Ngô Nguyên Dũng: Đọc sách bạn văn: “Mùa Trăng”, tập truyện ngắn, tùy bút, tản văn của Đỗ Trường

Nhà văn và nhà nhận định văn học Đỗ Trường sinh năm 1960, người gốc Nam Định. Ông là công nhân xuất khẩu lao động sang Đức năm 1987. Sau khi bức tường Bá Linh sụp đổ năm 1989, ông ở lại. Hiện nay ông cùng gia đình định cư tại thành phố Leipzig, Cộng Hòa Liên Bang Đức.

“Mùa Trăng” (), tập truyện ngắn, tùy bút và tản văn, là tác phẩm thứ tám của ông, 217 trang, gồm 21 đoản văn. Những áng văn này là những đoản tự truyện được tác giả viết về thân bằng quyến thuộc hoặc bạn bè thời quá khứ cũng như hiện tại, bằng một bút pháp linh hoạt, với một nhân sinh quan phóng khoáng, sôi nổi, đậm nét địa phương tính. Thoảng khi, giọng văn ông, mỗi khi nhớ về quê nhà hoặc về một người bạn ấu thơ, bất chợt chùng xuống, tưởng như ký ức ông vừa mọc ra bàn tay nâng niu dịu dàng từng trang chữ. Hầu hết những nhân vật nam trong truyện của ông đều có một biệt danh, với những Vấn Chập, Trung Cẩu, Cu Tũn, Bén Vổ, Hải Còi, Tân Cháy, Tịnh Thiến, Thắng Gà Chọi, … 

Và, điểm nổi bật trong những tác phẩm của Đỗ Trường, và cũng là một trường hợp hiếm hoi trong văn đàn Việt Nam hiện tại, là cái nhìn sâu sắc, nhiều thiện cảm của ông đối với giới cầm bút thuộc chế độ Việt Nam Cộng Hòa cũ. 

*

“Người Đàn Bà Trong Đêm” là đoản truyện đầu tiên trong “Mùa Trăng”, tác giả kể chuyện một lần tình cờ gặp lại một nhân vật nữ, trong không gian lạnh giá một sáng cuối tháng tư: 

“Mùa đông năm nay, châu Âu không có nhiều tuyết rơi, và những cơn gió lạnh thấu hồn người. Song cái rét cứ dùng dằng, dai dẳng… Khi tôi đến, tàu Leipzig đi Nürnberg, München đã chuẩn bị rời bến. Nhảy vội lên, và tôi đi ngược về phía đầu tàu. Đến toa Bistro, tôi đứng lại, định mua ly cafe. Bất chợt có tiếng khẽ gọi, và hỏi: Trường! Đỗ Trường phải không? Tôi giật mình quay lại, thấy đôi vợ chồng già Việt-Đức ngồi ở bàn ăn, bên cửa sổ, với khuôn mặt lạ hoắc.” (Tr. 5). Người đàn bà tưởng “lạ hoắc” ấy lại rất quen, bởi theo lời chị “huỵch toẹt”: “Giời đất ơi! Có tý tiền đâm rửng mỡ em ạ. Mặt mũi chị đã được sửa sang, tân trang lại đấy. Chứ để cái khuôn mặt cười tưởng khóc, khóc lại ngỡ cười của chị, ai nhìn vào cũng phải bỏ chạy, tủi thân phụ nữ, xấu hổ ban đại diện lắm.” (Tr. 6).

Người đàn bà có khuôn mặt được “tân trang” đẹp đẽ ấy là ai? Tác giả nhớ lại chuyện cũ ở quê nhà:

“Chiều cuối tuần, của năm đầu thập niên tám mươi, Dương Hoài Nam (Nam Võ) () ra nhà rủ tôi về Bắc Ninh. Dường như gia đình hắn có cúng giỗ gì đó… Lúc sau, có tiếng kéo ghế, tôi chợt ngẩng lên, và hơi giật mình, khi bắt gặp khuôn mặt kỳ dị của người đàn bà trong đêm. Có lẽ, cảm nhận được điều đó, nên chị thu người lại. Nam Võ vội giới thiệu: Đây là chị Giang, nhà thơ Vũ Lê Giang…” (Tr. 6-7).

Chị Giang có tửu lượng tốt, và chị không những thích thi ca mà còn yêu “nhạc vàng”:

“Chị bảo, thích nhất bản Không Tên Số 4 của Vũ Thành An… Khi nãy, ngồi ở trong nhà, nghe chúng tôi đàn hát, chị đã khóc. Rồi chị yêu cầu chúng tôi đàn lại bản nhạc này, cho chị hát cùng…

… Chị dừng hát, đôi mắt trắng hoang dại như rọi vào khoảng không trước mặt. Rồi bất ngờ, chị bá vai hai thằng tôi:

– Hai thằng có tin, đến nay chị mày vẫn còn là con gái không?” (Tr. 7) 

Cuộc đời của văn thi sĩ Vũ Lê Giang thuở còn ở quê nhà là một chuỗi dài những bất hạnh, từ thuở ấu thời cho tới tuổi hoa niên dưới thời cải cách ruộng đất: “…mười lăm năm từng là thanh niên xung phong cho đến người lính, và trở thành nhà thơ, nhà văn, song tình yêu với chị là một sự hoàn toàn xa lạ. Bởi, cái gương mặt nhem nhuốc, dị dạng của chị. Sự xa lánh của mọi người, và cái bất hạnh đó, luôn làm cho chị tự ti, mặc cảm…” (Tr. 8). 

Và: “Để giải thoát, năm 1966, vừa tròn 20, chị xung phong vào bộ đội…” (Tr. 12), chị được xung công về một binh trạm: “Nằm sâu trong khu vực đèo Tha Mé, nhà kho nhìn chẳng khác gì lán trại. Lưng tựa vào vách núi, cửa thông với hang, ngách nhỏ. Không xa có những ngôi làng bỏ hoang của người Vân Kiều, và Pa Cô. Khi Vũ Lê Giang đến chỉ còn hai người trông coi ở đó. Bom đạn ngày càng ác liệt…” (Tr. 14-15). 

Tại “Mảnh đất sặc mùi tử khí nơi đây như kéo hồn người đến gần hơn với cái chết…” (Tr. 15), trong một lần vào rừng tìm rau: “…Được mấy bước, nghe có tiếng động nhẹ, chị vội nằm xuống quan sát. Rồi tiếng rên, tiếng thở khò khè nặng nhọc từ đó vẳng lên. Với kinh nghiệm, chị biết ngay có người bị thương và đang trong tình trạng sốt cao, kiệt sức…” (Tr. 15). Chị bắt gặp một “…người đàn ông nằm co quắp, mắt nhắm nghiền, tay nắm chặt gốc sắn đã bị mảnh bom phạt ngang thân. Với quần áo của người đi rừng bản địa, chị không thể biết ngay, hắn từ đâu đến…” (Tr. 15). Rồi, ngay sau đó, chị nhận ra và nhủ thầm: “…Sắp nghẻo, nằm hiền khô như thế này, còn đánh đấm, hận thù gì với nhau nữa. Vũ Lê Giang lẩm bẩm như vậy, rồi quay về tìm người cùng đưa hắn về kho. Chị rửa ráy vết thương, và chăm sóc cho hắn…” (Tr. 15). Chỉ vài ngày sau, khi vết thương trên thân người đàn ông đã tương đối lành lặn, một sáng nọ: “…tỉnh dậy, chị không thấy hắn đâu. Cứ ngỡ, hắn đã có thể tự đi vệ sinh cá nhân ở đâu đó. Lúc sau chị quay lại, và đi tìm không thấy… Vậy là hắn đã chuồn rồi.

Cứ tưởng vậy là xong, không ngờ mấy ngày sau người của Binh trạm và An ninh tới tìm, và hỏi chị về mối quan hệ với hắn. Lúc đó chị mới biết hắn là lính thám kích thuộc Quân đội Việt Nam Cộng Hòa…” (Tr. 16)

Truyện tới đó, những cảnh ngộ đưa đẩy trớ trêu, tưởng đã kết thúc. Nhưng không… “Rồi những năm bảy chín, tám mươi của thế kỷ trước, cả nước đói. Nếu đi được, ai cũng muốn chuồn ra khỏi quê hương, tổ quốc mình. Và chị bỏ lại tất cả, khăn gói sung vào đội quân cày thuê, cuốc mướn ở Đức…” (Tr. 16). Tại nơi đây: “Khi bức tường Berlin sụp đổ, chị chuồn sang Tây Đức, ngụ tại thành phố Nürnberg. Thời gian sau, chị vào làm ở nhà máy bia (Brauerei). Một hôm, đang mải rửa vỏ chai, thấy có một gã người Việt cũng làm ở nhà máy, cứ đứng nhìn chị…” (Tr. 16). Rồi: “Sáng hôm sau, chị vừa đến cổng nhà máy, thấy gã đã đứng đó từ bao giờ. Thấy gã ngập ngừng, chị trợn mắt. Tưởng hắn biến. Nhưng không. Hắn đến gần và hỏi:

– Có phải những năm đầu thập niên bảy mươi, chị là bộ đội đóng quân ở khu vực đèo Tha Mé không?

Quá khứ hiện về, tự nhiên chị bật ra một câu, dường như vô thức:

– Đ. mẹ ông. Ông đi rồi, nó hành khổ tôi.

Thế rồi, ôm nhau cười chảy ra nước mắt.” (Tr. 16-17)

Đỗ Trường viết “Người Đàn Bà Trong Đêm”, với những nhân vật có thật, và tôi tin rằng, những chi tiết éo le trong truyện không phải do ông hư cấu. Truyện ngắn này có thể được xem như là nhịp cầu văn chương, bằng những nhân vật và chi tiết ẩn dụ, nối liền hai bờ ý thức hệ Nam Bắc:

“…Và chính hắn là người mai mối cho chị. Hơn chục năm trước, vợ chồng hắn cứ thúc giục chị phải làm lại khuôn mặt. Thấy chị lưỡng lự, chồng chị và vợ chồng hắn ép chị về bằng được Sài Gòn. Bây giờ khuôn mặt của chị mới được như thế này, trách gì Đỗ Trường nhận không ra.” (Tr. 17)

(Phần 2) 

“Người Đàn Bà Trong Đêm”, một đoản văn như thể tự truyện, mở đầu tuyển tập “Mùa Trăng” với những nhân vật và tình tiết trớ trêu, nhiều hư cấu tính, nhưng qua giọng văn “hiện thực hóa” sắc nét, đôi khi bi hài của Đỗ Trường, độc giả có thể hình dung ra được những tình huống oái oăm, trong hoàn cảnh chiến tranh ở quê nhà lúc trước, và tha hương tìm đường sống nơi xứ người sau này. 

Điểm độc đáo trong “Mùa Trăng” và văn phong Đỗ Trường là tính đa dạng của những nhân vật, như: Vấn Chập, một người bạn vong niên của tác giả thời “trẻ trâu” ở quê nhà, cũng là tựa đề cho một đoản văn (Tr. 19). 

“…Không biết cái biệt danh Vấn Chập vận vào gã khi nào. Nhưng phải nói, Vấn Chập thổi sáo và có giọng hát rất hay… Nghe nói, ngày còn ở trại an dưỡng thương binh, nếu không bị trầm cảm, chập cheng, thì gã đã được chuyển về Trường nghệ thuật quân đội chứ chẳng đùa đâu.

Công việc hằng ngày của Vấn Chập là kẻ vẽ các khẩu hiệu, đại loại như, sinh đẻ có kế hoạch, hay chống mê tín dị đoan, hoặc cái nọ muôn năm, cái kia trường tồn…” (Tr. 22)

Và câu chuyện “tâm linh” giữa Vấn Chập với Mộ Cô Đống, là “một ngôi mộ tự phát rất linh thiêng. Các cụ trong làng kể, có một cô gái trẻ chết trôi, không biết từ đâu dạt vào bến sông… Những ngày đầu mộ còn bằng phẳng, dân làng, và người qua kẻ lại hương khói, và bỏ từng hòn đất, cục đá lên mộ cô để làm dấu. Dần dần thành đống cao, và từ đó mộ có tên là Cô Đống…” (Tr. 22)

Vào thời cải cách ruộng đất, Mộ Cô Đống là hình ảnh dị đoan, “tiêu cực”, là cái gai làm “…ngứa mắt mấy ông bộ đội lắm. Bọn Thực dân Pháp, và địa chủ cường hào mưu mộ đến vậy, mà còn bị chúng ông lôi tuốt ra trường bắn nữa là cái mộ cỏn còn con ấy. Chỉ là một chiếc đinh gỉ nhé! Nói là làm, mấy ông đội dẫn theo đám dân quân, và bần cố nông san phẳng Mộ Cô Đống ngay trong đêm. Chiến công chưa kịp nhận lời khen và phần thưởng, ông đội bị mắc nghẹn, chết ngay vào bữa cơm trưa hôm sau… Còn đám dân quân, bần cố nông không bị trúng gió thì bị chó dại cắn chết… Cứ lần lượt như vậy, kẻ nhẹ nhất cũng bị sứt đầu mẻ trán, phải bỏ xứ ra đi…” (Tr. 23)

Từ đó, Mộ Cô Đống lại được dân làng “lén lút hương khói, đất đá xếp cao” (Tr. 23) như cũ.

 “Sau 1975, lớp lãnh đạo mới từ chiến trường về, dư âm chiến tháng còn đang hừng hực, khí thế lắm: Thằng Mỹ, thằng ngụy còn bị chúng ông tiêu diệt bằng sạch, sá chi cái đống đất vớ  vẩn này. Vấn Chập phụ trách văn hóa, phải đi tiên phong dẹp bỏ ngay…” (Tr. 23). Buổi chiều trước đó, ủy ban lãnh đạo xã tổ chức một buổi tiệc đãi đằng Vấn Chập và đám trẻ trâu, choai choai theo “tinh thần ba sẵn sàng” (sic). Rượu xong, trời đã khuya, trên đường về nhà, ngang qua Mộ Cô Đống, “…Vấn Chập vấp phải hòn đá ngã sấp mặt xuống đường. Nhặt hòn đá, gã lồm cồn bò dậy ném thẳng vào bát hương, nhưng không trúng. Gã lại nhặt đá và ném tiếp, vẫn không trúng. Bực mình gã vạch quần đái vọt cầu vồng lên mộ, miệng lẩm bẩm chửi…” (Tr. 24). 

Tôi mạn phép không tiết lộ ra đây chuyện gì xảy ra sau đêm đó cho Vấn Chập, đến nỗi: “Trước gã đàn sáo, hát hò là vậy, giờ nhìn người cứ rũ ra như dọc khoai thối” (Tr. 25), sẽ làm mất vui cho quý vị nào có ý định tìm đọc quyển sách này, chỉ xin trích đoạn phần kết đoản văn này, khi tác giả tình cờ gặp lại Vấn Chập tại Budapest (Hung Gia Lợi) sau ba mươi năm bặt tin và hỏi:

“Mà này, em thấy bác lúc nào cũng ngon lành, thế chó nào lại có biệt danh Vấn Chập ấy nhỉ? Do chiến tranh mà ra cả thôi, gã thở dài. Rồi vỗ vào vai tôi, gã bảo:

– Một đêm quần nhau, địch ta, ta địch, đạn pháo bắn như vãi đậu. Tưởng chừng đã tiêu diệt được mục tiêu. Nhưng không. Khi chúng tôi tiến vào, một ngôi làng gần như bị xóa sổ. Xác, thịt trẻ em, phụ nữ, người già… không còn nguyên vẹn bay, và treo khắp nơi. Những viên đạn của ông Nga, ông Mỹ, ông Tàu, ông Đại Hàn còn găm ở trên tường. Tận mắt chứng kiến, nếu không phát điên thì chỉ là người có thần kinh thép, vô cảm, hoặc đứt dây thần kinh… Nhiều lúc tôi cứ tưởng bàn tay bóp cò súng của mình đêm qua, đang treo lơ lửng ở ngọn tre kia. Có những đêm nằm dưới hầm tôi nghe rất rõ tiếng trẻ con khóc… Rồi đến lúc tôi như kẻ điên chạy lông nhông giữa chiến trường. Sau đó người ta buộc phải đưa tôi ra Bắc an dưỡng. Và cái tên Vấn Chập có từ đó.”  (Tr. 29-30)

*

“Mùa Trăng” là tựa đề một đoản văn, được Đỗ Trường chọn làm nhan đề cho tuyển tập, vỏn vẹn 9 trang sách. 

Trong đoản văn này, giọng văn ông đổi khác, rất khác. Không còn nét tưng tửng, bỡn cợt, thẳng đuồn đuột, đôi khi bặm trợn của những “xanh như đít nhái”, “lo thọt dái lên cổ”, “tinh trùng dị tật”, “dáng đi chó đái”, “dày như đít chai”, … mà chùng xuống dịu dàng. Như giấc ngủ của kẻ xa quê lâu năm thường xuyên mộng mị về một quá khứ đầy hình ảnh của bạo lực và tang thương thời chiến tranh, của những nghịch cảnh bất công trong đời sống, chợt tỉnh giấc bởi những cảm xúc thời ấu thơ tưởng xa khuất, bất ngờ trỗi dậy ve vuốt dịu dàng giấc chiêm bao.

Phần dẫn nhập của “Mùa Trăng” về không gian và thời gian truyện thường thấy trong văn chương Đỗ Trường:

“…Thành phố đã vào đêm. Con đường vắng những bước chân. Leng keng tiếng tàu diện lọt thỏm vào những con phố dài hun hút. Có lẽ, chẳng cứ là thu, mà thời khắc giao mùa nào cũng vậy, luôn làm xáo trộn hồn người nơi phương xa. Tôi đã từng sống ở miền biển, mảnh đất gối đầu lên những con sông Đào, sông Ninh Cơ, sông Đáy, Với thời gian không dài, vậy mà quá nửa đời người phiêu bât trời Âu, mỗi khi nhớ về đất Việt, tôi thường nghĩ về nơi ấy…” (Tr. 143), một nơi “Dù không phải là bản quán, quê cha đất tổ, song rất may mắn, tuổi thơ tôi đã đi qua nơi này. Chính vì vậy, tâm hồn tôi cũng dược nuôi dưỡng bởi những hạt phù sa trĩu nặng ấy.” (Tr. 144) 

Và, về một người bạn tên Bắc:

“…Bắc kém tôi hai tuổi, học sau một lớp. Ấy vậy, lúc đó hắn to cao, mạnh mẽ hơn tôi nhiều. Thân nhau, và hay cùng bày trò nghịch ngợm, nhưng tôi và Bắc sở thích trái ngược nhau. Hắn chăm chỉ học bài, lười đọc sách, còn tôi cực kỳ lười học, đến lớp chỉ gục xuống bàn để đọc truyện. Tuy lười đọc truyện, nhưng Bắc rất thích nghe tôi kể lại. Có những câu chuyện tôi thêm nếm, bốc phét diễn giải, hắn cứ há hốc mồm ra ngồi nghe, rồi xuýt xoa, hay nhỉ, hay nhỉ…” (Tr. 144)

Từ đoản truyện này, cá nhân tôi biết thêm đôi điều về một món ăn dân dã miền Bắc, mà trước đó tôi chỉ nghe nói hay đọc qua loáng thoáng đâu đó. Chưa một lần thấy, nói gì tới chuyện ăn thử:

“Khi ánh nắng chiều thu chợt vụt tắt, những nhánh sông nơi hạ nguồn trở nên nâu sẫm một màu. Bên kia của triền đê nước dâng lên. Và cổng chính đã mở, con sông cái như vặn mình xả nước vào đồng ngậm ải ven đê. Và đó cũng là sự báo hiệu thời điểm mẻ rươi đầu mùa đã đến…” (Tr. 145)

Đêm ấy, sau khi chị của tác giả, chị Hậu đã “chẻ tre, uốn khung, rồi lấy vải màn cũ khâu thành những chiếc vợt xinh xắn và chắc chắn lắm…” (Tr. 145), chị nhắn nhủ: “Hôm nay trở giời, đêm chắc rươi sẽ nổi lên nhiều, hai thằng muốn đi vớt với chị, thì phải học bài từ sớm nhé.” (Tr. 145) Sau đó: “Tôi và Bắc vừa làm xong bài tập, chị Hậu từ ngoài đồng chạy về bảo, rươi đã bắt đầu nổi lên…

Trăng trung tuần tròn và sáng vằng vặc. Cánh đồng ải bạc màu mới hôm trước, nay đã chìm trong nước. Từ xa, tiếng nói, tiếng cười vang lên, tưởng chừng như làm vỡ cả một vầng trăng. Dường như cả làng, người lớn, trẻ con cùng đổ cả ra đồng. Rươi không hiểu từ đâu chui lên nhiền đến thế. Từng đàn, từng đàn đỏ au kín cả mặt ruộng. Lần đầu nhìn thấy rươi đầy mình lông lá, ngoe nguẩy bơi, tôi cũng sợ…” (Tr. 146)

Tò mò, tôi tra tìm trong tin mạng, thấy con rươi có hình thù trông giống như con rít, sống dưới nước. Đọc thêm: “Rươi là một loại nhuyễn thể, thuộc bộ giun đốt, trên mình có nhiều lông tơ, sống tiếp giáp giữa vùng nước ngọt và nước lợ, mỗi năm chỉ xuất hiện ngắn ngủi có vài ngày, thời gian được dân gian đúc kết cho tới tận ngày nay vẫn còn chính xác là ‘Tháng chín đôi mươi, tháng mười mùng năm’. Có nghĩa là rươi chỉ nổi nhiều và thực hiện chức năng sinh sản tập trung nhất vào ngày 20 tháng chín và mùng 5 tháng mười âm lịch mỗi năm.” ()

Chị Hậu và hai cậu nhỏ vớt rươi về, một phần được chị dùng làm mắm: “Phần rươi còn lại, chị làm chả và kho. Cũng như làm mắm, chị Hậu cho rươi cùng với trúng gà, thì là, vỏ quýt thái thật nhỏ, và một chút bột gai vị đánh thật nhuyễn, rồi rán vàng… Món rươi kho, chị Hậu làm rất đơn giản. Bởi, ngoài một chút gia vị, mắm muối, chị chỉ lót những lá cây có sẵn ở vườn nhà, như gừng, gấc,thì là, vỏ quýt dươi đáy niêu đất, rồi cho rươi lên trên, nước đổ sâm sấp, như nấu cơm vậy. Đậy kín miệng, lửa cháy liu riu. Khi nghe nước đã sền sệt đáy niêu, thì là lúc rươi đã chín vàng. Lúc này, chị Hậu mở nắp, một mùi hương tỏa ra, thật quyến rũ, và dễ chịu…” (Tr. 147)

Những ngày về thăm quê của nhân vật tôi rồi cũng trôi qua… trôi qua theo những trò vui, phá phách trẻ con. Ngày trở về Hà Nội: “Buổi sáng xe của cậu tôi về đón tôi bên kia cầu, chờ mãi không thấy Bắc đâu. Lúc xe sắp chạy, hắn từ đâu chạy đến, giúi vào tay tôi cuốn Chú Bé Đánh Trống. Cuốn truyện tôi để lại tặng hắn. Tôi đang ngơ ngác, thì xe chạy. Thoáng buồn, tôi vân vê mở cuốn sách một cách vô thức. Bất chợt, tờ hai mươi đồng kẹp giữa hai trang sách rơi xuống… Và kể từ ngày ấy, đến nay tôi chưa gặp lại Bắc…” (Tr. 149)

Để rồi: “Năm 2006 từ Đức tôi trở về Hà Nội. Xong việc tôi về thăm quê, sau mấy chục năm biền biệt. Đứng giữa làng mà tôi cứ ngỡ đang ở nơi nào đó. Như miếng thịt ba chỉ, quê tôi trở nên nửa phố, nửa làng…

Dòng sông, tôi và Bắc đã từng thả bè thổi sáo dưới những mùa trăng không còn nữa. Thay vào đó là dãy nhà bê-tông vô hồn, nham nhở. Nhà chị Hậu đã chuyển tuốt xuống cuối làng, cạnh bãi tha ma… Hỏi về Bắc chị nói trong tiếng nấc: Bắc mất rồi.” (Tr. 149-150)

*

Từ 21 đoản văn trong “Mùa Trăng” của Đỗ Trường, tôi chọn ra 3 theo cảm nhận và sở thích cá nhân. Ít và phiến diện, nhưng tôi hy vọng đã giới thiệu tới giới thưởng ngoạn văn chương một giọng văn tài hoa, đa dạng, với một nhân sinh quan bao dung, phóng khoáng. Văn chương Đỗ Trường, khi ông viết về chiến tranh, không có những chi tiết vụng về, nhem nhuốc phân biệt ta-địch thường thấy trong những tác phẩm đã phát hành, gây nhiều tiếng vang, của những tác giả gốc miền Bắc khác.

Tôi chờ đọc một tác phẩm “dài hơi” của ông, và xin được kết thúc bài viết này bằng đoạn cuối của đoản văn “Mùa Trăng”:

“Trời về khuya. Gió đã nổi lên. Chị Hậu đứng dậy, và giục tôi vào nhà kẻo lạnh. Mùa này cũng đang mùa vỡ ải nước lên, nhưng quê tôi dường như không còn ai làm vợt, đi vớt rươi nữa. Chị Hậu bảo rươi bây giờ còn, nhưng hiếm lắm…” (Tr. 151)

Ngô Nguyên Dũng 

(07.2024)