Mục sư Nguyễn Hoàng Hoa: Đạo Tin Lành độc lập bị kiểm soát gắt gao, đặc biệt là ở những vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Mục sư A Ga: Nhà cầm quyền càng lúc càng tàn bạo về vấn đề đàn áp tôn giáo, bất chấp quốc tế
Phỏng vấn chuyên đề: “Chính sách đàn áp tôn giáo xuyên suốt bao nhiêu năm của nhà nước cộng sản Việt Nam”
Cuộc phỏng vấn được thực hiện với Mục sư Nguyễn Hoàng Hoa từ Trà Vinh, Việt Nam, hiện đang là Hội Trưởng Giáo Hội Cộng Đồng Lutheran Việt Nam-Hoa Kỳ , Đồng Chủ Tịch Hội đồng Liên Tôn Việt Nam và Hội Đồng Liên Kết Quốc Nội và Hải Ngoại Việt Nam, và Mục sư A Ga, dân tộc Hà Lăng, từ North Carolina, Hoa Kỳ, người thành lập Hội thánh Tin Lành Đấng Christ ở Tây Nguyên vào năm 2011.
* Thưa các Mục sư, trước hết xin các Mục sư cho những người không theo đạo Tin Lành được biết, ở Việt Nam hiện tại có bao nhiêu hệ phái Tin Lành khác nhau, những hệ phái, hội thánh Tin Lành nào được nhà nước cộng sản Việt Nam công nhận và cấp phép cho sinh hoạt, còn những hội thánh nào không được cấp phép?
Mục sư Nguyễn Hoàng Hoa:
Việt Nam hiện có trên 80 hệ phái Tin Lành khác nhau. Đến nay nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam mới cho phép hoạt động (công nhận) 12 tổ chức/ hệ phái là :
1/- Giáo Hội Tin Lành Trưởng Lão được phép năm 2008.
2/- Tin Lành Báp Tít Việt Nam (Ân Điển Nam Phương). 2008
3/- Tin Lành Mennonite năm 2009
4/- Hội Thánh Truyền giáo Cơ Đốc Việt Nam, 2007
5 /- Tin Lành Việt Nam (Miền Nam) được thành lập năm 1927. Hội Thánh này được công nhận năm 2001. Hiện là tổ chức Tin Lành lớn nhất Việt Nam, có khoản 7000 tín đồ, 1.106 chức sắc, 361 Chỉ hội, 1677 Hội nhánh và điểm nhóm cơ sở, là thành viên của tổ chức Mặt Trận Tổ quốc Việt Nam.
6/- Tin Lành Việt Nam (Miền Bắc) thành lập năm 1955 chia tách từ Hội Thánh Tin Lành Việt Nam vì lý do chiến tranh và bối cảnh của đất nước bị chia cắt vào năm 1954. Hội Thánh này được nhà nước cs ở miền Bắc công nhận năm 1958 và hoạt động đến nay, là thành viên của tổ chức Mặt Trận Tổ quốc Việt Nam.
7/- Tin Lành Phúc âm Ngũ Tuần, được công nhận năm 1989
8/- Hội Thánh Phúc âm Toàn Vẹn được công nhận năm 2018
9/- Hội Thánh Liên Hữu Cơ Đốc được công nhận năm 2010.
10/- Hội Thánh Cơ Đốc Phục Lâm được công nhận năm 2008
11/- Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê-su Ki-tô còn gọi là giáo hội Mặc Môn được công nhận năm 2016.
12/-Hội Thánh Tin Lành Trưởng Lão Liên Hiệp được công nhận năm 2018.
* Thưa các hệ phái có khác nhau nhiều không?
Mục sư A Ga:
Chỉ khác nhau về tên gọi. Còn sinh hoạt, giáo lý không khác. Kinh thánh vẫn là một Kinh thánh.
*Thưa, so với hai tôn giáo khác lớn khác là Phật giáo và Công giáo/Thiên Chúa giáo, thì tình trạng đạo Tin Lành bị kiểm soát ra sao, nhẹ nhàng hơn hay hà khắc hơn?
Mục sư Nguyễn Hoàng Hoa:
So với hai tôn giáo Phật giáo và Công giáo thì đạo Tin Lành độc lập (không được công nhận) bị kiểm soát gắt gao hơn, đặc biệt là ở những vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
* Thưa tại sao đạo Tin Lành lại bị kiểm soát gắt gao hơn?
Mục sư A Ga:
Tin Lành khó giám sát nên nhà nước lo sợ. Vì có nhiều hệ phái khác nhau. Nhất là tại khu vực Tây Nguyên, vì sự phát triển của Hội thánh Tin Lành ở khu vực này từ những năm 2000s. Trong khi Công giáo chỉ có một Công giáo, Công giáo cũng bị đàn áp nhưng không so sánh được với Tin Lành vì bên Công giáo ít khi họ muốn dấn thân đòi những quyền tự do thực sự, tự do tôn giáo.
*Xin các Mục sư kể về một số vụ việc đàn áp cụ thể, nghiêm trọng và tàn bạo nhất của nhà nước cộng sản đối với đạo Tin Lành nói chung và ở khu vực Tây Nguyên nói riêng từ sau 30/4/1975 cho đến nay?
Mục sư Nguyễn Hoàng Hoa:
Một số vụ lớn như: Vào khoảng năm 2004 có xảy ra vụ xô xát nặng nề giữa một số đồng bào người Thượng theo đạo Tin Lành ở Tây Nguyên. Họ tổ chức biểu tình với số lượng quy mô, đòi quyền tự do tôn giáo và tín ngưỡng vào dịp lễ Phục Sinh ngày 10-11/4/2004. Có khoảng 30.000 người. Họ bị chính quyền Cộng sản Việt Nam cáo buộc là tham gia tổ chức Tin Lành Đega chống lại nhà nước Việt Nam.
Thời gian vào tháng 5/2011 có cuộc biểu tình khoản 7000 người H’mông ở huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên. Nguyên nhân là do chính sách tôn giáo hà khắc với đạo Tin Lành ở các tỉnh miền núi phía Bắc và đặc biệt là ở Điện Biên. Theo truyền thông bên ngoài đưa tin chính quyền cho quân đội và công an đến giải tán buổi nhóm thờ phượng Chúa mà họ xem là của đạo Vàng Chứ. Về sau có lý giải cho rằng chính quyền họ nhầm lẫn Đấng Cứu Thế của đạo Tin Lành với vua H’mông của đạo Vàng Chứ và họ cho rằng những người Tin Lành này có ý định thành lập vương quốc H’mông chống lại họ… Truyền thông ngoài đảng lúc đó đưa tin số người chết đến vài chục, số bị thương trên 100, số bị tạm giữ trên 1000.
Sự kiện này xảy ra ở quá xa tôi chỉ được biết bấy nhiêu thôi, các Mục sư ở gần đó thì biết rõ hơn.
Mục sư A Ga:
Đàn áp tàn bạo nhất là 2 cuộc biểu tình lớn 2001, 2004, đối với Hội thánh Tin Lành của người bản địa ở Tây Nguyên như Hội thánh Tin Lành Đề Ga.
Năm 2001 chính quyền không chấp nhận có hệ phái Tin Lành của người Thượng, bắt đầu từ đó xảy ra những vụ đàn áp rất mạnh mẽ, ngoài ra người dân không chấp nhận được vì sự đối xử bất công với người bản địa.
Đồng bào không thờ phượng Chúa được, rồi đất đai bị cướp bóc, người dân không chấp nhận được, họ nổi lên đòi lại những quyền tự do tôn giáo của người bản địa, quyền đất đai. Đa số là người Gia Rai rồi đến Ê đê.
Hồi đó tôi được nghe kể hàng ngàn người bị đánh, bị chết, bị bắt, tù, có những người bị tới mười mấy năm, 20 năm, có người chết trong tù. Hoặc có những người mãn hạn tù về không bao lâu cũng bị chết vì điều kiện tù đày tồi tệ, hoặc bị ngộ độc.
Thời đó hàng ngàn người đã chạy sang Campuchia vì không chịu nổi sự áp bức của nhà cầm quyền Việt Nam.
Từ sau 2007 không còn những cuộc biểu tình lớn nữa. Hoàn toàn bị dập tắt. Hội thánh Tin Lành Đề Ga bị xóa sổ.
*Theo các Mục sư, các sắc dân bản địa, dân tộc thiểu số có bị đàn áp tôn giáo nặng nề hơn không, và nếu có thì nguyên nhân tại sao?
Mục sư A Ga:
Các sắc dân bản địa bị đàn áp nặng hơn. Nhà cầm quyền vẫn sợ người Thượng, sợ thời FULRO, sợ thành lập hệ phái tôn giáo riêng, đòi tự trị chia cắt với Việt Nam thành đất nước riêng. Những cái đó luôn luôn có trong tâm trí người Cộng sản. Nhưng đối với người Thượng họ chỉ muốn được sống bình yên, tự do tôn giáo, tín ngưỡng.
*Thưa Mục sư A Ga, một câu hỏi thẳng thắn, thực sự người bản địa họ có muốn lập nhà nước tự trị không?
Mục sư A Ga:
Nếu như Cộng sản không hà khắc quá, có sự công bằng, có tự do cho người bản địa thì không ai nghĩ đến chuyện đó đâu. Người bản địa không làm được chuyện lập nhà nước riêng đâu, nếu chính quyền Cộng sản cho họ tự do thì họ hạnh phúc lắm.
Nhưng vì Cộng sản luôn bắt bớ, cướp đất đai của người dân, bây giờ người dân bản địa đâu còn đất nữa, thích lúc nào thì họ lấy lúc đó, đất đai không còn, tôn giáo không có tự do, đối xử không công bằng, đủ mọi thứ hết…
Thứ hai, đa phần người bản địa không học cao lắm, vì gia đình, hoàn cảnh, không biết nhiều về luật pháp nên dễ bị đàn áp hơn. Nhà cầm quyền tha hồ áp bức, chèn ép, lạm dụng quyền lực.
* Thưa, bản thân các Mục sư có những kinh nghiệm, trải nghiệm cá nhân nào về việc bị đàn áp, khống chế, vô hiệu hóa…này?
Mục sư Nguyễn Hoàng Hoa:
Kinh nghiệm bản thân tôi với nhiều lần tiếp xúc với họ thì thấy được họ dùng thủ thuật vừa đe dọa vừa xoa dịu lập đi lập lại. Họ đe dọa không thành công thì chuyển sang mềm mỏng xoa dịu để phục vụ cho mục đích khai thác. Nhưng tôi thì lúc nào cũng được ơn Chúa Thánh Thần đồng hành, xác định rằng không có hành động sai trái nào hại dân hại nước mà luôn rao giảng Phúc âm yêu thương và phục vụ đặc biệt là những phận người “bé mọn” bị bỏ rơi. Nhiều lần như thế một khi mình luôn kiên định thì họ sẽ rút lui.
Bị đàn áp, bắt bớ, tù đày thì nhiều, chẳng hạn Giáo Hội Lutheran Việt Nam – Hoa Kỳ có 2 mục sư bị bắt và kết án khá nặng vì đã có hoạt động đấu tranh chống đàn áp tôn giáo, bị ghép thêm tội ” hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”. Đó là:
– Mục sư Nguyễn Trung Tôn bị bắt ngày 30/7/2017 đang thụ án 12 năm tù giam tại trại giam Gia Trung tỉnh Gia Lai.
– Mục sư Đinh Diêm bị bắt ngày 5/1/2018 sau nhiều lần bị sách nhiễu và bị cáo buộc hoạt động ngằm lật đổ chính quyền nhân dân. Bị kết án 16 năm tù giam theo điều 79 Bộ Luật Hình sự năm 1999. Đến ngày 5/1/2023 Mục sư Đinh Diêm đột ngột qua đời tại trại giam số 6 Nghệ An.
Mục sư A Ga:
Bản thân tôi bị bắt, bị mời, giấy triệu tập rất nhiều lần. Mới bắt đầu tiếp nhận Chúa cũng đã bị đàn áp rồi. Trong năm 2003 hai lần bị bộ đội biên phòng bắt giữ, mỗi lần 1 ngày tại khu vực biên giới huyện Ngọc Hồi tỉnh Kon Tum. Lần thứ 2 họ cấm tôi không được đến đó nữa, cấm không được rao giảng gì ở khu vực này vì đây là khu vực biên giới rất là “nóng”. Rồi họ trục xuất luôn trong đêm đó, khoảng 2 g sáng phải chạy xe về huyện Sa Thầy.
Ở ngay tại địa bàn của mình, có lần tôi chỉ đi thăm mấy anh em trong Hội thánh cũng bị Công an xã chặn đánh chảy máu. Sau đó lại mời làm việc, bắt ép phải cung cấp danh sách tất cả tín đồ, nhưng rồi tôi không chịu cung cấp cho họ.
Năm 2003, 2004 gì đó lúc tôi cưới vợ làm đám cưới tại nhà, làm thiệp mời rất nhiều nhưng chính quyền họ canh gác từ ngã ba, ngã tư, ngã rẽ cho tới tận nơi, nào du kích, biên phòng, Công an… đem cả súng, roi điện, không ai dám đến dự, cuối cùng chỉ tổ chức giữa hai bên gia đình khoảng 2, 3 chục người.
Năm 2009, phái đoàn của Hoa Kỳ đến Việt Nam, có đến Kon Tum phỏng vấn tôi về tình hình đàn áp tôn giáo ở Việt Nam. Tiếp theo bên Tổng lãnh sự quán chủ động gọi hỏi thăm, thường xuyên liên lạc. Khi chính quyền biết tin đó thì họ giảm đàn áp một chút, nhưng sau đó họ lại tiếp tục đàn áp, mời lên mời xuống, trong một tháng 4,5 lần nào xã, huyện mời liên tục bắt phải đưa danh sách, cấm không được sinh hoạt Hội thánh Tin Lành đấng Christ, họ nói Hội thánh Tin Lành đấng Christ là chống phá nhà nước Việt Nam và họ cũng cấm tôi trả lời phỏng vấn nước ngoài (hồi đó tôi hay trả lời đài RFA, Chân trời mới…), cấm rao giảng.
Năm 2011 bên Bộ Công An Kon Tum tới nhà nói bây giờ chỉ cần ông hợp tác với chúng tôi thì chúng tôi sẽ cho ông tự do. Ông muốn đi đâu thì đi nhưng ông phải báo tin cho chúng tôi tất cả những gì công việc xảy ra tại Tây Nguyên, họ bảo tôi phải ký giấy ký kết với họ để làm tin báo cho họ. Tôi nói để cho tôi suy nghĩ. Họ nói vấn đề này ông tuyệt đối bảo mật, không được tiết lộ với bên ngoài, nếu ông tiết lộ bên ngoài biết là ông có tội với Cách mạng, có tội với Chúa.
Tôi không nói gì nhưng ngay ngày hôm sau trả lời phỏng vấn đài RFA, tôi nói mình không chấp nhận hợp tác với họ vì mình không chấp nhận phản bội Chúa, phản bội anh em trong khi tất cả anh em họ đang bị đánh, bị tra tấn, tù đày đủ các kiểu thì mình lại đi hợp tác với họ. Từ đó họ bắt đầu đàn áp ngày càng mạnh hơn. Như năm 2012 có buổi tổ chức Giáng Sinh khoảng 500 người thì họ cũng tìm mọi cách ngăn chặn, phá rối, hù dọa, đuổi những người đến dự, cuối cùng chỉ tổ chức được khoảng 100-200 người là những người đã đến được từ sớm rồi.
Đến tháng 2/2013 khi tôi đi qua nhà người bạn tối hôm đó thì ở nhà đã bị du kích, công an bao vây, chỉ có vợ con ở nhà. Vợ nhắn tin có Công an đến nhà bắt. Tôi phải chạy xuống Kon tum bắt xe xuống Sài Gòn, rồi nhờ có mục sư Trần Văn Trường giúp đỡ chở chạy ra bến xe ở chợ Bến Thành mua vé cho qua Campuchia. Sau đó tới Thái Lan xin ty nạn luôn.
Tôi đến Thái Lan tháng 3/2013 thì tháng 6/2013 vợ con cũng đến Thái Lan.
Cuối năm 2014, đầu 2015 tôi tham gia khóa học xã hội dân sự 1 năm. Biết cách thu thập thông tin, viết báo cáo gửi cho Liên Hiệp Quốc. Thực hiện rất nhiều bản báo cáo và huấn luyện lại cho anh em trong nước để họ biết cách viết báo cáo mỗi khi bị đàn áp. Gửi báo cáo cho tổ chức phi chính phủ BPSOS để họ dịch sang tiếng Anh gửi cho Hoa Kỳ và các tổ chức nhân quyền khác.
2017 chính quyền tỉnh Gia Lai ra lệnh truy nã tôi. Giấy dán khắp nơi ở địa phương tôi từng sống. Đến 1.1.2018 tôi bị cảnh sát Thái Lan giả dạng thường dân gọi điện thoại nói cần học giáo lý. Khi tôi vừa đến quán cà phê gặp hai vợ chồng này thì cảnh sát Thái ập vào bắt, cả vợ con cũng bị bắt. Nếu không có vợ tôi nhất định đòi đi theo để phiên dịch tiếng Thái cho tôi thì có lẽ họ đã đưa tôi thẳng về Việt Nam rồi. Sau đó tại phòng lăn tay có có một ông cảnh sát Thái hỏi ông có muốn biết tại sao chúng tôi lại bắt ông không, chính phủ Việt Nam bảo chúng tôi bắt ông. Họ đưa tôi, vợ con tôi vào trại IDC (Immigration Detention Centre). Khi ra tòa vì tội nhập cư vào đất Thái bất hợp pháp, họ lại muốn chuyển tôi sang trại khác mục đích muốn trục xuất tôi về VN luôn, nhưng vợ con và cả luật sư người Thái đều không chịu, lấy lý do là tôi không biết tiếng Thái. Cuối cùng thì họ thôi. Rồi ông trưởng đại sứ quán Việt Nam ở Thái đến gặp, bảo tôi ký giấy tự nguyện về Việt Nam. Tôi không chịu. Bao nhiêu gian nan nhờ có sự vận động của tổ chức BPSOS, của UN, 70 ngày sau, tháng 3/2018 thì gia đình tôi được bay sang Philippines. 25/9/2018 thì được đi Mỹ, North Carolina.
* Thưa các Mục sư, ngoài việc sử dụng bạo lực để đàn áp, nhà nước cộng sản Việt Nam đã sử dụng những biện pháp nào để lợi dụng đạo Tin Lành, tha hóa người tu hành, gây chia rẽ giữa tôn giáo này với tôn giáo kia v.v…? Và trong những thủ đoạn đó, theo các Mục sư thủ đoạn nào là tinh vi, thâm độc nhất?
Mục sư Nguyễn Hoàng Hoa:
Thời gian sau này thì họ chuyển sang cho người đi chiêu dụ tín đồ ở các Hội Thánh độc lập (không được cấp phép kêu gọi các tín đồ bỏ điểm nhóm mà đến nhà thờ quốc doanh được nhà nước bảo hộ bình an không bị phạt vạ, giúp cho chế độ này chính sách nọ .v..v.. Có một số người đã nghe theo họ. Theo tôi, thủ đoạn nói trên là thâm độc nhất.
Mục sư A Ga:
Họ dùng thủ đoạn chia rẽ người Tin Lành với nhau, người Tin Lành tấn công nhau.
Hội thánh Tin Lành Miền Nam Việt Nam là công cụ để gây chia rẽ, tố cáo các Hội thánh khác. Là tay sai của chính quyền. Họ nói Hội thánh Tin Lành đấng Christ muốn chống phá, đánh phá nhà nước Việt Nam, và các Hội thánh độc lập khác.
*Theo các Mục sư, những biện pháp này có thành công không?
Mục sư A Ga:
Hội thánh Tin Lành đấng Christ ở Tây Nguyên do tôi thành lập năm 2011 hiện tại gần như đã xóa sổ.
Từ sau khi tôi rời Việt Nam, anh em tín đồ thường xuyên bị mời triệu tập, có người bị đánh, bị ép phải từ bỏ đạo. Nếu ai không chịu thì bị kéo tay lăn tay vào giấy, đánh. Có người bị tù.
Các tổ chức tôn giáo độc lập khác cả Tin Lành, Công giáo bị xóa sổ rất nhiều như Hội thánh Đề Ga bị xóa sổ năm 2010, Công giáo Hà Mòn bị xóa sổ năm 2011 v.v…
Những cá nhân, tổ chức tôn giáo nào chấp nhận theo Cộng sản thì sẽ không bị bỏ tù, không bị xóa sổ. Nhà nước Việt Nam bất chấp quốc tế.
*Xin các Mục sư cho một sự so sánh về chính sách tôn giáo của nhà nước Việt Nam Cộng Hòa trước đây và nhà nước cộng sản Việt Nam bây giờ? Sự khác nhau đó, nếu có, là vì sao?
Mục sư Nguyễn Hoàng Hoa:
Tôi sinh ra trước năm 1975 chỉ có vài năm, thật sự trưởng thành và hầu việc Chúa thì từ những thập niên 80 sau 1975. Nhưng tôi được Cha Mẹ và các bậc Chú, Bác cho biết dưới thời Việt Nam Cộng Hòa thì quyền tự do tôn giáo và tín ngưỡng được tôn trọng hơn chế độ hiện nay. Bằng chứng cụ thể là sau ngày 30/4/75 thì nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam hạn chế ngay việc sinh hoạt tôn giáo, họ ra lệnh đóng cửa chùa, nhà thờ, thánh thất thời gian dài, có một số chức sắc bị sách nhiễu đàn áp… Thời Việt Nam Cộng Hòa thì ít có tình trạng này.
Mục sư A Ga:
Bố mẹ kể lại ngày xưa tự do thờ phượng, thành lập hội thánh, không ai phá hoại. Mọi sự đều tự do. Ngay cả vấn đề đất đai, làm nương làm rẫy, không giống như bây giờ, không có ai cướp đất của người dân.
Phong tục tập quán của người đồng bào năm nay phát rẫy chỗ này năm sau chỗ khác, khi cỏ mọc cao lên họ lại quay lại còn bây giờ chỗ nào cũng lâm trường, chỗ nào cũng bộ quốc phòng, họ tịch thu lấy hết đất trồng trọt của người dân, đẩy người dân vào những chỗ không thể tả được, đất đá, đất dốc, còn đất bằng, đẹp, màu mỡ là chính quyền lấy hết rồi. Đất đá, đất dốc, thu hoạch không đủ ăn. Dân con buôn thì lấy lãi cắt cổ. Cho vay 1 triệu lấy lãi 2 triệu, dù chỉ 2,3 tháng cũng vậy, người dân không thể nào phát triển nổi.
*Tất cả những sự đàn áp, lũng đoạn mà nhà nước Việt Nam đã và đang gây ra cho Tin Lành đã gây ra hậu quả gì cho sự phát triển của đạo Tin Lành ở Việt Nam?
Mục sư Nguyễn Hoàng Hoa:
Đã làm cho việc phát triển đạo gặp trở ngại và tụt hậu, cũng gây nên sự phân hóa giữa các hệ phái Tin Lành thậm chí chia rẽ và kỳ thị nhau giữa bên được công nhận và không được công nhận, quốc doanh và độc lập.
Mục sư A Ga:
Hậu quả: Hệ phái Tin Lành tại Việt Nam dậm chân tại chỗ. Đặc biệt tại Tây Nguyên. Tất cả bị giám sát. Anh em không còn biết phải làm gì.
Tin Lành “quốc doanh” vẫn có trường lớp để giảng dạy nhưng các Hội thánh độc lập không có phát triển. Không học hỏi được. Mới đây khi họ đàn áp họ nói nhà nào ở nhà đó, tu tại chỗ, không được qua nhà khác, nếu thấy tiếp tục đi qua nhà khác sẽ bị bắt đi tù. Chỉ có tu, cầu nguyện tại nhà. Nhà nguyện cũng không xây dựng được, nói chi nhà thờ. Phải dùng nơi mình đang ở để sinh hoạt nhóm. Nhưng bây giờ cũng bị cấm, nói đây là nhà riêng không được sinh hoạt nhưng khi xin xây nhà nguyện thì không cho. Mục đích họ muốn xóa sổ các hội thánh Tin Lành độc lập, đặc biệt là người bản địa Tây Nguyên, họ không muốn chúng tôi có niềm tin tôn giáo riêng của mình.
*Sau 2 lần, năm 2005 và năm 2006, bị liệt vào danh sách các Quốc Gia Cần Quan Tâm Đặc Biệt (Country of Particular Concern) về Tự do tôn giáo, ngày ngày 2/12/2022 vừa qua Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ lai đưa Việt Nam vào “Danh sách Theo dõi Đặc biệt” (Special Watch List) và cũng có người cho rằng với những vi phạm nghiêm trọng trong thời gian qua, lẽ ra Hoa Kỳ nên đưa Việt Nam trở lại vào danh sách CPC và có những biện pháp chế tài nghiêm khắc thì đúng hơn. Nhưng có vẻ như sự nhân nhượng, dễ dãi của chính phủ Hoa Kỳ và các nước dân chủ phương Tây về vấn đề nhân quyền đối với Việt Nam suốt một thời gian dài khiến cho tình trạng đàn áp tôn giáo ở Việt Nam không hề được cải thiện. Theo hai Mục sư, các vị mục tử chân chính cũng như tất cả những ai quan tâm đến tự do tôn giáo ở Việt Nam cần phải làm gì để thúc đẩy tự do tôn giáo và bảo vệ các tôn giáo khỏi bị lũng đoạn, tha hóa?
Mục sư Nguyễn Hoàng Hoa:
Mong mọi người đặc biệt là những chủ chăn luôn ý thức rằng “Chúng ta chỉ có một Cha trên trời và tất cả đều là anh em”. Không để cho tà quyền làm chủ và điều khiển chúng ta.
Mục sư A Ga:
Đáng lẽ Việt Nam phải vào danh sách CPC mới là đúng như cô nói. Nhà cầm quyền càng lúc càng tàn bạo về vấn đề đàn áp tôn giáo. Bất chấp quốc tế.
Người dân gần như bất lực, không có tiếng nói. Dù có lên tiếng cũng bị đàn áp.
Không làm gì chỉ thờ phượng Chúa cũng mấy năm cho tới mười mấy năm tù.
Người Thượng năng nổ trong học tập luật VN, quốc tế, tín ngưỡng…nhưng bây giờ bị bất lực. Khi phái đoàn tự do tôn giáo nước ngoài đi đến tận nơi để xem xét thì nhà nước này làm rối loạn ngay trước mắt phái đoàn.
Nhưng vẫn phải tiếp tục để Hoa Kỳ và quốc tế quan tâm đến người dân Việt Nam gây áp lực với nhà nước Việt Nam. Phải có những người trong nước tiếp tục lên tiếng có những thông tin chính xác để báo cáo, bên ngoài thì vận động quốc tế.
*Xin chân thành cảm ơn hai Mục sư.
Song Chi (thực hiện)