Truyện ký Mặc Lý: Dì Châu

1.

Tôi ngồi trước màn ảnh máy tính, theo dõi tin tức nước Mỹ. Hình ảnh bác sĩ Fauci được phỏng vấn rồi đoàn xe tổng thống Trump ra vào bệnh viện Walter Reed nhảy múa trước mắt. Trời tháng mười mau tối.

Nga hỏi vọng từ đầu cầu thang:

– Ăn cơm chưa anh?

Tôi uể oải:

– Ừ, thôi ăn cơm rồi mình đi bộ một chút.

Mùa dịch, làm việc ở nhà ngồi hoài cuồng chân, hai vợ chồng tôi mỗi tối đều rủ nhau đi bộ. Không mặt nạ, chỉ tránh khi có người đến gần, như là một cách tung hê mọi thứ, thoát áp lực trong cơn dịch. Bước lên cầu thang, tôi đi thẳng xuống bếp. Chỉ có hai vợ chồng ăn với nhau. Hai đứa con như chim rời tổ, thỉnh thoảng mới thấy mặt trong một dịp nào đó. Ngọn đèn chùm trên bàn ăn nhỏ toả ánh sáng vàng. Nga hạ thớt xắt mấy cọng hành. Tôi dọn chén đũa lên bàn, hai chén, hai đũa, hai muỗng như thường lệ. Tôi lấy đũa, gắp mấy lát cá kho ra đĩa, từ trong ô thực phẩm mà Nga làm vài ngày một lần rồi mang cả dĩa bỏ vào máy vi ba, bấm một phút rưỡi. Thêm một đĩa với ít broccoli từ nồi hấp. Nga lấy một một bát lớn, múc canh bí sáp từ trong nồi để trên bếp ra, trên để hành ngò vừa xắt xong. Hai vợ chồng ngồi, vừa ăn vừa bàn về chuyện số bệnh nhân Covid đang tăng rất nhanh ở Mỹ, ở Canada và ở ngay thành phố cả hai đang sống.

Tiếng điện thoại trên bàn làm việc của Nga reo lên. Nga đứng dậy:

– Thôi anh dọn nhé, để em xem ai phôn.

– Ừ, để đó cho anh.

Nga bước sang chỗ làm việc, cầm phôn lên và ngồi xuống sofa. Tôi thu dọn chén đĩa dơ, bỏ vào chậu rửa. Cũng chẳng bao nhiêu. Chờ độ nửa tiếng nữa thì tôi sẽ rủ Nga đi bộ. Mỗi ngày cả hai ráng đi bộ đều đặn bốn, năm cây số. Một thói quen mới, có lẽ cũng tốt.

Nga đặt phôn xuống, trở lại bàn ăn, vẻ mặt hơi lạ lùng. Có lẽ là có gì trong cú điện thoại vừa rồi chăng.

– Ai phôn vậy em?

– Không, chị Thu phôn thôi.

– Ủa, có tin gì không mà mặt em đăm chiêu vậy?

– Chị Thu nói dì Châu mới chết.

Tôi bàng hoàng. Tôi mới hỏi thăm chị Thu về dì Châu tháng trước khi Nga và tôi về Ottawa, và biết dì Châu vẫn thường.

2.

Dì Châu là một người Canada gốc Việt như vài trăm ngàn người gốc Việt khác ở miền đất lạnh này. Nhưng dì có hai điểm khác với hầu hết. Dì đến Canada rất sớm, khoảng đầu thập niên bẩy mươi, khi đất nước này chắc chỉ có độ vài trăm đồng hương. Người đưa dì đến Canada là chồng dì, một người lính trong quân đội Mỹ nhưng có cả quốc tịch Canada và chọn trở về Canada sau chiến tranh Việt Nam. Tuy nhiên hôn nhân kéo dài không lâu, tan vỡ mấy năm sau đó. Người lính trẻ chuyển sang Mỹ sống còn dì ở lại Canada. Điểm thứ hai là tuy dì có thể giao tiếp, nghe hiểu và nói trong những việc thông thường hàng ngày bằng tiếng Anh, dì hầu như không biết đọc hay biết viết cả hai thứ tiếng Việt và Anh. Sau này biết dì hơn, tôi thấy dì có một cuốn sổ tay, ghi các số phôn của người quen cần thiết. Chữ viết nghiêng ngả, sai chính tả cả tiếng Việt lẫn tiếng Anh rất nhiều. Sống với trở ngại lớn về ngôn ngữ như vậy, với rất nhiều giai đoạn chỉ sống một mình, đây là cách dì thích nghi với hoàn cảnh.

Dì có một cô con gái với người lính trẻ, nhưng hình như anh cũng chưa về lại thăm con sau khi chia tay. Hai mẹ con sống tựa vào nhau, đến khi cô con gái lớn lập gia đình riêng thì dì lấy tiền dành dụm cả đời làm việc, mua một căn hộ nhỏ, sống một mình. 

Lúc tôi và Nga biết dì thì dì khoảng sáu mươi ngoài. Ba má Nga lúc đó đã vào tuổi lẫn, sống với gia đình chị Thu, chị ruột Nga, ở Ottawa. Chúng tôi đang kiếm một người gốc Việt phụ giúp trông coi ông bà vài giờ mỗi ngày thì may có người giới thiệu dì Châu. Điều vui hơn nữa là dì cũng là người Quảng Ngãi. Tha hương lại ngộ đồng hương. Dì được mượn tới để lo, trước thì cho ông, sau thì cho bà, trong việc ăn uống, nhắc nhở uống thuốc là chính. Vài năm sau cả ba má Nga đều qua đời, nhưng gia đình chị Thu vẫn xem dì như người thân, có dịp giỗ chạp hay vui mừng đều mời dì đến nhà ăn cơm. Phần dì, dì cũng rất vui. Gặp người gốc Việt khác, dì hay nhắc tới gia đình của chị Thu như gia đình người thân thuộc. Còn dì, dì chẳng còn tin tức gì của bà con xóm giềng ở quê cũ nữa.

Lần cuối tôi gặp dì Châu là vào dịp Tết năm ngoái, khi Nga và tôi về thăm gia đình chị Thu ở Ottawa. Thường thì tôi chọn dịp Giáng Sinh nhưng lúc đó lại có việc đi xa, nên dời lại, và lấy vài ngày dịp Tết Nguyên Đán làm ngày nghỉ để về. Gia đình cúng tất niên, anh chị em sống gần đó cũng về ăn cơm chung ngày này.

Cũng như một số dịp khác, Nga giục tôi chở dì Châu đến ăn cơm cho vui. Dì sống một mình, đứa cháu ngoại đã lớn làm việc gần đó thỉnh thoảng ghé thăm. Bữa cơm tất niên cũng không bao nhiêu người, hai gia đình, cùng hai anh em trai của Nga cũng chỉ có 7, 8 người. Chị Thu làm các món truyền thống miền Trung, Nga thì lo món ram. Dì Châu, cũng như trong các dịp khác, được coi như là người trong gia đình, lớn tuổi nhất nên ngồi chỗ quan trọng nhất.

Câu chuyện rôm rả, nhắc lại những kỷ niệm khi ông bà còn sống và những cái Tết ở quê nhà xưa. Nga đon đả, trở đầu đũa gắp cho dì Châu cuốn ram:

– Dì ăn thử món ram cháu làm nè.

Tự nhiên, dì Châu có vẻ xúc động, 

– Cô cứ để tui. Cay quá.

và với tay lấy tờ khăn giấy chùi mắt.

Tôi hơi ngờ ngợ, thầm nghĩ chắc có gì chạm lòng dì chăng. Tôi đưa mắt ra hiệu cho Nga, nhưng có lẽ Nga cũng nhận ra, nói đùa:

– Thôi, nếu cay thì dì uống chai bia cho trôi.

Ăn cơm xong, Nga đưa dì Châu lên phòng khách xem TV. Bàn ăn còn mấy người đàn ông tiếp tục uống. Liếc lên nhà trên, tôi thấy dì Châu và Nga xù xì to nhỏ, chắc là Nga muốn an ủi hay gợi chuyện cho dì nói để nhẹ lòng. 

Tôi cầm cái phôn, xem các tin nhắn và vài tin tức trong ngày. Trời đã khuya, tôi lên nhắc dì để tôi đưa về, nhưng Nga bảo:

– Để em đưa dì về cho.

Khi vào giường, tôi hỏi đùa Nga:

– Khi nãy, em với dì Châu nói chuyện gì mà bí mật thế.

– Cũng không bí mật đâu anh. Chỉ là nhớ chuyện cũ nhớ quê thôi anh.

3.

– Hồi nãy dì chảy nước mắt, làm cháu áy náy quá.

– Không có gì đâu cô. Tại tui nhớ chuyện cũ mà.

– Cháu xin lỗi dì. Nhớ thì ai cũng nhớ nhưng tự dưng làm dì nhớ chuyện, chắc chuyện buồn, là tại cháu.

– Không phải đâu cô, tui nhớ chuyện hồi xưa lâu lắc lâu lơ lúc tui còn nhỏ.

– Vậy dì kể đi, cháu nghe dì đây nè.

– Cô cũng biết hồi xưa nhà tui nghèo lắm. Ông già tui chết sớm lúc tui còn nhỏ, mà ruộng đất có gì đâu. Nhà có mỗi hai mẹ con tui, nhà tranh dột nát, hai mẹ con nuôi nhau. Bà già tui cũng làm ăn công cho xóm giềng sau này mới lo được gánh hàng đi bán ở chợ. Tui nhỏ thì một mình chơi với tụi con nít trong xóm, lớn chút thì phụ thêm cho bà già.

– Cũng cực hả dì.

– Cực chớ cô. Hai mẹ con, nhà nghèo, tui lớn một chút thì đã biết đi gánh phân trâu rồi phụ lò bánh tráng. Bà già tui sau một thời gian chịu hết thấu, mới đi thêm bước nữa. Ai dè tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa. Chắc tại ông dượng nói hay bả nghe, nên bả kéo ổng về nhà sống. Lúc đầu thì ổng cũng phụ thu vén nhà cửa, sửa sang lại cho đàng hoàng. Ổng có nghề mộc. Nhưng sau ổng đâm ra rượu chè. Bao nhiêu tiền làm ra cũng không đủ.

– Vậy là ổng không giúp được gì cho bà già dì hả?

– Lúc đầu thì có, nhưng sau rượu chè thì tiền bao nhiêu cũng hết. Mà rượu vào thì cũng ít người mướn làm. Bà già tui dạo sau cũng bịnh rề rề, nhiều bữa phải bỏ buổi chợ.

– Tội nghiệp dì quá.

– Hồi nãy cô gắp cho tui cuốn ram tui tự dưng nhớ tới bà già tui cho tui ăn ngày gần Tết trước khi bả chết.

– Thôi nếu buồn quá, dì đừng kể nữa.

– Không sao đâu cô, cô cứ để tui kể cho nhẹ bụng. Cô gắp cho tui cuốn ram mà tui nhớ hồi lúc tui còn ở với bà già. Buổi chiều ông dượng kêu tui đi mua rượu cho ổng. Tui mua về, qua nhà ông Ba Thời đầu xóm chó sủa dữ quá làm tui lật đật chạy, vấp té, bể chai rượu. Đi về nhà, ông dượng không có rượu uống, tức mình ổng cho tui một trận. Đau thì cũng chịu được mà mắt ổng đỏ lên làm tui sợ quá, không dám khóc chỉ lủi vô góc nhà trốn. Giờ tui cũng còn nhớ. Đến hồi bà già tui về nhà, bả thấy tui nằm chèo queo trong góc nhà, bả không hỏi, nhưng thấy bộ tịch của ổng, bả biết là tui bị đòn rồi bỏ ăn. Lúc ổng ngủ rồi, bả mới xúc cho tui tô cơm. Mà cơm có gì ăn đâu cô. Chỉ có ít nước cá kho với chút cá vụn còn sót lại. Bả lay tui dậy, đưa tô cơm cho tui ăn. Tui cũng đói nên nằm vậy thôi đâu có ngủ được, bả lay là ngồi dậy luôn. Tui đang ăn, dưng không bả ôm rồi tui thấy nước mắt bả nhỏ lên má tui. Mấy chục năm rồi mà tui còn nhớ hoài. Hồi nãy cô gắp ram cho tui, tự dưng tui nhớ đến bà già tui lúc bả đưa cơm cho tui.

– Dì đừng buồn nữa, dì ơi. Chuyện khổ thì qua lâu rồi.

– Tui cũng không buồn đâu cô, chỉ nhớ lại thôi. Qua Tết thì bà già cứ bịnh rề rề, sau hàng xóm đưa lên nhà thương được một hai tháng gì đó thì chết. Tui cũng không nhớ chết vì bịnh gì nữa, bị hồi đó còn nhỏ mà cũng lâu rồi, đâu nhớ gì đâu cô. 

– Vậy bà già chết dì tiếp tục sống với ông dượng hả?

– Không đâu cô. Tui lúc đó nhỏ nhưng cũng biết ổng đâu có thương gì tui. Bà già chết mấy tháng sau tui theo cô Tư xóm trên, cổ dẫn tui lên Sài Gòn, trông em cho bà chị cổ.

– Rồi dì có quay lại Quảng Ngãi không?

– Từ lúc đó đi là đi luôn cô ơi. Tui cũng đâu có thương ông dượng đâu mà về thăm ổng. Nhà cũ thì chỉ nhớ bà già mà bả đã chết rồi.

4.

Vài tháng sau, Nga và tôi về thăm gia đình chị Thu ở Ottawa. Hỏi thăm về dì Châu, chị Thu cho hay chị có đi đưa dì Châu lần cuối. Người con gái dì Châu khi dì mất, có lục lại giấy tờ dì để lại và phôn cho chị Thu hay về cái chết của dì. Mấy bữa đó, đứa cháu ngoại phôn cho dì hỏi thăm nhưng không được nên ghé qua căn hộ thì mới hay. Dì Châu qua đời vì Covid, lặng lẽ, không ai biết giây phút cuối. Vì ít thân thuộc, cô con gái của dì nói chị Thu nếu muốn thì có thể dự đám tang của mẹ cô tuy là trong mùa đại dịch, nhà quàn rất giới hạn số người tham dự. Chị Thu cũng kể lại là cô con gái dì cho hay là dì đã tự mình chuẩn bị hết mọi thứ, từ mộ phần, nhà quàn, thậm chí vòng hoa, bức hình cho chính đám tang của mình, từ lâu.

Đại dịch đã đẩy nhiều người thân quen của tôi, nhất là người lớn tuổi, đi xa. Hai anh bạn cùng lớp, một người anh rể, vài nghệ sĩ nổi tiếng ngày xưa, nay thêm dì Châu. Kiếp người là thế, ít người chọn được lúc ra đi. Nhưng ra đi khi đã làm tròn bổn phận, với người thân và với chính mình, lại từ điểm bắt đầu quá sức hạn chế như vậy mà vẫn vươn lên, tôi phục dì. 

Và tình thương xưa cũ vẫn có thể tìm lại được đâu đó, dù dưới một dáng vẻ khác. Dòng sông nào cũng đều đổ ra biển, nước thượng nguồn nào cũng đều hoà trong đại dương bao la.

Mặc Lý