Cháy nhà trọ ở Trung Kính, Hà Nội ngày 24/5: Chết cháy đến bao giờ? và Ai là kẻ chịu trách nhiệm?

Tạ Duy Anh: CHẾT CHÁY ĐẾN BAO GIỜ?

Cứ tưởng sau vụ cháy chung cư mini ở quận Thanh Xuân, việc kiểm soát nghề kinh doanh nhà trọ phải được siết chặt ở mức nghiêm ngặt? 

Nhưng qua vụ cháy làm 14 người chết rạng sáng nay ở Trung Kính, Hà Nội, cho thấy giữa nói và làm của các cơ quan quản lý luôn cách nhau quá xa. 

Đừng để LỜI CHIA BUỒN thành lời dễ nói ra miệng nhất vì nó có sẵn.

Có những nghề kinh doanh chẳng gây chết ai, như kinh doanh sách báo, nhưng nhà chức trách vẫn tận tụy đặt ra vô số điều kiện, cùng với một đội ngũ hùng hậu những người chuyên làm công việc rình mò, dò la để ngăn chặn tối đa những cuốn sách mà người dân cần nhưng chính quyền không thích. Trong khi đó hầu như tháng nào, nếu tính cả nước thì khoảng cách chỉ còn là tuần, tức tuần nào cũng có người chết cháy, chủ yếu là khách thuê nhà trọ, nhưng việc quản lý nghề kinh doanh này vẫn rất à uôm. 

Kinh doanh nhà trọ là một quyền kiếm sống hợp pháp, nhưng nó cần phải tuân thủ các điều kiện an toàn cực kì nghiêm ngặt, như bất cứ nghề gì liên quan đến tính mạng con người. Từ khâu thiết kế, phương pháp xây dựng, hệ thống điện, hệ thống thiết bị báo và chống cháy nổ, lối thoát hiểm trong điều kiện xảy ra hỏa hoạn, kể cả phải đảm bảo ở vị trí có thể dùng xe cứu hỏa, rồi chỗ để xe máy….đều phải được cơ quan chức năng thẩm định, phê duyệt từng hạng mục và phải có người giám sát việc tuân thủ các yêu cầu bắt buộc, lưu vào hồ sơ. Chúng đều phải căn cứ trên những giả định xấu nhất, xác suất xảy ra nhỏ nhất khi đặt các yêu cầu kĩ thuật. 

Giả dụ một khu nhà trọ có từ 10 phòng trở lên, số người thuê tối đa có thể tới 30- 40 người. Hãy giả định mỗi người có một bếp từ cá nhân và họ cùng bật lên để nấu nướng, thì đường dây điện chôn trong tường công suất sẽ phải rất lớn mới không quá tải. Đừng đưa ra lý lẽ rằng trường hợp đó sẽ không xảy ra, xác suất rất nhỏ, để hạ chuẩn an toàn. Nếu chủ kinh doanh không đáp ứng các điều kiện an toàn cháy nổ, thì không cho phép họ xây dựng. Chỉ đơn giản vậy thôi mà sao cứ khó thực hiện đến vậy.

Nhưng hiện tại, hàng trăm khu nhà trọ vẫn đang mọc lên và chỉ bằng quan sát thông thường cũng thấy các yêu cầu vừa nêu ở trên, với họ, giống như chuyện nói cho vui?

Không ai được phép vừa cho thuê trọ, vừa cho thuê kinh doanh nghề dễ gây cháy nổ, như trường hợp của khu nhà trọ vừa xảy ra hỏa hoạn? 

Nhưng họ có vẻ chả gặp bất cứ sự ngăn cản, nghiêm cấm nào từ phía chính quyền?

Tạ Duy Anh

***

Anh Quốc: AI LÀ KẺ CHỊU TRÁCH NHIỆM?

Hà Nội lại cháy nhà trọ 14 người chết, 6 người bị thương.

Cách đây hơn nửa năm 56 người chết trong vụ cháy chung cư mini ở phường Khương Đình… đây là những vụ cháy có mức thiệt hại nghiêm trọng, có thể liệt vào thảm họa quốc gia.

Và cũng như bao nhiêu vấn nạn khác người dân lại đặt câu hỏi: Ai sẽ chịu trách nhiệm?

Tất nhiên sẽ có vài người trong hệ thống công quyền- những người liên quan trực tiếp đến việc quản lý, kiểm tra trên địa bàn xảy ra vụ cháy sẽ bị khởi tố để dẹp yên dư luận, và mọi việc sẽ đâu và đấy.

Điều này khiến người dân chẳng hề yên tâm, thảm họa sẽ vấn tiếp tục, rơi vào nhà nào nhà ấy chịu, như một sự hên xui với cuộc đời.

Vì sao vậy?

Vì Hà Nội người vẫn như nêm cối, mọi thành phần nghèo khổ tứ xứ đến đây làm ăn sinh sống trong những ngôi nhà chật hẹp nằm trong ngõ ngách, vẫn ngang nhiên mọc lên, ngang nhiên tồn tại.

Gần một thế kỷ Chính quyền Nhân dân được thành lập, bộ máy đồ sộ từ tổ trưởng dân phố, đội tự quản, công an khu vực, ủy ban, hội đồng nhân dân cấp phường xã, đến các bộ này, bộ nọ, cùng với các lực lượng chuyên chính công an, quân đội, thanh tra, toà án, viện kiểm sát …

Nhà nước pháp quyền luật này, luật kia đủ cả, quy hoạch đô thị, quy định về an toàn phòng cháy chữa cháy, về trật tự đô thị, về văn hoá mới … Thông tư, nghị định ra đời chất hàng núi đọc không hết.

Nhưng trật tự nhất là trong trật tự trong xây dựng bị vi phạm nhiều nhất. Dân vi phạm vì cuộc mưu sinh, quan vi phạm vì lòng tham của họ được thỏa mãn, giữa dân và quan sống cộng sinh với nhau đẻ ra một thứ luật “PHẠT CHO TỒN TẠI” sau nhiều thập kỷ những tồn tại này tích lũy lại đã biến đô thị đặc biệt là Hà Nội trở nên mất kiểm soát, lộn xộn và nham nhở.

Những đời lãnh đạo Hà Nội nối tiếp nhau, thi nhau vẽ ra các tầm nhìn, thay đổi quy hoạch theo lợi ích ngắn hạn. Vì lợi ích trước mắt không có kẻ nào dại gì động vào đống thối của người tiền nhiệm để lại, nhiệm kỳ sau kế thừa nhiệm kỳ trước không có vấn nạn được giải quyết triệt để mà đẻ thêm, phát sinh thêm những thứ rối rắm, tệ hại hơn.

PHẠT CHO TỒN TẠI là cách kiếm tiền để phủi trách nhiệm cũng theo đó tồn tại như một thứ luật trên mọi thứ luật trong xã hội đã có từ gần chục thập kỷ trước, và bây giờ mỗi khi có vấn nạn xảy ra đi tìm kẻ để quy trách nhiệm có khi phải bới mồ nhiều kẻ.

Xã hội đại loạn thằng vô trách nhiệm to hơn đi bắt thằng vô trách nhiệm bé hơn cũng là quy luật “Cá lớn nuốt cá bé” rơi vào kẻ nào, kẻ ấy thiệt.

Ai, kẻ nào mới thực sự là kẻ chịu trách nhiệm?

Khi các thảm họa vẫn diễn ra không thể kiểm soát sẽ không bao giờ trả lời được câu hỏi này.

Anh Quốc