Nguyễn Đức Tùng: Tưởng Niệm Alice Munro (1931-2024)

Ngày 13, tháng 5, năm 2024, Alice Munro qua đời ở thị trấn Port Hope, phía đông Toronto, sau mười năm bị bệnh mất trí nhớ, bệnh ung thư và tim mạch, trong sự thương tiếc của người đọc ở Canada và trên thế giới. 

Tôi nghĩ là tôi biết Port Hope. Khi hàng tuần từ Toronto lái xe đi thực tập ở Queen’s, Kingston, trên xa lộ 401, tôi đã đi qua đó, một thị trấn xinh đẹp với nhiều di tích lịch sử, nằm khoảng giữa hai thành phố kia, trên bờ bắc hồ Ontario, thuộc ngũ đại hồ.  Nếu biết Munro ở đó, tôi đã dừng lại lâu hơn: nhà văn là người của các thôn xóm và thị trấn nhỏ bé, xinh đẹp, khiêm tốn, bí ẩn như phụ nữ, và ngấm ngầm kiêu hãnh.

Mười năm trước đó, 2013, khi trao giải Nobel về văn học cho Alice Munro, người phụ nữ thứ mười ba trên thế giới nhận giải thưởng này, đại diện của Hàn lâm viện Thụy Điển đã gọi bà là “bậc thầy của truyện ngắn đương đại”. Một đánh giá cao về thành tựu nghệ thuật và tất nhiên khó khăn mới đạt được. Lúc ấy, nhiều người đã ngạc nhiên hỏi nhau: bà này ở đâu ra vậy trời? 

Kín đáo, Alice Munro không phải là người của công chúng, ít khi xuất hiện trên báo chí, ngoại trừ tác phẩm của mình. Cách đây nhiều năm, khi tôi đến một buổi hội thảo về Munro ở Vancouver, sau giải Man Booker International, với nhiều nhà văn nổi tiếng như Margaret Atwood đọc những tham luận xúc động, đầy yêu mến, nhằm tuyên dương tác phẩm của bà, tác giả đã không có mặt. Trên thế giới, nhiều người vẫn không biết đến bà- mặc dù năm 2005, tuần báo Time đã chọn Munro là một trong 100 nhân vật có ảnh hưởng nhất- cho đến ngày 10 tháng 10 năm 2013. Ngày hôm đó, Ủy ban giải thưởng Nobel không thể liên lạc được với nhà văn để báo tin vui. Độc giả cũng không tìm đọc bà như tìm đến các tên tuổi khác, dù đôi khi họ bắt gặp bà một cách tình cờ trên kệ sách. Trong khi đó, ngược lại, trong những tuyển tập Bắc Mỹ được tuyển chọn kỹ hàng năm, bởi nhiều nhà văn khác nhau, suốt nhiều năm, tôi không mấy khi không nhìn thấy tên bà. Những mô tả tỉ mỉ trong truyện của Munro có thể rất dài, làm bạn mất kiên nhẫn, nhưng bao giờ cũng nằm trong một cấu trúc cần thiết, đôi khi là sự chuẩn bị bắt buộc phải có, như lòng thương xót trong “Vũ điệu của những cái bóng hạnh phúc” hay “Thị trấn giữa đường”, tình yêu loài vật và ý thức nữ quyền trong “Con trai và con gái”, con đường cho người già mất trí nhớ (dementia) đi vào cõi trần gian khác, trong “Thấp thoáng mặt hồ”, một truyện có tính dự báo khủng khiếp. Những nhân vật sợ hãi sự thân mật của con người, như trong truyện “Xe lửa”, lòng ngây thơ và sự phản bội trong “Corrie”, câu chuyện phiêu lưu tình cảm của người mẹ trong “Trôi về Nhật bản”. Đó là những chuyện tình yêu, nhưng không phải là chuyện tình chúng ta hay gặp. Có một thứ tình cảm khác, sâu xa, ẩn mình phía sau, có một lời nói thầm, nửa cảnh giác, một chú ý lặng lẽ đối với thói vô tâm của con người. Lặng lẽ nhưng đau đớn. Cũng tương tự thế, trong truyện Sỏi đá, việc ngoại tình của một người đàn bà, thói phiêu lưu, sự thờ ơ trưởng giả của một người đàn ông, lối sống vô trách nhiệm của chàng nghệ sĩ, đưa đến hậu quả không ngờ. 

Sinh ngày 10 tháng 7 năm 1931, ở Wingham, Ontario, Canada, Alice Munro có tên khai sinh là Alice Ann Laidlaw. Cha của bà là chủ nông trại, mẹ là cô giáo. Có nguồn gốc tổ tiên từ Scotland, truyền thống Thiên chúa giáo, bà lớn lên trong thời Đệ nhị thế chiến và những giai đoạn kinh tế khó khăn.  Trải qua tuổi thơ ở Huron County, rồi theo học đại học Western Ontario, nhưng rời trường sớm khi lập gia đình năm hai mươi tuổi. Bà và chồng từng sống ở Vancouver và trên một hòn đảo ngoài khơi Vancouver nhiều năm. Sau khi cuộc hôn nhân đầu tiên tan vỡ, bà trở về quê cũ Huron County, tình cờ gặp lại người bạn thời thơ ấu, một giáo sư đại học, và họ mau chóng trở thành đôi bạn thân, sau đó lập gia đình với nhau. Ontario là tỉnh bang lớn nhất Canada, phía nam có khí hậu ôn hòa, cảnh sắc xinh đẹp, đất nông nghiệp bằng phẳng, nhiều sông hồ. Nhờ vào những truyện ngắn nổi tiếng của bà, quang cảnh vùng Huron County xuất hiện nhiều lần trong truyện, trở thành một xứ sở được nhiều người biết, gần như huyền thoại.  

Alice Munro nhận nhiều giải thưởng, trong đó ba lần giải General Governor, giải thưởng danh giá nhất Canada, và Man Booker International năm 2009. Dù sức khoẻ yếu, bà có khả năng làm việc đều đặn, bền bỉ. Tác phẩm (tạm dịch): Vũ điệu những cái bóng hạnh phúc (giải GG), Cuộc đời những cô gái và đàn bà, Mi nghĩ mi là ai, Tiến triển của tình yêu (giải GG), Chạy trốn. Năm 80 tuổi, xuất bản tập Quá sức hạnh phúc. Tiếp sau đó, trước sự ngạc nhiên của nhiều người, tác phẩm mới Cuộc đời yêu dấu. Một truyện của bà, Gấu về qua núi, một chuyện tình cảm động, được Sarah Polley chuyển thành phim với các tài tử Julie Christie và Gordon Pinsent. 

Alice Munro viết về những người bình thường với ngôn ngữ giản dị, trong trẻo, đẹp. Nhưng đó là bề ngoài dễ gây ngộ nhận. Thật ra văn của Munro không dễ hiểu. Người đọc cần chú tâm đến từng dấu hiệu mà bà để lại dọc đường. Truyện của bà biểu hiện một nghệ thuật quan sát mà mô tả xác thực, có khi tường tận, một cách cố ý. Nhưng đằng sau bản mô tả khách quan ấy, đằng sau bức tranh về một cảnh vật cụ thể và sinh động, bản tường trình về cuộc đời, người đọc cảm nhận có một điều gì khác nữa như một hiện thực thứ hai. Sự phân tích tinh tế, sự quan sát sắc bén đối với các hành vi cá nhân và khác biệt giai cấp, cảnh giàu nghèo, sự hy sinh, tính chung thủy, sự dối trá, những tình cảm gia đình, được ghi lại một phần nhờ những kinh nghiệm bà đã có được khi lớn lên ở vùng thị trấn nhỏ. Có người nhận xét rằng Munro ít viết về tình yêu, nhưng thật ra nhiều truyện của bà đều phảng phất một thứ tình tuy được diễn tả chấm phá nhưng với nét bút mạnh mẽ, dường như đầy ẩn ý. Ngòi bút của bà khi đề cập đến các đề tài khác như phụ nữ, tình dục, đều táo bạo bất ngờ. Alice Munro đã nói về lối đọc truyện và viết truyện của mình, 

trích trong cuốn “The art of short fiction” của Gary Geddes: “Tôi sẽ bắt đầu bằng cách giải thích cách tôi đọc truyện của nhà văn khác như thế nào. Có thể nói, tôi bắt đầu đọc chúng bất kỳ ở đâu, từ đầu truyện đến cuối truyện, từ cuối truyện ngược lên, từ bất cứ điểm nào ở giữa chúng, theo hướng xuôi hay ngược. Như vậy rõ ràng tôi không nắm lấy một câu chuyện và cứ đi theo như thể đó là con đường, sẽ mang tôi tới nơi nào đó, với những quang cảnh và lối rẽ rất gọn gàng dọc theo con đường ấy. Tôi bước vào truyện ngắn, đi lui đi tới, ngồi xuống nơi này nơi kia, hoặc ở lại đó đây một lát. Truyện ngắn giống như ngôi nhà. Mọi người đều biết ngôi nhà là gì, nó chứa các phòng, những cửa ngách liên lạc giữa các phòng và trình bày một khuôn mặt ngoài mới mẻ như thế nào. Đây là cách gần nhất với sự giải thích mà tôi có thể có về việc một truyện ngắn ảnh hưởng ra sao đối với tôi, như người đọc, và tôi muốn những truyện ngắn của mình làm gì với người đọc của tôi.”. Thật ra các nhà phê bình có những cách nhìn nhận rất khác nhau đối với nghệ thuật của Munro. Tác phẩm của bà là hiện thực hay là tưởng tượng phi hiện thực? Đầy xúc cảm hay hoàn toàn lạnh lùng? Những cuộc đời trong ấy là của những người bình thường mà ta hay gặp, hay là những số phận đặc biệt, ngoại hạng? Bà là nhà văn của người đọc bình dân hay là nhà văn của giới tinh hoa? Là một kiểu mẫu Chekhov thứ hai hay là người chống Chekhov?  So với Raymond Carver, hay William Trevor, bà đứng ở đâu? Một ngày sau khi Alice Munro qua đời, ngày 14 tháng 5, trong một thông báo báo chí, thủ tướng Canada Justin Trudeau lên tiếng ca ngợi: “Alice Munro là một trong những người kể chuyện vĩ đại nhất của thế giới. Truyện của bà về đời sống, tình bạn, các mối quan hệ giữa người và người để lại dấu ấn rất sâu xa trong lòng người đọc.” 

Trong một cuộc phỏng vấn với Geoff Hancock, Munro cho rằng cả yếu tố cốt truyện và khung cảnh câu chuyện đều không quan trọng lắm trong truyện ngắn. “Điều gì xảy ra như một sự kiện thật chẳng quan trọng gì. Khi một sự kiện trở thành vấn đề quan trọng, truyện ngắn đó không có khả năng phát triển”.  Cảm xúc (feeling), theo bà, đóng vai trò lớn hơn. “Tôi cũng không nghĩ khung cảnh truyện là hệ trọng. Nhiều người nghĩ rằng tôi là một nhà văn viết truyện địa phương. Và tôi sử dụng các địa phương nơi tôi lớn lên làm vật liệu sáng tạo. Nhưng tôi không biết cách nào để diễn tả một điều gì đó, ở một nơi nào đó, với mục đích định trước. Những việc ấy xảy ra và nơi chốn là một phần của nó. Chẳng qua đó chỉ là sự tình cờ.”

Có thể cho rằng cái mà Alice Munro gọi là cảm xúc (feeling) chính là khí hậu của truyện. Khí hậu ấy thường xoay quanh một hình ảnh trung tâm, hình ảnh ấy được chiếu rọi bởi một bên là khả năng quan sát khách quan, gần như lãnh đạm, và một bên là khả năng thương yêu nồng nàn nhưng sâu kín. Sự mô tả đối với các tình huống, các tâm trạng, các diễn biến đi vào chi tiết chính xác, vì chi tiết nên mới chính xác, và vì chính xác nên phải chi tiết. Chính vì vậy, bà để mất một số độc giả không quen với việc đọc truyện kiểu ấy, lối đọc tinh tế, đồng cảm nhưng lại không thương cảm bi ai, và ngược lại, trở thành nỗi quyến rũ không ngớt đối với nhiều người đọc khác, những người đặt cược vào sự chính xác như bà. Từ sự chính xác ấy mà các quyết định riêng tư của cá nhân, những hy sinh và sai lầm của họ, bỗng lộ diện bất ngờ, làm kinh ngạc bất cứ một người đọc điềm tĩnh nào. Thật ra, sự chính xác cũng là bổn phận của tình yêu. 

Đối với tôi, nếu có một thông điệp trong truyện của Alice Munro, thì đó là: Con người dễ tổn thương. Đừng làm tổn thương họ. 

Tôi xin phép giới thiệu một truyện của Alice Munro.

Nguyễn Đức Tùng

***

Truyện ngắn Alice Munro:  SỎI ĐÁ 

Nguyên tác: Gravel

Người dịch: Nguyễn Đức Tùng

Thuở ấy chúng tôi sống gần một hố sỏi. Đó không phải là loại lớn được đào bởi máy khổng lồ, chỉ là một cái hố nhỏ do một nông dân nào đó đào bán lấy tiền nhiều năm trước. Thực ra cũng khá cạn khiến bạn có thể nghĩ nó được dùng vào mục đích khác, như làm móng nhà, dù ngôi nhà ấy chưa bao giờ được xây lên. 

Mẹ tôi vẫn luôn nhắc mọi người nhớ đến nó. “Chúng tôi sống bên cạnh một cái hố sỏi cũ gần bên con đường dịch vụ”, bà bảo, rồi cười, bởi vì bà rất hài lòng đã rũ bỏ mọi thứ liên quan đến ngôi nhà kia, con đường nọ – người chồng – với cuộc đời của bà trước đây.

Tôi chẳng mấy khi nhớ đến cuộc đời ấy. Đúng ra tôi nhớ rõ vài đoạn nhưng không mạch lạc nên bạn khó dựng nên một bức tranh hoàn hảo. Tất cả những gì còn lại trong tâm trí tôi về ngôi nhà là giấy dán tường với hình những chú gấu nhồi bông trong căn phòng cũ của tôi. Còn trong nhà mới, thực ra là một cái nhà kéo di động (1). Chị tôi, Caro, và tôi có một cái giường đôi, hai tầng chồng lên nhau, nhỏ hẹp. Thoạt tiên khi mới dọn về, chị Caro trò chuyện thật nhiều với tôi về ngôi nhà cũ, cố gắng làm cho tôi nhớ lại nó, cái này cái kia. Chị Caro nói chuyện khi chúng tôi lên giường ngủ, câu chuyện kết thúc mỗi khi tôi chẳng thể nào nhớ lại, khiến chị rất đỗi bực mình. Đôi khi tôi nghĩ là tôi nhớ, nhưng để phản đối hoặc sợ nhớ sai tôi liền giả vờ quên tất. 

Chúng tôi rời nhà tới cái nhà di động kia vào một mùa hè. Mang theo con chó. Blitzee. “Con Blitzee thích sống ở đây,” mẹ tôi nói thế, mà cũng đúng. Làm sao một con chó lại không cảm thấy thích được sống ở một nơi thôn dã hơn là một đường phố, ngay cả với những sân cỏ lớn và những ngôi nhà to bự? Nó sủa ăng ẳng khi thấy một chiếc xe chạy qua như thể nó làm chủ con đường, thỉnh thoảng tha về nhà một con sóc hay một con nhím giết được. Mới đầu Caro rất bực chuyện này, và Neal phải bỏ thời gian trò chuyện với chị ấy, giải thích về bản tính tự nhiên của loài chó và về dây chuyền sự sống, ở đó tất phải có một vật này ăn thịt một vật kia. 

“Nhưng nó có thức ăn của chó rồi,” Caro cãi, nhưng Neal trả lời. “Thế liệu nó không có thì sao? Nếu một ngày kia tất cả chúng ta biến mất và con chó phải tự chăm lo lấy mình?”

“Con sẽ không biến mất đi đâu cả,” Caro nói. “Con sẽ không biến mất, lúc nào con cũng săn sóc nó kia mà.”

“Con nghĩ vậy à?” Neal nói và mẹ tôi liền xen vào để lái câu chuyện theo hướng khác. Neal lúc nào cũng sẵn sàng nói chuyện về chủ đề những người Mỹ và bom nguyên tử, nhưng mẹ thì không nghĩ rằng chúng tôi sẵn sàng cho mấy đề tài ấy. Bà không biết rằng khi chú đề cập tới chuyện ấy tôi lại tưởng là chú đang nói về mấy ổ bánh mì nguyên tử nào đó. Tôi biết là có một cái gì đó rất sai lầm trong diễn dịch của tôi, nhưng tôi không dại gì mà đặt câu hỏi và bị người khác cười cho vào mũi. 

Chú Neal là một kịch sĩ. Trong thị trấn có một nhà hát mùa hè chuyên nghiệp, thứ rất mới vào thời ấy, khiến cho một số người phấn khích và một số khác lấy làm lo lắng, sợ rằng nhà hát sẽ đem lại cho cuộc sống ở thị trấn sự xáo trộn và những thứ lăng nhăng khác. Mẹ và cha tôi ở trong số những người thích thú, nhưng mẹ tôi hoạt động tích cực hơn, vì bà có nhiều thì giờ. Cha tôi là nhân viên bảo hiểm và do công việc ông phải đi lại nhiều. Mẹ tôi trở nên bận rộn với những chương trình gây quỹ khác nhau cho nhà hát và tình nguyện làm không công như người kiểm soát vé và hướng dẫn chỗ ngồi ở trong rạp hát. Mẹ tôi xinh đẹp và khá trẻ khiến người ta nhầm bà với một nữ nghệ sỹ. Bà bắt đầu mặc áo quần như một nghệ sĩ thật, với khăn voan, váy đầm dài, những dây chuyền lủng lẳng ở cổ. Bà để tóc rũ ra có phần hoang dại và thôi không dùng các thứ trang điểm cũ. Tất nhiên vào lúc đó tôi chẳng hiểu gì, thậm chí không để ý đến những thay đổi ấy. Mẹ tôi là mẹ tôi. Nhưng chị Caro để ý. Và cha tôi cũng vậy. Mặc dù thế, tôi biết tính cách của ông và cảm xúc mà ông dành cho vợ, tôi nghĩ chắc ông cảm thấy tự hào vì vợ mình trông xinh đẹp với kiểu ăn mặc mới khiến bà trở nên duyên dáng biết bao giữa người khác trong rạp hát. Sau này khi cha tôi có dịp nhắc lại thời kỳ ấy ông vẫn nói rằng ông luôn ủng hộ các hoạt động nghệ thuật. Tôi có thể hình dung mẹ tôi bối rối đến mức nào mỗi khi cha tôi tuyên bố điều này trước những người bạn từ nhà hát, cảm thấy ngượng và cười để che dấu ngượng ngập. 

Thế rồi điều gì phải tới đã tới, ai cũng thấy, trừ cha tôi. Tôi không biết liệu chuyện ấy có xảy ra với những người thiện nguyện khác không. Tôi biết, mặc dù tôi không nhớ chắc rằng cha tôi đã khóc và suốt ngày đi sau lưng mẹ tôi, lẩn quẩn trong nhà, không rời mắt khỏi bà và không thể nào tin được chuyện mẹ tôi vừa kể. Và thay vì nói một câu nào đó khiến ông cảm thấy an ủi, bà lại kể một chuyện gì đó làm ông đau khổ hơn. 

Mẹ nói với cha rằng đứa bé trong bụng là con của chú Neal.

Thế em có chắc không?

Chắc. Mẹ có ghi xuống ngày tháng.

Thế rồi chuyện gì xảy ra? 

Cha tôi không khóc nữa. Ông phải trở lại làm việc. Mẹ tôi dọn đồ đạc và đưa chúng tôi đến ở với chú Neal trong cái nhà di động mà chú tìm được ở vùng ngoại ô. Sau đó mẹ tôi nói rằng mẹ cũng khóc. Nhưng bà nói thêm bà cảm thấy được sống lại. Có thể là lần đầu tiên trong đời mình, bà thực sự sống. Cảm thấy được trao cho một cơ hội, bà bắt đầu làm lại cuộc đời. Bà bước ra khỏi nhà đi lướt qua những chén nĩa bằng bạc, những đĩa sành sứ, những vật trang trí, và khu vườn đầy hoa và những cuốn sách trên kệ của mình. Bây giờ bà mới thực sự sống, chứ không phải chỉ đọc trong sách. Bà để lại những bộ quần áo treo lủng lẳng trong tủ áo và để lại những đôi giày cao gót nằm im lìm trên giá treo giầy cao vút. Chiếc nhẫn kim cương và chiếc nhẫn cưới nằm ngay ngắn trong hộc bàn. Áo đầm mặc ngủ bằng tơ lụa nằm trong ngăn tủ. Bà dự định sẽ đi lòng vòng quanh xóm ít nhất vài lần hoàn toàn khỏa thân, khi thời tiết ấm áp cho phép. 

Kế hoạch ấy không thực hiện được, bởi vì khi bà định làm thế, Caro liền bỏ chạy và núp trong cái giường cũi của mình và ngay cả Neal cũng nói rằng chú không hào hứng gì về chuyện ấy cả. 

Thế chú nghĩ sao về tất cả mọi chuyện? Neal. Cái triết lý của chú, như chú nói sau này, là hãy hoan nghênh bất cứ điều gì xảy ra cho bạn. Mọi thứ đều là món quà. Chúng ta cho đi và chúng ta nhận lại. 

Tôi cảm thấy nghi ngờ về những người trò chuyện kiểu ấy, nhưng tôi biết rằng tôi không có quyền nghĩ thế.

Thật ra chú Neal cũng không phải là một diễn viên. Chú có dịp đóng kịch, chú bảo, như là một thứ thể nghiệm, thử việc mà thôi. Để tìm xem chú có thể biết được điều gì về khả năng của mình. Ở trường đại học trước khi bỏ học, Neal đã từng diễn một vai trong vở nhạc kịch Vua Oedipus (2). Chú cảm thấy thích – cảm giác được cho đi, được hòa quyện với người khác. Rồi một ngày kia trên đường phố Toronto, chú tình cờ gặp một người bạn đang trên đường đi nhận việc mùa hè với một công ty nhà hát ở thị trấn nhỏ. Chú liền đi theo, vì chẳng có việc gì khác để làm, và cuối cùng nhận một việc trong khi người bạn kia thì không kiếm được việc gì. Chú đóng vai Banquo. Đôi khi người ta để cho nhân vật hồn ma Banquo xuất hiện, đôi khi không. Lần ấy họ muốn hồn ma xuất hiện và chú Neal vào vai thích hợp. Kích thước vừa vặn. Một con ma hiện hình thành người rõ ràng.

Chàng trai nghĩ đến việc trải qua mùa đông ở thị trấn này, ngay trước khi mẹ tôi bất ngờ đưa ra sự gợi ý đáng ngạc nhiên của bà. Trước đó chú đã chấm cái nhà di động. Chú có đủ kinh nghiệm làm thợ mộc để chọn công việc sửa chữa cho nhà hát, công việc ấy sẽ kéo dài cho đến mùa xuân năm sau. Chú cũng chỉ nghĩ xa đến thế là cùng. 

Caro cũng không cần phải đổi trường. Chị ấy đứng đợi xe buýt ở cuối một khoảng đường ngắn chạy vòng qua cái hố sỏi. Caro phải kết bạn với những đứa trẻ ở thôn quê, và có lẽ đã phải giải thích điều chi đó với những đứa trẻ ở thị trấn mà chị ấy kết bạn năm trước đó nữa, nhưng nếu Caro có gặp khó khăn gì về chuyện ấy thì tôi cũng chưa hề nghe chị nói ra. 

Con chó Blitzee lúc nào cũng đứng chờ chị tôi bên đường khi chị đi học về nhà. 

Tôi không đến nhà trẻ bởi mẹ tôi không có xe hơi. Nhưng tôi chẳng lấy làm phiền không có bạn. Chị Caro, mỗi khi về nhà, là quá đủ cho tôi. Còn mẹ tôi lúc nào cũng vui cười. Mùa đông năm ấy khi tuyết bắt đầu rơi, mẹ tôi và tôi liền đắp một người bằng tuyết và bà hỏi, “Chúng ta sẽ gọi người tuyết này là Neal chứ?” Tôi bảo cũng được và chúng tôi trang trí lên nó nhiều thứ hoa hòe làm người tuyết trông thật vui nhộn. Rồi chúng tôi quyết định chạy ùa ra khỏi nhà khi xe chú vừa tới đầu ngõ và kêu lên, đây là Neal đây là Neal đây, nhưng đưa tay chỉ về phía người tuyết, thế mà chú Neal liền nhảy ra khỏi xe hơi nổi dóa và la lên rằng chú sẽ lái xe đâm vào tôi. 

Đó là một trong vài lần hiếm hoi mà tôi thấy chú có cử chỉ như một người cha thực sự. 

Những ngày mùa đông ngắn ngủi kia dường như kỳ lạ đối với tôi – trong thị trấn, ánh sáng bừng lên lúc chiều tối. Nhưng trẻ con đã quen thuộc với những thay đổi. Đôi khi tôi tự hỏi mình về căn nhà cũ. Thật ra tôi cũng không nhớ nó lắm hay muốn về sống lại trong ngôi nhà ấy – tôi chỉ tự hỏi nó bây giờ ra sao, đi đâu rồi.

Thời gian hạnh phúc của mẹ tôi với chú Neal trải dài từ ban ngày sang đêm tối. Nếu tôi bỗng thức giấc và muốn đi vệ sinh, tôi liền gọi mẹ. Bà tới ngay, hạnh phúc, nhưng chẳng có vẻ gì vội vã, với một vài miếng quần áo hay khăn quàng quấn vội quanh người – cùng với mùi thơm mà tôi nghĩ là của những ngọn nến và của âm nhạc. Và của tình yêu. 

Một điều gì xảy ra có vẻ không an lành được thế, nhưng tôi chẳng chú ý lắm để tìm hiểu nó. Con chó Blitzee, vốn không lớn, nhưng cũng không quá nhỏ để nằm trong áo khoác của chị Caro. Thế mà Caro cũng làm được việc ấy, tôi chẳng biết bằng cách nào. Không chỉ một lần mà hai lần. Chị giấu con chó trong áo khoác của mình khi ngồi trên xe buýt tới trường, và rồi thay vì tới trường, Caro mang con chó trở lại ngôi nhà cũ của chúng tôi, thật ra cũng chỉ cách đó một dãy phố. Đó là nơi cha tôi tìm thấy con chó nhỏ, nằm trong cái vòm che mùa đông, không khóa lại, khi ông về nhà sau bữa ăn trưa một mình. Thật ngạc nhiên thấy con chó nằm ở đó, tìm thấy đường về nhà như một con chó trong chuyện cổ tích. Caro gây nên chuyện lớn khi tuyên bố rằng không hề gặp con chó suốt cả buổi sáng, khiến cho ai nấy phát hoảng lên. Thế rồi chị phạm sai lầm khi lặp lại việc ấy một lần nữa, một tuần sau, và lần này mặc dù không ai trên xe buýt hoặc ở trường nghi ngờ gì về Caro, chính mẹ tôi đã bắt đầu nghi ngờ. 

Tôi không nhớ có phải cha tôi đã mang con chó trả lại cho chúng tôi hay không. Tôi không thể nào hình dung ông tới đứng bên trong tòa nhà di động của chúng tôi, hay đứng ở cửa, hay ngay cả đi trên đường dẫn tới nó. Có thể chú Neal đã trở về ngôi nhà cũ của chúng tôi và mang con chó đi. Thật khó mà hình dung. 

Nếu câu chuyện tôi kể gây cảm giác Caro là đứa con gái đau khổ, hay bày mưu tính kế tối ngày, thì không đúng đâu. Như tôi kể, chị đã từng cố gắng làm cho tôi phải nói ra nhiều chuyện, khi đi ngủ buổi tối, nhưng chị cũng không hay than thở buồn rầu. Tính Caro không hay hờn dỗi. Chị cũng không tìm cách gây cảm tình ở người khác. Chị thích những người nào thích chị, chị thích làm không khí sôi nổi lên bằng cách hứa làm một chuyện gì cho tôi với vẻ hoan hỉ. Nhưng chị thường nghĩ về chuyện ấy hơn cả tôi.

Bây giờ thì tôi nghĩ rằng Caro là người hay để tâm đến mẹ tôi. 

Chắc chắn chị đã bị tra hỏi về việc chị đã làm gì với con chó. Tôi có thể nghĩ ra thêm vài chuyện khi cố nhớ lại.

“Con làm thế để chơi thôi.”

“Thế con có muốn ra đi và sống với cha con không?”

Tôi tin là có người đã hỏi chị thế và Caro đã trả lời là không. 

Tôi chẳng hỏi Caro gì cả. Điều chị ấy làm đối với tôi cũng không có gì kỳ lạ. Có lẽ mọi việc cũng thường xảy ra như thế với bọn trẻ nít như tôi – không có gì mà những đứa trẻ lớn tuổi hơn làm khiến chúng tôi phải cảm thấy ngạc nhiên. 

Gia đình có một hộp thư bằng thiếc gắn trên cọc ngoài sân, gần đường. Mẹ tôi và tôi đi tới đó mỗi ngày, trừ những ngày mưa bão lớn, để xem có gì cho chúng tôi không. Hai mẹ con làm việc ấy sau khi tôi ngủ trưa dậy. Đôi khi đó là thời gian duy nhất mà chúng tôi ra khỏi nhà. Buổi sáng chúng tôi coi ti vi chương trình trẻ con – hoặc mẹ đọc sách trong khi tôi coi. (Mẹ vẫn không thôi đọc sách suốt một thời gian dài.) Chúng tôi hâm nóng những hộp súp làm thức ăn buổi trưa, rồi tôi đi nghỉ trong khi mẹ đọc sách. Cái bụng ngày càng lớn, và đứa bé đạp lung tung khiến tôi cũng có thể cảm thấy được. Tên của nó là Brandy, bất kể trai hay gái.

Một ngày kia chúng tôi đi lấy thư và trước khi tới hộp thư, không xa, mẹ tôi bỗng dừng lại và đứng sững người im lặng. 

“Im,” mẹ tôi bảo, mặc dù tôi chẳng nói gì cả mà cũng không hề lấy đôi ủng cào qua cào lại trên tuyết như mọi khi. 

“Thì con vẫn im lặng mà,” tôi nói.

“Suỵt. Quay người lại.”

“Nhưng chúng ta chưa lấy thư.”

“Không cần. Cứ bước.”

Và tôi lập tức nhận ra con Blitzee, lúc nào cũng chạy theo chúng tôi, khi thì ngay phía trước, khi thì ngay phía sau, không còn ở đó nữa. Một con chó khác, đang đứng bên kia đường, cách hộp thư vài mét.

Mẹ tôi gọi điện thoại cho nhà hát khi vào trong nhà và để cho con chó Blitzee chạy tuột vào, lúc ấy nó đang đứng chờ chúng tôi bên cửa. Không ai trả lời điện thoại. Mẹ lại gọi nhà trường và nhờ một người nào đó yêu cầu người lái xe buýt chở Caro về tận nhà. Nhưng người tài xế không thể làm thế được, vì tuyết xuống nhiều quá từ lúc chú Neal xúc tuyết, nhưng người tài xế vẫn ngồi quan sát Caro cho đến khi chị ấy bước hẳn vô nhà. Không ai thấy một con chó sói nào cả. 

Chú Neal cho rằng chẳng hề có một con chó sói nào như thế ở vùng này. Và nếu có, chú bảo, thì chúng sẽ không làm hại ai, chúng rất yếu như những con thú đang ngủ đông. 

Caro nói chó sói không phải là loài ngủ đông. “Tụi con học được chuyện ấy ở trong nhà trường.”

Mẹ muốn chú Neal mua một khẩu súng.

“Em nghĩ là anh sẽ đi mua một khẩu súng, vào rừng và bắn chết một con chó sói mẹ, có lẽ đang có một bầy con núp trong bụi rậm và nó đang tìm cách bảo vệ chúng, như cách mà em đang bảo vệ các con của em chăng?” Chú Neal dịu dàng bảo vậy.

Caro nói, “Chỉ có hai. Chúng chỉ có hai con vào một lúc thôi.”

“Được rồi, được rồi, chú sẽ nói chuyện với mẹ con.”

“Anh thật không biết gì cả,” mẹ tôi nói. “Anh không biết liệu có cả sói con đang đói hay không.”

Tôi không bao giờ nghĩ là mẹ tôi lại nói với chú với lời lẽ như thế. 

Chú nói, “Từ từ. Từ từ. Hãy suy nghĩ một lát xem. Súng là một cái gì rất nguy hiểm. Nếu anh đi mua một khẩu súng, anh có thể nói gì đây? Nói là chiến tranh Việt Nam cũng tốt thôi? Hay là chính anh cũng phải đi đánh nhau ở Việt Nam?”

“Nhưng anh không phải là một công dân Mỹ.”

“Em không chọc tức được anh đâu.”

Đó là những lời nói qua nói lại và cuối cùng chú Neal cũng không mua súng. Chúng tôi không bao giờ thấy lại những con chó sói nữa, nếu quả thật có một con như vậy. Tôi nghĩ là mẹ tôi từ đó không ra lấy thư nữa, nhưng cũng vì bụng bà quá lớn đi lại khó khăn.

Tuyết tan mau. Cành cây trụi hết lá và mẹ tôi bắt chị Caro phải mặc áo khoác vào buổi sáng, nhưng buổi chiều khi về nhà chị kéo lê cái áo sau lưng. Mẹ bảo trong bụng bà có hai đứa sinh đôi, nhưng bác sĩ bảo chỉ có một. 

“Tuyệt,” chú Neal nói, thích thú cái ý tưởng có con song sinh. “Bác sĩ mà biết cái gì.”

Cái hố sỏi đã đầy lên vì tuyết tan ra và cả nước mưa. Vì vậy Caro phải đi sát bờ nước trên đường tới chỗ chị chờ xe buýt. Nơi đó trở thành một cái hồ nhỏ, yên tĩnh và đẹp lạ lùng dưới bầu trời trong sáng. Caro mặc dù chẳng hy vọng nhiều cũng hỏi rằng liệu bọn trẻ chúng tôi có thể chơi ở đó không. 

Mẹ tôi bảo đừng có điên. “Cái hồ ấy phải sâu đến bốn, năm mét.”

Chú Neal nói, “Có thể chỉ sâu hai mét.” 

Caro nói, “Ngay gần bờ thì không sâu thế đâu.”

Mẹ nói, sâu lắm. “Nó sâu tận sát bờ, chứ không phải giống như ở bờ biển thoai thoải cát đâu. Phải tránh cho xa, đồ cái con quỷ tha ma bắt kia.”

Mẹ tôi bắt đầu nói những chữ tục tĩu gần đây ngày càng nhiều, nhiều hơn cả chú Neal, và nói với giọng rất bực bội. 

“Chúng ta cũng đừng để cho con chó chạy tới gần đó chứ?” bà hỏi.

Chú Neal bảo cái đó không phải lo. “Chó có thể bơi được.”

Một ngày thứ Bảy. Caro xem cuốn phim Kẻ khổng lồ thân thiện cùng với tôi, khen chê lung tung làm hỏng cả cuộc coi phim. Chú Neal nằm trên ghế bành, kéo ra thành chiếc giường cho chú và mẹ tôi. Chú hút thuốc lá, vì chú không thể hút ở chỗ làm việc cho nên vào cuối tuần chú hút nhiều lên. Đôi khi Caro làm phiền, tới hỏi xin thử một hơi. Có một lần chú để cho chị ấy hút thử nhưng bảo đừng nói cho mẹ biết.

Tôi cũng ở đó nên chú cũng bảo tôi thế. 

“Anh biết là ông ấy có thể mang các con ra khỏi đây ngay lập tức,” mẹ tôi bảo, “Đừng bao giờ làm lại nữa.”

“Không bao giờ nữa,” chú Neal cũng đồng ý thế. “Thế nếu ông ấy lại đầu độc toàn chúng bằng cách toàn cho ăn mấy thức ăn khô đóng gói sẵn thì sao?”

Mới đầu chúng tôi không gặp cha mình. Thế rồi sau lễ Giáng sinh một kế hoạch được hai bên đồng ý vào các ngày thứ Bảy. Sau mỗi lần thăm viếng bao giờ mẹ cũng hỏi chúng tôi có vui không. Khi nào tôi cũng trả lời có và nghĩ thế thật, bởi vì tôi nghĩ là nếu bạn đi coi phim hay ra bờ hồ ngắm cảnh hay được ăn trong một hiệu ăn, thế có nghĩa là bạn có một thời gian vui vẻ. Chị Caro cũng nói có, nhưng giọng của chị ấy làm như thể chuyện ấy không phải là công việc của mẹ tôi. Thế rồi cha tôi đi nghỉ lễ vào mùa xuân ở Cuba (mẹ tôi nhận xét với chút ngạc nhiên nhưng có lẽ cũng tán đồng) và cha trở về với triệu chứng bị cảm cúm nặng, nên những cuộc gặp gỡ tạm hoãn. Chúng sẽ được nối lại vào mùa xuân, nhưng sau đó thì không xảy ra nữa.

Sau khi truyền hình đã tắt, chị Caro và tôi đi ra ngoài chạy lòng vòng, như mẹ nói để thở hít một chút khí trời mát mẻ. Chúng tôi mang con chó theo. 

Khi chúng tôi ra ngoài, việc đầu tiên làm là cởi khăn quàng ra, chúng được mẹ tôi quàng vào cổ mỗi đứa. Caro hỏi tôi muốn làm gì và tôi trả lời không biết. Chị hỏi cho có hình thức nhưng tôi trả lời thành thật. Chúng tôi để con chó dẫn đường và con Blitzee bao giờ cũng chạy ra phía cái hầm sỏi nhìn xuống. Gió thổi khiến nước dựng lên thành những con sóng nhỏ, chúng tôi cảm thấy lạnh, lại quàng khăn trở lại. Tôi không nhớ chúng tôi đứng đó bao lâu, khi đi bộ dọc theo hầm sỏi, chỉ biết là người đứng ở nhà không thể nhìn thấy chúng tôi. Sau một lát, tôi nhận ra tôi đang được chỉ dẫn. 

Nghĩa là tôi sẽ trở về nhà và nói với chú Neal và mẹ tôi một điều gì đó. 

Rằng con chó đã rơi xuống nước. 

Con chó rơi xuống nước và Caro sợ là nó sẽ chìm mất. 

Blitzee. Chết đuối.

Chết đuối.

Nhưng con Blitzee không nhảy xuống nước.

Cũng có thể nó nhảy. Và chị Caro cũng có thể nhảy xuống nước để cứu nó. 

Tôi nhớ là tôi cãi lại với chị rằng Caro đâu có nhảy, chị không hề nhảy, chuyện ấy có thể xảy ra nhưng nó đâu đã xảy ra. Tôi cũng nhớ rằng chú Neal đã nói là chó không thể chìm.

Caro vẫn muốn tôi làm đúng những điều chị ấy căn dặn kỹ càng.

Tại sao?

Có thể tôi đã hỏi chị như thế, cũng có thể tôi đã đứng đó không vâng lời và cố ý tìm cách cãi lại chị.

Trong tâm trí mình tôi có thể thấy chị Caro bồng con chó nhỏ lên đẩy nó ra xa, mặc dù con chó cố bám lấy cái áo khoác của chị. Thế rồi chị nhảy lùi lại. Caro nhảy lùi lại và chạy về phía bờ nước. Chạy, nhảy, ùm một cái xuống nước. Nhưng tôi không thể nào nhớ được tiếng bõm của nước khi chị ấy nhảy vào, và con chó nữa, tiếng của cả hai. Không hề nghe tiếng bõm của nước hay tiếng bùm lớn hơn. Có lẽ vào lúc ấy tôi đã trở về nhà chăng- chắc là vậy. 

Khi tôi nằm mơ thấy điều ấy, lúc nào tôi cũng chạy. Và trong giấc mơ của tôi lúc nào tôi cũng chạy, cũng chạy, không phải về phía căn nhà mà ngược lại về phía cái hố sỏi. Tôi có thể nhìn thấy con Blitzee trồi lên ngụp xuống và Caro bơi về phía nó, bơi một cách mạnh mẽ, lao tới để cứu con chó lên. Tôi có thể nhìn thấy chiếc áo choàng của chị ấy màu sọc nâu nhạt, cái khăn quàng cổ, khuôn mặt thành công tự hào, mái tóc đỏ sẫm, những đường uốn lượn cong của tóc trôi bập bềnh trên sóng nước. Tất cả những điều tôi có thể làm là nhìn ngắm và hạnh phúc – chẳng ai cần đến tôi cả vào lúc ấy. 

Thật ra điều tôi làm chỉ là đi bộ về phía căn nhà. Và khi vào nhà rồi tôi đã ngồi xuống như thể đó là một cái băng ghế dài trong khi thật ra chiếc nhà di động không hề có thứ gì để ngồi như thế. Tôi đã ngồi xuống và chờ đợi điều sắp xảy ra.

Tôi biết như thế vì đó là một thực tế đã xảy ra. Tôi không biết, dù vậy, tôi định làm gì hay suy nghĩ ra sao. Tôi cứ chờ đợi, có lẽ thế, một màn mới trong vở kịch của Caro, hay trong vở kịch của con chó.

Tôi không nhớ tôi đã ngồi đó lâu bao nhiêu, năm phút, hay nhiều hơn? Hay ít hơn? Trời không lạnh lắm.

Tôi đã từng đi thăm một chuyên gia tâm lý về chuyện này và bà ấy thuyết phục tôi rằng có lẽ tôi đã tìm cách để mở cánh cửa của căn nhà di động nhưng nó bị khóa lại. Khóa lại bởi vì mẹ tôi và chú Neal đang nằm ngủ với nhau và khóa lại để khỏi bị làm phiền. Nếu tôi đã từng gõ lên cánh cửa thì chắc họ sẽ giận lắm. Người chuyên viên cố vấn lấy làm hài lòng đã đưa tôi đến kết luận này, và tôi cũng lấy làm thỏa mãn nữa. Trong một lúc. Nhưng rồi tôi không nghĩ rằng điều đó thực sự đã xảy ra. Tôi không nghĩ là họ đã khóa cửa lại, bởi vì tôi biết có một lần họ đã từng không khóa cửa khi chị Caro tình cờ bước vào, trông thấy cảnh ấy, và họ cười phá lên nhìn vẻ sửng sốt trên mặt chị Caro.

Có thể tôi đã nhớ rằng chú Neal đã từng nói chó thì không bị chết đuối, nghĩa là chị Caro tìm cách cứu con Blitzee là không cần thiết. Thế là chuyện của chị ấy tạo ra trò chơi kia không thể tồn tại. Bao nhiêu là trò chơi mà Caro nghĩ ra.

Liệu tôi đã từng nghĩ rằng chị ấy biết bơi. Vào chín tuổi nhiều đứa cũng biết bơi. Thực tế là Caro đã từng đi học một lớp vào mùa hè năm trước, và rồi chúng tôi rời nhà đến cái nhà di động và chị ấy chẳng còn được đi học nữa. Hay là Caro nghĩ rằng chị ấy có thể biết bơi đủ rồi. Mà tôi thì lại tưởng rằng chị ấy có thể làm được bất cứ điều gì mình muốn.

Người cố vấn tâm lý không tin rằng tôi cảm thấy khó chịu vô cùng khi phải tuân theo những lời chỉ dẫn của Caro nhưng cảm tưởng ấy của tôi là có thật. Điều đấy có vẻ không đúng lắm. Nếu tôi đã lớn hơn nữa thì có thể. Vào lúc ấy tôi vẫn còn thần tượng chị Caro lắm và tin rằng chị ấy sẽ làm đầy ắp thế giới của mình. 

Tôi ngồi đó bao lâu? Chắc không lâu lắm. Và thế nào tôi cũng đã gõ cửa. Sau một lúc. Sau một phút hay hai phút. Dù thế nào mẹ tôi cũng đã mở cửa không biết vì sao. Như có một linh cảm dị thường.

Kế đó, tôi đã lọt vào bên trong nhà. Mẹ tôi gào thét và cố để làm cho chú Neal biết chuyện gì xảy ra. Chú ấy đứng dậy cố gắng trò chuyện với mẹ tôi, chạm tay vào người bà, với một vẻ nhẹ nhõm, dịu dàng và khuyên nhủ. Nhưng đó không phải là chuyện mẹ tôi muốn chút nào, bà giằng tay chú ra và chạy vọt ra khỏi cửa. Chú lắc đầu và nhìn xuống những bàn chân trần của mình, với những ngón chân to bất lực. 

Tôi nghĩ là chú có nói một điều gì đó với tôi với cái giọng buồn rầu như hát. Kỳ lạ.

Tôi không còn nhớ một chi tiết nào khác nữa. 

Mẹ tôi không nhảy ùm xuống nước. Bà cũng không vì vậy mà bị sinh non. Đứa em trai của tôi Brent, chỉ sinh ra sau đó một tuần hay mười ngày, sau lễ an táng, và nó sinh ra đủ ngày đủ tháng. Trong thời gian chờ đợi để sinh con, mẹ tôi ở đâu thì tôi không nhớ. Có thể bà được giữ lại trong bệnh viện và được cho thuốc an thần với liều tối đa vì lý do sức khỏe.

Tôi nhớ ngày đám tang rất rõ ràng. Một người đàn bà vui vẻ và thoải mái vô cùng mà tôi không biết tên là Josie – dẫn tôi đi chơi. Chúng tôi đi thăm nơi này nơi nọ, một vài tòa nhà búp bê khá lớn, để tôi vào đó, rồi cho tôi ăn vào buổi trưa với những món ăn mà tôi thích nhưng không ăn quá nhiều khiến tôi phải đau bụng. Josie là người mà sau này tôi biết rõ. Cô là bạn của cha tôi, hai người quen nhau ở Cuba, và sau khi cha tôi và mẹ tôi li dị, cô trở thành mẹ kế của tôi, người vợ thứ hai của cha tôi.

Mẹ tôi từ từ bình phục. Bà phải thế thôi. Bà cần coi sóc Brent vừa mới sinh và đa phần là chăm sóc tôi. Tôi nghĩ là tôi đã ở bên nhà của cha tôi và Josie khi mẹ tôi bắt đầu ổn định trong căn nhà nơi bà dự định ở suốt đời. Tôi không nhớ đã từng tới thăm Brent ở đó cho đến khi nó đủ lớn để ngồi trên chiếc ghế cao của trẻ con.

Mẹ tôi trở lại công việc ở nhà hát. Mới đầu mẹ làm việc như một người thiện nguyện, dẫn đường cho khách, nhưng vào thời gian tôi đi học, bà có một việc thực sự ăn lương, và có việc quanh năm. Bà là người quản lý kinh doanh của rạp hát. Cái rạp hát vẫn tồn tại được, việc kinh doanh khi lên khi xuống, nhưng đến giờ vẫn còn.

Chú Neal không tin tưởng vào các cuộc lễ tang, vì vậy chú đã không đến dự tang lễ của chị Caro. Chú cũng chưa bao giờ nhìn thấy mặt của Brent. Chú viết một bức thư – tôi biết điều này rất lâu về sau – nói rằng bởi vì chú không có ý định làm cha, vì vậy tốt nhất là ra khỏi cuộc đời của mẹ tôi ngay từ đầu. Tôi cũng không bao giờ nhắc đến chú với đứa em trai của tôi, bởi vì tôi nghĩ điều đó có thể làm cho mẹ tôi khó chịu, cũng vì Brent không có tí gì giống với chú Neal cả, mà trong khi đó lại có vẻ giống ba tôi khiến tôi đôi lúc cũng tự hỏi chuyện gì đã xảy ra vào thời gian mẹ tôi thụ thai. Cha tôi chẳng bao giờ nói gì về điều đó và sẽ không bao giờ. Cha tôi đối xử với Brent cũng như đối với tôi nhưng vì ông thuộc loại lúc nào cũng làm thế cả.

Cha tôi và dì Josie không có con với nhau nhưng họ chẳng lấy làm phiền chi. Dì Josie là người duy nhất từng nói về Caro, mặc dù không thường xuyên lắm. Dì nói rằng cha tôi không đổ lỗi cho mẹ tôi. Ông cũng nói rằng ông quá bận rộn khi mẹ tôi muốn có một chút hạnh phúc thoải mái. Ông cần phải có người nhắc nhở và ông đã nhận được sự nhắc nhở ấy, không có gì phải đau khổ hối hận về chuyện đó. Nếu không có cái nhắc nhở ấy thì chẳng bao giờ ông tìm thấy dì Josie và hai người chẳng bao giờ có thể hạnh phúc như bây giờ.

“Hai người nào?” Tôi hỏi thế để thách thức ông và ông có thể trả lời một cách rõ ràng, “Josie. Josie, tất nhiên.”

Mẹ tôi không thể nào nhớ lại thời gian ấy, mà tôi cũng không muốn nhắc nhở làm chi. Tôi biết rằng mẹ tôi đã từng lái xe tới chỗ chúng tôi ở, và thấy mọi chuyện đều thay đổi như ngôi nhà kia mà bạn thấy bây giờ đã được xây trên nền cũ, bà nhắc đến điều ấy với một vẻ bực bội, tôi cũng đi xuống vùng đất cũ nhưng chẳng dám nói với ai. Tất cả những điều có thể được làm trong gia đình vào thời ấy có thể được xem là lỗi lầm.

Ngay cả hố sỏi bây giờ cũng biến thành căn nhà, mặt đất phía dưới đã được nâng cao lên.

Tôi có một đứa bạn cùng phòng, Ruthann, trẻ hơn tôi nhưng tôi nghĩ, khôn ngoan hơn. Hoặc tối thiểu là lạc quan hơn về chuyện xua đuổi tà ma. Tôi sẽ không bao giờ có dịp gặp chú Neal nữa nếu như cô bạn của tôi không thúc giục tôi. Tất nhiên trong một thời gian lâu tôi chẳng hề nghĩ tới mà cũng chẳng có cách nào liên lạc trở lại. Chính là chú ấy cuối cùng đã viết thư cho tôi. Mấy dòng ngắn ngủi để chúc mừng, chú viết thế, sau khi nhìn thấy bức hình của tôi trên tờ thông báo Alumni Gazett. Chú ấy làm gì với tờ báo ấy thì tôi không rõ. Tôi đã nhận được một trong những tấm bằng danh dự thật ra chỉ có giá trị trong một giới hạn hẹp, ngoài ra không có ý nghĩa gì nhiều. 

Chú Neal sống đâu khoảng năm mươi dặm cách chỗ tôi đang dạy học, cũng là nơi tôi từng tới học đại học ở đó. Tự hỏi liệu thời gian tôi còn là sinh viên, chú ấy có ở đó không. Rất gần. Hay chú ấy trở thành một nhà nghiên cứu, học giả? 

Mới đầu tôi không có ý trả lời bức thư này, nhưng khi kể cho Ruthann, nó bảo tôi nên trả lời. Thế là tôi gửi cho chú một bức thư qua email, và rồi hai bên sắp xếp gặp nhau. Tôi gặp chú ở cái thị trấn của chú ấy, trong không khí không có vẻ gì là đe dọa ở một quán cà phê ở đại học. Tôi tự dặn mình nếu chú ấy trông có vẻ đáng sợ – tôi không biết rõ tôi có ý gì khi nghĩ đến chữ ấy – tôi sẽ bước ra thẳng. 

Chú Neal trông có vẻ thấp hơn hồi trước, như khi đã lớn chúng ta nhớ lại người quen thời nhỏ tuổi. Tóc thưa và cắt ngắn đến sát da đầu. Chú mời tôi một tách trà. Chú cũng uống trà.

Chú làm gì để sống?

Chú bảo chú dạy kèm học sinh để chuẩn bị các kỳ thi. Cũng giúp đỡ họ viết các tiểu luận. Đôi khi chú cũng viết hộ các luận án. Tất nhiên chú lấy tiền.

“Không phải vì thế mà có thể trở thành triệu phú được đâu,” chú nói.

Chú Neal sống trong một khu nhà tồi tàn. Hay khá hơn tồi tàn một chút. Chú thích thế. Tìm mua quần áo ở mấy tiệm rẻ tiền. Cái đó cũng được.

“Hợp với những nguyên tắc của chú.”

Tôi không chúc mừng gì về mấy thứ ấy nhưng, nói thật lòng, tôi không nghĩ là chú chờ đợi một lời chúc mừng nào từ tôi cả.

“Dù sao, chú không nghĩ là đời sống của mình có gì hay ho. Chú nghĩ là cháu muốn biết thêm về chuyện gì xảy ra.”

Tôi lắng nghe, không biết trả lời thế nào.

“Chú đã bị ném đá,” chú Neal bảo. “Thêm nữa chú không biết bơi. Thời mới lớn chú không có một cái hồ bơi nào để tập cả. Chú đã từng suýt chết đuối rồi. Đó có phải là điều mà cháu muốn biết không?”

Tôi trả lời rằng tôi không hề bận tâm gì về chú ấy cả.

Thế là chú biến thành nhân vật thứ ba. Khi ấy tôi liền hỏi, “Chị Caro đã tính toán thế nào trong đầu chị ấy?”

Người chuyên viên tâm lý đã khuyên tôi rằng chúng ta không thể nào biết được. “Có thể là chính chị Caro cũng không biết chị muốn gì, sự chú tâm của người khác? Tôi không nghĩ là chị ấy thực sự có ý định tự tử bằng cách chết đuối. Chỉ cẩn sự chú tâm của người khác về cảm giác buồn bã của chị ấy hay sao?”

Cô bạn Ruthann đã từng nói, “Để làm cho mẹ tôi thực hiện những điều mà Caro muốn? Làm cho chị ấy có tiếng nói hơn và xem thử bà có thể trở lại với cha mình được không?”

Chú Neal nói, “Chuyện ấy chẳng có chi quan trọng nữa. Có thể Caro nghĩ là mình có thể bơi giỏi hơn. Có thể nó không biết là áo choàng mùa đông nặng đến thế hay có thể không có người nào đi qua đó để cứu nó.”

Chú nói thêm, “Đừng mất thời gian nữa. không phải là cháu không nghĩ đến chuyện nếu như mình chạy vội hơn và kịp nói cho mọi người nghe, phải thế không? Cháu không nghĩ là tìm cách làm cho mình cảm thấy có lỗi sao?”

Tôi trả lời là tôi cũng có suy nghĩ đến những thứ mà chú nói, nhưng không phải thế. 

“Điều cần thiết là phải sống hạnh phúc,” chú Neal bảo. “Bất kể chuyện gì đã xảy ra, tập sống thế đi. Cháu có thể làm được. Mọi chuyện sẽ trở nên dễ dàng và dễ dàng hơn. Không liên quan gì đến các hoàn cảnh xung quanh cả. Cháu sẽ thấy mọi chuyện tốt lạ lùng. Chấp nhận tất cả và rồi những bi kịch sẽ biến mất. Hoặc là những bi kịch con người bắt đầu sáng lên rạng rỡ, cách này hay cách khác, và cháu đứng đó, tập sống dễ dàng với cuộc đời.”

Bây giờ thì tạm biệt thôi.

Tôi hiểu điều chú Neal muốn nói. Thực ra đó là điều cần phải làm. Thế nhưng, trong tâm trí tôi, chị Caro vẫn mãi mãi chạy dọc theo bờ nước và ném mình xuống đó, như một người thắng cuộc, còn tôi vẫn đứng im trên bờ, mong chờ ở chị một lời giải thích, và chờ nghe tiếng của làn nước kia bắn lên tung tóe từ mặt hồ yên tĩnh.

Alice Munro

—————

Chú thích:

(1) Trailer, di chuyển được bằng cách kéo theo sau xe hơi, thường dùng ở Bắc Mỹ. Tương tự mobile homes, nhưng chữ sau chỉ các nhà dùng để ở lâu hơn.

(2) Oedipus Rex, hoặc Oedipus the King, vở kịch nổi tiếng của Sophocles.