Nam Việt: Làn sóng tẩy chay giả sư lan rộng ở Việt Nam
Làn sóng các trí thức trong nước nổi giận với sự thao túng của giới sư sãi quốc doanh như đang vào cao trào. Nhiều người trích đăng các phát biểu dọa nạt xằng bậy về nhân quả, hay các lý thuyết thúc giục tín đồ phải đổ tiền của vào thùng công đức đang bị trích dẫn mỗi ngày, cười cợt và kể cả vạch rõ sự rẻ tiền của chúng.
Mới đây, trên trang facebook có tên Nguyễn Thiện, một trí thức từ thời trước 75, đã kêu gọi ai có lòng với đất nước và Phật giáo thì cần lên tiếng cảnh tỉnh trước những ngôn từ suy đồi của những kẻ mặc áo vàng, thích nói chuyện hoang đường. “Hãy đăng bài viết của Thầy Thích Pháp Hoà trên trang của bạn để góp phần đẩy lùi bóng tối của lũ ma tăng !”, trang của facebooker Nguyễn Thiện ghi.
Thầy Thích Pháp Hòa là một tăng sĩ xuất thân từ Làng Mai, theo pháp môn của Thiền sư Nhất Hạnh. Cách nhìn về Phật giáo đơn giản, sáng suốt và không giăng bẫy để buộc tín đồ nhè tiền cho chùa, cho sư… đột ngột biến mọi thứ vàng vọt như trò ảo thuật bị lột trần trước ánh sáng ngày thường.
Thầy Thích Pháp Hòa là một tăng sĩ chân chính thế hệ mới, sư đồ phần nhiều chịu ảnh hưởng của con đường xiển dương giáo pháp của Giáo Hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất, một tôn giáo cho đến nay vẫn bị hạn chế hoạt động và cấm đoán ở Việt Nam.
May cho Phật giáo Việt Nam là tín đồ rồi cũng tìm thấy con đường, nhận chân về triết lý về một tôn giáo lớn đang bị thao túng trong Việt Nam. Thật biết ơn những thầy và giáo pháp của Phật giáo tinh khôi mà Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất vẫn âm thầm gieo xuống, gìn giữ và phát triển, để một ngày tỏa sáng trong đêm dài đầy những kẻ mang mặt nạ từ bi. Mà Thầy Thích Pháp Hòa là một trong những ví dụ.
Dĩ nhiên, sự căm tức lập tức cũng thể hiện rõ khi các sư sãi quốc doanh livestream chỉ trích, khích bác, nhưng những điều đó không là gì so với làn sóng nhận chân ngày càng rộng lớn của công chúng hôm nay.
Trước đó, giới sư sãi quốc doanh cũng bộc lộ sự lúng túng và lo âu khi thấy làn sóng phản tỉnh dâng cao. Mọi chiêu trò hăm dọa về nhân quả, nghiệp báo bị lột trần tận cùng với kiểu chiêu dụ phải nộp, nộp nữa, nộp mãi tiền cúng dường cho các chùa không còn bóng Phật.
Quang, một giả sư của quốc doanh Phật, đã cầu cứu các tín đồ của y trong một livestream vì nói các thế lực thù địch đang nhằm vào tiêu diệt y. “Nếu không cùng chung tay bảo vệ, e rằng thầy không thể tồn tại được hai năm nữa”, Quang nói trong một video, như thế yêu cầu bảo vệ một chế độ thần quyền.
Trong cơn cùng cực, Từ, một giả sư trong cuộc họp kín của bang quốc doanh Phật từng đề nghị là cần mượn đến pháp luật để kiện, bỏ tù những người đang tham gia vạch mặt, kể cả vạch mặt y, như một biện pháp cuối cùng để bảo vệ khung của những kẻ giả danh đang vào hồi lụn bại.
Tính từ năm 1981, khi bang phái quốc doanh của sư sãi nhà nước ra đời, đây là cột mốc quan trọng của giới giả sư bị tẩy chay toàn dân, với mức độ tự phát chưa từng thấy, và hoàn toàn tự nguyện của giới trí thức, đồng loạt thấy khó chịu trước cách làm tiền và ru ngủ dân chúng mỗi ngày càng trơ trẽn.
Báo Giác Ngộ, cơ quan truyền thông của sư sãi nhà nước, có một bài vào đầu năm 2024, của tác giả Hà My, mang tựa đề :”Chùa vắng, vì đâu nên nỗi?” để mô tả một mùa xuân mà tín đồ Phật giáo như giật mình tỉnh mộng và lùi lại trước những cuộc vui tăm tối của giới giả sư. Nhưng chính bài viết ấy, cũng không dám gọi tên những kẻ đứng đầu trong tệ nạn Phật giáo như Quang, Từ, Minh…
Vốn được nuôi mớm và hậu thuẫn từ nhà nước, các sư sãi của giới quốc doanh Phật từ lâu đã liên tục đăng đàn, tận dụng công nghệ truyền thông cá nhân để gọi là “thuyết pháp”, thậm chí đả kích và lăng mạ Công giáo, Tin Lành, bẻ cong lịch sử… nhưng không hề có điều luật 331 nào của nhà nước chạm đến họ. Phật giáo cao cả đột nhiên mang hình dạng sắc lạnh đồ sát các tôn giáo khác, độc chiếm vị trí xã hội như một kẻ độc tài ghê tởm.
Nhìn vào sự phản ứng của công chúng nói chung, mới thật nhẹ lòng và hy vọng. Rõ ràng trong cùng cực, vẫn bộc phát sinh lộ, Các cây viết trên mạng xã hội như Thái Hạo, Châu Đoàn, Nguyễn Quang Thạch, Nguyễn Đình Bổn… cùng nhiều người khác đã liên tục có những bài chỉ ra những ngôn luận rẻ tiền và ngớ ngẩn của các nhân vật mặc áo vàng này.
Sự trỗi dậy, đang đem lại ý thức mới về Phật giáo trước màn đêm, đúc kết hy vọng như trong kết luận của nhà hoạt động xã hội Nguyễn Quang Thạch “Thiện đạo khi như nước ngầm, khi như thác lũ cuốn trôi những độc hại kết vón, nước bẩn ứ đọng. Tuy nhiên, để ma tăng hết nơi trú ẩn, chúng ta cần nỗ lực giúp người mê muội tẩy độc bằng nhiều cách khác nhau và sách tốt là một cách”.
Nam Việt