Lê Nguyễn: Phú Nhuận và những hình ảnh đã thuộc về quá khứ
Tôi kể về những hình ảnh kỷ niệm này như kẻ khơi lại đống tro tàn đã lạnh lẽo từ lâu. Những hình ảnh của một thời trẻ dại, nay chỉ còn lại trong ký ức mơ hồ, lãng đãng khói sương.
Tôi nhớ những buổi trưa hè, trong ngôi nhà lẻ loi bên cạnh một nghĩa địa rộng lớn, nhìn thấy những người phụ nữ trong bộ trang phục đơn giản, nghèo nàn, tay xách một thùng gỗ nhỏ, bên trong khoét những lỗ tròn, đủ để đặt vào đó mấy chai thủy tinh thấp bé, đựng các chất lỏng màu xanh, màu hồng. “Dầu gió, dầu bông lài, dầu hải đường hông?”, đó là tiếng rao ngọt ngào, lảnh lót vang lên giữa cái nóng nung người, nhưng đủ để một cậu bé 4-5 tuổi đời nhớ mãi.
Thời đó, dầu gió là thứ dầu được nấu thủ công từ lá khuynh diệp, rẻ tiền, nên được nhiều gia đình sử dụng để thoa chỗ sưng trặc hoặc phòng khi gió máy. Dầu bông lài, dầu hải đường là những sản phẩm phổ biến, là những “Chanel, Gucci, Yves Saint-Laurent”… của các bà các cô thời đó. Vào những năm 1940, số người uốn tóc còn ít, tắm xong, chải tóc, vuốt một ít dầu trơn là mái tóc dài nhìn thấy óng mượt ngay, mùi hương hoa lài, hoa ngâu thoang thoảng, gợi nhớ một thời con gái.
Ngày nay món “kẹo đục” không thấy nữa, song vào thập niên 1940-1950, nó còn phổ biến lắm. Thanh kẹo to bằng ngón tay cái, dài khoảng 20 phân, chế biến từ bột, mạch nha, đường và đậu phộng. Chúng cứng và giòn, người bán dùng một cái đục, gõ thành những thanh dài chừng 3-4 phân, quấn trong một manh giấy nhỏ, cứ thế mà nhai. Có lẽ từ “kẹo đục” xuất phát từ hành vi đục kẹo này.
Xóm tôi lúc bấy giờ có một ông bán kẹo đục người Tàu đội trên đầu một cái tràng bằng thiếc rộng khoảng 1 mét, trong chứa kẹo đục, ai kêu mua, ông hạ xuống, đục và bán. Ông đội cái tràng khéo lắm, khi đi chẳng cần vịn tay vào mà cái tràng vẫn vững vàng theo từng bước ông đi. Tôi có nhiều ấn tượng về ông Tàu bán kẹo đục này, vì ông và ông Ngoại tôi, vốn là một người giỏi chữ Nho, vẫn thường xuyên có những buổi đàm đạo kéo dài.
Những lúc đó, kẹo đục còn lại bao nhiêu, đối với ông, chả là cái đinh gì. Ông Ngoại tôi là người có 50 % máu Tàu, ông Tàu bán kẹo đục tha phương cầu thực, chắc nhớ về quê lắm, gặp một người như thế cũng bớt được phần nào nỗi nhớ. Có điều, một thời gian sau đó, không còn thấy ông bán kẹo đục đâu nữa! Ông trở về quê cũ bên Tàu, chuyển sang nghề khác, hay đã là người thiên cổ, đó chắc là những điều đã khiến ông Ngoại tôi ray rứt trong lòng. Có những buổi trưa ông ngồi thẫn thờ nhìn ra trước ngõ, chắc là mong nhớ ông bán kẹo đục lắm!
Những năm 1940, Phú Nhuận còn nhiều nơi hoang vắng, nhà cửa rải rác, không gian thoáng đãng đến nỗi voi đi như vào chỗ … không người. Thỉnh thoảng cả xóm xúm lại quanh một con voi khổng lồ, đứng hiền lành cho mọi người vuốt ve, và đút vào miệng những cây mía dài. Đó là những chú voi đi bán dầu cù là Mac Phsu. Người tham gia duy nhất trong những chuyến bán hàng lưu động này là người nài. Anh không kêu gào, hò hét như những bác sơn đông mãi võ, chỉ ngồi lặng lẽ trên lưng voi, nhìn xem thiên hạ túm tụm quanh con vật khổng lồ, hỏi mua dầu cù là thì anh bán, không hỏi mua thì thôi. Đó là cung cách bán hàng lạ của thời kỳ này, khi mà các khái niệm tiếp thị, khuyến mãi chưa xuất hiện trong kho ngôn ngữ Việt.
Ngày nay, những chú voi khổng lồ trên thế giới bị triệt hạ để lấy ngà khá nhiều, những chú voi của thế hệ 4X ở Phú Nhuận – Sài Gòn cũng chỉ còn là kỷ niệm, muốn thấy chúng, chỉ có thể vào sở thú.
Ở Mỹ, khi đến thủ đô Washington D.C. của xứ Cờ Hoa, du khách có thể nhìn thấy nhiều nghệ sĩ nghèo biểu diễn âm nhạc ngay giữa đường phố. Phương tiện kiếm ăn của họ là chiếc kèn trumpet, saxophone hay cây violon óng mượt. Họ đứng một chỗ, trỗi lên hết nhạc phẩm này sang nhạc phẩm khác, khách đi đường ai thích nghe thì dừng lại lắng nghe, ai cám cảnh thì bỏ vào chiếc nón trước mặt họ vài đồng. Hình ảnh này không chỉ tìm thấy ở Washington D.C., mà còn ở nhiều nơi khác trên đất Mỹ.
Ở miền Nam, vào thập niên 1940, cũng có những nghệ sĩ nghèo hoạt động như thế, tất nhiên là dưới một hình thức khác.
Dù đã lâu lắm rồi, song tôi vẫn nhớ như in hình ảnh những toán hát dạo đi lang thang khắp nơi trong vùng đất Phú Nhuận còn thưa thớt nhà cửa, hàng quán chỉ tập trung chủ yếu trên con đường Võ Di Nguy, tên thời Pháp thuộc là Louis Berland. Họ gồm những nhóm nhỏ độ 4-5 người, trong đó có 1-2 người mù, đi hàng một trên đường, người đi sau níu vai người trước.
Nhạc khí của họ gồm chủ yếu chiếc trống nhỏ do người đi đầu hàng đeo trước bụng, một đàn mandoline và một đàn banjo. Họ không sử dụng đàn guitar, có lẽ do đàn này cồng kềnh hơn banjo và mandoline. Khi di chuyển trên đường, người sáng mắt đi đầu mang trống, những người đi sau tay cầm đàn, tay vịn vai người đi trước.
Những ca nhạc sĩ nghèo hát dạo ấy vừa đi vừa gõ trống, một thứ âm thanh quen thuộc ai cũng nhận ra. Gia đình nào muốn nghe họ hát thì mời họ ghé lại. Thông thường mỗi lần như thế, gia chủ trải chiếc chiếu ra giữa sân, chủ khách cùng ngồi. Ai trong gia đình muốn nghe bài nào thì đề nghị họ hát, không ai đề nghị thì họ tự biên, tự diễn. Họ hát những bài hát của các nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu (Trầu Cau, Mùa đông binh sĩ…), Hoàng Giác (Ngày về, Quê hương), Anh Việt (Chiều trong rừng thẳm…), hầu hết là những bài hát diễn tả cảm xúc về cuộc kháng chiến giành lại nền độc lập cho xứ sở lúc bấy giờ. Gây ấn tượng mạnh nhất cho tuổi thơ của tôi lúc ấy là bài Chiều Trong Rừng Thẳm:
“Trong rừng xa vắng . . . âm u nhuộm ánh dương mờ
Tiếng gió rít lên . . . ngàn cây xác xơ”.
Mà không chỉ riêng tôi, tuổi trẻ thời ấy thích và nhớ bài hát đến nổi họ đặt ra một lời ca khác theo đúng giai điệu chính:
“Cô Mười, cô Chín, hai cô anh muốn cô nào?
Muốn dắt cổ đi đừng cho má cổ hay ….”
Năm 5-6 tuổi, tôi từng ít nhất một hai lần chứng kiến cảnh những người hát dạo ấy được gia đình tôi mời vào hát. Sau khoảng một tiếng đồng hồ, gia chủ dọn cơm ra, mọi người cùng ăn, chuyện trò vui vẻ. Ngoài bữa ăn, còn có chút tiền lộ phí hay không thì tôi không rõ.
Có thể nói trong tuổi thơ của tôi, hình ảnh những người nghèo đi hát dạo kiếm cơm nuôi thân ở Phú Nhuận là một trong những hình ảnh đẹp và cảm động nhất. Nó hằn sâu trong ký ức của tôi, dù đã qua hơn 70 năm biến động, thăng trầm. Mỗi lần nhớ lại cảnh 4-5 người dắt díu nhau đi trên đường, tiếng trống vang lên như tiếng lòng thổn thức, là tôi không thể ngăn nổi cảm xúc của mình!
Điều may mắn của thanh thiếu niên miền Nam ra đời từ thập niên 1940 là được thấm đẫm trong tâm hồn mình không chỉ một nền văn chương khai phóng, mà còn có cả nền văn học “tiền chiến” miền Bắc với những tinh hoa phát xuất từ nửa đầu thập niên 1950 trở về trước, những Huy Cận với Lửa thiêng, Xuân Diệu với Thơ Thơ, Gửi hương cho gió, Nguyễn Tuân với Vang bóng một thời, Chùa đàn …, những tài năng chưa bị cơn lốc xoáy Nhân văn, Giai phẩm cuốn trôi đi những phẩm hạnh ở đời.
Sau ngày đất nước bị chia cắt bởi hiệp định Genève, tuổi trẻ miền Nam khao khát nền văn học miền Bắc trước 1954 chỉ được trình bày sơ lược trong những tập giảng văn trung học. Chính quyền cũng thông cảm với niềm khát khao đó, song luật tác quyền không cho phép xuất bản tác phẩm của những nhà văn đang sống tại miền Bắc.
Sau những năm 1954-1955, bỗng nhiên độc giả của Phú Nhuận nói riêng và Sài Gòn nói chung đón nhận được một luồng gió mát thổi lại từ cuộc di cư vĩ đại của hàng triệu đồng bào miền Bắc. Không hiểu bằng cách nào mà có người khuân được cả kho sách xuất bản tại miền Bắc trước năm 1954 vào đến Sài Gòn và mở những địa điểm cho mướn sách ở một vài nơi trong thành phố. Riêng ở Phú Nhuận, tôi không quên được ông “Bắc kỳ di cư” nước da đen giòn, tóc dài tém ngược ra phía sau, bày biện sách cho mướn trên lề đường Võ Di Nguy.
Phải nói là kệ sách cho mướn của người đàn ông này đã góp phần không nhỏ trong việc nuôi lớn tâm hồn một thiếu niên mê văn chương, ham tìm hiểu nền văn học hai miền vào những năm sau 1955. Sách ông cho mướn là loại phát hành từ những ấn bản đầu tiên vào thập niên 1930-1940, có thời điểm giấy khan, trang sách dày cộm, lẫn vào trong những vỏ rơm, vỏ rạ. Ông bọc từng quyển sách bằng loại giấy dầu, cứng và dai, đủ để chịu đựng sự trao qua đổi lại của hàng trăm bàn tay con người. Tiền thế chân mỗi quyển sách dao động từ 10 đến 15 đồng, tiền mướn sách khoảng 2 đồng trong 3 ngày.
Nhờ “thư viện sách lưu động” đó, trong 3-4 năm liền, tôi đã ngốn hàng trăm quyển sách của Tự Lực Văn đoàn, của nhà xuất bản Tân Dân (của Vũ Đình Long), báo Tiểu thuyết Thứ bảy, Phổ thông bán nguyệt san… Tiếng là “bán nguyệt san”, song mỗi số báo chủ yếu là tác phẩm của một nhà văn như Nguyễn Công Hoan, Lan Khai, Ngọc Giao, Lê Văn Trương, Tchya (Đái Đức Tuấn) …Vào những năm cuối thập niên 1940, đầu thập niên 1950, Lê Văn Trương là một trong vài tác giả có nhiều đầu sách in nhất, hai trong những tác phẩm tiêu biểu của ông là Tôi là Mẹ và Những đồng tiền siết máu.
Tuy sách mà người đàn ông di cư này cho mướn chỉ là những sách báo ra đời cách đó độ trên dưới 20 năm, song lúc ấy, đối với tuổi trẻ chúng tôi, quãng thời gian này đã khá dài, được cầm trên tay ấn bản đầu tiên của những quyển sách này là một niềm vui khó tả, vì không thể tìm thấy chúng ở đâu trên thị trường. Tôi còn nhớ trên một tờ Tiểu thuyết thứ bảy năm 1937, bên dưới trang in một bài thơ của nữ sĩ T.T. Kh., tòa soạn còn ghi thêm lời nhắn với tác giả, đại ý là mấy bài thơ vừa đăng của bà đã gây một tiếng vang lớn trong công chúng, mong bà gửi tiếp tác phẩm về tòa soạn…
Hơn 60 năm qua rồi, tôi vẫn hình dung rõ người đàn ông di cư tóc tém ngược ra sau, láng bóng, và tủ sách cho mướn của ông bên lề đường Võ Di Nguy, Phú Nhuận, bằng sự biết ơn và niềm hoài cảm mênh mông về một thời tuổi trẻ nhiều kỷ niệm vui buồn.
Ngày nay, sách báo ngập tràn thị trường văn hóa, kể cả sách Tây, sách Mỹ… giá sách không chiếm một tỉ lệ đáng suy tính trong thu nhập của nhiều người, nghề cho mướn sách hầu như không còn, nếu có, cũng không còn mang dáng dấp ngày xưa nữa.
Lê Nguyễn
9.3.2024