Đỗ Trường: Vô cùng – Một bài thơ thế sự hay của Hoàng Nhuận Cầm

Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm (7/2/1952–20/4/2021). Ảnh: Nguyễn Đình Toán.

Trước đây, tôi đã đọc Hoàng Nhuận Cầm. Có thể nói, ông viết về chiến tranh, về tình yêu ở cái thuở học trò với lời thơ đẹp, và mượt mà, nhưng dường như không để lại nhiều ấn tượng và cảm xúc trong tôi. Mấy năm trước, nghe nhà thơ Thế Dũng (Berlin) kể, Hoàng Nhuận Cầm đã chuyển sang làm phim ảnh gì đó. Hôm vừa rồi, nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên lưu trữ, hay tìm kiếm ở đâu đó được bài thơ Vô Cùng rất hay của ông. Bài thơ ra đời có lẽ vào khoảng hai mươi năm trước, song tính thời sự, và hình tượng nghệ thuật vẫn còn nguyên giá trị (nóng cứ hôi hổi):

Tất cả chúng ta thật lòng nói dối
Tất cả chúng ta áo đẫm mồ hôi
Tất cả chúng ta căn nhà chật chội
Giữa cõi vô cùng vô tận mà thôi.
Tất cả chúng ta đều bị theo dõi
Tất cả chúng ta sắp bị bắt rồi
Tất cả chúng ta như bầy chó đói
Ngửa mặt lên trời hóng bóng trăng rơi.
Tất cả chúng ta đều không vô tội
Mỗi đêm một tờ giấy trắng mồ côi.

Có thể nói, cả bài thơ như một lời sám hối vậy. Và sự dối trá, dẫn tội lỗi đến tận cùng ấy, không chỉ riêng của cường quyền thống trị, mà còn có sự ươn hèn của con người, của giới trí thức, văn nhân. Cái nỗi đau, sự cô đơn của người nghệ sĩ chìm trong những hình ảnh so sánh chờn chờn, rờn rợn, làm cho người đọc vã cả mồ hôi hột. Tính chân thực cùng với sự sám hối, tuy có muộn màng, song nó vẫn lưu lại trong ta cái nhân cách kẻ sĩ, và sự cảm thông của con người vậy. Đọc Vô Cùng của Hoàng Nhuận Cầm, tôi bị ám ảnh mất mấy ngày liền, vẩn vơ suy nghĩ mãi, đến nay mới có thể ngồi viết được mấy dòng cảm nhận này. Và có lẽ, Vô Cùng là một trong những bài thơ thế sự mang hình tượng dân dã nhất, mà tôi đã được đọc trong thời gian gần đây.

Và tiện đây, tôi cũng xin nhắc lại, gần đây có nhiều người, nhiều nhà thơ tên tuổi viết về đề tài thế sự, xã hội, song không phải bài nào cũng có thể trở thành, hay gọi là thơ. Bởi, thơ viết về đề nào đi chăng nữa dứt khoát phải có hình ảnh, hình tượng, buộc (hay cho) người đọc phải suy nghĩ và liên tưởng. Còn những dạng vần vè mang tính chất tụng ca (chế độ, lãnh tụ, đảng phái) dù có đầy đủ niêm luật, bố cục cũng chỉ là những bài tấu vè, (không phải là thơ) đọc nơi ma chay, hiếu hỉ mà thôi. Từ ngữ giàu cảm xúc, hình tượng và tư tưởng dù có phạm niêm luật thì vẫn hay, và khoái đọc hơn từ ngữ vần vè gò cho đúng niêm luật. Thật vậy, vấn đề này có lần tôi đã bàn luận với hai nhà thơ cộng đồng ở Đức Nguyễn Quốc Hùng và Bùi Nguyệt. Bởi, sự gò ép từ ngữ, cũng như họa thơ đã phá vỡ cảm xúc, ý tưởng, làm cho thơ nhàn nhạt, na ná giống nhau.

Có lẽ, hơn một lần, không riêng tôi, mà nhiều người đã viết: Ở xã hội nào cũng vậy, kể cả các nước tự do, đời sống giàu có, hạnh phúc như Âu – Mỹ, thì người cầm bút vẫn phải suy nghĩ độc lập, bóc trần những khoảng tối, để chế độ, và xã hội ngày càng hoàn thiện hơn nữa. Ấy mới là thơ văn đích thực.

Tôi buộc phải dài dòng bàn luận một chút như vậy, bởi có một số bác có làm thơ, và viết văn đã lâu, song đến nay, dường như vẫn còn lẫn lộn, hoặc không phân biệt được thơ và vè. Những khái niệm cơ bản này, chắc chắn thời trung học phổ thông, đã được thày cô giáo nhiều lần đề cập đến.

Tuy nhiên, đây là những suy nghĩ chủ quan của tôi, đúng sai còn tùy thuộc vào nhận thức tư tưởng của mỗi người.

Đỗ Trường