Lê Hữu: Ngày Của Mẹ, Ngày Của Con

Hình minh họa: Mohamad Mekawi

Có lần, trong buổi tiệc sinh nhật một cô bạn, người bạn ngồi cạnh quay sang tôi hỏi, “Sinh nhật của ông là ngày nào? Ông thường tổ chức sinh nhật như thế nào?” 

“Tôi cũng… chả nhớ ngày nào,” tôi trả lời, làm ra vẻ dửng dưng. “Tôi chẳng thiết tha gì đến sinh nhật, sinh nguyệt chi cả. Nhiều sinh nhật đi qua âm thầm, lặng lẽ. Tánh tôi không thích bày vẽ kiểu cọ, trình diễn màu mè, hơn nữa cuộc đời mình cũng chả có thành tích vẻ vang nào để mà tự hào, để ‘vinh danh’ hay để ăn mừng.” 

“Ông nói vậy là sai rồi,” người bạn nói, lắc lắc đầu.

“Sai chỗ nào?” tôi hỏi, hơi khựng lại. 

“Nói như ông là biết một mà không biết hai, là không hiểu được ý nghĩa của ngày sinh nhật mình.” Người bạn nói chậm rãi. “Ngày sinh nhật không phải là ngày ông bày vẽ ra cho có chuyện để mà vui chơi hay ăn mừng, mà đấy là ngày để ông tưởng nhớ tới đấng sinh thành; nói rõ hơn, tưởng nhớ đến bà mẹ của ông, người đã phải mang nặng đẻ đau để cho ông được mở mắt chào đời, người đã phải nhọc nhằn cưu mang ông, nuôi dạy ông nên người. Ngày sinh nhật cũng không phải là ngày để ông ăn mừng hay ‘vinh danh’ ông mà là ngày để ông vinh danh… bà mẹ của ông. Nếu mẹ ông ở gần thì ông cần phải có món quà gì đặc biệt cho mẹ mình. Nếu mẹ ông ở xa thì ít nhất cái việc mà ông có thể làm được trong ngày ấy là gọi điện thoại về thăm hỏi mẹ, và khoe với mẹ rằng ‘Mẹ ơi, hôm nay là ngày sinh nhật của con, là ngày Mẹ sanh con ra, Mẹ nhớ chứ? Con luôn ghi nhớ ngày này và con cám ơn Mẹ nhiều lắm!’ Những lời thăm hỏi và cám ơn ấy là món quà ý nghĩa nhất và làm cho mẹ ông vui nhất. Cần phải biết ơn và nói lời cám ơn mẹ mình, người đã trao tặng cho mình cuộc sống quý giá trên thế gian này. Còn chuyện cuộc đời ông chẳng ra chi, ‘chả có thành tích vẻ vang nào để mà tự hào’ là do lỗi của ông chứ không phải của mẹ ông. Mẹ ông không thể nào sống giùm ông cuộc đời của ông được.”

Người bạn tuôn ra một tràng. Tôi sững người. Trời đất!… Tôi phải cám ơn người bạn ấy biết là chừng nào. Người đã làm tôi tỉnh ngộ, đã làm “vỡ” khối óc ngu muội của tôi. Và, kể từ ngày ấy, tôi hết sức trân trọng ngày sinh nhật của mình. Và cũng kể từ ngày ấy, với riêng tôi, ngoài ngày lễ gọi là Mother’s Day (hay Mothers’ Day) cho tất cả những ai có được một người phụ nữ yêu quý trên đời này để gọi là “Mẹ”, tôi còn có thêm một Mother’s Day khác nữa cần được cử hành thật trang trọng, hoặc đơn sơ nhưng trang trọng, đấy là ngày sinh nhật của tôi, ngày Mẹ sinh ra tôi, ngày Mẹ cho tôi cuộc sống đáng yêu đáng quý trên thế gian này.

Người bạn tôi thì đặt một cái tên khác cho ngày sinh nhật của mình, “Ngày Của Con”.  “Có Ngày Của Mẹ thì cũng phải có Ngày Của Con chứ,” anh ta nói. “Gọi như thế để nhớ cái ngày Mẹ sinh ra mình.”

Hình minh họa: Pixabay

Ngày sinh nhật của con cái mang ý nghĩa như thế thì ngày sinh nhật của các bà mẹ lại càng phải được trân trọng hơn để nhớ về người mẹ yêu quý ở gần bên con hoặc ở xa con, hoặc đã từ biệt thế gian này để đi về một thế giới khác. Không có ngày sinh nhật mẹ thì làm sao có… ngày sinh nhật con được.

Ít năm trước, lần đầu tiên trong đời mình, tôi làm được một việc tạm gọi là có ý nghĩa của một đứa con. Thay vì gọi điện thoại về thăm hỏi Mẹ trong ngày sinh nhật lần thứ 90 của bà, tôi đã có hành động tích cực hơn: đưa vợ và con bay về thăm Mẹ và cùng với mấy anh chị em tổ chức lễ Thượng Thọ cho Mẹ.

Mẹ tôi ở với vợ chồng chú em. Hai vợ chồng đi làm cả, đứa con trai cũng đi làm, Mẹ ở nhà một mình hết đọc báo rồi đọc kinh. Cứ mỗi lần về thăm Mẹ tôi lại nhìn thấy Mẹ già hơn, lần này Mẹ lại già hơn nhiều, đến mức tôi không đành nhìn thẳng vào khuôn mặt hằn sâu những vết trũng, vết nhăn. Mẹ gầy ốm, lưng đã còng lại còn gù lên khiến thân hình như gập xuống, như thể bao nhiêu nhọc nhằn từ đời thuở nào chất chồng lên lưng Mẹ. Mẹ lại thêm bệnh “lẫn”, lúc nhớ lúc quên. Nhìn Mẹ chống gậy bước đi lom khom, chậm chạp, đầu hơi cúi xuống trong lúc đôi mắt cố nhướng lên nhìn con, lòng tôi dâng lên nỗi xót xa… Hơn lúc nào hết, tôi nhận rõ những phôi pha, lạnh lùng của năm tháng khi chiếc bánh xe nặng nề của thời gian đã lăn đi một vòng.

Tôi đã biền biệt xa Mẹ bao năm, những năm đi học xa nhà, rồi những năm đi lính, rồi những năm đi tù “cải tạo” và sau cùng là đi định cư ở nước ngoài để mong tìm một tương lai tốt đẹp hơn cho mình, cho vợ con mình, trên một quê hương khác. Tôi có là đứa con ích kỷ? Nhiều lần tôi tự hỏi vậy và nhiều lần tôi tự biện bạch cách này cách khác hòng vơi bớt nỗi dằn vặt. Không phải là Mẹ đã muốn tôi ra đi hay sao? Không phải là Mẹ đã từ chối ra đi cùng gia đình tôi hay sao, dù biết rằng hai mẹ con rồi sẽ xa nhau muôn dặm? Phần tôi, một khi đã đi là đi biệt, chỉ vài năm một lần bay về thăm Mẹ và những người thân còn lại ở quê nhà, được ít hôm rồi lại… bay đi.

***

Có khá nhiều câu “danh ngôn” nói về tấm lòng, trái tim người mẹ, trong số ấy tôi nhớ mãi nhớ hoài câu của nhà ngụ ngôn Aesop, “Trên đời này tôi biết có hai dạng đàn bà, một làm ta đau khổ; một đau khổ vì ta. Về dạng thứ hai, tôi biết có một người: Mẹ tôi.”

Riêng tôi vẫn ân hận một điều, từ bé cho đến khi lớn khôn, hầu như tôi chưa bao giờ nói với mẹ tôi ba tiếng “Con yêu Mẹ”, mặc dầu nhiều lúc tôi rất muốn. Khi ra đời, nhiều năm xa nhà, tôi không được ở gần Mẹ để nói với Mẹ câu ấy, thế nhưng những lúc quay về bên Mẹ tôi vẫn… không sao thốt nên lời. Có thể vì tôi không có thói quen tỏ bày tình cảm riêng tư bằng lời nói, tôi cảm thấy ngường ngượng thế nào khi thốt lên câu nói ngắn ngủi ấy. Tôi chắc là bà mẹ nào cũng muốn được nghe câu ấy từ cửa miệng con mình ngày nào mẹ còn ở bên con. Lần sau cùng về thăm Mẹ, dẫu tôi muốn nói cũng không dễ chút nào, vì mẹ tôi chẳng còn nghe được những gì tôi muốn rót vào tai bà. Mặc tôi muốn nói gì thì nói bà chỉ… cười cười. Nếu muốn bà nghe được, tôi phải hét thật lớn, và điều ấy lại hóa ra kỳ cục. Tôi đành phải… nói thầm ba tiếng ấy cho một mình tôi nghe.

Sau lễ Thượng Thọ Mẹ, vợ con tôi phải về trước, tôi còn ở thêm được với Mẹ ít hôm rồi cũng vội vàng quay trở lại nơi tôi sống xa nhà bao năm nay, như sợ rằng nếu còn dùng dằng nán thêm nữa tôi khó mà rời xa Mẹ được.

Tội nghiệp Mẹ, tối hôm ấy khi tôi bước xuống lầu với hành lý trên tay, Mẹ ngạc nhiên nhìn tôi hỏi, “Con đi đâu vậy?”  Mẹ không biết là tôi sắp sửa rời xa bà trong ít phút nữa. Tôi nói, “Con về lại Mỹ.”  Bà không nghe được, hỏi lại lần nữa. Tôi nói lớn vào tai Mẹ, “Con về lại Mỹ.”  Mẹ tôi đứng ngây ra. Vài giây sau bà nắm chặt lấy tay tôi, hỏi, “Con đi thật sao? Mẹ tưởng…”  Những đầu ngón tay bà bấu chặt cánh tay tôi. Tôi nhẹ nhàng gỡ những ngón tay Mẹ, nói, “Mẹ lại đây chụp với con tấm hình.”  Mẹ tôi vẫn đứng ngây ra.  “Mẹ không muốn chụp hình với con sao?” tôi hỏi, nắm tay Mẹ dắt ra giữa phòng khách. Hai mẹ con đứng bên nhau, tôi nói chú em bấm cho mấy tấm ảnh. 

“Mẹ cười lên!” tôi nói. “… Một, hai, ba!” 

Mẹ cười dúm dó. Taxi vừa trờ đến, chờ ngoài cửa. Đặt nhẹ bàn tay lên vai Mẹ, tôi nói “Thôi nhé, con đi!” (và nhớ ngày xưa đi lính, những lần về thăm Mẹ, lúc quay về lại đơn vị tôi cũng nói với Mẹ y như vậy).

Mẹ theo tôi ra ngoài cửa. Chú em tôi lên xe trước, tôi quay nhìn Mẹ nói, “Mẹ vào đi, nhớ khóa cửa sắt lại, có mình Mẹ ở nhà.”  Mẹ tôi vẫn đứng đó, thẫn thờ. Tôi nắm tay Mẹ dắt vào trong, rồi bước ra, kéo cánh cửa sắt lại. “Mẹ nhớ khóa cửa lại cho con,” tôi nói và bước vào xe. Mẹ đứng lặng yên sau khung cửa sắt nhìn ra. Cánh cửa sắt nặng nề có những chấn song trông như những song sắt nhà tù, một nhà tù của cô đơn. Đấy là hình ảnh sau cùng về Mẹ tôi còn giữ được.

Xe chạy thẳng, tôi không ngoái lại, cũng không vẫy vẫy tay về phía Mẹ để không phải ứa nước mắt.

Tôi chẳng còn dịp nào để nói thầm, nói lớn vào tai Mẹ. Trong năm rồi, hay tin bệnh tình bà trở nặng tôi vội bay về, kịp nắm lấy bàn tay gầy guộc và lạnh lẽo, kịp đưa tiễn bà về Trời. Trở về gian phòng nhỏ nơi bà nằm dưỡng bệnh những năm tháng cuối đời, gặp lại dĩa nhạc cũ gồm những bài hát về người mẹ, tôi gửi cho bà ngày xưa và bà vẫn nghe đi nghe lại. Tôi cho vào máy nghe CD cũ, một mình ngồi trong căn phòng tối, một mình nghe hết dĩa nhạc gồm những bài hát cả hai mẹ con đều yêu thích.

Mẹ ơi, thôi đừng khóc nữa
cho lòng già nặng sầu thương
Con đi say tình viễn xứ
đâu có quên tình cố hương *

Tôi nghe mà nước mắt chảy thầm. Rồi tôi nhìn chiếc khung ảnh mà Mẹ luôn để cạnh giường. Tấm ảnh màu chụp Mẹ tôi ngồi giữa đàn con cháu với nụ cười tươi và bó hoa cũng tươi thắm trên tay, những bông hoa thơm ngát của lòng biết ơn mà chúng tôi dâng tặng Mẹ cùng với lời chúc mừng tuổi Mẹ vừa tròn 90. Những bông hồng màu đỏ thắm ấy cũng bày tỏ nỗi sướng vui của những đứa con may mắn còn có Mẹ, tuy tuổi Mẹ đã già, sức Mẹ đã yếu như bóng chiều quạnh quẽ trong buổi hoàng hôn của đời người.

Một Mother’s Day thôi thì chưa đủ, tôi nghĩ thế. Cần phải có thêm những Mother’s Day khác nữa, những ngày làm ta nhớ đến Mẹ, như ngày sinh nhật Mẹ, ngày sinh nhật con và ngày giỗ Mẹ nữa, của những đứa con không còn Mẹ.

Lê Hữu

*“Lá thư gửi Mẹ”, Nguyễn Hiền & Thái Thủy