Tuấn Q. Nguyễn:  30/4, chút tâm tình với giới trẻ tại Mỹ

Nếu để kể lại những đau thương và uất hận chung quanh ngày 30 tháng 4 có lẽ không có bút mực nào có thể kể hết.  Đặc biệt những người đã là nạn nhân trực tiếp của chế độ cộng sản phi nhân Bắc Việt vào thời điểm đó sẽ có rất nhiều chuyện để kể. 

Mặc dù rất bận nhưng vô tình có một số thông tin trên mạng đã thúc đẩy tôi viết về ngày 30 tháng 4 trong bối cảnh hiện tại. Một trong những thông tin đó là việc phát hành cuốn phim The Sympathizer (Cảm Tình Viên) được dựa theo cuốn sách cùng tựa đề của tác giả Nguyễn Thanh Việt. Không biết có sự sắp đặt nào hay không mà cuốn phim này cũng được ra mắt vào đúng thời điểm tháng Tư năm nay. Tôi chưa xem phim này cũng như chưa đọc cuốn sách này và tôi cũng không chủ trương tìm kiếm để đọc hoặc xem. Lý do tôi nhắc đến nhân vật Nguyễn Thanh Việt là vào năm ngoái, tôi vô tình xem được một đoạn video mà nhân vật Nguyễn Thanh Việt nói về ngày 30 tháng 4. Nhân vật Nguyễn Thanh Việt đưa ra một khái niệm mà tôi cho là khá kỳ quặc. Anh ta gợi ý rằng khi mình (người miền Nam) nghĩ đến những đau khổ mình phải gánh chịu thì cũng cần phải nghĩ đến những những đau khổ mình đã gây ra cho phía bên kia. Tôi đã từng cho lời phản bác rằng người dân miền Nam là nạn nhân sau ngày 30 tháng 4 năm 1975. Người dân miền Nam vào thời điểm đó hoàn toàn là nạn nhân không hề gây đau khổ gì thêm cho người miền Bắc. Còn trong cuộc chiến thì hai bên đều có tổn thất, thương vong là điều không tránh được. 

Tôi viết bài này không nhắm vào nhân vật Nguyễn Thanh Việt mà là để phân định rõ hai góc nhìn về ngày 30 tháng 4. Đối với góc nhìn của người Mỹ thì đây là ngày cuộc chiến Việt Nam hoàn toàn chấm dứt và đây cũng là một lập luận mà giới trẻ Việt Nam tại Mỹ dễ chấp nhận vì họ sinh ra hoặc lớn lên tại quốc gia này. Góc nhìn thứ hai là từ những người dân miền Nam từng sống dưới chế độ Việt Nam Cộng Hòa. Đối với họ đây là ngày cáo chung của chế độ Việt Nam Cộng Hòa, cái chết tức tưởi của một nền dân chủ non trẻ chỉ vỏn vẹn có 20 năm nhưng đã tạo được nền móng cho một xã hội phát triển toàn diện về mọi mặt mà cho đến bây giờ gần 50 năm sau tập đoàn lãnh đạo Cộng sản Việt Nam vẫn chưa xây dựng được. Ngày 30 tháng 4 năm 1975 cũng là thời điểm toàn cõi Việt Nam bị nhuộm đỏ bởi chế độ cộng sản và người dân Việt Nam – đặc biệt là người dân miền Nam – đã trở thành những nạn nhân bị đầy đọa ép uống một cách oan khiên bởi một chế độ phi nhân tàn bạo của cộng sản Bắc Việt tức là tiền thân của nhà nước cộng sản Việt Nam hiện nay. Bởi vậy, khi chúng ta tưởng niệm ngày 30 tháng 4 còn gọi là Tháng Tư đen hoặc ngày Quốc hận để ghi nhớ những hành vi tàn bạo mà chế độ cộng sản đã áp đặt lên người dân miền Nam, quân cán chính Việt Nam Cộng Hòa và gia đình của họ. Từ đó dẫn đến cuộc di cư vượt biển của hàng triệu người dân miền Nam mà theo thống kê của Liên Hiệp Quốc đã có vài trăm ngàn người đã bỏ mình trên bước đường tìm tự do. Thế hệ trẻ Mỹ gốc Việt cần nắm vững góc nhìn này vì đây mới là căn cước đích thực của họ. Đây mới là lời giải thích trung thực tại sao họ lại sinh ra và lớn lên tại đất nước Hoa Kỳ. Họ cũng sinh ra tại đất nước này như mọi trẻ em người Mỹ khác nhưng nếu không có sự trả thù độc ác của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam thì có lẽ họ sẽ sinh ra tại Việt Nam.

Các bạn trẻ Việt Nam cần giải thích cho nhau và cho các người Mỹ không cùng nguồn gốc với mình về sự thực lịch sử này. Là người thuộc thế hệ trung chuyển, tôi cũng mong thế hệ trẻ Mỹ gốc Việt với vốn liếng Anh Ngữ sẵn có sẽ tiếp tục đi tìm sự thật để có thể chuyển tải diễn đạt về điều này. Nếu các bạn cảm thấy được thúc đẩy thì hãy viết sách, làm phim, tham gia vào chính quyền các cấp tại Hoa Kỳ để nói lên sự thật, để bảo tồn văn hóa và sửa sai những tài liệu gọi là “lịch sử” nhưng đã bị nhuộm màu chủ quan của một số tác giả đến từ thành phần phản chiến hoặc thiên tả.  Sự góp mặt của các bạn trên các lãnh vực này không những sẽ đóng góp và làm đất nước Hoa Kỳ phong phú thêm mà cũng giúp cho nhân loại phải cảnh tỉnh để không một quốc gia nào phải trải qua một ngày 30 tháng 4 như Việt Nam Cộng Hòa và không một dân tộc nào phải đổ máu và nước mắt trong một khúc ngoặt lịch sử tương tự

Tuan Q. Nguyen

Ứng cử viên Thượng Nghị Sĩ Liên Bang 2024 – Florida