Nguyễn Gia Kiểng: Tương lai nào cho Lào, Campuchia?
Đây là câu hỏi mà trong gần một tuần lễ tham quan tôi có cảm tưởng rất ít người Lào đặt ra.
Họ không quan tâm lắm tới tương lai đất nước một phần cũng vì nước Lào có rất ít tương lai.
Đất nước chập chồng đồi núi, không có bờ biển, ít dân và tụt hậu. Số phận đương nhiên của Lào là phải gắn bó với Việt Nam để có đường ra biển nhưng từ ba thập niên qua, do trung gian của chính Việt Nam, Lào lại dần dần gắn bó với Trung Quốc. Nhiều người nhìn Lào như một tỉnh của Trung Quốc. Vùng biên giới Boten đã nhượng cho Trung Quốc 99 năm, một thành phố Vạn Tượng mới của riêng người Trung Hoa cũng đang được xây dựng.
Tham vọng của Lào là nhờ sự giúp đỡ của Trung Quốc để trở thành cục pin cung cấp điện cho các nước láng giềng. Lào dự định từ đây tới năm 2040 xây khoảng 100 đập thủy điện trên sông Mékong và các phụ lưu, gần như tất cả do Trung Quốc tài trợ. Tới nay mới chỉ có khoảng 30 dự án khởi công và ba dự án hoàn tất. Không có hy vọng nào là tất cả các dự án này, ngay cả một số dự án đã khởi công, sẽ được thực hiện. Một trong những lý do chính là sông Mékong đã cạn nước rồi. Một lý do khác là Trung Quốc cũng không còn tham vọng như trước đây.
Thời gian ngắn ngủi của cuộc tham quan dành cho vùng Vientiane (Vạn Tượng) và tỉnh Xieng Khouang, giáp với Nghệ An. Xieng Khouang có những “Cánh Đồng Chum” với những chum có cả ngàn tuổi và có rất nhiều quan hệ lịch sử với nước ta, từng là phủ Trấn Ninh của Việt Nam. Một số đông người Lào vẫn còn gọi Xieng Khouang là Trấn Ninh. Xieng Khouang cũng là tỉnh phá kỷ lục thế giới về số bom đã được dội xuống vì nằm trên đường mòn Hồ Chí Minh. Người Lào bây giờ nhiều khi dùng những trái bom không nổ làm hàng rào.
Trên một đồi cao gần biên giới anh hướng dẫn viên người Hmong, rất thạo tiếng Việt, nói những nhà phía xa là thuộc Nghệ An. Tự nhiên thấy rướm nước mắt tự hỏi tại sao mình phải lưu vong dù không hề muốn?
Tương lai nào cho Campuchia?
Đến thăm Campuchia trước hết là để thăm di tích Angkor, đáng lẽ phải được coi là một kỳ quan lịch sử bậc nhất của thế giới. Phải để ra ít nhất một tháng mới thăm được hết những chùa tháp và dinh thự trong khu vực Angkor, thủ đô đầu tiên của đế quốc Khmer, từ thế kỷ 9 đến thế kỷ 15.
Lịch sử Campuchia, đặc biệt là đế quốc Khmer, gắn liền với lịch sử Việt Nam, nhưng không có tài liệu chính xác. Không ai có thể quả quyết các vương quốc Phù Nam, Chân Lạp đã ra đời, lớn lên và tàn lụi như thế nào. Điều gần như chắc chắn là vương quốc Chiêm Thành đã suy yếu và bị sáp nhập vào Việt Nam chủ yếu vì kiệt quệ sau những cuộc chiến với đế quốc Khmer.
Cũng có thể nói những công trình xây dựng (trên 200 tháp và đền, chùa đồ sộ) đã khiến đế quốc Khmer kiệt sức và ngã gục để chỉ còn lại một phần nhỏ là Campuchia hiện nay.
Đến thăm Campuchia cũng không thể bỏ qua những viện bảo tàng và các khu di tích cuộc tàn sát diệt chủng của Khmer Đỏ, trong đó một phần ba dân Campuchia đã bị tàn sát dã man trong vòng 3 năm. Không ai có thể hiểu nổi động cơ của Khmer Đỏ. Điều chắc chắn là sự hung bạo là một hằng số trong lịch sử Campuchia và vẫn là một trở ngại lớn cho tương lai Campuchia. Gần một tuần lễ thăm viếng cũng đủ để nhận thấy sự căm thù của người Campuchia với cả hoàng gia lẫn chính quyền Hun Sen.
Chính quyền Hun Sen do chính quyền cộng sản Việt Nam dựng lên nhưng gần đây lại ngả theo Trung Quốc. Để rồi bây giờ, cũng như Lào, Campuchia không còn lý do để hy vọng vào sư trợ giúp dồn dập của một Trung Quốc cũng đang kiệt quệ.
Nguyễn Gia Kiểng