gì thì lại đành buông xuôi cho định mệnh vậy.
Trong yên tĩnh trở lại, các mũi chiến đấu lặng lẽ áp sát mục tiêu. Mũi bảy người của Cách trườn đến căn nhà chìm. Cách cùng hai người ém sát tường nhà. Bốn người dừng lại sau một gờ cát san hô, cách ba người phía trước chỉ hai tầm thân người. Hai mũi chiến đấu còn lại của phân đội Một, trong đó có Quang bò trong bãi dừa, giấu mình mép bãi dừa, đối mặt với bia chủ quyền và căn nhà chìm, đợi tiếng súng lệnh của khẩu ĐKZ.
Trời đã ràng rạng sáng. Đêm càng về sáng, không khí trên hòn đảo càng dịu dàng, mát mẻ. Bị mặt trời nung cả ngày, qua một đêm, cát san hô đã thải hết sức nóng, gần sáng cát lại mát lạnh. Trong nhà chìm khuất gió cũng không còn ngột ngạt hơi nóng. Đêm về sáng gió mang hơi thở đêm của biển mơn man hòn đảo và biển rì rầm hát ru đưa hòn đảo vào giấc ngủ sâu. Càng về sáng sự yên tĩnh càng thăm thẳm, càng mang lại cho những người lính miền Nam sự yên tâm rằng họ đã qua thêm được một đêm an toàn. Ban đêm là của bóng ma Việt Cộng. Ban ngày là của những người lính đang làm chủ Trường Sa. Dưới ánh sáng mặt trời, dù biển mịt mù hơi nước, chòi quan sát giữa đảo cũng phát hiện được mọi mục tiêu trên biển từ ngoài mười hải lí, bảo đảm cho những người lính giữ đảo sự chủ động, tự tin ngăn chặn kẻ đột nhập vào đảo từ ngoài thềm san hô nông. Hoả lực trên đảo đủ mạnh quét sạch những kẻ mon men đặt chân lên thềm san hô. Ánh sáng bình yên, ánh sáng sự sống đang trở lại với Song Tử Tây.
Đúng lúc người lính miền Nam thả mình vào giấc ngủ sâu nhất sau một đêm chập chờn, khắc khoải thì chớp lửa lớn nhoáng lên từ giữa đảo cùng tiếng nổ rung chuyển làm cát san hô bay rào rào. Khẩu ĐKZ ở hướng chủ công Đông Bắc của phân đội trưởng Quế đã lên tiếng. Quả đạn ĐKZ đầu tiên thổi bay mái tôn ngôi nhà chìm cạnh bia chủ quyền. Cách giật kíp nổ quả pháo tay, thả vào căn nhà chìm đã tốc mái. Bốn người lính đặc công phía sau cũng lao lên, tới tấp thả pháo tay vào nhà. Căn nhà chìm liên tiếp bùng lên những khối lửa. Một tấm tôn còn dính trên xà nhà vật vờ như lá cờ rách phất phơ trong chớp lửa. Trong ánh sáng đang ràng rạng trên đảo, cùng với những cột lửa khói cuộn lên, lính nhìn thấy cả những cơn lốc cát san hô. Những tiếng nổ rung chuyển. Tiếng cát bay ràn rạt như trong trận bão lớn. Những tiếng nổ trộn lẫn vào nhau, không phân biệt được đâu là tiếng nổ tấn công của lính miền Bắc, đâu là tiếng nổ chống trả của lính miền Nam. Tiếng nổ nào cũng mang đến cái chết. Mà trên đảo chỉ có người Việt với người Việt!
Căn nhà chìm biến mất trong lửa khói. Bỗng từ trong lửa khói một bóng người lao ra mép đảo liền bị mũi trưởng Hống phóng theo quật ngã và lôi đến trước phân đội trưởng Quế trong bãi dừa. Lạ thật, hàng chục quả pháo tay, mỗi quả nửa cân thuốc nổ dành cho gian nhà chìm nhỏ xíu mà trong nhà vẫn còn người sống sót. Thì ra gian nhà còn lối ngách được che bằng tấm bạt dẫn sang gian nhà chìm thấp hơn, mái tôn lợp ngang mặt đảo và gió vãi cát san hô phủ kín mái tôn nên tổ trinh sát không phát hiện được.
Người lính miền Nam bị bắt được phân đội trưởng Quế khai thác ngay, yêu cầu chỉ hầm ngầm, hầm chỉ huy. Thấy những người lính quần đùi, tay cầm khẩu AK, vẻ mặt bình thản, ánh mắt không vằn tia say máu chém giết và tiếng Việt của những người hỏi dù là tiếng quát nhưng vẫn là tiếng Việt thân thuộc như giúp cho người lính miền Nam có chút yên lòng. Người lính miền Nam từ tốn thưa với người chỉ huy quân miền Bắc:
– Thưa thầy Hai. Trên đảo không có lô cốt, hầm ngầm. Chỉ có hai nhà chìm. Chỉ huy ở nhà chìm lệch về phía Nam đảo và nhìn ra bia chủ quyền.
Trung uý phân đội trưởng Quế hòi quân số trên đảo và người chỉ huy. Người lính bị bắt đã đủ bình tĩnh, khai rành rẽ rằng trước năm 1975, đảo có một đại đội biệt động quân, hơn một trăm lính. Nhưng từ đầu năm 1975, đại đội biệt động quân phải rút về đất liền ném ra mặt trận. Thay bằng hai trung đội địa phương quân tỉnh Phước Tuy ra giữ đảo. Hiện nay trên đảo chỉ có 53 lính địa phương quân. Chỉ huy đảo là một thiếu uý và một chuẩn uý.
Nhà chỉ huy nhìn ra bia chủ quyền lệch về Nam đảo là mục tiêu của phân đội trưởng Cường, của mũi Quyền. Từ căn nhà chìm phía Nam đảo, đạn đang xối xả vãi ra. Đạn mười hai li bảy cày tung cát. Đạn AR15 vãi như mưa. Trong lúc quân miền Nam trong căn nhà chìm mé Nam đảo đang chống trả quyết liệt và quân miền Bắc ở hướng chủ công, lính đang rê mũi súng vào ngôi nhà chìm mé Nam đảo, đợi lệnh đồng loạt ra đòn quyết định thì từ đầu nhà chìm hướng Tây một tốp lính vọt ra chạy xuống mép đảo hướng về phía Tây Bắc, nơi trên thềm san hô nông nổi lên lô xô những mỏm san hô lớn kéo vào sát đảo, trong ánh sáng lờ mờ lúc rạng sáng đã nhận ra hai phuy dầu và chiếc bo bo nhôm gắn máy nằm trên cát san hô. Thuỷ triều đang lên. Nước biển đã lấn gần tới bo bo.
Tốp lính vọt ra từ nhà chìm mé Nam đảo đã đến chỗ bo bo và đang đẩy bo bo xuống nước. Một bóng lính đặc công nước từ Nam đảo bật lên vừa phóng theo tốp lính vừa quét những loạt đạn AK. Từ phía chiếc bo bo những chớp lửa vãi đạn chống trả loé lên, những loạt đạn rát rạt quất về phía người lính đặc công nước. Người lính quần đùi, tay ôm AK lăn đến gờ cát san hô. Một loạt đạn dài từ chiếc bo bo cày tung gờ cát san hô lên. Cát san hô tung lên, vãi trắng xoá trên người lính đặc công. Không thấy người lính đặc công bắn trả nữa.
Chiếc bo bo ở mép Tây Bắc đảo, ngay cạnh bãi dừa. Từ bãi dừa, Quang thấy rõ cuộc chiến diễn ra giành và giữ chiếc bo bo. Người lính đặc công chạy ra ngăn bọn lính cướp bo bo đã nằm bất động trên cát san hô, Chiếc bo bo đã được đẩy ra nổi trên mặt nước thềm san hô. Đám lính bám theo bo bo, đã có người ngồi trong bo bo. Quang quét loạt đạn AK vào tốp lính bám quanh chiếc bo bo. Tốp lính đổ rạp. Người chồng chất trên bo bo. Người sõng soài trên mặt nước thềm san hộ. Người nằm tênh hênh trên cát san hô mép đảo. Chiếc bo bo dập dềnh vô định trên mặt nước thuỷ triều đang lên. Từ bãi dừa, Quang phóng ào xuống định lôi chiếc bo bo về thì loạt đạn AR15 từ chiếc bo bo quất tới. Quang khựng lại và đổ vật xuống bãi san hô mép đảo. Lúc đó là bốn giờ ba mươi sáu phút sáng ngày mười bốn tháng tư năm một ngàn chín trăm bảy mươi nhăm.
Trong ánh sáng đã lan rộng khắp mặt biển, chứng kiến người lính của mình đổ gục gần chiếc bo bo và nghe tiếng nổ chát chúa của các cỡ đạn từ nhà chìm xối xả bắn ra, trung uý phân đội trưởng Quế quát người lính miền Nam bị bắt:
– Thạnh! Mày có thấy gì không? Mày có thấy cả đống xác chết ở chỗ chiếc bo bo không? Còn đối đầu nhau còn rải xác chết khắp đảo cũng không thay đổi được kết cục đã được định đoạt rồi. Cả dải đất miền Nam rộng lớn, các ông tướng của mày còn không giữ được thì làm sao bọn mày giữ được hòn đảo lẻ loi, nhỏ bé này. Mày bảo đảo trưởng của mày buông súng ra đây nói chuyện với tao bằng lời, bằng tiếng Việt. Nói với nhau bằng súng đạn, bằng máu như vậy đủ rồi. Súng đạn không giải quyết được gì mà chỉ dẫn đến cái chết cho cả hai phía như đống xác chết ở chỗ chiếc bo bo kia kìa. Chết vậy uổng lắm! Đau lắm! Tao giao nhiệm vụ, mở đường sống cho mày và mở đường sống cho cả đám đang vãi đạn ra tìm cái chết trong nhà chìm đấy. Mày làm đi.
Giao cho tổ ba người của Cách dẫn người lính miền Nam bò lại gần nhà chìm, trung uý Quế cũng bò sát bên Cách. Dừng lại sau gờ cát san hô cách nhà chìm chỉ một tầm người, đợi trong nhà chìm ngớt đợt xối đạn, người lính miền Nam nhỏm lên hướng vào nhà chìm, cất tiếng lúc đầu giọng người lính miền Nam còn run rẩy, yếu ớt, mỏng manh. Ngay sau câu đầu tiên run rẩy xưng tên, người lính nhận ra tiếng nói của anh bị gió bạt đi. Thoáng im lặng, tiếng người lính bỗng mạnh mẽ, vang động, rõ ràng và tha thiết:
– Tôi là trung sĩ Thạnh xin có lời trình thiếu uý đảo trưởng. Quý thầy, a . . .a . . ., qúi anh giải phóng đã có mặt trên đảo, đã kiểm soát toàn bộ đảo. Nhà chỉ huy của thiếu uý đảo trưởng đã bị vây chặt, đã bị đặt thuốc nổ quanh tường. Quí anh giải phóng yêu cầu thiếu uý đảo trưởng buông súng, giao đảo cho quí anh giải phóng. Quí anh giải phóng sẽ không kích nổ những khối thuốc nổ lớn đã đặt quanh nhà thiếu uý đảo trưởng, bảo đảm an toàn cho thiếu uý đảo trưởng và binh sĩ của thiếu uý. Quí anh giải phóng yêu cầu thiếu uý đảo trưởng thực hiện ngay. Trung sĩ Thạnh trình thiếu uý đảo trưởng.
Dứt lời, người lính miền Nam quay lại nhìn trung uý Quế như muốn hỏi tôi nói vậy được chưa thưa quí anh giải phóng. Giọng miền Nam trầm, ấm và chứa chất cả nỗi xúc động của người lính miền Nam làm cho Cách khấp khởi hi vọng rằng lời kêu gọi buông súng sẽ được đáp ứng. Trung uý Quế cũng nhỏm người lên hướng vào nhà chìm, nói to:
– Tôi là chỉ huy quân giải phóng ra thu hồi quần đảo Trường Sa. Yêu cầu quân đang đồn trú trên đảo Song Tử Tây buông súng ra trình diện, bàn giao đảo cho quân giải phóng.
Trong nhà chìm vẫn im phắc. Cả tiếng gió, cả tiếng sóng cũng lặng đi. Trong lặng lẽ chờ đợi bỗng những bàn tay trần xoè năm ngón tay giơ lên ngang đầu nối nhau ra khỏi nhà chìm.
Thay tiếng súng, tiếng Việt cất lên ở đảo Song Tử Tây sáng ngày 14.4.1975 đã chấm dứt mọi tiếng nổ súng đạn, đã dập tắt mọi cột lửa khói. Không có mảnh vải trắng buộc ở đầu súng giơ cao, chỉ có hai bàn tay trắng giơ lên trên đầu những người lính đi ra từ ngôi nhà chìm. Hai người đi đầu là thiếu uý đảo trưởng và chuẩn uý đảo phó.
Rất muốn biết tên tuổi, mặt mũi thiếu uý đảo trưởng, chuẩn uý đảo phó và những người lính miền Nam lần đầu tiên Cách giáp mặt, rất muốn biết trung uý phân đội trưởng Quế ứng xử thế nào với những người lính miền Nam buông súng giao lại đảo cho lính miền Bắc nhưng khi vừa nhìn thấy người lính đầu tiên giơ hai tay lên cao ra khỏi nhà chìm, Cách vội phóng xuống mé Tây Bắc đảo nơi Quang nằm úp mặt xuống cát san hô dưới những tia nắng đầu tiên khi mặt trời vừa nhô lên trên mặt biển. Thuỷ triều đã lên cao. Đầu Quang chìm trong nước biển dập dềnh, tóc loã xoã trong nước như một cụm rong rêu.
4. BÓNG DỪA CỦA HÔM QUA. BÓNG DỪA CỦA NGÀY MAI
Nguyễn Hữu Cách dừng lời đã lâu. Cả Cách và tôi cứ ngồi lặng nhìn ra biển. Mấy cánh chim từ biển bay về lượn vòng rồi xà xuống đảo. Một đôi chim từ đảo vụt bay lên lại lượn vòng trên vòm trời có những đám mây nhận được tia nắng cuối cùng trong ngày, đỏ rực lên được dân gian gọi là ráng đỏ. Dân gian còn nhận ra điềm báo nắng mưa ở màu sắc của ráng mây “Ráng vàng thì nắng, ráng đỏ thì mưa”. Đảo đang vào mùa mưa mà ráng chiều đỏ rực thì đêm sẽ có mưa mát mẻ. Nhớ đến ba nấm mộ dưới bóng mát những tán dừa nhưng chỉ có nấm mộ mé ngoài, phía Bắc có tấm bia gỗ ghi tên liệt sĩ Tống Văn Quang, tôi hỏi Cách:
– Trên đảo chỉ có một tấm bia Liệt sĩ Tống Văn Quang. Như vậy rạng sáng 14.4.1975, ta chỉ bị mất một người thôi, phải không?
Cách nhìn những mầm cỏ mới lên xanh mướt trên cát san hô sau những trận mưa đầu mùa, nói:
– Ta mất hai người anh ạ. Cả Quyền nữa. Nguyễn Văn Quyền quê ở Vĩnh Bảo, Hải Phòng. Quyền thuộc phân đội Hai của trung uý Cường, ở Nam đảo. Trước cả Quang, Quyền là người đầu tiên lao ra chặn tốp lính định cướp bo bo, bị họ bắn trả. Đạn găm vào bụng. Quyền bị thương được đưa lên trạm quân y dã chiến trên tàu chỉ huy của trung tá Mai Năng, được sơ cứu rồi đưa về Đà Nẵng nhưng chưa về đến Đà Nẵng, Quyền mất ngay ngày thứ hai trên biển. Mộ Quyền ở Đà Nẵng nên ở đây chỉ có mộ Quang.
Tôi lại hỏi:
– Còn hai ngôi mộ không có bia có phải mộ lính miền Nam bị bắn ở chỗ chiếc bo bo không?
– Quân miền Bắc cả đấy anh ạ. Kì lạ là lính miền Nam ở cả nhà chìm, ở cả chỗ bo bo chỉ bị thương thôi, không ai chết trên đảo. Số người bị thương được sơ cứu rồi đưa lên tàu về Đà Nẵng cùng với Quang. Căn nhà chìm mà trinh sát đã bò đến đếm từng mạng lính miền Nam và bọn em dồn dập thả thủ pháo vào nhà cũng chỉ đánh vào căn nhà trống không. Khi quả đạn ĐKZ thổi bay mái nhà, lính ở đó liền theo lối ngách rút hết sang căn nhà chìm thấp hơn, mái nhà ngang với mặt đảo. Nhà chìm là căn hầm chắc chắn và kín đáo lính trinh sát ta không phát hiện được. Năm người lính chạy ra bo bo đều dính đạn AK nhưng không ai chết. Họ cũng được quân y dã chiến trên tàu chỉ huy băng bó sơ cứu và được đưa về Đà Nẵng cùng chuyến tàu với Quyền. Tàu cũ, tốc độ chưa đến mười hải lí giờ. Vượt 480 hải lí phải mất ba ngày. Cũng như Quyền, ba người lính miền Nam mất khi chưa về đến Đà Nẵng.
Vậy hai người dưới nấm mồ vô danh là ai? Tôi đang băn khoăn tự hỏi thì Cách như đang bị câu chuyện cuốn đi, lại cho tôi biết rành rẽ:
– Hai nấm mộ chưa có bia ghi tên là lính ta tự sát đấy anh ạ. Chắc anh không thề ngờ rằng lính chinh chiến từ Bắc vào Nam, từ Cửa Việt đến Trường Sa, chiến đấu không sợ chết thế mà lại tự tìm đến cái chết lãng nhách. Không thể ngờ nên càng đau xót cho thân phận lính tráng anh ạ.
Lặng đi lúc lâu Cách lại rì rầm như khi rì rầm kể về cánh quân từ Quảng Yên cuốn vào Đà Nẵng rồi gấp gáp ra Trường Sa:
– Đã là lính, ai cũng hiểu được rằng trong chiến tranh phải xa nhà, phải hi sinh những đòi hỏi, những nhu cầu chính đáng của con người riêng tư như là lẽ đương nhiên. Hết chiến tranh rồi thì không thể hi sinh mãi. Ai cũng mong được về với cuộc sống đời thường của con người. Nhưng bọn em ở Trường Sa như bị bỏ quên. Vẫn đằng đẵng chịu đựng kham khổ, thiếu thốn như thời chiến tranh. Còn kham khổ, thiếu thốn hơn cả thời chiến tranh nữa. Vì thời chiến tranh còn được ở trong đất liền. Sau những trận đánh vờn nhau với cái chết trong căn cứ giặc lại trở về hậu cứ giữa làng quê. Dù bận rộn, căng thẳng đến đâu vẫn có buổi sáng chủ nhật ra ngồi quán nước bên đường tán chuyện với chị chủ quán có đôi mắt lúng liếng và ngắm dáng thôn nữ đội nón ra đồng, đạp xe đi học. Ngoài đảo không còn những trận đánh chui hàng rào thép gai, lách qua bãi mìn nhưng cuộc sống căng thẳng như một hàng rào thép gai, như một bãi mìn vô tận. Ngày nắng cháy, trần lưng làm trận địa phòng thủ. Đêm thăm thẳm trằn trọc nỗi nhớ, bần thần nỗi thèm khát. Thèm từ lá rau xanh. Thèm cả tiếng gà gáy. Lại càng thèm tiếng con gái êm ái, dịu dàng. Quanh năm suốt tháng chỉ có nước biển mặn chát, chỉ có cát san hô bỏng rát, chỉ có mấy thằng lính con trai đen nhẻm và trùng trục cơ bắp như nhau. Những cái thiếu tưởng như rất nhỏ nhặt, ngọn rau xanh trong bữa ăn, bóng dáng người đàn bà trong cuộc sống, cũng làm cho con người mất đi sự cân bằng, hài hoà, cuộc sống trở nên không bình thường. Mà sự mất cân bằng cứ kéo dài như vô tận làm cho lính trẻ mất lí trí, mất tỉnh táo đến quẫn trí. Quẫn trí nghĩ rằng người trong đất liền mải ngất ngây với chiến thắng mà quên những thằng lính trần trụi trên núm cát san hô nhỏ xíu như đang còn trôi dạt bơ vơ, vô định trên ngọn sóng. Là con người có quê hương, có gia đình mà cuộc đời những người lính ở Trường Sa cũng bơ vơ vô định như núm cát hoang vu trôi dạt bất định trên biển. Quẫn trí nên lính kê nòng súng vào người tự sát, anh ạ.
Lặng đi lúc lâu, Cách lại rì rầm:
– Giữa năm 1975 còn kiếm được mảnh gỗ, lấy mũi dao găm vạch tên Quang. Giữa năm 1976 không kiếm được vật liệu làm bia mộ tạm cho hai ông bạn lính nông nổi xấu số nhưng trong sổ sách của đảo có đủ hồ sơ mộ chí. Đơn vị đã gửi giấy báo tử về gia đình. Rồi gia đình sẽ ra đảo đưa hài cốt về quê. Nhưng lính trẻ, vợ con chưa có. Dù thương nhớ con, bố mẹ già cũng không thể sống mãi. Anh em dù ruột thịt cũng mỗi người mỗi phận. Nắm xương khô dù có đưa về quê, hồn ma lính trẻ cũng vẫn chỉ là cô hồn vất vưởng nên em thấy bọn lính chúng em không may chết ở đảo cứ để nằm ở đảo, hàng ngày có đồng đội gần gũi, có lẽ tốt hơn. Hơn nữa hòn đảo cần có tinh thần, ý chí người sống, cũng cần có cả hồn thiêng người chết. Có dương, có âm mới là thế giới con người, cuộc sống mới có hiểu sâu và bền vững.
Rất bất ngờ về điều người lính trẻ quê làng đạo vùng biển Nghĩa Hưng, Nam Định vừa nói nhưng tôi vẫn im lặng nhìn những con sóng trắng ngẩn ngơ, lang thang vô định trên mặt biển đang tối thẫm dần ngoài khơi xa,. Bóng đêm đang chậm chạp lan trên biển. Gió đột ngột mạnh lên, ném cát bay rào rào. Cách lại lên tiếng:
– Anh có thấy cây dừa cụt ngọn ở khoảng trống giữa đảo không? Rạng sáng 14.4.1975 một quả đạn cối tám hai đã phạt ngang thân nó đấy. Còn hai cây dừa đổ rạp ở rìa Bắc đảo là bị trận bão tháng tám năm 1975 quật ngã. Đào hào chiến đấu, bọn em luôn gặp những gốc dừa lớn đã mục, vùi sâu trong cát san hô. Có gốc chỉ còn là một vệt đất mùn nâu xẫm, tơi xốp với vài mảnh thân dừa, vài sợi rễ chưa phân huỷ hết. Có gốc dừa bộ rễ đồ sộ, bền chắc của nó vẫn còn nguyên vẹn bám sâu trong cát san hô. Ở đảo em mới nhận ra cây dừa không phải chỉ cho hòn đảo trần trụi một khoảng bóng râm, cho tâm hồn lính một khoảng bình yên, thanh thản. Thân dừa vùi trong cát san hô còn cho hòn đảo có thêm sức sống. Chỉ có cát san hô thì cỏ cũng không sống nổi. Nhờ có lớp phân chim, cỏ mới bén rễ được. Rồi những trái dừa già từ những bãi dừa ven biển trong đất liền rớt xuống biển, được sóng đưa ra đảo, được cỏ giữ lại và nảy mầm bén rễ vào cát phân chim. Dừa sống che bóng mát cho đảo cát san hô bớt trần trụi. Dừa chết tạo ra lượng đất mùn quí giá cho màu xanh trên đảo. Nhờ có đất mùn thân dừa, đảo mới có màu xanh của cây bàng quả vuông, cây phong ba, cây sâm đất. Mùa mưa thứ hai ở đảo, mùa mưa năm 1976 , bọn em đã trồng được hơn năm trăm mầm dừa. Những chỗ có đất mùn của xác dừa, mầm dừa non lên xanh tốt nhanh lắm anh ạ.
Tôi đã thấy những cây dừa non xanh mơn mởn sau những trận mưa đầu mùa đang trải rộng màu xanh cho hòn đảo. Tôi cũng đã đứng bên thân dừa cụt ngọn như cái cột nhà bị mất mái, để lại một khoảng cát san hộ trống trải giữa đảo. Ngồi với Cách ở ghế đá trong chiều muộn, ánh sáng đang tắt dần, không nhìn thấy thân dừa cụt ngọn nhưng lời Cách nhắc đến cây dừa chết đứng vì bị đạn cối phạt mất ngọn rạng sáng 14.4.1975 tôi lại nhớ lời Cách kể về buổi sáng 14.4.1975, về những người lính trẻ đều là người Việt đổ vật ở mép đảo trong làn đạn của hai sắc lính vãi cái chết cho nhau, về khoảnh khắc người chỉ huy chiến dịch Trường Sa, trung tá Mai Năng đặt chân lên đảo Song Tử Tây rạng sáng hôm đó.
Sáng sớm ngày 14.4.1975, dòng lính miền Nam nối nhau ra khỏi nhà chìm vừa dứt thì trung tá Mai Năng bước lên đảo Song Tử Tây, cùng trung uý Cường đến bên người lính nằm gục trên cát san hô ở chỗ chiếc bo bo rìa Tây Bắc đảo. Ra lệnh chuyển những người lính bị thương, cả lính miền Bắc, cả lính miền Nam lên cấp cứu ở trạm quân y dã chiến trên tàu chỉ huy rồi đưa ngay về đất liền, trung tá Mai Năng đến bia chủ quyền giữa đảo, nơi trung uý Quế đang đôn đốc những người lính miền Bắc làm công việc phi quân sự hoá những người lính miền Nam bằng cách yêu cầu họ giao nộp hết vũ khí, trút bỏ bộ đồ lính và khai báo nét chính nhân thân của họ. Dẫn đến trước trung tá Mai Năng người lính miền Nam quần đùi, áo sơ mi trắng ngắn tay, trung uý Quế nghiêm giọng đúng quân phong, quân kỉ nhưng lời báo cáo thì chưa hẳn đã đúng điều lệnh:
– Báo cáo trung đoàn trưởng. Thiếu uý đảo trưởng quân miền Nam xin được gặp trung đoàn trưởng. Tay thiếu uý này rất được trung đoàn truỏng ạ!
Trung tá Mai Năng cho dẫn viên thiếu uý đảo trưởng về nhà chìm mé Nam đảo và người chỉ huy quân miền Bắc đã ngồi nói chuyện với người chỉ huy quân miền Nam trấn giữ đảo Song Tử Tây đến tận trưa. Bảo lính công vụ mang đến hai suất ăn trưa được nấu ở bếp trên tàu chỉ huy, trung tá quân miền Bắc cùng ăn bữa trưa dã chiến với viên thiếu uý quân miền Nam trên núm cát san hô còn hoen máu những đứa con yêu mang hai sắc lính của người mẹ Việt Nam.
Người lính đặc công đã tạo ra biển lửa đốt máy bay Pháp ở sân bay Cát Bi, Hải Phóng. Người anh hùng đánh chìm tàu chiến Mỹ ở quân cảng Cửa Việt, Quảng Trị. Người chỉ huy đạo quân ra nhận những núm cát san hô trong quần đảo Trường Sa của lịch sử Việt Nam, của cha ông người Việt để lại. Người lính đó năm 1975 là trung tá trung đoàn trưởng trung đoàn đặc công nước 126. Mười bảy năm sau người lính đó là thiếu tướng Tư lệnh binh chủng Đặc công. Tư lệnh binh chủng Đặc công Mai Năng về hưu năm 1998 nhưng vốn là lính đặc công nước của hải quân, dịp 14.4.2014, bộ tư lệnh Hải Quân đã tổ chức đưa người lính Mai Năng của sông, biển trở về với biển đảo Trường Sa, nơi ông và những người lính của ông đã góp thêm vào trang sử đương đại Việt Nam những dòng bi tráng. Dịp này cũng có người của xưởng phim Quân Đội mang máy quay phim theo người lính già Mai Năng ra đảo Song Tử Tây. Nhờ vậy tôi lại được biết thêm về chuyến đi biển cuối cùng của người lính sông biển Mai Năng.
Ngày 14 tháng tư năm 2014 lịch tây lại đúng ngày rằm tháng ba lịch ta. Mặt trăng tròn vành vạnh thả ánh sáng huyền ảo xuống biển. Trong ánh trăng, tán dừa lại thả bóng la đà xuống đảo Song Tử Tây. Trong bóng dừa xao động giửa đảo, trước những người lính trẻ quây quần chung quanh, người lính chiến trận Mai Năng lại bắt đầu bằng câu “Các đồng chí” như mấy chục năm trước ở quân cảng Đà Nẵng khi giao nhiệm vụ cho những người lính ra Trường Sa, ông cũng mở đầu như vậy.
– Các đồng chí. Tôi muốn kể với các đồng chí mẩu chuyện nhỏ về hòn đảo mà các đồng chí đang làm chủ. Dù chuyện cách đây đã mấy chục năm nhưng tôi vẫn để trong dạ. Chuyện chỉ đơn giản thế này thôi. Khi toàn bộ quân miền Nam đồn trú ở đảo Song Tử Tây buông súng, giao lại đảo cho quân miền Bắc, chấm dứt trận đọ súng ngắn ngủi nhưng cũng đủ đẫm máu, viên thiếu uý quân miền Nam thuộc quân địa phương tỉnh Phước Tuy mặc xà lỏn, đến gặp tôi, nói với tôi rằng chúng tôi đã nhận được lệnh từ chỉ huy và từ chính trái tim chúng tôi phải tử thủ bảo vệ đảo và chắc chắn chúng tôi sẽ thực hiện như vậy nếu là quân nước ngoài chiếm đảo. Tuy vậy nghe thấy tiếng các ông, tiếng người Việt yêu cầu buông súng, giao lại đảo cho người Việt thì tôi thấy không cần tử thủ nữa. Biết chắc là người Việt, là quân Bắc Việt, tôi đã ra lệnh buông súng. Khẩu súng từ tay người lính mang dòng máu Việt Nam không thể xả đạn vào đầu, vào ngực người lính cũng mang dòng máu Việt Nam. Chúng tôi chỉ buông súng trước người Việt. Chúng tôi còn sống thì không bao giờ để hòn đảo này rơi vào tay người nước ngoài. Mẩu chuyện chỉ có vậy mà tôi không thể quên. Như tôi không thể quên câu mẹ tôi vẫn nói đói cho sạch, rách cho thơm từ ngày tôi còn nhỏ. Người Việt là như vậy. Người Việt dù ở bên nào cuộc chiến cũng vẫn là người Việt. Chúng ta có được đất nước như hôm nay là nhờ lớp lớp thế hệ người Việt như vậy đó các đồng chí ạ.
Nhấp ngụm nước dừa trong chiếc li nhựa, người lính già Mai Năng nói tiếp:
– Chuyện trò với người chỉ huy quân miền Nam bảo vệ đảo Song Tử Tây tôi còn được biết rằng viên thiếu uý quân miền Nam lại là cháu gọi một đồng chí lãnh đạo quân chủng Hải Quân miền Bắc lúc đó là chú ruột. Thật trớ trêu, hai chú cháu cùng ý chí giữ gìn non nước Việt Nam lại ở hai chiến tuyến đối kháng tiêu diệt nhau. Khi những người lính miền Nam buông súng thì năm người lính đều là người Việt, ba người lính miền Nam, hai người lính miền Bắc đã bị những loạt đạn từ họng súng trong tay người Việt giết chết trên núm cát san hô của tổ tiên người Việt. Năm mươi ba lính miền Nam giữ đảo Song Tử Tây. Bốn mươi bốn lính miền Bắc ra nhận lại đảo. Cả hai bên cộng lại chưa đến một trăm người. Chỉ vài loạt đạn quất vào nhau mà năm người chết. Tỉ lệ chết chóc tới hơn năm phần trăm. Tính thêm cả gần chục người bị thương nữa, tỉ lệ thương vong lên đến hơn mười phần trăm. Chết chóc nhiều quá. Ngày lịch sử 14 tháng tư năm 1975 của đảo Song Tử Tây là như vậy. Ngày lịch sử 30 tháng tư năm 1975 của cả dải đất Việt Nam cũng hệt như vậy.
Người lính già dừng lời. Những người lính trẻ vẫn ngồi lặng. Tiếng tán dừa lao xao trong gió. Tiếng biển rì rầm xa thẳm. Chợt tiếng người lính già lại nổi chìm trong tiếng gió, tiếng biển:
– Sang năm mới tròn 40 năm ngày 14 tháng tư năm 1975 và tròn 40 năm ngày kết thúc cuộc chiến tranh trong lòng đất nước Việt Nam. Năm nay tôi tám mươi tư tuổi rồi. Sức khoẻ suy giảm từng ngày. Sang năm chắc gì tôi còn đủ sức khoẻ đi biển nên dịp mười bốn tháng tư và ba mươi tháng tư năm nay bộ tư lệnh Hải Quân ưu ái cho tôi có được chuyến đi dối già này, cho tôi có cuộc gặp này để tôi được nói đôi điều chân thật như những lời của một người già gửi gắm lại. Tôi xin cảm ơn bộ tư lệnh Hải Quân cho tôi có dịp trở lại hòn đảo nhỏ đã viết nên sự kiện 14.4.1975 và tôi cũng có nỗi áy náy xin được cảm phiền là khi tiễn tôi xuống tầu ở Hải Phòng ra Trường Sa, chính uỷ quân chủng Đinh Gia Thật nhắc đi nhắc lại rằng qua những câu chuyện truyền miệng của lính, lính trẻ hải quân đều biết tên tôi và đều mong gặp được người thật. Chính uỷ Thật bảo rằng thần tượng của tuổi trẻ trong xã hội hôm nay là những ngôi sao ca nhạc còn thần tượng của tuổi trẻ trong quân ngũ vẫn là những người lính trận mạc như tôi. Làm công tác chính trị, tư tưởng với tôi rồi chính uỷ Thật giao nhiệm vụ bảo tôi ráng đến tất cả các điểm có lính ta đang trấn giữ ở Trường Sa. Tôi đi một vòng Trường Sa rồi cuối tháng, lãnh đạo quân chủng sẽ đón tôi ở Sài Gòn trong bữa tiệc mừng hai sự kiện. Sự kiện 14 tháng tư và sự kiện 30 tháng tư năm 1975. Gặp các đồng chí là tôi đang thực hiện nhiệm vụ do chính uỷ quân chủng giao. Tôi sẽ ráng đi được đảo nào hay đảo đó. Còn chắc chắn tôi sẽ không về Sài Gòn dự bữa tiệc mừng hai sự kiện tháng tư năm 1975.
Lặng đi lúc lâu, người lính trận mạc lại rì rầm:
– Ở hòn đảo nhỏ xíu này, ở mép nước lúc thuỷ triều lên phía Tây Bắc đảo, tôi đã chứng kiến những cái chết của người Việt ở cả hai phía cuộc chiến. Hằng năm, đến ngày mười bốn tháng tư và đến ngày ba mươi tháng tư, lại nhắc tôi nhớ đến những dòng máu người Việt đổ ra ở Song Tử Tây, những dòng máu người Việt đổ ra trên cả dải đất Việt Nam. Những dòng máu ấy cứ chảy mãi trong tâm tưởng tôi. Tôi xin thú thật rằng tôi không còn bụng dạ nào ăn mừng sự kiện đổ máu đó.
Phạm Đình Trọng


