Nguyễn Gia Kiểng : Chế độ cộng sản đã đến lúc phải cáo chung
Chỉ hơn 1 năm, hai Chủ tịch nước liên tiếp là Nguyễn Xuân Phúc, Võ Văn Thưởng có sai phạm nghiêm trọng, bị buộc phải từ chức. Ảnh : VTV.
Chúng ta cũng không phải lo ngại sự cáo chung của chế độ cộng sản sẽ tạo ra một giai đoạn hỗn loạn. Hoàn toàn không. Đặc tính chung của các đảng và chế độ cộng sản, như kinh nghiệm Liên Xô và các nước Đông Âu đã chứng tỏ, là chúng bốc hơi ngay tức khắc khi dân chủ được công nhận bởi vì sự sống của chúng là sự phủ nhận dân chủ, cũng giống như những bóng ma biến mất ngay khi ánh sáng bừng lên.
Việc bãi chức Võ Văn Thưởng đang gây xôn xao trong dư luận. Nó đã khiến mọi người đồng ý là nội bộ đảng và chế độ cộng sản đang rất rối loạn, điều đáng lẽ đã có thể nhìn thấy trước đó. Hơn lúc nào hết chúng ta cần hiểu là Đảng Cộng Sản Việt Nam đã đến lúc phải tan biến và chế độ cộng sản Việt Nam đã đến lúc phải cáo chung. Để chuẩn bị cho tương lai đất nước.
Khi sự sống ra đi
Trong hai bài gần đây tôi đã báo động là chế độ cộng sản đang rất phân hóa và sắp cáo chung (1). Có lẽ chúng ta sẽ nhìn rõ hơn nếu nắm bắt được logic sống còn của phong trào cộng sản và các chế độ cộng sản, tại Việt Nam cũng như trên thế giới.
Hãy nhìn lại cuộc chiến tranh lạnh giữa hai phe cộng sản và tư bản – hay giữa hai phe cộng sản và dân chủ tùy theo cách gọi – từ sau Thế Chiến II đến khi Liên Bang Xô Viết sụp đổ năm 1991. Phe tư bản mạnh gấp hơn mươi lần phe cộng sản về cả kinh tế lẫn quân sự, nhưng trừ mười năm chót, khi tiến trình sụp đổ của phong trào cộng sản đã gia tốc, phe cộng sản liên tục thắng lợi trong khi phe tư bản liên tục thất bại. Chỉ riêng trong thời gian 5 năm, từ 1975 đến 1980, khối cộng sản đã chinh phục được thêm khoảng mười nước, trong đó có Việt Nam, Lào và Campuchia. Tại sao phe cộng sản yếu hơn hẳn mà lại luôn thắng? Nghịch lý này có một nguyên nhân: chủ nghĩa cộng sản, hay chủ nghĩa Mác – Lênin.
Ngay khi ra đời – giữa thế kỷ 19 với bản Tuyên Ngôn Cộng Sản – chủ nghĩa cộng sản, với tên gọi lúc đó là chủ nghĩa Mác-xít, đã có một sức quyến rũ ghê gớm. Sức quyến rũ này càng được tăng cường bởi niềm tin ở thắng lợi chắc chắn sau Cách Mạng Tháng 10 Nga năm 1917 và chủ nghĩa cộng sản mang tên mới là chủ nghĩa Mác-Lênin. Ở khắp nơi trên thế giới rất nhiều người sẵn sàng làm tất cả và hy sinh tất cả cho lý tưởng cộng sản.
Sự sai trái và độc hại của chủ nghĩa Mác-Lênin không khó nhìn thấy, nhiều nhà bình luận đã thấy ngay từ đầu và đã vạch ra một cách rất rõ ràng. Tuy vậy cho đến cuối thập niên 1970 nó vẫn lôi kéo được một số rất đông người, kể cả những trí thức danh tiếng nhất. Lý do là vì vấn đề mà nó nêu ra cũng là vấn đề mà lương tâm con người đã đặt ra từ rất lâu mà vẫn chưa có giải đáp, đó là bất công xã hội và chênh lệch giầu nghèo. Kể từ khi bắt đầu văn minh thế giới đã luôn luôn phải sống trong một mâu thuẫn nhức nhối giữa những tư tưởng quảng đại coi mọi người là anh em và một thực trạng xã hội phân biệt chủ và tớ, giầu và nghèo, sang và hèn. Thời nào cũng có những người ao ước xóa bỏ mâu thuẫn đó mà vẫn không được, dần dần sự giầu có trở thành gần như một tội ác. Giêsu Kito từng nói linh hồn người giầu vào được thiên đàng còn khó hơn con lạc đà chui qua lỗ kim. Thế rồi từ thế kỷ 19 một yếu tố rất quan trọng và rất mới xuất hiện và gây choáng váng. Cuộc cách mạng kỹ nghệ đã tạo ra một quyền lực hoàn toàn mới: quyền lực của những nhà tư bản chủ nhân những công ty lớn theo nhau ra đời. Đây là một quyền lực rất lạ vào lúc đó bởi vì nó không đặt nền tảng trên bạo lực, mà trên sự giầu có. Trong những năm đầu của nó xã hội tư bản cũng cực kỳ man rợ, các trẻ thơ mười tuổi cũng phải làm việc quần quật từ sáng sớm đến tối mịt để được miếng ăn. Sự căm phẫn lên đến mức độ cùng cực. Pierre Joseph Proudon, một trong những nhà tư tưởng lớn nhất của nước Pháp và Châu Âu lúc đó đã hét lên “tài sản chỉ là trộm cướp!” (la propriété, c’est le vol!). Thế giới gần như phát điên (2). Trong bối cảnh đó chủ nghĩa Mac-xít đã ra đời như một giải đáp. Luận điệu giản dị và mị dân nhưng hùng hồn của Marx đem lại cho chủ nghĩa cộng sản một sức thuyết phục gần như vô địch. Phần lớn các trí thức đã bị lôi kéo và kéo theo quần chúng vốn đã phẫn nộ. Cuộc Cách Mạng tháng 10 Nga của Lenin còn đem lại cho cho chủ nghĩa cộng sản, từ đó mang tên chủ nghĩa Mác-Lênin, niềm tin rằng thắng lợi của cuộc đấu tranh giai cấp – cuộc đấu tranh tiêu diệt giai cấp tư sản để xóa bỏ phân biệt giầu nghèo và xây dựng thế giới đại đồng của những con người bình đẳng làm theo khả năng hưởng theo nhu cầu – là tất yếu. Không phải là không có những trí thức đủ sáng suốt, như John Lock, Stuart Mills, John Maynard Keynes và nhiều người khác nữa nhưng tiếng nói của họ bị lạc lõng trong cơn cuồng nhiệt Mác-Lênin. Cuộc chiến tranh lạnh vì thế đã khởi đầu gần như với trái tim của thế giới được dành cho chủ nghĩa Mác-Lênin. Phong trào cộng sản càng mạnh hẳn lên nhờ lòng tin vào chiến thắng sau Thế Chiến II khi cả khối Đông Âu rơi vào quỹ đạo Xô Viết. Nó cũng được các nước nhược tiểu hoan hô vì phần lớn các nước dân chủ Châu Âu đang bị lên án là các đế quốc thực dân. Một cách rõ rệt chủ nghĩa Mác-Lenin đã là sức mạnh duy nhất của phong trào cộng sản. Trong thập niên 1960 tại Pháp và phần lớn các nước Châu Âu có một câu nói thường được nhắc lại là ở lứa tuổi 20 mà không theo cộng sản là không có trái tim. Sức mạnh của phe cộng sản không chỉ là những nước cộng sản mà còn hiện diện ngay trong lòng các nước dân chủ. Thí dụ là tại Pháp cho tới năm 1968 Đảng Cộng Sản luôn luôn được hơn 30% dân chúng ủng hộ, chân dung Marx, Lenin và Mao được dán khắp nơi, các cuộc biểu tình và đình công diễn ra hàng ngày.
Tại Việt Nam khi chủ nghĩa cộng sản được du nhập năm 1945, các trí thức danh tiếng nhất – như Nguyễn Mạnh Tường, Trần Đức Thảo, Tôn Thất Tùng, Trần Đại nghĩa (Phạm Quang Lễ), Hoàng Xuân Hãn, Cù Huy Cận và nhiều người khác – đã ồ ạt hưởng ứng. Cho tới thập niên 1960, sau khi rất nhiều tội ác của Đảng Cộng Sản đã được phơi bày, rất nhiều trí thức và sinh viên đầy thiện chí của miền Nam vẫn say mê đi theo phe cộng sản. Tại Pháp nơi tôi du học trong giai đoạn đó tôi đã mất rất nhiều bạn mà tôi quý mến cả về trí tuệ lẫn nhân cách. Họ đều thuộc thành phần khá giả được ưu đãi tại miền Nam, đều biết đã có những vụ Cải Cách Ruộng Đất và Nhân Văn Giai Phẩm nhưng vẫn theo phe cộng sản. Họ biết tôi nhưng vẫn buộc tôi đủ thứ tội chỉ vì tôi chống lại chủ nghĩa cộng sản. Bây giờ tất cả đều thất vọng.
Sự mê cuồng chủ nghĩa Mác-Lênin đồng thời cũng cho phép phong trào cộng sản thế giới –các đảng cộng sản cũng như các chế độ cộng sản – sử dụng một vũ khí quyết định: khủng bố. Trong đầu óc của đa số quần chúng tại hầu hết các quốc gia cuộc đấu tranh giai cấp là một lý tưởng đúng và đẹp đến nỗi có thể biện minh cho tất cả mọi phương tiện, kể cả bạo lực khủng bố. Và sự thực là khủng bố đã là phương pháp của phong trào cộng sản, để giành chính quyền cũng như để giữ chính quyền. Người ta lên án bạo lực của đế quốc Mỹ nhưng lại tán thành các hoạt động khủng bố dữ dội hơn rất nhiều của phe cộng sản. Hơn thế nữa khủng bố cộng sản còn được coi là dũng cảm, lãng mạn, anh hùng. Che Guevara (một tay khủng bố cộng sản lừng danh, bạn của Fidel Castro, từng tàn sát một cách lạnh lùng hàng ngàn tù nhân chính trị tại Cuba và sau đó muốn chinh phục Châu Mỹ La Tinh bằng chiến tranh khủng bố, cuối cùng bị bắt và hành quyết tại Bolivia) đã là một thần tượng của tuổi trẻ trong thập niên 1960.
Chính phương pháp khủng bố đã khiến phe cộng sản luôn luôn thắng dù yếu hơn nhiều so với phe dân chủ về kinh tế cũng như về quân sự, bởi vì để thắng một lực lượng khủng bố một lực lượng mạnh gấp trăm lần cũng chưa chắc đã đủ. Ngay trước mắt chúng ta trong lúc này cả thế giới cũng chưa dẹp nổi tổ chức khủng bố Nhà Nước Hồi Giáo (IS).
Tóm lại sức thu hút mãnh liệt chủ nghĩa Mác-Lênin và bạo lực khủng bố mà nó cho phép đã là lẽ sống, sức sống và sự sống của các đảng và chế độ cộng sản. Hệ luận tự nhiên là khi chủ nghĩa Mác-Lênin đã bị cả thế giới vất bỏ thì các đảng cộng sản cũng phải tan biến và các chế độ cộng sản cũng phải cáo chung. Và sự thực hiện nay là thế, chủ nghĩa Mác-Lênin không chỉ bị vất bỏ như một sai lầm lố bịch mà còn bị lên án như một tội ác. Sự cáo chung của các chế độ cộng sản không chỉ tất nhiên mà còn nhanh chóng như một sự thức tỉnh.
Tiến trình sụp đổ
Bao giờ chế độ cộng sản Việt Nam mới cáo chung?
Đây là câu hỏi mà đa số người Việt Nam đã đặt ra từ lâu, nhưng đang làm mọi người bồn chồn trong lúc này. Để trả lời ta cần nhìn vào tiến trình sụp đổ của các chế độ cộng sản một khi đã mất lý tưởng.
Điều chắc chắn là một chính đảng chỉ có thể tồn tại được nhờ một lý tưởng đẹp chung, cũng như mọi tổ chức phải có một tinh thần và một muc tiêu đúng đắn chung. Chính vì thế mà các băng đảng xã hội đen đã không lớn lên được. Điều này đúng trong mọi trường hợp nhưng càng đúng trong trường hợp các đảng cộng sản mà lý tưởng cộng sản là lẽ sống và sức sống duy nhất. Khi đảng đã không còn lý tưởng, và hơn nữa lại mang sẵn bản chất khủng bố bất chấp các giá trị đạo đức, thì người ta không còn lý do gì để gia nhập hay tiếp tục ở lại trong đảng. Lý do duy nhất để làm đảng viên cộng sản là quyền lợi cá nhân. Những đảng viên bình thường để khỏi bị chèn ép, những đảng viên năng động để có quyền và tiền. Chỉ còn những người đồng đảng chứ không làm gì còn những đồng chí. Nguyễn Phú Trọng đã rất nông cạn khi nghĩ rằng có thể đốt lò chống tham nhũng. Tham nhũng là bệnh ung thư tự nhiên và bắt buộc của mọi chế độ cộng sản. Nó có sẵn trong bản chất của các chế độ cộng sản và bùng phát khi chủ nghĩa Mác-Lênin bị lột mặt nạ và để lộ chân dung độc hại. Lúc đó tiến trình đào thải bắt đầu.
Có hai biến chuyển chính cần được nhìn rõ trong tiến trình đào thải của một chế độ cộng sản khi lý tưởng Mác-Lênin đã sụp đổ: sự chuyển hóa từ độc tài đảng trị sang độc tài cá nhân và vai trò ngày càng quan trọng của hai thế lực kình địch tuyên giáo và công an trong đảng.
Trước hết chế độ dần dần chuyển hóa từ độc tài đảng trị sang độc tài cá nhân. Lý do là vì một khi đã mất lý tưởng chung người ta không còn lấy được các quyết định chung nữa, những mâu thuẫn nhỏ cũng có thể trở thành khó thỏa hiệp, thậm chí không thể thỏa hiệp. Tập trung quyền lực vào tay một người là một bắt buộc vận hành (operational requirement) để có thể xử lý những vấn đề đặt ra trong đảng cũng như trong bộ máy nhà nước. Chế độ cộng sản Trung Quốc vì vậy đã phải tập trung quyền lực vào Tập Cận Bình mặc dù ông này chẳng có gì là xuất chúng, tương tự như chế độ cộng sản Việt Nam phải tập trung vào Nguyễn Phú Trọng, một người rất giới hạn về kiến thức và tầm nhìn hơn nữa lại rất yếu bệnh. Nhưng tập trung quyền lực vào một người, ngoài việc khiến đảng mất thực quyền và vai trò, còn đặt ra một vấn đề mới: làm thế nào để thay thế nhà độc tài này khi ông ta không thể tiếp tục cầm quyền được nữa? Không có giải đáp bởi vì trong không khí kình địch và tranh giành người ta không thể nhượng bộ; trao toàn quyền cho đối thủ cũng tương đương với đưa gươm cho hắn để giết mình. Kết quả là chế độ bế tắc và sụp đổ. Đó đang là tình trạng của đảng và chế độ cộng sản Việt Nam. Đảng Cộng Sản đã nhất trí là phải thay thế ông Nguyễn Phú Trọng trong chức tổng bí thư ngay từ đại hội 13 đầu năm 2021 bởi vì các ủy viên trung ương đã biểu quyết không thay đổi điều lệ đảng theo đó tổng bí thư chỉ được giữ chức hai nhiệm kỳ, nhưng ngày hôm sau họ đã phải vi phạm nội quy và giữ ông ở lại chức tổng bí thư bởi vì không thể thỏa thuận trên một tổng bí thư mới. Việc loại bỏ Võ Văn Thưởng, đệ tử ruột mà Nguyễn Phú Trọng đã chọn để kế vị mình, chứng tỏ bế tắc vẫn còn nguyên vẹn.
Biến chuyển quan trọng thứ hai sau khi lý tưởng cộng sản sụp đổ là sự mạnh lên của hai phe tuyên giáo và công an. Tuyên giáo để cố giữ độc quyền ngôn luận và cố thuyết phục đảng viên cũng như quần chúng rằng chủ nghĩa Mác-Lênin vẫn còn giá trị. Công an để đàn áp những phần tử cứng đầu không thuyết phục được. Hai thế lực này không thể liên đới với nhau bởi vì không còn lý tưởng chung mà đương nhiên phải tranh giành quyền lực. Ở đầu tiến trình suy thoái phe tuyên giáo mạnh hơn vì đại diện cho ý chí của đảng và chế độ cộng sản nhưng chủ nghĩa càng bị phản bác, số người phản kháng càng đông thì nhu cầu đàn áp càng lớn hơn và phe công an càng mạnh hơn. Tại Liên Xô trước đây, Brezhnev đã chọn Tchernenko một người cũng giáo điều như mình để thay thế mình sau 16 năm cầm quyền nhưng ngay khi ông chết, phe công an đã làm cuộc đảo chính cung đình và đưa Andropov lên cầm quyền. Tại Trung Quốc sau khi chính sách “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” phơi bày bản chất của chủ nghĩa Mác-Lênin, Đảng Cộng Sản Trung Quốc đã nhìn thấy mối nguy và liên tục đưa Hồ Cẩm Đào rồi Tập Cận Bình thuộc phe tuyên giáo lên cầm quyền (cả hai đều là hiệu trưởng trường đảng trước khi làm tổng bí thư đảng). Hiện nay chế độ cộng sản Trung Quốc đang khủng hoảng nặng, sẽ không có gì đáng ngạc nhiên nếu phe tuyên giáo bị loại trừ trong một tương lai gần. Tại Việt Nam ông Nguyễn Phú Trọng cũng đã chọn một người tuyên giáo như ông để thay thế ông, nhưng việc bãi chức Võ Văn Thưởng chứng tỏ phe công an đã mạnh hơn.
Theo logic cũng như kinh nghiệm của các chế độ cộng sản đã sụp đổ thì bình thường phe công an sau cùng thắng phe tuyên giáo nhưng điều quan trọng nhất cần được nhận định thật rõ là dù phe nào thắng cũng chỉ là để nhận ra rằng mình không thể lãnh đạo. Cả hai phe đều bị cô lập và thù ghét trong quần chúng cũng như ngay trong nội bộ đảng.
Phe tuyên giáo bị ghét vì đã ngăn cấm tự do thông tin và ngôn luận quá lâu để dành độc quyền lải nhải những lập luận nhàm chán về sự cao siêu của chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Cũng vô duyên như cứ nhắc đi nhắc lại rằng Lào là nước có những bãi biển đẹp nhất thế giới. Sự nhàm chán dần dần nhường chỗ cho phẫn nộ.
Phe công an đã gây ra quá nhiều thù oán, trong cũng như ngoài đảng. Đã bách hại quá nhiều tù nhân lương tâm, đã vu cáo quá nhiều người vô tội, đã ép buộc các thẩm phán vô liêm sỉ của các vụ án chính trị phải đọc những bản án đã quyết định trước bất chấp những lời bào chữa của các luật sư, đã đánh chết người trong đồn công an v.v. Ngay trong đảng thì tại sao điều tra, buộc tội và bỏ tù người này mà để yên người khác cũng sai phạm không kém. Căm tức chồng chất trong khi quân đội, mạnh hơn nhiều, không thấy có lý do gì để phải phục tùng.
Nói chung dù phe nào thắng cũng phải nhận ra rằng lối thoát duy nhất là chấp nhận dân chủ để làm tác nhân thay vì nạn nhân của của một thay đổi bắt buộc phải đến.
Đến đây chúng ta có thể trả lời câu hỏi “bao giờ chế độ cộng sản sẽ cáo chung?” Câu trả lời là rất gần. Chế độ cộng sản cáo chung vào lúc những xung đột phe phái trong nội bộ đảng trở thành dữ dội đến độ khiến những người cầm quyền hiểu rằng ngoan cố duy trì chế độ còn nguy hiểm cho họ hơn là nhượng bộ dân chủ. Chế độ sụp đổ từ bên trong. Việc trong vòng một năm loại bỏ bốn ủy viên bộ chính trị, truất phế hai chủ tịch nước, cách chức hai phó thủ tướng, khai trừ và bỏ tù hàng tá ủy viên trung ương đảng, bí thư tỉnh ủy, bộ trưởng, thứ trưởng v.v. chứng tỏ rằng thời điểm này đã đến, vấn đề chỉ là những người trong cuộc chưa dám hoặc chưa đủ can đảm để nhìn nhận mà thôi. Họ không thể chần chừ lâu bởi vì chuông đồng hồ đã điểm rồi và hơn nữa một cuộc khủng hoảng kinh tế đang đến gần.
Khai sáng kỷ nguyên thứ hai
Hạn kỳ dân chủ đã đến rất gần. Dĩ nhiên không một người Việt Nam nào có thể có bất cứ lý do chính đáng nào để thương tiếc chế độ này. Phải nhìn nó như một cơn điên của đất nước trong một cơn điên của cả thế giới. Chúng ta đã điên lâu hơn các dân tộc khác do di sản văn hóa văn hóa Khổng Giáo, tương tự như Trung Quốc và Triều Tiên. Phải quên hẳn cơn điên này để chỉ nhìn về tương lai.
Chúng ta cũng không phải lo ngại sự cáo chung của chế độ cộng sản sẽ tạo ra một giai đoạn hỗn loạn. Hoàn toàn không. Đặc tính chung của các đảng và chế độ cộng sản, như kinh nghiệm Liên Xô và các nước Đông Âu đã chứng tỏ, là chúng bốc hơi ngay tức khắc khi dân chủ được công nhận bởi vì sự sống của chúng là sự phủ nhận dân chủ, cũng giống như những bóng ma biến mất ngay khi ánh sáng bừng lên.
Điều mà chúng ta phải sợ là sự ngớ ngẩn không biết phải làm gì khi dân chủ đến. Trách nhiệm của những người mong muốn một tương lai khác cho đất nước là phải chuẩn bị cho một cuộc chuyển hóa về dân chủ trong những điều kiện tốt đẹp nhất. Chúng ta cần một đội ngũ gắn bó của những con người lấy lẽ phải, lòng yêu nước và ý chí xây dựng một nước Việt Nam giầu mạnh làm lý tưởng của đời mình. Chúng ta cần một dự án chính trị đúng đắn và khả thi khẳng định tinh thần hòa giải và hòa hợp dân tộc để mọi người Việt Nam thuộc mọi quá khứ chính trị lập tức nhận nhau là anh em, cùng bắt tay nhau xây dựng và chia sẻ một tương lai chung, đưa đất nước vào kỷ nguyên dân chủ đa nguyên, kỷ nguyên thứ hai trong lịch sử dân tộc.
Một lời sau cùng về trường hợp Võ Văn Thưởng. Trái với suy nghĩ của nhiều người ông Thưởng không phải là nạn nhân của cuộc đấu đá trong nội bộ Đảng Cộng Sản. Trái lại nên nghĩ rằng ông ấy đã may mắn. Nếu tiếp tục làm chủ tịch nước rồi kiêm nhiệm thêm chức tổng bí thư Đảng Cộng Sản thì tương lai của ông ấy cũng sẽ chỉ là vai trò hẩm hiu của một người tắt đèn và đóng cửa.
Nguyễn Gia Kiểng
(28/03/2024)