Lê Nguyễn: Về nhân vật Lưu Vĩnh Phúc trong lịch sử thời kỳ đầu kháng Pháp (Phần 2)
(Từ nhiều thập niên qua, Lưu Vĩnh Phúc và quân Cờ Đen là một đề tài mà cách nhìn nhận của công luận chứa rất nhiều dị biệt. Vì thế, tác giả loạt bài này không nhằm nêu quan điểm cá nhân, mà đơn thuần chỉ nhằm trình bày trung thực một số chi tiết lịch sử được ghi chép rõ ràng trong chính sử, cụ thể là bộ Đại Nam thực lục, cùng một vài nguồn sử liệu đáng tin cậy khác. Để phản bác một chi tiết trong sử liệu chính thống, cần những nguồn sử liệu có giá trị tương đương, mong mọi người không lấy quan điểm cá nhân hay những nguồn sử liệu “trôi nổi” để phản bác lại nguồn sử liệu chính thống đã nêu)
4) KHI LƯU VĨNH PHÚC VÀ QUÂN CỜ ĐEN BỊ LOẠI KHỎI VÒNG CHIẾN
Phải khách quan thừa nhận rằng trong hai trận đánh ở Ô Cầu giấy năm 1873 và năm 1883, có công lao rất lớn của quân Cờ Đen. Tổ chức này đã chuyển mình từ những thổ phỉ trong thời gian đầu mới trốn sang Việt Nam thành một đội quân tinh nhuệ dưới quyền điều động của quan binh Việt Nam và đã làm quân Pháp lắm phen mất ăn mất ngủ.
Từ thời điểm này, mọi nghi ngờ của vua Tự Đức và triều thần đối với Lưu Vĩnh Phúc đã tan biến hẳn. Sau khi đạo quân Cờ Đen của họ Lưu loại trừ được viên đại tá Pháp Henri Rivière, “Tin thắng trận tâu lên. Vua mừng lắm, thưởng Vĩnh Phúc thăng thụ Đề đốc, cho mũ áo Chánh nhị phẩm (ngang Tổng đốc, Thương thư – LN), gia thưởng một cái kim bài có chữ ‘trung dũng’…”
Chẳng những thế, các thuộc tướng của họ Lưu có công trong trận đánh này cũng được khen thưởng thích đáng, “Hoàng Thủ Trung, Tuyên úy Đồng tri tòng lục phẩm, thăng thụ Tuyên úy sứ (tòng tứ), (tức thăng luôn 4 trật-LN), lĩnh chức Lãnh binh, gia thưởng một cái kim bài bằng vàng tía có chữ “thưởng công”; Ngô Phượng Điển (Phòng ngự đồng tri-tòng lục phẩm) thăng thụ Tuyên úy Phó sứ, lĩnh chức Phó Lãnh binh, trích bạc lạng, sâm quế cấp cho để điều trị, gia thưởng 1.000 lạng bạc, lại thưởng chung cho quân đi đánh trận ấy 2.000 quan tiền … Dương Trứ Ấn (tòng bách phẩm bá hộ), chết trận, được truy thụ Tuyên úy Phó sứ gia tặng hàm Phó lãnh binh, còn thì đều tặng hàm và cho tiền tuất có cấp bậc…” (hết trích)
(Đại Nam thực lục – Tập 8 – sđd, trang 570).
Các chi tiết trên trong Đại Nam thực lục chứng tỏ rằng đạo quân Cờ Đen dưới quyền Lưu Vĩnh Phúc đã được chính qui hóa. Không chỉ riêng ông mà các thuộc tướng của ông đều đã được phong quan chức như các quan lại triều đình.
Không lâu sau, nhà vua lại ban cho họ Lưu tước Nghĩa Lương nam. Tuy nhiên, đúng 2 tháng sau sự kiện tiêu diệt H. Rivière, ngày 19.7.1883, vua Tự Đức qua đời, việc triều chính bắt đầu rối nát do sự phân hóa trong hàng ngũ triều thần và sự lộng quyền của hai Phụ chánh đại thần Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết.
Người được vua Tự Đức chỉ định kế vị là ông hoàng Dục Đức chỉ ở ngôi mấy ngày, chưa kịp làm lễ tấn tôn; người kế vị tiếp theo là vua Hiệp Hòa cũng bị bức tử sau 4 tháng làm vua (30.7.1883 – 29.11.1883).
Trong thời gian vua Hiệp Hòa còn tại vị, ngày 25.8.1883, hai phía Việt-Pháp đã ký Hòa ước Quý Mùi (còn gọi là Hòa ước Harmand, theo tên viên chức đại diện phía Pháp). Hòa ước có 27 khoản, đặc biệt khoản 23 ghi rõ “…Nước Pháp sẽ một mình mang lấy trách nhiệm đuổi quân Cờ đen ra khỏi Bắc Kỳ và dùng các biện pháp để bảo đảm an ninh và tự do trên sông Hồng Hà” (Nguyễn Phương – 82 năm Việt sử 1802-1884 – Đại học sư phạm Huế 1963, trang 215). Điều này cho thấy thực dân Pháp kiêng dè quân Cờ Đen của Lưu Vĩnh Phúc đến mức nào!
Quý Mùi 1883 với triều đình Huế
Song, việc triều đình Huế đặt bút ký hòa ước có điều khoản trên có nghĩa là họ mặc nhiên chấp nhận từ bỏ việc sử dụng quân Cờ Đen như một lực lượng cơ hữu của mình. Họ không thể công khai điều động lực lượng này, và cũng giống như trường hợp hòa ước Nhâm Tuất 1862 và sự tồn tại của tổ chức kháng chiến Trương Định, triều đình tiếp tục âm thầm nuôi dưỡng và hỗ trợ đoàn quân của Lưu Vĩnh Phúc.
Một năm sau, ngày 6.6.1884, hai phía Việt-Pháp lại ký Hòa ước Giáp Thân, mở đường cho việc thuộc địa hóa toàn diện đất nước Việt Nam. Hòa ước này không nhắc đích danh quân Cờ Đen, song điều thứ 15 cũng ghi rõ là quân Pháp được đóng binh ở bất cứ nơi nào xét thấy cần (Nguyễn Phương – sđd – trang 220).
Trong thời gian này, những cuộc đụng độ trực tiếp giữa quân Pháp và các lực lượng chính quy do nhà Thanh phái đến (nhằm phối hợp với triều đình Việt Nam trong việc tiễu phỉ) trở nên ngày một nghiêm trọng. Cuộc xung đột Pháp-Hoa được giải quyết bước đầu bằng hòa ước Fournier ngày 11.5.1884 chỉ bao gồm 5 điều khoản ngắn ngủi, không đủ để đảm bảo một sự hòa giải đích thực. Các trận đánh lớn tiếp tục nổ ra, dẫn đến việc Pháp đánh chiếm Phúc Châu, thủ phủ của tỉnh Phúc Kiến, và bao vây đảo Đài Loan của Trung Quốc. Điều đó có nghĩa là chiến tranh giữa hai phía đã được đẩy ra khỏi biên giới Việt Nam, xâm nhập vào đất Tàu.
Cuối cùng, vào ngày 9.6.1885, triều đình nhà Thanh phải đồng ý ký với Pháp một hòa ước lâu dài có tên là “Hiệp ước Hòa bình, Hữu nghị và Thương mại”, gọi tắt là Hòa ước Thiên Tân, lấy tên nơi ký kết văn kiện này. Ngay điều khoản thứ nhất của hòa ước này đã ghi rõ là Pháp giành quyền áp dụng mọi biện pháp cần thiết để giải tán hay tống xuất các băng nhóm cướp bóc để đảm bào sự trị an. Về phần mình, nhà Thanh cam kết giải tán và trục xuất các băng nhóm đang trú ẩn ở các biên giới giáp với Việt Nam, không được gửi quân qua biên giới với Việt Nam … (Ch. Gosselin – L’Empire d’Annam – Paris 1904, trang 539-541).
Điều này có nghĩa là nhà Thanh phải từ bỏ mọi sự hỗ trợ hay hợp sức với đạo quân Cờ Đen trong việc chống Pháp. Thêm vào đó, ngay trong lúc vua Hàm Nghi còn tại vị, triều đình Huế đã bị buộc phải thu hồi mọi chức tước đã ban bố cho Lưu Vĩnh Phúc (Bradley Camp Davis – Imperial Bandits – University of Washington Press – 2017, trang 126).
Như vậy từ năm 1885, đạo quân Cờ Đen trở thành một tổ chức bất hợp pháp và Lưu Vĩnh Phúc từ một viên quan vào hàng chánh nhị phẩm của triều đình Huế đã sớm trở thành một kẻ bị chối bỏ. Tuy nhiên, con người đó vẫn không thối chí, ông ta quay về Quảng Châu, Trung Quốc, thực hiện mênh lệnh của vua Quang Tự, đóng góp thêm nhiều công trạng cho nhà Thanh, và đáng nói hơn nữa, ông trở thành chỗ tựa của nhiều nhà cách mạng Việt Nam khi hoạt động trên đất Trung Quốc.
5) LƯU VĨNH PHÚC VÀ CÁC NHÀ CÁCH MẠNG VIỆT NAM
Khi trở về Trung Quốc, Lưu Vĩnh Phúc bỏ lại đạo quân Cờ Đen cho các thuộc tướng. Đó cũng là lúc mà cuộc xuất bôn của vua Hàm Nghi khỏi kinh thành Huế (5.7.1885) và hịch Cần vương đã làm khởi phát nhiều cuộc khởi nghĩa của Tạ Hiện, Nguyễn Thiện Thuật, Nguyễn Cao …
(1844-1926). Wikipedia
Các lãnh tụ Cần vương tìm cách liên lạc với đạo quân Cờ đen để gây thêm thanh thế, song mất Lưu Vĩnh Phúc, họ như rắn mất đầu, một số lấy việc cướp bóc để tồn tại và đó là thời điểm mà đạo quân này bị lên án mạnh nhất. Theo bộ sách của Pháp “Histoire militaire de l’Indochine française ” (Lịch sử quân sự xứ Đông Pháp) (Hà Nội-Hải Phòng 1931), đến ngày 23.3.1887, trong các cuộc hành quân tại Cao Bằng, Pháp vẫn còn ghi nhận sự hiện diện của các toán quân Cờ Đen.
Về phần Lưu Vĩnh Phúc, sau khi trở về Trung Quốc, ông được nhà Thanh cử làm Tổng binh Quảng Châu. Năm 1894, khi cuộc chiến tranh Trung-Nhật nổ ra, ông đang là Tổng binh đảo Đài Loan. Chiến tranh kết thúc một năm sau đó, thắng lợi nghiêng về phía Nhật Bản, nhà Thanh phải chấp nhận ký hòa ước Mã Quan (Shimonoseki) ngày 17.4.1895 giao đảo Đài Loan cho Nhật. Song người đứng đầu đảo này là Đường Cảnh Tùng không tuân thủ hòa ước, công bố sự ra đời của nước Cộng hòa Đài Loan với Lưu Vĩnh Phúc là Phó Tổng thống. Tuy nhiên, không lâu sau, trước sự tấn công mãnh liệt của quân Nhật, thế yếu, Lưu Vĩnh Phúc đã phải cải trang làm một người phụ nữ và trốn khỏi Đài Loan (Bradley Camp Davis – Imperial Bandits – University of Washington Press – 2017, trang 152-153)
làm quan nhà Thanh. Wikipedia
Quay lại đại lục Trung Hoa, Lưu Vĩnh Phúc trở thành chỗ tựa cho các nhà cách mạng Việt Nam hoạt động trên đất Tàu. Theo một bài viết dài hơn 100 trang có nhan đề “Quelques précisions sur une période troublée de l’histoire d’Annam” (Vài điều minh xác về một thời kỳ rối ren trong lịch sử Việt Nam) của tác giả A. Delvaux, in trong Tập san Đô thành Hiếu cổ (BAVH) số 3 năm 1941, vào ngày 26.3.1888, viên Lãnh sự Pháp tại Quảng Đông, có gửi cho Toàn quyền Đông Dương Richaud một thư lưu ý về “sự hiện diện tại nhà Lưu Vĩnh Phúc gần Sán Đầu (Swatow) của một người An Nam mà người ta có thể nghi ngờ là (Tôn Thất) Thuyết”. Tuy nhiên, căn cứ vào nhiều chi tiết trong thư, người có mặt tại nhà Lưu Vĩnh Phúc không phải là Tôn Thất Thuyết mà là Đề đốc Trần Xuân Soạn.
(Tlđd trang 289-290).
Năm 1900, một nhà cách mạng Việt Nam là cụ Phan Bội Châu mưu tính tập hợp các nhà trí thức yêu nước trong một phong trào chống Pháp, với sự hỗ trợ của Lưu Vĩnh Phúc. Năm 1905, cụ đi gặp họ Lưu. Cụ cho rằng nếu không có Lưu “dân tộc chúng ta đã không có được một giọt máu nào để rửa cổ giặc” (Bradley Camp Davis – sđd – trang 153). Câu này nhằm ám chỉ việc quân Cờ Đen có công sát hại Đại úy Francis Garnier và Đại tá Henri Rivière và nhiều sĩ quan, binh lính Pháp khác.
Nhà Lưu Vĩnh Phúc không chỉ là nơi tiếp đón cụ Phan Bội Châu, mà cả cụ Phan Châu Trinh và Nguyễn Thiện Thuật (hay Nguyễn Thuật). Riêng cụ Thuật là người ở lâu dài trong nhà họ Lưu.
Tháng 1.1907, sau khi từ Nhật về, cụ Phan Bội Châu lại đến nhà Lưu Vĩnh Phúc, nơi đây, cụ vạch ra kế hoạch Đông Du, đưa thanh niện Việt Nam sang Nhật du học. Thất bại trong việc xây dựng một đạo quân chống Pháp, cụ Phan muốn biến người từng lãnh đạo đạo quân Cờ đen và các đồng chí của ông thành những nhân tố của một cuộc cách mạng chính trị.
Cụ Phan là một trong những nhà cách mạng khả kính, vì vậy những gì cụ viết về Lưu Vĩnh Phúc không phải là sự cường điệu. Trong hồi ký “Phan Bội Châu niên biểu” (NXB Văn Nghệ TPHCM – 2001), cụ Phan đã có những dòng sau đây về Lưu Vĩnh Phúc: “Thượng tuần tháng 8 đến Quảng Đông, thăm chào ông Lưu Vĩnh Phúc, nhân gặp được cụ Tam Tuyên tán lý xưa là cụ Nguyễn Thuật. Lưu tuổi gần 70 mà dung mạo quắc thước, khi vừa gặp chúng tôi, nói tới người Pháp thì vỗ tay trên án mà nói rằng: ‘Tả! tả! tả!’ (tả: đánh – LN).
“Tôi nhân đó mà nhắc lúc quân Tây hai lần lấy thành Hà Nội, nếu không có quân Lưu đoàn, thì chắc quân ta không được giọt máu nào rơi ở cổ người giặc. Ôi, Lưu đoàn chẳng phải là một bậc anh hùng hay sao? Tôi lúc bấy giờ, cái lòng sung bái anh hùng hết sức dốc đổ vào Lưu …” (Phan Bội Châu niên biểu, trang 105; Bradley Camp Davis – sđd – trang 154)
Sau Cách mạng Tân Hợi năm 1911, Lưu Vĩnh Phúc được cử làm Tổng trường dân đoàn Quảng Đông, tiếp tục công tác cho chế độ dân quốc đến ngày qua đời vì bệnh năm 1917.
***
MẤY LỜI KẾT VỀ NHÂN VẬT LƯU VĨNH PHÚC VÀ QUÂN CỜ ĐEN
Từ những thập niên qua, nhiều nhà viết sử Việt Nam đi theo lối mòn của các cây bút Pháp, vốn hận thù đạo quân Cờ đen từng sát hại hai sĩ quan ưu tú của họ, nên đã có những miêu tả và nhận định không công bằng đối với một người như Lưu Vĩnh Phúc.
Để tránh các ngộ nhận đáng tiếc có thể dẫn đến những tranh cãi không đáng có về nhân vật này và đạo quân của ông trong lịch sử kháng Pháp của Việt Nam, người viết xin tóm lược hoạt động của họ tại Việt Nam trong ba giai đoạn rõ rệt:
1) Giai đoạn 1865-1867 – cả ba đạo quân Cờ Đen, Cờ Trắng, Cờ Vàng đơn thuần là những nhóm thổ phỉ có tổ chức, sau khi bị quân đội nhà Thanh truy sát, đã xâm nhập vào lãnh thổ Việt Nam, lập căn cứ ở các tỉnh gần biên giới Việt-Trung và nuôi quân bằng việc cướp bóc, sát hại dân chúng quanh vùng.
2) Giai đoạn 1868-1885 – trong lúc Cờ Vàng và Cờ Trắng tiếp tục cướp bóc, giết người, thì Lưu Vĩnh Phúc và binh lính của ông qui thuận triều đình, chịu đặt mình dưới sự sai phái của tướng lĩnh Việt Nam, đứng đầu là Lạng Bình Ninh Thái Thống đốc Quân vụ đại thần Hoàng Tá Viêm. Những năm đầu, họ lãnh phần tập trung tiêu diệt hai đạo quân Cờ Vàng và Cờ Trắng – và đã tiêu diệt thành công – sau đó, sát cánh với quân triều đình trong việc chống Pháp mà việc sát hại hai sĩ quan ưu tú của Pháp là Francis Garnier và Henri Riviere là những tiêu biểu.
Hành động của họ được sử sách Việt ghi nhận qua việc vua Tự Đức phong thưởng cho người cầm đầu của họ đến chức Đề đốc (chánh nhị phẩm); mặt khác, sử nhà Thanh (Thanh ĐứcTông thực lục) cũng dùng cụm từ “Việt tướng” hay “Nam tướng” để chỉ Lưu Vĩnh Phúc. Chi tiết này gián tiếp phủ nhận điều mà nhiều người ngộ nhận, cho Lưu Vĩnh Phúc là tướng do nhà Thanh quản lý và chỉ huy.
3) Giai đoạn từ 1885 trở đi – Hòa ước (Việt-Pháp) Quý Mùi 1883 và hòa ước (Pháp-Hoa) Thiên Tân 1885 loại quân Cờ Đen ra khỏi vòng chiến, biến họ thành “đứa con không thừa nhận”. Ký hai hòa ước 1883 và 1884 xong, triều đình Huế buộc phải từ bỏ họ; Lưu Vĩnh Phúc bỏ về Tàu, giao quân Cờ Đen cho các thuộc tướng. Một bộ phận được các phong trào Cần vương thu phục, số còn lại tiếp tục chống Pháp một thời gian nữa. Trong thời gian này, họ tự nuôi sống, và chuyện cướp bóc là điều có thể xảy ra.
Trong ba giai đoạn nêu trên, người đọc sử không thể dựa vào thực tế của giai đoạn này để phủ nhận toàn bộ việc làm của giai đoạn kia, cụ thể là không thể lấy hành động cướp bóc do quân Cờ Đen thực hiện trước năm 1868 (và có thể từ năm 1885 trở đi) để phủ nhận sự đóng góp của họ trong giai đoạn tiễu phỉ và kháng Pháp vào những năm 1868-1884; mặt khác cũng không thể chỉ dựa vào công trạng của họ trong giai đoạn kháng Pháp1868-1884 để xóa nhòa những hành vi cướp bóc của họ khi chưa hay không còn nằm dưới sự chỉ huy và giám sát của triều đình.
Viết lịch sử, khi sự thật là trắng thì viết là trắng, đen thì viết là đen, không thể lấy những vết bẩn trong một quãng đời của một người để bôi đen hết cả cuộc đời của họ. Đó là tính công bằng, một trong ba yếu tính của lịch sử: khách quan, trung thực và công bằng. Mong mỏi của người viết loạt bài này cũng chỉ có thế!
Lê Nguyễn