Lê Nguyễn: Tuyển tập “Đạo đức, Luân lý Đông Tây” hay là Cuộc đi tìm bóng dáng người xưa
Trong lịch sử Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX, thời kỳ sau năm 1930 được đề cập đến nhiều với đầy ắp sách báo, tư liệu và sự hỗ trợ về mặt truyền thông của cơ quan chính quyền. Một thời kỳ khác cũng có những sắc thái tiêu biểu cho công cuộc đấu tranh của dân tộc nhằm thoát khỏi ách đế quốc, đã không được khai thác và phổ biến tương xứng với tầm vóc quan trọng của nó. Đó là những năm 1900 – 1930, với hoạt động của nhiều nhà ái quốc dành cả đời mình tranh đấu cho sự độc lập, tự do của dân tộc, như Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Phan Văn Trường, Ngô Đức Kế, Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Tất Thành, Nguyễn An Ninh …
Mới đây, Nhà xuất bản Tổng hợp TPHCM đã làm một việc có ý nghĩa là phát hành tập sách “Đạo đức, Luân lý Đông Tây”, nhằm giới thiệu những bài diễn thuyết hay thư từ quan trọng của các nhà hoạt động cách mạng thời kỳ 1900 –1930, trước khi những người Cộng sản trực tiếp tham gia vào công cuộc đấu tranh giành lại độc lập cho xứ sở.
Sách dày 300 trang, khổ 14 x 20,5 cm, giá bìa 135.000 đ (chưa trừ chiết khấu), do cây bút Nguyễn Quang Diệu sưu tầm, giới thiệu và chú giải. Nhà sưu tập này đang là biên tập viên chính của mảng sách biên khảo lịch sử từ nhiều năm nay, sự sưu tập và chọn lựa của anh hứa hẹn một điều gì đó khả tín và có sức thu hút cao.
Tác phẩm đầu tiên được giới thiệu trong tuyển tập là bài diễn thuyết của cụ Phan Châu Trinh tại Hội Việt Nam đêm 19.11.1925. Nhan đề của bài diễn thuyết này được nhà xuất bản và người sưu tầm sử dụng làm nhan đề của chính tuyển tập. Bài diễn thuyết còn được người đương thời gọi là “bản di chúc” cuối đời của cụ Phan, vì chỉ 4 tháng sau, cụ Phan đã qua đời (24.3.1926).
Trong bài diễn thuyết “Đạo đức, Luân lý Đông Tây”, cụ Phan nhấn mạnh đến yếu tố đạo đức trong sự tồn tại, phát triển và tranh đấu của một dân tộc. Cụ viết: “Dân tộc nào đã bị té nhào xuống, nay muốn đứng lên, khỏi bị người đè lên trên thì lại cần phải có một nền đạo đức vững chặt hơn dân tộc đương giàu mạnh hơn mình”, và
“ …nước ta mất cũng vì luân lý dân ta hèn, cũng vì mất đạo đức luân lý, bị người khinh bỉ, giày xéo …. thì ta phải cố sức sửa đổi luân lý bồi đắp đạo đức của ta …”.
Khác với cụ Phan Châu Trinh, Trạng sư Tấn sĩ (Luật sư Tiến sĩ) Phan Văn Trường (1876-1933), trong buổi diễn thuyết tại Hội quán Nam kỳ Khuyến học ngày 17.3.1925, lại nhấn mạnh đến việc “Giáo dục, học vấn trong dân tộc An Nam” (tên bài diễn thuyết). Vị trạng sư tấn sĩ đã viết: (giáo dục, học vấn có liên hệ đến) “cả hậu vận, tiền đồ (l’avenir) dân tộc, quốc gia, xã hội. Là bởi vì nước thạnh hay là suy thời cũng tại giáo dục, học vấn cả. Dân thông minh, tài năng hay là dốt nát, ngu hèn, thời cũng tại giáo dục, học vấn cả. Dân phong phú hay là nghèo đói thời cũng tại giáo dục, học vấn cả”.
Trong tuyển tập, chí sĩ Nguyễn An Ninh (1900 – 1943) đóng góp bài “Cao vọng của thanh niên An Nam” trong buổi diễn thuyết đêm 15.10.1923 tại Khuyến học hội Sài Gòn. Ý tưởng chủ đạo của nhà cách mạng trẻ tuổi này là: “một đoàn dân muốn sống, muốn tự do, muốn tràng danh trong nhơn loại, cần phải có một nền tri thức riêng cho mình”, bởi vì “một nước được tự chủ mà còn phải nhờ học thức của nước khác thì cũng không được thật tự do”.
Điều đáng tiếc là những con người có đầu óc tiến bộ, sục sôi dòng máu cách mạng trong tim ấy không sống lâu với đất nước, với dân tộc, cụ Phan Châu Trinh qua đời năm 1926, cụ Phan Văn Trường năm 1933, chí sĩ Nguyễn An Ninh năm 1943.
Tác giả thứ tư trong tuyển tập có bút danh Tân Nam Tử khá lạ lẫm với nhiều người. Đó tên thật của ký giả Lâm Văn Từ, tự Minh Đức, xuất thân ở Cầu Ngang, Trà Vinh, Nam Bộ. Điều trớ trêu là bút danh này trùng với bút danh cụ Nguyễn Văn Vĩnh ở miền Bắc, nên có câu nói của Tân Nam Tử miền Nam bị hiểu là của Tân Nam Tử miền Bắc!
Tư liệu về cuộc đời Tân Nam Tử miền Nam không nhiều, song do bức thư dài 27 trang của tác giả gửi cho ông L.V.N., một cử nhơn luật, cử nhơn triết lý, nêu ra nhiều điều thú vị nên nó được tuyển chọn như tiếng nói của một trong những người tiêu biểu cho tầng lớp thanh niên thời kỳ đó.
Cuối cùng, tuyển tập tiết lộ một điều ít người biết, đó là vào năm 1922, tại Paris, Trạng sư Phan Văn Trường đã đệ trình luận án tiến sĩ có tên “Essai sur le code Gia Long” (Khảo luận về luật Gia Long). Cũng vì thế, Nguyễn Quang Diệu đã dành phần Phụ lục dài 99 trang cho bài khảo luận có nhan đề “Pháp luật lược luận” của cụ Phan Văn Trường. Đây là một trong những tài liệu nghiên cứu pháp luật sớm nhất của một người Việt Nam, đến nay vẫn còn có giá trị đối với bạn đọc và các nhà nghiên cứu lịch sử, pháp luật vào thời kỳ non trẻ của xã hội Việt Nam.
Xin trân trọng giới thiệu tuyển tập Đạo đức, Luân lý Đông Tây cùng các bạn yêu văn hóa, lịch sử.
Lê Nguyễn
30.5.2024