Nghị định 168 và nỗi lòng của người dân
Mai Quốc Ấn: Góp ý Nghị định 168!
Góp ý chính sách một điều khó tại Việt Nam, bởi tư duy nhìn đâu cũng thấy… phản động của một bộ phận không nhỏ những người ban hành chính sách khi ghi nhận góp ý.
Nhưng những người còn trăn trở vì quốc vận, vì trách nhiệm với quốc gia tin rằng sẽ vẫn góp ý. Thậm chí là góp ý mạnh mẽ!
Việt Nam trong một thời gian ngắn, đầu năm 2020 tới đầu năm 2025) đã rất “cân bằng” khi từng có lúc trên những con đường thường kẹt xe nhất của Tp.HCM chẳng có một bóng người. Và ngay cả những con đường lớn nhất của trung tâm kinh tế quốc gia hiện nay, sau khi áp dụng Nghị định 168, đã kẹt xe một cách khủng khiếp. Sự “chuyển cực” rất nhanh này đi kèm cùng đại dịch, khủng hoảng kinh tế và mức phạt cao hơn rất nhiều so với thu nhập bình quân đầu người sẽ khiến một bộ phận nhân dân sẽ rơi vào cảnh bần cùng hoá. Xin hãy lưu ý khả năng này!
Có một ý kiến mà tôi nghĩ các nhà lãnh đạo rất cần lắng nghe lúc này: “Người còn không lưu thông được thì sao hàng hóa lưu thông?!” Hàng hoá không lưu thông thì kinh tế đình trệ. Kinh tế đình trệ thì an sinh xã hội đi xuống. An sinh xã hội đi xuống thì tệ nạn xã hội sẽ nổi lên. Tôi từng viết dự báo sau đại dịch sẽ có hiện tượng này và số vụ cướp ngân hàng, cướp tiệm vàng sau đại dịch đăng báo khá nhiều là một minh chứng.
Quay trở lại với Nghị định 168, nếu nhìn bằng góc độ tích cực nhất để tìm ra khía cạnh hợp lý nhất để ủng hộ thì đó là ý thức về luật giao thông khi tham gia giao thông tăng lên. Về khía cạnh này, Nghị định 168 cho tôi có cảm giác rằng nó là sự “thừa thắng xông lên” của Nghị định 100 khi việc xử phạt bia rượu đã giúp xã hội bớt ma men hơn. Nhưng tôi ủng hộ Nghị định 100 hoàn toàn song rất nhiều điểm chưa đồng ý với Nghị định 168.
1-Mức sống thấp, thu nhập thấp nhưng mức phạt còn cao hơn thu nhập
2-Hạ tầng giao thông chưa đáp ứng nhu cầu tham gia giao thông
3-Chính sách giãn dân và hạ tầng đô thị cho việc giãn dân chưa tốt để áp dụng Nghị định 168
Hai đô thị lớn là Hà Nội và Tp.HCM kẹt xe nhiều hơn ngay sau Nghị định 168 chứ không phải cả nước. Việc kẹt xe ngay sau Nghị định 168 của hai đô thị này xoay quanh 3 vấn đề nêu trên. Nếu có một thí điểm mang tính tỉnh thành nào đó trước khi áp dụng cho cả nước sẽ hợp lý hơn song điều này đã không diễn ra.
Hà Nội chiếm khoảng 12,5% GDP cả nước. Tp.HCM chiếm khoảng 15,5% GDP cả nước. Hai thành phố này chiếm gần 19% dân số cả nước. Khi cả hai trọng địa kinh tế rơi vào trạng thái “Người còn không lưu thông được thì sao hàng hóa lưu thông?!” Thì sẽ là nguy cơ của cả nền kinh tế.
Người ký ban hành Nghị định 168 là Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà. Tôi chắc chắn Phó Thủ tướng nước ta không đi xe máy tới Văn phòng Chính phủ. Nếu Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà là một người đi làm bằng xe máy, ông chắc chắn sẽ trăn trở trước Nghị định 168. Và tin rằng, bất cứ Luật nào, Chính sách nào nếu có thực tế đời sống trong việc soạn thảo sẽ ban hành trơn tru hơn hẳn Nghị định 168.
Đặt mình trong tâm thế nhân dân trước khi soạn thảo & ban hành chính sách đôi khi đơn giản là một khảo sát xã hội học. Và khảo sát ấy nên để cho bên thứ ba thực hiện để đảm bảo tính trung thực và khách quan là điều vô cùng cần thiết. Thậm chí thuê đơn vị nước ngoài thực hiện khảo sát chuyên nghiệp càng tốt hơn.
Ở phía trên tôi có lưu ý về khả năng bần cùng hoá của một bộ phận không nhỏ nhân dân khi mức phạt còn cao hơn thu nhập bình quân của họ. Bần cùng dễ sinh đạo tặc… Như vậy xã hội sẽ bất an hơn và khả năng này hoàn toàn có thể. Nhưng cuộc sống vốn cân bằng, có cách để nhân dân hoàn toàn ủng hộ Nghị định 168:
Xử bắn tất cả những trường hợp cán bộ tham nhũng từ 100 triệu đồng trở lên!!!
Lê Công Định: Kinh tế luận luật pháp (Law and Economics) và Nghị định 168
Kinh tế luận luật pháp xuất hiện vào nửa cuối của thế kỷ 20 với tư cách là một môn luật học sử dụng các phương pháp phân tích kinh tế để giải thích, dự đoán và hoạch định hành vi ứng xử của con người trong các lĩnh vực xã hội và pháp lý khác nhau.
Kinh tế luận luật pháp chủ trương phân tích pháp luật dưới góc độ kinh tế, dựa trên cơ sở đánh giá phí tổn và lợi ích mà các quy tắc pháp lý cùng với thiết chế thực thi pháp luật có thể mang lại, để từ đó hoạch định chương trình sửa đổi và cải cách pháp luật, giúp gia tăng hiệu quả sử dụng và phân bổ nguồn lực xã hội, góp phần vào sự thịnh vượng của nền kinh tế quốc gia.
Vấn đề cốt lõi của việc soạn thảo luật phục vụ phát triển xã hội chính là phải tìm ra cách thức hợp lý, vốn được chứng minh bằng lý thuyết và thực tế, để thay đổi hiện trạng xã hội, cùng thói quen ứng xử và hành vi của con người, theo chiều hướng tốt đẹp, mà không làm hoặc ít làm hao tổn nguồn lực xã hội, tránh gia tăng chi phí cho nền kinh tế.
Ban hành luật nhằm thay đổi xã hội và hành vi con người theo chiều hướng tốt đẹp không phải là sản phẩm tưởng tượng chủ quan của nhà làm luật. Trái lại, đó phải là kết quả của quá trình nghiên cứu, phân tích và đánh giá tác động kinh tế và xã hội mà việc áp dụng các quy tắc pháp lý mới có thể mang lại.
Do đó, việc soạn thảo các văn bản luật theo ý muốn chính trị chủ quan, ngẫu hứng và tùy tiện đều dẫn đến hệ quả tai hại hơn cả chính những vấn đề là đối tượng cần được giải quyết và thay đổi bởi luật mới.
Nghị định 168 ban đầu được ban hành nhằm mục đích chấn chỉnh ý thức tuân thủ luật giao thông của người dân thông qua biện pháp gia tăng mức phạt tiền đối với các hành vi vi phạm. Như vậy, ý định của nhà làm luật là thay đổi ý thức và hành vi của người dân theo chiều hướng tốt đẹp.
Tuy nhiên, trên thực tế, Nghị định 168 đã vấp phải hai phản ứng chính của xã hội trong những ngày qua, bao gồm:
Thứ nhất, người dân sợ bị phạt nặng nên cẩn trọng hơn trong lúc di chuyển bằng xe trên đường phố vốn dĩ chật hẹp ở các thành phố, khiến gây nên tình trạng ách tắc giao thông nghiêm trọng. Hậu quả là nền kinh tế gánh chịu thêm tổn thất đột ngột, và xã hội tốn thêm nhiều chi phí không đáng.
Thứ hai, mức phạt nặng vượt quá thu nhập của người dân đã tác động bất lợi đến sinh kế cá nhân và gia đình của họ, dẫn đến tình trạng bần cùng hóa không tránh khỏi của đại đa số người dân vốn có thu nhập thấp. Hậu quả là sự bất mãn và thiếu niềm tin của dân chúng ngày càng gia tăng đối với chính quyền và hệ thống pháp luật. Đây là nguồn gốc của sự bất ổn xã hội.
Như vậy, dưới góc nhìn của môn Kinh tế luận luật pháp, việc ban hành và áp dụng một văn bản luật mà không dựa vào kết quả phân tích và đánh giá khoa học cẩn trọng những phí tổn mà nền kinh tế phải gánh chịu về lâu dài, cũng như thiếu dự đoán khả năng xảy ra bất ổn xã hội tiềm tàng, cho thấy mục tiêu ban đầu tuy tốt đẹp, nhưng kết quả trước mắt đã thất bại.
Giải pháp duy nhất là thu hồi Nghị định 168 không chậm trễ, trước khi sức chịu đựng của nền kinh tế và người dân vượt quá tầm kiểm soát. Việc sửa đổi Nghị định 168 cần được thực hiện nghiêm túc bằng sự phân tích và đánh giá khoa học những tác động kinh tế và xã hội dưới lăng kính của môn Kinh tế luận luật pháp như đã nói trên.
***
Lê Nguyễn: Khi buồn, vui, khóc, cười lẫn lộn
Mấy ngày qua, theo dõi các trang Youtube, Tiktok …, bỗng nhiên máu “nghệ sĩ” sôi lên, lúc buồn, lúc vui, lúc khóc, lúc cười, như một diễn viên chuyên nghiệp giữa sân khấu cuộc đời. Những cảm xúc khó tả đó đan xen nhau theo từng hoàn cảnh, theo từng phận người.
Có ai kìm được nước mắt không khi nhìn thấy cảnh một thanh niên (có lẽ là shipper) đứng khoanh tay rồi bất chợt quỳ xuống lạy người cảnh sát giao thông. Có lẽ mức phạt vi phạm giao thông mà anh ta gánh chịu đồng nghĩa với cảnh anh phài trả phòng trọ, cho con nghỉ học và một tương lai đen tối đang ập đến cuộc đời anh.
Ai cũng biết rằng luật lệ phải nghiêm mới duy trì được tinh thần tôn trọng luật pháp của mọi người. Song khi áp dụng luật pháp, cũng cần lý tới điều kiện xã hội của chúng ta ngày nay: một hệ thống giao thông còn quá yếu kém, đường sá chật hẹp, không gánh nổi một lưu lượng xe cộ ngày một gia tăng, sự bất ổn là điều khó tránh. Xin lấy một ví dụ tiêu biểu:
– Luật lệ mới quy định tài xế xe tải không được lái xe quá 4 tiếng đồng hồ liên tục, vì theo các kết quả khảo nghiệm trên thế giới, khi tài xế lái xe liên tục quá 4 tiếng, sự chính xác trong phản xạ của họ chỉ còn 50%, nguy cơ gây ra tai nạn khá cao. Điều này đúng ở Anh, Mỹ và nhiều nước phương Tây, những nước mà hệ thống xa lộ khá hoàn chỉnh, không có hiện tượng xe nối đuôi dài dằng dặc và đặc biệt là ở những khoảng cách nhất định trên xa lộ, chính quyền thiết lập các “Rest area” để người lái xe và hành khách tấp vào nghỉ ngơi, bài tiết …
Ở Việt Nam, tiếng kêu thống thiết đã nổi lên nhiều ngày qua vì các tài xế xe tải phải luôn miệng hát bài “Tiến thoái lưỡng nan” của nhạc sĩ họ Trịnh. Họ bị kẹt hàng tiếng đồng hồ trên xa lộ, theo nhật ký hành trình đã lái đủ 4 tiếng, bây giờ tiến thêm một phút cũng là vi phạm luật, mà dừng lại, chờ hết thời hiệu 15 phút để lái tiếp thì hàng trăm chiếc xe ở phía sau họ cũng phải nằm ì, chờ thêm 15 phút nữa!
– Trong lưu thông, vượt đèn đỏ là một trong những vi phạm nặng nhất, vì lỗi đó dễ gây ra nhiều tai nạn đáng tiếc. Người quy định phạt rất có lý khi nhân danh sự an toàn xã hội, song nhưng người điều khiển phương tiện giao thông cũng không phải là không có lý khi chỉ ra những bất cập trong việc điều hành giao thông ở các ngả tư đường. Ở nhiều ngả tư, đèn tín hiệu không đếm ngược thời gian trước khi chuyển sang vàng và đỏ, vửa xanh xong là bật ngay sang vàng, mà theo quy định mới, chạy xe lúc đèn vàng cũng vi phạm như lúc đèn đỏ. Nhiều người khi đến trước vạch vôi ngừng, đèn còn xanh, chạy vài ba thước nữa, đèn đã vàng, camera ghi lại rành rành, làm sao chối cãi?
Trong câu chuyện lúc trà dư tửu hậu, có người nói vui là khi đến các ngả tư kiểu đó, cứ dừng lại khi đèn còn xanh cho chắc ăn, đợi đèn đỏ và chờ khi đèn đỏ vừa bật sang xanh thì chạy tiếp là …an toàn nhất. Có người vặn lại: dừng xe ở giao lộ khi đèn đang xanh, liệu có bị xem là vi phạm giao thông không, nếu không thì ít nhất cũng bị xe sau húc đít và nhận lãnh một tràng tiếng Đan Mạch.
Còn nhiều cảnh buồn vui nữa chứ không chỉ có thế: xe quên mở xi nhan khi quẹo phải, người lao động chở hàng hóa cồng kềnh, kẹt xe lâu quá, trễ giờ học, giờ làm, thấy lề trống, leo lên ….
* Sau khi lướt qua mạng xã hội, mình mơ ước sao những vị có trách nhiệm trong việc thi hành nghị định 168 có dịp nhìn những clip video dở cười dở khóc của mỗi người dân. Riêng tôi, tôi ứa nước mắt khi thấy cậu thanh niên lái xe hai bánh quỳ lạy anh cảnh sát giao thông. Con người phải quỳ lạy con người, sao kiếp làm người nhục nhằn đến như vậy?
* Nhiều shipper nghĩ đến việc bỏ xe luôn vì giá trị còn lại của chiếc xe không cao bằng mức phạt, song người tính không bằng … nhà nước tính: ai bỏ xe trong trường hợp này, không được đăng ký khi mua xe khác!
* Sáng nay, Tiktok đưa hình ảnh một người đàn ông khá già nằm ngửa giữa lề đường, đôi mắt thất thần, ai hỏi gì cũng không nói, nhìn ở cách ông khoảng mấy mét, mọi người mới vở lẽ: một chiếc xe gắn máy tồi tàn, gắn “pọt-ba-ga” (porte – bagage) tự chế, nằm cạnh một đống bưởi trái ngổn ngang! Nghe đâu ông bị phạt 5-6 triệu gì đó, do chiếc xe tồi tàn và đống bưởi ngổn ngang đó.
* Sáng nay, một phụ nữ khá đẹp chuyên bán cà phê lề đường lên nói về nghị định 168. Ôi, sao kỳ vậy, nghị định phạt vi phạm giao thông, ai phạt chuyện ngồi lề đường bán cà phê như chị? Vậy mà chuyện kể của chị cũng khiến ta … cười ra nước mắt. Chị kể rằng từ nhiều tháng qua, mỗi ngày chị bán được 50-60 ly cà phê, vậy từ những ngày qua, mỗi ngày chị chỉ bán được hơn 10 ly, chắc lại phải bán cái khác kiếm sống. Có lẽ vì sợ dính luật giao thông, nhiều người không dám đi la cà cà phê, cà pháo nữa, nằm lì ở nhà cho nó lành!
Điều đáng nói là người phụ nữ này kể về sự thất thu trầm trọng của chị kèm theo một nụ cười hiền! Mình chợt nhớ đến câu nói của ai đó “nhìn nụ cười của kẻ khổ đau còn thương tâm hơn là nhìn thấy những giọt nước mắt của họ”
* Sáng nay, mạng xã hội hiện lên hình ảnh nhiều người lấy kéo cắt giấy phép lái xe ra từng miếng nhỏ, quyết giã từ phòng trọ, đưa vợ con về quê làm ruộng. Có người trước khi cắt, còn trưng ra cho người xem thấy rõ thời hiệu của giấy phép còn đến năm 2028. Còn có cảnh huống nào đau lòng hơn?
* Có người so sánh mức phạt cùng một lỗi vi phạm giao thông (theo nghị định 168) ở Việt Nam với nhiều nước khác và nhận ra hầu hết mức phạt của ta đều cao hơn họ. Ngay cả bằng nhau cũng đã là một điều cần suy nghĩ: một người Mỹ lãnh 4.000 USD tức khoảng 100 triệu đồng/tháng bị phạt 10 triệu đồng với một anh shipper thu nhập 15 triệu/tháng, cũng bị phạt 10 triệu đồng, sự bất nhẫn là điều thấy rõ.
* Một chuyện oái oăm khác: người dân được khuyến khích ghi hình lỗi vi phạm của người khác và được hưởng 10% mức phạt của người vi phạm. Chuyện có thật là nhiều người đã bắc ghế ngồi tại các ngả tư, canh me đồng bào của mình vi phạm để ghi hình và kiếm chác. Chỉ cần kiếm năm ba vụ một ngày là đủ để chi xài cả tháng. Hệ quả dẫn đến cũng đáng suy nghĩ: nhiều kẻ hành nghề này bị tấn công, hành hung, đập nát điện thoại trong con mắt hờ hững của mọi người. Dẫm đạp lên đời sống của những người nghèo như mình, sao nỡ lòng như vậy?
Trong một bình luận ở đâu đó, mình đã mô tả đây là cảnh “người uống máu người”!
* Kể những chuyện lẻ tẻ đó để thấy rằng tác động của nghị định 168 là vô cùng to lớn, nó không chỉ ảnh hưởng đến nhiều thành phần xã hội, từ anh shipper, chị bán cà phê, đến ông chở bưởi từ dưới quê lên bán ở thị thành, mà còn có thể dự báo đến những biến chuyển kinh tế-xã hội trong tương lai nữa. Người ta dự báo về tình hình của ngành sản xuất, lắp ráp ô tô, liệu có thể chựng lại và hạ giá mà vẫn không có mấy người mua! Rồi ngành sản xuất và phân phối nông sản trên cả nước, khi cánh tài xế lưu thông đường dài lần lượt chuyển đổi nghề!
Thôi, nghĩ tới đó đã đủ mệt rồi! Hôm nay là chủ nhật, cho đầu óc nghỉ ngơi một chút có hơn không?
12.1.2025