Michel Foucault: Khái niệm cõi ngoài
TÔI NÓI DỐI, TÔI NÓI
Xưa chân lý Hy Lạp đã bị lung lay chỉ bởi một lời xác quyết: “Tôi nói dối.” Giờ đây xác quyết “Tôi nói” thách thức toàn thể văn chương hiện đại.
Nói đúng ra hai xác quyết này không có cùng một sức mạnh. Người ta biết rất rõ rằng có thể làm chủ luận chứng của Épimenide nếu như người ta phân biệt được, bên trong một diễn ngôn thu nạp một cách nhân tạo trên chính nó thì hai mệnh đề mà một mệnh đề này là đối tượng của mệnh đề kia. Sự cứu xét văn phạm nghịch lý đã hoài công né tránh (nhất là nếu như nghịch lý lại ăn sâu trong hình thức đơn giản của phát biểu “Tôi nói dối”) cái lưỡng tính căn để này chẳng thể được loại bỏ do việc cứu xét có tính chất văn phạm này. Mọi mệnh đề đều phải là một “loại” vượt lên trên mệnh đề mà nó lấy làm đối tượng. Dù cho có sự tái xuất hiện mệnh đề-đối tượng ở mệnh đề nó chỉ thị, dù cho có sự thành thực của người dân đảo Crète, vào lúc điều người này nói có bị trung hòa bởi nội dung lời khẳng định của hắn, dù cho hắn có thể giả dối hay khi hắn nói về sự nói dối, tất cả những cái đó không hẳn là một trở ngại luận lý không thể vượt qua hơn là hậu quả của một sự kiện thuần túy và giản đơn: chủ thể nói cũng lại là điều hắn nói.
Vào lúc tôi xướng câu “tôi nói” một cách giản đơn tôi chẳng bị đe dọa bởi những hiểm nguy của câu nói này; và hai mệnh đề tiềm ẩn trong lời xướng (“tôi nói” và “tôi nói rằng tôi nói”) không hóa giải nhau chút nào. Tôi đã được bảo vệ trong cái thành trì không thể định vị trí ở đó sự khẳng định tự khẳng định, tự điều chinh một cách chính xác, không vượt qua cái bờ nào, lách qua mọi sự hiểm nguy của sự sai lầm bởi tôi chẳng nói gì khác hơn là sự kiện tôi nói rằng tôi nói. Mệnh đề-đối tượng (la proposition-objet) và mệnh đề nói lên điều này thông giao nhau chẳng có trở ngại hay phân vân, không chỉ về phía lời nói mà nó có vấn đề, nhưng cả về phía chủ thể phát biểu lời này. Như thế đúng là, đúng một cách chẳng thể chối cãi, rằng tôi nói khi tôi bảo rằng tôi nói.
Thế nhưng sự việc lại chẳng đơn giản như thế. Nếu vị trí hình thức (la positon formelle) của “tôi nói” không khơi lên những vấn đề riêng của nó, ý nghĩa của nó, dù cho bề ngoài có vẻ rõ rệt nhưng lại mở ra những vấn đề có thể là vô tận. Thực vậy, “tôi nói” qui chiếu về một diễn ngôn trong khi cung cấp cho nó một đối tượng, lại cũng giúp hỗ trợ nó. Thế nhưng lại chẳng có diễn ngôn này; cái câu “tôi nói” chỉ đặt uy quyền của nó trong sự khiếm diện mọi ngôn ngữ; diễn ngôn mà tôi nói không hiện hữu trước sự trần trụi được nói lên vào lúc tôi bảo “tôi nói”; và diễn ngôn này biến đi trong khoảnh khắc tôi im tiếng. Mọi khả hữu của ngôn ngữ ở đây cạn kiệt bởi tính truyền ứng (la transitivité) nơi nó tự hoàn thành. Sa mạc bao quanh nó. Bằng sự tế vi nào, ở điểm riêng và vững vàng nào lại có thể đón nhận một ngôn ngữ tự nó muốn tự nắm bắt trong cái hình thức trần trụi của “tôi nói”? Ít nhất đúng như khoảng trống không nơi thể hiện sự mỏng manh không có nội dung của “tôi nói” không phải là một ngả mở ra tuyệt đối, bằng ngả này ngôn ngữ có thể khuếch trương vô tận, trong khi chủ thể – cái “tôi” cắt tiếng – tự cắt mảnh, trải ra và phân mảnh cho tới khi biến mất trong không gian trần trụi đó. Thật thế, ngôn ngữ chỉ có môi trường của nó trong quyền uy cô đơn của “tôi nói”, về mặt quyền hành không có cái gì có thể giới hạn nó – cái quyền hành nó chất vấn, sự thực của điều nó nói, những giá trị hay những hệ thống biểu trưng nó sử dụng; nói cho gọn, rằng không có diễn ngôn và sự thông giao một ý nghĩa, nhưng chỉ là sự bày ra của ngôn ngữ trong cái hữu thô (être brut), ngoại giới tính thuần túy được mở ra; và như thế chủ thể nói không phải là kẻ trách nhiệm về diễn ngôn (cái điều khiển hắn, xác quyết và phán đoán nơi hắn, đôi khi được biểu trưng dưới một hình thức văn phạm cho hiệu ứng này), rằng sự không hiện hữu trong sự trống rỗng nơi ngôn ngữ tiếp tục mà chẳng có vật cản ngăn.
Người ta có thói quen cho rằng văn chương hiện đại được định tính bởi sự làm kép (redoublement) cho phép nó tự chỉ định; trong sự tự qui chiếu này, nó sẽ tìm ra phương tiện vừa nhập nội (s’intérioriser) tới mức tối đa (không là gì khác hơn việc nó tự tuyên bố) và tự biểu lộ trong dấu chỉ long lanh của sự hiện hữu xa xa của nó. Thực ra, biến cố sản sinh ra cái theo sát nghĩa người ta cho là “văn chương” chỉ thuộc về sự nội hướng đối với cái nhìn bề mặt; đúng ra có sự di chuyển ra “cõi ngoài”: ngôn ngữ thoát khỏi kiểu một diễn ngôn – nghĩa là thoát khỏi triều đại của dung tưởng -, và lời nói văn chương tự triển khai trừ chính nó, tạo nên một cái mạng mà mỗi điểm, những điểm này phân biệt nhau, cách xa ngay cả những điểm kế cận, được định vị trong tương quan với tất cả các điểm trong một không gian vừa sắp xếp vừa tách biệt chúng. Văn chương, đó chẳng phải là ngôn ngữ tự tiến gần chính nó cho tới điểm thể hiện nóng bỏng, nhưng đó là ngôn ngữ tự nó đặt mình xa chính nó hơn hết; và nếu như, trong việc đặt mình “ra khỏi chính mính”, nó phơi mở chính hữu của nó, đúng ra sự sáng tỏ đột nhiên này bày ra một cách khoảng, đúng hơn là một sự gấp lại (un répli), một sự phân tán đúng hơn là sự quay trở lại của những dấu chỉ trên chính chúng. “Chủ đề” của văn chương (cái cất tiếng nơi nó và cái nó nói về), như thể đó chẳng phải trong tính chất tích cực của nó mà là khoảng trống rỗng nơi nó tìm ra không gian của nó khi nó cất tiếng trong tính chất trần trụi của “tôi nói”.
Cái không gian trung tính này trong thời đại chúng ta định tính chất văn chương hư cấu phương Tây (đó là lý do tại sao văn chương hư cấu không phải là một huyền thoại cũng không phải là một phép tu từ). Vậy nên thật cần thiết suy nghĩ về văn chương hư cấu này – trong khi trước đây vấn đề là suy tưởng về chân lý -, chính bởi “tôi nói” tác hoạt như phản diện với “tôi tư tưởng”. Thật vậy, “tôi nói” dẫn tới sự chắc thực không thể nghi ngờ được về cái Tôi và sự hiện hữu của nó; còn “tôi tư tưởng” ngược lại tháo lui, tan loãng, xóa bỏ sự hiện hữu đó chỉ để xuất hiện sự chiếm hữu chỗ trống rỗng. Tư tưởng của tư tưởng, toàn thể một truyền thống rộng lớn hơn triết học đã dạy bảo chúng ta rằng tư tương của tư tưởng dẫn dắt chúng ta tới nội giới tính sâu thẳm hơn. Đó là lời của lời văn chương đưa chúng ta tới, nhưng có thể cũng bởi những ngả đường khác nữa cũng dẫn tới cái cõi ngoài nơi đó chủ thể nói biến đi. Chắc chắn vì lý do này mà triết học phương Tây bấy lâu ngần ngại tư duy về hữu của ngôn ngữ: như thể nó cảm nhận được sự hiểm nguy của việc cầu viện tới sự hiển nhiên của “Tôi là” (hiện hữu) kinh nghiệm trần trụi của ngôn ngữ.
KINH NGHIỆM CÕI NGOÀI
Sự xuyên thủng hướng về một ngôn ngữ ở đó chủ thể bị loại trừ cho thấy tính chất không thể cộng sinh có thể là vô phương giữa sự xuất hiện của ngôn ngữ trong hữu của nó và ý thức bản ngã trong bản thân của nó, ngày nay là một kinh nghiệm nói lên ở những điểm rất khác nhau của văn hóa: trong hành vi viết cũng như trong những thử nghiệm hình thức hóa ngôn ngữ, trong nghiên cứu về huyền thoại và trong tâm-phân-học, cũng như trong sưu khảo cái Logos tạo nên nơi sinh của toàn thể lý trí Tây phương. Quả thật chúng ta đứng trước sự trống hoác bấy lâu chúng ta đã không nhìn thấy: hữu của ngôn ngữ chỉ hiện ra trong sự biến đi của chủ thể. Làm thế nào để tiến vào mối tương quan kỳ lạ này? Có thể bằng một hình thức tư tưởng mà văn hóa phương Tây đã phác họa trong những cái lề (marges) của khả hữu tính chưa chắc chắn. Tư tưởng này đứng bên ngoài mọi chủ thể tính để làm chủ thể tính trồi lên như mặt ngoài của những giới hạn, để tuyên bố cái chung cuộc, để làm cho sự tan loãng lấp lánh và chỉ tiếp nhận sự không có mặt vô định, và đồng thời cũng đứng ở ngưỡng của mọi tích cực tính, như không phải để nắm bắt cái nền tảng hay sự biện chính, nhưng để tìm kiếm không gian nơi nó triển khai, cái trống rỗng nó sử dụng như nới chốn, khoảng cách nó xây dựng và lặng lẽ tháo lui ngay khi người ta ngó vào những sự chắc thực tức thời, cái tư tưởng này, trong tương quan với nội giới tính của sự phản tư triết học của chúng ta và trong tương quan với tính tích cực của sự hiểu biết của chúng ta, tạo nên cái người ta có thể gọi bằng từ “khái niệm cõi ngoài”.
Trong tương lai rồi đây người ta sẽ thử định nghĩa những hình thức và những phạm trù căn bản của “khái niệm cõi ngoài” này. Và cũng phải nỗ lực tìm hiểu con đường dẫn tới khái niệm này, tìm xem khái niệm này đến với chúng ta từ đâu và nó sẽ dẫn tới đâu. Rất có thể người ta giả thiết nó được phát sinh từ tư tưởng huyền nhiệm (pensée mystique) trong những bản văn của Pseudo-Denys xuyên lọt tới những giới hạn của ky tô giáo; rất có thể nó đã trụ vững, trong một thiên kỷ hay gần như thế, dưới những hình thức của một thần học phủ định (théologie négative). Thế nhưng không chắc hẳn là như vậy: bởi lẽ, trong một kinh nghiệm như vậy, nếu quả thực có vấn đề liên hệ tới việc vượt “ra ngoài bản thân”, thì chung cuộc chính để tìm lại, nằm trong và được đón nhận trong tính chất nội tại chói lòa của một quan niệm về Hữu và Lời có toàn quyền. Nghĩa là Diễn ngôn, nếu quả thực quan niệm này là như vậy, nằm bên ngoài mọi ngôn ngữ, lặng lẽ, ở bên ngoài hữu và vô.
Chẳng phải là quá phiêu lưu khi giả thiết rằng quan niệm cõi ngoài đến với chúng ta, chính từ, một cách nghịch lý, lời độc thoại dai dẳng của Sade. Vào thời đại của Kant và Hegel, khi mà sự nội nhập luật tắc lịch sử và thế giới chưa là sự đòi hỏi nghiêm ngặt của ý thức phương Tây, Sade chưa cho rằng sự trần trụi của ham muốn là luật tắc vô luật tắc của thế giới, rằng đó là sự trần trụi của ham muốn. Cũng vào giai đoạn này trong thi ca của Hölderlin thể hiện sự khiếm diện của những vị thần linh và thi sĩ này tuyên bố luật tắc mới là phải chờ đợi, chắc là vô hạn, và sự trợ giúp bí ẩn đến từ “không có Thượng đế”. Người ta không quá lời khi cho rằng cũng trong thời đoạn này, kẻ này lột trần sự ham muốn trong tiếng thầm thì vô tận của diễn ngôn, người kia khám phá ra sự quay trở lại của những thần linh qua kẽ hở của một ngôn ngữ sắp biến mất. Phải chăng Sade và Hölderlin đã kín đáo đặt vào đầu óc chúng ta nghiệm về cõi ngoài trong tương lai? Cái kinh nghiệm này không hẳn đã bị vùi lấp, bởi nó không không thâm nhập bề dầy của nền văn hóa của chúng ta, nhưng trôi nổi, lạ lẫm, như thể ở bên ngoài nội giới chúng ta, suốt trong thời gian nó thành hình này, một cách thật kiêu hãnh, buộc chúng ta phải nội nhập thế giới, xóa bỏ những tha hóa, vượt qua khoảnh khắc dối gạt của Entaüsserung, nhân hóa thiên nhiên, tự nhiên hóa con người và tái thu hồi những kho tàng trên mặt đất đã bị phí phạm vô ích.
Kinh nghiệm này tái xuất hiện ở nửa sau thế kỷ XIX và ở ngay nơi trung tâm ngôn ngữ, đã trở thành, dù cho nền văn hóa của chúng ta luôn tư duy như nó nắm giữ bí mật của nội tại của nó khi nó khám phá ra rằng toàn thể siêu hình học phương Tây không chỉ liên hệ tới văn phạm (điều người ta dự đoán đại để từ Schlegel), nhưng liên quan tới những ai sở hữu diễn ngôn, nắm giữ quyền lên tiếng; ở Mallarmé, khi ngôn ngữ hiện ra như nơi nghỉ ngơi của cái nó đặt tên, và hơn thế nữa – kể từ tác phẩm Igitur cho tới kịch tính tự động và bất ngờ trong tác phẩm Quyển Sách – cái chuyển động trong đó kẻ nói/cất tiếng biến đi; ở Artaud, khi mà toàn bộ ngôn ngữ tranh biện được viện dẫn để rơi vào sự bạo động của thân xác và của tiếng kêu, và rằng tư tưởng, rời bỏ nội giới ba lắm nhời của ý thức, để trở thành năng lượng vật chất, sự khổ đau của xác thịt, sự hành hạ và rách nát của chính chủ thể; ở Bataille, khi tư tưởng, thay vì là diễn ngôn của sự đối nghịch hay của vô thức, trở thành diễn ngôn của giới hạn, của chủ quan tính đứt gẫy, của sự vượt tuyến; ở Klossowski, là kinh nghiệm của cái kép (l’expérience du double), [diễn ngôn] ngoại giới tính của những giả tượng, của sự nhân lên đầy kịch tính và dối trá của cái Tôi.
Blanchot có thể không phải chỉ là một trong những chứng nhân của ý tưởng này. Khi ông ta càng rút lui trong biểu lộ của tác phẩm của ông ta, khi ông ấy không được che chắn bởi những bản văn của ông ta, nhưng khuất mặt khỏi sự hiện hữu của những bản văn này bằng sức mạnh tuyệt vời của sự hiện hữu của chúng, đối với chúng ta ông ấy chính là cái tư tưởng này – sự có mặt thực sự, tuyệt đối lấp lánh nơi xa, bất kiến, sự tình cờ thiết yếu, luật tắc chẳng thể tránh khỏi, sự mạnh mẽ thầm lặng, vô tận, chừng mực của chính tư tưởng này.
PHẢN TƯ, HƯ CẤU (RÉFLEXION, FICTION)
Thật rất khó để cho rằng quan niệm này một ngôn ngữ trung thực. Mọi diễn ngôn thuần phản tư thật sự có nguy cơ dẫn dắt kinh nghiệm cõi ngoài tới chiều kích của nội giới tính; phản tư có khuynh hướng tái hiện nơi ý thức và triển khai ý thức trong một sự mô tả cái sống trải ở đó “cõi ngoài” sẽ được phác họa như một kinh nghiệm về thân xác, về không gian, về những giới hạn của ý chí, về sự hiện diện không thể xóa bỏ của tha nhân. Ngữ vựng của truyện hư cấu cũng hoàn toàn nguy hiểm: trong bề dầy của những hình ảnh, đôi khi chỉ trong sự sáng rõ của những hình dạng trung tính nhất hay thoáng qua nhất, ngữ vựng này có nguy cơ đặt vào những ý nghĩa đã có sẵn, những ý nghĩa này, dưới những loại của một thứ cõi ngoài tưởng tượng, lại đan dệt vào những thớ dọc ngang của nội giới tính cũ kỹ.
Vì thế cần phải cải biến ngôn ngữ phản tư (langage réflexif). Rất có thể nó không phải xoay về một khẳng định nội tại – xoay về một thứ chắc thực trung tâm ở đó nó sẽ không bị trục xuất -, nhưng đúng ra về một cực điểm ở đó nó luôn luôn bị buộc phải đặt vấn đề về cơ sở, giá trị: vì nó đã tới giới hạn của chính nó, nó không nhìn thấy được tính chất tích cực phản biện nó nổi lên, mà chỉ thấy khoảng trống rỗng nơi nó phải tự xóa bỏ; và nó phải đi tới khoảng trống này trong khi chấp nhận tự tháo gỡ trong sự eo xèo, trong sự phủ nhận tức thời, nhưng cái cõi ngoài thuần túy nơi những từ trôi đi bất tận. Đó là lý do tại sao ngôn ngữ của Blanchot không sử dụng biện chứng pháp của phủ nhận. Phủ nhận một cách biện chứng, đó là đưa cái người ta phủ nhận vào trong tính chất nội tại trăn trở của tinh thần. Từ chối diễn ngôn của chính mình như Blanchot làm, đó chính là không ngừng vượt ra khỏi chính mình, nắm bắt lại ở mỗi khoảnh khắc không chỉ cái mình đã nói ra, nhưng cả khả năng cất tiếng; chính là để yên nó nơi nó ở đó, cách xa bản ngã, để có sự tự do bắt đầu – sự bắt đầu này trên nguyên tắc là một nguồn thuần túy bởi nó chỉ có mình nó và cái trống rỗng, nhưng cũng là sự bắt đầu lại bở chính ngôn ngữ quá khứ, trong khi tự đào khoét, đã giải phóng cái trống rỗng này. Không có sự phản tư, nhưng có sự lãng quên, không có mâu thuẫn, nhưng có thách thức xóa bỏ; không có thỏa hiệp, nhưng có sự tái thẩm định; không có tinh thần đi chinh phục cần mẫn tính đơn nhất của nó, và có sự thẩm thấu vô tận của cái cõi ngoài; không có chân lý tự chiếu sáng chung cuộc, nhưng có sự trăn trở và cảm thức cô đơn sâu thẳm của ngôn ngữ luôn luôn bắt đầu. “Không phải một lời nói, thoạt như một tiếng thì thào, một cái rùng mình, không hẳn là sự im lặng, không hẳn là hố thẳm của sự trống không; mà là sự đầy tràn của trống không, một cái gì đó người ta không thể bắt nó câm miệng, nó chiếm cứ toàn thể không gian, cái không đứt quãng, không ngưng nghỉ, một rùng mình và một thầm thì đã là, không phải là tiếng thì thầm nhưng là một lời nói, không phải một lời nói nào đó, nhưng là một lời nói khúc chiết, chững chạc, trong tầm tay với của tôi.” (trích quyển Celui qui ne m’accompagnait pas của Blanchot, coll. blanche, nxb Gallimard trang 125)
Một sự đòi hỏi cải biến tương xứng ngôn ngữ truyện hư cấu. Sự cải biến này không cần phải là sức mạnh sản xuất và làm cho những hình ảnh sáng lấp lánh không ngừng nghỉ, nhưng ngược lại là sức mạnh tháo gỡ chúng, trút bỏ tất cả những gánh nặng của chúng, đặt chúng vào một sự trong suốt nội tại, sự trong suốt này dần dần chiếu sáng chúng đến độ làm cho chúng bung vỡ và tản mác trong sự nhẹ tênh của cái không thể tưởng tượng được. Những tác phẩm hư cấu của Blanchot là sự biến đổi chứ không là những hình ảnh, sự đổi chỗ, trung gian trung tính, sự ngưng chiến của những hình ảnh. Nhưng tác phẩm hư cấu này chính xác, chúng chỉ có những dạng phác họa trong bóng mờ nhạt của cái hàng ngày và của vô danh tính; và khi chúng dành chỗ cho việc tạo ra sự ngưỡng mộ, chẳng bao giờ trong chính chúng, nhưng trong cái trống không vây quanh chúng, trong không gian không cội rễ và không bệ đỡ nơi chúng được đặt để. Cái hư cấu không bao giờ nằm trong những sự vật cũng không trong những con người, nhưng trong sự gần như bất khả của cái nằm giữa chúng: những gặp mặt, sự gần cận của cái ở thật xa, sự ẩn nấp tuyệt đối nơi chúng ta tại hữu. Như thế truyện hư cấu không phải để làm cho ta thấy cái không thể thấy, nhưng cho ta không thể hay không nhìn thấy được tính chất bất kiến của cái khả kiến. Do thế đó là sự cùng máu huyết sâu xa với không gian, dĩ nhiên là như vậy đối với hư cấu, như âm bản đối nghịch phản chiếu (trong khi phủ nhận biện chứng lại quan hệ tới ngụ ngôn về thời gian). Không thể nghi ngờ được đó là vai trò của những căn nhà, những hành lang, những cái cửa và những căn phòng trong hầu hết những truyện kể (récits) của Blanchot: đó là những nơi chốn không nơi chốn, những ngưỡng cửa đón đợi, những không gian khép kín, cấm đoán nhưng lại cũng mở rộng cho gió lùa vào, những hành lang với những cánh cửa mở sẵn của những căn phòng dành cho những gặp mặt bất ưng, chúng được tách biệt bởi những hố lõm sâu hoắm trên cao làm cho tiếng nói không lọt qua được, kể cả tiếng kêu cũng bị bóp nghẹt; những hành lang này nối tiếp những hành lang khác, ở đó, vào ban đêm, tiếng nói chuyện, tiếng ho của người bệnh, tiếng thở hắt ra của kẻ hấp hối, tiếng thở đứt quãng của kẻ ngắc ngoải bị ngăn chặn không cho lọt vào giấc ngủ: căn phòng dài hơn là rộng, hẹp như một đường hầm, nơi khoảng cách và đường tiếp cận – tiếp cận sự lãng quên, khoảng cách của đợi chờ – cái này đến gần cái kia và rồi rời xa nhau mãi mãi.
Thế nên, sự kiên nhẫn phản tư, luôn luôn quay khỏi chính nó, và hư cấu tự loại bỏ trong khoảng trống không nơi nó cởi bỏ những hình thức đan chéo của nó để tạo nên một diễn ngôn không có kết luận và không có hình ảnh, không có sự thực cũng không có kịch tính, không chứng cớ, không mặt nạ, không khẳng định, tự do không trung tâm, vượt qua tổ quốc và tự tạo cái không gian của riêng nó như cái cõi ngoài nó hướng về, nó cất tiếng bên ngoài cái không gian này. Như lời của cõi ngoài, đón nhận cõi ngoài mà nó đối thoại trong những từ của nó, cái diễn ngôn này sẽ là ngả mở ra một diễn giải: đó là sự lập lại cái không ngừng thầm thì ở cõi ngoài. Nhưng, như lời luôn ở cõi ngoài cái nó nói, diễn ngôn này sẽ không ngừng tiến tới ánh sáng, bình thường một cách tuyệt đối, như chẳng bao giờ đã nhận được ngôn ngữ. Cái kiểu riêng của diễn ngôn này – quay trở lại chỗ khuyết trống của gỡ bỏ và của nguồn cỗi – chắc chắn định nghĩa nơi chốn chung của “tiểu thuyết” hay “truyện kể” và “phê bình” của Blanchot. Thật thế, khởi từ lúc diễn ngôn thôi không tiếp tục đi theo ngả đường của một tư tưởng nó tự nhập nội và, tra hỏi chính hữu của ngôn ngữ, xoay tư tưởng hướng về cõi ngoài, nó đúng thực cũng là của cùng một kẻ cư ngụ: truyện kể tỷ mỉ của kinh nghiệm, của những gặp gỡ, những dấu chỉ không chắc có thực – ngôn ngữ về cõi ngoài của mọi ngôn ngữ, những lời nói về bề trái không nhìn thấy được của những từ; và sự chú ý vào cái đã hiện hữu của ngôn ngữ, đã được nói, biểu đạt, thể hiện – nghe cái như đã được nó nói ra như thế, nhưng nghe cái trống rỗng luân lưu giữa các từ, nghe tiếng thì thầm không ngừng phá hủy cái trống rỗng, diễn ngôn về không diễn ngôn (discours sur le non-discours) của mọi ngôn ngữ, hư cấu của cái không gian không thể nhìn thấy nơi nó hiện ra. Chính vì thế sự phân biệt giữa “tiểu thuyết”, “truyện kể” và “phê bình” không ngừng giảm bớt nơi Blachot, như trong quyển L’Attente l’oubli/đợi chờ quên lãng, để cho chỉ chính ngôn ngữ cất tiếng – cái chẳng là ai, không phải của hư cấu hay của phản tư, chẳng phải cái đã được nói, cái chẳng bao giờ cất tiếng, nhưng là cái “nằm giữa chúng, như nơi chốn với vẻ cố định to lớn, sự giữ lại những sự vật trong trạng thái ngầm của chúng” (trong quyển l’Attente l’oubli).
(còn tiếp)
Michel Foucault: La pensée du dehors,
Đào Trung Đạo chuyển ngữ.