Sơn Vũ:  Ngày 30/4/1975 trong ký ức của một cựu chiến binh miền Bắc

Thắng cuộc, thua cuộc, và…

Tháng Tư, gợi nhớ

Đêm 29 rạng ngày 30 tháng 4 năm 1975 Tiểu đoàn tôi (D1, E88) ở Đa Phước, huyện Bình Chánh, Sài Gòn. Tôi, khi ấy là lính thông tin Tiểu đoàn đi theo Đại đội 3. Chỉ huy sở Đại đội đặt trong nhà dân, ẩn sau một dãy dừa nước, tiếp đó là một cánh ruộng lớn chạy từ đìa dừa nước ra đến ngoài hương lộ 15.

9 giờ 30 phút ngày 30 tháng 4 sau khi bắt được liên lạc với phía bên kia và họ chấp nhận đầu hàng. Chúng tôi tràn ra lộ. Khi Đại đội 3 ra tới nơi, đã thấy Ban chỉ huy Tiểu đoàn cùng cánh trinh sát ở ngoài bốt và đang tiếp nhận sự đầu hàng của phía bên kia…

Anh Tiến, Đại đội trưởng kêu tôi và Thái, liên lạc Đại đội tìm mua giúp anh bao thuốc lá. Chúng tôi cầm tiền men theo lộ đi ngược trở lại chừng hơn trăm mét mới gặp một tủ thuốc lá bày trước nhà và ghé vào mua một bao CAPSTAN, còn thừa ít tiền tôi hỏi mua một cây kẹo đậu phộng. Giữa lúc đó, có tiếng phụ nữ từ dưới ruộng “Mấy ông Việt Cộng đâu, từ Mậu Thân đến giờ tôi chưa thấy mấy ông Việt Cộng?”, và chị ấy hơi sững người khi gặp chúng tôi. Thái lúc đó hơi lấm lem nhưng mặc quần dài, áo dài còn tôi trên mình mặc áo tay dài, dưới là chiếc quần đùi nilon màu đen, chân đi đất vẫn còn những vệt bùn khô bám, trông chẳng khác gì một thanh niên chạy vịt đồng vừa từ dưới ruộng chạy lên!

Sau này và cho đến bây giờ mỗi lần nhớ lại thời khắc của ngày hôm ấy tôi vẫn tự hỏi về những gì đã xảy đến:

Thứ nhất, khi chúng tôi tràn ra lộ gặp những người lính phía bên kia đứng thành từng nhóm ở bên đường – những người mà đêm 29 rạng ngày 30 vẫn còn chạm súng với chúng tôi và đã có ba người lính của Tiểu đoàn tôi hi sinh. Cả ba còn rất trẻ, vừa bước vào tuổi hai mươi, nhập ngũ chưa đầy năm và cùng quê Thuỷ Nguyên, Hải Phòng! Vậy mà trong chúng tôi không ai có biểu hiện nào từ hành động đến lời nói, kể cả ánh nhìn tỏ thái độ muốn trả thù họ? Vài anh em còn đến bắt tay, hỏi chuyện và mời, xin thuốc hút…

Thứ hai là việc anh Tiến Đại đội trưởng đưa tiền kêu tôi và liên lạc của anh đi mua thuốc lá. Mua, chứ không xin, hoặc đi kiếm cho anh bao thuốc và chúng tôi y lời anh. Giả sử chúng tôi xin, dân chắc chắn phải cho. Tình thế lúc ấy lính đầu hàng rồi, nộp vũ khí rồi và chúng tôi đang mang súng theo người, nếu xin chắc chắn được nhưng trong đầu tôi không có tí ti nào suy nghĩ ấy! Mua xong bao CAPSTAN, thấy trên mặt tủ thuốc có mấy cây kẹo đậu phộng – tôi hỏi giá tiền, và số tiền vừa được dân thối lại đủ mua, liền lấy luôn một cây!

Thứ ba, điều cuối cùng và cũng dài dòng nhất là bộ dạng của tôi lúc đó!

Có lẽ tôi là “chú đội” duy nhất, hoặc nếu có cũng rất ít, mang trang phục không giống ai vào Sài Gòn trưa 30 tháng Tư năm 75: đầu quấn khăn nilon thay mũ, mình mặc áo tay dài, quần đùi vải nilon dầu màu đen, chân đất còn dính bùn, lưng mang ba lô tròn ủng (đã xé bỏ cóc), vai vác guồng dây điện thoại – đi bộ qua cầu chữ Y tiến vào thành phố!

Khi nghe chuyện này, không ít người đã hỏi tôi, dép đâu, mũ đâu, quần áo đâu mà không thay đồ cho đàng hoàng, cho có tư thế? 

Tôi đã nói nhiều về chuyện này, nay xin nói thêm một lần nữa cho rõ. Đầu năm 75 chúng tôi được bổ sung vào Trung đoàn 88. 

Về đơn vị mới là Trung đội thông tin Tiểu đoàn 1, chúng tôi được các anh lính cũ cho biết: những cái gì liên quan đến lính Bắc kỳ vứt được là vứt! Đầu tiên là đôi dép cao su, mua dép mủ trắng thế vào, rồi mũ cối sau mấy lần tát đìa cũng liệng luôn. Theo lời mấy anh, “Chúng mày đội mũ cối đụng trận lính nó nhìn thấy biết là ngoài Bắc mới vào, nó dí tới số, chết liền, còn dép cao su không lội ruộng, lội đìa được, vứt!” Thìa và ca bi-đông chúng tôi dùng ăn cơm trên đường 559 vào đây cũng vứt, thay vào là chén kiểu, đũa kiểu. Ba lô cũng phải xé bỏ cóc, để dễ bọc khi lội sông; quần áo dài mang từ bắc vào chưa có đồ mới đành mặc tạm, còn quần đùi phải thay ngay, bằng quần đùi vải nilon dầu. Loại này dễ lội ruộng, lội đìa, lội sông, lên bờ đi vài bước khô liền, mặc quần đùi vải dầy ẩm ướt cả ngày không hắc lào thì cũng ghẻ lở! 

Không chỉ riêng lính mới tụi tôi, lính thuộc các đơn vị hoạt động ở đồng bằng miền tây nam bộ đều như thế: quần áo may bằng các loại vải nilon dầu, polinfang, nhẹ, bền, dễ giặt lại nhanh khô và đây chính là điểm khác biệt về trang phục giữa họ và lính các Sư đoàn, quân đoàn từ phía Bắc vào!

Vào chiến dịch tôi không có ngày nghỉ, trận nào cũng xuống đơn vị trực máy, không Đại đội này thì Đại đội kia. Trong đánh nhau dây điện thoại nối từ Tiểu đoàn xuống Đại đội đứt bất kể lúc nào, quay máy thấy nhẹ tay là dây đứt rồi, phải nối ngay. Những lúc ấy tôi kiếm áo của dân mặc vào, thêm chiếc nón lá và con dao hoặc cái cuốc nữa là thành dân đi làm đồng lần theo đường dây tìm chỗ đứt, vừa đi vừa canh chừng trực thăng đang quần đảo trên đầu, như trận Chùa Trắng ở Long An tôi sém dính đạn của trực thăng! Mỗi lần đi nối dây phải lội ruộng, lội đìa người lúc nào cũng ướt lướt thướt và lấm lem bùn đất, mặc quần đùi nilon là tiện nhất. Và như thế tôi cứ quần đùi đi trực máy hết trận này đến trận kia. 

Còn dép, trận Cầu Dây ở Nhựt Linh, Long An tôi xuống đơn vị trực máy để dép lại phía sau, xong trận về tìm dép mất tiêu đành chân đất lội bộ cho đến khi vào Sài Gòn. Những ngày sau đó thật cực, chân đất lội ruộng ướt không sao, còn ruộng khô nứt toác mỗi lần lọt chân xuống buốt tận óc. Vậy mà, trên đường đánh vào Sài Gòn đi qua nhiều nơi dân bỏ nhà chạy loạn để nhà trống nhưng tôi chưa bao giờ nghĩ đến việc vào nhà dân tìm cho mình một đôi dép đi đỡ. Trưa ngày 30 tháng Tư cũng thế, tôi cũng không nghĩ đến việc xin dân đôi dép. 

Với tôi và không ít anh em thời điểm đó Sài Gòn chỉ là một mục tiêu đã hoàn thành, tới đây còn đánh nữa…

Bằng chứng là sáng ngày 1 tháng 5 ở Tổng kho xăng Nhà Bè tôi đã đắn đo rất nhiều trước khi lấy chiếc áo khoác đi mưa của sĩ quan hải quân phía bên kia. Chiếc áo đẹp, đi mưa rất tiện nhưng ba lô đầy rồi phải bỏ lại tấm vải nilon đi mưa hoặc tấm tăng, cuối cùng tôi bỏ tấm vải đi mưa, giữ lại tấm tăng với suy nghĩ tới đây đi đánh rừng Sác còn có tăng để che mưa che nắng?

Vậy nên, trưa ngày 30 tháng 4 năm 75 giữa dòng người xe ngược xuôi trên cầu Chữ Y, trong đội hình đơn vị tôi vẫn đầu trần, chân đất, quần đùi đi bộ qua cầu vào thành phố!

*

Năm ngoái ở Cali tôi có đôi dịp chuyện trò với một vài người thuộc phía bên kia, có người là thương phế binh qua Mỹ theo diện vượt biển, hoặc bảo lãnh, có người qua theo diện H.O. Trong một lần nói chuyện thân tình, có vị hỏi tôi về thắng thua. Tôi nói rất thật, ai cho rằng cuộc chiến vừa qua là nội chiến Bắc-Nam thì đó là quyền của họ, còn riêng tôi đó là cuộc chiến đối đầu giữa hai ý thức hệ và mạnh được yếu thua! Hệ thống chính trị của VNCH, của Mỹ và đồng minh không phù hợp với cuộc chiến ấy! Mỹ là nước giàu mạnh nhất thế giới, nhưng chính phủ Mỹ không thể hành động tuỳ thích, làm gì cũng phải theo luật, phải được quốc hội cho phép, có toà án canh chừng, rồi báo chí và các phương tiện thông tin đại chúng chi phối! Còn phía bên kia, hệ thống chính trị độc đảng, quyền hành trong tay họ, không ai có thể cản trở!

Tôi nói vui, “Các bác, các anh thử nhìn lại xem chế độ VNCH có dành cho chiến tranh không? Chiến tranh gì mà được tự do lập hội, lập đảng, được biểu tình, tự do ngôn luận, in ấn, sách báo hà rầm, văn hoá nghệ thuật đúng là trăm hoa đua nở, trăm nhà đua tiếng! Bên thắng cuộc thì ngược lại, tất cả chỉ để ‘Đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước’!”

Rồi tôi đưa một vài ví dụ về ca nhạc của hai bên: Bên kia thì “Ta vượt trên đỉnh núi cao Trường Sơn…” hoặc “Trên đường ta đi đánh giặc, dù về Nam hay lên Bắc…”; còn phía bên này “Con biết xuân này mẹ chờ tin con”, hay “Cho anh chết trên vai em, cho anh chết trong mắt em, một lần cuối, một lần cuối cùng…”.  Một bên ca từ các bài hát chủ yếu chỉ nói đến “ta”, “chúng ta” không biết buồn khổ là cái gì, một bên thiên về cái “tôi”, tôn vinh cái “tôi”, cất lên là nẫu ruột nẫu gan. Vậy thì đánh đấm cái gì, sao mạnh được?

Nghe tôi nói, nhiều ông cười buồn.

Một lần khác, có ông người gốc Bắc hỏi tôi về vụ “cải tạo” sỹ quan và công chức VNCH sau ngày 30 tháng Tư năm 75. Tôi nói, hành động đó cũng xuất phát từ ý thức hệ và người ta gọi đó là chuyên chính! Cả triệu lính và sĩ quan rã ngũ tại chỗ, khác gì quả bom chờ nổ, không cảnh giác không được. Và đó cũng là một trong nhiều lý do của việc đưa sĩ quan và công chức cao cấp đi “học tập, cải tạo”…

Biết ông gốc Bắc này gia đình vào Nam năm 54, có ông bà nội năm 45 bị Việt Minh tìm giết, may mà thoát được nhưng tài sản thì bị tịch thu, trong đó có mấy biệt thự và nhà cho thuê ở Hà Nội, nên tôi hỏi lại: “Giả dụ người thắng cuộc là bên bác, bác ra Hà Nội có yên tâm không, có sợ bên kia nổi dậy không, có tìm trả thù người định hại ông bà nội bác không, có đòi lại nhà không?” Sau một hồi trầm ngâm, ông bảo “Cái đó không nói trước được, chỉ khi nào xảy ra mới biết, anh ạ.”

Rồi ông kể chuyện đã về Việt Nam dăm lần, ra cả Hà Nội nữa. Ông bảo, “Tôi xa Hà Nội năm 9 tuổi.” Năm mươi năm sau (2004) ông về cùng người anh hơn mình hai tuổi. Hai anh em ghé thăm mấy căn biệt thự xây theo lối kiến trúc Pháp của gia đình ngày trước, giờ đang là công sở. Theo ông Hà Nội đã thay đổi nhiều nhưng căn biệt thự gia đình ông từng sống không khác xưa là mấy, vẫn màu vôi vàng đặc trưng và thú vị nhất anh em ông vẫn tìm ra nơi đào dế ngày xưa, cả hốc đá giấu mấy viên bi thuở thiếu thời. Anh em ông ra Hà Nội với bao điều muốn nói, muốn làm, cả giận dữ nữa nhưng ông bảo lúc ấy tự nhiên tất cả bỗng tan biến, chỉ còn lại hình ảnh ngôi nhà cùng với cảnh sinh hoạt của gia đình tôi ngày ấy. Kể đến đó, ông dừng lại và… trầm ngâm: “Tôi không ghét Hà Nội được, anh ạ!”

Còn tôi, lúc ấy nhìn ông tôi không thấy trước mắt mình một sĩ quan quân lực VNCH, ba mươi tuổi mang lon đại uý, bị “cải tạo” sáu năm, mà chỉ thấy một ông già U80 mái đầu trắng bạc, ánh mắt hiền từ đang nhìn xuống thung sâu, ở đó có mấy vệt mây trắng dài giăng ngang, bảng lảng…

Trời Cali lành lạnh, cái lạnh dễ làm người xa quê nhớ tới tiết thu Hà Nội.

Sơn Vũ

***

Sài Gòn như tôi biết

Tháng Tư, đọc lại

(Ảnh: Nguyễn Đạt)

1.

Đêm 29-4-1975, từ Đa Phước, Bình Chánh nhìn về Sài Gòn là một quầng sáng khổng lồ, với chùm chùm hỏa châu từ dưới đất bắn lên, xen lẫn tiếng súng phòng không lục bục cùng với những chiếc trực thăng cất lên, hạ xuống hoặc bay lòng vòng nhìn từ xa như bầy đom đóm bay tứ tán…

Trưa 30-4-1975 ngồi trên xe buýt đi từ cầu Ông Thìn, Bình Chánh về cầu chữ Y, thành phố hiện lên trước mắt tôi là những ngôi nhà cao tầng in trên mảng trời xanh nhạt làm tôi sững sờ, đến nỗi sau này khi đang làm quân quản tại Nhà Bè, tôi đã trở lại Bình Chánh, ngồi xe buýt đi vào Sài Gòn để thêm một lần ngắm nhìn thành phố từ xa, để được sống lại những giờ khắc ban đầu vào thành phố…

Sau này có nhiều người hỏi chúng tôi vào Sài Gòn có được người dân hoan hô đón mừng không? Tôi nói, ở cánh nào, mũi nào dân hoan hô bộ đội tôi không biết nhưng thời khắc khi chúng tôi xuống xe buýt đi bộ qua cầu chữ Y vào nội đô không ai hoan hô, chào đón chúng tôi. Người ta chạy xe qua lại trên cầu, còn chúng tôi đi bộ vào thành phố…

Ấn tượng đầu tiên của tôi những ngày đầu quân quản là thành phố rất ít người mặc quần áo vá, phụ nữ lại càng hiếm. Tôi thực sự ngạc nhiên khi thấy những cô gái mặc mini Jupe, quần Jean, cưỡi xe 67, xe Dame hay lái xe hơi mui trần, hớt tóc con trai, áo dài đạp xe mini, hay mặc đồ bộ đủ các loại màu, loại hoa, thêu ren các kiểu. Không chỉ thành phố, ở Mương Chuối, Phú Xuân, Nhà Bè nơi cho đến bây giờ vẫn bị coi là vùng sâu, vùng xa của thành phố Hồ Chí Minh, năm 75 khi chúng tôi về ở đó, nhà cửa phần lớn sơ sài, vách thưng ván, mái lợp tôn các bà, các thím và các cô cũng không ai mặc đồ vá. Hầu như gia đình nào cũng có máy may (máy khâu) một thứ tài sản quý đối với dân miền Bắc và chỉ dành cho thợ may, còn ở Sài Gòn ngày ấy máy may để các bà, các cô sửa đồ vặt trong nhà. Những người làm nghề may như chị Ba, chị Tư con bà Tàu là nhà chúng tôi vào ở sau này, ngoài máy may còn có máy vắt sổ, máy thêu bô đê…

Ngày tôi xuống trực máy đại đội 4, đóng quân ở chân cầu Rạch Ông, giáp ranh quận 8. Chị chủ nhà gốc Bắc, quê Hà Nội nhưng sinh trong Nam, nói giọng đã hơi pha, chúng tôi gọi là giọng Sài Gòn. Một hôm chị kêu tôi trông chừng hai đứa nhỏ, cho chị đi công chuyện. Gần trưa chị về, trút ra mặt chiếc đi văng kê ngoài phòng khách một lô, một lốc quần lót, áo lót phụ nữ. Chị bảo, mai mốt có người quen ra Hà Nội chị gửi cho mấy đứa em, mấy người bà con ngoài đó. Chúng gửi thư vào hối chị gửi quà ra. Em xem, đủ cỡ, đủ màu, ai thích gì có đó. Mặt tôi đang nóng bừng vì ngượng từ khi chị xổ đám quần áo lót ra đi văng, giờ nghe chị hỏi lại thêm chín nhừ, cố lấy hết can đảm đưa tay ra đón mấy cái quần áo lót từ tay chị. Cái cảm giác mát lạnh đến sững sờ khi chạm vào mặt vải lụa đồ lót như luồng điện chạy khắp người tôi…

Tối hôm ấy, nhớ lại chuyện buổi sáng tôi phụ chị lựa từng cỡ quần áo, xếp lại và cuộn trong giấy tròn như cục pin, quấn thêm dây thun bên ngoài, sau đó bỏ vào hộp chờ gửi đi, những kí ức ngày còn ở quê bỗng trở về. Ngày ấy, tôi thường được chị dẫn đi chơi, đến nhà bạn trong xóm. Ở đấy, các chị mang ra khoe với nhau những chiếc áo ngực may bằng vải trắng, thường là vải pơ pô lin hay vải phin. Những chiếc áo được chần nhiều đường may và hai chóp nhọn. Sau này, lớn lên chút nữa tôi mới biết hai cái chóp nhọn ấy là nguyên nhân gây ra những vết rách trên ngực áo và người ta phải mạng sang sợi, phải bích-kê lại chỗ rách ấy… Khi áo hết hạn sử dụng, nhiều nhà còn giữ lại làm miếng lót tay bắc xoong, bắc nồi. 

Những chiếc áo ngực ngoài Bắc ngày ấy so với đám quần áo chị chủ nhà mang về sáng nay là hai thế giới khác biệt…

PS: Sau này cũng có không ít người hỏi thái độ, tình cảm của người dân nơi chúng tôi làm nhiệm vụ quân quản thế nào? Vui, buồn, giận dữ hay căm thù? Thật tình, chỉ người dân ở khu kho xăng Nhà Bè, ở Mương Chuối thuần chất nông dân, kiếm sống bằng nghề chặt củi đước, làm ruộng, bắt tôm cua cá trên sông, rạch… là vui vẻ hồ hởi khi tiếp chuyện, còn những nơi khác thì mọi trạng thái tình cảm biểu lộ không rõ ràng, đa phần là chấp nhận dù không vui?

Bởi vui sao được, khi phải cho bộ đội vào ở trong nhà họ, vừa mất tự do cá nhân, vừa hao tốn nước sinh hoạt, mà nước chỉ bơm có giờ, chứa vào hồ, vào lu đủ cho ba người dùng, giờ tăng lên thành năm người, sáu người? Chúng tôi có thể vào bất kì nhà ai khi làm nhiệm vụ, còn bình thường chỉ đến chơi những nhà thật quen biết và chỉ ở đó người dân mới nói thẳng, nói thật với chúng tôi về những bức xúc của họ, như chuyện kiếm sống khó khăn, chuyện bộ đội tập thể dục buổi sáng làm động giấc ngủ của người làm ca đêm, của người bệnh, người già hay trẻ nhỏ mà anh Sáu, nhà ở Ấp 3 Tân Quy bày tỏ cho chúng tôi biết…

Sự phiền hà, nếu có, do bộ đội đóng quân trong nhà ở ngoài Bắc hay trong Nam đều như nhau cả, có điều ngoài Bắc đón nhận điều đó vui vẻ hơn, thoải mái hơn, bởi con em họ cũng đi bộ đội, cũng đóng quân trong nhà dân. Họ yêu thương mấy chú bộ đội đang ở trong nhà mình thì ở đâu đó người dân cũng che chở, đùm bọc con em họ…

2.

Cuối năm 1977 tôi được về phép thăm nhà, trong một lần đến chơi nhà bạn, ông bố bạn hỏi: “Nghe nói trẻ con trong Nam ngoan hơn ngoài mình?” Tôi cười, “Vâng, trẻ con trong ấy hiền và ngoan.” Tôi cũng nói thêm, gần nửa năm trời đóng quân ở Tân Quy, Nhà Bè tôi chưa gặp trẻ con tụ bạ đánh nhau, chửi nhau, cũng không có cảnh kéo đàn kéo lũ chạy nhảy, la hét ngoài đường. Trước 75 trong Nam không có đội thiếu niên hay nhi đồng như ngoài Bắc, chỉ có tổ chức thiếu nhi của tôn giáo như Thiên Chúa giáo, Phật giáo, các hội hướng đạo, hoặc các hội đoàn do họ tự lập ra, tư nhân và hoàn toàn tự nguyện, được phân biệt qua trang phục, đồng phục hoặc huy hiệu, khăn quàng có biểu tượng.

Xét về tổng thể bọn trẻ trong ấy ngoan hơn cả Cháu ngoan Bác Hồ ngoài ta. 

Câu ấy tôi nói rất thật! Tỷ như lũ trẻ nhà ông Sáu ở Phú Xuân, Nhà Bè chúng tôi vào ở trưa ngày 1.5.75 là gia đình thuần nông, kiếm sống bằng nghề làm ruộng và bán củi đước. Đứa nào cũng đen đúa vì dầm nước sông rừng Sác, tuổi nào việc nấy phụ ba má, lớn phụ đưa củi, chất củi, bé cũng biết nấu cơm. Gặp người lạ, người quen đến nhà chào hỏi rất lễ phép, với chúng tôi một điều chú, hai điều cũng chú và xưng con. Ở Tân Quy Đông, bé Hoàng cháu bà Tàu, bé Thu nhà bà Hai Phước, đám con lít sít nhà chị Ba đều đi thưa về trình “Thưa chú con đi học!”, “Thưa chú con học về!”  Những lần chúng tôi đi vào từng nhà dân, lên danh sách số người trong hộ cũng vậy, đến đâu cũng được con trẻ đón nhận với sự lễ phép. Ở nhà chị Sáu, vợ viên Thiếu tá Công binh khi ấy đã bị gọi đi trình diện, học tập cải tạo mấy đứa con chị phải nói là dễ thương vô cùng, bé gái khi ấy chừng năm tuổi biết tôi thích đọc sách đã làm nũng vòi má lấy chìa khoá tủ sách của ba cháu đưa cho tôi làm tôi ngạc nhiên đến bất ngờ. Chị Sáu, má cháu bảo, “Nhỏ này giống ba nó, thích đọc sách, chưa biết chữ nhưng lại chơi với sách, thấy ai đọc sách là nó quấn lấy à!”

Trong buổi nói chuyện cùng ông bố người bạn hôm ấy, tôi kể cho ông nghe chuyện dạ thưa ở trong Nam. Trong giao tiếp nói chuyện, câu cửa miệng là dạ thưa, tuỳ đối tượng tiếp chuyện mà dạ thưa ông bà, dạ thưa anh chị hay dạ thưa cô chú hoặc ít ra cũng là thưa ông bà, thưa anh chị, thưa cô chú. Ít khi họ không nói trống không, với người gặp lần đầu lại càng không và thêm một điều nữa là họ có nói gì cũng chậm rãi, từ tốn, nói vừa đủ nghe. Nhân tiện có thể nhận xét, không cứ cách đây vài chục năm, ở Sài Gòn bây giờ vào tiệm quán, rạp chiếu phim hay chỗ đông người, những người nói nhanh, nói to đa phần là người Bắc. Rồi cả chuyện gọi dạ, bảo vâng nữa. Tôi kể lại chuyện thời gian trực máy ở khu 3 Tân Quy, tôi có việc nhờ bé Phương, là em út của mấy chị em nhà có đàn piano. Tôi gọi Phương ơi, bé dạ. Tôi dặn việc thứ nhất, bé dạ, dặn việc thứ hai, bé dạ tiếp, việc thứ ba, bé dạ nữa. Đến lúc ấy, tôi thấy buồn cười quá, cũng hơi khó chịu nữa mới hỏi Phương, sao em cứ dạ hoài vậy? Vừa buông lời tôi bỗng chợt hiểu và phá ra cười. Bé Phương và mấy cô chị có vẻ ngơ ngác, tôi liền giải thích ngoài Bắc thường nói gọi dạ, bảo vâng. Còn trong này cái gì cũng dạ hết trơn, gọi dạ đã đành, bảo cũng dạ luôn! Mấy chị em cũng cười theo, riêng bé Phương tặng tôi mấy thoi vào vai vì can tội nạt bé!

Lứa chúng tôi khi ở ngoài Bắc nếu cùng tuổi con ông bà Sáu, bé Hoàng, bé Thu, bé Phương, đều được kết nạp vào đội, được khuyên dạy phải học giỏi ngoan ngoãn, phải là cháu ngoan Bác Hồ nhưng đứa nào cũng nghịch hơn quỷ, ngoài giờ học là chui bụi, rúc bờ, chơi quân chơi tướng, rồi kéo nhau sang làng bên đánh chửi nhau hoặc đang học bài nghe bạn gọi vội lủi đi ngay, sểnh mắt người lớn là trốn ra đường với bạn. Làm gì có chuyện dạ thưa, đi thưa về trình càng không!

Ông già nghe tôi kể ngồi trầm ngâm một lúc lâu mới nói: “Thế hệ chúng tôi và trước đó cũng được dạy dỗ như thế, những nhà danh gia vọng tộc ở Hà Nội, Hải Phòng cũng dạy con như thế, và còn hơn thế nữa. Chúng tôi được học ăn, học nói, học gói, học mở, học ‘ăn trông nồi, ngồi trông hướng’, học thưa gửi, học đi học đứng, đi với người già phải đi thế nào, dọc đường phải đi sau, đến nơi thì lên trước để gõ cửa hay nhận chuông báo gia chủ rồi lùi lại, người lớn nói chuyện là không được hóng chuyện. Bây giờ các anh thiếu hẳn những cái ấy, đoàn đội gọi nhau là đội viên, là đồng chí, trọng chức tước quan quyền mà nhạt đi tình nghĩa, giỏi cái a dua mà không có phát kiến, tưởng tiến lên mà hoá ra lùi lại…”

Cuối tháng 7 năm 1978, sau một thời gian bảo vệ biên giới Tây nam ở khu vực Lộc Ninh, Sông Bé đơn vị tôi lật cánh sang hướng Xa Mát, Tân Biên, Tây Ninh. Tôi lúc đó đã lên tuyên huấn với nhiệm vụ chính là viết tờ tin Trung đoàn. Trong lần hỏi chuyện Trần Kim Long, quê Sài Gòn nhưng gốc Bắc và theo đạo Công giáo, là trinh sát tiểu đoàn 2, tôi thật sự bất ngờ được nghe lại những lời dạ thưa anh, lần này từ một người lính chứ không phải của các cô gái hay cháu học sinh Sài Gòn. Nhìn Long, tôi tự hỏi cái gì đã giúp cho anh – người lính trinh sát đã hơn một lần giáp mặt với cái chết vẫn giữ được giọng nói nhẹ nhàng cùng với những tiếng dạ thưa khi nói chuyện? Điều mà thời gian chúng tôi ở Sài Gòn thường gặp, luôn gặp đã trở thành của hiếm từ khi lên rừng tháng 3 năm 76, còn giờ đây, khi tôi viết những dòng này thì hình như đã… tuyệt chủng!

Sơn Vũ 

(Từ Facebook của Sơn Vũ, cựu chiến binh miền Bắc thuộc Trung đoàn 88 CSBV)