Lôi Am: Ngọn Lửa Tam Muội: Phật Giáo Việt Nam 1975–2025 — Một Hành Trình Ẩn Nhẫn và Chuyển Hóa

Năm 1975, những hồi chuông vãn của một thời đại vừa khép lại, mang theo tiếng thở dài, những giấc mơ tan vỡ và cả những hạt mầm chưa kịp trổ hoa. Với Phật giáo Việt Nam, đó không những là sự thay đổi chính thể; đó là một vết rạn lớn trong hành trình duy trì mạng mạch đạo pháp giữa lòng dân tộc. Trong cơn bão của lịch sử, Phật giáo Việt Nam rẽ sang một thời kỳ mới: âm thầm, ẩn nhẫn, bền bỉ giữ lấy ngọn lửa chánh pháp giữa trận mưa sa dày đặc của nghi kỵ, kiểm soát và tha hóa.
Từ những thế kỷ đầu Công nguyên, Phật giáo từng là một phần máu thịt của linh hồn Việt. Không chỉ dừng lại ở một niềm tin, Phật giáo Việt Nam đã thể nhập thành nguồn dưỡng chất văn hóa, đạo lý, nhân cách và sức chịu đựng của dân tộc. Từ ngôi chùa bên dòng sông, mái cong ẩn khuất trong rặng tre làng, đến triều đình thấm đẫm ánh sáng từ bi của các bậc vua-Phật như Lý Nhân Tông, Trần Nhân Tông, dấu ấn Phật giáo in đậm trong từng bước thăng trầm của đất nước. Dù qua những triều đại vinh quang hay những mùa binh lửa, dù là quốc giáo hay khiêm nhường như ánh đèn dầu trong căn bếp nhỏ, Phật giáo vẫn hiện diện như mạch ngầm nuôi dưỡng ý chí sinh tồn, lòng khoan dung và sự tỉnh thức của một dân tộc biết bao lần đứng dậy từ tro tàn.
Nhưng chưa bao giờ thử thách lại khốc liệt như sau năm 1975. Khi đất nước thống nhất địa lý, thì dòng tâm linh lại bị phân rẽ sâu sắc. Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất (GHPGVNTN), với bề dày lịch sử và vai trò trụ cột trong sinh hoạt tôn giáo miền Nam, bị cấm đoán, tước bỏ tư cách pháp nhân, và nhiều cao tăng bị lưu đày, giam cầm, bịt tiếng. Trước cơn sóng dữ ấy, GHPGVNTN không chọn đối đầu bạo lực. Thay vì dựng những ngọn cờ đỏ đẫm máu, những ngọn cờ ngã mạn, Phật giáo Việt Nam — trung thành với hạnh nguyện của Bồ Tát — đã chọn nhẫn nhục như đất, chọn âm thầm như nước, để tiếp tục một cuộc hành trình dài trong lặng lẽ.
Ẩn trong từng nếp chùa hiu hắt, trong những buổi lễ trầm mặc, trong những trang kinh chuyền tay kín đáo, GHPGVNTN duy trì ngọn đèn chánh pháp không cho tắt. Những bậc Tôn túc như Hòa thượng Thích Huyền Quang, Hòa thượng Thích Quảng Độ, Thích Tuệ Sỹ, Trí Siêu… đã trở thành những ngọn núi sừng sững, bất động trước cuồng phong thế sự. Có người chịu cảnh tù đày, có người viên tịch lặng lẽ trong quản thúc, có người bị tước đoạt cả quyền công dân, nhưng tất cả đều chung một chí nguyện: giữ Đạo, giữ Người, giữ Trí Tuệ và Từ Bi không để lụi tàn trong cõi nhân gian đầy xung động.
Cùng lúc đó, sự ra đời của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam (GHPGVN) dưới sự bảo trợ của nhà nước, đã mở ra một không gian khác: công khai hơn, được thừa nhận pháp lý, nhưng đồng thời cũng ràng buộc bởi những dây thừng vô hình của thế quyền. Trong tổ chức ấy, có những bàn tay chỉ điểm, có những vết thương của thỏa hiệp, có những chiếc áo tu sĩ khoác lên dáng hình thế tục. Nhưng nếu nhìn sâu hơn vào lòng tổ chức ấy, ta vẫn thấy có những ngọn đèn từ tốn, tĩnh tại giữa xao động, vẫn bền bỉ thắp sáng.
Vì không phải tất cả đều cúi đầu trước quyền lực. Không phải tất cả đều quên mất chí nguyện ban đầu. Ngay trong lòng GHPGVN, giữa những nghi thức rườm rà, giữa những đại lễ khoa trương và những hội nghị hình thức, vẫn có những bậc chân tu âm thầm hành đạo, những pháp lữ còn giữ được tình tự Sơn Môn — cái tình đạo không thể diễn tả bằng hình thức bên ngoài, mà chỉ bằng sự đồng cảm sâu kín giữa những trái tim còn đau đáu vì Phật pháp. Chư Thầy không lên tiếng, nhưng trong từng lễ nghi giản dị, trong từng khóa giảng pháp nhỏ nơi vùng quê hẻo lánh, trong từng nén nhang nguyện cầu cho hòa bình và tự do, đều được gửi gắm một niềm tin: một ngày nào đó, dòng sông Phật giáo sẽ lại chảy tự do, không còn bị chia cắt bởi những đập ngăn của quyền lực thế tục.
Bấy giờ, giữa những phồn hoa giả tạm và những thách thức của thời đại mới — thương mại hóa tôn giáo, hình thức hóa nghi lễ, phàm tục hóa đạo hạnh — Phật giáo Việt Nam hôm nay đứng trước một ngã ba lớn. Một bên là nguy cơ tan loãng thành những lễ hội nhộn nhịp, thành những khóa tu đông đúc mà rỗng ruột, những tượng Phật dát vàng nhưng thiếu vắng từ tâm. Một bên là cơ duyên hồi sinh: trở về với cốt tủy của Đạo Phật — trí tuệ giải thoát và lòng bi mẫn vô biên.
Chưa bao giờ yêu cầu đối với Phật giáo lại khẩn thiết như lúc này. Không còn là thời của những cuộc đấu tranh sao động. Cũng không còn là thời chỉ cần tụng kinh gõ mõ là đủ. Thời đại này, Phật giáo Việt Nam cần một cuộc hồi hướng lớn: từ hình thức trở về bản thể, từ số lượng trở về phẩm chất, từ lễ nghi rườm rà trở về nội tâm giác ngộ. Để làm được điều đó, cần lắm những thế hệ Tăng Ni và cư sĩ mới: kiên cường trong trí tuệ, tinh tế trong từ bi, khiêm cung trong hành đạo, và kiên nhẫn như đất chờ đợi những cơn mưa.
Tương lai của Phật giáo Việt Nam không thể chỉ gửi gắm vào những văn bản pháp lý, những đại hội hoành tráng hay những ngôi chùa bạc triệu. Tương lai ấy nằm trong những trái tim biết yêu Đạo hơn yêu danh, yêu Người hơn yêu địa vị, yêu Chánh Pháp hơn yêu sự phô trương quyền thế. Tương lai ấy nằm trong từng đơn vị Gia đình Phật tử dạy trẻ thơ chắp tay trước Phật, trong từng khóa thiền chánh niệm và tĩnh lặng giữa thành phố ồn ào, trong từng bài giảng không sáo ngữ nhưng thấm đẫm từ bi và trí tuệ.
Và trong cuộc hành trình ấy, ánh sáng thầm lặng của những Sơn Môn pháp lữ, những vị thầy vô danh, những ngôi chùa ẩn khuất vẫn là niềm hy vọng lớn nhất. Chư vị ấy giữ lửa trong mưa, giữ hạt giống Bồ đề qua những mùa đông băng giá. Chư vị ấy hiểu rằng lịch sử rồi sẽ xoay vần, quyền lực rồi sẽ đổi thay, nhưng ngọn lửa giác ngộ nếu được gìn giữ, sẽ không bao giờ tắt.
Phật giáo Việt Nam 1975–2025, xét cho cùng, là một hành trình ẩn nhẫn vĩ đại. Một sự kiên trì đi qua tất cả những mùa bão lòng người, bão thời đại, bão quyền lực. Không oán thán. Không tuyệt vọng. Không phản kháng nông nổi. Chỉ có sự tin tưởng thâm trầm vào nhân duyên, vào lý duyên khởi, vào vô thường biến dịch mà kiên nhẫn vun trồng những hạt giống chánh pháp ngay cả trong những cơn mưa giông lớn nhất.
Có thể chúng ta, người đời không nhìn thấy hết những nỗ lực ấy. Có thể lịch sử chính thống sẽ không ghi lại hết những hy sinh ấy. Nhưng ở một chiều kích sâu xa hơn, chính sự tồn tại của Phật giáo Việt Nam hôm nay — dù mong manh, dù chịu nhiều tổn thương — đã là minh chứng sống động nhất cho sức mạnh của bi trí và nhẫn nhục.
Giờ đây, giữa cơn mưa của bất trắc và dối trá, có những người lặng lẽ giữ một ngọn lửa nhỏ trong lòng tay khô quắt. Giữa cơn lũ của thời đại, có những pháp lữ còn nhận ra nhau trong ánh nhìn im lặng, trong nụ cười nhẹ, trong lời nguyện âm thầm cho một ngày mai tỉnh thức. Và chính nhờ những ngọn lửa thầm lặng đó, Phật giáo Việt Nam, như suối nguồn ẩn mật dưới lòng đất, vẫn đang âm thầm chảy về phía tương lai.
Tương lai ấy không đến từ những tuyên bố hùng hồn, mà đến từ từng bước chân chánh niệm, từng hơi thở chánh niệm, từng hạt giống Bồ đề âm thầm gieo vào lòng người. Tương lai ấy không được xây bằng các công trình nguy nga, mà bằng những trái tim biết yêu thương trong lặng lẽ, biết hành động trong vô ngã, biết nhẫn nhục không phải vì yếu đuối, mà vì thấu hiểu sâu xa rằng, chỉ có nhẫn nhục mới là con đường duy nhất để chuyển hóa khổ đau.
Phật giáo Việt Nam, như từ bao đời nay, vẫn vậy, lặng lẽ giữ cháy ngọn lửa Tam Muội trong mưa.
Có những cơn mưa rơi không thành tiếng. Có những ngọn lửa cháy không tỏa khói. Và cũng có những cuộc chuyển hóa không cần đến cờ phướn, khẩu hiệu hay tuyên bố định hướng. Người giữ đạo trong thời loạn, giống như người gác cửa một ngôi chùa cổ trong đêm mưa: biết rằng sẽ không ai đến, nhưng vẫn châm đèn, dọn pháp tòa, bày hoa tươi và đợi.
Giữ một ngọn đèn không phải vì sợ bóng tối. Mà bởi vì có thể, ở nơi xa kia, có một linh hồn lạc lối cần thấy ánh sáng ấy để quay về. Và ánh sáng, nếu không được giữ từ hôm nay, thì mai này còn ai để thắp?
Trong thế giới cuồng loạn của tốc độ và lãng quên, Phật giáo không cần trở nên thời thượng. Phật giáo chỉ cần trở nên tỉnh thức hơn bao giờ hết. Giữa vạn âm thanh hỗn độn, tiếng chuông chùa vẫn cần ngân lên như một nhắc nhở về lòng người, về bản lai diện mục, về con đường trở về với chính mình.
Quê hương rồi sẽ cần một nền tâm linh không bị khuất phục bởi chính trị. Dân tộc rồi sẽ cần một đạo lý không bị pha loãng bởi vật dục. Và con người, sau tất cả những thử nghiệm vỡ vụn của các chủ nghĩa, rồi sẽ cần trở lại với nơi có thể cúi đầu, ngồi xuống, thở một hơi thật dài, để biết mình vẫn còn có thể làm người.
Cho nên, chớ khinh thường những pháp lữ đang giữ chùa quê. Chớ quên những thầy cô giáo lý âm thầm dạy trẻ lễ Phật giữa phố thị hỗn độn. Chớ lãng quên những người đang gìn giữ hơi thở chánh niệm giữa rừng nghi thức và trò chơi quyền lực. Bởi vì chính chư vị ấy — không danh, không vọng, không quyền uy — đang là gạch lót con đường cho Phật giáo Việt Nam bước qua thế kỷ mới.
Một thế kỷ mà Phật giáo không còn bị định nghĩa bởi ngôi chùa to hay pháp hội lớn, mà bởi sự có mặt thật sự của lòng Từ và ánh sáng Trí trong từng hơi thở, từng hành động, từng con người.
Khi đó, mưa có rơi cũng không tắt được lửa. Vì lửa ấy là lửa từ tâm – Lửa Tam Muội.
Phật lịch 2569 – Ngày 01 tháng Tư, 2025
LÔI AM ẩn tự