Liễu Trương: Đêm qua ra đứng bờ ao

Hình minh họa: Kelly

Dân tộc Việt Nam từ đời này qua đời khác có quyền tự hào về cái kho tàng văn chương truyền khẩu bình dân của mình. Sáng tạo nghệ thuật nói chung và sáng tạo văn chương nói riêng là do bản tính của con người thường ao ước cái hay cái đẹp. Thế nên khi chưa có tầng lớp trí thức uyên bác trong xã hội, hạng người bình dân mộc mạc đã bày ra ca dao, tục ngữ lưu truyền trong dân gian. Đặc biệt những bài ca dao thường có nhạc điệu nhịp nhàng, theo thể thơ lục bát và song thất lục bát. Nội dung ca dao đa dạng, phong phú, nói về thời tiết nắng mưa, mùa màng, công việc đồng áng, đời sống nơi thôn dã, về phong tục, tình cảm giữa đôi trai gái, tình cảm trong gia đình, v.v… Cũng có lúc con người hướng về đời sống nội tâm của mình, như trong bài ca dao Đêm qua ra đứng bờ ao, một bài thơ khuyết danh trở nên bất diệt, vì đã gợi lên cái đẹp huyền ảo và gây nên những cung bậc của cảm xúc cho người nghe khi xưa và người đọc ngày nay.

Bài ca dao thường được gọi bằng câu mở đầu: Đêm qua ra đứng bờ ao ; trong cuốn Quốc Văn Giáo Khoa Thư thì có tên là : Vì Nhớ Mà Buồn, còn nhạc sĩ Văn Phụng, người đã phổ nhạc bài ca dao, và nhà văn Doãn Quốc Sỹ thì cho bài ca dao cái tựa đề: Đêm Buồn.

Đêm qua ra đứng bờ ao,

Trông cá cá lặn, trông sao sao mờ.

Buồn trông con nhện giăng tơ,

Nhện ơi nhện hỡi nhện chờ mối ai?

Buồn trông chênh chếch sao mai,

Sao ơi sao hỡi nhớ ai sao mờ?

Đêm đêm tưởng giải Ngân Hà,

Chuôi sao tinh đẩu đã ba năm tròn.

Đá mòn nhưng dạ chẳng mòn,

Tào Khê nước chảy hãy còn trơ trơ.

Đây là một bài ca dao nói về tâm trạng buồn và cô đơn của một người giữa đêm khuya, trong một không gian vắng lặng, chạnh nhớ đến mối tình của mình. Cần nói rõ, trong bài ca dao không có dấu hiệu gì cho phép khẳng định rằng người đứng bên bờ ao là một người phụ nữ. Bài ca dao gồm 10 câu lục bát. Ngay câu đầu gồm 6 từ đã vẽ lên một khung cảnh phù hợp với một nỗi niềm sắp được kể lể: có thời gian (đêm qua), có không gian (bờ ao) và một nhân vật (đứng bên bờ ao). Cái ao là một nơi thôn dã, quạnh hiu trong đêm, càng khiến cho tâm trạng của nhân vật được giãi bày dễ dàng.

Trong suốt bài, chủ đề nhìn qua sự lặp lại các động từ: « trông » và « Buồn trông » là một chủ đề cốt yếu. Qua cái nhìn, nhân vật nhận thức ngoại giới, tức vũ trụ ban đêm: nhìn xuống nước, nhìn lên trời đầy sao. Người có tâm trạng buồn, cảm thầy cô đơn, muốn hòa mình vào vũ trụ, thân mật với vũ trụ, nên nhân hóa sao và nhện để dễ bề đối thoại. Nhưng càng nhìn vũ trụ thì nội tâm càng buồn thêm, vì vũ trụ dường như câm nín, xa xôi: cá lặn, sao mờ, còn con nhện thì lặng lẽ giăng tơ. Trước những lời kêu gọi không có lời đáp. Rồi sao mai ló dạng, một đêm đã trôi qua, và nhiều đêm đã trôi qua như thế với dải Ngân Hà trên trời. Trong một vũ trụ câm lặng, người đứng bên bờ ao cảm thấy lẻ loi, đơn chiếc, bèn trở lại với nội tâm, và nghĩ đến mối tình chung thủy của mình, vững bền hơn đá, không bị hao mòn vì một dòng nước chảy liên miên. Không ai biết chắc Tào Khê là một con suối hay con sông, và từ đâu chảy đến. Từ điển Đào Duy Anh giải thích hai từ « tào » và « khê » : tào là hai bên cao ở giữa trũng xuống, còn « khê » là khe nước ở chân núi. Theo cuốn Quốc Văn Giáo Khoa Thư do các học giả Trần Trọng Kim, Nguyễn Văn Ngọc, Đặng Đình Phúc, Đỗ Thận biên soạn, thì Tào Khê là tên cái khe bên Tàu, lối giải thích này mập mờ. Nhưng dù sao Tào Khê cũng là một dòng nước trong tâm tưởng của nhân vật. Hai yếu tố của thiên nhiên: đá và nước được dùng để so sánh với mối tình chung thủy, và để nêu cao giá trị của mối tình này.

Nghệ thuật xây dựng bài ca dao thật là toàn bích. Cái nhìn đưa người có tâm trạng buồn đến với ngoại giới, rồi từ ngoại giới trở lại nội tâm để đối diện với tình yêu thủy chung, vững bền của mình. Nhạc điệu của lục bát với điệp ngữ Buồn trông tạo nên một không khí u buồn.

Bài ca dao Đêm qua ra đứng bờ ao làm liên tưởng đến một đoạn thơ trong truyện Kim Vân Kiều, một kiệt tác của đại thi hào Nguyễn Du (1766-1820), gồm 3 254 câu thơ. Đoạn đó như sau:

Buồn trông cửa bể chiều hôm,

Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa?

Buồn trông ngọn nước mới sa,

Hoa trôi man mác, biết là về đâu?

Buồn trông nội cỏ dầu dầu,

Chưn mây mặt đất một màu xanh xanh.

Buồn trông gió cuốn mặt duềnh,

Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi.

Tám câu thơ này có những đặc điểm chung với bài ca dao trên. Trước hết âm hưởng đôi bên rất gần nhau, nhờ thể thơ lục bát, sau là chủ đề cái nhìn rất đậm đà, trong hai văn bản cái nhìn đưa nhân vật đến với ngoại giới, với thiên nhiên, và đặc biệt là điệp ngữ Buồn trông. Nguyễn Du, một tâm hồn yêu văn thơ, một tài năng kiệt xuất, làm sao không biết đến cái di sản thi ca của người xưa để lại, trong đó có lời than thở của một người đêm qua ra đứng bờ ao? Những bài ca dao đã âm thầm đi vào tâm hồn và ký ức của thi nhân và được vô thức gạn loc, giữ gìn; rồi một ngày kia bỗng dưng xuất hiện trong sáng tạo của thi nhân những yếu tố mà vô thức đã cất giấu. Và cái hiện tượng khiến đoạn thơ trong Kim Vân Kiều đến gần với bài ca dao Đêm qua ra đứng bờ ao được lý luận văn học ngày nay gọi là hiện tượng liên văn bản.

Hiện tượng liên văn bản luôn luôn đi kèm với sáng tạo văn chương. Không một tác giả nào có thể thoát khỏi hiện tượng này. Julia Kristeva, người đưa thuyết liên văn bản vào nước Pháp những năm 1960, cho rằng bất cứ văn bản nào cũng là giao điểm của nhiều văn bản cùng thời hoặc những văn bản đã có trước.

Trường hợp đoạn thơ của Nguyễn Du là sự đọc lại bài ca dao, là làm rõ nét chủ đề nhìn và làm nổi bật nghệ thuật dùng điệp ngữ trong bài ca dao Đêm qua ra đứng bờ ao. Giữa thời của văn chương truyền khẩu và thời của Nguyễn Du biết bao thế kỷ đã trôi qua, thế nhưng vẫn có hiện tượng liên văn bản.

Bài ca dao Đêm qua ra đứng bờ ao là khởi điểm của một hiện tượng văn học, chứng tỏ rằng văn chương truyền khẩu, một mảng của văn học Việt Nam, còn có thể được thăm dò, khai thác sâu xa để tìm ra nhiều điều mới lạ. Đời người qua mau, nhưng cái đẹp của văn chương vẫn trường tồn, vẫn tác động đến nghệ thuật của nhiều đời sau. Bài ca dao Đêm qua ra đứng bờ ao đã đi vào ký ức của mọi người.

Liễu Trương