Lê Quang: Donald Trump—chính trị gia của hiệu ứng ngắn hạn
Nhiều người kỳ vọng vào khả năng giải quyết xung đột Ukraine của Trump nhưng quên đi rằng Donald Trump là chính trị gia của hiệu ứng ngắn hạn, theo đúng bản chất của thời đại truyền thông nhanh và chính trị giật gân. Các quyết sách của ông tạo ra cơn sốt truyền thông, như một dòng Tweet hay một video TikTok, nhưng thiếu tính bền vững và hiếm khi để lại nền tảng lâu dài. Nhìn vào 3 khủng hoảng – xung đột mà Trump tiếp cận, từ đó ta phần nào hình dung ra tương lai của khủng hoảng Nga – Ukraine sắp tới.
1. Triều Tiên: Kịch tính (và vô nghĩa)

Sự kiện này quả thực rất có tính “Trump”. Trump đã tạo ra một “khoảnh khắc lịch sử” khi gặp Kim Jong-un tại khu phi quân sự DMZ và tiếp sau là hội nghị tại Singapore (2018) và Hà Nội (2019). Nhưng sau những cái bắt tay, sau những tuyên bố táo bạo chưa từng thấy thì không có thỏa thuận phi hạt nhân nào cả, Triều Tiên vẫn phát triển vũ khí hạt nhân, còn Mỹ lại tạm dừng tập trận với Hàn Quốc – một nhượng bộ ít giá trị, làm suy yếu đồng minh mà chẳng đổi lại điều gì. Về mặt tuyên truyền, thậm chí ngay cả Hà Nội, xứ sở của niềm vui khoảnh khắc – cũng đã lãng quên sự kiện này. Rất ít người Việt Nam còn nhớ rằng Hà Nội đã ngấp nghé trước việc là nơi diễn ra hoà đàm quan trọng nhất của thế kỷ.
2. Iran: Rút lui (đầy hỗn loạn)
Trump rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran (JCPOA) năm 2018 mà không có kế hoạch thay thế để kiểm soát chương trình hạt nhân của Iran, khiến Tehran đẩy mạnh làm giàu uranium, bất chấp các lệnh trừng phạt. Hệ quả là an ninh khu vực trở nên căng thẳng hơn, trong khi quan hệ của Mỹ với các đồng minh Anh, Pháp, Đức bị suy yếu. Tình huống này cho thấy đường lối của ông không mang lại điều gì ngoài hỗn loạn, dù nhiều người coi việc đẩy mọi thứ vào một mớ hỗn độn là một loại tài năng. Có một cách giải quyết xung đột như vậy, đẩy mọi khả năng cả tốt lẫn xấu đến bờ vực nhằm tạo sức ép cho thoả thuận nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro về sự cân bằng của thực tại mới.
3. Israel – Palestine: Một thỏa thuận (châm ngòi cho thảm kịch)
Thỏa thuận Hòa bình Abraham của Trump giúp Israel bình thường hóa quan hệ với các nước Ả Rập nhưng lại bỏ rơi Palestine, khiến xung đột không được giải quyết – dù đây mới là gốc rễ của vấn đề. Hệ quả là bạo lực leo thang, dẫn đến đỉnh điểm là cuộc chiến Israel – Hamas cuối năm 2023 mà cho tới nay đã khiến mấy chục nghìn người phải vong mạng, mấy triệu người mất nhà cửa. Việc gạt Palestine ra ngoài trong thoả thuận Abraham làm ta liên tưởng tới việc Mỹ thực hiện đàm phán riêng với Nga về chiến sự Ukraine mà không có EU tham gia vào tối qua. Mẫu số chung trong các tình huống tiếp cận giải quyết xung đột của Trump về cơ bản là: giàu kịch tính nhưng thiếu bền vững.
4. Ukraine: bắt đầu bằng một tuyên bố (không có thực)
Trump tuyên bố sẽ kết thúc chiến tranh Ukraine trong 24 giờ, nhưng ai cũng hiểu đó chỉ là lối nói cường điệu quen thuộc và là quá ngớ ngẩn cho bất kỳ ai từng nghĩ nó là thật. Sự tuỳ tiện của ông đã đạt tới mức mà công chúng không còn bận tâm tới việc kiểm chứng phát ngôn ấy? Hiện tại, ông phớt lờ đồng minh EU, đàm phán trực tiếp với Nga, đồng thời đề xuất Ukraine đổi khoáng sản lấy viện trợ chiến tranh và rút lính Mỹ khỏi Baltic.
Tất cả các quyết sách của Trump có ba đặc điểm chính: Làm suy yếu đồng minh ,không giải quyết tận gốc vấn đề, và hiếm khi để lại nền tảng đàm phán lâu dài
Theo cá nhân tôi quan sát, dựa trên lịch sử chính trị của Trump, khả năng ông mang lại một nền hòa bình bền vững cho Ukraine là rất thấp.