Lê Nguyễn: Về nhân vật Lưu Vĩnh Phúc trong lịch sử thời kỳ đầu kháng Pháp (Phần 1)

Trong lịch sử cận đại của dân tộc ta, nhiều sự kiện hay nhân vật lịch sử đã bị miêu tả và đánh giá một cách thiên lệch, do nhiều yếu tố khác nhau. Có những nhân vật trong suốt một chiều dài lịch sử hàng trăm năm vẫn tiếp tục là nạn nhân của những thành kiến và nhận định không công bằng, không dựa vào những sự kiện thực tế được sử sách ghi chép rõ ràng. Lưu Vĩnh Phúc là một trường hợp như thế.

Cho đến nay, người ta vẫn tìm thấy bàng bạc đây đó những chuyện kể, những bài viết nhắc đến nhân vật này như một tên thảo khấu chuyên gieo rắc tai ương cho dân lành và đáng bị lên án nặng nề. Điều này không khó hiểu, khi ta biết rằng nhiều tư liệu mà các nhà nghiên cứu sử thường xuyên tham khảo được biên soạn bởi những cây bút thực dân. Họ đã gọi nhiều lãnh tụ kháng chiến Việt Nam như Hoàng Hoa Thám, Phan Đình Phùng, Nguyễn Thiện Thuật là những “pirates” (kẻ cướp) hay “rebelles” (kẻ phản loạn) … Với họ, Lưu Vĩnh Phúc còn hơn thế nữa, khi quân lính của ông từng sát hại hai sĩ quan ưu tú đã góp phần rất lớn vào việc hoàn thiện cuộc chinh phục toàn cõi Việt Nam của họ.

Mấy bài viết này dựa chủ yếu vào chính sử, làm rõ hành tung của một con người khá đặc biệt đã từng bước chuyển mình từ một tướng cướp sang một thành viên quan trọng trong công cuộc kháng Pháp của Việt Nam, lập nhiều chiến công, được vua Tự Đức phong đến chức Đề đốc, và cuối cùng bị cả thực dân Pháp lẫn triều đình nhà Nguyễn hất văng ra khỏi vòng chiến đấu. Vậy mà vào những năm tháng cuối đời, con người ấy vẫn dành cho phong trào cách mạng Việt Nam sự ưu ái và hỗ trợ đáng quý biết bao!

1) THÁI BÌNH THIÊN QUỐC VÀ SỰ XUẤT HIỆN CÁC ĐẠO QUÂN THỔ PHỈ

Hình minh họa được cho là của
Hong Xiuquan, thủ lĩnh của cuộc nổi loạn Thái Bình. Bản khắc Trung Quốc được xuất bản trong một cuốn sáchchâu Âu. Hình Wikipedia

Khi viết về buổi đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp, nhiều người đã đồng hóa hoạt động của các đạo quân Cờ Đen, Cờ Trắng và Cờ Vàng và dành cho chúng các danh từ thảo khấu, thổ phỉ, giặc cướp …Sự đồng hóa này phù hợp với thực tế lịch sử những năm giữa thập niên 1860, song đã không hoàn toàn chính xác kể từ năm 1868 trở đi, khi mà đạo quân Cờ Đen đã thần phục triều đình và hoạt động như một lực lượng cơ hữu của người Việt Nam. Song, trước hết, xin nhắc qua lý do về sự hiện diện của các đạo quân này tại Việt Nam.

Vào những năm cuối thập niên 1840, đất nước Trung Hoa rơi vào loạn lạc, nhiều nơi dân lâm vào cảnh đói kém, một số người nhân cơ hội này đứng lên, vận động quần chúng, xây dựng thế lực, chống lại triều đình. Đáng kể nhất là cuộc nổi dậy của Hồng Tú Toàn cùng một số thuộc hạ ở Quảng Tây.

Trong những năm tháng đầu tiên, lực lượng nổi dậy thắng lợi tại nhiều tỉnh thành, họ chiếm lấy Nam Kinh, đổi tên thành Thiên Kinh, kinh đô của Thái Bình Thiên Quốc trong “triều đại” của họ. Tình trạng giằng co giữa triều đình nhà Mãn Thanh và Thái Bình Thiên Quốc của Hồng Tú Toàn kéo dài đến những năm đầu thập niên 1860. Mãi đến năm 1864, lực lượng triều đình dưới quyền các danh tướng Tăng Quốc Phiên, Lý Hồng Chương mới đánh bại được Thái Bình Thiên Quốc, Hồng Tú Toàn tự tử chết.

Tăng Quốc Phiên (1811-1872), người có công đánh tan Thái Bình thiên quốc – Nguồn cafef.vn.

Tuy nhiên, với một lực lượng quần chúng lên đến hàng triệu người tồn tại gần 15 năm, hậu quả của chiến tranh không thể giải quyết trong một ngày, một bữa, nó còn kéo theo nhiều hậu quả lâu dài. Dù thất bại, song nhiều lực lượng dưới quyền Hồng Tú Toàn vẫn tiếp tục hoạt động chống phá triều đình nhà Thanh. Họ lui dần về phía Nam và một lực lượng khá lớn dưới quyền tướng Ngô Côn đã xâm nhập vào hẳn lãnh địa Việt Nam, đáng kể nhất là các đạo quân Cờ Vàng của Hoàng Sùng Anh, Cờ Trắng của Bàn Văn Nhị, và Cờ Đen của Lưu Vĩnh Phúc.

Họ đã sử dụng miền Bắc Việt Nam làm nơi ẩn tránh sự truy đuổi của triều đình nhà Mãn Thanh đồng thời nuôi quân, củng cố lực lượng bằng hình thức cướp bóc tại các địa phương họ trú đóng hay đi qua. Để chống lại giặc cướp có hiệu quả, triều đình Huế kêu gọi nhà Thanh cử quân phối hợp. Đây là chi tiết khiến có sự nhầm lẫn rằng nhà Thanh cử quân sang xâm chiếm nước ta vào thập niên 1860, tranh giành quyền lợi với thực dân Pháp. Người được Bắc Kinh cử sang nước ta phối hợp lâu dài trong việc tiễu phỉ là Đề đốc tỉnh Quảng Tây Phùng Tử Tài.

Vào khoảng cuối năm 1867, đầu năm 1868, quân triều đình đạt được một thắng lợi quan trọng khi chấp nhận sự hàng phục của đạo quân Cờ Đen dưới quyền Lưu Vĩnh Phúc, một thủ lãnh quân sự mới hơn 30 tuổi (sinh năm 1837). Trách nhiệm đầu tiên mà triều đình giao cho họ Lưu là tiêu diệt hai đạo quân Cờ Trắng và Cờ Vàng. Ngay vào tháng 1 âm lịch năm 1868, ông ta đã nhận được lệnh tấn công đạo quân Cờ trắng của Bàn Văn Nhị tại Tuyên Quang (Đại Nam thực lục – Tập 7 – NXB Giáo dục – Hà Nội 2006, trang 1094).

Đây là bước ngoặt quan trọng của thủ lãnh quân Cờ Đen Lưu Vĩnh Phúc trong quá trình sát cánh cùng quân đội Việt Nam chống lại các đạo quân thổ phỉ khác, đồng thời góp phần gây cho thực dân Pháp những tổn thất nặng nề. Nó tách hẳn đạo quân Cờ Đen ra khỏi hàng ngũ của hai đạo quân thổ phỉ thuần túy kia, song trong một thời gian dài, nhiều tư liệu lịch sử vẫn đồng hóa cả ba lực lượng trên.

Điều này phát xuất chủ yếu từ nhận định của các cây bút phương Tây về một lực lượng đã gây cho thực dân Pháp những tổn thất nặng nề. Cho dù Lưu Vĩnh Phúc và quân Cờ Đen từng có những hoạt động tác tệ, song không thể vì thế mà phủ nhận những đóng góp của họ trong quá trình hàng phục và hợp tác với quân triều đình.

Tháng 3 âm lịch năm 1869, với sự phối hợp của đạo quân nhà Thanh do Phùng Tử Tài chỉ huy, quân triều đình và quân Cờ Đen đã đại thắng quân Cờ Vàng trong một trận đánh lớn tại Lào Cai và đánh bật họ ra khỏi căn cứ địa Hà Giang.

Dù hết lòng phục vụ triều đình nhà Nguyễn, song trong bước đầu, không phải họ Lưu luôn nhận được sự tín nhiệm của vua Tự Đức và quần thần. Phải chờ sau một thời gian dài, ông ta mới được tin tưởng và giao nhiều trọng trách, cũng như nhận lấy nhiều ân sủng.

2) LƯU VĨNH PHÚC – NGƯỜI CÓ CÔNG HAY KẺ TỘI ĐỒ?

Lưu Vĩnh Phúc/ Liu Yongfu (1837–1917). Hình Wikipedia

Như đã đề cập ở bài trước, triều đình nhà Nguyễn chấp nhận sự qui hàng của đạo quân Cờ Đen và sử dụng họ như một lực lượng cơ hữu của mình, song nhiều quan lại vẫn tỏ ra e dè, hoài nghi thiện chí hợp tác của họ. Tháng 10.1869, đã có chủ trương đưa đạo quân của Lưu Vĩnh Phúc ra khỏi biên giới Việt-Trung, trở về lãnh thổ Trung Quốc

Tháng 8.1870, Đề đốc Phùng Tử Tài đề nghị cho Lưu Vĩnh Phúc về nước, Phúc sợ bị nhà Thanh truy sát, xin ở lại châu Bảo Thắng (tỉnh Lào Cai) để khai thác tài nguyên và hợp tác đánh giặc. Vua Tự Đức cho rằng “dùng người Man đánh người Man là một việc cần, Vĩnh Phúc vốn thù nhau với Hoàng Anh, nên khéo khích để dùng …” (Đại Nam thực lục – tập 7 – sđd – trang 1238).

Đúng như lời nhà vua phán, nửa năm sau khi quân Cờ Đen được tiếp tục sử dụng, vào tháng 2 AL 1871, có tin Lưu Vĩnh Phúc đã giết chết Hoàng Sùng Anh, thủ lãnh đạo quân Cờ Vàng. Tỉnh thần Hưng Hóa đề nghị thưởng phẩm hàm cho Phúc, song tin chính xác cho hay, họ Hoàng chỉ bị thương trong trận đánh.

Vị quan lại cao cấp của triều đình tại khu vực phía Bắc lúc bấy giờ là Lạng Bằng Ninh Thái Thống đốc quân vụ đại thần Hoàng Tá Viêm (có tài liệu ghi: Hoàng Kế Viêm). Họ Hoàng rất tín nhiệm Lưu Vĩnh Phúc, vào tháng 9 AL 1873 đã đề nghị triều đình cử họ Lưu làm Phòng ngự sứ (tòng ngũ phẩm), song vua Tự Đức không đồng tình, chỉ đồng ý xuất bạc kho ra để ban thưởng (ĐNTL – tập 7 – sđd – trang 1411).

Tháng 11.1873, một sĩ quan Pháp là Đại úy Francis Garnier (sử Việt gọi là An Nghiệp hay Ngạc Nhi) được cử ra Bắc với danh nghĩa bề ngoài là dàn xếp những rắc rối do tên lái buôn Jean Dupuis (Đồ Phồ Nghĩa) gây ra, kỳ thực nhằm thực hiện ý đồ tấn công thành Hà Nội, mở đường cho việc đánh chiếm các tỉnh miền Bắc.

Francis Garnier. Hình Wikipedia

Ngày 20.11.1873, Garnier ra lệnh tấn công thẳng vào thành Hà Nội, quân triều đình dưới sự chỉ huy của Khâm mạng đại thần Nguyễn Tri Phương chống trả quyết liệt, song trận chiến cũng sớm kết thúc trong ngày (1). Thiệt hại về phía Việt Nam khá nặng nề: cụ Nguyễn Tri Phương bị thương nặng và mất sau đó, con trai cụ là phò mã Nguyễn Lâm tử trận. Thiệt hại của phía Pháp không đáng kể, và điều này cho thấy thực lực về quân sự giữa hai bên có sự chênh lệch quá lớn.

Tuy nhiên, có một điều mà thực dân Pháp đã không ngờ tới. Hơn một tháng sau khi đánh chiếm thành Hà Nội, ngày chủ nhật 21.12.1873, Francis Garnier dẫn một toán lính Pháp 12 người truy đuổi một nhóm quân Cờ Đen khiêu khích và chạy trốn tại khu vực Ô Cầu giấy thuộc phủ Hoài Đức. Không ngờ ông ta lọt vào ổ phục kích của địch. Garnier té vào một hố sâu đào sẵn, trong khi lính Cờ Đen ào tới. Ông ta rút cây súng lục bắn đến viên đạn cuối cùng, rồi chịu chết. Ngay lập tức, đầu của Garnier bị quân Cờ Đen cắt rời và mang đi (Francis Garnier – Sa vie, ses voyages …- Édouard Petit – Paris 1894, trang 263-267)

Francis Garnier bị quân Cờ đen giết chết tại Cầu Giấy. Hình Wikipedia

Cái chết của viên sĩ quan từng lập nhiều công trạng này gây chấn động cả nước Pháp. Hàng chục năm sau, nhiều tượng đài, công trình tưởng niệm Francis Garnier được xây dựng trên khắp Đông Dương, và cả trên đất Pháp. Điều đó chứng tỏ sự tổn thất về nhân sự của Pháp là rất to lớn. Cùng tử trận với Garnier còn có một trung úy và một thiếu úy Pháp nữa (ĐNTL – Tập 7 – sđd – trang 1422)

Chiến công này của quân Cờ Đen dưới quyền Lưu Vĩnh Phúc đã giải tỏa phần lớn mối nghi ngờ của vua Tự Đức và triều thần đối với họ Lưu. Tháng 2 AL 1874, vua Tự Đức “chuẩn cho Lưu Vĩnh Phúc được nhắc bổ làm Phó Lãnh binh quân thứ ấy. Đoàn quân ấy từ quản đội trở xuống thưởng cho thăng 3 trật và thưởng tất cả binh dõng đi trận ấy bạc lạng và tiền (bạc 345 lạng, tiền 3.000 quan), là xét công đánh trận ở Cầu Giấy” (Đại Nam thực lục –Tập 8 – NXB Giáo dục – Hà Nội 2007, trang 18). Với chức danh Phó lãnh binh, hàm tòng tam phẩm, từ thời điểm này, Lưu Vĩnh Phúc đã chính thức trở thành một quan lại trung cao cấp của triều đình Huế.

Điều trớ trêu là cái chết gây chấn động của Francis Garnier lại xảy ra trong lúc Khâm sai đại thần Nguyễn Văn Tường, đại diện triều đình, và Đại úy hải quân Philastre (sử Việt chép là Hoắc Đạo Sanh hay Phi Lặc), đại diện phía Pháp, đang trên đường ra Hà Nội để dàn xếp mọi việc. Nghe được tin này, Philastre giận dữ, vỗ bàn và đùng đùng đòi quay trở lại.

Trước thái độ của viên quan Pháp, Nguyễn Văn Tường đã trổ tài biện luận sắc bén của ông để thuyết phục y. Ông thong thả nói rằng “…trả lại thành (Hà Nội) để sớm định điều ước, là lệnh của quý tướng (tướng Dupré – LN); lấy lại thành rồi sau mới nghị hòa là mệnh lệnh của vua nước tôi; bọn chúng ta chỉ biết theo mệnh lệnh ấy. Còn như Hà Nội giết An Nghiệp (tức F. Garnier – LN), cũng như An Nghiệp giết Nguyễn Tri Phương, đó đều là do sự không ngờ, cũng không phải là bọn chúng ta làm ra … sao bằng đưa thư ngay cho Hà Nội … hoặc được hỏi rõ duyên do An Nghiệp bị chết, rồi sau sẽ báo, há chẳng càng ổn ư” (Đại Nam thực lục – Tập 7 – sđd – trang 1425).

Lý lẽ của ông Tường khiến Philastre dịu lại và đồng ý tiếp tục hành trình…

(Ghi chú (1) – Về cương vị của cụ Nguyễn Tri Phương trong trận đánh thành Hà Nội tháng 11.1873, xin nhắc lại một ngộ nhận vẫn còn phổ biến cho đến ngày nay, đó là phong cụ làm “Tổng đốc thành Hà Nội”. Trên thực tế, trong lịch sử nhà Nguyễn, không hề có chức “Tổng đốc thành”, chỉ có chức “Đề đốc thành”, hàm nhị phẩm, ở những tỉnh lớn, còn tỉnh nhỏ thì Lãnh binh (tam phẩm) phụ trách việc binh bị trong tỉnh. Khi chỉ huy việc chống lại cuộc tấn công của Pháp tại thành Hà Nội năm 1873, cụ Nguyễn Tri Phương là Khâm mạng Tuyên sát Đổng sức đại thần, thay mặt nhà vua, chỉ huy quân sự toàn miền Bắc, còn Tổng đốc tỉnh Hà Nội là Bùi Thức Kiên).

Nhờ tài biện giải khéo của Nguyễn Văn Tường, sự đổ vỡ đã không xảy ra, ông và Philastre tiếp tục hành trình ra Bắc để theo dõi tình hình tại chỗ. Cuối cùng hòa ước Giáp Tuất 1874 ra đời, chủ yếu nhằm chính thức hóa một thực tế đã diễn ra từ năm 1867, đó là công nhận quyền kiểm soát của Pháp trên toàn bộ Nam Kỳ lục tỉnh. Mặt khác, Pháp trả lại các thành trì đã chiếm đóng tại miền Bắc và được tự do thông thương trên thủy lộ sông Hồng.

Vào lúc này, đạo quân Cờ Đen dưới quyền Phó lãnh binh Lưu Vĩnh Phúc tiếp tục truy kích đạo quân Cờ vàng của Hoàng Sùng Anh. Tháng 8 AL 1874, họ Lưu được nhà vua thăng Lãnh binh, hàm chánh tam phẩm. Hai tháng sau, vua y lời tâu của Thống đốc đại thần Hoàng Tá Viêm, thăng Lưu Vĩnh Phúc lên chức Phó Đề đốc, hàm tòng nhị phẩm, ngang với Tham tri (Thứ trưởng), Tuần phủ (Tỉnh trưởng tỉnh nhỏ) (Đại Nam thực lục – Tập 8 – sđd, trang 67, 77).

Có thể nói vào thời điểm này, Lưu Vĩnh Phúc là cánh tay phục vụ đắc lực bậc nhất của Hoàng Tá Viêm tại nhiều tỉnh miền Bắc. Song song với việc tìm diệt đạo quân Cờ vàng, quân Cờ đen còn có những hoạt động khiến thực dân Pháp lo lắng. Họ kiểm soát dọc theo sông Hồng, dùng vũ khí ngăn chặn hay uy hiếp tinh thần nhiều người Pháp thông thương trên thủy lộ này khiến cho Soái phủ Nam kỳ rất bức xúc.

Henri Rivière (1827-1883), hình chụp khoảng năm 1859, Wikipedia.

Trước tình thế đó, Thống đốc dân sự đầu tiên của Nam Kỳ là Le Myre de Vilers quyết định dùng áp lực quân sự để phá thế bế tắc giữa hai bên. Ông ta cử Đại tá Henri Rivière dẫn vài trăm quân đi tàu ra Bắc vào đầu tháng 4.1882. Việc tiếp xúc giữa Rivière và các quan chức Việt Nam đứng đầu là Tổng đốc Hà Nội Hoàng Diệu không dẫn đến kết quả mong muốn, viên Đại tá Pháp cho rằng phía Việt Nam không có thiện chí giải quyết vấn đề và quyết định tấn công thành Hà Nội vào ngày 25.4.1882. Thêm một lần nữa, chỉ sau mấy tiếng đồng hồ chiến đấu, thành lại rơi vào tay giặc.

3) CÂU CHUYỆN VỀ CÁI ĐẦU THẤT LẠC CỦA ĐẠI TÁ HENRI RIVIÈRE

Hơn một năm sau, lịch sử lại tái diễn. Ngày 19.5.1883, Đại tá Henri Rivière lại bị quân Cờ Đen khiêu chiến và phục kích sát hại tại Ô Cầu giấy, nơi Đại úy Francis Garnier đã gục ngã cách đó 10 năm.
Cũng như Garnier, sau khi bị tử thương tại Ô Cầu giấy, Đại tá Henri Rivière bị quân Cờ Đen cắt mất cái đầu cùng với 29 sỹ quan, binh lính Pháp, bỏ vào giỏ treo nơi công cộng cho mọi người chứng kiến và sau đó đem vùi lấp ở đâu không thấy các tài liệu lịch sử Việt Nam nói đến.

Cầu giấy, nơi Francis Garnier và Henri Rivière bị quân Cờ Đen sát hại vào các năm 1873 và 1883. Nguồn: tư liệu tác giả cung cấp.

Mãi về sau, người ta mới phát hiện được trong hồi ký của Bonnal, nguyên công sứ Pháp tại Hà Nội, một đoạn mô tả chi tiết quá trình khai quật đầu và thi thể của Henri Rivière. Đoạn hồi ký này là phần phụ lục của tác phẩm Correspondance politique du commandant Rivière au Tonkin (Avril 1882 – Mai 1883) (Thư từ chính trị của viên tư lệnh Rivière tại miền Bắc, từ 4.1882 đến 5.1883) do André Masson tập hợp, chú thích và xuất bản cùng lúc tại Hà Nội và Paris năm 1933.

Ngày 17.9.1883, tức gần 4 tháng sau ngày Rivière tử trận, Bonnal được lệnh chứng kiến cuộc khai quật tử thi đầu tiên với tư cách viên chức hộ tịch. Theo sự chỉ dẫn của một số giáo dân Thiên chúa giáo khu vực phủ Hoài Đức, họ đã đến làng Ké Mai thực hiện cuộc đào tìm. Chỉ sau vài nhát cuốc, họ phát hiện một chiếc hộp bằng cây sơn đen tình trạng còn tốt. Viên bác sĩ Masse trong đoàn khai quật đã tự tay bật nắp chiếc hộp và những người chứng kiến nhìn thấy giữa lớp đất sét đỏ là một chiếc đầu người đã thối rữa một phần thịt.

Căn cứ vào những lọn tóc dài đã ngã màu hoa râm (H. Rivière chết năm 56 tuổi). Họ nhận ra đúng là chiếc đầu của Rivière. Trong hộp cây, còn có những đốt xương bàn tay, chứng tỏ 2 bàn tay của Rivière cũng bị chặt đứt, bỏ chung với đầu lâu. Sau đó, đoàn khai quật moi tìm từ lớp sình của một khu ruộng, tìm được 28 chiếc đầu lâu khác đã bị quân Cờ Đen vứt đi sau thời gian trưng bày.

20 ngày sau, Bonnal tiếp tục cho tìm thi thể còn lại của H. Rivière. Trong biên bản ngày 8.10.1883, ông ta mô tả khá tỉ mỉ kết quả khai quật và một dấu hiệu cho phép khẳng định đã tìm được thi thể của Riviere, đó là 2 chữ H.R. thêu trên tấm vải che ngực và những cánh tay đã bị cắt mất bàn tay. Tất cả được cho vào một chiếc quan tài bằng cây rất dày, phủ vôi bột và chở về Hà Nội (Correspondance …- sđd, trang 261-264).

Ngôi mộ của Henri Rivière ở Hà Nội. Nguồn: Tư liệu, tác giả cung cấp.

Sau một buổi lễ được tổ chức tại nhà thờ tạm của đoàn truyền giáo Pháp tại Hà Nội, đầu cùng thi thể còn lại của H. Rivière và của các sĩ quan, binh sĩ dưới quyền được cải táng ở nghĩa trang dành cho người Pháp ở thành phố này.

Lê Nguyễn (còn tiếp)