Nguyễn Đặng Bắc-Ninh: Một thoáng Hoàng Cầm

Nhà thơ Hoàng Cầm và tác giả

Hà Nội 1994:

Chúng tôi vẫn biết Hoàng Cầm là người cùng quê và là bạn với một ông anh họ từ thời kháng chiến chống Pháp, nhưng không ngờ nhà thơ lại theo xe ra đón chúng tôi ở phi trường Nội Bài.  Hôm đó Hoàng Cầm mặc một cái màu đỏ sậm trông rất hào hoa dù Hà Nội năm đó vẫn còn rất nghèo.

Suốt thời gian chúng tôi ở Hà Nội ông đến thăm nhiều lần vì khách sạn chúng tôi ở gần nhà ông trong khu phố cổ. Tôi nhớ một buổi sáng ông dẫn chúng tôi đi ăn bún riêu ở ngõ Tạm Thương.  Lâu rồi không được ăn cua đồng, thấy ngon tuyệt. Ông tặng chúng tôi mấy quyển thơ và một cuốn băng do ông đọc.  Và cả những lời thơ ông viết trên cuốn Tự Điển Việt Nam tặng chúng tôi, mang nặng hình ảnh quê hương: 

Ta con chim cu về gù rặng tre

đưa nắng ấu thơ về sân đất trắng 

đưa mây lành những phương trời lạ 

về tụ nóc cây rơm…

Chúng tôi cũng đến thăm ông vài lần ở 43 phố Lý Quốc Sư. Cả căn nhà mặt tiền của ông đã bị chiếm, họ chỉ để lại cho gia đình ông một phòng nhỏ phía sau. Hai người con trai và vợ con ở tầng dưới. Chúng tôi phải leo cái thang gỗ ọp ẹp lên cái gác xép đơn sơ là giang sơn riêng biệt của thi sĩ, ngổn ngang những tài liệu cũ mới. 

Dưới ngọn đèn không đủ ánh sáng, chúng tôi ngồi nói với nhau đủ chuyện. 

Qua giọng nói hòa nhã của ông, tôi có cảm tưởng ông không những là một nhà thơ, mà là một nhà văn hóa, đặc biệt về văn hóa Kinh Bắc

Là một kẻ tha hương, xa quê Kinh Bắc, Gia Lâm -Thuận Thành từ khi còn rất nhỏ, tôi không được có nhiều hình ảnh về quê cũ, nhưng đọc bài thơ của Hoàng Cầm, cảm thấy như quê cũ rất gần, thật gần trong tâm tưởng: 

Nhớ mưa Thuận Thành
Long lanh mắt ướt
Là mưa ái phi
Tơ tầm óng chuốt
Ngón tay trắng nuột
Nâng bồng Thiên Thai

Mưa chạm ngõ ngoài
Chùm cau tóc xoã
Miệng cười kẽ lá
Mưa nhòa gương soi

Phủ Chúa mưa lơi
Cung vua mưa chơi
Lên ngôi Hoàng Hậu
Cứ mưa Thuận Thành
Giọt mưa chưa đậu
Vai trần Ỷ Lan

Mưa còn khép nép
Nhẹ rung tơ đàn
Lách qua cửa hẹp
Mưa càng chứa chan
Ngoài bến Luy Lâu
Tóc mưa nghiêng đầu
Vành Khăn lỏng lẻo…

…………

Ơi đêm đợi chờ
Mưa ngồi cổng vắng
Mưa nằm lẳng lặng
Hỏi gì xin thưa
Nhớ lụa mưa lùa
Sồi non yếm tơ

Thuận Thành đang mưa…
. . . . . . . .
                                    (Mưa Thuận Thành – Hoàng Cầm)

Theo như nhà phê bình Quang Huy, thì “lời thơ đọc lên như một bài kinh, âm điệu của đất trời Kinh Bắc đã ngấm vào ngọn bút tài hoa của ông.  

Thơ Hoàng Cầm đưa người đọc qua những chùa chiền, lăng miếu, những cầu, những bến, cây lá, hội hè. Giữa Nguyễn Bính, Xuân Diệu và Hàn Mặc Tử, Hoàng Cầm mang một phong thái riêng: Ông đa tình, kiêu sa và đầy ẩn ức”.  

Ta hãy đọc bài Chùa Hương của ông, để thấy sự khác biệt với thơ của Nguyễn Nhược Pháp:

Anh trẩy chùa Hương phía xót thương
Bến Trong, bến Đục nửa chia đường
Thiên Trù chợt lắng chuông buông tím
Bỗng gặp em nằm đắp khói sương

*

Đêm chúng tôi rời Hà Nội, Hoàng Cầm lên tận toa xe ngồi với chúng tôi cho tới khi tàu chuyển bánh.

Ông cũng đem theo một bài thơ tặng Thuấn Anh, con gái chúng tôi,  mà ông gọi là “khối pha-lê màu xanh lá mạ”của ông. Nguyên là mấy ngày hôm trước ông theo chúng tôi về Gia Lâm Bắc Ninh thăm mộ ông thân chúng tôi. Sau buổi lễ, cháu tha thẩn ngắt những bông hoa dại mọc đầy gần đó. Bác Hoàng Cầm hỏi cháu có biết những cánh hoa đó là hoa Trinh Nữ (cây mắc cỡ) không?  Dĩ nhiên là cháu không biết.  Bác giảng giải cho cháu những đặc tính của cây hoa và một số cây cỏ khác của quê hương. Về nhà, bác viết cho cháu những dòng thơ:   

….Đã ổi ương đâu mà bướng bỉnh

Mà nghe đu đủ thiếu thơ ngây

Cây soan lạ nhỉ đương soan thế

Sao vội buồn nghiêng lá rụng đầy

Cây gì cũng lạ, hoa không biết

Cỏ cũng không tên, lá dị kỳ

Chỉ thấy trắng mây trời cõi Việt

Mẹ em thì khóc nỗi ra đi…….

(Tặng cháu Thuấn Anh, khối pha lê màu xanh lá mạ.

Hoàng Cầm)

Thuấn Anh và bác Hoàng Cầm

Chuyến tầu tốc hành đêm đó không những đã hoàn thành chuyến xuyên Việt Bắc Nam của chúng tôi mà bao năm hằng mong đợi, mà lại đem theo hình ảnh sâu đậm của những người bạn mới, những con người lý tưởng chỉ vì đòi hỏi nhân quyền, tự do ngôn luận, mà trở thành những tội đồ khốn khổ suốt đời dưới chế độ Cộng Sản do vụ án Nhân Văn – Giai Phẩm hồi 1956. 

Sau khi trở về Mỹ, cả mấy người bạn mới Hoàng Cầm, Phùng Quán, Nguyễn Hữu Đang đều liên lạc với chúng tôi bằng thư từ. Phùng Quán sau đó bị ung thư gan nặng nhưng trước khi mất cũng đã viết cho chúng tôi một loạt thư trong mấy tháng ngắn ngủi cuối cùng. 

Chúng tôi cũng còn giữ được những lá thư dài của cụ Đang.  Cụ rất cảm động khi chúng tôi tình cờ thấy được hình chụp của với Hồ Chí Minh trên đài ngày tuyên bố độc lập mùng 2 tháng 9 năm 1945 ở vườn hoa Ba Đình và gửi cho cụ.

Về Hoàng Cầm, mấy năm sau, về thăm Hà Nội, chúng tôi có đến thăm ông. Việt Nam đã đổi mới.  Đời sống vật chất của ông có thoải mái hơn xưa, nhưng sức khỏe không còn được như trước.  

Đọc lại những lá thư của ông, chúng tôi lại thấy bùi ngùi.  Có thư dài 12 trang đầy ý tình thắm thiết dành cho người đồng hương mà chúng tôi không bao giờ quên. 

So sánh giữa hai nguồn thơ Phùng Quán và Hoàng Cầm, ông đã viết:

“Thơ Phùng Quán là tiếng gọi, tiếng hô hào khí phách, thơ diễn tả tư cách chiến đấu sôi nổi của thi sĩ. Thơ Hoàng Cầm thì chìm sâu vào chữ nghĩa, âm điệu tiết tấu, lắng vào cõi vô thức của bản ngã. Thơ của Quán nghe hiểu ngay, hào hứng ngay. Thơ Hoàng Cầm mới nghe khó hiểu, chỉ cảm thấy mơ hồ một điều gì đấy cần phải có tri thức về văn hóa Kinh Bắc mới vỡ ra dần dần. Nhưng khi đã cảm nhận, thấm hiểu được rồi thì nó bám rất chắc vào tâm hồn người đọc. Với cả hai anh em thì mỗi người mỗi vẻ, một bên bốc lên như tiếng kèn xung trận, như hồi trống giục giao tranh, như hồi cồng chiến thắng. Còn một bên trôi chìm như mạch nước ngầm, thấm sâu xuống vực sâu của tâm tư dân tộc, thấm rồi lại nổi lên hình dáng đường nét, màu sắc của vẻ đẹp dân tộc nghìn xưa”

Hầu hết mọi người hay nhắc đến hai bài thơ nổi tiếng “Đêm Liên Hoan” và “Sông Đuống” trong thời kỳ kháng chiến và sau này hai bài “Tình Cầm” và “Lá Diêu Bông”. Nhưng phải đọc lại những bài thơ trong tập Về Kinh Bắc mới thấy được chính Hoàng Cầm, chính cái dòng thơ đặc thù sâu xa thầm kín của ông. Trong đó có những tình yêu quê hương tha thiết, có những huyền thoại của thời lập quốc, có những linh hiển của tổ tiên, có những bí ẩn không nên lời và đôi khi còn phảng phất hình ảnh dị kỳ. Tất cả trộn lẫn với nhau thành một tuyệt phẩm về vùng Kinh Bắc cổ xưa.

*

Hoàng Cầm đã ra đi ngày 6 tháng 5 năm 2010. Biết rằng ông đã bị ngã và phải nằm một chỗ từ mấy năm sau cùng, nhưng chúng tôi không khỏi buồn, thương và tiếc. Tôi nhớ lại những lời thơ Phùng Quán đọc tặng Hoàng Cầm khi tinh thần ông trở nên suy sụp sau mấy năm tù đày vì tội gửi văn thơ ra nước ngoài:

Tôi tin núi tàn, tôi tin sông lấp

Nhưng tôi không thể nào tin một nhà thơ như anh lại ngã lòng suy sụp

Ôi nhà thơ đã viết cách đây ba mươi năm những vần thơ lẫm liệt:

– Tiểu đội anh những ai còn ai mất”

– Không ai còn ai mất, chỉ chết cả mà thôi.

 Kẻ trước người sau lao vào giặc

 Giữ vững ngàn thu một giống nòi

Thế gian có một ngàn giòng sông

Và một ngàn nhà thơ lớn

Nhưng chỉ có một giòng

May được thơ xưng tụng

Nhờ thơ mà vang vọng, nhờ thơ mà vinh danh

Đó là con sông Đuống, con sông của quê anh

Mà anh xót xa như bàn tay anh rụng

Tôi có một niềm tin, chắc như đanh đóng cột

Ngày mai anh nhắm mắt

Đi sau linh cữu anh, ngoài bạn hữu gia đình

Có cả con sông Đuống

Sông Đuống sẽ mặc đại tang

Khóc bên bồi bên lở, sóng vỗ bờ nức nở

Ngàn đời chịu tang anh…

(Thơ Phùng Quán)

Hoàng Cầm đã từ giã chúng ta thật rồi. Như Phùng Quán, tôi cũng có một niềm tin:  Con sông Đuống của vùng Kinh Bắc, của quê tôi đang nức nở sóng nước đôi bờ để mãi mãi chịu tang ông. 

Nguyễn Đặng Bắc-Ninh