Lam Nguyên: Đọc bài thơ Sơn Phòng Xuân Sự

Bài thơ Sơn Phòng Xuân Sự 山房春事 của Sầm Tham 岑参

Nhà thơ Sầm Tham/Cen Shen (715-770).

Một số nhà nghiên cứu văn học cho rằng vào thời đại nhà Đường (618-907) có nhiều vị rất lưu tâm ở 2 chữ “Bất tri 不  知”. Từ ngữ này đã ăn sâu vào thi ca!  Nhờ vào chữ nghĩa cùng tư tưởng của Thi-nhân để viết, tả thơ rất uyển chuyển. Ta có thể dùng bài thơ “Sơn Phòng Xuân Sự 山  房  春  事 ” của Thi sĩ Sầm Tham 岑  參:

Sơn Phòng Xuân Sự       山 房 春 事

Lương viên nhật mộ loạn phi nha       梁 園 日 暮 亂 飛 鴉    

Cực mục tiêu điều tam lưỡng gia  目  蕭  條  三  两 家 

Đình thụ bất tri nhân khứ tận 庭 樹 不 知 人 去 盡 

Xuân lai hoàn phát cựu thời hoa 春 來 還  發 舊   時 花

Sầm Tham 岑  參

Bài dịch thơ 1: 

Cảnh Xuân Ở Chốn Sơn Phòng

Vườn Lương chiều tối quạ bay

Nẻo xa trông thấy một vài nhà hoang

Cây sân nào biết tang thương

Xuân về lại nở như thường hoa xưa.

Lệ thần Trần Trọng Kim

Bài dịch thơ 2:

Cảnh xuân trong nếp nhà trên núi

Trời tối vườn Lương quạ dập dìu

Nhà xa mấy nóc cảnh đìu hiu

Cây sân chẳng biết người đi hết

Xuân tới, hoa xưa vẫn nở đều.

Ngô Tất Tố

Bài dịch thơ 3:

Cảnh Xuân Ở Sơn Phòng

Bầy quạ Lương Viên chiều tới tấp

Xa trông xơ xác bốn năm nhà

Cây sân chẳng biết người đi hết

Xuân đến, cành xưa vẫn nở hoa.

Bùi Khánh Đản & Đỗ Bằng Đoàn

Thi sĩ Sầm Tham 岑 參 (715 – 770), quê Nam Dương, thuộc tỉnh Hà Nam, trong một gia đình quan lại. Ông mồ côi rất sớm, lúc bấy giờ nhà lại nghèo, phải tự học. Từng đỗ Tiến Sĩ lúc 29 tuổi. Thi sĩ Sầm Tham sống ở biên cương lâu năm; đã  giúp việc quân ở Tân Cương, Cam Túc, Thiểm Tây. Ông đã sử dụng bút pháp lãng mạng vào những ca khúc miêu tả cảnh phong quan nơi chiến địa rất rõ nét. Thi phong thật đặc sắc… cận thể đoản thiên rất đẹp được truyền tụng trong nhân gian! Đã biểu hiện cảnh Xuân nơi biên tái thật tiêu điều trong những công việc hằng ngày. Thi ý thấu suốt cảnh Xuân Sự 春 事 mà tiền nhân thường bảo là “Phủ cảnh xuất hoài 撫  景出懷 mà chính khi chúng ta lưu ý  mới hiểu rõ trong danh từ nhà Phật “Âm thủy noãn lãnh tự tri 飲 水 煖 冷自知 (uống nước nóng hay lạnh tự ta mới cảm nhận được thôi!).

Hai chữ “Lương Viên 梁園 ” để gợi ta nhớ lại vườn thú của Lương Hiếu Vương 梁孝王 đời nhà Hán 漢 bên Trung Hoa.  Và cũng tại Vườn này mà Tư Mã Tương Như 司  馬相如 một nhà Từ Phú Gia 詞賦家  nổi tiếng thời bấy giờ được Vương đề cử làm  Hiếu Văn viên lệnh! Vườn nầy nay đã hoang phế rồi nhưng trong lòng của thi sĩ Sầm Tham 岑 參 vẫn còn lại cảnh tượng xưa phồn hoa đô hội nên đem lòng thương tiếc, thắm thía cái đau buồn của sự đổi thay như “Tịch dương Tây lạc 夕  陽  西  落” : Những con quạ bay đậu khắp nơi trong buổi chiều tà hoang vắng! Rồi tác giả nhìn xa chỉ thấy vài ba nóc nhà heo hút ở đây nói lên cái tâm trạng cô đơn giữa Cảnh Mùa Xuân Trong Nhà Trên Núi  山房春事. Cảnh sắc được triển khai rõ nét, đúng là vận bút chí cao, đề tài đúng cách “Thủ xả tinh thâm 取捨  精  深!”. 

Giờ ta nhìn lại câu:

Đình thụ bất tri nhân khứ tận 庭 樹  不 知 人 去 盡

Hai chữ “Đình thụ 庭  樹 = Cây cối mọc ở sân,để tả cảnh hiện tại vẫn y nhiên như cũ nhưng người đã đi mất rồi “ nhân khứ tận 人  去  盡 ” mà cây chẳng biết, nói lên cái biến đổi vô thường và mỉa mai thay Hoa Xuân năm nào vẫn nở trong cảnh  hôm nay! Để kết bài thơ bằng câu “Xuân lai hoàn phát cựu thời hoa 春來 還  發  舊  時  花”. Nhắc đến ngày giờ cũ “ cựu thời 舊  時” để nhớ lại cảnh xưa của Vườn Lương mà nhà văn học từng bảo rằng Thi sĩ Sầm Tham 岑 參 có sự nghiệp và văn chương vĩnh hằng bất hủ 永  恆  不  朽. Tới đây, chúng ta so sánh “cái Hoài vọng tiếc nuối ”trong bài thơ Ô Y Hạng 烏  衣  巷 của thi sĩ Lưu Vũ Tích 劉 禹 錫 ( 772- 842) tự Mộng Đắc, quê Bành Thành thuộc tỉnh Giang Tô. Đỗ Tiến sĩ năm 21 tuổi, sau lại đỗ khoa bác học hoằng từ; từng làm quan cũng từng bị biếm mấy lần. Lưu lạc trên đất khách trong nhiều năm. Đã sáng tác nhiều bài thơ châm biếm bọn quý tộc, cũng có những bài bộc lộ nỗi phẫn uất hoặc chỉ trích cái xã hội xấu xa đương thời!:

Chu Tước kiều biên dã thảo hoa 朱 雀 橋 邊 野 草 花

Ô y hạng khẩu tịch dương tà 烏 衣 巷 口 夕 陽  斜

Cựu thời Vương, Tạ đường tiền yến 舊 時 王 謝 堂 前 燕

Phi nhập tầm thường bách tính gia! 飛  入尋 常百  姓 家.

Lưu Vũ Tích 劉  禹  錫

Bài dịch thơ 1:

NGÕ Ô Y

Chu Tước bên cầu hoa cỏ tươi

Ô Y ngõ cũ bóng tà soi

Yến xưa làm tổ lầu Vương Tạ

Nay đến nhà dân ríu rít rồi.

Bùi Khánh Đản & Đỗ Bằng Đoàn

Bài dịch thơ 2:

Ngõ Ô Y

Bên cầu Chu Tước cỏ đìu hiu

Ngoài ngõ Ô Y nhạt bóng chiều

Chim yến hai nhà Vương, Tạ cũ

Lều tranh bách tính lại bay vào.

Tùng Vân

Bài dịch thơ 3:

Bên cầu Chu Tước cỏ hoa

Ô Y đầu ngõ bóng tà tà dương

Yến xưa đài các Tạ, Vương

Bay về đỗ chốn tầm thường dân gian.

T.P. 

Bài dịch thơ 4:

Ngõ Áo Thâm 

Bên cầu Chu Tước cỏ dại lan

Ngõ cũ Ô Y nắng chiếu ngang

Xưa kia én đậu lầu Vương Tạ

Ngày nay én liệng khắp thôn làng.

Nguyễn Đặng Bắc Ninh

Tạ An 謝 安 và Vương Đạo 王  導 đều là danh nhân thời Đông Tấn. Gia cư ở trong Ô Y Hạng nằm gần Cầu Chu Tước, rất tráng lệ nhưng thời cuộc thay đổi vô thường biến thành nơi ở của người dân dã, nghèo khó! Thi ca của họ Lưu 劉 cùng với họ Sầm 岑 mang tình vị thâm hậu rất tương hợp! Mà cổ nhân từng nói: “Viễn đạm  hữu thần 遠  淡有神. Ở bài thơ Sơn Phòng Xuân Sư 山房春事 họ Sầm 岑 đã dùng 2 chữ “Xuân lai 春 來 ” và “Cựu thời hoa 舊 時 花”; mang ẩn ý giống như  2 chữ “ Cựu thời 舊   時”  và “Phi nhập 飛  入” của Lư Vũ Tích 劉  禹  錫. Cái độc đáo trong 2 bài thơ nêu trên, cho người  đọc thấy sự đối nghịch “giữa nay và xưa = thời hiện tại và thời quá khứ! ”. Khoảng thời gian và không gian còn lưu tồn ngay nơi cá thể. Trong thời khắc hiện tại, chính là điểm xuất phát để tâm hồn Thi sĩ truy niệm, lưu luyến quá khứ…! Trong bài thơ tả cảnh đìu hiu nơi chiến địa; bầy quạ bay loạn xạ nhìn từ trong phòng của mùa Xuân; mùa yên vui hằng năm nơi cố lý! Cái nỗi khổ thể xác hòa cùng nỗi buồn hoài vọng quê nhà của tác giả làm người đọc chua xót thấm thía. Nhắc lại cái cảnh rộn rịp của Vườn Lương cũ để đối chiếu cảnh núi rừng hoang vu trong lúc này!  Đúng như câu của người xưa “Tịch liêu vạn cổ sầu 寂 寥 萬  古  愁!”.

Nói tóm lại, “Cựu thời Vương Tạ đường tiền yến 舊 時 王 謝 堂 前 燕” và “Phi nhậpTầm thường bách tánh gia 飛   入 尋 常 百 姓 家” của Lưu Vũ Tích không khác với ý trong bài Sơn Phòng Xuân Sự của Sầm Tham “Đình thụ bất tri nhân khứ tận   庭 樹 不 知 人去盡” và “Xuân lai hoàn phát cựu thời hoa 春來 還發舊時花”. Đây là  phản ảnh của sự thay đổi cực lớn giữa hiện tại và quá khứ nhưng muốn đạt được kết quả mỹ mãn này thì phải nhờ tài dụng bút hữu thần của các Thi nhân !. Chim én xuất hiện trong bài thơ Ô Y Hạng 烏  衣  巷; đây là hình tượng  và phương tiện nối kết giữa Kim 今Cổ 古 . Cho nên, có người từng bảo rằng “Cảm phát” không chỉ những dừng lại ở rung động tình cảm trong lòng thi nhân, mà còn làm cho độc giả cũng xót xa, rung động trước bối cảnh lịch sử văn hóa mang hương vị trong trạng thái vĩnh hằng với Thời-gianKhông-gian nữa! 

Lam Nguyên  藍  源

Seattle, vọng cố nhân hề thiên vũ trung…!