Trích hồi ký Trần Lệ Bình: Nạn đói cướp đi hàng triệu sinh linh

Tác giả Trần Lệ Bình. 

Tác giả Trần Lệ Bình, sinh năm 1945 tại Côn Minh Vân Nam Trung Quốc, nơi từ đời ông bà nội ngoại, bố mẹ và chị em bà đã sinh sống, và luôn giữ quốc tịch Việt Nam. 

Ở tuổi 20, bà chia tay bố mẹ tình nguyện xung phong về nước. Bà vào làm phát thanh viên, biên tập kiêm phóng viên tại Phòng tiếng Trung Ban Đối ngoại Đài Tiếng Nói Việt Nam ở Hà Nội (khi đó Đài Tiếng Nói Việt Nam phát thanh 12 thứ tiếng nước ngoài.)

Nhưng đến năm 1989, chỉ vì làm đơn tố cáo cách hành xử của công an đối với người dân thường mà bà chứng kiến, bà Trần Lệ Bình bị bắt vào nhà giam Hỏa Lò 3 ngày đêm, bị đánh đập, tra tấn, sau đó bị mất luôn việc làm ở Đài Phát thanh. Không tìm được việc làm ở đâu khác khi lý lịch đã bị vướng vào “chính trị”, cuối cùng bà Trần Lệ Bình và hai con phải tìm cách rời Việt Nam, sau đó một thời gian xin tỵ nạn chính trị tại Hà Lan. 

Từ 35 năm nay, bà Trần Lệ Bình cùng gia đình sống tại Hà Lan. Dưới sự động viên khuyến khích của bạn bè Hà Lan và con cháu, ở tuổi ngoài 70 bà bắt đầu viết cuốn hồi ký “Đổi đời” bằng tiếng Hà Lan, xuất bản vào năm 2018. Cuốn sách đã được tái bản nhiều lần. Bà cho biết, những gì bà kể trong sách là sự thật trăm phần trăm do chính bản thân đã từng trải qua.

Trên trang mạng bán sách lớn nhất HL Bol.com, sách được độc giả nhận xét cho 4.9 sao, gần được 5 sao là điểm cao nhất. 

DĐTK xin giới thiệu với độc giả, trích đoạn hồi ký “Đổi đời” do chính tác giả Trần Lệ Bình dịch sang tiếng Việt, đoạn nói về nạn đói và những sự thật kinh hoàng đã xảy ra tại Trung Quốc vào những năm 60 của thế kỷ trước.

***

…Năm 1960, gia đình tôi chuyển từ thành phố về sống ở nông thôn, làng Bạch Mã. Vì bố chuyển việc làm sang Nhà máy cầu đường và mẹ cũng xin được việc làm lao công tại Viện quân y, cả hai đều ở sát làng Bạch Mã.

Đó cũng là thời điểm Mao tuyên bố Trung Quốc đã bước vào giai đoạn tiến tới Chủ nghĩa cộng sản. Có nghĩa là: thực phẩm tràn trề, người dân không phải lo ăn lo mặc nữa, mọi sự đã có nhà nước lo. Nhà nước đưa ra sắc lệnh: không ai được nấu nướng tại nhà, thực phẩm, chất đốt không được phép bán tự do, tất cả đều do nhà nước quản lý. Và trước đó Mao hô hào “Toàn dân luyện thép”, để Trung Quốc trong vòng năm năm vượt qúa Anh, Mỹ, để trở thành cường quốc công nghiệp hàng đầu thế giới. Thế là tất cả nồi niêu xoong chảo, dao thìa… bằng gang, sắt, đồng của nhà dân đều bị trưng thu hết để quẳng vào lò luyệt thép xây bằng đất sét.

Tất cả các cơ quan, nhà máy thành lập căng-tin, mọi người sẽ nhận xuất ăn tại cơ sở nơi mình làm, con cái được ăn theo bố, đến nhận bữa ăn nơi bố làm việc.

Tại nông thôn, tất cả nông dân phải vào Công xã nhân dân, họ chỉ việc nghe tiếng kẻng là vác cuốc ra đồng, sản xuất thật nhiều lúa gạo nộp vào kho nhà nước, ăn, mặc sẽ được công xã lo. Khắp nơi, chỗ nào mà có bức tường lớn nhỏ xiêu vẹo đều vẽ đầy những khẩu hiệu: “Công xã nhân dân thật tốt đẹp!” “Công xã nhân dân là cầu vàng đưa ta lên thiên đường cộng sản chủ nghĩa!”

Con sông Ta Quan nằm cạnh làng Bạc Mã. Nước là nguồn của sự sống, con sông này còn mang đến biết bao niềm vui cho dân làng. Trước đây, sáng sáng phụ nữ ra gánh nước sông về đổ đầy vại để làm nước uống, chiều chiều mọi người ra sông tắm giặt, trẻ em tung tăng bơi lội dưới sông. Trải qua biết bao thế kỷ, sông Ta quan vui cùng dân làng và cũng khóc cùng họ với những nỗi đau.

Nhà máy cầu đường nơi bố làm nằm bên kia sông, vì không có cầu, nên hàng ngày từ sáu đến tám giờ sáng, và sáu đến tám giờ chiều, có con đò nhỏ đưa chủ yếu là công nhân nhà máy qua lại trên sông. Sáng nào cũng vậy, trước khi bố ra khỏi nhà, đều để ba phiếu màu xanh trên bàn và dặn tôi phải sang căng-tin nhà máy cho đúng giờ, nếu muộn là hết thức ăn đấy. Ba phiếu đó là xuất ăn trong ngày của ba chị em chúng tôi. Với phiếu đó chúng tôi đến căng-tin nhà máy để nhận thức ăn chỉ cho một bữa ăn vào buổi chiều.

Trên phiếu có tên nhà máy và ngày tháng, bố chỉ được nhận phiếu đó vào cuối ngày làm việc. Công nhân được ăn hai bữa một ngày, nhưng bắt buộc phải ăn trong căng-tin, không được mang ra ngoài. Sau đó họ được nhận phiếu ăn ngày hôm sau cho con cái họ. Ngày nào họ không đi làm, thì không những bản thân mà con cái cũng sẽ không còn bữa ăn cho ngày hôm sau.

Khi tiếng kẻng vang lên thúc nông dân vác cuốc ra đồng, cũng là lúc chúng tôi phải đến trường. Long, em sát tôi, cứ đứng nhìn ba phiếu và lẩm bẩm: “Vẫn chỉ ba phiếu, cơm qúa ít…sao bố không xin thêm một phiếu của em Bích.” Tôi biết đứa em trai 10 tuổi lúc nào cũng đói như tôi. Lượng cơm với ba phiếu đó chia ra, mỗi người chưa được nửa bát con, nhưng biết làm sao? Hòa, em trai 6 tuổi được mẹ mang theo đến chỗ làm, mẹ giấu nó trong kho để dụng cụ dọn vệ sinh. Các bữa ăn trưa cho những lao công như mẹ cũng bắt buộc phải ăn trong căng-tin. Mẹ luôn tìm cách bớt chút cơm để dưới đáy hộp và mang giấu ra cho Hòa ăn.

Tôi đến cạnh giường em gái út hai tháng tuổi đang ngủ say, vuốt nhẹ vào má và thì thầm: “Ngủ ngoan em nhé, chốc lát mẹ được giải lao sẽ về cho em bú.” Nhẹ nhàng đóng cửa và kéo tay Long ra ngoài, tôi giải thích cho em: “Chính vì Bích còn ở tuổi bú mẹ, chưa biết ăn cơm, cho nên người ta không phát phiếu ăn cho nó, hiểu chưa?”

Đa số học sinh trường trung học là con em công nhân nhà máy cầu đường, vì chỉ được nhận một bữa ăn vào buổi chiều nên giờ nghỉ trưa chúng tôi không về nhà. Mọi người lang thang trên cánh đồng sau trường để hy vọng tìm được một cái gì đó có thể làm dịu cơn quằn quại của dạ dày. Mặc dù đã đến mùa gieo hạt, nhưng cánh đồng vẫn trơ trụi, chỉ thấy các bà nông dân lưng còng chân đất, những mảnh đất khô cằn được họ xới đi rồi xới lại, họ ngồi nhiều hơn đứng, để chờ tiếng kẻng là tha bước chân mệt nhọc về nhà. Cả làng chỉ còn đàn bà và người già yếu, đàn ông khỏe mạnh phải nhận lệnh đi xây lò luyện thép ở những nơi xa.

Tôi có nghe bố nói với mẹ rằng: “Căng-tin của làng này đã phải lấy thóc giống ra nấu cháo cho dân, không biết họ còn trụ được bao lâu.”

Chiều nào cũng vậy, tan học về là tôi mang cái nồi đất cùng ba phiếu xanh, đi nhanh đến bờ sông để chờ con đò đưa sang sông đến căng-tin nhà máy bố làm để lấy bữa cơm chiều của chị em tôi.

Chiều hôm đó, chúng tôi đứng bờ bên này chờ mãi mà con đò cứ đứng yên bên kia sông, không nhúc nhích. Lũ con trai hò hét mắng chửi bà lái đò: “Mụ lười kia, cho đò qua đây đi…”

Cùng lúc đó, mọi người đều nhìn thấy một, hai rồi ba xác người đang trôi từ từ theo giòng nước trên sông. Cho đến khi mấy cái xác đó trôi qua nơi đò đỗ, bà lái đò chống cây sào vào bờ và đò bắt đầu khởi động. Khi đò sát vào bờ, lũ trẻ chúng tôi tranh nhau nhảy xuống. Bà già lái đò lưng còng chân đất, thở hổn hển và nói khó nhọc như sắp hết hơi: “Hôm nay đã có mười xác chết đói được thả trôi sông…” Nghe vậy tất cả chúng tôi đều im lặng, và hiểu rằng bà cho đò đứng yên khi xác trôi qua, để tỏ lòng tôn trọng với người đã chết. Sông Ta Quan nay đã trở thành cái mộ lớn, hàng ngày ôm những xác chết của dân làng vào lòng và đưa họ đi nhận chìm tại một nơi xa.

Khi tôi ôm chặt cái nồi đất về đến cổng nhà, thì bị Qi Quan đứng trước cổng chặn lại. Xóm chúng tôi có bốn hộ, mỗi hộ có nhà riêng khoảng 20 mét vuông, cùng chung một sân và ra vào chung một cổng lớn. Trước đây những nhà này là của một địa chủ, khi cải cách ruộng đất ông bị chính quyền cộng sản xử bắn và nhà được chia cho dân nghèo.

Qi Quan cao bằng tôi, không đi học nên không biết cô ta bao nhiêu tuổi. Người cô gầy như que củi, nhưng nhìn qua hai ống quần rách bay phất phơ trong gió thì thấy hai chân sưng to như chân voi, không cần hỏi ai cũng biết đó là bệnh phù thũng do suy dinh dưỡng thiếu protein gây nên, và cũng chẳng ai lấy làm lạ, vì hàng trăm người trong làng này đều có đôi chân voi như vậy.

Qi Quan dí sát mũi vào nồi đất trên tay tôi: “Cho tao nếm một tý được không? Chúng tao đã hai ngày không được ăn cháo rồi.”

Tôi bèn mở vung nồi ra. “Ôi, ngon thế, cho tao nếm một tý đi.”

Tôi giải thích: “Đây là suất ăn trong ngày của ba chị em tao đấy.”

“Cho tao ăn một ít, tao sẽ tiết lộ một bí mật cho mày biết.” Và nhanh như chớp, Qi Quan thò tay vào nồi bốc luôn một nắm cơm cùng vài mẩu hành tây luộc phủ trên cơm nhét luôn vào mồm. May mà tôi ôm cái nồi chặt trước ngực nên không bị rơi xuống đất.

Vội đậy vung nồi lại và tôi hỏi: “Thôi nhé, mày thấy chỗ còn lại của ba chị em tao mỗi người cũng chỉ được hai miếng cơm là cùng. Bí mật gì kể cho tao đi?”

Lấy tay quệt mép miệng vẫn đang chảy nước dãi, Qi Quan thì thầm như sợ bị người khác nghe thấy: “Ông già dưới nhà mày chết trong nhà bao nhiêu ngày rồi mà chúng mày không biết…”

Không chờ Qi Quan dứt lời, tôi lao như bay lên gác, đâm sầm vào nhà và hét lên: 

“Mẹ ơi, mẹ ơi, ông già ở dưới chết trong nhà lâu rồi, mùi thối là từ xác ông ấy…”

Mẹ đang cho em Bích bú liền đứng phắt lên: “Ra khỏi nhà, nhanh nhanh…” Mẹ con tôi lao xuống cầu thang và chạy hoảng hốt ra ngoài cổng. Thấy vậy mẹ con Qi Quan và bà hàng xóm khác cũng chạy theo ra ngoài cổng.

Mẹ ôm Bích trong tay và hỏi hai bà: “Ông ấy chết từ bao giờ ?”

Mẹ Qi Quan lẩm bẩm trong mồm: “Thế nhà bà không ngửi thấy mùi thối sao? Chúng tôi ngửi thấy mùi ấy xuyên qua vách ngăn đã hàng tuần nay rồi.”

Mẹ sửng sốt: “Tôi cứ tưởng đó là mùi của chuột chết từ những lỗ thủng sàn nhà xông lên. Các bà biết sao không đi báo cho chính quyền công xã để họ đưa ông ấy đi chôn?”

Bà hàng xóm khác giải thích: “Chúng tôi đã báo rồi, nhưng họ bảo ông ấy đã lâu không còn làm việc cho công xã nữa, nên ông ấy không những không nhận được xuất ăn và họ cũng không còn trách nhiệm gì với ông ấy nữa.”

Mẹ Qi Quan bổ xung: “Ông ấy có thằng con trai, cũng như chồng tôi, bị gọi đi tham gia phong trào Toàn dân luyện thép ở nơi xa, mà cũng chẳng ai biết ở đâu mà báo cho nó.”

Mẹ lo lắng: “Dù sao đi nữa phải nhanh nhanh đưa xác ông ấy ra khỏi nhà, con bé tôi xuất ngày nằm trong nhà không thể chịu mãi mùi thối này.”

Hai bà tranh nhau nói: “Việc đó chỉ có chồng bà có thể giải quyết được. Vì ông là công nhân, là giai cấp lãnh đạo, ông nói với ban lãnh đạo công xã chắc họ sẽ nghe.”

Cũng lúc đó tôi nhìn thấy bố về từ xa, bèn chạy đi đón bố và kể một hơi cho bố biết chuyện gì đang xẩy ra trong xóm. Ngay lập tức bố đi thẳng đến văn phòng ủy ban công xã. Khoảng nửa tiếng sau, có hai ông già với chiếc đòn gánh và vài sợi dây trong tay, đi cùng bố về. Và xác chết của ông già dưới nhà đã nhanh chóng được đưa đi thả luôn xuống sông.

Mấy bà hàng xóm vẫn đứng yên chưa chịu bước vào cổng. Mẹ Qi Quan đến gần bố nói nhát gừng: “Thưa ông, cảm ơn ông… xác chết đã đi rồi nhưng hồn ông ấy vẫn trong đó…hồn người chết đói kinh khủng lắm…”

Bố hiểu ngay nỗi sợ của mọi người, bèn nói rằng: “Tôi sẽ có cách đuổi hồn đi, bây giờ các bà đi tìm thật nhiều rơm rạ mang về đây, tôi sẽ giải quyết.” Bố đi vào nhà lấy chiếc rìu chặt củi ra.

Khi đống rơm được chất cao trước cổng, bố quẹt diêm châm lửa, ngọn lửa bùng lên và khói bay theo gió qua cổng tạt hết vào trong xóm. Bố giơ cao chiếc rìu đi vòng quanh đám lửa, mồm lẩm bẩm như đang niệm thần chú. Khi đi qua trước mặt mẹ, bố nói bằng tiếng Việt: “Em đừng lo, anh diễn kịch đấy mà. Cũng để khói tạt vào bớt mùi thối.” Mẹ hiểu vì bố không muốn để mấy bà hàng xóm nghe thấy nên dùng tiếng Việt, mặc dù bố đã cấm cả nhà không được nói tiếng Việt từ lâu.

Bố đi vòng quanh đám lửa, lúc giơ cao chiếc rìu quay trên đầu, lúc hạ xuống khua tứ phía như đang xua đuổi cái gì quanh chân mình, và thi thoảng bố hét lên một tiếng khiến mọi người giật bắn mình. Khi đám lửa đã tàn, bố đưa cả hai tay lên cao ngẩng đầu lên trời và lớn tiếng tuyên bố: “Hồn ma đã đi xa…” Với tư thế của người thắng trận, bố bước đàng hoàng qua cổng đi vào sân trong, các bà hàng xóm rối rít cảm ơn bố rồi yên tâm bước theo bố vào nhà. Họ tin rằng hồn ông lão xấu số cũng đã cùng xác ra khỏi xóm làng này rồi.

Hai ngày sau, khi cả xóm đã ngủ yên, có tiếng gõ cổng thình thịch. Mấy bà hàng xóm chồm dậy và hét loạn lên: “Ôi ôi, hồn ma ông ấy đã hiện về…” Bố dậy thắp ngọn đèn dầu cầm trong tay đi xuống và nói với hai bà hàng xóm: “Tôi đảm bảo với các bà hồn ông ấy không bao giờ quay lại đâu, cứ yên tâm mà đi ngủ đi.”

Bố mở cổng, thấy hai bà nông dân một trẻ một già cúi sụp xuống van lạy bố: “Ông ơi, làm ơn làm phúc giúp chúng tôi với…”

Bà già vừa kể vừa sụt sùi khóc: “Chồng tôi già yếu không ra làm ngoài đồng được nữa, không có công điểm nên không nhận được xuất cháo ăn hàng ngày. Tôi chia phần của tôi cho ông ấy, nhưng ông ấy kiên quyết không ăn…và đã chết đói ba hôm trước. Tôi và con dâu đã thả ông ấy xuống sông rồi. Nhưng đêm nào chúng tôi cũng nghe thấy chồng tôi về khóc than. Xin ông hãy làm lễ an ủi hồn chồng tôi…” Cô nông dân trẻ tiếp lời: “Xin ông nói với bố chồng cháu, đấy không phải lỗi của chúng tôi…”

Bố không ngờ màn kịch diễn của bố đã lan truyền đi nhanh như vậy. Bố không bao giờ tin vào chuyện ma qủy nên tự nhủ: sao con người lại tự hành mình bằng những chuyện vớ vẩn như vậy. Nhìn khuân mặt đau khổ của hai mẹ con này khiến bố động lòng thương và nghĩ thầm: thôi thì màn kịch của mình giúp họ được nhẹ lòng thì cứ làm vậy.

Ba hôm sau khi bố đi làm về, mẹ chồng con dâu bà nông dân đã được bố giúp hôm trước, cúi lạy cảm ơn bố và khoe rằng, cả hai đêm qua họ đã được ngủ yên vì không còn nghe thấy tiếng khóc của người chồng bị chết đói nữa.

Liên tiếp những ngày sau đó, tối nào cũng có người đến gõ cổng xin bố giúp đỡ. Điều đó khiến mẹ lo lắng và khuyên bố rằng: “Anh đừng làm nữa, nếu bị chính quyền kết tội lan truyền mê tín dị đoan thì vào tù đấy.” Bố cũng thừa hiểu điều đó, nên đã khước từ hết những người đến gõ cổng xin giúp đỡ.

Vào một đêm mưa bão, giữa tiếng sấm sét vang lên tiếng gõ cổng thình thịch mỗi lúc một mạnh hơn. Mẹ Qi Quan đứng dưới gọi bố: ” …ông làm ơn xuống mở cổng hộ, có người cần ông giúp…”

Cuối cùng bố cũng phải xuống, mẹ cầm chiếc đèn dầu đi theo. Khi mở cổng, nhìn thấy người đàn bà quỳ dưới đất, bùn đất phủ đầy người. Bố bước lên để đỡ bà ta đứng dậy, nhưng hai tay bà bám chặt chân bố không chịu đứng dậy, ngửng đầu lên bà van xin: 

“Tôi lạy ông, làm ơn làm phúc cứu tôi với… con tôi nó muốn giết tôi…”

Mẹ đưa ngọn đèn đến gần người đàn bà và hỏi: “Con bà đang ở đâu, bà là mẹ nó, làm sao nó có thể giết bà được?” 

Người đàn bà cúi gầm mặt xuông đất khóc nức nở.

Bố an ủi: “Bà đứng lên kể xem chuyện gì đã xẩy ra, thì tôi mới giúp được chứ.”

Mẹ đỡ bà ta đứng lên, dùng tay gạt mớ tóc phủ kín mặt sang một bên và thấy đấy là người đàn bà còn khá trẻ.

Được sự an ủi, trong tiếng sụt sùi nhẹ dần bà ta kể: “Nhà tôi có bốn người, nhưng chỉ nhận được hai bát cháo mỗi ngày, mẹ tôi không đủ sức vác cuốc ra đồng nên không nhận được xuất ăn. Đứa con gái bốn tuổi của tôi bị ốm mấy tuần nay…và…và nó sắp chết…”

Bà ta lại gào lên khóc nức nở: “ …nó… tối nó về …nó về bóp cổ tôi…”.

Mẹ không hiểu bà ta định nói gì và hỏi: “Con bé đang ở đâu, sao nó bóp cổ bà?”

Bà ta lúng túng nói lắp bắp: “Nó…nó sắp chết…thế là tôi làm thịt nó…cho…cho cả nhà ăn…để sống…”

Nghe vậy mẹ giật mình hoảng hốt, khiến chiếc đèn dầu trong tay rơi xuống đất vỡ tan tành. Bố im lặng một lúc, rồi nói một cách kiên quyết với người đàn bà: “Tôi không thể làm được gì cho bà nữa đâu, xin bà về đi và đừng bao giờ quay lại đây nữa.”

Sau khi lên nhà bố nói với mẹ: “Không phải linh hồn đứa bé, mà chính lương tâm người mẹ sẽ dìm bà ta xuống bùn đen.”

Hai tuần sau đó, bố tìm được một nhà khác, chúng tôi chuyển đi và không ai còn đến gõ cửa nữa. Bên cạnh nhà này có hai bức tường lớn, trên cả hai bức tường có khẩu hiệu bằng màu sơn đỏ chữ to.

Trên tường bên phải ghi: Mao chủ tịch vạn tuế, vạn vạn tuế!

Trên tường bên trái ghi: Công xã nhân dân là cầu vàng đưa ta lên thiên đường cộng sản chủ nghĩa!

Trần Lệ Bình