Lôi Am: Ánh Sáng Vô Ngã: Phật Giáo và Sứ Mệnh Khai Phóng Dân Tộc
Lịch sử Việt Nam từ buổi đầu dựng nước đến thời hiện đại là một chuỗi diễn tiến không ngừng nghỉ của những cuộc đấu tranh sinh tồn, bảo vệ độc lập dân tộc và xây dựng nền văn minh. Trong dòng chảy ấy, Phật giáo đã đồng hành và còn đóng vai trò như một trụ cột tinh thần, một nguồn sáng dẫn lối vượt qua những thử thách lớn lao của thời đại. Nhưng ánh sáng ấy, qua năm tháng, không phải lúc nào cũng rực rỡ mà có lúc bị che khuất bởi những biến động chính trị, sự lạm dụng quyền lực và cả thái độ thụ động từ chính những người thừa hưởng di sản quý báu này.
Từ thời Lý-Trần, Phật giáo Việt Nam là một tôn giáo, và còn là nền tảng cho sự phát triển văn hóa, giáo dục cũng như chính trị. Thời kỳ này, với những nhân vật xuất chúng như vua Trần Nhân Tông – người sáng lập Thiền phái Trúc Lâm –thể hiện một hình mẫu lý tưởng về sự hòa quyện giữa tinh thần Phật giáo và trách nhiệm đối với xã hội, quốc gia. Đạo và đời không tách rời mà trở thành hai mặt của cùng một thực tại, trong đó người tu hành không tìm kiếm sự giải thoát cá nhân, mà còn phụng sự nhân sinh bằng tất cả trí tuệ và lòng từ bi.
Song, ánh sáng rực rỡ ấy cũng dần phai nhạt khi đất nước rơi vào những giai đoạn loạn lạc, chiến tranh và đặc biệt là khi xã hội bị thao túng bởi những ý thức hệ chính trị mang tính áp đặt, xem tôn giáo như một công cụ hoặc, một chướng ngại cần kiểm soát. Gần một thế kỷ dưới sự chi phối của chủ nghĩa Cộng sản, tinh thần Phật giáo tại Việt Nam, dù không bị dập tắt, đã chịu nhiều thử thách nghiệt ngã. Những giá trị như từ bi, trí tuệ và vô ngã bị bóp méo, biến thành những hình thức bề mặt, xa rời bản chất thực sự của Phật pháp.
Tinh thần vô ngã của Phật giáo là một thông điệp mạnh mẽ và cấp thiết trong bối cảnh hiện nay. Vô ngã không chỉ là sự buông bỏ cái tôi cá nhân để đạt đến trạng thái giác ngộ, mà còn là lời nhắc nhở về việc không rơi vào sự bám víu, sùng bái, hoặc phụ thuộc vào bất kỳ hình thức quyền lực, cá nhân, hay biểu tượng nào. Khi một xã hội xây dựng tượng đài tín ngưỡng xung quanh cá nhân hoặc hệ tư tưởng, nó không chỉ làm mất đi sự tự do tư duy, mà còn tạo ra sự phân cực, làm méo mó tinh thần hòa hợp và bao dung của Phật giáo.
Để Phật giáo trở thành nguồn lực thực sự cho sự thay đổi, cần vượt qua những giới hạn cục bộ, không để bị đồng hóa hoặc biến thành công cụ phục vụ lợi ích thế tục. Đây không phải là lời kêu gọi đối đầu, mà là lời mời gọi thức tỉnh – để mỗi người Phật tử nhận ra rằng tinh thần từ bi và trí tuệ không dành cho việc giải thoát bản thân, mà phải là nền tảng để xây dựng một xã hội công bằng, văn minh và tự do.
Bấy giờ, tự do tín ngưỡng là quyền cơ bản của con người, vì nó là yếu tố cốt lõi của nhân quyền và là điều kiện tiên quyết để bảo vệ những giá trị tâm linh sâu sắc. Tại Việt Nam, tự do tín ngưỡng đã và đang bị bó hẹp trong nhiều thập kỷ, biến tôn giáo thành một hình thức mang tính hình thức hoặc công cụ hóa. Điều này làm tổn thương các giá trị văn hóa và tinh thần, đồng thời khiến xã hội mất đi một nguồn lực quan trọng để thúc đẩy sự tiến bộ.
Để “cởi trói” cho quyền tự do tín ngưỡng, cần một cuộc cải cách toàn diện, bắt đầu từ việc nâng cao nhận thức của người dân về vai trò của tôn giáo trong đời sống xã hội. Phật giáo, với tinh thần nhập thế và khả năng lan tỏa những giá trị từ bi, trí tuệ, hoàn toàn có thể dẫn dắt phong trào này. Nhưng để làm được điều đó, cần một sự dũng mãnh vượt lên trên những rào cản, không để bị lôi cuốn bởi quyền lực hoặc lợi ích thế tục, mà luôn giữ vững lập trường vì lợi ích chung của toàn dân tộc.
Phật giáo Việt Nam không phải là câu chuyện của sự an nhàn, nhưng là hành trình vượt thoát đầy chông gai, được viết nên bởi lòng kiên định và sự nhập thế dấn thân của những người con Phật qua từng thời kỳ. Trong thời kỳ kháng chiến chống ngoại xâm, Phật giáo vừa là nguồn sức mạnh tinh thần mà còn là ánh sáng dẫn đường cho những bậc minh quân, hiền triết. Nhưng sau đó, trong giai đoạn hiện đại, khi xã hội chịu sự chi phối bởi các ý thức hệ chính trị khắc nghiệt, tinh thần Phật giáo bị bóp nghẹt bởi một chuỗi các áp lực lịch sử và xã hội.
Cái nghịch lý lớn nhất trong sự phát triển Phật giáo Việt Nam hiện nay là một mặt, Phật giáo vẫn hiện diện rộng rãi với hàng ngàn tự viện, nhưng mặt khác, tinh thần chân chính của Phật pháp lại ngày càng bị che lấp bởi những biểu hiện mang tính nghi thức, sùng bái hoặc lệ thuộc vào cơ chế thế tục. Hàng triệu người tự nhận mình là Phật tử, nhưng có bao nhiêu người thực sự hiểu và sống đúng với tinh thần từ bi, trí tuệ và vô ngã mà Đức Phật đã truyền dạy?
Chính nghịch cảnh này là lời kêu gọi khẩn thiết để Phật giáo Việt Nam tự soi lại mình. Đây không phải chỉ là trách nhiệm của các bậc cao tăng hay những người lãnh đạo tinh thần, mà còn là nhiệm vụ của mỗi Phật tử, những người cần thức tỉnh để nhận ra rằng con đường giải thoát không phải là sự nương tựa vào hình thức, mà là sự chuyển hóa từ chính nội tâm.
Trong thời kỳ hiện đại, việc xây dựng các tượng đài tín ngưỡng mang tính sùng bái cá nhân đang trở thành một vấn đề đáng báo động. Những tượng đài này không chỉ làm sai lệch tinh thần vô ngã của Phật giáo, mà còn tạo ra một thứ “xiềng xích tâm linh” khi khiến con người bám víu vào các biểu tượng vật chất thay vì tập trung vào sự tu tập và giác ngộ.
Đức Phật Thích Ca Mâu Ni không tự xây dựng tượng đài hay bất kỳ hình thức tôn sùng cá nhân nào cho bản thân mình. Ngược lại, Ngài thường nhấn mạnh về việc không bám chấp vào hình tướng hay biểu tượng bên ngoài. Giáo lý của Đức Phật tập trung vào việc giúp con người tự giác ngộ thông qua thực hành và trải nghiệm cá nhân, không đặt trọng tâm vào việc thờ phụng hình thức hay cá nhân Ngài.
Trong kinh điển, Đức Phật khuyến khích các đệ tử tập trung vào giáo pháp (Dharma) và giới-định-tuệ, chứ không bám víu vào hình ảnh hay vật chất. Ngài từng dạy rằng: “Ai thấy Pháp là thấy Ta, ai thấy Ta là thấy Pháp.”
Điều này có nghĩa là Đức Phật xem giáo pháp như biểu tượng thực sự của Ngài bởi chính giáo pháp mới là nguồn dẫn dắt con người đến sự giải thoát chứ không phải việc thờ phụng hình tượng cá nhân.
Hơn nữa, sau khi Đức Phật nhập Niết-bàn, các đệ tử của Ngài cũng không lập tức tạo dựng tượng đài. Việc xây dựng các tượng Phật chỉ xuất hiện sau này khi Phật giáo phát triển và lan rộng nhằm đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng và tạo điều kiện cho những người không có cơ hội tiếp xúc trực tiếp với giáo lý có thể kết nối tâm linh thông qua hình ảnh biểu tượng.
Như vậy, tinh thần của Đức Phật không nằm ở việc tôn sùng cá nhân hay hình thức, mà ở sự thực hành để nhận ra bản chất vô thường, vô ngã và từ đó đạt được sự giải thoát. Nếu việc thờ phụng các tượng Phật chỉ dừng ở mức hình thức mà không hướng đến sự thực hành, điều này dễ trở thành sự lệ thuộc, đi ngược lại tinh thần cốt lõi mà Ngài truyền dạy.
Lịch sử Phật giáo Việt Nam từng ghi nhận những thời kỳ hoàng kim, là khi các bậc cao tăng lãnh đạo tinh thần luôn đặt trọng tâm vào giáo lý và sự thực hành. Nhưng hiện nay, trong bối cảnh thế tục hóa, các tượng đài hay công trình hoành tráng đôi khi trở thành công cụ để phô diễn quyền lực hoặc gia tăng lợi ích kinh tế nhưng không hề phản ánh tinh thần từ bi và giản dị của Phật giáo. Những hình thức này không chỉ khiến người Phật tử xa rời giáo pháp chân chính, mà còn tạo ra sự chia rẽ và hiểu lầm giữa các cộng đồng tôn giáo.
Phật giáo cần lấy lại tinh thần cốt lõi của mình bằng cách phá bỏ những xiềng xích này, để không biến mình thành một công cụ của quyền lực hoặc sự thỏa hiệp với lợi ích thế tục. Đây không phải là lời bài xích hình tượng vật lý mà cốt nhắc nhở chúng ta về việc cần xây dựng “tượng đài tâm linh” bên trong mỗi người – nơi giáo lý Phật đà sống động qua từng hành động, từng suy nghĩ và từng nhịp thở.
Bấy giờ, việc ra sức che chắn, bảo vệ hay tôn sùng bất kỳ một cá nhân nào, dù là trong bối cảnh tôn giáo hay đời sống xã hội, đều mang trong mình một nguy cơ tiềm tàng: nó tạo ra sự mất cân bằng, kéo sập đi những giá trị lớn lao khác để xây dựng một biểu tượng mới. Sự sùng bái cá nhân dù được biện minh bằng bất kỳ lý do nào, đều giới hạn tầm nhìn của chúng ta, khiến mình không còn nhận thức được chiều sâu và không gian rộng lớn của những nội hàm thực sự mà tôn giáo như Phật giáo vốn mang lại.
Phật giáo dạy về vô ngã, một triết lý nhằm giải thoát con người khỏi sự ràng buộc của cái tôi cá nhân, vượt qua sự bám víu và chấp trước vào hình tướng, biểu tượng, hay danh vọng. Khi chúng ta dựng lên những tượng đài để tôn sùng cá nhân, dù là ai, chính chúng ta đã vô tình tự trói mình vào vòng lặp của chấp ngã – một điều trái ngược hoàn toàn với tinh thần giác ngộ và giải thoát mà Đức Phật đã truyền đạt.
Một tôn giáo lớn như Phật giáo không tồn tại để phục vụ cá nhân hay quyền lực, mà để mở ra con đường dẫn đến sự tự do tâm linh, trí tuệ vượt thoát và lòng từ bi vô biên. Việc khuếch đại hình ảnh của một cá nhân, làm lu mờ các giá trị tổng thể, chẳng khác nào biến tôn giáo thành công cụ phục vụ cho sự phân cực, đối kháng hoặc chia rẽ. Thay vì mở rộng tầm nhìn để thấy sự bao dung, rộng lớn và khả năng hòa hợp của Phật giáo, chúng ta chỉ nhìn thấy một góc hẹp qua lăng kính bị bóp méo bởi sự sùng bái hạn hẹp.
Nếu mục tiêu là bảo vệ một cá nhân vì lòng tôn kính, thì cần nhận thức rõ ràng rằng Phật giáo không phải là nơi để dựng tượng đài cho những cái tôi, mà là con đường dẫn đến sự giác ngộ tập thể. Mỗi lần chúng ta dựng một tượng đài mới, hãy tự hỏi: liệu điều đó có làm mờ đi ánh sáng của sự thật, làm mất đi bản chất không phân biệt, không chấp tướng của Phật pháp? Hay chúng ta chỉ đang thay thế một sự sùng bái này bằng một sự sùng bái khác, và trong hành động ấy, lãng quên đi cốt lõi của đạo?
Chính vì vậy, điều cần thiết không phải là dựng lên những hình tướng để bảo vệ hay tôn sùng, mà là làm sáng tỏ nội hàm phong phú của Phật giáo. Hãy để không gian của trí tuệ và từ bi lan tỏa, vượt qua mọi hình tướng để dẫn dắt con người đến sự tự do, trong niềm tin và trong cách sống, cách hiểu đạo. Một tôn giáo sống động không cần những bức tường được dựng lên quanh cá nhân, mà cần những cánh cửa mở ra chân trời rộng lớn của giác ngộ và lòng từ bi vô hạn.
Bất bạo động, như Đức Phật đã dạy, không phải là thái độ thụ động hay nhẫn nhục chịu đựng. Bất bạo động là sự dũng cảm từ tâm, sẵn sàng đối mặt với bất công bằng sự kiên định, không sân hận. Con đường Phật giáo, nếu được thực hành đúng cách, không bao giờ đồng nghĩa với việc thỏa hiệp hay khuất phục trước các thế lực bất công. Ngược lại, là nguồn sức mạnh để con người vượt lên, thay đổi xã hội một cách hòa bình nhưng đầy hiệu quả.
Trong bối cảnh Việt Nam hiện nay, tin rằng bất bạo động là con đường để bảo vệ Phật giáo, và là phương pháp hữu hiệu để thúc đẩy nhân quyền và tự do tín ngưỡng. Tuy nhiên, để làm được điều đó, cần sự tỉnh thức ở cả cá nhân lẫn cộng đồng. Mỗi người Phật tử cần tự hỏi: Liệu mình đã thực sự hiểu và sống đúng với giáo lý từ bi, trí tuệ và vô ngã? Hay mình chỉ đang trốn tránh, nép mình vào vỏ bọc của một niềm tin nông cạn?
Sự nhập thế của Phật giáo trong thời đại này đòi hỏi một tinh thần quyết liệt hơn bao giờ hết. Nhưng quyết liệt không có nghĩa là đối đầu; nó có nghĩa là kiên trì thay đổi từ gốc rễ, thông qua sự thức tỉnh nội tâm và lan tỏa những giá trị tốt đẹp đến cộng đồng. Phật giáo, với bản chất hòa bình, không chọn vũ lực làm phương tiện, nhưng cũng không bao giờ thỏa hiệp với cái ác hay những gì đi ngược lại với công lý và sự thật.
Phật giáo Việt Nam đang đứng trước một ngã rẽ lịch sử. Sứ mệnh của Phật giáo không chỉ là bảo tồn di sản mà còn phải vượt qua những giới hạn hiện tại để trở thành ngọn đuốc soi đường cho sự phát triển của cả xã hội. Điều này đòi hỏi một cuộc cách mạng về nhận thức, trong đó Phật giáo phải trở lại với tinh thần nhập thế mạnh mẽ, không ngừng đổi mới nhưng vẫn giữ vững những giá trị cốt lõi.
Hành trình tái định hình Phật giáo tất nhiên không phải là con đường dễ dàng mà đòi hỏi sự dũng cảm để đối mặt với những nghịch cảnh, sự kiên nhẫn để từng bước thay đổi và sự từ bi để không rơi vào cực đoan. Nhưng nếu mỗi người Phật tử đều thức tỉnh, tự nhận lấy trách nhiệm và sống đúng với tinh thần Phật pháp, thì Phật giáo Việt Nam có thể trở thành một nguồn lực mạnh mẽ để dẫn dắt xã hội vượt qua mọi thử thách.
Tỉnh thức là trạng thái nội tại của cá nhân và là năng lượng tập thể có khả năng thay đổi cục diện xã hội. Phật giáo, từ lâu đã khuyến khích con người quay về với chính mình, sống trong từng khoảnh khắc hiện tại để tìm thấy sự an lạc và trí tuệ. Nhưng trong bối cảnh một xã hội đầy rẫy sự hỗn loạn và áp lực chính trị, tỉnh thức cần được hiểu sâu hơn, như một phương tiện để tháo gỡ những ràng buộc vô hình, cả trong tâm trí và cấu trúc xã hội.
Ở Việt Nam, nơi con người thường bị cuốn vào vòng xoáy của sự sợ hãi, thụ động và chấp nhận, tinh thần tỉnh thức trở thành một lời kêu gọi thiết yếu để phá bỏ xiềng xích tư tưởng. Mỗi người Phật tử, thay vì chỉ tìm kiếm sự giải thoát cá nhân, cần học cách sử dụng năng lượng tỉnh thức để lan tỏa tinh thần từ bi và trí tuệ vào các khía cạnh đời sống: gia đình, cộng đồng và rộng hơn là quốc gia. Từng bước nhỏ, từng hơi thở chánh niệm, có thể là khởi đầu cho một cuộc chuyển hóa lớn lao, vượt qua sự kiểm soát và áp đặt để tái thiết lập sự tự do đích thực.
Một trong những thách thức lớn nhất đối với Phật giáo Việt Nam hiện nay là sự thụ động trong tư duy và hành động của một đại bộ phận Phật tử. Nhiều người đã bị ru ngủ bởi các hình thức nghi lễ, lễ hội hoặc sự sùng bái thần tượng mà quên rằng Phật pháp không phải là nơi trú ẩn an toàn, mà là một con đường để hành động, để kiến tạo một thế giới tốt đẹp hơn.
Sự dấn thân trong Phật giáo không phải là hành động mù quáng mà là sự hòa quyện giữa trí tuệ và từ bi. Đó là hành động vì lợi ích của số đông nhưng không đánh mất bản chất hòa bình và bất bạo động. Một người Phật tử nhập thế phải là một người không chỉ tìm cách tránh né những vấn đề xã hội, mà là người biết sử dụng giáo lý Phật pháp để đối mặt và giải quyết những thách thức, bằng sự kiên nhẫn, can đảm và từ bi.
Trong bối cảnh đất nước Việt Nam, sự dấn thân không thể chỉ dừng lại ở các hoạt động từ thiện hoặc giáo dục tôn giáo nội bộ. Nó cần mở rộng sang việc bảo vệ quyền tự do tín ngưỡng, cổ vũ cho sự minh bạch và công bằng trong xã hội cũng như nâng cao nhận thức của người dân về giá trị của nhân quyền và phẩm giá con người. Đây là nhiệm vụ không dễ dàng nhưng nó là con đường duy nhất nếu Phật giáo muốn trở thành một sức mạnh thực sự trong thời đại này.
Tương lai của Phật giáo Việt Nam không phụ thuộc vào việc bảo tồn di sản thôi, mà còn vào khả năng đổi mới và thích nghi với thời đại. Trong một thế giới ngày càng phức tạp và toàn cầu hóa, Phật giáo cần tìm ra cách truyền tải thông điệp của mình mạnh mẽ và hiệu quả hơn để trở thành năng lượng tinh thần không chỉ cho người Việt mà còn cho nhân loại.
Một viễn cảnh khai phóng cho Phật giáo Việt Nam bắt đầu từ sự giải phóng bản thân khỏi những ràng buộc cũ kỹ, cả về hình thức lẫn nội dung. Tinh thần vô ngã cần được thể hiện qua việc loại bỏ những yếu tố sùng bái cá nhân, giảm bớt sự lệ thuộc vào các biểu tượng vật chất và nhấn mạnh vào sự thực hành chân chính. Đây vừa là quá trình cải cách nội bộ mà còn là một cuộc cách mạng văn hóa, giúp Phật giáo trở lại vị thế trung tâm trong đời sống tinh thần của dân tộc.
Đồng thời, Phật giáo cần mở rộng tầm nhìn để đáp ứng những nhu cầu hiện đại. Điều này bao gồm việc sử dụng các công nghệ mới để truyền bá giáo lý, kết nối cộng đồng qua không gian số và tham gia tích cực vào các phong trào xã hội toàn cầu về bảo vệ môi trường, bình đẳng giới cũng như nhân quyền. Một Phật giáo hiện đại vừa giữ vững bản sắc truyền thống mà vừa biết cách đối thoại với thời đại để mang lại lợi ích lớn nhất cho con người.
Con đường Phật giáo không bao giờ là con đường dễ dàng, bởi đòi hỏi chúng ta phải đối mặt với chính mình, với những hạn chế và ảo tưởng mà mình đang mang theo. Nhưng cũng chính con đường ấy, khi được đi với tâm kiên định và lòng từ bi, sẽ mở ra những cánh cửa dẫn đến sự giải thoát không chỉ cho cá nhân mà còn cho toàn xã hội.
Phật giáo Việt Nam, sau gần một thế kỷ bị thử thách bởi sự áp đặt và bóp méo, đang đứng trước một cơ hội lớn để tự làm mới mình, để vượt qua những rào cản lịch sử và xã hội và để trở thành nguồn sức mạnh thực sự cho dân tộc. Nhưng cơ hội ấy chỉ có thể thành hiện thực nếu mỗi người Phật tử đều thức tỉnh, đều nhận ra rằng bổn phận của mình không chỉ là tu tập mà còn là hành động, là phụng sự nhân sinh một cách vô ngã, không điều kiện.
Hãy để ánh sáng từ bi và trí tuệ của Phật giáo soi sáng mọi ngõ ngách của xã hội, phá bỏ mọi xiềng xích tư tưởng và dẫn dắt con người đến một tương lai tự do, bình đẳng và hạnh phúc. Đây là sứ mệnh của Phật giáo, là món quà quý giá nhất mà Phật giáo có thể mang lại cho dân tộc Việt Nam và toàn thế giới.
Lôi Am
Ẩn Tự, ngày 06 tháng 12 năm 2024