Lê Học Lãnh Vân: Nỗi oan thế kỷ
Giữa những ngày Tết, đài truyền hình quốc gia Việt Nam (VTV) đã loại bỏ hai tập phim về tuổi thơ của Trương Vĩnh Ký trong loạt phim hoạt hình “Khát vọng non sông”. Truớc đó, hai tập phim này cũng bị loại bỏ bởi đài truyền hình Cần Thơ. Sự loại bỏ này, nhìn từ bên ngoài, giống như sự tiếp nối của hành động cấm ra mắt sách “Trương Vĩnh Ký, Nỗi Oan Thế Kỷ” của nhà biên soạn uy tín Nguyễn Đình Đầu!
Cuộc đời và sự nghiệp của Trương Vĩnh Ký thật có những điều khiến nhiều người thảo luận. Nhìn chung người đời sau xét ông trên hai phương diện: phương diện học thuật và phương diện chính trị. Dù có quan điểm của riêng mình, bài viết này không chủ ý trình bày quan điểm đó mà tìm hiểu về thái độ của xã hội đối với các quan điểm khác nhau về ông.
Tôi nhớ những ý kiến về công và tội của ông Trương Vĩnh Ký trước năm 1975. Trước tác của các bậc tiền bối như các ông Vương Hồng Sển, Sơn Nam, Nguyễn Văn Trung, Trương Bá Cần ở phương Nam, các ông Nguyễn Văn Tố, Vũ Ngọc Phan ở phương Bắc còn sẵn đó trên các giá sách Sài Gòn. Tôi chỉ xin nhắc lại rằng thời đó, ở miền Nam, sự trình bày quan điểm về ông Trương Vĩnh Ký là không giới hạn. Hai vị giáo sư trường trung học Trương Vĩnh Ký là hai ông Nguyễn Xuân Hoàng (dạy Triết) và Nguyễn Minh Nhựt (dạy Sử), thảo luận với học sinh về đề tài này. Quan điểm của hai ông giống nhau: Trương Vĩnh Ký có công lớn về học thuật, về mở mang chữ quốc ngữ trong dân chúng, xây dựng nền tảng để người Việt sử dụng lợi khí này. Ông Trương Vĩnh Ký cũng có điều không nên là nhận lời cộng tác với vua Đồng Khánh, cần nhớ rằng vị vua này được Pháp đưa lên để an định xã hội khi vua Hàm Nghi vì chống Pháp phải bôn đào Tân Sở.
Hai vị thầy dạy trong ngôi trường mang tên ông Trương Vĩnh Ký mà có thể bộc bạch những suy nghĩ không ủng hộ ông như vậy cho thấy xã hội thời đó tôn trọng tự do học thuật, tự do ngôn luận tới chừng nào. Trong trường cũng có những vị giáo sư không phê phán việc ông Trương Vĩnh Ký cộng tác với vua Đồng Khánh, các thầy với ý kiến khác biệt thảo luận trong tinh thần bè bạn và học hỏi nhau. Hai vị Nguyễn Xuân Hoàng và Nguyễn Minh Nhựt lắng nghe lập luận trái chiều từ đồng nghiệp, từ cả những học sinh lớp 11, lớp 12 như chúng tôi. Hai vị đó, dù có lập trường phê phán hành động của ông Trương Vĩnh Ký, vẫn tự hỏi: hay tiền nhân có ý gì sâu xa mà chúng ta không thấu hiểu? Cái tâm thế hoài nghi khoa học đó khiến hai ông rất sẵn sàng học hỏi, giúp hai ông ngày tiệm cận với chân lý, giúp chúng tôi mở mang tầm mắt và phương pháp luận khoa học, giúp xã hội an bình, không ai là thế lực thù địch của ai…
Các sự việc loại bỏ hai tập phim về tuổi thơ của Trương Vĩnh Ký, cấm ra mắt sách “Trương Vĩnh Ký, Nỗi Oan Thế Kỷ” cho thấy bầu không khí bây giờ hoàn toàn khác xưa. Bây giờ, xã hội Việt Nam do chính người Việt tổ chức quản lý mà sao không khí học thuật và ngôn luận lại hẹp hòi, ngột ngạt hơn thời trước tới dữ vậy?
Học giả Trương Vĩnh Ký, người được mời vào câu lạc bộ mười tám nhà bác học của Pháp “Savants du Monde”, người để lại cho đời trên trăm trước tác về văn học, sử địa, từ điển, dịch thuật… đích thị là một nhà khoa học am tường nhiều lãnh vực tư tưởng. Chắc chắn tầm tri thức và tư cách trí thức của nhân vật này cách xa những người đang cấm đoán và phán xét ông hôm nay!
Tư cách trí thức của Trương Vĩnh Ký cao như vậy, chắc hẳn ông luôn tôn trọng tinh thần hoài nghi khoa học. Bây giờ ông chịu sự phán xét của những người chỉ biết phe phái mình, chỉ đọc sách một chiều, chăm chăm cấm cửa các thảo luận tự do… thì đúng là ông chịu Nỗi Oan Thế Kỷ!
Miền Nam yêu mến và tôn trọng hai nhân vật Phan Thanh Giản và Trương Vĩnh Ký. Miền Nam là quê hương sinh ra hai ông, Miền Nam gần gũi và hiểu rõ hai ông! Tấm lòng này của dân miền Nam được bộc lộ rõ ràng. Tên tuổi hai nhân vật đó bị vùi dập mấy chục năm nay. Cho dù đoạn sau này có nhẹ tay hơn một chút thì thái độ thô lỗ đó còn cách rất xa với tấm lòng tôn trọng, yêu quý hai ông của người miền Nam. Xử tệ với hai ông có phải chính là xử tệ với tấm lòng và kiến thức miền Nam? Nếu như vậy thì Nỗi Oan Thế Kỷ có là Nỗi Đau Thế Kỷ?
Cũng có thể nói, Nỗi Oan Thế Kỷ này đâu chỉ một ông Trương Vĩnh Ký chịu!
Lê Học Lãnh Vân
Ngày 18 tháng 2 năm 2024