Michel Foucault: Khái niệm cõi ngoài (tt)

Michel Foucault (1926—1984), nhà sử học, nhà hoạt động chính trị, triết gia và tác giả người Phá

BỊ THU HÚT VÀ LƠ ĐÃNG

Thu hút đối với Blanchot hẳn cũng là sự ham muốn đối với Sade, với Nietszche là sức mạnh, với Artaud là vật chất của tư tưởng, với Bataille là sự vượt quá (la transgression): kinh nghiệm thuần túy và trần trụi nhất của cõi ngoài. Nhưng vẫn cần hiểu thật rõ bằng từ này xem Blanchot chỉ cái gì: theo Blanchot sự thu hút không dựa trên sự duyên dáng (charme), không làm gẫy nát cô đơn, không tạo dựng thông giao tích cực. Bị thu hút, đó không phải là được sức hút của ngoại giới mời mọc, đúng ra đó là cảm nhận, trong sự trống rỗng và cùng quẫn, khiến nó cũng là một với sự lơ đãng chểnh mảng đón nhận kẻ nó thu hút; sự cưỡng bách mà nó đặt lên (chính vì vậy nó là tuyệt đối, và tuyệt đối không có tương tác) không đơn giản là mù quáng; nó không nối kết ai, bởi nó sẽ nối kết chính nó với sợi dây nối kết này và cũng chẳng thể là sự cuốn hút rộng mở thuần túy. Tại sao sự cuốn hút này lại không thiết yếu lơ đãng – tại sao lại để mặc mọi sự như chúng là như thế, để mặc cho thời gian qua đi và trở lại, để mặc cho con người tiến về phía nó -, bởi nó là cõi ngoài vô cùng tận, bởi nó chẳng là cái gì rớt khỏi nó, bởi nó cởi bỏ mọi dạng thức của nội giới tính trong sự tản mác thuần túy?

   Con người bị cuốn hút trong cùng chừng mực như con người bị bỏ mặc; và đó là lý do tại sao sự năng nổ trong việc mặc kệ sự lơ đãng này, để tiến về ánh sáng trong sự bất chấp bóng tối, mãi cho tới khi con người khám phá ra rằng ánh sáng cũng chỉ là sự mặc kệ, cõi ngoài thuần túy tương đương đêm tối tản mác như một ngọn nến người ta thổi tắt sự năng nổ bỏ mặc được đêm tối lôi đi.

LUẬT TẮC Ở ĐÂU? LUẬT TẮC [ĐỂ] LÀM GÌ?

Lơ đãng, bị cuốn hút chính là một cách thế thể hiện và ém nhẹm luật tắc – thể hiện sự rút lui ở đó nó dấu mình đi, do vậy cuốn hút nó trong ngày dấu kín nó.

  Với sự hiển nhiên trong tâm điểm, luật tắc sẽ chẳng còn là luật tắc, nhưng là nội tại tính êm ả của ý thức. Bù lại, nếu như sự hiển nhiên có mặt trong một bản văn, nếu có thể đọc được bản văn giữa những dòng chữ của một quyển sách, nếu sự ghi nhận có thể được tra cứu, thì có sự vững vàng của sự vật nằm bên ngoài; người ta có thể đi theo hay bất tuân nó: khi đó sức mạnh của nó nằm ở đâu, sức mạnh hay uy thế nào làm cho nó đáng kính trọng? Thật ra, sự có mặt của luật tắc chính là sự che dấu. Luật tắc, một cách quyền uy, ám ảnh những đô thị, những định chế, những thái độ và những cử chỉ; dù người ta có làm gì đi nữa, dù sự lộn xộn và bất cẩn có lớn lao chừng nào đi nữa, thì luật tắc cũng đã phát huy sức mạnh của nó rồi: “Căn nhà luôn lúc nào cũng trong trạng thái tiện nghi.” (trích trong quyển Aminadab trang 115 của Blanchot). Những sự tự do người ta có trong tay chẳng thể làm nó ngưng lại: người ta có thể tin chắc rằng người ta tách rời khỏi nó, rằng người ta nhìn ngó nó ngoài sự áp dụng; vào lúc người ta chắc tin rằng mình đọc những mệnh lệnh từ xa, những mệnh lệnh này chỉ có giá trị với kẻ khác, rằng ngườ ta đã ở rất gần luật tắc, người ta làm cho luật tắc luân lưu, người ta “đóng góp một mệnh lệnh công cộng vào việc ứng dụng” (trích trong truyện kể Le Très-Haut trang 81của Blanchot). Và tuy là sự  thể hiện hoài hủy chẳng bao giờ soi sáng điều người ta nói hay điều luật tắc muốn: thay vì là nguyên tắc hay mệnh lệnh nội tại của hành xử, nó là cái bên ngoài bao bọc chúng, và vì thế nó làm cho chúng tránh khỏi mọi tính nội tại; nó là đêm tối bao quanh chúng, cái trống rỗng vây kín chúng, quay trở lại bất cần sự riêng biệt của chúng trong việc làm cho cái phổ biến xám xịt đơn điệu, và mở ra quanh chúng một không gian của sự khó chịu, của sự không hài lòng, của sự sốt sắng bội tăng.

   Sự vượt quá cũng vậy. Làm thế nào người ta lại có thể nhận biết luật pháp và thực sự cảm nhận luật pháp, làm sao người ta có thể cưỡng lại việc luật pháp tự làm cho nó có thể được nhìn thấy, để thể hiện một cách rõ rệt, để nói lên, nếu như người ta không khiêu khích nó, nếu người ta không cưỡng bách nó trong những cái nó bỏ bớt, nếu người ta không luôn cương quyết đi thật xa về hướng cõi ngoài ở đó nó luôn luôn thụt lùi xa hơn? Làm thế nào nhìn được tính chất không thể nhìn thấy được của nó, nếu không quay trở lại trong bề trái của hình phạt, cái bề trái này chung cuộc cũng chỉ là luật tắc đã bị vượt qua, bị làm cho nổi giận, ở ngoài chính nó? Thế nhưng hình phạt có thể chỉ được khiêu khích bởi sự độc đoán của những kẻ phạm luật, luật ở trong tầm tay họ: họ có thể sờ mó được nó và làm nó hiện ra tùy ý họ; họ sẽ là chủ bóng dáng và ánh sáng của nó. Đó là lý do tại sao sự vượt quá có thể quán xuyến tốt việc vượt qua cái bị cấm kỵ bằng cách cuốn hút luật tắc tới tận chính nó; sự thực, sự vượt quá luôn luôn bị cuốn hút bởi sự tháo lui thiết yếu của luật tắc; nó tiến lên một cách ngoan cố trong sự mở rộng của một tính chất không nhìn thấy được mà chẳng bao giờ nó chiến thắng; nó xoay sở một cách điên cuồng để luật tắc xuất hiện, để có thể vinh danh và làm cho khuôn mặt rạng rỡ của luật tắc mờ nhạt đi; nó không làm gì hơn là ép buộc luật tắc trong sự yếu đuối của luật tắc – ở đó sự nhẹ tênh của đêm tối là sự vô địch của nó, là bản thể nhuần nhuyễn của nó. Luật tắc, một cách thiết yếu cũng chính là cái bóng tiến tới này trong chừng mực nó cũng chính là cái bóng của sự tiến tới.

   Ở quan điểm này hay ở quan điểm kia về tính chất bất kiến của luật tắc, AminadadLe Très-Haut tạo nên một tác phẩm hai phần đối chọi nhau (diptyque). Trong quyển thứ nhất của những tiểu thuyết này, cái lâu đài lạ kỳ nơi Thomas đã đi vào (bị cuốn hút, bị gọi vào, có thể là, bị chọn lựa chứ không phải bị cưỡng bách vượt qua biết bao nhiêu ngưỡng cấm kỵ) dường như đặt mình dưới luật tắc mà không hay: sự cận kề và sự vắng mặt của hắn không ngừng được nhắc nhở bởi  những cánh cửa không nhìn thấy rõ được và rộng mở, bởi cái vòng quay to lớn phân phát những sức mạnh siêu nhiên không thể đọc ra hay để ngỏ, bởi một tầng trên cao lõm vào, nơi tiếng gọi đi tới, nơi trút xuống những mệnh lệnh vô danh, nhưng cũng là nơi chẳng ai có thể đi vào; cái ngày mà những ai đó đã muốn cưỡng bách luật tắc trong nơi trú ẩn của nó, họ đã gặp mặt  cùng lúc sự đơn điệu của nơi chốn mà chúng đã ở đó, sự bạo động, máu, cái chết, sự sụp đổ, sau hết là sự từ chức, sự tuyệt vọng, sự tự ý biến đi, tàn bạo, trong cõi ngoài: bởi cõi ngoài của luật tắc thật chẳng thể tiếp cận dù muốn chiến thắng nó và thâm nhập vào đó mà người ta được hứa không phải với hình phạt sẽ là luật tắc chung cuộc cưỡng bức, nhưng ở bên ngoài của chính cõi ngoài – mà một sự quên lãng thật sâu xa hơn tất cả mọi lãng quên khác. Còn về phần “những gia nhân” (domestiques), về phần những kẻ, trái với những “người cư trú” thuộc về nhà và họ là những kẻ canh gác và những người phục vụ phải hình dung luật tắc để áp dụng nó và tuân thủ lặng lẽ – , chẳng ai biết, ngay chính những người này, cái họ phục vụ (luật tắc của gia chủ hay ý chí của những khách mời); người ta cũng tảng lờ phải chăng họ có là những người cư trú đã trở thành những gia nhân hay không; họ vừa năng nổ vừa vô tư, vừa túy lúy và vừa chú tâm, vừa gà gật vừa hoạt động chẳng ngừng, cái khuôn diện song sinh của sự ác độc và của nhắc nhở: nơi dấu kín cái dấu nhẹm và cái hiện bày nó.

   Trong quyển Le Très-Haut cũng chính là luật tắc (nói cách khác, nơi thượng tầng của truyện Aminadab, trong sự tương tự đồng điệu của nó, y hệt như ở những truyện khác) được mô tả trong sự dấu nhẹm thiết yếu của nó. Nhân vật Sorge (kẻ “âu lo” luật tắc: kẻ mà người ta kiểm chứng về luật tắc và kẻ của luật tắc đối với những người khác mà nó áp dụng luật tắc, ngay cả và nhất là những kẻ muốn né tránh luật tắc), Henri Sorge là công chức: người ta thuê hắn ở tòa thị chính, trong những văn phòng dân sự: hắn chỉ là một cái răng cưa, bé tí tẹo, chắc vậy, trong cái tổ chức lạ kỳ này làm c(ho sự hiện hữu cá nhân hóa thành một định chế; hắn ta là hình thức đầu nhất của luật tắc, bởi hắn chuyển tất cả sự ra đời vào trong kho lưu trữ. Thế mà hắn ta rời bỏ nhiệm vụ (nhưng có phải đấy là một sự rời bỏ không? Hắn có một lần nghỉ phép mà hắn kéo dài chắc chắn  không được cho phép nhưng có sự toa rập của Phòng Hành Chánh thầm sắp đặt sự thất nghiệp cần thiết này) cần có sự gần như-hưu trí này – đó có phải là một nguyên nhân, đó có phải là một hậu  không phải của sự phân loại, của tình trạng dân sự, nhưng là tình trạng của vô trật tự, lây nhiễm, đồng nghĩa với dịch tả; đó không phải cái chết thực sự với đám tang và chứng nhận, nhưng là một chỗ để xác chết bừa bộn ở đó người ta chẳng biết ai là bệnh nhân ai là thầy thuốc, ai là người coi sóc hay nạn nhân, nhà tù hay nhà thương, vùng bảo hộ hay pháo  đài của cái ác. Những vách ngăn sụp đổ, mọi thứ tràn lan: đó là một vương triều của nước dâng trào, hoàng cung của sự ẩm ướt đáng ngờ, những nước rỉ ra, những sưng tấy, những nôn mửa, những cá tính tan ra: những thân xác toát mồ hôi chất trong những bức tường; những tiếng gào thét bất tận xuyên qua những ngón tay chặn chúng lại. Và tuy thế, khi hắn thôi phục vụ nhà nước việc hắn phải sắp xếp đời sống tha nhân, Sorge không đặt mình ra ngoài vòng pháp luật; ngược lại hắn ép buộc đời sống tha nhân tự hiển hiện ở chỗ trống không này, là nơi hắn đã rời bỏ; bằng chuyển động xóa sự hiện hữu riêng của hắn và loại nó khỏi tính chất phổ quát của luật pháp, hắn ca ngợi tính chất phổ quát này, hắn phục vụ nó, hắn nâng cấp sự hoàn hảo của nó, hắn “bắt buộc” nó nhưng đồng thời nối kết nó với sự biến đi của riêng hắn (theo một nghĩa trái ngược với sự hiện hữu tiệm tiến như Bouxx hay Dorte đã nêu ra thí dụ; nó chẳng khác gì chính luật pháp.

   Nhưng luật pháp chỉ thể đáp lời sự gây hấn này bằng sự co rút của riêng nó: không phải là nó gập đôi lại trong một sự im lặng thật sâu hơn, nhưng chính vì nó cư ngụ trong sự bất động đồng nhất. Người ta có thể nhào vào trong cái trống rỗng mở rộng: những âm mưu có thể được hình thành tốt, những đồn đãi tra khảo rải ra, những đám cháy, những sát nhân rất có thể chiếm chỗ của sự trật tự thật trịnh trọng; trật tự của luật pháp chưa bao giờ lại cao cả như vậy, bởi giờ đây nó gói ghém ngay cả cái nó lật đổ. Kẻ nào muốn thiết lập một trật tự mới chống lại nó, tổ chức một đội cảnh vệ thứ nhì, thiết lập một thứ Nhà Nước khác, sẽ chỉ mãi mãi được chào đón một cách lặng lẽ và vô cùng chiều ý của luật pháp. Thật ra luật pháp này chẳng thay đổi gì: nó được hạ xuống mồ một lần cho mãi mãi, và mỗi hình thức của nó sẽ không khác chi hóa thân của cái chết chẳng bao giờ chấm dứt này. Dưới một cái mặt nạ chuyển vị của thảm kịch Hy Lạp – với một bà mẹ dọa nạt và có lòng thương người như Clytemnestre, một người cha đã mất, một người chị ác cảm ở nơi tẩm liệm nó, một ông cha ghẻ toàn năng và quanh co -, Sorge là một Oreste tuân phục, một Oreste lo toan trốn tránh pháp luật để tuân phục pháp luật hơn. Cương quyết sống trong một khu dịch hạch, hắn cũng là vị thần linh chấp nhận chết đi giữa mọi người, nhưng là kẻ, không tận số, để cho lời hứa của luật pháp nghỉ ngơi, giải phóng một sự im lặng xé rách tiếng kêu sâu hơn: luật pháp ở đâu, luật pháp làm gì? Và khi mà, do một sự hóa thân mới hay do một sự nhấn sâu trong chính căn tính của nó, nó là, người phụ nữ giống chị nó một cách kỳ lạ, được nhận biết, kêu tên, tố giác, vinh danh và chế nhạo, là kẻ sở hữu tất cả những cái tên, hắn biến thành vật vô danh, một vắng mặt khiếm diện, sự có mặt không chính thức của trống rỗng và sự ghê sợ câm nín của hiện diện này. Nhưng có thể  cái chết của Thượng đế này là cái ngược lại cái chết (sự ô nhục của một vật bèo nhèo và trơn nhẫy muôn đời nhún nhẩy); và cái cử chỉ duỗi ra để giết chết nó, để cuối cùng giải thoát ngôn ngữ của nó; ngôn ngữ này chẳng có cái gì khác hơn là nói câu “Tôi nói, bây giờ tôi nói” của luật pháp, được duy trì bất tận, chỉ bởi lời công bố của cái ngôn ngữ trong cõi ngoài của sự thinh lặng của nó này.

EURIDICE và MỸ NHÂN NGƯ

Ngay khi người ta nhìn vào bộ mặt của luật pháp thì nó quay đi và lẩn vào trong bóng tối; ngay khi người ta muốn nghe tiếng nói của nó, người ta chẳng ngạc nhiên thấy rằng bài ca không là gì khác hơn lời hứa chết người của một bài ca tương lai.

   Những Mỹ Nhân Ngư là hình thức không thể nắm bắt và cấm kỵ của tiếng nói cuốn hút. Mỹ Nhân Ngư không chỉ là bài ca. Đợt sóng xoáy màu bạc trong biển, khoảng trống rỗng của gợn sóng, hốc hoác miệng giữa những tảng đá, bãi cát trắng xóa, chúng là gì, ngay trong hữu của chúng, nếu chẳng phải là tiếng gọi thuần túy, khoảng trống hạnh phúc của nghe ngóng, của chú ý, của mời gọi nghỉ ngơi? Âm nhạc của chúng là cái trái ngược của một bài tụng ca: trong những lời lẽ bất tử của chúng không hề có sự hiện diện nào; chỉ có lời hứa của một bài ca tương lai chạy ngang qua giai điệu của chúng. Cái mà chúng cám dỗ không phải như cái chúng làm ta nghe thấy, nhưng là cái lóng lánh nơi xa xa những lời của chúng, tương lai của cái chúng sắp nói. Sự quyến rũ của chúng không phát sinh từ bài ca hiện thời của chúng, nhưng từ cái chúng cam kết sẽ là. Cái những Nữ Nhân Ngư sẽ hát cho Ulysse nghe, là quá khứ của những khám phá riêng của những Nữ Nhân Ngư, được biến đổi thành những bài thơ vị lai: “Chúng tôi biết những cái ác, tất cả những cái ác trong những thửa ruộng vùng Tây Bắc Thổ Nhĩ Kỳ cấm không cho những người xứ Argos và de Troie” tới.

   Là lời đề nghị sáo (rỗng tuếch), bài ca chỉ là sự cuốn hút của bài ca, bài ca chẳng hứa hẹn người hùng gì khác hơn là sự nhân đôi cái anh ta đã sống trải, đã biết, đã khổ đau, chẳng gì khác cái anh ta chính là như vậy. Lời hứa hẹn vừa giả vừa thật. Nàng nói dối, bởi vì tất cả những kẻ nào để bị quyến dụ và hướng thuyền về phía bãi cát sẽ chẳng gặp cái gì khác hơn cái chết. Nàng nói thật, bởi chính là qua cái chết bài ca sẽ trỗi lên và kể lại bất tận cuộc phiêu lưu của những người hùng. Thế nhưng, cái bài ca thuần túy đó – quá thuần túy vì nó chẳng nói đến cái gì khác hơn sự rút lui ngấu nghiến –, phải từ chối nghe, bịt tai lại, băng qua nó như thể điếc, để tiếp tục sống và cũng để bắt đầu ca hát; hay thật ra, để cho câu chuyện bất tử chào đời, phải sẵn sàng nghe nhưng đứng ở chân cột buồm, tay chân kết hợp, chiến thắng mọi sự ham muốn bằng mưu chước tự cưỡng, gánh chịu tất cả khổ đau bằng cách đứng sát bên bờ vực thẳm cuốn hút, và cuối cùng đặt mình bên ngoài bài ca, như thể người sống băng qua cái chết, để trao cái chết cho một ngôn ngữ thứ hai.

   Trực diện, khuôn mặt Eurydice. Bề ngoài khuôn mặt hoàn toàn trái nghịch, bởi nó phải được gợi nhớ bóng tối bằng giai điệu của một bài ca có thể chiêu dụ hay ru ngủ cái chết, bởi người hùng đã không biết cưỡng lại sức mạnh nàng sở hữu và rồi chính nàng sẽ là nạn nhân hết sức buồn bã. Và, vả lại nàng là họ hàng rất gần với những Nàng Nhân Ngư như thể họ chỉ hát được tương lai của một bài ca, Eurydice để cho ta thấy sự hứa hẹn của một khuôn mặt. Orphée rất có thể làm tiếng chó sủa hạ thấp và chiêu dụ những sức mạnh sát nhân: anh ta sẽ phải, trên đường trở về, cũng bị xiềng như Ulysse hay nhậy cảm chẳng thua gì những thủy thủ của anh ta; thực ra, anh ta đã là, một thân một mình, người hùng cùng với bộ hạ của anh: anh ta đã bị sự ham muốn bị cấm kỵ trói buộc và anh ta đã tự cởi trói khỏi tay anh ta, để cho  cái khuôn mặt chẳng thể nhìn thấy được tan loãng vào trong bóng tối, như Ulysse đã để sóng cuốn mất bài ca anh đã chẳng nghe thấy. Chính vì thế mà đối với người này cũng như đối với kẻ kia tiếng nói được giải phóng: với Ulysse, chính là với sự giã từ, câu chuyện khả dĩ của cuộc phiêu liêu tuyệt vời; với Orphée là sự mất mát tuyệt đối, lời than phiền sẽ chẳng kết thúc. Nhưng có thể là bên dưới câu chuyện chiến thắng của Ulysse dựng lên lời than phiền không nghe thấy được, đã không nghe rõ hơn và lâu hơn, đã không lao mình sát hơn cái tiếng nói tuyệt vời nơi bài ca sẽ kết thúc, Và bên dưới những lời than thở của Orphée bừng lên vầng hào quang, đã nhìn thấy trong khoảnh khắc khuôn mặt chẳng thể tiếp cận, ngay vào lúc anh ta quay trở lại và đi vào đêm tối: bài tụng ca vầng hào quang vô danh và vô cứ địa.

Michel Foucault: La pensée du dehors,

Đào Trung Đạo chuyển ngữ.

* Michel Foucault: Khái niệm cõi ngoài