Lê Nguyễn: Về một số ngộ nhận liên quan đến nhân vật lịch sử Lê Văn Duyệt (kỳ 2)
Lời giới thiệu: Diễn Đàn Thế Kỷ nhận được loạt bài nghiên cứu “Về một số ngộ nhận liên quan đến nhân vật lịch sử Lê Văn Duyệt” của tác giả Lê Nguyễn gửi từ Sài Gòn.
Lê Nguyễn là bút danh của Lê Văn Cẩn, sinh năm 1944, tốt nghiệp khóa 10 Học viện Quốc gia Hành chánh, Sài Gòn (1965), một cây bút quen thuộc của nhiều tờ báo, tạp chí trong nước như Kiến thức Ngày Nay, Thế giới Mới, Khoa học phổ thông, Khoa học và Đời Sống…, là tác giả của khoảng hơn 10 đầu sách đã xuất bản, phần lớn là sách biên khảo lịch sử thời Lê–Nguyễn và thời Pháp thuộc.
Loạt bài này sẽ được đăng làm 3 kỳ. Xin trân trọng giới thiệu cùng quý độc giả.
3) LÊ VĂN DUYỆT VÀ VỤ ÁN NGUYỄN VĂN THUYÊN
Theo sách Đại Nam Thực Lục, trong một trận đánh vào tháng 11 âm lịch (AL) năm 1800, Nguyễn Văn Thành là chủ tướng, Lê Văn Duyệt là Phó tướng, “Thành vốn thích rượu, sắp ra trận thì đem bầu ra tự rót uống, rót một chén đưa cho Duyệt. Duyệt không chịu uống, Thành cố ép, nói: Nay trời lạnh, uống một chén cho mạnh thêm lên!”. Duyệt nói: ‘Ai yếu nhát mới phải mượn rượu, còn tôi thì trước mắt không thấy có giặc nào mạnh, cần gì đến rượu’. Thành có vẻ xấu hổ, do đó căm Duyệt” (Đại Nam Thực Lục – Tập Một, NXB Giáo dục 2002, trang 422)
Trong mối quan hệ giữa hai khai quốc công thần của vua Gia Long là Nguyễn Văn Thành và Lê Văn Duyệt, có lẽ câu chuyện kể trên là đầu mối của nhiều ngộ nhận về hành động của Tả quân Duyệt đối với hai sự kiện quan trọng liên quan đến Trung quân Nguyễn Văn Thành và người con là Nguyễn Văn Thuyên.
Thuyên đỗ Cử nhân trong khoa thi Hương năm 1813, vì là con của một đại thần, lại sính chữ nghĩa, nên nhà có nhiều tân khách. Một ngày nọ, Thuyên cho môn hạ là Nguyễn Trương Hiệu đi mời hai người ở Thanh Hóa có tiếng giỏi văn thơ là Nguyễn Văn Khuê, Nguyễn Đức Nhuận, mang theo một bài thơ do Thuyên làm, phần cuối có hai câu: “Thử hồi nhược đắc sơn trung tể, tá ngã kinh luân chuyển hóa cơ”, có nghĩa là “phải chi có được vị tể tướng chốn sơn trung, giúp ta xoay chuyển cơ trời”.
Về điểm này, theo Đại Nam liệt truyện, “Câu thơ ấy, lời nói có ý bội nghịch, Hiệu đem câu thơ ấy phê với Hình bộ thiêm sự Nguyễn Hữu Nghi, Nghi vốn oán Thành, xin Hiệu đem thơ ấy tố cáo với Lê Văn Duyệt, Duyệt cùng Thành vốn không hòa hợp, đem câu thơ ấy dâng lên vua, vua nghĩ sự trạng chưa rõ giả lại tờ ấy” (sđd, tập2 – quyển 21- mục XVIII, NXB Thuận Hóa, Huế 2006
Sách Đại Nam Thực Lục (sđd, Tập I, trang 913–914) cũng ghi chép về chuyện này tương tự như trên.
Dựa vào chi tiết ấy, liệu có thể cho rằng việc tâu lên nhà vua bài thơ “phản nghịch” của con trai Trung quân Nguyễn Văn Thành là Nguyễn Văn Thuyên xuất phát từ chủ ý của Tả quân Lê Văn Duyệt muốn hãm hại ông Thành không? Tất nhiên là không, vì ngần ấy chi tiết trong chánh sử không đủ để qui trách cho ông Duyệt. Người phát hiện ra điều phản nghịch là Nguyễn Trương Hiệu đã đem sự việc báo cho Hình bộ Thiêm sự Nguyễn Hựu Nghi và Nghi sai Hiệu mang bài thơ ấy cáo với Lê Văn Duyệt, liệu ông Duyệt có dám giấu kín bài thơ ấy, không tâu lên vua không? Tất nhiên là không. Làm điều khuất tất này, đầu ông sẽ rơi, vì nếu ông giấu bài thơ, vua Gia Long được tâu lên qua hình thức tố giác khác, sao ông tránh được tội khi quân? Quốc sử quán liên kết hành động này với việc “Duyệt với Văn Thành vốn không ưa nhau” (Đại Nam Thực Lục – sđd, trang 914) là chuyện làm khiên cưỡng, vì nếu cả hai có là bạn đồng liêu thân thiết, ông Duyệt cũng không thể làm khác hơn.
Về phần vua Gia Long, ông cũng chứng tỏ mình không phải là một hôn quân. Khi nhận được bài thơ, “Vua cho rằng sự trạng chưa được rõ rệt, hãy để đấy mà trả bài thơ ấy về” (Đại Nam Thực Lục – sđd, trang 914). Những chi tiết tiếp sau cho thấy vua Gia Long đã không nhân việc này mà trả đũa Nguyễn Văn Thành qua việc ông chống lại ý định của nhà vua muốn đưa hoàng tử Đảm lên ngôi Thái tử, như nhiều lời đồn đoán trong dư luận.
Sau khi nhà vua hoãn lại vụ việc, Nguyễn Trương Hiệu tìm gặp Nguyễn Văn Thuyên đòi hối lộ, Thuyên chi mãi cũng không vừa lòng. Hiệu đợi ông Thành hết buổi chầu, đón đường hỏi tiền tiếp. Vị Trung quân đang bị thất sủng bực quá, cho bắt cả Trương Hiệu và Văn Thuyên giao cho ngục quan Quảng Đức giam rồi tâu lên vua Gia Long. Nhà vua giao đình thần xét án, song do nhân chứng quan trọng đang ở Gia Định nên tạm thời tha Văn Thuyên khỏi ngục, chờ nhân chứng từ Gia Định về kinh để đối chất.
Tháng 2 AL 1816, viên ký lục tỉnh Quảng Trị là Nguyễn Duy Hòa (chánh tam phẩm) vào chầu, dâng sớ hạch tội Nguyễn Văn Thành là con âm mưu làm phản, đã “không biết đến cửa khuyết chiu tội, mà còn áo triều, mũ triều, nghênh ngang đứng ở trên các đình thần, như thế thì còn thể thống triều đình chi nữa” (Đại Nam Thực Lục, sđd, trang 918). Mỗi lời tâu như thế là thêm một áp lực đè nặng lên tâm trí vua Gia Long!
Tháng 4 AL 1816, nhà vua giao cho Thượng thư Lễ Bộ Phạm Đăng Hưng việc tra xét Nguyễn Văn Thuyên nhưng không có kết quả, vì theo lời họ Phạm, Thuyên tỏ ra không phục. Việc tra xét lại được giao qua Tả quân Lê Văn Duyệt và lần này Thuyên chịu phục.
Thuyên bị tiếp tục giam giữ trong hơn một năm nữa và bị xử lăng trì vào tháng 5 AL 1817, ngay sau cái chết của cha là Nguyễn Văn Thành, tự tử tại nhà. Bị xử lăng trì cùng Thuyên còn có Lê Duy Hoán, con cháu nhà Lê, từng được vua Gia Long phong tước Diên Tự công, sau bị bắt về tội phản nghịch.
Chỉ vì hai câu thơ mà bị vu cho là mưu phản, Thuyên phải trả giá bằng sinh mạng, một phần vì nhiều quan lại trong triều muốn dùng trường hợp của Thuyên để bức hại Nguyễn Văn Thành. Chúng ta không thấy bàn tay rõ rệt nào của Lê Văn Duyệt trong vụ án này cả
4) LÊ VĂN DUYỆT VỚI CÁI CHẾT CỦA NGUYỄN VĂN THÀNH
Xét về công lao trong cuộc nội chiến với nhà Tây Sơn, Nguyễn Văn Thành lấn át cả Lê Văn Duyệt, Lê Chất, Trương Tấn Bửu … Ông là một võ tướng nhưng lại có một trình độ chữ nghĩa đáng ca ngợi, Lê Văn Duyệt và nhiều người khác không sánh nổi. Năm 1811, ông được sung làm Tổng tài, trông coi việc soạn thảo bộ sử chính thức của triều Nguyễn có tên là Hoàng Việt luật lệ, đến năm 1813 thì xong.
Trong quan hệ giữa Nguyễn Văn Thành và Lê Văn Duyệt, chỉ thấy sử nói đến câu nói làm mất lòng ông Thành của Lê Văn Duyệt, trong cuộc hành quân vào năm 1800. Những sự kiện quan trọng khác của hoàng tộc triều Nguyễn như chuyện tế tự Thừa Thiên Cao hoàng hậu, chuyện phong Thái tử, ông Duyệt vẫn giữ thái độ bình thường như bao quan lại khác, chỉ có một mình Nguyễn Văn Thành chủ trương theo câu đích thôn thừa trọng, muốn đưa con hoàng tử Cảnh là Mỹ Đàng lên ngôi Thái tử. Vậy mà nhiều bài viết phổ biến trên báo chí hay trên mạng vẫn liên kết hai ông Thành và Duyệt cùng chung một thái độ, một quan điểm, với nhiều mục tiêu khác nhau, song chủ yếu muốn mượn sự kiện không có thật này để giải thích cho điều mà họ gọi là sự bất đồng giữa Tả quân Lê Văn Duyệt và vua Minh Mạng.
Khi vụ án Nguyễn Văn Thuyên nổ ra, trong lúc vua Gia Long còn giữ thái độ cân nhắc, bình tĩnh, thì nhiều quan lại lại nóng lòng đẩy sự việc lên cao trào và ngày càng gia tăng áp lực, buộc vua Gia Long giải quyết vấn đề theo ý họ. Và ý họ là loại bỏ Nguyễn Văn Thành ra khỏi triều đình.
Như đã thấy, một trong những quan lại muốn mượn chuyện Nguyễn Văn Thuyên để truy bức Nguyễn Văn Thành trước tiên là Ký lục Quảng Trị Nguyễn Duy Hòa. Tháng 2 AL 1816, trước ngày tế Nam giao, bộ Lễ tâu rằng Nam giao là đại lễ mà Nguyễn Văn Thành là người có tội nên xin không cho tham dự. Nhà vua không đồng tình với bộ này vì vụ Văn Thuyên chưa rõ ràng, lẽ nào bỏ qua một công thần (Đại Nam Thực Lục Tập 1 – NXB Giáo dục 2002, trang 919–920). Thêm một chi tiết cho thấy vua Gia Long không hề có ác ý muốn nhân vụ Nguyễn Văn Thuyên mà xử tệ Nguyễn Văn Thành. Cũng thêm một lần, chúng ta thấy Tả quân Lê Văn Duyệt không hề “mượn gió bẻ măng”, nhân lúc ông Thành gặp nguy khốn mà ra tay hạ thủ.
Tuy nhiên, ngoài áp lực của Nguyễn Duy Hòa, của bộ Lễ, đình thần tiếp tục nêu trường hợp hai cha con Nguyễn Văn Thành lên để thúc đẩy nhà vua giải quyết rốt ráo vụ việc. Tháng 4 AL 1816, sau khi Phạm Đăng Hưng và Lê Văn Duyệt tra xét và Thuyên nhận tội, vua Gia Long cho giam Thuyên vào ngục. Đình thần xin hạ ngục Nguyễn Văn Thành song nhà vua vẫn còn lưu tình, ông nói:”’Văn Thành vốn là kẻ có tội, nhưng thể thống đối với đại thần, cũng nên có cách xử trí’, bèn sai thu ấn (chưởng Trung quân –chú thích của Lê Nguyễn) và khiến về ở nhà riêng” (Đại Nam Thực Lục –sđd, trang 924–925).
Đấy là khoảng thời gian có lần Michel Đức Chaigneau, con trai Jean Baptiste Chaigneau (tên Việt là Nguyễn Văn Thắng), nhân tháp tùng vua Gia Long viếng lăng mộ tổ tiên của nhà Nguyễn, đã lên bờ giữa chừng chuyến đi và vào ngôi nhà riêng của Nguyễn Văn Thành ở phường Thợ Đúc, thăm vị công thần bị thất sủng của triều Nguyễn (Michel Đức Chaigneau – Souvenirs de Hue – Paris 1867).
Tháng 6 nhuận AL 1816, vua Gia Long sai đình thần bàn lại án phản nghịch của Nguyễn văn Thuyên và sự liên đới của Nguyễn Văn Thành. Một lần nữa, họ kết tội ông Thành là “che giấu cho con, lấy yêu ngôn tâu bậy, sửa mộ quá phép, tiến cử người xằng, nhiều điều bất pháp như thế, xin xử tội chết”. Vua Gia Long lại ban lệnh bàn lại (Đại Nam Thực Lục, sđd, trang 930).
Tháng 11 AL 1816, một sự kiện bất ngờ xảy ra: một hậu duệ của nhà Lê là Lê Duy Hoán, từng được vua Gia Long phong tước Diên Tự công, bị phát giác về việc mưu phản và bị tống giam!
Hơn nửa năm sau, vào tháng 6 AL 1817, kết quả điều tra của bộ Hình cho thấy là trong các cuộc hỏi cung, Lê Duy Hoán khai rằng Nguyễn Văn Thuyên từng gửi thư xúi ông ta làm phản. Vua Gia Long vẫn một mực chở che cho ông Thành, vặn lại là Văn Thuyên đã bị bỏ ngục từ lâu, sao lại nói rằng từng gửi thư cho Lê Duy Hoán? Đình thần trả lời rằng việc này xảy ra từ khi Nguyễn Văn Thành còn làm Tổng trấn Bắc Thành.
Lần này nhà vua không còn lý lẽ để bênh vực người Trung quân từng vào sinh ra tử với mình nhiều năm trời, trước đề nghị khẩn thiết của đình thần, ông sai bắt Nguyễn Văn Thành giam lại. Khi lệnh vua chưa kịp thi hành, ông Thành từ một buổi xét hỏi của đình thần trở về nhà, gặp và nói với Tả Thống chế Thị trung là Huỳnh Công Lý (sách Đại Nam Thực Lục dẫn trên chép là Hoàng Công Lý) rằng: ”Án đã xong rồi, vua bắt bề tôi chết, bầy tôi không chết không phải là trung”. Nói xong, ông đi nằm rồi uống thuốc độc mà chết (Đại Nam Thực Lục, sđd, trang 948–949)
Đó là cái chết oan khuất của một trung thần, từng lập được công trạng hiển hách trong một thời gian dài. Theo dõi suốt câu chuyện về ông Thành cho đến khi chết được miêu tả rõ trong chính sử, không hề thấy bàn tay của Tả quân Lê Văn Duyệt nhúng vào, vậy mà không ít người dựng chuyện về ông Duyệt với những tình tiết không có thật.
5) LÊ VĂN DUYỆT VÀ VIỆC XỬ TỬ PHÓ TỔNG TRẤN HUỲNH CÔNG LÝ
Câu chuyện này từng được nhiều cây bút mô tả như một sự kiện chấn động để thu hút người đọc: “Lê Văn Duyệt giết chết cha vợ vua Minh Mạng!”.
Người ta kể rằng khi quay về Gia Định Thành, nghe bẩm báo lại về nhiều hành vi trái pháp luật của Huỳnh Công Lý, như nhũng lạm công quỹ, nhũng nhiễu dân lành, với thanh thượng phương bảo kiếm trong tay và quyền tiền trảm hậu tấu được vua Minh Mạng ban cho, ông Duyệt ra lệnh chém đầu Lý tức khắc, khi triều đình gửi lệnh vào kêu giải Lý về kinh thì chuyện đã rồi.
Song những gì chính sử ghi chép đã phản bác lại hầu hết những chi tiết thiếu chính xác kể trên.
Cần nhắc lại là sau khi Tả quân Lê Văn Duyệt được gọi về triều vào tháng 6 AL năm 1815, quyền cai trị Gia Định Thành được tạm thời giao lại cho Phó Tổng trấn Trương Tấn Bửu. Tháng 8 AL 1818, vua Gia Long cử Tả Thống chế Thị trung Huỳnh Công Lý làm Phó Tổng trấn Gia Định Thành.
Vua Gia Long thăng hà vào ngày 19 tháng 12 AL năm Kỷ Mão, nhằm ngày 3.2.1820 thì chỉ khoảng 4 tháng sau (5AL 1820), vua Minh Mạng đã cử Lê Văn Duyệt trở lại Gia Định Thành, tiếp tục cương vị Tổng trấn. Hai tháng sau, Tả quân cử Phó Tổng trấn Huỳnh Công Lý mang quân qua Chân Lạp (Campuchia) đánh dẹp cuộc nổi loạn của một nhà sư tên Kế. Song đến tháng 9 AL cùng năm, một sự kiện quan trọng xảy ra: quan binh và dân chúng Gia Định tố cáo Huỳnh Công Lý 10 điều vi phạm trong thời gian làm việc ở Gia Định Thành, chủ yếu là việc tham nhũng và nhũng nhiễu dân chúng.
Ngay sau khi tiếp nhận sự tố giác của nhiều người, Tả quân Lê Văn Duyệt tâu mọi việc về triều. Nhận được bản tấu, vua Minh Mạng đã nói với Nguyễn văn Nhơn và Nguyễn Đức Xuyên rằng:”Không ngờ Công Lý quá đến thế, công trạng nó có gì bằng các khanh, duy nhờ Tiên đế (tức vua Gia Long – chú thích của Lê Nguyễn) cất, ngôi đến Phó Tổng trấn, lộc nước ơn vua, thực không phải bạc, thế mà lại bóc lột tiểu dân, làm con mọt nước. Nay tuy dùng phép buộc tội, nhưng dân đã khốn khổ rồi” (Đại Nam Thực Lục – Tập 2, NXB Giáo dục 2004, trang 93).
Sau đó, nhà vua hội bàn với đình thần, xét thấy nếu triệu Lý về kinh, phải đòi nhân chứng đến, đường sá xa xôi, do đó, tiện hơn cả là tra xét việc làm của Lý tại Gia Định. Bèn cử Thiêm sự bộ Hình là Nguyễn Đình Thịnh vào Gia Định, phối hợp với Tào Hình mà xét hỏi.
Tháng 12 AL năm Canh Thìn, nhằm đầu năm 1821, trong một buổi hội đình thần, vua Minh Mạng cũng đem trường hợp Huỳnh Công Lý ra để răn đe mọi người. Vụ án này không chỉ dính đến cá nhân họ Huỳnh, mà còn làm liên lụy đến nhiều quan lại khác. Tháng 3 AL 1821, ba quan chức trấn Biên Hòa là Trấn thủ Tống Văn Khương, Ký lục Hoàng Công Xuân, Cai bạ Bùi Phụ Đạo từng bắt binh dân trong phạm vi hạt của họ làm việc riêng cho Huỳnh Công Lý nên bị bãi chức cả. Tuy là thời phong kiến, song luật pháp nhà Nguyễn lúc bấy giờ hết sức nghiêm khắc đối với kẻ làm quan.
Tháng 5 AL 1821, vua Minh Mạng ban ra quyết định tối hậu về những sai phạm của Huỳnh Công Lý:
“Hoàng (Huỳnh) Công Lý trước bị tội tham nhũng, tang vật đến trên hai vạn quan tiền. Sai quan thành Gia Định đòi hỏi. Khi thành án, giao đình thần bàn xét, đáng tội chết, bèn đem giết, tịch thu gia sản đem trả lại cho binh dân” (Đại Nam Thực Lục – Tập 2- sđd, trang 134)
Vậy là đã rõ, tiến trình vụ án Huỳnh Công Lý diễn ra như sau:
– Tả quân Lê Văn Duyệt tiếp nhận tố cáo của binh dân và tâu về triều
– Vua Minh Mạng ra lệnh tống giam Lý tại Gia Định, cử người ở bộ Hình vào tận nơi, phối hợp với bộ máy tại địa phương để tra xét
– Cuối cùng, khi việc xét hỏi hoàn tất, nhà vua ban lệnh xử tử Huỳnh Công Lý.
Thực tế lịch sử cho thấy mọi việc liên quan đến Huỳnh Công Lý và Tả quân Lê Văn Duyệt hoàn toàn khác với những gì được thêu dệt từ một số cây bút lịch sử, không có việc ông Duyệt thực hiện quyền “tiền trảm hậu tấu”, và triều đình không hề có một biểu hiện nào nhằm che chở cho họ Huỳnh.
Về chi tiết Huỳnh Công Lý là “cha vợ vua Minh Mạng”, cần biết rằng nhà vua có đến 142 con (78 trai, 64 gái), nếu cứ tính trung bình một bà phi sinh cho ông 2 con thì phải có tới hơn 70 bà ở hậu cung, trong đó phần lớn là các nàng hầu. Thân phận của hầu hết những nàng hầu này cũng chẳng có chi là vẻ vang thì thân phận cha mẹ họ càng không có gì để phải quan tâm, khi một trong số người đó phạm pháp. Bằng chứng rõ ràng là khi triều đình phát hiện ra sự phạm tội của Huỳnh Công Lý, vua Minh Mạng hay sử quán triều Nguyễn không hề nhắc tới cương vị của Lý là cha của một nàng hầu trong cung, việc xử tội được áp dụng như bất cứ một thường nhân nào.
Câu chuyện “Lê Văn Duyệt giết cha vợ vua Minh Mạng” được dựng lên để góp phần bi kịch hóa điều mà nhiều người gọi là sự mâu thuẩn trầm trọng giữa Tả quân Lê Văn Duyệt và nhà vua, khi ông Duyệt còn sinh tiền. Đó sẽ là đề tài của phần tiếp sau
(còn tiếp)
*Lê Nguyễn: Về một số ngộ nhận liên quan đến nhân vật lịch sử Lê Văn Duyệt (kỳ 1)
Lê Nguyễn: Về một số ngộ nhận liên quan đến nhân vật lịch sử Lê Văn Duyệt (kỳ 1)