Nguyễn Bình Phương: Cấm ngừa thai

Hôm nay, một dự luật mang tên Right to Contraception Act (Dự luật Quyền Ngừa thai) nhằm bảo đảm quyền truy cập các biện pháp ngừa thai bị thất bại tại Thượng viện. Dự luật này do phía Dân chủ đưa ra, cần 60 phiếu để thông qua vòng bầu thủ tục (procedural vote) để đưa ra bàn thảo nhưng chỉ được 51 phiếu, gồm tất cả phiếu của phe Dân chủ và hai phiếu của hai Thượng Nghị Sĩ Cộng hòa, Lisa Murkowski và Susan Collins.

Tám năm trước, ứng cử viên tổng thống Hillary Clinton nhiều lần nhấn mạnh tính cấp bách của việc luật hóa án lệ Roe v. Wade để bảo đảm quyền phá thai, nhưng không thu hút được sự chú ý. Người ta cứ nghĩ rằng đó là một nữ quyền đã được xác lập bởi án lệ Roe v. Wade từ 50 năm trước vào 1973. Hai năm trước, ba vị thẩm phán được Trump bổ nhiệm là Gorsuch, Kavanaugh, và Barrett đã cùng ba vị thẩm phán bảo thủ khác là Thomas, Alito, và Roberts bỏ phiếu để hủy bỏ án lệ Roe v. Wade, trao lại cho các tiểu bang toàn quyền quyết định về quyền phá thai. Trong các cuộc điều trần chuẩn nhận các thẩm phán do Trump bổ nhiệm trước đó chỉ vài năm, các vị thẩm phán này đều nhìn nhận Roe v. Wade đã ngã ngũ và là án tiền lệ, nhưng họ đều mập mờ về thái độ của họ với án lệ đó. 

Sau khi tin tức lộ ra rằng Tối Cao Pháp Viện đã thông qua việc hủy bỏ án lệ, hai Thượng Nghị Sĩ Collins và Murkowski bày tỏ thất vọng vì bị ba người kia đánh lừa để được chuẩn nhận. Thượng Nghị Sĩ Murkowski, từng ủng hộ Gorsuch và Barrett, nói với NBC rằng “đó không phải là chiều hướng Tòa sẽ đi, theo như các tuyên bố được đưa ra (của các thẩm phán được đề cử) rằng Roe đã được thiết lập và là tiền lệ.” Thượng Nghị Sĩ Collins, người bỏ lá phiếu thuận quyết định cho Gorsuch và Kavanaugh, tuyên bố rằng, “nó hoàn toàn trái ngược với những gì Gorsuch và Kavanaugh đã nói tại các buổi điều trần và tại các cuộc họp ở văn phòng của tôi.”

Chuyện đã rồi. Kết quả là hàng loạt tiểu bang Cộng hòa thi nhau đưa ra những đạo luật khắc nghiệt để cấm đoán. Có vài tiểu bang, như Florida, Georgia, South Carolina, chỉ cho phép phá thai dưới 6 tuần, thời điểm người phụ nữ có thể chưa biết họ mang thai. Có 15 tiểu bang, như Alabama, Arkansas, Arizona, Texas …, cấm tiệt việc phá thai từ khi tinh trùng đụng trứng. Texas còn buộc tội cả bác sĩ, nhân viên y tế cung cấp dịch vụ, và cả những người lái taxi hay người chở giúp, cho những người phụ nữ phá thai. 

Bao chuyện dở khóc dở cười xảy ra từ khi Roe v. Wade bị xóa bỏ. Một bé gái 10 tuổi ở Ohio bị cưỡng hiếp phải trốn sang Indiana để phá thai. Hay chuyện một bác sĩ phụ khoa ở Idaho bó tay đứng nhìn một thai phụ bị vỡ ối được đưa ra máy bay khẩn cấp để tìm sự điều trị ở một tiểu bang khác chỉ vì giải pháp duy nhất là hủy thai để cứu thai phụ bị xem là tội phạm tại Idaho. Hay chuyện một phụ nữ ở Texas bị sảy thai ở tuần 13 nhưng bác sĩ không thể can thiệp để trục thai vì sợ phạm luật, các vị lương y chỉ có thể cho toa misoprostol về nhà tự xử, mặc cho tình trạng băng huyết của thai phụ. (Misoprostol là một loại thuốc có thể dùng để ngừa thai bên cạnh các công dụng khác, hiện đang bị Tối Cao Pháp Viện xem xét để cấm.) Và bao nhiêu chuyện như thế đang diễn ra mỗi ngày tại một nước “văn minh” và “tiên tiến”.

Tòa Tối Cao Alabama còn đặt ra ngoài vòng pháp luật phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm (IVF), khiến Quốc hội Alabama vội vã ra luật hợp pháp hóa IVF vì dân chúng quá phẫn nộ. Phát biểu tại Thượng viện vào hôm qua, Thượng Nghị Sĩ Tammy Duckworth (DC, Illinois) nói rằng, “Trong gần hai năm qua từ khi Tối Cao Pháp Viện đập đổ án lệ Roe v. Wade, đất nước chúng ta chứng kiến những hậu quả kinh hoàng của cuộc thánh chiến phản khoa học, chống phụ nữ, đã gây nguy khó cho nhu cầu IVF của hàng triệu người Mỹ đang muốn tạo dựng một gia đình.” Nữ Thượng Nghị Sĩ Duckworth là một cựu trung tá với huy chương Purple Heart, di chuyển bằng xe lăn vì bị thương tại chiến trường Iraq. Mấy ai biết bà là một di dân từ Thái Lan và là người đã lớn lên từ một phôi thai IVF.

Không phải vô cớ mà phe Dân chủ lại muốn luật hóa quyền ngừa thai. Ngay khi đánh đổ án lệ Roe v. Wade, thẩm phán Thomas tuyên bố cần xem lại các án lệ về quyền ngừa thai và hôn nhân đồng tính. Quyền ngừa thai được hợp pháp hóa qua án lệ Griswold v. Connecticut vào năm 1965; quyền quan hệ đồng tính được hợp pháp hóa qua án lệ Lawrence v. Texas vào 2003; và hôn nhân đồng tính được hợp pháp hóa qua án lệ Obergefell v. Hodges vào 2015. Không rõ liệu rồi ông thẩm phán Thomas có dòm ngó tới án lệ Loving v. Virginia, công nhận hôn nhân dị chủng từ năm 1967, một án lệ mà ông là người thụ hưởng.

Trở lại với dự luật quyền ngừa thai hôm qua, toàn bộ số Thượng Nghị Sĩ Cộng hòa có mặt, trừ hai vị kể trên, đã bỏ phiếu chống. Họ biện hộ rằng họ có đưa ra dự luật về quyền ngừa thai và về IVF chứ chẳng phải không, rằng phe Dân chủ chỉ bày trò chính trị chứ dự luật của họ tốt hơn. Cái tốt hơn họ đề cập là nó trao quyền quyết định về cho các tiểu bang, và dùng các khoản trợ cấp y tế Medicaid từ liên bang để ràng buộc các tiểu bang không được từ chối hai quyền nói trên.

Nói chuyện dùng trợ cấp liên bang như củ cà rốt, thử nhìn sang Florida thì rõ. Florida đã từ chối nhận hàng trăm triệu Mỹ kim từ liên bang để chống vấn đề biến đổi khí hậu của Đạo luật Giảm Lạm phát (IRA), vì họ không muốn phát triển năng lượng sạch thay cho năng lượng hóa thạch. Theo tổ chức Học viện Chính sách Florida, tiểu bang này đã từ chối tổng cộng 11 tỷ Mỹ kim tiền trợ cấp từ chính phủ liên bang trong những năm qua dưới thời thống đốc DeSantis. Lý do họ từ chối là vì liên bang “chính trị hóa” các khoản trợ cấp qua các chương trình được đề xuất. Chắc hẳn, quyền ngừa thai sẽ được chính quyền bảo thủ Florida xem là “chính trị hóa”. Tìm hiểu xa hơn, sẽ thấy không ít cấm đoán khắc nghiệt mới ra đời trong mấy năm qua tại Florida. Những “củ cà rốt” của chính phủ liên bang thường mang lại công ích đại chúng hay người thường dân nên không hấp dẫn đám dân cử 

Cộng hoà, những kẻ giờ chỉ biết phục vụ cho giới giàu, các giới đặc quyền khác.

Nhìn bao quát hơn, ngược với lập luận rằng đảng Dân chủ đang “chính trị hóa” cái này cái nọ, đảng Cộng hòa đang tôn giáo hóa quốc gia này, hay đúng hơn là mượn danh tôn giáo để kéo quốc gia này lùi năm sáu mươi năm về thời kỳ dân da trắng hoàn toàn thống trị. Ảnh hưởng của Thiên Chúa giáo, hay chính xác hơn là của chủ nghĩa dân tộc Thiên Chúa giáo đang ngày càng bao phủ nhiều mảng của đời sống chính trị xã hội Mỹ, cho dù sự tách biệt giữa tôn giáo và nhà nước đã được minh định trong Hiến pháp. 

Đảng Cộng hòa ngày nay mượn chiêu bài vị sinh (pro-life) của Thiên Chúa giáo để áp đặt những quy định khắc nghiệt họ muốn, trong một nỗ lực đem nước Mỹ lùi lại vài chục hoặc vài trăm năm trước. Nếu thực sự vị sinh, hẳn họ đã không ủng hộ vô giới hạn quyền súng, một quyền mang lại chết chóc, tang thương, mất mát và đau khổ cho người dân Mỹ, khắp nơi, mọi lúc, và không chừa một ai. Nếu thực sự học theo Chúa Ki-tô, hẳn họ đã không luôn tìm cách cắt giảm chút quyền lợi còm cõi của đám dân nghèo để lo giảm thuế cho những tên triệu phú hay tỷ phú. Nếu họ thực hành những lời dạy trong Kinh Thánh, hẳn họ đã đối đãi những “người anh em” của họ bằng “lòng nhân từ, thương xót, và tha thứ” chứ không phải bằng những trò đạo đức giả, mị dân, và xảo trá. Và chắc chắn họ sẽ không tôn sùng và lựa chọn một kẻ gian dối, tham lam, đồi bại làm người lãnh đạo.

Nước Mỹ cần một đảng Cộng hòa chân chính hơn, lành mạnh hơn, vị sinh hơn chiêu bài hiện tại của nó./.

Nguyễn Bình Phương