Ngự Thuyết: Kim Long – Xích Phượng

Giáo Sư Nguyễn Văn Sâm và tác phẩm bản tuồng hát bội chữ Nôm “Kim Long Xích Phượng.” (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Giáo sư Nguyễn Văn Sâm không phải là một nhân vật xa lạ trong sinh hoạt văn học, trong đó có ngành Hán Nôm, ở miền Nam trước 1975, và nay ở hải ngoại. Ông đã có nhiều đóng góp lớn lao. Nay dù tuổi đã cao, trước sự kinh ngạc của mọi người, ông vẫn kiên trì tiếp tục công việc viết lách, cho xuất bản nhiều tác phẩm giá trị, cuốn Kim Long-Xích Phượng là một.

Những tác phẩm Hán Nôm trong văn học Việt Nam là tâm huyết, là ước vọng, là nỗi lòng, là trải nghiệm, là lời nhắn nhủ của cha ông gởi lại cho con cháu từ nhiều đời, liên tục hết đời nọ đến đời kia. Đấy là dòng máu xuyên suốt không chấm dứt, không gián đoạn, mà nếu ngược lại thì cả một dân tộc sẽ mất quá khứ, sẽ mồ côi, sẽ bơ vơ như bầy gà con mất mẹ. Nhờ có sự liên tục, ta hình dung thấy được tiền nhân qua nhiều tác phẩm cổ điển như Chinh Phụ Ngâm, Cung Oán Ngâm Khúc, Đoạn Trường Tân Thanh, Lục Vân Tiên, vân vân. Đó là những  tác phẩm chữ nôm nổi tiếng  được những nhiều người phiên âm ra chữ quốc ngữ.

Nhưng còn có biết bao nhiêu tác phẩm Hán Nôm khác vẫn chưa được quốc ngữ hóa, hoặc chưa được biết tới.  Con số đó rất lớn.  Riêng tại miền Nam Kỳ Lục Tỉnh, theo Giáo sư Nguyễn Văn Sâm, vì cách xa các trung tâm văn hóa, vì thiếu những nhà cựu học về Hán Nôm, vì không có những tờ báo lớn như Đông Dương Tạp Chí, Nam Phong Tạp Chí, Tri Tân v.v…, việc sưu tầm, nghiên cứu về Hán Nôm càng thiếu sót.  

Xưa kia, từ đời vua Lê Thánh Tông cách đây 600 năm, những sách sử trong dân gian đã được truy tìm và đưa vào kho tàng thư tịch của triều đình.  

Về sau, những tư nhân như  Nguyễn Trãi, Lê Quý Đôn, Phan Huy Chú, …  đều có những đóng góp lớn lao trong việc sưu tầm và bảo tồn di sản Hán Nôm. 

Vào Triều Nguyễn, có Thư Viện Hoàng gia lập đời vua Minh Mạng, Sử Quán Thủ Sách đời vua Thiệu Trị, Tập Hiền Viện đời vua Tự Đức, Tàng Thư Lâu đời vua Thành Thái, Tân Thư Thủ Sách đời vua Duy Tân, Cổ Học Viện Thư Tịch Thủ Sách đời vua Khải Định, Thư Viện Bảo Đại đời vua Bảo Đại. 

Ngay ở nước ngoài như Pháp, Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan v.v… cũng tàng trữ một số sách Hán Nôm của ta. 

Tư nhân thì có tủ sách Hoàng Xuân Hãn, Tạ Trọng Hiệp, Nguyễn Trần Huân, Xuân Phúc…

Hiện nay, sách Hán Nôm vẫn được nhiều vùng ở miền Bắc bảo tồn, như  tại Thái Bình, Hải Hưng, Hà Sơn Bình, Vĩnh Phú … Miền Trung thì có Thanh Hóa, Nghệ An. 

Tại cựu đô Huế, có rất nhiều thư tịch Hán Nôm lưu giữ trong triều đình, nhưng số bị mất mát, tiêu hủy vì chiến tranh cũng không ít. Hồi 1945, 1946 ở  nhiều ngôi chợ miền quê, người ta bày bán những sách Hán Nôm viết trên giấy hoa tiên quý giá. Để làm gì? Câu trả lời thật phũ phàng, để dùng làm giấy vấn thuốc lá. Điều này chứng tỏ rằng kho tàng sách Hán Nôm đã bị hủy hoại rất nhiều qua bao nhiêu thăng trầm của lịch sử, của chiến tranh. Đó là chưa kể sự tàn phá do thiên tai, lụt lội, hay thiếu sự bảo quản đúng cách từ những thư viện tư nhân. 

Tại Nam Kỳ Lục Tỉnh, nổi tiếng nhất là số sách Hán Nôm của Huỳnh Tịnh Của, Trương Vĩnh Ký, Vương Hồng Sển v.v… Nhưng con số này quá it ỏi  so với số sách Hán Nôm nằm rải rác trong dân gian chưa hề được biết tới, nói chi tới việc phiên âm ra chữ quốc ngữ.  

Điều đó thật đáng tiếc và đáng buồn.

Ngay cả đối với tuồng hát bội Kim Long – Xích Phượng rất giá trị này, người ta cũng không biết ai là tác giả. Một điều kỳ lạ là tuồng hát bội này lại do người Việt ở Chợ Lớn hợp đồng với người Hoa ở Quảng Đông lo việc in ấn. Và kỳ lạ hơn nữa, Giáo sư Nguyễn Văn Sâm đã tìm thấy tác phẩm này rồi dày công phiên âm và chú thích.  Chắc chắn không một ai trong chúng ta có thể phủ nhận tấm lòng tha thiết của Giáo sư đối với di sản quý báu của tiền nhân, đồng thời phải nể phục sức làm việc và tài năng hiếm có của Giáo sư .

Nhờ vậy, ngay bây giờ đây, tại Hội Việt Học ở Nam Cali này, cuốn sách Kim Long – Xích Phượng bằng chữ quốc ngữ do Giáo sư Nguyễn Văn Sâm phiên âm và chú thích đã ra đời và nằm trong tay của quý vị. 

Kim Long – Xích Phượng, theo đúng  truyền thống của các tuồng hát bội ngày xưa, đã diễn tả thật lôi cuốn, linh động, những tranh chấp quyền lợi, những giành giật ngôi báu, những chuyện thâm cung bí sử gay cấn, tàn khốc.  Cuối cùng, đúng như câu nói, “Thiện ác đáo đầu chung hữu báo”,  “Ở hiền gặp lành”, vở tuồng, với ngụ ý răn đời, đã kết thúc rất có hậu. Nói cách khác, Kim Long – Xích Phượng không  tránh được tính cách ước lệ như trong hầu hết các tác phẩm văn học cổ điển khác, nhưng đây là một tác phẩm có giá trị về mặt văn chương, được viết bằng một nghệ thuật vững vàng, với nhiều tình tiết rất  linh động, với nhiều câu thơ hay đầy màu sắc, hình ảnh, bằng một thứ ngôn ngữ  mạnh bạo, ngồn ngộn sức sống.       

Đây là lời ca tụng của một thể nữ trong cung cấm về sắc đẹp của Minh Châu, người mà nhà vua say mê tuyển về cung làm Thứ  Hậu. Thảo nào Hoàng Hậu phải ganh ghét, tìm cách hãm hại. Hình ảnh mô tả thật phong phú, đa dạng, chi tiết; đối ngẫu chặt chẽ, chính xác; chữ nghĩa vang dội, lôi cuốn (ở một số đoạn khác, nhiều thể thơ được sử dụng, kể cả thơ lục bát):

Tóc mây dài đuột-đuột, da trắng đỏ au-au. 

Con mắt sáng như sao, lông mày cong vòng nguyệt. 

Mười ngón tay mủi viết [1], hai môi đỏ như son. 

Gò má tợ đào non, bàn chưn như hoa nở

Vạn dân thiên hạ, ngoại quận nội trào, 

Ai ai cũng phải đầu, một bà tôi không dám.

Người đẹp đó cũng có thể là một đóa hoa bạch mai cánh trắng, hay hoa cúc nhụy vàng, sắc sảo, xuê xoang, khiến bao nhiêu bướm “xênh xang lượn lờ”, bao nhiêu ong “rập rộ tở mở”, tập trung bay về chiêm ngưỡng:

Sắc-sảo mai bông bông bạc, xuê-xoang cúc nhị nhị vàng. 

Lượn-lờ cái bướm liệng xênh-xang, tở mở chòm ong bay rập-rộ.

Một kẻ có tài kinh bang tế thế, “lục thao tam lược”, lúc vị ngộ ẩn mình nơi chốn sơn lâm “Bàn Thạch” khi còn ở quê nhà, cũng đã tỏ ra là một người con hiếu thảo, phụng sự mẹ già một cách hết sức cảm động – nhớ mẹ thèm một miếng thịt hươu, vội lên núi săn tìm; khi gặp thời, đem tài năng của mình ra phụng sự đất nước:   

Chốn Bàn Thạch ẩn mình, Bửu Lâm Sanh chữ đặt. 

Dạ cấp-củm để dành ba lược, lòng giồi-mài còn chứa sáu thao

Xót mẹ già tóc hạc tuổi cao, nên con trẻ chơn le chậm bước. 

Phút xảy nhớ bữa cơm (KL-7a) ngày trước, mẹ ước thèm một miếng thịt hươu.

Vội vàng tới sơn đầu, kiếm thịt về cho chóng.

Nhân vật này không khỏi khiến ta nghĩ đến Kẻ Sĩ của Nguyễn Công Trứ, “Lúc vị ngộ hối tàng nơi bồng tất/Hiu hiu nhiên điếu Vị canh Sằn”, mà vẫn không quên trau dồi “Lục thao tam lược” để có ngày khi gặp chân chúa, “Đem hết sở tồn làm sở dụng.

Hai câu thơ dưới đây: 

Hễ phận gái lo bề tần tảo, còn phận trai lo việc học hành[1].

Khá tìm kinh sử để vào lòng, ắt thấy của tiền bày trước mặt

gợi nhớ tới những câu ca dao ta học từ thuở nhỏ:

                        Con ơi muốn nên thân người

                        Lắng tai nghe lấy những lời mẹ cha

                        Gái thì giữ việc trong nhà

                        Khi vào canh cửi khi ra thêu thùa

                        Trai thì đọc sách ngâm thơ

                        Dùi mài kinh sử để chờ kịp khoa

                        Mai sau nối được nghiệp nhà

                        Trước là đẹp mặt sau là ấm thân 

            Tình anh em kết nghĩa, người trấn đóng ngoài biên ải, kẻ phụng sự giữa chốn triều đình, cũng được bày tỏ một cách tha thiết, một mối tình không hề phai lạt, qua lời Châu Võ Tướng nói với Bửu Lâm Sanh: 

Võ Sĩ:

Anh tưởng chữ Cối Kê chi ước, em nhớ câu bạch mã chi giao. 

Chạnh vì em ải ngoại, anh nội trào, lại lo nỗi dặm quan san đường viễn cách. 

Nơi trào nội anh tài bồi xã tắc, chốn quan trung em chống chỏi vững phong cương. 

Dầu đá nát nhẫn vàng phai, nghĩa dễ ngui, tình dễ lạt 

Thiên nhiên thì có nơi nào tươi đẹp bằng:

Trực chỉ Lãnh Trang ngàn dặm,

Mây ken trời dệt gấm màu tươi.

Trăm hoa hớn-hở đua cười,

Thông reo lạc ngựa đá ngồi hình nghê

Nhưng con người đầy tham vọng, tranh chấp, hận thù cũng có thể gây nên cảnh tượng cực kỳ khủng khiếp – một người một ngựa bị thiên tướng thiên binh truy kích đến cùng: 

Võ Sĩ:

Văng-vẳng nghe nhạc ngựa vang dầy, xa-xa thấy ngọn cờ lố xố. (KL-7a)

Trước một người một ngựa, sau thiên tướng thiên binh.

Và đây, tướng quân đơn thân độc mã bị lọt vào trùng vây: 

Ác đã tàn cung chấn, thỏ chưa lố non đoài. 

Đường tăm-tối khôn dời, nẻo mịt-mù khó bước. 

Ẻ khôn tới trước, khó nỗi lui sau. 

Thăng thiên khiếm vũ mao, quật địa vô nha trảo

Mấy câu thơ trên có chen lẫn khá nhiều chữ Hán dễ hiểu, nên người đọc có thể nắm được ý chính, như sau:

 Mặt trời đã lặn, trăng thì chưa lên. Đường đi tối đen mịt mù không biết đâu mà cất bước. Tới không được, lui không xong. Muốn bay lên trời không có cánh, muốn đào đất chui xuống không có nanh vuốt. 

Trên đây là trích dẫn mấy đoạn thơ tả người, tả cảnh, tả tình, tả cuộc chiến. Loại mô tả nào cũng đặc sắc, chứng tỏ tài năng kiêm bị của tác giả. Có rất nhiều đoạn thơ hay như thế. Đồng thời cũng không ít những câu thơ chen lẫn chữ Hán “mắc mỏ”, hoặc hoàn toàn viết bằng chữ Hán. Người lõm bõm chữ Hán như tôi thú thật đã gặp nhiều trở ngại khi tiếp cận vở tuồng này. Chẳng hạn:

Hốt quan thử lý, kỳ sự dị nhiên. 

Kim phủ hiện nhãn tiền, thạch thần vô hình tại. 

Vọng không bách bái, cảm đức tôn linh. 

Khất miễn tội tiểu sinh, phàm tục cam thất lễ

            Hay là:

Phi kỳ ký phi kỳ ký, 

Phấn uy dương phấn uy dương,

Khống thần lực mạc đào tử lộ.

Bố tinh kỳ nan thoát sanh phương 

Mong rằng trong lần tái bản cuốn sách, Giáo sư Nguyễn Văn Sâm sẽ quan tâm hơn trong phần chú giải.

Đến đây một câu hỏi được đặt ra. Liệu tuồng hát bội Kim Long – Xích Phượng có được người bình dân thời đó hoan nghênh hay không, trong khi họ không am hiểu chữ  Hán? Câu trả lời là có lẽ họ đã nồng nhiệt đón nhận. Vở tuồng diễn ra trên sân khấu với tiếng trống tiếng chiêng vang lừng, rung chuyển; với diễn viên được phục sức và hóa trang rực rỡ; với những động tác như giao chiến, múa gươm, thúc ngựa đều tuân theo những quy ước nhất định; với những câu đối đáp dù chen lẫn chữ Hán vẫn nói lên được phần nào ý nghĩa của nó; người xem, do đó, có thể đoán hiểu cốt chuyện của vở tuồng. Tuồng diễn luôn luôn dễ hiểu hơn tuồng viết. Hơn nữa, thời ấy khác bây giờ nhiều. Những phương tiện giải trí rất hiếm hoi, gánh hát bội là một trung tâm lớn lao lôi cuốn nhiều khán giả. Nhất là mỗi khi có vở tuồng mới, khán giả nô nức đi coi.

Theo chỗ tôi biết, trong các ngành nghệ thuật sân khấu, môn hát bội không được phát triển ở trong nước cũng như ở hải ngoại, nếu không muốn nói nó đang tàn lụi. Tuy nhiên Giáo sư Nguyễn Văn Sâm vẫn hết sức quan tâm đến những tuồng hát bội cũ. Tại sao? Tại vì dù không được đưa lên sân khấu, một tuồng hát bội như Kim Long – Xích Phượng vẫn có thể hiện diện như một tác phẩm văn học giá trị trong văn học sử, một cái vốn quý giá mà tiền nhân để lại cho chúng ta bây giờ, mà ta phải có bổn phận gìn giữ, và trân quý. Nhưng ta chỉ có thể gìn giữ và trân quý khi những di sản đó được những người có tâm huyết như Giáo sư Nguyễn Văn Sâm đã dày công tìm tòi, tra cứu, phiên âm, chú giải, và in thành sách.   

Ngự Thuyết 

Ngày 1 tháng 12, năm 2024

*Bài viết được chỉnh sửa từ bài nói chuyện của tác giả tại Viện Việt Học, Westminster ngày 1/12/2024, nhân dịp ra mắt tác phẩm bản tuồng hát bội chữ Nôm Kim Long Xích Phượng do Giáo Sư Nguyễn Văn Sâm phiên âm quốc ngữ và sơ chú, Nguyễn Hiền Tâm hiệu đính, và Nguyễn Anh Tú biên tập. Kim Long Xích Phượng là một tuồng hát bội cổ vô danh của miền Nam Việt Nam đã ra đời, lưu truyền trong dân gian cách nay khoảng hơn hai thế kỷ.

 [1] Ngón tay mủi (mũi?) viết, tức là ngón tay tháp bút, thuôn, nhọn, đẹp. Có nhiều chữ trong vở tuồng này khi gặp, ta như gặp lại người bạn thân thất lạc lâu ngày, vui mừng xiết bao. 

-Làn đan: Lần đân.  VD: Nó lần đân quá, bảo hoài mà nó vẫn không nghe lời.

-Dùi thẳng (Sợ dùi thẳng khiến nên biếng bước). Dùi nghĩa là không căng, chùng, như trong câu Kiều:  Trúc xe ngọn thỏ tơ chùng phím loan. Hay trong ca dao Miền Trung: Bước đi chưn thẳng cẳng dùi/Bâng khuâng nhớ mẹ bùi ngùi thương cha.

-Hủ hỉ (Xưa hôm sớm hai con hằng hủ hỉ, nay tháng ngày một lão rất bơ vơ): sum họp, vui vầy.

-Thắt thẻo (Chuỗi sầu càng đuổi càng dài, hơi quyên thắt thẻo giữa trời kêu thuơng). Ca dao Huế có câu: Chim đa đa đậu nhánh cây đa/Nó kêu thất ta thắt thẻo.

– Vân vân.