Nguyễn Công Khanh: Ngôi Chùa Ngày Xuân

Chùa Phước Huệ, (Tacoma, WA) trong ngày tuyết

Tôi còn nhớ một cái Tết năm xưa, tôi lái xe đưa gia đình từ Seattle xuống Tacoma một thành phố lân cận để đến lễ đầu năm tại một ngôi chùa và chọn cho đúng hướng xuất hành năm mới. Ngôi chùa này và nhà sư trụ trì còn trẻ, lại là một nhà thơ mà tôi đã nghe một người bạn nhắc đến và đây là lần đầu chúng tôi đến lễ.  

Tên chùa là Phước Huệ, nhà sư trụ trì có pháp danh là Thích Phước Toàn, hai cái tên thật là chân phương. Danh vị của nhà sư là Tỳ Kheo, khác với nhiều chùa các vị trụ trì đều là Hòa Thượng hay Thượng Tọa, điều đó không có gì khác biệt đối với sự hâm mộ của tôi với nhà sư. Các chùa khác thường tọa lạc trong thành phố, xung quanh là khu dân cư, chùa Phước Huệ ở xa thành phố, trong một vùng có những cánh đồng còn trống và có những khu rừng nhỏ còn sót lại. Chùa lúc đó còn ở trong một căn nhà nhỏ đơn sơ nằm sát bên đường, trên một khu đất khá rộng nhiều mẫu đã được tạo mãi, bốn bề vuông vắn, bằng phẳng.

Khi chúng tôi đến, buổi lễ vừa chấm dứt. Tôi có dịp đi quanh chánh điện và phòng khách đọc những câu thơ được lồng trong khung kính tỏa chất Thiền viết theo cách thư pháp nghiêm chỉnh và phóng khoáng. 

Thấy có khách lạ, nhà sư ra tiếp. Chúng tôi cúi đầu chào và thưa chuyện; tôi gọi nhà sư là “Thầy”, người có nhiệm vụ dẫn chúng sinh vào đạo pháp. Thầy gọi tôi là “Bác”, vì tuổi tôi đã khá cao. Thầy mời sang phòng bên dùng trà. Chúng tôi cùng ngồi xuống một tấm phản lớn, ở giữa đặt một cái bàn làm bằng một khúc rễ cây lớn cưa phẳng tráng một lớp nhựa bóng. Thầy rót nước nóng vào bình trà cổ và đợi một lúc chuyên ra các chén nhỏ. Chúng tôi cùng nâng chén, hương trà thơm thoảng hương vị trang nghiêm của giây phút đầu Xuân. Sau khi thăm hỏi, tôi có nhắc đến tập thơ của thầy vừa xuất bản. Thầy đưa tôi tập thơ, tôi lần giở từng trang, hầu hết là những bài thơ đượm chất Thiền. Tôi chọn những bài thơ mà tôi ưa thích và xin phép đọc. Sau mỗi bài chúng tôi ngưng lại bình thơ và điểm những từ tuyệt cú trong bài. 

Giọng Huế của thầy rất nhẹ, bỗng nhiên tôi nhớ đến những ngày hè tôi ở Huế. Cha tôi làm việc ở Đà Nẵng, tôi theo học ở Saigon, cứ mỗi kỳ hè là tôi về thăm gia đình. Đó là những năm cuối thập niên 50. Lần đầu tôi đi bằng đường bộ, có lần bằng đường thủy và sau này bằng đường xe lửa. Đi xe lửa không mất tiền vì cha tôi làm cho sở Hỏa Xa. Tôi thường lên Huế ở hàng tuần với các người bạn mới quen, đạp xe đi thăm gần như hầu hết các lăng tẩm, các ngôi cổ tự cùng những nơi có những cái tên đọc lên là thấy “Huế” rồi. 

Thời niên thiếu, ở miền Bắc tôi đã đi qua những làng quê điêu tàn hồi tiêu thổ kháng chiến trong chiến tranh Việt Pháp, không có thời giờ cảm nhận được tình quê hương, nhất là sau này vì những hà khắc của một chế độ nghĩ đến mà còn rùng mình. Khi trưởng thành ra trường tôi được phục vụ tại các tỉnh và quận xa ở miền Nam. Những lúc ngồi xe đò qua những cánh đồng lúa bát ngát, những chiều qua phà Vàm Cống, nhìn dòng sông rộng với những đám độc bình bị nước cuốn trôi nhanh trên dòng nước, thấy cái tình quê sao nó mênh mông trôi nổi đến thế. Nhưng với miền Trung, với Huế thì khác hẳn, có lẽ vào cái tuổi đôi mươi, tôi dễ cảm thấy cái tình tự, cái tình quê hương của miền đất này nó khác hẳn, nó cô đọng, tha thiết hơn nhiều, chẳng thế mà có rất nhiều bài hát về miền Trung và nhất là về Huế được làm ra, được hát lên vẫn làm cho người ta phải rưng rưng .. Tôi nghĩ rằng thầy Phước Toàn cũng đã có những ngày như chúng tôi ở đó.     

Ngồi uống trà và đọc thơ với thầy đã lâu, sợ làm mất nhiều thời giờ, tôi xin phép tạm biệt. Khi bước chân ra ngoài, tôi chợt thấy một quả chuông lớn, một “Đại hồng chung”, được đúc với những hoa văn, linh vật và cổ ngữ chân truyền được treo tạm bên hiên. Ít lâu sau, tôi đọc một tờ báo địa phương báo tin là quả chuông này đã bị mất cắp. Ai cũng nghĩ chuyện như thế rồi cũng qua, của mất đi có bao giờ tìm lại được. Thế mà khoảng hai năm sau, tôi đọc báo có tin là quả chuông đã có người đem trả lại. Tôi nghĩ quả chuông nặng hàng tấn như thế chắc phải cần đến mấy người khuân và phải dùng xe truck mới đem đi được. Thật là có một sự linh thiêng huyền diệu nào đó đã chuyển hóa được lòng người.

*

Bây giờ chùa được coi như đã gần hoàn thành. Khuôn viên chùa nay trông như rộng ra, mênh mông. Bãi đậu xe rộng rãi, không vất vả phải tìm chỗ như nhiều chùa khác. Chùa không xây dựng theo cách hoành tráng, mà đơn giản, nhã nhặn. 

Khách thập phương đến thăm chùa, đậu xe xong, hãy để một chút thời giờ thả bộ đi quanh chùa mới thấy những nét đặc thù của chùa được thiết kế theo tính cách thật là nghệ thuật. Chúng tôi đã có dịp  đi như thế một vài lần. Ngay cổng vào, một hồ nước theo hình chữ S, hình của nước Việt Nam. Những gốc cây lớn, những bụi hoa nhỏ quanh đó được chăm sóc như một bức tranh cổ bao bọc hình ảnh đất nước mà mình đem theo. Hãy ngồi ở đó mươi phút và nhớ đến hai câu thơ:

Mái chùa ấp ủ hồn dân tộc
Nếp sống muôn đời của tổ tiên.

(Hòa thượng Thích Mẫn Giác) 

Đi theo phía bên trái khuôn viên, là hai hàng tượng Phật và La Hán đứng trải dài. Hãy để lòng thanh thản, bước đi thong thả như những bước thiền hành. Hãy đứng lại trước từng pho tượng, trong cái tĩnh lặng đó, hãy ngắm dung nhan từng vị và chậm rãi đọc những câu kệ, câu thơ được khắc cạnh đó, để những câu đó thấm vào mình. Nếu có con cháu đi theo, hãy bảo chúng đọc lên những hàng Anh ngữ được chuyển dịch và nếu có thể hãy giảng cho chúng biết ý nghĩa của những câu kệ đó. Cái hồn dân tộc, cái nếp sống tổ tiên chắc cần phải được truyền lại cho các thế hệ kế tiếp.

Phía bên phải khuôn viên có những thảm cỏ xanh, có tượng Phật nằm, hãy tìm một chỗ ngồi. Ngồi trong tĩnh lặng, ngồi trong tỉnh thức để chiêm nghiệm Phật đã nghĩ ra những gì để dẫn dắt chúng sinh. Đạo và Đời thường đi song hành với nhau. Trong Đời có Đạo và Đời sinh ra Đạo. Đạo thì nhập thế như một triết lý để dẫn dắt chúng sinh về Chân Thiện Mỹ. Đời thì biến dạng luôn nhanh như điện tử và kinh kệ vẫn là những chân lý nguyên thủy từ ngàn năm xưa không thay đổi. Phật ở trong ta, trong ta có Phật tính. Ta sẽ thành Phật khi ta biết tu hành trọn đạo.

Hãy đi vào chánh điện lễ Phật, ngôi tượng Phật lớn trong ánh hào quang, hoàn toàn bằng gỗ mộc, không tô điểm nạm vàng sơn son thiếp đỏ.

Cũng đừng quên, hãy nhẹ nhàng lên tầng lầu phía sau chùa, được coi như một bảo tàng nhỏ sưu tập đến trăm bộ đồ trà cổ hiếm có mà tưởng tượng đến người xưa cùng đối ẩm trong trà đạo. 

Ngày tết đi lễ chùa, hãy ở lại xin thầy vài chữ chúc Tết cho năm mới như trước kia người ta thường nhờ các ông đồ già viết câu đối mừng Xuân. Chữ của thầy viết trên các chiếc đĩa nhựa trắng, không thua kém gì những nét như phượng múa rồng bay của người xưa. 

Nhân dịp đầu Xuân, tôi xin chép lại bài thơ của thầy, nhà thơ Tuệ Minh để quý vị thưởng ngoạn:

Trường Xuân

Ta về thăm lại một người
Dưới chân Cửu Lũng và đôi gốc tùng

Ta về thăm lại nắng hồng
Nắng pha màu nắng, hương xông ngọt ngào
Khói hương quyện tỏa cao cao
Lửng lơ trước gió, hoa đào ngây ngây

Xuân còn tất cả còn đây
Còn trong ánh mắt, còn đầy con tim
Nghìn xưa tôi vẫn đi tìm
Giáp phòng sinh tử, lặng im kiếp người

Ở đây tôi lại gặp tôi
Gặp mùa Xuân trẻ, đất trời thênh thênh
Cảnh xưa còn đó yên lành
Suối từ Tịnh Thủy biến thành Trường Xuân.


Nguyễn Công Khanh