Lê Trọng Nghĩa: Bỗng nhiên nhớ Socrates

Hình ảnh cắt xén tượng bán thân của Socrates do Victor Wager tạc từ mô hình của Paul Montford, Đại học Tây Úc, Crawley. Photo: Greg O’Beirne

Nếu Socrates sống lại, liệu ông có nhận ra thế giới này không?

Liệu ông có thấy triết học vẫn còn tồn tại, hay chỉ còn lại những vỏ rỗng của lời lẽ và định kiến?

Tôi nghĩ về điều đó khi chứng kiến cuộc đối thoại giữa anh Báu và Sư Minh Tuệ.

Có điều gì đó gợi nhớ đến Athens cổ đại- một người đặt câu hỏi sắc bén, đầy tự tin, và một người trả lời với sự tĩnh tại kỳ lạ, như thể không có gì đáng phải tranh biện.

Nhưng rồi tôi nhận ra: đây không chỉ là một cuộc đấu trí.

Nó là một cuộc thử nghiệm về bản chất của tri thức.

Một cuộc “vốc trí tất tay” giữa một tiến sĩ với nhiều gánh nặng của đời phàm và một bậc chân tu đã buông bỏ-lòng nhẹ như lá.

Câu hỏi đầu tiên:

– “Thầy giữ được bao nhiêu giới?”

Một câu hỏi tưởng chừng đơn giản, nhưng thực chất là một phép thử.

Nó phân định ranh giới giữa “người giữ giới” và “người phá giới,” giữa một bậc chân tu và một kẻ chỉ mang hình hài của nó.

Sư Minh Tuệ (trái), Đoàn Văn Báu (phải). Nguồn ảnh: internet.

Cứ ngỡ sẽ có một khoảnh khắc bối rối từ Sư Minh Tuệ. Nhưng không.

Ông chỉ mỉm cười, đáp nhẹ như gió thoảng:

– “Dạ vẫn có thể có giữ giới, cũng có thể không giữ giới. Ai chấp vào đó cũng không gọi là giữ giới, cũng không gọi là phá giới.”

Một câu trả lời bất định. Không xác nhận, không phủ nhận.

Là sự trốn tránh? Hay là một điều gì đó sâu sắc hơn?

Tôi nhớ đến Socrates. Nhớ cách ông chưa từng đưa ra một định nghĩa tuyệt đối. Nhớ cách ông bác bỏ những lối tư duy nhị nguyên. Nhớ cách ông không trả lời trực tiếp, mà thay vào đó, đẩy đối phương vào một trạng thái lưỡng lự, buộc họ phải tự vấn.

Và tôi bắt đầu nhận ra…

Chính người trả lời mới là người đặt câu hỏi thực sự.

Câu hỏi thứ hai:

– “Thầy có biết 250 giới không?”

Một cái bẫy logic quen thuộc.

Nếu trả lời “biết,” anh Báu có thể kiểm tra xem sư có thuộc thật không. Nếu trả lời “không biết,” anh có thể phản bác: “Không biết sao tu? Không biết sao dạy người khác? Không xứng là vị chân tu.”

Nhưng Sư Minh Tuệ vẫn không lung lay:

– “Dạ, con cũng có đọc qua rồi nhưng mà không thuộc.”

Một câu trả lời quá giản đơn.

Nhưng trong đó, tôi nghe thấy lời vọng của Socrates:

“Tôi chỉ biết một điều, đó là tôi không biết gì cả.”

Không phải sự khiêm tốn giả tạo.

Mà là sự bác bỏ cái bẫy tri thức cứng nhắc.

Khi con người nghĩ rằng mình biết, họ đóng cánh cửa của nhận thức.

Khi họ chấp nhận rằng mình chưa biết, họ mở ra vô số khả thể.

Người đặt câu hỏi hôm nay tưởng rằng mình là Socrates.

Nhưng chính người trả lời mới thực sự hiểu Socrates.

Câu hỏi cuối cùng:

– “Thầy biết hết không ấy?”

Không còn lối thoát nào nữa- chỉ còn lại sự đối diện trực tiếp với bản chất của tri thức.

– “Dạ, không biết hết.”

Không biện hộ.

Không tìm kiếm một vị trí an toàn.

Không chống đỡ cái tôi của một người đang thực hành tu hạnh đầu đà.

Chỉ đơn giản là chấp nhận giới hạn của nhận thức.

Và đó chính là khoảnh khắc tôi hiểu ra.

Người đặt câu hỏi đã thất bại không phải vì câu hỏi của anh ta sai,

Mà vì anh ta đặt câu hỏi với một giả định sai lầm:

Rằng tri thức là một cuộc chơi có người thắng, kẻ thua.

Nhưng Sư Minh Tuệ chưa từng tham gia vào trò chơi ấy ngay từ đầu.

Tôi tự hỏi:

Nếu Socrates thực sự sống lại, ông sẽ nói gì?

Có lẽ ông sẽ bật cười, vỗ vai anh Báu:

– “Ngươi đã hỏi rất hay, nhưng ngươi chưa hiểu ta.”

Rồi ông sẽ quay sang Sư Minh Tuệ, nở một nụ cười sâu sắc hơn:

– “Còn ngươi, có lẽ ta không cần phải sống lại nữa. Ta để lại một tinh thần, và hôm nay, ta thấy nó vẫn còn tồn tại.”

Rồi ông quay bước đi.

Tôi nhìn theo ông, rồi nhìn lại anh Báu.

Anh vẫn đứng đó, có lẽ còn băn khoăn với chính câu hỏi của mình.

Không biết mình đã sai điều gì.

Tôi nhắm mắt lại, hít một hơi sâu.

Bỗng nhiên, tôi nhớ Socrates.

Lê Trọng Nghĩa