Lâm Quốc Anh : Phản biện bài viết của tác giả Tô Lệ-Hằng về nhân vật Trần Trọng Khiêm tức Lê Kim

LTS : Ngày 25/3 vừa qua Diễn Đàn Thế Kỷ có đăng bài viết « Vị anh hùng Việt Nam đến Hoa Kỳ năm 1849 (trước sứ giả Bùi Viện)” [1] của tác giả Tô Lệ-Hằng. Sau đó chúng tôi nhận được bài phản biện này của tác giả Lâm Quốc Anh, khi còn ở Việt Nam giảng dạy tại khoa Hóa, bộ môn thực phẩm, trường đại học Bách Khoa TP HCM. Năm 1994 rời Việt Nam đi tu nghiệp, tốt nghiệp Master và Ph.D. ngành Food Sciences ở Canada. Sau đó làm việc ở Trung tâm nghiên cứu thực phẩm bộ Canh nông Canda, rồi làm nghiên cứu cho một công ty dịch vụ tư nhân.
Trên tinh thần luôn luôn tôn trọng mọi quan điểm đa chiều, chúng tôi xin đăng bài viết này của tác giả Lâm Quốc Anh.

DĐTK

    ***

    Tập Một- Ông Trần Trọng Khiêm quê ở làng Xuân Lũng, Phú Thọ?

    Bây giờ cả triệu triệu người Việt tin như bắp rằng Trần Trọng Khiêm là nhân vật lịch sử, anh hùng dân tộc.

    Chẳng hạn như ở tỉnh Đồng Tháp, có nhiều bài báo ca tụng vị anh hùng này. Đài Truyền hình Đồng Tháp bỏ công thực hiện phóng sự công phu nhiều tập, kể lại chi tiết cuộc đời hùng tráng của chí sĩ Trần Trọng Khiêm.

    Bây giờ nếu có người nói rằng vị anh hùng này không hề tồn tại trên đời, chắc sẽ bị « ăn gạch, ăn đá » !

    Muốn thay đổi được suy nghĩ đã hình thành trong đầu nhiều người, chắc là không dễ dàng chút nào.

    Bài viết này sẽ chia làm nhiều tập bình luận, để thấy rõ, mọi tập đều giống nhau ở một điểm : sự không tồn tại trên đời của nhân vật Trần Trọng Khiêm-Lê Kim.

    Cuộc đời sóng gió Trần Trọng Khiêm bắt đầu bằng một án mạng : trả thù vợ bị hại chết, ông giết tên Chánh Tổng gian ác rồi đào tẩu, tình tiết y như trong truyện kiếm hiệp.

    Một ông chánh tổng gian manh, tàn ác như vậy, mà không có ai biết tên tuổi, cũng là chuyện lạ.

    Chuyện ông ta bị ám sát, nếu có thực, là một chuyện chấn động đương thời. Dân chúng sẽ bàn tán xôn xao, xỉ vả, tán đồng : tên quan ác ôn đền tội… bia miệng truyền đời…

    Chuyện đời vua Minh Mạnh, chẳng đâu xa.  Tin tức tư liệu lịch sử được lưu trữ khá đầy đủ.

    Một chánh tổng bị ám sát, cũng không có chút tin tức gì triều đình cho điều tra, cũng chẳng có lệnh truy nã sát nhân nào được biết đến…

    Một người tài trí dũng toàn như ông Trần Trọng Khiêm thì thừa biết nên lánh mặt làm ăn phương xa, rồi bí mật trở về ám sát, thì không thể nằm trong danh sách nghi phạm theo phong cách điều tra hồi xưa. Nếu có sơ sót để lại tang chứng và bị quan lại địa phương đồng lõa với Chánh Tổng truy nã, thì hẳn đào tẩu. Nay xảy ra án mạng, có người trốn mất, chẳng khác nào ‘lạy ông, con ở bụi này’ ! Xử sự nông cạn này không phù hợp với một người tài năng xuất chúng như ông Trần Trọng Khiêm. Một người chỉ vài năm đã thông tạo nhiều ngoại ngữ châu Âu, chưa đến Anh quốc, mà qua Mỹ tìm vàng, tuy vậy lại thông thạo Anh ngữ đến mức báo Mỹ phải thuê làm ký giả ?

    Chắc hẳn đơn giản vì những chuyện như vậy chỉ có trong tiểu thuyết do tác giả sáng tác ra.

    (Tin tức hình sự thời xưa vẫn có thể tham khảo được tường tận. Thời đó có duy nhất tin một vị chánh tổng bị hai tên cướp giết chết. Truy bắt ngay được một thủ phạm, một đào tẩu). 

    Có nhà báo Nguyễn Trọng Khả, hết sức nhiệt tình và rất hãnh diện khi biết có cùng quê quán với ‘người Việt đầu tiên sang Mỹ làm báo’, đã quyết định làm phóng sự, trở về quê quán điều tra tung tích dòng họ Trần Trọng ‘danh gia vọng tộc ở làng Xuân Lũng’. Đăng 3 kỳ trên Tạp chí Điện tử Doanh nghiệp & Hội nhập (năm 2021), một phóng sự điều tra công phu, nhưng hoàn toàn vô vọng, không có chút manh mối gì về ông Trần Trọng Khiêm cũng như dòng họ Trần này.

    Một gia đình thế gia vọng tộc của một làng bỗng dưng biến mất, quả là việc lạ đời !?

    Nhà báo này cũng lờ đi việc không hề có chút manh mối nào về một chánh tổng gian ác bị ám sát. Nếu có án mạng thì sẽ có hung thủ. Nếu không có án mạng mà bỏ công truy tìm hung thủ, thì làm sao mà có được. 

    Nhà báo ‘Sherlock Homes’ này của Việt Nam bèn nảy ra ý tưởng đi tìm tung tích nhân vật ‘anh Bảng’, một kỳ tài mà trong tiểu thuyết, học giả Nguyễn Hiến Lê bái phục sát đất. Nay ông Nguyễn Hiến Lê là một học giả cả nước biết đến, còn nhân vật kỳ tài này lại không có đến một chút hình tích trên đời. Lần này sự việc chẳng phải từ xa xôi thời triều Nguyễn, thế mà cũng vô vọng.

    Thay vì kết luận mọi chuyện đều do sáng tác, nhà ‘thám tử’ lại kết luận:gia đình ông Trần trọng Khiêm đã thay tên đổi họ để bảo vệ tính mạng cho ông. Điều này mâu thuẫn với một chi tiết trong truyện : Mấy chục năm sau, ông Trần trọng Khiêm nhờ người thân tín đến đưa thư đến tận nhà. Gia đình vẫn mạnh khỏe bình an còn đó.  Tiếc là con cháu thích thanh bạch hay sợ liên lụy vì cuộc điều tra truy tìm thủ phạm vẫn ráo riết sau mấy chục năm, nên không ai tò mò mạo hiểm Nam du một chuyến đển tìm gặp và thăm hỏi người chú phú hộ phương Nam này. (Một án mạng kinh động xã hội, một cuộc điều tra sau mấy chục năm vẫn ráo riết… thế mà bây giờ không có một dấu tích gì, không ai biết?)

    Nhưng chung qui, tất cả đều chung một logic : mọi chuyện đều do ông Nguyễn Hiến Lê sáng tác ra, làm sao truy tìm được trong đời thực.

    ***

    Nay cũng vừa biết có một kỳ nhân anh hùng lịch sử dân tộc, nhưng vừa tra khảo chút lý lịch thì thấy toàn là chuyện tiểu thuyết sáng tác, dã sử, không có đến một chút sự thật khả tín nào.

    Kiểu này phải bỏ thời gian, công sức ra làm một chuyện phi lý, điên rồ nhất trên đời là chứng minh mọi sự việc, hành tung của một nhân vật tiểu thuyết dã sử, nhất là sự tồn tại của ông ta là không có thật !

    Chung qui chỉ vì chuyện điên rồ gấp tỷ lần đã thành hiện thực : nhân vật tiểu thuyết này được vài « học giả » thi nhau trang điểm, thêm thắt kịch bản… từ mồ ma không tưởng, nay trở nên danh nhân lịch sử Việt Nam, anh hùng dân tộc kháng Pháp….được ghi vô từ điển…

    Người Việt Nam đầu tiên sang Mỹ, người Việt Nam đầu tiên làm báo bên Mỹ, anh hùng kháng Pháp với Thiên hộ Dương, anh dũng tuẩn tiết,…. Đại để đó là những tiêu đề được công bố cùng khắp.

    Các báo đài đã thi nhau công bố sự phát hiện này : các báo trung ương có mặt trên cả nước như Tiền Phong, Công An Nhân Dân, Thanh Niên,.. Hầu hết các báo cấp tỉnh, vài bộ, vô số tổ chức văn hóa, lịch sử, kinh tế… chuyển đăng. Mạng xã hội lan truyền thường xuyên. Các hãng thông tấn hải ngoại là chi nhánh báo chí trong nước cũng đăng tải. Đặc biệt là tỉnh Đồng Tháp, được xem là nơi tuẩn tiết của vị anh hùng này, có rất nhiều số báo, nhiều phóng sự truyền hình,… Tên vị anh hùng này được tự động thêm vô các tài liệu lịch sử của tỉnh.

    Đến nay có nhiều tỉnh thành bắt đầu dùng tên ông đặt tên đường : Đồng Tháp, Sài Gòn, Thủ Đức, Đà Nẵng,…(Ở Đà Nẵng là con đường quan trọng, có nhiều cơ quan ngoại giao?)

    Như vậy ít ra cũng mấy chục triệu người Việt Nam biết đến nhân vật ‘hoang đường’ này như danh nhân có thật của lịch sử Việt Nam.

    Nhưng ngày càng ít người biết xuất xứ nguyên thủy của nhân vật này : Ông Trần Trọng Khiêm, qua Mỹ đổi tên thành Lee Kim, trở về Việt Nam với tên Lê Kim… là nhân vật trung tâm của cuốn tiểu thuyết ‘Con đường Thiên Lý’ của học giả Nguyễn Hiến Lê. Học giả Nguyễn Hiến Lê, xưa nay chỉ chuyên viết sách biên khảo nghiêm túc, bỗng sáng tác một cuốn truyện dã sử. Nhưng ghi rõ là cuốn tiểu thuyết của ông sáng tác. Chắc ông cũng thích kiểu sáng tác truyện dã sử như có thật, kiểu truyện Tiêu Sơn Tráng Sĩ của Khái Hưng, Tự Lực Văn Đoàn. Đại họa chắc là bắt đầu khi một đại học giả khác, bê nhân vật tiểu thuyết của ông đặt vô cuốn ‘Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam’.

    Việt Nam đang trải qua nhiều biến động kinh thiên. Chuyện nhân vật tiểu thuyết thành người thật có thể nói là chuyện nhỏ, buồn cười. Nhưng mặt khác, chỉ cần vài người thao túng, tung hứng lại có thể lừa dối cả một dân tộc. Có bao nhiêu Viện Hàn lâm, viện nghiên cứu, trường khoa, nhà khoa học xã hội-lịch sử văn hóa, trí thức bằng cấp học thuật cả núi, chuyện gì, nhỏ như cọng kim,  cũng có thể tranh luận nhau nảy lửa. Vậy thì khả năng nhận xét, phán đoán, nhận thức … như thể nào mà để một chuyện dựng đứng như vậy công khai trên báo đài cả chục năm trời, mà không bị ai vạch mặt, phản bác, đóng góp… ?

    Rồi từ chuyện nhỏ xíu này lại suy diễn ra, thì có thể nói về mặt học thuật, tri thức, khả năng suy nghĩ, xét đoán, phê bình của cả một đội ngũ trí thức của một quốc gia mà như bị bịt mắt, bịt tai, mất cảm nhận… thì tương lai quốc gia đó sẽ ra sao! Đáng sợ chứ!

    Cái kim trong bọc, lâu ngày cũng sẽ lòi ra. Nếu một hãng thông tấn lớn, có ý xấu, khai thác chủ đề này làm trò cười cho thiên hạ thì thật là ê mặt! Tự mình nên chủ động quét dọn trước thì hơn.

    TẬP 2 : Tìm Vàng- Ký giả

    Chuyện hi hữu của ông Trần Trọng Khiêm, trở thành Lê Kim, có một cuộc đời thật lừng lẫy.

    Đến nay cũng chỉ có ở một nhân vật Việt Nam duy nhất được phiên dịch từ họ Lee, rất nổi tiếng qui mô thế giới, thành họ Lê. Các nhân vật nổi tiếng khác như Lee Kuan Yew,.. chắc phải đổi tên thành Lê Quang Diệu thôi!

    Đến nay vẫn chưa thấy có tài liệu gốc nào đề cập đến nhân vật Lee Kim này để biết họ viết tên chính xác ra sao. Nếu viết là Lee Kim thì là người Cao Ly, hoặc người Hoa phía bắc mang họ Kim, một họ rất phổ biến ở Triều Tiên. Nếu viết Kim Lee thì là người Hoa hoặc Cao Ly họ Lý  (nếu là họ Lê, chuyển tiếng Anh họ sẽ ghi là Le, Lai hoặc Li).

    Nhưng nay nhiều thành phố lấy tên ông đặt tên đường như một anh hùng lịch sử (Thành phố HCM quận 9, thành phố Thủ Đức, thành phố Đà Nẵng, thành phố Cao Lãnh…) chuyện trở nên không nhỏ chút nào.

    Trình độ kiến thức, nhận thức, thẩm tra,…của bao nhiêu ký giả văn hóa của nhiều cơ quan báo chí trung ương -địa phương, bộ máy hành chánh các thành phố, có đài truyền hình Đồng Tháp làm nhiều phóng sự công phu, cả bộ Giao thông Vận Tải, có mặt cả ký giả lão thành, cả nghiên cứu của một tiến sĩ nghiên cứu lịch sử văn hóa… phải được xem xét lại hết.

    Cuốn sách Ruée vers l’or, một cuốn tiểu thuyết ‘rẻ tiền’, theo mô tả của ông Nguyễn Hiến Lê mà tác giả là nhà văn ký giả René Lefebre, khá nổi tiếng, sinh năm 1898, mất năm 1991.

    Là nhà văn duy nhất tương ứng thời kỳ viết sách mà ông Nguyễn Hiến Lê có thể xem được.

    Tiếc là toàn bộ sự nghiệp văn chương của ông ta được lưu trữ đầy đủ. Đương nhiên là không hề có cuốn Ruée vers l’or.

    Nhà xuất bản Dumas vẫn hoạt động sau chiến tranh thế giới thứ 2. Nhiều sách cũ xuất bản những năm 1946, 47, 48…vẫn còn được bán. Nhưng tung tích cuốn Ruée vers l’or không thể tìm thấy.

    Một cuốn sách đồ sộ 400 – 500 trang truy tìm bởi tên tác giả, bởi nhà xuất bản đều không cho chút tông tích nào.

    Như vậy, toàn bộ thông tin cung cấp bởi ông Nguyễn Hiến Lê chỉ là ‘thông tin tiểu thuyết’ giả tưởng, không tồn tại, không thể liệt kê như tài liệu tham khảo cho biên khảo lịch sử, như các học giả Việt Nam đang làm.

    Ông Nguyễn Hiến Lê phải làm như vậy, vì nhân vật giả tưởng trung tâm của ông không hề tồn tại trong sách nào. Đưa tên sách có thật mà không có nhân vật này trong sách thì lại mang tiếng nói láo. Tất cả đều là ‘sáng tác’ ra hết thì tiện hơn.

    Nếu đây là một cuốn hồi ký, một cuốn phóng sự, hay biên niên lịch sử… thì rất quí giá cho việc tìm hiểu quá khứ. Thế nhưng tác giả nói rất rõ là một tiểu thuyết ‘rẻ tiền’, và cuốn sách Con Đường Thiên lý tác giả cũng ghi rõ là tiểu thuyết (hoàn toàn không hề là phóng sự, biên khảo lịch sử, tiểu sử hay một cuốn sách nghiên cứu nghiêm túc gì hết). 

    Một cách logic, chúng ta không thể nào dựa vào đây để tìm hiểu lịch sử, tiểu sử nhân vật có thật được.

    Càng điên rồ khi trích dẫn nhân vật này và đưa vào Từ điển nhân vật lịch sử của Việt nam.

    Trong quá khứ, sai lầm kiểu này đã được áp dụng trên qui mô cả nước khi nhiều tác giả trích dẫn các truyện trong cuốn truyền thuyết-cổ tích dân gian Lĩnh Nam Chích Quái đưa vào sách lịch sử như chuyện có thật !

    Nước Nam chúng ta không thiếu anh hùng. Có cần phải thêm vào sử sách một anh hùng giả tưởng rút ra  từ tiểu thuyết chăng ???  

    Một người hào phóng, cho ăn mày 200 đô la thời đó, tương đương gần 10 ngàn đô thời nay. Dân tìm vàng giàu có hào phóng, tuy không giàu bằng Bill Gates, mà phải đi làm ký giả kiếm sống thì không hợp lý chút nào. Còn nếu về Việt Nam, phải là một phú hộ nức tiếng. Chưa kể, bao nhiêu kinh nghiệm, hiểu biết công nghệ, súng đạn,… ở Mỹ, cả chuyện hiểu biết rất nhiều ngôn ngữ,… ông Lê Kim mà sống ở đâu, phải là danh nhân nức tiếng một vùng hay cả nước. Dân làng chắc phải bu lại đông đúc nghe ông kể chuyện xứ người, học hỏi…. Thế mà tìm tung tích ông ta khó khăn vô vàn. 

    Tên đầy đủ các báo có thể đã đước ông Nguyễn Hiến Lê đề cập, theo liệt kê của thư viện Quốc Hội Mỹ:

    1. Daily Evening Journal (San Francisco, Calif.) 1852-1853

    Sau đó đổi thành :

    1. San Francisco Evening Journal (San Francisco, Calif.) 1853-1856

    Hoặc là :

    1. San Francisco Evening News (San Francisco, Calif.) 1853-1853

    Sau đó đổi tên là :

    1. San Francisco Daily Evening News (San Francisco [Calif.]) 1853-1856

    Các báo này  xuất bản từ những năm đầu tiên bang California được sát nhập vô Mỹ (thập niên 1850), các số báo đều được lưu trữ dạng vi phim tại Thư Viện Quốc Hội Mỹ (nên không thể truy cập trên mạng)  

    Nhiều số báo nguyên bản vẫn còn ở Thư Viện công cộng San Fancisco, cũng như tại nhiều thư viện công cộng khác và vài thư viện đại học ngoài bang California (trừ thư viện đại học ở California). Thông tin tiểu thuyết nói rằng các số báo này được lưu trữ tại đại học California (nào ??) cũng là thông tin không chính xác chút nào.

    Ai rỗi rảnh muốn truy tìm đến cùng có thể tham khảo các số báo này. Cả hàng trăm số báo để tìm một thông tin nhỏ xíu không rõ ngày, khá tốn công. Nhưng chắc chắn là không thể có tin Lee Kim nào đó hào phóng cho người ăn xin Suter 200 đô. Bởi vì chuyện ăn xin này chỉ có trong một cuốn tiểu thuyết.

    (Lịch sử Mỹ vẫn lưu trữ thông tin ông Sutter (người thực, viết với 2 chữ t), ứng cử viên Thống đốc bang California ngay khi bang này được sát nhập vào Mỹ (1850) nhưng về thứ 3. Năm 1853, ông Sutter, vẫn còn uy tín và vẫn được xem như có công khai phá, nên được chính quyền phong Major General (tướng 2 sao, cấp trên của chuẩn tướng 1 sao, dưới cấp của Trung tướng 3 sao, theo quân giai của Mỹ). Sau đó được nhận trợ cấp 250 đô/tháng (tương đương thời giá ngày nay10 ngàn đô / tháng), dai dẳng, kiên nhẫn kiện cáo đòi bồi thường thiệt hại. Cuối cùng Quốc Hội Mỹ chỉ chấp nhận bồi thường thêm 50 ngàn đô (tương đương 2 triệu đô ngày nay), vài ngày trước khi ông Sutter từ trần. Con trai ông lớn Sutter tiếp tục liền sự nghiệp của cha, là người có công qui hoạch xây dựng phát triển thành phố Sacramento (thủ phủ bang California ngày nay), hình như cũng rất giàu có).

    Ông Nguyễn Hiến Lê có lẽ chưa hề xem một tài liệu lịch sử hay báo chí thật sự nào về ông Sutter, nhân vật có thật. Ông chỉ biết một nhân vật ‘Suter’ trong tiểu thuyết phóng tác bởi nhà văn Blaise Cendrars, nên chỉ viết Suter với một chữ ‘t’ và chỉ chuyển tải thông tin, phóng tác thêm chung quanh nhân vật giả tưởng này.

    Như vậy cũng không thể có tin tức báo chí thời sự nào đăng tin về ông ‘Suter’ được.

    Ông Sutter, nhân vật lịch sử có thật, luôn luôn tỉnh táo đấu tranh kiện cáo dai dẳng.

    Còn ông ‘Suter’ bị điên khùng, nhân vật trong tiểu thuyết chỉ có trong cuốn ‘L’or’ của Blaise Cendrars.

    Và chuyện ông ‘Suter’ đi ăn xin, được Lee Kim hào phóng tặng 200 đô la, được báo chí địa phương đăng tin… là chuyện hoàn toàn tiểu thuyết của ông Nguyễn Hiến Lê.

    Còn chuyện Lee Kim làm ký giả thời sự cho báo Mỹ còn hi hữu hơn. Một di dân từ châu Á qua châu Âu (chưa hề đến Anh), chân ướt chân ráo qua Mỹ mà trình độ Anh ngữ quá tuyệt vời để được mời làm ký giả, làm phóng viên chuyên viết phóng sự xã hội.…

    Vậy mà không có ai biết đến người ký giả tài năng này, cũng như chưa ai đọc được bài báo hay phóng sự nào của ông ta ?

    Vậy đúng là chuyện sáng tác chỉ có trong tiểu thuyết.

    Lời dẫn tập 3, MR 2025 :

    Mới đây thấy có một học giả làm hồi sinh lại cuốn tiểu thuyết dã sử Con đường thiên lý của Nguyễn Hiến Lê.

    Thậm chí học giả có ý định đi ‘lưu diễn’, truyền bá, giảng dạy sách này ở các trường Trung học và đưa ra ý định chuyển đổi cuốn tiểu thuyết này sách biên khảo sử học của nước Việt!

    Thế là nay lại phải tiếp tục làm một chuyện điên rồ vô lý nhất trên đời : chứng minh từ A đến Z, một nhân vật tiểu thuyết không hề có mặt trong đời thật !

    Tập 3 : Về Việt Nam và khởi nghĩa cùng Thiên Hộ Dương

    Sau này, thời Pháp thuộc, tin tức về cuộc kháng chiến của Thiên Hộ Dương có rất nhiều tài liệu lịch sử, biên bản của cả phía Pháp lẫn Việt. (Tham khảo tư liệu lịch sử của tác giả Nguyễn Hữu Hiếu về Võ Duy Dương, Đại học Quốc Gia Hà Nội1993, hoặc sách đã xuất bản năm 2018 : ‘Võ Duy Dương Với Đồng Tháp Mười’ by Nguyễn Hữu Hiếu). Hầu hết các nhân vật lịch sử xa gần lớn nhỏ đều được nhắc đến, trừ ông Trần Trọng Khiêm ?

    Về sự Tuẫn tiết :

    Lịch sử chiến đấu oanh liệt của Thiên Hộ Dương có được rất nhiều tư liệu lịch sử phong phú từ dân gian, triều đình và cả sử thuộc địa Pháp. Hàng trăm tên tuổi liên quan giai đoạn lịch sử khá cận đại này, ít nhiều quan trọng đều được đề cập.

    Trước khi cuốn tiểu thuyết của Nguyễn Hiến Lê được xuất bản, không ai biết đến sự có mặt của một phú hào nào khác chiến đấu cùng Thiên Hộ Dương.

    Chỉ duy nhất có một võ tướng Trần Xuân Hòa bị Pháp đột kích bắt được và ông đã tuẫn tiết (cắn lưỡi tự tử)

    Trận càn quét cuối cùng, bị bắn rát quá, nghĩa quân tháo lui. Sau đó Thiên hộ Dương đi bằng đường biển về Huế để mật báo hay cầu viện, thì mất tích trên biển. Không hề có trận bị bao vây nào mà nghĩa quân tuyệt vọng phải tuẫn tiết. 

    Nếu có việc này mà không ai biết, không ai nhắc đến, quả là chuyện lạ, vô ơn, vô nghĩa của dân quân Việt Nam lúc đó. Hoàn toàn trái ngược với nghĩa khí của dân quân miền Tây.

    Sau này bỗng nhiên chỉ có mỗi ông Nguyễn Hiến Lê biết. Rồi sử sách, báo chí ùn ùn nói đến, chỉ sau khi cuốn tiểu thuyết Con Đường Thiên Lý được phát hành ! Có lạ không ?

    Một chi tiết cảm động khác : Thi hài của cụ được nghĩa quân mai táng ở Giồng Tháp. Trên bia mộ có ghi: 

    “Lòng trời không tựa, tấm gương tiết nghĩa vì nước quyên sinh

    Chính khí nêu cao, tinh thần hùng nhị còn truyền hậu thế”.

    Bia mộ của ông Lê Kim có ghi câu đối, nhưng chỉ có mỗi ông Nguyễn Hiến Lê đọc được. Nghĩa quân, con cháu… không ai còn trí nhớ ? Nay hậu thế bỗng nhiên không ai biết bia mộ của một anh hùng liệt sĩ lẫy lừng ở đâu ? Con cháu của ông Lê Kim khá đông đúc, chỉ mỗi ông Nguyễn Hiến Lê gặp gỡ được. Rồi hòa bình thống nhất, cũng chưa bao giờ về lại quê hương cố tổ phương Bắc tìm lại họ hàng, mồ mã tổ tiên ? (Cũng như ông Nguyễn Hiến Lê không bao giờ gặp lại người bạn chí cốt của mình?)

    ***

    Xuyên suốt toàn bộ sự việc, tất cả mọi chi tiết đều ít logic, không một chi tiết có vẻ như có thật có thể kiểm chứng được, các tư liệu, báo chí dẫn chứng đều không có thực hoặc không có nội dung như đã dẫn. Rất nhiều nhân vật sự kiện lại trích ra từ các tiểu thuyết khác chứ không từ sử liệu hay sách biên khảo…Tài liệu khởi thủy là một tiểu thuyết. Đi tìm các sự việc có trong đời thật cho một nhân vật tiểu thuyết là một chuyện nhức đầu và điên rồ nhất. 

    Nhưng vì chuyện điên rồ nhất đã xảy ra : nhân vật trong tiểu thuyết trở thành nhân vật hiện thực lịch sử, trở thành danh nhân, anh hùng dân tộc, được tôn vinh trong từ điển, trên rất nhiều công báo cấp quốc gia, tỉnh, tổ chức văn hóa lịch sử bang hội, địa phương, được đặt tên đường, được làm phim phóng sự truyền hình….

    Để chấm dứt cả một dây chuyền dựng đứng này, quả là phải chứng minh từ đầu chí cuối, không có một sự việc, sự kiện, nhân vật nào có thể hiện hữu, trừ phi chỉ có trong tiểu thuyết !

    Note :

    Trích Từ Điển Nhân Vật Lịch Sử Việt Nam, nhà xuất bản tổng hợp TP HCM,  tái bản lần 8, 2006 :trang 766 nói về Nguyễn Hiến Lê :

    ‘Ngoài các tác phẩm biên khảo; dịch thuật vừa kể, cuốn ‘Con đường thiên lí’ là một tiểu thuyết duy nhất trong đời cầm bút của ông.’

    – Mặc dù  tỉnh Đồng Tháp làm đủ thứ tư liệu, phóng sự về Trần Trọng Khiêm, nhưng dân chúng Đồng Tháp từ xưa đến nay chỉ biết làm Lễ giỗ Thiên hộ Võ Duy Dương và Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều (Lễ giỗ lần 158 Thiên hộ Võ Duy Dương, Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều năm 2024)

    Theo chính sử:

    Tháng 4 năm 1866, sau 10 ngày kiên cường chiến đấu trước sức mạnh tấn công áp đảo của giặc Pháp, đại đồn Tháp Mười bị vỡ, Thiên hộ Dương ra lệnh rút lui về biên giới và Cái Thia (Cái Bè) để bảo toàn lực lượng. Đốc binh Kiều cũng bị trọng thương trong trận quyết chiến bảo vệ đại đồn. Sau khi đại đồn Tháp Mười thất thủ, ông uất lên mà chết và được nhân dân chôn cất tại Gò Tháp. Tháng 11, trên đường vượt biển về Kinh, Thiên hộ Võ Duy Dương đã bất ngờ tử nạn ở cửa biển Thần Mẫu (Cần Giờ)….
    Nếu có thêm một hào kiệt tuẩn tiết, làm sao dân Đồng Tháp có thể quên được ?

    Theo chính sử Việt :

    Đốc binh Kiều đã huy động quân dân xây dựng ba đồn chính bằng đất có hào và tre bao bọc nằm án ngữ trên ba con đường dẫn vào Đồng Tháp Mười, đó là Đồn Tiền (trên đường đi Cái Nứa), Đồn Tả (trên đường đi Mộc Hóa, hướng Gò Bắc Chiêng) và Đồn Hữu (trên đường đi Cần Lố), và đặt đại bản doanh tại Đồn Trung (Gò Tháp) 

    Theo ‘sử’ của Nguyễn Hiến Lê :

    ‘Năm Giáp Tý cụ (Lê Kim) khẳng khái bỏ hết nhà cửa ruộng đất, dùng hết tài sản cùng với cụ Ngũ Linh Thiên Hộ!” mộ được mấy ngàn nghĩa binh, phất cờ khởi nghĩa trong Đồng Tháp Mười. Cụ có tài bắn súng, bách phát bách trúng, xây cất đồn luỹ, cầm đầu một nhóm linh đào ngũ Pháp, tấn công Cái Bè, Mỹ Quới, quân Pháp trăm phần điêu linh. Cụ bà cũng đắt con theo, thật đáng mặt cân quắc anh hùng. 

    Tương truyền các công sự chiến đâu ở Tháp Mười là do ông Lê Kim vẽ kiểu mô phỏng theo các đồn canh của một Đại uỷ Suter (được chính phủ Hoa Kỳ phong Đại tướng) người Canada xây dựng ở California gọi là đôn Suter…’

    Một nhơn vật lẫy lừng, tài năng vượt xa Đốc binh Kiều như vậy mà chính sử không để lại một  chữ nào! Thật là kỳ lạ!

    Lâm Quốc Anh

    [1] Tô Lệ-Hằng : Vị anh hùng Việt Nam đến Hoa Kỳ năm 1849 (trước sứ giả Bùi Viện)