Liễu Trương: Cung Tích Biền viết trong thời khói lửa

Nhà văn Cung Tích Biền

Cung Tích Biền là một nhà văn rất quen thuộc với độc giả miền Nam vào những thập kỷ 60-70. Ông cầm bút sớm, từ năm 1958. Truyện ngắn của ông được đăng trên nhiều tập san, tạp chí văn nghệ, nhiều nhật báo của thời đó. Cung Tích Biền được chú ý với những truyện như:

Ai Tỉnh Ai Điên

Ngoại Ô, Dĩ An Và Linh Hồn Tôi

Nỗi Buồn Thắp Sáng

Cõi ngoài

Hoà Bình Nàng Tình Rỗng

Cái Chết Của Một Con Đĩ Ngựa

Bạch Hóa.

Lúc đầu Cung Tích Biền đến với độc giả dưới nhiều bút hiệu, rồi năm 1966, khi ông cho đăng truyện Ngoại Ô, Dĩ An Và Linh Hồn Tôi trên tuần báo Nghệ Thuật số 23, ông dứt khoát chọn bút hiệu Cung Tích Biền.

Cung Tích Biền tên thật là Trần Ngọc Thao, sinh năm 1937, tại Thăng Bình, Quảng Nam. Thuở nhỏ ông sống tám năm dưới thời Pháp thuộc, rồi chín năm trong vùng kháng chiến Liên khu V. Về sau ông có mặt ở miền Nam từ 1954 đến 1975.

Cung Tích Biền đã học qua các trường Diên Hồng ở Phố cổ Hội An, Quốc Học Huế, học Đại học Văn khoa Huế, Đại học Luật Sài Gòn.  Rồi ông bỏ ngang đại học, về dạy học ở các trường trung học ở Quảng Nam.

Năm 1963, Cung Tích Biền nhập ngũ, vào Trường Bộ binh Thủ Đức, khóa 17. Ông tốt nghiệp Trường Sĩ quan Hành chánh Tài chánh thuộc Bộ Quốc Phòng của VNCH. Ông từng phục vụ trong các binh chủng: Pháo binh, Bộ binh. Từ năm 1970, ông là giảng viên Trường Sĩ Quan Hành Chánh. Năm 1973, ông giải ngũ với cấp bậc đại úy. Sau đó ông là Giáo sư Thỉnh Giảng Viện Đại Học Cộng Đồng Quảng Đà, Đà Nẵng.

Sau 30 tháng 4, 1975, Cung Tích Biền ở lại Việt Nam. Ông ngưng viết, rồi năm 1987, ông cầm bút trở lại với những truyện Chim Cánh Cụt và Một Thời Lưu Lạc (1990), cùng một số truyện ngắn được tập hợp trong tập truyện Thằng Bắt Quỷ xuất bản ở hải ngoại (1993).

Năm 2016, Cung Tích Biền sang Mỹ đoàn tụ với gia đình. Ở Mỹ năm 2021, ông trình làng ba tập truyện: Bạch Hóa, Mùa Xuân Cô Mơ Bay  Nhịp Điệu Của Bầy Ong.

Chiến tranh là một tai họa lớn cho đất nước, cho xã hội và cho con người. Cũng như vô số những người trai thời loạn, Cung Tích Biền đã đi suốt cuộc chiến ở miền Nam, vừa là một nhân chứng vừa là kẻ nhập cuộc. Tuổi trẻ của Cung Tích Biền chìm đắm trong sự bi thảm của chiến tranh. Những truyện ngắn ông viết vào những năm khói lửa là những bằng chứng của bao tàn phá, bao đau thương. Có thể nói trong số các truyện đó, Ngoại Ô, Dĩ An Và Linh Hồn Tôi viết năm 1965 và Bạch Hóa viết năm 1968 là hai truyện tiêu biểu cho sự thống khổ của con người trong thời chiến. Chủ đề của Ngoại Ô, Dĩ An Và Linh Hồn Tôi là sa đọa, và chủ đề của Bạch Hóa là cái chết.

Ngoại Ô, Dĩ An Và Linh Hồn Tôi đưa người đọc về một ngoại ô để mục kích trận cuồng phong của chiến tranh đã hủy hoại con người và nơi con người sống như thế nào.

I. Sa đọa của một người con gái

    Ở một ngoại ô gần ngọn núi Sơn Trà và năm ngọn Ngũ Hành Sơn, với một con sông cuồn cuộn trôi ra biển, một ngoại ô gần Đà Nẵng, một gia đình khiêm tốn đang sống một cuộc đời bình an. Người cha làm nghề đạp xích lô, người mẹ gánh chè đi bán trong đêm khuya, cô con gái lớn tên Liêm, nhưng nhất định mang cái tên Dĩ An, cô em tên Bích Ty và là người kể truyện, cậu em út tên Lâm. Dĩ An 20 tuổi, là một cô gái có nhan sắc, biết thương cha mẹ, thuở cắp sách đến trường cô học giỏi, có một cậu con trai tên Lân học trên vài lớp yêu thầm. Cô em Bích Ty nói về ngoại ô của mình:

    Chúng tôi sinh ra và lớn lên từ ngoại ô. Ngoại ô là bức tranh nghèo nàn. Nhưng tôi không xem mình là kẻ bị lưu đày. Tôi mến ngoại ô này như mến thân thể tôi. Thành phố ngoài kia có gì nhiều tôi không cần biết đến. Chị Dĩ An ạ, làm sao những người ngoại ô có thể là con chim quên tổ ấm phải không chị? Tôi nói với chị Dĩ An như vậy, chị mỉm cười. Những buổi chiều xuống mau, những tia sáng vàng vọt đượm màu thần thoại của tuổi thơ tôi hãy còn đấy.

    Thế rồi chiến tranh ngày càng đến gần ngoại ô. Lân lên đường nhập ngũ. Ít lâu sau từ Pleiku trở về, Lân gặp lại Dĩ An, hai người yêu nhau mãnh liệt. Lân trở lại đơn vị, lòng tràn ngập vui sướng với ý nghĩ rồi đây sẽ thành hôn với Dĩ An. Nhưng tin dữ nhanh chóng bay về ngoại ô: Lân tử trận trong một cuộc hành quân. Lân chết trong rừng để những người ở thành thị được sống yên ổn, lại có khi bày ra những trò gai mắt. Thi hài Lân được đưa về an táng. Dĩ An đau đớn, như người mất linh hồn:

    … buổi chiều ra thăm mộ anh, buổi tối khóc, sáng đi thơ thẩn …

    Từ ngày anh Lân chết đi, thành phố này đối với chị là một nghĩa trang. Chị thường ra sân ga nhìn những toa tàu nằm chết trên đường. Cây cầu hoen rỉ không dấu xe qua. Chị đến bãi biển ngồi thầm lặng. Hoàng hôn xuống buồn. Có khi khuya lắm chị mới trở về nhà.

    Trong gia đình người cha đã lìa đời, người mẹ thêm tuổi già. Con người Dĩ An bỗng nhiên thay đổi, đi về thất thường, Dĩ An đã sa ngã, đem thân xác bán cho người đời, đem tiền về cho mẹ. Dĩ An nói với cô em:

    – Em có nghĩ một con đĩ có tâm sự buồn là một con đĩ đau khổ nhiều nhất không? Chị bán linh hồn chị rồi. Em thương chị không?

    Dĩ An đã thay đổi trong cách suy nghĩ, cách ăn nói, cô dùng một ngôn ngữ sống sượng để xúi dục em mình đi làm điếm như mình, coi rẻ trinh tiết của người con gái. Nhưng cô em Bích Ty là người có bản lĩnh, biết suy nghĩ và đau lòng trước bao thay đổi của người chị.

    Sự sa đọa của Dĩ An ngày càng tăng thêm: cô mất phẩm cách, ăn nói văng tục, cô đâm ra cờ bạc, sinh con đem cho cô nhi viện, đem về cho mẹ một số tiền lớn, rồi biến mất.

    II. Sa đọa của một ngoại ô

      Sa đọa của Dĩ An xảy ra cùng thời với sa đọa của ngoại ô. Chiến tranh ngày càng quyết liệt, quân đội Mỹ bắt đầu xuất hiện, và bộ mặt của ngoại ô thay đổi hẳn. Bích Ty kể:

      Ngoại ô tôi bắt đầu có những chàng Mỹ trắng Mỹ đen lùng lội tìm của lạ. Linh cảm cho tôi biết ngoại ô này cũng theo thân phận của đất nước. Mọi nếp sống sẽ đổi thay. Mọi tâm hồn sẽ bị lung lay trước sự lung lạc của vật chất. Con sông mở rộng. Sáng hôm đó chuyến tàu đầu tiên rẽ sóng chạy vào. Những người lính viễn chinh lên bờ mang theo tấm thân lực lưỡng, những thèm muốn và tiền bạc

      Ngoại ô thân yêu của chúng tôi năm xưa không còn cái vẻ nghèo nàn nữa. Nhưng nó vươn lên một cách học đòi, quê mùa, giả tạo.

      Trước hoàn cảnh mới với bao cám dỗ của vật chất, những người con gái của ngoại ô cũng xiêu lòng, đi tìm cái mới, cái lạ: váy ngắn, áo quần sặc sỡ đi qua những con hẻm mà trước đây đàn bò đi qua. Và họ không cưỡng lại được sức lôi cuốn của những người đàn ông đến từ phương xa.

      Bạch Hóa là truyện thứ hai của Cung Tích Biền. Chiến tranh trong truyện này còn tàn bạo hơn, cay đắng hơn. Toàn truyện đưa về chủ đề chết. Nhân vật chính trong truyện là một người đàn ông quê mùa, mộc mạc, không hề đi học, không biết đến thành thị, suốt đời chỉ biết cày cấy. Người dân quê đó tên Nguyễn Văn Liên, thường được gọi chú Sáu. Vợ chú chết đã lâu, con trai tên Đích đi lính, chú sống với đứa con gái tên Miệng. Chú Sáu là người giàu tình cảm, chú gắn bó với làng quê, nơi có mồ mả tổ tiên, có ngôi nhà kỷ niệm với vợ con, chú gắn bó với ruộng nương, đồng cỏ, chú thương mấy con bò đã từng lao lực cày bừa với chú.

      I. Những cái chết phi lý

        Nhưng những ngày vui sống, êm đềm không còn nữa. Chiến tranh  tràn vào làng quê của chú Sáu, gieo bao chết chóc đau thương. Bom đạn đã cướp mất con bò đực khỏe mạnh của chú Sáu:

        Chú Sáu nằm trong bóng đêm âm thầm nhớ tha thiết, nhớ dại dột con bò đực vĩ đại của chú. (…) Con bò chết lòng chú hiu quạnh (…). Chú nhắm mắt thấy máu chảy ra từ thân thể con bò thân yêu. Chú như ngã xuống và trôi miên man trong đó, giòng máu thơm ngát: máu không phản bội, máu ngoài các chính thể loài người

        Từ ngày Sáu Vu về làng quấy nhiễu, làng trở nên mục tiêu của những cuộc hành quân, những vòng lượn máy bay thả trái khói. Nguy hơn nữa là làng quê trở nên một chốn tự do oanh kích.

        Vì hầm trú bùn lầy dơ bẩn, con Miệng đòi ngủ ngoài trời ban đêm, chú Sáu sợ con gái mình theo trai, hư hỏng, bèn bắt nó ngủ trong hầm. Khi hai cha con trú trong hầm ban đêm thì có tiếng đạn nổ liên miên. Miệng bị thương ở gáy chết liền trong tay người cha. Miệng chết êm đềm. Chú Sáu cất tiếng khóc khô khan giản dị, tiếng khóc của một lão đàn ông tưởng vô duyên nhưng thực ra nó làm đau lòng người hơn bất cứ lời ai điếu nào.

        Sáng hôm sau chú Sáu thấy con bò cái chết, cái đầu bay xa, chỉ còn lại con bò con yếu ớt.

        Thế là chú Sáu bơ vơ, không còn ai để thương yêu, nương tựa.

        II. Tội ác mang tên cách mạng       

          Trong làng còn có một hiểm họa khác do một nhân vật độc ác tên Sáu Vu gây nên. Sáu Vu con của Hương Đằng, bỏ nhà ra đi đã trên mười năm. Nay hắn trở về lập tòa án nhân dân, hắn đứng ra làm chánh án để xử người cha của hắn mà hắn không nhận là cha của mình. Hắn nói cuộc cách mạng vĩ đại là cha của hắn. Thế rồi Sáu Vu xử tử cha ruột của hắn bằng cách chặt đầu ông trước mặt dân làng.

          Trong khi nhiều người bỏ làng ra đi sau vụ Sáu Vu xử tử người cha, chú Sáu ngày ngày đem con bò con ra đồng ăn cỏ, chiều lại đến ngồi bên mộ con.

          Sáu Vu lại trở về làng, hình bóng của hắn như một ác mộng, hắn có bộ mặt của Ô Mã Nhi.

          Đến lượt chú Sáu cũng bỏ làng ra đi. Một hôm chú dắt con bò con đi theo một đoàn quân trở về thành phố sau một cuộc hành quân. Nhưng đời sống ở thành phố không thích hợp với con bò, nó thiếu cỏ, mỗi ngày nó một gầy đi, ban đêm chú Sáu phải thức để đuổi muỗi cho nó.

          Rồi chú Sáu được vào một trại định cư, nơi đây mọi người được no ấm, đầy đủ. Ông Quận trưởng đến thăm trại định cư, ân cần hỏi han chú Sáu, phát cho chú nào thuốc men, sửa bột, áo quần đến từ nước Mỹ. Nhưng chú Sáu nào có cần những thứ đó. Nỗi lo âu của chú là con bò con, và rồi không ai cho lại chú cái xóm thân yêu, mái nhà yên tĩnh, không ai mang trả lại chú cánh đồng tự do hiền hòa.

          Nằm trong thành phố với người xa lạ, chú Sáu mới thấy cả cái cày, cái cuốc cũng có hơi thở, có linh hồn. Cày cuốc đã tắt hơi thở dưới căn nhà cháy và linh hồn chúng nó về rộn ràng đâu đây, làm chú thao thức nửa đêm, ngây ngất từ lúc trăng về sáng, lòng dạ như sắt se khi chợt nhìn một chòm sao sáng rỡ trên trời lúc nửa khuya.

          Thế rồi súng đạn cũng tràn vào thành phố, con bò con chết, nó bị phanh thây, không còn dấu vết gì nữa.

          III. Tình quê dẫn đến cái chết

            Con bò con chết, chú Sáu càng bơ vơ thêm. Chú nhớ làng quay quắt và quyết định trở về. Trên đường về chú cảm thấy sung sướng, chú vượt một gò mã, một cánh rừng, quê nhà không còn bao xa nữa. Nhưng thình lình Ô Mã Nhi xuất hiện trước mặt chú.

            – A, Lão Sáu, tên tề điệp, mày hãy dừng lại nhận bản án tử hình.

            Chú Sáu bị kết tội làm gián điệp cho Mỹ, và chú bị xử tử. Hai con mắt chú Sáu trợn xanh lè như hai con mắt con bò cái với cái đầu hoang vu trên bờ ao. Hai con mắt đó nhìn về Ô Mã Nhi không kịp nói lời nào. Chú chết tức tốc, quằn quại vì một bản án quái gở bất thành văn tự đó.

            Xác chú bị vứt xuống một đường mương.

            Đích, người con trai chú Sáu đi lính, được phép về quê. Nghe người bạn nói vùng quê đó là vùng oanh kích tự do. Đích hiểu ra rằng vì sao vắng thư nhà đã lâu. Đích về đến xóm làng. Anh dõi mắt về cái xóm phía trước: nơi tuổi nhỏ anh chăn bầy bò ba con. Có lần Đích đã nằm trên mô đất đầy cỏ xanh, đắp cái nón lá trên mặt, anh ngủ vùi, bầy bò đi rong trên cánh đồng ăn cỏ suốt ngày. Có lần trên cánh đồng này Đích lắng nghe tiếng nước chảy róc rách, tiếng cá đớp lúa, tiếng rì rào xa vắng của ngàn bông lúa… Mấy năm rồi Đích mới trở lại, súng trên tay, đạn lên nòng, anh đi về tuổi nhỏ, anh tiến vào vùng kỷ niệm, sẵn sàng bắn vào trí não mình…

            Một người lính cho Đích biết có một xác chết đã thối sình, Đích không biết đó là cha mình. Anh ta vội xoa dầu nhị thiên đường lên mũi và văng tục:

            – Đ.M. cái thằng già chết dưới mương hôi thúi quá, chắc cũng bảy tám ngày rồi, chết mà nằm úp để lòi cái óc trắng hếu lên trời.

            ***

                    Qua hai truyện ngắn trên đây, Cung Tích Biền cho thấy chiến tranh đã nghiền nát thân phận con người như thế nào.

            Trong truyện Ngoại Ô, Dĩ An Và Linh Hồn Tôi, chiến tranh làm con người mất phẩm giá và chịu nhục nhã trước xã hội. Nếu chiến tranh không cướp mạng sống của Lân, thì Dĩ An ngày nay đã là một người vợ ngoan, một người mẹ hiền trong một gia đình hạnh phúc, thay vì trở thành một cô gái điếm trơ trẻn, vô đạo đức. Còn cái xã hội nhỏ của một ngoại ô bị chiến tranh chiếm hữu là một xã hội đã mất những giá trị văn hóa và đạo đức.

            Nhưng cay nghiệt hơn nữa là chiến tranh đã giết lần giết mòn một con người lương thiện trong truyện Bạch Hóa. Nhân vật chú Sáu phải đi qua nhiều đoạn đường đau khổ rồi mới chết. Chiến tranh là thần chếtnhưng thần chết không đến liền với chú Sáu mà chờn vờn quanh chú để cho chú trước tiên có một thời gian đau khổ. Khởi đầu là hai con bò của chú chết, rồi đứa con gái của chú cũng chết. Sau đó, thần chết đi thêm bước nữa bằng cách đẩy chú Sáu vào thành phố với con bò con, chú Sáu bơ vơ, lạc lõng giữa những người xa lạ, thiếu đồng cảm, họ gọi chú là « thằng khùng ». Bao nhiêu thử thách đó là bước cuối cùng trước khi chú Sáu đối diện với bộ mặt hãi hùng của Ô Mã Nhi.

            Chiến tranh cũng làm cho lòng dạ đứa con trai của chú Sáu trở nên chai đá. Nó sẵn sàng « bắn » vào những kỷ niệm tuổi thơ êm đềm của nó, và nó tỏ ra ghê tởm cái xác chết sình thối, không chút tôn trọng một con người dù đã chết mà thật ra chính là cha nó.

            Trong truyện Bạch Hóa, Cung Tích Biền đã khéo xây dựng một cốt truyện cho thấy chiến tranh là một trận cuồng phong tàn khốc đã đẩy con người vào vòng xoáy của sự thống khổ để chịu đựng bao mất mát đau thương, để cuối cùng thấy bộ mặt của tội ác trước khi lìa đời.

            Cung Tích Biền không viết bút ký kể lại những trận đánh kinh hồn, những tàn phá trên quê hương, truyện ngắn Bạch Hóa của ông cũng đủ tạo nên một bản cáo trạng lên án chiến tranh.

            Liễu Trương

            27/9/2023