Lê Nguyễn: Sài Gòn ơi!
Hình như cho đến nay, chưa có tài liệu nào đủ sức thuyết phục khi đưa ra một thời điểm rõ rệt về sự ra đời của địa danh Sài Gòn. Có điều chắc chắn là nó đã tồn tại trên 300 năm.
Theo sách Gia Định Thành Thông Chí của Trịnh Hoài Đức, trong một trận đánh diễn ra vào năm 1674, quân chúa Nguyễn đã phá vỡ ba chiến lũy của người Chân Lạp là Sài Gòn, Gò Bích và Nam Vang. Không rõ còn có cái tên Sài Gòn nào xuất hiện trước đó nữa không, song từ ấy đến nay cũng đã hơn 350 năm rồi.
Năm 1698, chúa Nguyễn Phúc Chu “… sai Thống suất Nguyễn Hữu Kính kinh lược đất Chân Lạp, chia đất Đông Phố, lấy xứ Đồng Nai làm huyện Phúc Long (nay thăng làm phủ), dựng dinh Trấn Biên (tức Biên Hòa ngày nay), lấy xứ Sài Gòn làm huyện Tân Bình …” (Đại Nam thực lục – tập I – NXB Giáo dục – Hà Nội 2002, trang 111). Từ đó, tên Sài Gòn đã nằm ở một cột mốc lớn trong lịch sử cuộc mở cõi của các chúa Nguyễn.

Đến thập niên 1860, sau khi đã chiếm ba tỉnh miền Đông Nam kỳ – Biên Hòa, Gia Định, Định Tường – thực dân Pháp biến Sài Gòn thành trung tâm quyền lực lớn nhất, xây dựng dinh thự, cầu đường, hình thành bộ máy hành chánh đầu tiên, thu hút cư dân nội địa và nhiều người châu Âu từ các nơi đổ về sinh sống. Từ đó, Sài Gòn trở thành một thành phố thực sự, cưu mang hàng triệu phận đời, ghi khắc vào tâm tư, ký ức họ những kỷ niệm không thể nào quên.

Sau năm 1975, thành phố Sài Gòn được (hay bị, tùy mỗi người) đổi tên thành Thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM). Đó là một quyết định hành chánh, chính trị, song về mặt tinh thần, cái tên Sài Gòn vẫn tồn tại, vẫn sống bình yên trong tâm tưởng của không những những người con của đất Sài Gòn, mà còn của người tứ xứ khác.
Năm 1998, chính quyền TPHCM tổ chức rầm rộ “Kỷ niệm 300 năm Sài Gòn-Thành phố Hồ Chí Minh”, hàng ngàn bài viết, hàng chục tác phẩm ra đời mang chủ đề này. Một lần nữa, không thể phủ nhận từ Sài Gòn, vì phủ nhận nó thì lấy đâu làm con số “300 năm”!
Từ đó đến nay, hai chữ Sài Gòn vẫn mặc nhiên được công nhận, các chính quyền kế tiếp nhau tại thành phố này vẫn mặc nhiên cho phép sách báo chính thống sử dụng từ Sài Gòn để nói về thành phố đang có hơn 10 triệu người sinh sống.
Về mặt tâm linh, Sài Gòn đã trở thành máu thịt của hàng chục thế hệ con người từng đổ mồ hôi, nước mắt để xây dựng, bảo tồn một vùng đất rộng lớn do cha ông để lại. Sau 50 năm không còn được mang tên của một thành phố lớn nhất nhì đất nước, Sài Gòn vẫn được nhắc nhở với tầm vóc xứng đáng của nó.
Thế nên, chiều nay, mình cảm thấy có một cái gì đó đau đau, xót xót, tiếc tiếc, buồn buồn, khi cái tên Sài Gòn thân yêu được dùng để đặt cho một cái phường trong hàng ngàn cái phường chi chít của một thành phố mà ranh giới đã ra đến Bà Rịa-Vũng Tàu. Trong khi thành phố mở rộng hàng trăm cây số thì cái tên Sài Gòn lại được gắn kết cho một cái phường! Thà là cứ để nó chết trên giấy tờ chính thống mà vẫn sống trong lòng mọi người, còn hơn là để nó sống lại trong cơ thể teo tóp của một cấp phường! Có bất nhẫn lắm không?
Nói đến Sài Gòn, không thể không liên tưởng đến dự án cải tổ hành chánh triệt để hiện nay, mà theo trí ngu của mình, đây là dự án không tiền khoáng hậu. Trong lịch sử hàng ngàn năm của đất nước kể từ năm Ngô Quyền dựng nền độc lập lâu dài, các cải cách được thực hiện từng bước để tránh sự xáo trộn đời sống xã hội, mặt khác bảo đảm được tính kế thừa, tính khả thi của hoạt động cải cách.
Sau tháng 4.1975, đã có những cải cách qua việc sáp nhập nhiều tỉnh thành làm một, Bình Phước gồm Bình Dương-Bình Long-Phước Long; Hậu Giang gồm Phong Dinh (Cần Thơ)-Chương Thiện; Tiền Giang gồm Định Tường-Gò Công; Phú Khánh gồm Phú Yên-Khánh Hòa… Chỉ có việc sáp nhập thế thôi, mà xem ra hệ quả không phải là không đáng quan tâm. Để rồi sau này, nhiều tỉnh thành được tách ra trở lại, điều này phần nào nói lên sự không thích ứng của việc sáp nhập, trong đó không thể không kể đến yếu tố năng lực của con người.
Gần đây, trong mắt một con người biết võ vẽ đôi chút khái niệm hành chánh, mình có cảm giác cuộc cải tổ hành chánh hiện hành là một sự kiện “không tiền khoáng hậu”. Nó lớn lao quá, bao gồm không chỉ sự tinh giản biên chế để giảm bớt gánh nặng ngân sách – chỉ riêng việc này thôi cũng đã đặt ra hàng loạt vấn nạn – mà còn cả sự sáp nhập và sửa đổi tên gọi các tỉnh thành, một số không nhỏ những cái tên đó là kỷ niệm, là nỗi buồn vui, sướng khổ của cả một đời người! Những cái tên gắn liền với lịch sử như Bình Định, Quảng Nam, Bà Rịa-Vũng Tàu … bị xuống cấp, trở thành phần phụ thuộc của những cái tên xa lạ hơn, sinh sau đẻ muộn hơn như Đà Nẵng, Gia Lai …
Theo mình, việc sáp nhập cùng lúc nhiều tỉnh thành trên cả nước gợi nhớ kinh nghiệm cũ của những năm sau 1975. Nó sẽ đưa đến nhiều hệ lụy mà chắc rằng cấp lãnh đạo đất nước ngày nay đã đủ tiên liệu để đối phó. Nói cho vui, chỉ riêng việc sửa đổi các danh hiệu trên văn kiện, sách, báo, sách giáo khoa, trên giấy tờ tùy thân thôi, có thể phải tiêu tốn hàng chục ngàn tấn giấy. Còn về phía người dân, muốn hội nhập với guồng máy mới, phải học tập tích cực về địa lý để không phải bỡ ngỡ với những thay đổi nhiều đến …chóng mặt.
Riêng về việc bãi bỏ cấp quận, huyện, từ hàng ngàn năm qua là cấp trung gian giữa cấp tỉnh, thành phố với cấp xã, phường, có lẽ đang là vấn đề gây ra nhiều lo ngại nhất. Bởi vì chúng ta khó lòng hình dung được những gì sẽ xảy ra khi cấp tỉnh-thành phố phải trực tiếp điều hành hàng trăm phường xã trên địa bàn của mình.
Đọc lịch sử, chúng ta biết rằng cấp châu, huyện đã tồn tại suốt hàng ngàn năm nay. Từ thời vua Lê Đại Hành, các địa phương có lộ, phủ, châu; phủ, châu là cấp trung gian giữa lộ (tương đương tỉnh) và cấp cơ sở nhỏ nhất chưa được xác định rõ. Đời Lý Thái Tổ, nhà vua dời đô ra thành Đại La, đổi tên là Thăng Long, trong tổ chức hành chánh vẫn là các cấp phủ, châu. Đời vua Lê Thái Tổ, năm 1429, từ huyện chính thức xuất hiện, là cấp trung gian giữa lộ, phủ và xã.
Cuộc cải cách quan trọng diễn ra dưới thời Lê Thánh Tông, năm 1466, nhà vua đặt ra 13 đạo thừa tuyên (hay xứ thừa tuyên), là cấp địa phương cao nhất, dưới có phủ, châu, huyện, xã. Cấp huyện tồn tại suốt triều đại nhà Nguyễn, sang chế độ VNCH (đổi thành quận) và cho đến gần đây.
Chính vì sự tồn tại hàng ngàn năm của cấp trung gian này mà dự án bãi bỏ cấp quận huyện trong cuộc cải tổ bộ máy chính quyền hiện nay được xem là một sự kiện bất ngờ trong lịch sử. Khó hình dung nổi làm thế nào mà cấp tỉnh, thành phố lại có thể điều hành trực tiếp hàng trăm phường, xã dưới quyền mình. Phải chăng rồi lại sẻ nảy sinh một cấp trung gian nào đó, không là huyện, mà là huyện!
Thật ra thì với lớp dân đen ít hiểu biết như mình, điều lo nghĩ đó cũng chỉ là một hình thức lo bò trắng răng. Khi dự kiến một thay đổi bất ngờ và lớn lao như vậy, bộ máy tham mưu cao nhất của nhà nước chắc cũng đã dự liệu mọi tình huống, vấn đề còn lại là chúng ta tròn con mắt theo dõi các diễn biến trong thời gian sắp tới ra sao thôi.
Trong một buổi chiều lạnh lẽo ở xứ người, chợt cảm thấy lòng rộn lên nhiều cảm xúc khi nhớ nghĩ đến cái tên máu thịt Sài Gòn, rồi nghĩ dần lân ra nhiều điều lẩm cẩm khác, thuộc loại “nghe qua rồi bỏ”, xin mọi người thế tất cho.
Lê Nguyễn
15.4.2025