Ngự Thuyết: Tàn thuốc lá

Hình minh họa: Pixabay

Thứ Sáu chiều hôm qua, gần đến ngày lễ Giáng Sinh, trời lạnh quá. Và mưa. Cho nên sáng nay đường sạch bóng. Ô, không đúng hẳn thế. Mấy ngày vừa qua kể từ hôm ông lên đây chiều nào cũng có mưa. Con đường đã sạch từ lâu. Có khi đến khuya mới mưa. Mà mưa cũng lúc thế này, khi thế khác, mưa to, mưa nhỏ, mưa phùn, mưa bụi, y như tính khí hay thay đổi của người đẹp khó chiều. Dù gì đi nữa mưa cũng đã tẩy sạch bụi trần cho thành phố, đặc biệt là làm cho những con đường trải nhựa bóng loáng.     

Nhưng buổi sáng thì luôn luôn tạnh ráo, đôi khi có chút nắng nhỏ. “Nắng nhỏ bâng khuâng”, ông nhớ có một nhà thơ nào nói như thế.

Sáng nay, còn sớm lắm, trời càng lạnh, đường vắng teo, ông mặc hai lớp áo ấm, choàng khăn cổ, tay mang găng cẩn thận, đi hướng về phía bùng binh nằm giữa các đường Hải Thượng, Nguyễn Văn Cừ, Phan Đình Phùng, và 3 tháng 2. Ông nhận thấy người dân bản địa có vẻ như không sợ lạnh như ông; họ chỉ khoác hờ một chiếc áo len mỏng, hay chiếc áo vét-tông cổ hở và không cài nút. Như sựt nhớ ra, ông thầm bảo, “Là vì mình già rồi.” Ông thích đi một mình lúc thành phố đầy kỷ niệm này vẫn còn giữ cái bản sắc vốn tĩnh lặng của nó. Chỉ một vài giờ nữa thôi, người ta từ mọi nơi sẽ tràn ra đông như kiến, và xe cộ sẽ chạy ngược xuôi như ong vỡ tổ. Thành phố núi này đã thu hút người ta tới nhiều quá. Nghe nói người miền Bắc, miền Trung rất thích thành phố này.

Nhìn con đường dốc từ bùng binh chạy lên khu Hoà Bình, khu này nằm trên vùng thị tứ phẳng và cao, ông tưởng tượng ngày xưa khi rừng núi hoang vu chưa khai phá, đây là một trong những ngọn núi nhỏ, có đỉnh là một mặt bằng khá lớn. Nay nhà cửa, dinh cơ tràn ngập. Xưa kia các sườn núi bao quanh chạy thoai thoải xuống những thung lũng xanh tươi thông mọc trùng điệp, nay biến thành những phố xá sầm uất trên đó là những con đường dốc uốn mình nhịp nhàng, mà đường 3 tháng 2 là một. Con đường này có cái tên mới ấy. Mới đối với ông, có thể nó đã có cái tên đó ngay từ khi miền Nam sụp đổ chăng?

Cái tên mới này nghe không lôi cuốn chút nào cả nhưng con đường trông thật duyên dáng. Thật ra, hầu hết những con đường của thành phố này đều xinh đẹp, êm đềm. Lên lên xuống xuống, uốn lượn dịu dàng. Và sạch sẽ, thơm tho. Vào mùa Nô-en này nó sạch nhờ mưa như đã nói trên, thơm nhờ hoa tươi nở nhiều nơi, nhờ trái chín, cây xanh, và nhờ cả mùi cà phê từ nhiều quán nhỏ lan toả ra khắp không gian. 

Trước kia, trước 1975, con dốc này tên gì nhỉ? Trí nhớ dần dần trở về. Vâng, đường Duy Tân. Ông cố nhớ thêm nữa, nó tên là gì vào thời Pháp thuộc? Tên của danh nhân Yersin? Pasteur? Chắc không phải. Hay tên của thực dân Paul Doumer? Maréchal Pétain? Ô, phải rồi, đường Maréchal Foch. Ông cười thành tiếng, mừng thầm trí nhớ chưa đến nỗi tồi tệ. Rồi thấy vui vui trong lòng, tự nhiên chân bước nhanh hơn đưa ông đi băng ngang qua bùng binh, rồi lần từng bước một lên con dốc dài này. 

Buổi sáng ấm lên dần. Dường như nơi đây mát mẻ quanh năm, chỉ lạnh vào muà này tức là mùa Lễ Giáng Sinh, sau đó, Tết Tây, Tết Ta cũng lạnh. Cho nên những chiếc áo len nhiều màu xa trông như những cánh bướm bay chập chờn khắp nơi, nhất là tại các con đường dẫn đến những ngôi trường dành cho nữ sinh. Quên mang theo gậy, ông tự nhủ chịu khó một chút, một chút nữa thôi, ông sẽ có thể cuốc bộ lên đến cuối dốc, nghĩa là đến được khu Hoà Bình. Tại đấy tha hồ chọn các phương tiện chuyên chở. Tắc xi, xe đò, xe ôm. Rồi muốn đi đâu thì đi. Thăm chiếc hồ gương và nhà Thủy Tạ; thăm những thác nước, những vườn hoa; thăm những đồi thông, những thung lũng trồng rau quả; thăm trường xưa, thăm phố cũ; đặc biệt là tới những con phố chạy chập chờn vòng vòng theo những sười đồi thoai thoải. 

Thăm những nơi mà ông đã trở lại thăm nhiều lần. 

Mỗi lần trở lại, ông tự nhủ rằng đây là lần chót. Nhưng hễ có dịp, ông lại trở về thăm, như con chim khốn quẫn bị tên vẫn thỉnh thoảng bay về nhìn tổ cũ, để nhận ra rằng những chốn cũ ấy dần dần thay đổi không còn như trước kia. Những đổ vỡ, một thế giới đổ vỡ trong ông. Ông thở dài nhìn quanh.  

Như những đoạn phim chiếu chậm diễn ra trước mắt. Trẻ thơ, lớn lên, già nua, tàn tạ. Một cái gì như tiếng lá rơi cùng cái lạnh se se thấm qua mấy lần áo. Ông nghĩ rằng cuộc đời của người nào cũng có chuyện vui, chuyện buồn. Nhưng mỗi khi  nhớ lại, chuyện buồn vẫn hiện lên trước tiên và đậm nét. Còn chuyện vui? Nó mờ nhạt, hời hợt, hao mòn. Vậy thì có lẽ đời nhiều buồn hơn vui.

Một nhạc sĩ hồi đó, ông không nhớ tên, đã viết nên những câu ca đầy vỗ về, an ủi. Lâu quá, xưa quá, trước 1945 khi ông còn bé tí. Điệu nhạc thì đã in đậm vào ký ức, nhưng lời ca ông không chắc có nhớ được nguyên vẹn hay không. Mỗi lần nhớ tới, ông xúc động, và cảm thấy ái ngại cho tác giả của nó, một kẻ cố đi tìm vui trong cuộc sống tẻ nhạt: Đời ta bao tươi vui như hoa hồng thắm, sao ta không đón xuân sang đang về trong khóm cây … Chim xanh ca rằng … Nắng đã gieo vàng trong khóm lá xanh, và mây hồng thắm đang trôi trên trời biếc. Ông lẩm nhẩm “hoa hồng thắm”, rồi “mây hồng thắm”, “chim xanh” rồi “lá xanh”, rồi “trời biếc”. Lời reo vui gượng gạo không vực dậy nổi nỗi buồn đã tích lũy đè nặng lâu ngày, mà điệu nhạc thì man mác, rầu rầu. 

Dòng xe nối đuôi nhau chạy ngược lên dốc bỏ ông lại đằng sau cắm cúi đi từng bước một. Bỗng lẫn trong tiếng động cơ, tiếng gió siết vào mặt đường là tiếng cười trong veo, vang vang. Chắc là của một cô gái mới lớn, hồn nhiên, vô tư. Ông như sực tỉnh. Quả là cô gái đang thực sự vui sướng mới cười ròn rã đến thế. Và ông nghĩ ngay đến khúc nhạc của thời thơ ấu. Có thật đấy là khúc nhạc buồn? Hay vốn nó cũng vui, mà vì ông đã nhìn nó của quá khứ bằng nhãn quan bây giờ. Cho nên nó không vui là phải. Tuổi già buồn tẻ có thể nào nhìn thấy nguyên vẹn hoa bướm ngày xưa. Tuổi trẻ, khác. Những người đang độ thanh xuân đang rạo rực sống, xôn xao trong lời ca tiếng hát, trong điệu nhảy du dương, trong mắt nhìn đắm đuối. 

Vâng, niềm vui hay nỗi buồn vẫn gắn liền với từng giai đoạn của đời người. 

Những suy nghĩ vẩn vơ ấy khiến ông quên mệt lê bước đi mãi. Nhưng cuốc bộ lên đến lưng chừng dốc, tới khúc quanh, thì ông đuối sức. Cũng may, ngay sau lề đường khá rộng là một tiệm buôn chưa mở cửa. Ông ngạc nhiên. Tiệm buôn này sao không mở cửa cuối tuần để đón khách đến nhiều hơn những ngày khác trong tuần. Lười biếng? Dậy trưa? Thì càng tốt, nhờ thế ông có chỗ ngồi nghỉ mệt trên một bậc tam cấp trước mặt tiệm. 

Như để chống cái lạnh buổi sáng, ông ngồi chồm người ra trước, hai tay chống lên đùi, đảo mắt nhìn quanh. Không một người nào trên lề đường rộng. Ông ngạc nhiên. Quả là thời buổi này nhịp sống nhanh hơn xưa nhiều, lại có đủ loại xe cộ đưa rước, ai lại cuốc bộ lụm cụm lên dốc như mình. Hoạ chăng là người bất thường. 

Bên này đường nơi ông đang ngồi chỉ có mươi cửa hiệu dựa lưng vào sườn đồi lác đác mấy cây thông già. Ông nhớ ngay rằng ở đằng sau xa nữa, sau lưng mấy cửa hàng ấy, và ở độ cao hơn, có con đường nhỏ hai bên là những hàng thông chạy ngược vòng quanh đồi dẫn tới ngôi trường tiểu học mang tên bằng tiếng Pháp École Primaire de Dalat. Ngôi trường thời bé dại. Chắc chắn cái tên ấy không còn. Tên mới là gì nhỉ? 4 tháng 3? Hay 5 tháng 4? Mình sẽ cố gắng tới đó xem lại thử nó ra sao, nội sáng nay. 

Bên kia đường là một chuỗi dài những tiệm buôn 2 tầng, 3 tầng, một số 4 tầng, đứng kề bên nhau san sát, không để lại một khoảng trống nào cho phép thấy xa hơn đằng sau. Nhiều tiệm đã mở cửa. Trước đây lâu lắm, đấy là những dãy nhà thấp lè tè đứt quãng nằm nép mình theo con dốc. Đằng sau những dãy nhà ấy là những vườn trồng rau quả, khoai tây, cà chua, bắp sú, đậu Hoà Lan v.v… Một con suối nhỏ chảy róc rách ngày đêm ra thác Cam Ly.

Trở lại với con đường dốc Duy Tân. Còn sớm, xe cộ chạy hai chiều còn thưa thớt. 

Trí nhớ lại kéo ông về quá khứ. Trước kia, ngay trên khu chợ đã có ba cửa hàng của người Tàu khá lớn bán những bịch cà phê đã rang hoặc đã xay, bánh ngọt, bánh mì, thuốc Bắc, tạp hoá, vân vân, với những bản hiệu chữ Hán đồ sộ chua thêm tiếng Việt bé nhỏ bên dưới: Đức Xương Long, Vĩnh Hoà, Vĩnh Chấn. Bây giờ không phải chỉ đối với ba trường hợp nói trên mà thôi, tất cả các bản hiệu trong thành phố đều không còn mang một chữ Tàu nào nữa. Thay vào đó là chữ Việt, và chữ Anh bên cạnh hay bên dưới. Phải chăng người ta muốn “thân” với phương Tây xa xôi nhưng dễ chịu, mong xem đấy như là một đối trọng chống lại kẻ láng giềng phương Bắc to lớn, hung tàn, và có máu xâm lăng. Người ta nói ở đây là dân chúng bình thường của miền Nam trước kia, và cả bây giờ.

Nhưng. Lại nhưng. Nghe nói có nhiều nơi để cho người Tàu lộng hành. Nhiều khu phố trông chẳng khác gì một góc nhỏ của Thượng Hải, Vũ Hán, ở đấy bảng hiệu của các tiệm buôn, công ty, tràn ngập chữ Tàu. Và cờ Tàu thấp thoáng. Tại một số đường phố Nha Trang hay Bình Dương chẳng hạn. Tại sao vậy? Chính quyền vô ý, hay làm ngơ, hay quy phục?    

Ngồi lâu mỏi lưng, ông ngã người dựa vào song cửa sắt còn đóng kín, duỗi hai chân gác lên trên bậc tam cấp dưới. Lạnh. Vẫn còn sớm. Vẫn một mình ông với lề đường lớn, nhưng trên mặt đường, trên con dốc, xe cộ ngược xuôi càng lúc càng nhiều. Bỗng một vật gì từ trên cao đằng sau vụt bay xuống đường nhựa cách lề đường khoảng vài gang tay ngay trước mặt ông. Ông chăm chú nhìn: tàn thuốc lá. Ông bỏ hút thuốc lá đã lâu lắm, nay mới lại có dịp thấy lại tàn thuốc lá.

Lại một công dân “thiếu văn hoá” đứng trên lầu ném tàn thuốc lá qua cửa sổ, ông lầm bầm. Con đường nhựa đen sạch bóng bỗng dưng bị một tàn thuốc lá rác rưởi bám vào trông ngứa mắt. Ông muốn đứng dậy lượm tàn thuốc lá vứt đi nơi khác. Nhìn thấy xe cộ chạy nhiều quá, nguy hiểm. Mà ông lại quên. Phải chi mình nhớ mang theo cây gậy để có thể chống đi lên dốc dễ dàng hơn, và bây giờ dùng nó khều lấy cái tàn thuốc lá rác rến kia. 

Ông ngoảnh đầu tò mò nhìn lui lên phía trên lầu của cửa tiệm, bị cái ban-công chắn ngang tầm mắt, không cho thấy cửa sổ. Tất nhiên ông cũng không thể thấy chủ nhân của cái tàn thuốc lá. 

Thì ông tưởng tượng. Tưởng tượng chỉ để tưởng tượng, như có người hứa hẹn chỉ để hứa hẹn. Chắc đây là một anh chàng lười trây lười nhẫy, tóc rối bù, râu ria lởm chởm không cạo, ngón tay vàng khè vì khói thuốc lá bám vào lâu ngày, cuối tuần quen thói ngủ nướng dậy trưa, mắt nhắm mắt mở đã vội quờ tay tìm bao thuốc lá nằm trên gối hay dưới gối, rút vội điếu thuốc ra, tìm bật lửa trong túi áo hay túi quần, hay bên cạnh cây đèn trên cái bàn vuông cao và nhỏ, châm điếu thuốc, đút vào miệng hít lấy hít để một hồi gần hết cả điếu, nuốt khói, nhả khói, lim dim mắt, rồi thuận tay vứt mẩu tàn thuốc qua cửa sổ không cần biết nó sẽ rơi vào đâu. Có thể chạm vào ông, hay người khác đi trên lề đường. Không, không có ai đi trên lề đường dốc này. Thì chạm vào mặt, vào mắt ông, biết đâu. Nếu hắn sống trên rừng, cháy rừng. Nếu làm việc tại cây xăng, cháy xe cộ, cháy phố xá. Nếu và nếu. Bê bối quá. 

Bỗng dưng ông chột dạ. Đấy cũng là hình ảnh của ai nhỉ. Nó đột ngột hiện lên lờ mờ trong ký ức, như có như không, lạ lạ, quen quen. Những bạn bè của ông thời trẻ cũng thế, hay có khi còn bê bối hơn thế, trong đó có … có … Ông cười buồn, không nghĩ tiếp.   

Không được nhìn thấy mặt anh chàng “thiếu văn hoá” xem thử nó ra sao, ông đành quay lại nhìn những dòng xe, nhiều loại xe, dồn dập, chen lấn, rú ga, bốm còi, qua mặt, trông như trong những đoạn phim trinh thám, hình sự. Tàn thuốc lá nằm gần lề đường khép nép, thu mình. 

Một cơn gió từ đâu thổi đến, cái lạnh thấm vào, ông trở lại thế ngồi cũ, chồm người tới trước, co hai chân lại, hai tay chéo nhau chống vào đùi, hai mắt bỗng dưng đăm đăm nhìn nó, nhìn cái tàn thuốc lá. Nó bỗng nhiên không còn là rác rưởi xấu xa như ông nghĩ  lúc nãy. Nó đột ngột hiện ra như một kỷ vật quý hiếm từ một thời trẻ đã mất vừa tìm thấy lại.

Nó dài khoảng vài phân, a, cái anh chàng phung phí này sao không hít thêm mấy hơi nữa cho phê. Tự nhiên một mối liên cảm nẩy ra, ông thấy rất gần gũi và thân thương đối với cái anh chàng bê bối đó mà ông chưa thấy mặt, chưa quen biết. 

Từ tàn thuốc lá, một làn khói mỏng mảnh như sợi khói bốc lên khỏi cây nhang tàn trên bàn thờ trong đêm khuya khoắt. Một chấm lửa rất nhỏ thỉnh thoảng loé đỏ lên ở đầu tàn thuốc. Xe cộ về phía ông lên dốc ào ào. Bánh xe quay cuồng siết lên mặt đường như muốn chà đạp cái tàn thuốc lá lặng câm, cô đơn. Phía bên kia đường bóng xe vùn vụt đổ  xuống dốc càng ghê khiếp hơn. Ô, cơn gió lạ nào lại thổi sát mặt đường khiến sợi khói từ tàn thuốc lá lắm khi quay tròn, quay nghiêng, hoảng hốt? Có lẽ không phải thế, ông đã nghĩ ra. Những bánh xe hơi lướt qua không xa cái tàn thuốc lá bao nhiêu, chuyển động cái không khí sát mặt đường, tạo nên chút gió thổi sợi khói bay tứ tung, tán loạn. 

Bỗng, thật không ngờ, ông trở lại với cái trò đùa dại dột xưa cũ. Và nguy hiểm. Cũng vì cái tàn thuốc lá ấy. 

Hồi đó, thảng hoặc mà thôi, ông có cái tật xấu muốn bỏ mà mãi về sau mới bỏ được. Tự dưng buộc mình vào tình thế khó khăn, “khủng hoảng”. Chẳng hạn một buổi sáng đi bộ trên một con đường nào đó, ông nguyền (nếu không muốn nói thề nguyện) rằng, nếu đi hết đường mà không gặp đủ 10 người thấp hơn mình, thì mình sẽ gặp toàn chuyện nguy hiểm, hoặc xui xẻo suốt ngày. Hoặc khi đi thi lái xe, nếu trên đường đến DMV (Nha Lộ Vận, tên thời Việt Nam Cộng Hoà) mà không gặp được 2 chiếc xe có bản số “9 nút”, sẽ trượt là cái chắc. Hoặc vừa ra khỏi nhà để đi Las Vegas thử thời vận lại gặp một bà già khú đế, nhăn nheo, thì thế nào cũng bị cháy sạch túi. 

Những chi tiết 10 người, hay 2 xe, hay bà già, do ông buột miệng nói ra, không so đo, tính toán gì cả. Có thể đấy là 8 người, 3 xe, hay ông già, chẳng hạn. Chuyện may rủi mà, các chi tiết đó phải xuất hiện một cách ngẫu nhiên mới tạo ra những kết quả đúng đắn. Nếu nuôi ý đồ từ trước, chẳng hạn cố ý chọn những sự kiện dễ đưa đến kết quả tốt đẹp, thì sẽ không linh ứng. Linh ứng với cái gì nhỉ? Ông thầm trả lời, linh ứng với lời thề. 

Bây giờ khác. Đã trọng tuổi rồi. Ông không cần, cũng không muốn, chờ đợi một cái gì ly kỳ hết. Ông thừa biết mong chờ thường không gặp hoặc khó gặp, càng thêm thất vọng một cách vô lối. Hoặc may mà có gặp đi nữa, ông cũng không tha thiết mấy. Chuyện gì phải đến, sẽ đến. Chỉ mong nó đừng có quá xấu xa, tệ hại, là được rồi. Thời trẻ không thế. Mong đợi đủ thứ hão huyền trên đời, nuôi hy vọng cũng lắm. Ngày mai, tương lai, hậu quả, ảnh hưởng, tiền đồ, sự nghiệp, kỳ vọng, tuyệt vọng, ham muốn, si mê, ganh ghét, thù hằn, hiếu thắng. Danh sách này còn dài. 

Hôm nay cái tàn thuốc lá này bỗng dưng khấy động lên, gợi nhớ đủ thứ chuyện, vui cũng như buồn. Cái tuổi trẻ xa xôi ấy, rời quê nhà vào đại học, tự do phơi phới, tập tễnh làm người lớn, rượu, nhảy, gái, xì phé, và nhất là thuốc lá, thuốc lá hiệu Bastos xanh không đắt tiền mà ngon, và không làm khản cổ. Rồi bao nhiêu dâu biển. 

Nhìn tàn thuốc lá nằm trơ trơ đó, nhìn lại bản thân ngồi đờ đẫn đây, ông liên tưởng, và so sánh.  

Trong khi đó những bánh xe lăn mau trông thật đáng sợ. May là cái tàn thuốc lá nằm gần sát lề đường nên chưa bị giày xéo. Làn khói thuốc nhỏ như sợi tơ mỏng vẫn bay cuống cuồng. Có lúc trông nó như một dải lụa nhỏ, dài trong tay con búp bê bé tí, ma quái biết múa may, trửng giỡn. Có lúc chẳng khác hai cái râu con dế lửa đỏ hồng của thời thơ ấu vung lên thành hai ngọn thương mỗi khi xáp trận với một con dế than đen thui dữ tợn. Lại có lúc nó uốn mình thành con số không, hay dấu hỏi, hay dấu chấm than. Vân vân. Thêm vào đó là mấy chấm lửa đỏ nhỏ như đầu cây kim nhọn nhấp nháy, loe loé, báo động, bí hiểm.  

Ông ngây người nhìn như mê. Bỗng tàn thuốc lá lên tiếng bảo thầm bên tai ông rằng ông phải phát lời nguyền như ông đã từng làm mỗi khi mong muốn một điều gì, và cả mỗi khi gặp chuyện khác thường hay bình thường mà ông cố vin vào đó để đoán việc rủi may sắp xẩy ra cho mình. Huống là biến cố hôm nay hết sức lạ lùng, khó có thể xẩy ra lần thứ hai, phải kịp thời đối phó và giải quyết. Thế hả, thế hả, ông buột miệng nói thành tiếng. Nếu có ai đứng cạnh thấy thế sẽ cho rằng ông có vấn đề. 

Vâng, nếu tôi không đếm đủ 100 tiếng trước khi sợi khói tắt, thì đời tôi cũng tắt theo. Hay … chí ít những giấc mơ đang đeo đuổi, nếu còn, cũng tàn lụi ngay, thì cuộc đời của tôi không đáng sống nữa. Còn nếu đếm kịp? Thì … thì … cái gì xẩy ra, ông chưa nghĩ đến. 

Ông thảng thốt đã buột miệng thề liều lĩnh như vậy. Cũng có lúc ông nói láo với người khác, nhưng không nói láo với chính mình. Thường, khi đã tự bảo phải làm cái gì, ông cố làm cho được. Khi đã phát lời nguyền, phải nhận lãnh cái kết cục của nó dù tốt dù xấu. Có thế mới gọi là lời nguyền, và lời nguyền mới linh nghiệm. Ông tin tưởng như vậy. Nhưng cũng có khi kết cục lẽ ra phải xấu vì trái với lời nguyền, nhưng nó không xấu chút nào cả. Vậy lời nguyền không linh nghiệm? Hay đấy chỉ là chuyện phù phiếm? Đó là câu hỏi mà ông chưa có câu trả lời.    

Ông bắt đầu đếm, đồng thời không rời mắt khỏi sợi khói bay lên từ tàn thuốc lá. Sợi khói mỏng dần, bay vật vờ, là đà gần như không thể vươn lên khỏi mặt đường. Ông hoảng hốt, đếm nhanh. Nhưng kịp nhận thấy làm cách đó là gian lận, cho nên ông đếm chậm lại bắt đầu từ số 1. Mắt càng mở to, tim đập mạnh hơn, hồi hộp chờ. 

Những bánh xe ào ào chạy qua. Ông chỉ nhìn bánh xe, nhưng đoán biết đấy là loại xe gì, xe hơi, xe gắn máy, hay xe đạp. Chưa bánh xe nào chạy sát cái tàn thuốc lá. Bỗng một xe ba bánh chở đồ lỉnh kỉnh do một người phu xe oằn mình kéo lên dốc. Cái bánh sau bên phải bò gần sát lề đường suýt đè lên nó thì tự nhiên nó né tránh, như con sâu róm nhúc nhích, lùi dần gần sát lề đường hơn nữa. Ông sững sốt bật người đứng dậy. Tự nó làm thế hay do một hơi gió thổi rà rà trên mặt đường nhựa đã kịp thời lao tới giải cứu cho nó chăng? 

Ông tiếp tục từ từ đếm. Tới số 81 thì sợi khói tự nó “đứt bóng”.  Dù chưa bị một bánh xe nào cán lên.

Ông thở dài ngồi xuống ngửa người ra sau dựa vào song cửa sắt, chán ngán ngẩng đầu nhìn trời. Thôi, thế là hết. Thế là xong chuyện. Lòng bỗng nguội lạnh. Mây trắng bàng bạc khắp bầu trời. Giáng Sinh năm nay chắc buồn. Lác đác đây đó những đám mây đen nặng trĩu hứa hẹn một trận mưa sắp đến. Vâng mưa đi lạc là chuyện thường, như người đàn bà đẹp khó chiều đi lạc đường. Mưa có thể đổ xuống vào buổi sáng thay vì buổi chiều vào mùa này, ông ngẫm nghĩ. Mà cần gì mưa, ông than thầm. Tàn thuốc lá cũng đã tắt ngấm từ “mấy đời vương “ rồi. 

Bỗng, lạ thay, sợi khói trông như sợi tóc trắng lại vươn lên, uể oải, nhọc nhằn. Cái tàn thuốc bị cháy đen gần hết, chỉ còn độ một phân tây, nhưng nó đã trở mình phủ kín sợi khói trong khoảnh khắc. Thế tia lửa, ông đảo mắt nhìn. Kìa, chấm lửa cũng còn le lói, nhấp nháy như có như không bên dưới lớp tro trắng. Sợi khói tóc thì quờ quạng bay bay, lung lay. 

Ông vội vàng đếm tiếp, cố giữ nhịp độ như cũ. Đếm tới số 104 thì cái tia lửa nhỏ li ti tắt hẳn, và sợi khói cũng tan biến vào hư vô. Ông chờ thêm vài phút. Chẳng còn gì xẩy ra nữa.

Thế là mình đã đạt được kết quả mong muốn rồi chăng, ông tự hỏi. Kết quả gì? Cái kết quả mông lung nào đó mà ông không hề biết cũng không hề mong. Chỉ thấy lòng không vui như ông tưởng. 

Ông định bước xuống khỏi bậc tam cấp, một lần nữa đến lề đường nhặt tàn thuốc lá lên. Để làm gì không biết nhưng chắc chắn sẽ không vất nó vào nơi khác cho sạch đường, cho rảnh mắt, như trước kia mình nghĩ. Nhưng lại vẫn thấy nguy hiểm quá. Xe chạy nườm nượp, lồng lộn. Thôi vậy.

Nhìn lại tàn thuốc lá lần cuối, rồi rán sức cuốc bộ nhanh lên tới đầu dốc đường Duy Tân thuộc khu Hoà Bình, mình sẽ tính chuyện khác thư thái hơn, ông tự nhủ. Lên tới đó sẽ như một giải thoát, xe sẽ đưa ông đi nhanh tới những nơi quen thuộc, bình yên khác, xa rời những khắc khoải mới nhóm lên trong lòng mà ông biết rằng nó sẽ ám ảnh ông lâu dài. Nhưng ông không thể cất bước đi ngay nổi, lòng chùng xuống. Và bần thần tự hỏi. Nếu muốn ví von điếu thuốc lá như một sinh vật có thân xác, thì có thể xem hồn của nó là khói thuốc chăng. Nó bắt đầu cuộc sống sinh động khi có mồi lửa châm vào, gây nên lắm chuyện lôi thôi, khiến kẻ thương người ghét. Và làn khói nhả ra, bay biến vào hư không. Rồi điếu thuốc cháy dần theo thời khắc qua mau. Để cuối cùng chỉ còn lại cái tàn. Lửa cũng tắt, khói cũng tan. Bây giờ tàn thuốc lá trông chẳng khác gì cái xác không hồn. 

Phút trước ông hồi hộp sợ nó bị xe cán, phút này ông tha thiết mong có nhiều bánh xe giày xéo lên tàn thuốc lá, nghiền nát nó thành tro, thành bụi, không còn để lại dấu vết gì trên con dốc, trên cõi đời này, theo gió bay lên không gian biệt tích.  

Ngự Thuyết  

12/2023